Năm 1944, khi còn là 1 du ca hát rong khắp các miền, nhạc sĩ Phạm Duy đã gặp nàng người Việt lai Anh tên Helene tại Phan Thiết. Lúc này Helene có 2 người con và đã ly dị chồng.
Giữa chàng du ca và người cô phụ trẻ tuổi có một cuộc tình rất nhẹ nhàng, theo Phạm Duy viết trong hồi ký thì đó là một mối tình trong sáng. Hai người đều biết có sự yêu mến lẫn nhau nhưng không ai dám lên tiếng yêu đương. Có thể vào lúc đó, Phạm Duy mang mặc cảm tự ti của anh hát rong trong gánh Cải Lương và nàng chưa ra thoát lối sống goá phụ thầm lặng. Họ chỉ được coi là đang ở mấp mé một cuộc tình. Suốt một tháng trời, hai người dạo chơi trên phố xá đông đảo hay trên bãi cát vắng vẻ, nói với nhau những chuyện trên trời dưới bể, nhưng không bao giờ dám nắm tay nhau hay nói những lời ân ái.
Khi Phạm Duy rời Phan Thiết, giã từ Helene để theo gánh hát vào Nam, bà đã tiễn Phạm Duy trên sân ga xe lửa. Trên bước đường giang hồ, Phạm Duy trao đổi nhiều bức thư (và cả những bài thơ) với Helene. Chuyện tình của họ dừng lại ở những chuyện gặp gỡ, gần nhau, hát và đọc cho nhau nghe những lời ca, lời thơ rồi chia tay nhau, gửi cho nhau những lá thư màu xanh màu tím… Thời gian trôi qua, Phạm Duy sau đó gần như đã hoàn toàn quên lãng người góa bụa trẻ tuổi.
Đến năm 1956, Phạm Duy tình cờ gặp lại Helene khi đang lang thang trước chợ Bến Thành. Lúc này Helene đã có chồng mới và có thêm 3 đứa con nữa, 2 người con riêng đã lớn. Helene mở lời:
– Nếu “ông” rảnh rỗi, xin mời lại chơi. Nhà ở ngay đầu đường Trần Hưng Đạo kia kìa…
Phạm Duy theo Helene về nhà, hai người con riêng là Alice và Roger chạy ra nắm tay ông để chào. Phạm Duy ngỡ ngàng khi thấy Alice vì cô giống mẹ như đúc. Cũng như các nữ sinh khác, Lệ Lan (tên tiếng Việt của Alice) đã biết tới những bài hát của ông như Tình Kỹ Nữ, Bên Cầu Biên Giới, Tình Ca, Tình Hoài Hương… Có lẽ trong tiềm thức của cô thiếu nữ 16 tuổi này đã có dư hương vòng tay bế bồng của Phạm Duy lúc cô mới lên bốn, nên cô quấn quít người nhạc sĩ như người quen biết từ lâu.
Lúc này người nhạc sĩ tên tuổi – vừa bị vướng vào 1 scandal ái tình đáng xấu hổ với em dâu được cả nước biết tới – đã tìm sự an ủi bên mẹ con Helene. Trong lúc Phạm Duy đang có cảm giác bị cả xã hội khinh khi, ghét bỏ, thì hai mẹ Helene và Alice đều nói rằng ông không có lỗi trong cuộc tình ái tay ba đầy tai tiếng. Mặc dù Phạm Duy biết họ nói vậy chỉ là để an ủi và muốn kéo ông ra khỏi sự nhục nhằn, nhưng ông vẫn thấy nguôi ngoai trong lòng. Để ghi lại cuộc gặp gỡ này, Phạm Duy đã phổ nhạc một câu ca dao thành một tình khúc nhan đề Nụ Tầm Xuân, khi in ra có đề tặng Hệ Liên (tên tiếng Việt của Helene):
"Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay!"
Một điều nói thêm là vào thời điểm đó, Phạm Duy đã có 4 người con cùng với ca sĩ Thái Hằng và có cuộc sống hạnh phúc. Thái Hằng là người vợ bao dung, và đặc biệt là rất quảng đại – theo chính lời Phạm Duy ca tụng – Thái Hằng luôn tha thứ cho những mối tình ngoài luồng của chồng mình (kể cả mối tình với chính người em dâu của bà).
- Trong suốt một năm, hằng tuần, Phạm Duy lái xe hơi tới đón Alice đi chơi. Cô không thích người cha dượng, nên ít khi tâm sự với mẹ. Thay vào đó Phạm Duy là người được nghe Alice trút bầu tâm sự của một thiếu nữ vào tuổi dậy thì. Alice là người rất giống mẹ, cả về khuôn mặt, giọng nói lẫn suy nghĩ, nên Phạm Duy có cảm tưởng được quay ngược thời gian sau 12 năm. Khi hẹn hò với Alice, Phạm Duy bắt gặp lại cùng gương mặt, giọng nói, cùng câu chuyện mà Phạm Duy đã trò chuyện với Helene 12 năm trước đó.
