Cho tới nay thân thế của nhà văn Vũ Anh Khanh vẫn còn là một bí ẩn người ta chỉ biết ông tên thật là Võ Văn Khanh, sanh năm 1926 tại Mũi Né, quận Hải Long, tỉnh Bình Thuận. Trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1950, Vũ Anh Khanh là một cây bút chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Tác phẩm của ông gồm truyện dài như Nửa Bồ Xương Khô, Bạc Xíu Lìn, Cây Ná Trắc và các truyện ngắn như Đầm Ô Rô, Sông Máu, Bên Kia Sông... Tuy nhiên bài thơ “Tha La xóm đạo” mới làm cho rất nhiều người nhớ đến tên tuổi của ông mãi tận sau này.
Xóm đạo Tha La nằm tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Xóm đạo này được thành lập vào khoảng năm 1863 nhờ sự cho phép và khuyến khích của người Pháp. Mặc dù họ đạo Tha La phát triển ngày một mạnh mẽ và vững vàng nhưng người Công giáo Tha La đã phản ứng khi thực dân Pháp ngày một lộ rõ dã tâm khống chế toàn bộ đất nước. Mùa Thu năm 1945 thanh niên Tha La tham gia phong trào kháng chiến ở đất Nam Kỳ và trong chính thời điểm này, nhà thơ Vũ Anh Khanh trong một lần thăm Tha La đã cảm tác tinh thần chống ngoại xâm ấy để bài thơ “Tha La xóm đạo” ra đời.
Vũ Anh Khanh có lẽ là một nhà văn có cuộc đời ngắn ngủi và số phận hẩm hiu nhất trong các nghệ sĩ cùng thời. Ông không được cả hai chế độ miền Nam và miền Bắc thừa nhận tài năng vì các hoạt động chính trị phát xuất từ lòng yêu nước. Vũ Anh Khanh tập kết ra Bắc năm 1954, bị chính quyền miền Nam kết tội là cộng sản do đó suốt thời gian1955-1975, tác phẩm của ông bị cấm không được tái bản, lưu hành, và ngay cả không có tên trong chương trình giáo dục như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên …
Vũ Anh Khanh có lẽ là một nhà văn có cuộc đời ngắn ngủi và số phận hẩm hiu nhất trong các nghệ sĩ cùng thời. Ông không được cả hai chế độ miền Nam và miền Bắc thừa nhận tài năng vì các hoạt động chính trị phát xuất từ lòng yêu nước. Vũ Anh Khanh tập kết ra Bắc năm 1954, bị chính quyền miền Nam kết tội là cộng sản do đó suốt thời gian1955-1975, tác phẩm của ông bị cấm không được tái bản, lưu hành, và ngay cả không có tên trong chương trình giáo dục như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên …
Theo tiết lộ của ông Võ Hồng Cương, Cục phó Cục Tuyên Huấn quân đội nhân dân Việt Nam thì vào năm 1956, Vũ Anh Khanh được nghỉ phép ở Vĩnh Phúc nhưng ông đã sửa giấy phép thành Vĩnh Linh Quảng Trị để từ đó vượt tuyến, bơi qua sông Bến Hải vào Nam tìm tự do. Khi sắp vào được bờ bên kia thì bị phát hiện, bộ đội miền Bắc dùng tên có tẩm thuốc độc bắn chết. Lý do bộ đội phải dùng cung vì để tránh bị Ủy ban quốc tế làm biên bản vi phạm Hiệp định ngưng bắn. Cái chết của ông là một bi kịch cho những con người yêu nước trong một giai đoạn đen tối của lịch sử cận đại.
“Tha La xóm đạo” được nhạc sĩ Dũng Chinh, cũng là người Phan Thiết phổ nhạc vào năm 1964 , sau đó một năm nhạc sĩ Sơn Thảo phổ thành bài hát mang tên “Hận Tha La” và cũng trong năm này nhạc sĩ Anh Tuyền phổ thành ca khúc mang tên “Vĩnh Biệt Tha La”.
Ngoài ra soạn giả cải lương nổi tiếng Viễn Châu cũng đã phỏng theo ý tưởng Vũ Anh Khanh để viết ca khúc tân cổ giao duyên “Tha La xóm đạo.
