Tại vì trong thiên tính, một đấng sinh thành vốn có trái tim rất lớn. Khi làm cha mẹ thì ta phải hiểu rằng đứa con là một phần của ta, là sự tiếp nối của ta, nó có như thế nào thì cũng đều do ảnh hưởng rất lớn từ nơi ta. Tuy ta đã trao cho con hạt giống (tức nhiễm thể) rất tốt, nhưng nếu sức tưới tẩm của môi trường độc hại quá mãnh liệt mà ta lại thiếu sự quan sát tinh tế và mở lòng học hỏi để nâng cấp khả năng thấu hiểu, bảo vệ và dạy dỗ đúng đắn thì ta sẽ không thể hiện trọn vẹn được vai trò thương yêu. Từ ý thức “con dại cái mang” ta bỗng trở thành nạn nhân của sự so đo và chạy trốn trách nhiệm “khôn nhờ dại chịu”.
Như vậy đối với liên hệ lứa đôi lại càng mong manh hơn vì rất khó tìm một bên luôn cho nhiều hơn. Tuy không nói ra nhưng cả hai bên đều ngầm hiểu là mỗi bên phải tự đóng góp trách nhiệm ngang bằng nhau. Điều này đúng, nhưng cân bằng không có nghĩa là lúc nào hai bên cũng bỏ ra năng lực bằng nhau, mà khi bên này yếu thì bên kia bù đắp, khi bên kia yếu thì bên này bù đắp, miễn còn đủ khả năng chấp nhận và nâng đỡ nhau thì liên hệ đó vẫn giữ được thế cân bằng. “Em ngã anh nâng”, khi bên nào hao hụt tinh thần và xuống dốc mà bên kia vẫn còn năng lực thì phải có trách nhiệm bước lên vị trí “làm anh” để sẵn sàng đưa cánh tay ra nâng đỡ.
Trong trường hợp một bên thiếu hụt mà bên kia không bù đắp hay không đủ sức bù đắp thì liên hệ đó chắc chắn bị phá vỡ. Ta không thể nói tôi đã bù đắp rồi, bởi trong tình thương chân thật cần có chứng tích của sự kiên nhẫn. Người kia vì yếu hèn, bất lực hay u mê nên mới hành động như vậy. Khi rơi vào nẻo đường tăm tối thì chính họ mới là kẻ khổ đau nhất vì phải hứng chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những gì mình đã gây ra, con đường tương lai sẽ rất mờ mịt nên họ rất cần cánh tay tình thương đưa tới cứu vớt. Nếu ta mệnh danh là người thương mà không có cái ân tình đó thì ta lấy tư cách gì để gọi là thương? Thương mà chỉ muốn bỏ ra ít lại nhận nhiều. Thương mà chỉ muốn chấp nhận những cái hay cái đẹp, còn cái xấu cái dở lại kỳ thị ghét bỏ thì đó chỉ là thái độ đổi chác để giành lấy phần lời lãi trong liên hệ tình cảm mà thôi.
Vậy khi thể hiện vai trò thương yêu ta nên tự đặt cho mình một câu hỏi, ta đang vì mình hay vì người? Phải cẩn thận lắm ta mới không nhầm lẫn với thái độ vì chính ta mà cứ ngỡ là vì người kia. Khi ta đã quan sát và nhìn sâu vào lòng sự vật để thấy rõ tha thứ liền hay chưa tha thứ liền có thể đạt hiệu quả thì ta mới làm quyết định.
Nếu thấy không đủ chín chắn thì ta nên tham khảo với ý kiến của vài người nữa, mà những người này thật sự có hiểu biết và tình thương với ta và cả người gây ra lầm lỡ. Ta đừng đi tìm đồng minh chỉ để làm cho ý kiến của mình thêm mạnh mẽ thì có thể ta sẽ mắc phạm sai lầm lớn hơn.
Thái độ tha thứ hay chưa tha thứ bấy giờ đều nhắm tới mục đích tạo thêm sức ảnh hưởng để trợ giúp người kia thay đổi. Tùy theo từng trường hợp mà ta cần sự tỉnh táo, thông minh và bản lĩnh để quyết đoán. Nếu ta nhận thấy người kia đang rất cần sự tha thứ của ta để họ khôi phục lại đức tin nơi chính bản thân mà cố gắng sửa đổi, thì ta còn chần chờ gì nữa mà không chủ động biểu hiện những hành vi cụ thể để họ thấy được tình thương và đức tin từ nơi ta. Tình thương và đức tin của ta sẽ châm ngòi cho năng lực trong người kia phát sinh trở lại. Nhưng nếu ta biết tha thứ liền có thể làm cho người kia khinh lờn mà không cố gắng học tập chuyển hóa hoặc sẽ dễ dàng mắc lại sai lầm cũ thì ta phải tạm thời đóng vai người lạnh lùng, khô cứng và cần đưa ra vài điều kiện khó khăn để đánh động vào ý thức của người kia thì ta cũng nên làm.
Cả hai trường hợp trên đều vì muốn cho người kia bước tới chuyển hóa chứ hoàn toàn không có sự xen lẫn quyền lợi của cá nhân ta. Người có tình thương chân thật bao giờ cũng muốn đối tượng thương yêu của mình được an vui và hạnh phúc, dẫu có khi ta một mình chịu lấy phần hụt hẫng, xót đau. Ta có thể kiểm soát điều này bằng cách nhìn lại dòng cảm xúc của mình. Nếu ta thấy trong ta chỉ tồn tại cảm xúc tội nghiệp xót thương thay vì muốn trừng phạt hay loại trừ thì ta biết quyết định trên thật sự là vì người kia.