Bài thơ “Tha La xóm đạo” còn lưu hành tới ngày nay ngoài giá trị nghệ thuật nó còn có tác dụng nhắc nhở cho cả dân tộc về những ngày đau buồn đó. Mời quý vị theo dõi qua giọng đọc Việt Long sau đây:
“Tha La xóm đạo”
Đây “Tha La xóm đạo” Có trái ngọt cây lành Tôi về thăm một dạo Giữa mùa nắng vàng hanh. Ngậm ngùi Tha La bảo: - Đây rừng xanh rừng xanh Bụi đùn quanh ngõ vắng, Khói đùn quanh nóc tranh. Gió đùn quanh mây trắng, Và lửa loạn xây thành. - Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi, Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng. Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng, Có trái ngọt, cây lành, im bóng lá, Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ. Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ! Về chi đây? Khách hỡi? Có ai chờ? Ai đưa đón? - Xin thưa, tôi lạc bước! Không là duyên, không là bèo kiếp trước, Không có ai chờ, ai đón tôi đâu! Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu, Tìm hoa rụng lạc loài bên vệ cỏ, Nhìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió, Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng. Nghìn cánh hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng. Tha La hỏi: - Khách buồn nơi đây vắng? Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng! - Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn? Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn, Gió vi vút, gió rợn rùng, gió rít. Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch: Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La! Bao người đi thề chẳng trở lại nhà. Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn! Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán, Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa, Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa, Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh. Khách rùng mình, ngẩn ngơ lòng hiu quạnh. - Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La! Đây mênh mông xóm đạo với rừng già. Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách. Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch, Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng. | Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng? Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng, Nhẹ bảo chàng: " Em chẳng biết gì ư? Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù! Người nước Việt ra đi vì nước Việt. Tha La vắng vì Tha La đã biết, Thương giống nòi đau đất nước lầm than. " Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng, Ngày hiu quạnh. Ờ.. ơ.. hơ tiếng hát. Buồn như gió lướt lạnh dài đôi khúc nhạc. Tiếng hát rằng: Tha La giận mùa thu, Tha La hận quốc thù, Tha La hờn quốc biến, Tha La buồn tiếng kiếm, Não nùng chưa! Tha La nguyện hy sinh. Ơ.. ơ.. hơ.. có một đám chiên lành. Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy. Quỳ cạnh Chúa, đám chiên lành run rẩy: Lạy Đức Thánh Cha! Lạy Đức Thánh Mẹ! Lạy Đức Thánh Thần! Chúng con xin về cõi tục để làm dân... Rồi... cởi trả áo tu. Rồi... xếp kinh cầu nguyện. Rồi... nhẹ bước trở về trần... Viễn khách ơi! Viễn khách ơi! Người hãy dừng chân. Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé! Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ. Trời Tha La vần vũ đám mây tan. Vui gì đâu mà tâm sự? Buồn làm chi mà bẽ bàng? Ơ... ơ... hơ... ờ... ơ... hơ... tiếng hát Rung lành lạnh ngâm trầm đôi khúc nhạc. Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi! Tha La thương người viễn khách đi thôi! Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ, Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ Lá rừng cao, vàng rụng lá rừng bay... Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này: - Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé! Hãy về thăm xóm đạo Có trái ngọt cây lành. Tha La dâng ngàn hoa gạo, Và suối mát rừng xanh. Xem đám chiên lành thương áo trắng. Nghe mùa đổi gió nhớ quanh quanh. |
Có thể cảm hứng từ khung cảnh của xóm đạo Tha La đã lan sang thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà vì thế vào năm 1958 ông đã cho ra đời bài thơ nổi tiếng khác đó là bài “Hoa trắng thôi cài lên áo tím”. Bài thơ có nội dung của một chuyện tình dang dở lấy khung cảnh chiến tranh trong xóm đạo làm nền. Câu chuyện tình buồn này đã làm cho danh tiếng của nhà thơ Kiên Giang đi vào lòng người đọc mãi tới ngày nay.
Kiên Giang Hà Huy Hà tên thật là Trương Khương Trinh, ông sinh năm 1927 tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ông còn là soạn giả tuồng cải lương nổi tiếng qua nghệ danh Hà Huy Hà. Từ năm 1955 Kiên Giang Hà Huy Hà xuất hiện nhiều trên văn đàn Sài Gòn. Không những làm thơ, soạn tuồng cải lương ông còn là một ký giả kịch trường nổi tiếng cho các tờ báo Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Lập Trường, Điện Tín, Tia Sáng.
Các tác phẩm cải lương của soạn giả Hà Huy Hà không thể quên là “Áo cưới trước cổng chùa”, “Người vợ không bao giờ cưới” rồi “Sơn Nữ Phà ca”…Chính tác phẩm “Người vợ không bao giờ cưới” đã đưa nữ nghệ sĩ Thanh Nga đoạt giải thưởng Thanh Tâm và từ đó Thanh Nga trở thành một ngôi sao trong giới nghệ sĩ cải lương.
“Hoa trắng thôi cài trên áo tím” ngay sau khi xuất hiện giới sinh viên học sinh của miền Nam trong thập niên 60-70 đã đón nhận bài thơ ngoài sự tưởng tượng của nhà xuất bản và của chính tác giả. “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” được giới trẻ chuyền tay nhau và không ít người thuộc lòng bài thơ cho dù vài chục năm sau đó. Chất lãng mạn thường thấy của Thơ Mới, lồng trong bối cảnh chiến tranh tại miền Nam và dư âm của câu chuyện “Tha La xóm đạo” đã khiến bài thơ nổi lên như một nguồn cảm hứng mới cho thanh niên thời bấy giờ. Mời quý vị thưởng thức “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” qua giọng đọc của Khánh An sau đây:
"Hoa trắng thôi cài trên áo tím"
Lâu quá không về thăm xóm đạo từ ngày binh lửa cháy quê hương khói bom che lấp vùng quê mẹ che cả người thương nóc giáo đường Mười năm trước em còn đi học Áo tím điểm tô đời nữ sinh Hoa trắng cài duyên trên áo tím Em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh. Quen biết nhau qua tình lối xóm cổng trường đối diện ngó lầu chuông mỗi lần Chúa nhật em xem lễ anh học bài ôn trước cổng trường. Thuở ấy anh hiền và nhát quá! Nép mình bên gác thánh lầu chuông để nghe khe khẽ lời em nguyện thơ thẩn chờ em trước giáo đường. Mỗi lần tan lễ chuông ngừng đổ Hai bóng cùng chung một lối về E lệ… em cầu kinh nho nhỏ… thẹn thùng… anh đứng lại không đi… Sau mười năm lẻ anh thôi học nức nở chuông trường buổi biệt ly rộn rã từng hồi chuông xóm đạo tiễn nàng áo tím bước vu quy. Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ chiếc áo tang chôn mái tóc sầu | Hoa trắng thôi cài trên áo tím giữ làm chi kỷ vật ban đầu. Em lên xe cưới về quê chồng Dù cách đò ngang cách mấy sông… vẫn nhớ bóng vang thời áo tím nên tình thơ ủ kín trong lòng. Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo Anh làm chiến sĩ giữ quê hương giữ màu áo tím, cành hoa trắng giữ cả trường xưa, nóc giáo đường Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng, Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ Anh gom gạch nát xây tường lũy chiếm lại lầu chuông, giết kẻ thù. Nhưng rồi người bạn đồng sông ấy, Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ Chuông đổ chiều hôm em nức nở… tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ. Hoa trắng thôi cài trên áo tím Mà cài trên nếp áo quan tài điểm tô công trận bằng hoa trắng hoa tuổi học trò mãi thắm tươi. Xe tang đã khuất nẻo đời Chuông nhà thờ đổ khóc người ngàn thu từ đây tóc rủ khăn sô em cài hoa trắng lên mồ người xưa… |
Quý vị vừa theo dõi hai bài thơ “Tha La xóm đạo” của Vũ Anh Khanh và “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” của nhà thơ Kiên Giang. Trong không khí của mùa Giáng Sinh năm 2011 tiếng chuông nhà thờ báo hiệu sự ra đời của Chúa Hài Đồng trên mọi miền đất nước hy vọng rằng tất cả người Việt Nam sẽ không bao giờ gặp lại cảnh tàn phá của Tha La và các mối tình đẹp sẽ không còn dang dở như “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”...