Đôi khi ta dễ dàng tha thứ cho một người bởi vì ta không có tình thương hay không có trách nhiệm với tương lai của họ. Cũng như khi ta tuyên bố không thể tha thứ tại vì họ như thế này thế kia, mà thực chất là vì ta đã quá thương tiếc cho những quyền lợi của chính mình. Họ đã không làm như ý ta, đã xúc phạm danh dự ta, đã làm tổn thương ta, đã để ta thất vọng và đau đớn, vì vậy, họ phải bị trừng phạt tới mức độ mà theo ta như thế mới xứng đáng. Rất nhiều người lạm dụng danh nghĩa “thương cho roi cho vọt” để phục vụ cho cái nhu yếu cảm xúc giận hờn của chính bản thân mình, còn người kia ra sao thì mặc. Đó là bước trượt đáng tiếc trong tình thương.
Như vậy có bốn tâm trạng để diễn đạt. Thứ nhất là bên trong đã tha thứ nhưng bên ngoài làm ra vẻ như chưa tha thứ. Thứ hai bên trong và bên ngoài đều biểu lộ sự tha thứ. Thứ ba bên trong chưa tha thứ nhưng bên ngoài làm ra vẻ như đã tha thứ. Thứ tư là bên trong và bên ngoài đều chưa sẵn sàng tha thứ. Tùy theo từng đối tượng và tình huống mà ta phải tự biết nên chọn cách biểu hiện nào hữu hiệu nhất để giúp đỡ được người kia.
Điều căn bản quan trọng là cả bốn cách đều phải xuất phát từ tình thương có hiểu biết của ta. Tại vì hiểu biết sẽ quyết định tình thương. Dựa vào kinh nghiệm tích lũy lâu đời và kinh nghiệm đối ứng trong từng thời điểm mà mỗi cá thể sẽ có nhận thức và phản ứng khác nhau về một sự kiện. Với người khác thì lầm lỡ đó sẽ không là gì, nhưng với ta là cả một vấn đề hệ trọng. Mà hiểu biết thì luôn luôn thay đổi, vì vậy ta cũng nên cân nhắc khi cho đó là quyết định chín chắn của mình.
Dù người kia có chịu đứng ra xin lỗi để bày tỏ sự ăn năn hối cải hay không thì ta cũng nên nhớ rằng đó chỉ là điều kiện để ta thấy rõ thêm mức độ muốn sửa chữa những sai lầm của họ và là một biên bản ngầm ký kết cho hợp tác giúp đỡ nhau. Thái độ đó chỉ nói lên thiện chí, trong khi nạn nhân cần phải có một chính sách rất rõ ràng về sự cố gắng của bản thân và những bước đi cụ thể thì ta mới có đủ đức tin vào con đường chuyển hóa của họ. Ta đừng để những màn trình diễn lâm ly bi đát đó làm cho con tim yếu đuối của ta rung động rồi buông xuôi tất cả. Như vậy ta chỉ chăm lo cho cảm xúc của riêng mình, chứ không thực sự quan tâm đến sự nên hay hư của người kia.
Cho nên thương yêu là một quá trình luyện tập, không phải muốn thương là thương được đâu. Khi năng lực thương yêu trong bạn mạnh mẽ thì vấn đề tha thứ hay không tha thứ không còn nằm trong sự chọn lựa khó khăn nữa, đó chỉ là biểu hiện giá trị mầu nhiệm của tình thương đúng đắn trong bạn ở mỗi hoàn cảnh mà thôi. Song, xưa nay tha thứ vẫn là sự chọn lựa tuyệt hảo nhất để lay chuyển hay cảm hóa một đối tượng. Khi người kia vướng vào những lầm lỡ thì năng lượng trong họ rất yếu ớt. Ta là người thân yêu của họ mà thu rút lại năng lực tiếp sức, để cho họ tự tìm cách ngoi lên thì đó quả là một thách đố quá lớn. Hoàn cảnh sẽ rất dễ dàng lôi kéo họ đi.
Nếu ta tha lầm thì mức độ hối tiếc sẽ thấp hơn nhiều so với chấp lỡ. Bởi khi ta nhận ra chính thái độ cố chấp của ta đã đẩy người kia rớt xuống vực thẳm thì ta sẽ gánh chịu ăn năn suốt đời. Còn khi phát hiện ra quyết định tha thứ của ta đã không mang lại hiệu quả thì ta vẫn còn cơ hội để cứu chuộc, vì trái tim ta đang trong chiều hướng nở ra và mạnh mẽ chứ không phải co rút lại. Điều đáng sợ nhất là trong quá trình thương yêu mà ta đã để cho trái tim mình càng trở nên bé nhỏ và không còn là vật rung cảm linh thiêng nữa.
Này bạn! Tôi không có ý khuyên bạn hãy trở thành bậc thánh để sẵn sàng chấp nhận và tha thứ hết cho mọi lầm lỡ của con người, nhưng nếu trái tim bạn còn có thể tha thứ thì bạn hãy nghiêng về phía ấy đi. Đừng lựa chọn gì nữa. Đời sống luôn cần có những tấm lòng đó bạn.
Minh Niệm