Một chiều mùa Thu 1957, Phạm Duy tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ. Mối tình kéo dài 10 năm với những bản tình ca soạn riêng cho Alice là Tìm Nhau, Cho Nhau, Thương Tình Ca, Ngày Đó Chúng Mình, Chỉ Chừng Đó Thôi, Kiếp Nào Có Yêu Nhau… và bài Nghìn Trùng Xa Cách… Phạm Duy cho biết đó là một mối tình trong sáng như đã từng có với Helene, tức là không có đụng chạm về xác thịt, mà đó là mối tình tri kỷ giữa hai thế hệ. Phạm Duy viết trong hồi ký như sau:
Vì vấn đề chênh lệch tuổi tác cũng như vì tôi không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ lúc đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để bước chân lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Giữa chúng tôi, không có ràng buộc, trói chặt nhau. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ.
Năm 1968, Alice lên xe hoa về nhà chồng, Phạm Duy tiễn nàng bằng bài hát “Nghìn Trùng Xa Cách”…
Phạm Duy là người nhạc sĩ tài năng, được xem là nhạc sĩ vĩ đại nhất của nhạc Việt với hàng ngàn bài hát ở hầu hết các thể loại, trong đó nổi tiếng nhất là những bài tình ca. Ông là người đa tình, có đời sống tình ái phong phú ngay cả sau khi đã có gia đình. Từ những cuộc tình lãng mạn đó mà ông viết lên những bản tình ca bất tử được nhiều thế hệ yêu mến. Nhưng cũng vì lối sống phóng túng đa tình mà ông bị nhiều người ghét bỏ.
Trong các mối tình của ông, tai tiếng nhất có lẽ là với người em dâu của vợ. Chính ông cũng không chối bỏ mà thừa nhận trong cuốn hồi ký của mình, ông viết như sau:
*** Tôi biết yêu rất sớm – vào khoảng 12 tuổi – chỉ vì tôi mê đọc truyện lãng mạn và thường được người lớn kể cho nghe những truyện tình. Dục tính trong tôi còn được khêu gợi sớm hơn nữa, ngay từ khi mới lên bẩy lên tám. Được biết những bài học về tình từ lúc còn thơ rồi lớn lên với những cuộc tình quá dễ dãi, tôi luôn luôn đi trên con đường tình ái rất đỗi bình yên. Trong cuộc nội tình đã trở thành duyên thành nghĩa với vợ hiền hay trong những cuộc ngoại tình hoa bướm nào đó, bão tố chưa bao giờ đến với tôi cả.
Nhưng vào năm 1956 này, đổ vỡ đã đến qua một tai nạn ái tình xảy ra giữa tôi và người vợ của em vợ. Đây là lúc chúng tôi bị lôi cuốn vào một ngành nghệ thuật rất mới mẻ là điện ảnh. Tôi vừa ở Pháp về và cộng tác chặt chẽ với anh bạn Đỗ Bá Thế mà tôi đã quen khi còn ở Paris và hứa sẽ cùng anh đi vào công việc thực hiện phim Việt Nam. Lúc đó hai hãng phim lớn ở Saigon là ĐÔNG PHƯƠNG của Đỗ Bá Thế và TÂN VIÊT của Bùi Diễm đang thi đua làm phim tố Cộng với hai cuốn phim Đất Lành và Chúng Tôi Muốn Sống. Đây cũng là lúc tôi rất hung hăng với những thành công quá dễ dãi của mình – trong cả hai địa hạt âm nhạc và điện ảnh – quên hẳn bài học bị bắt giam ở bót Catinat và cái chết của Hồ Hán Sơn, tất cả những chuyện đó xẩy ra cũng vì cái tính háo thắng của tuổi trẻ.
Sự buông thả không kìm chế trong sáng tác cũng như trong đời sống hàng ngày đẩy tôi vào một cuộc tình đáng lẽ tôi nên tránh. Thành thực mà nói, tôi muốn tránh cũng không được. Vì nhu cầu của công tác điện ảnh, tôi sống quá gần gũi với người vợ của em vợ, đôi khi còn phải sống chung ở Hồng Kông hay Manila để hoàn tất cuốn phim. Hơn nữa trong đời sống hằng ngày, lẽ ra vợ chồng tôi nên đi ở riêng sau ngày em vợ lấy vợ nhưng khi dọn tới căn nhà rất lớn đường Bà Huyện Thanh Quan, chúng tôi vẫn cứ ở gần nhau. Thế là vụ ngoại tình xẩy ra.
Nếu tôi sống trong một xã hội Âu Mỹ thì tai nạn ái tình này cũng dễ giải quyết, nhưng vì gia đình nhà vợ – trừ vợ tôi – đã không bình tĩnh lại còn bị hai nhà văn T.N. và T.K.N. xúi giục nên đem vụ này ra chốn công khai, và vì tôi đã nổi tiếng rồi cho nên, khác với câu châm ngôn tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại, chuyện không đẹp này trở thành một sì căng đan rất lớn. Báo chí ở Saigon làm ầm lên đã đành, báo chí Hà Nội còn mỉa mai: Cam ở đất Bố Hạ mà đem vào trồng ở nơi không hợp với thủy thổ là hư ngay
Dù chưa đến độ lúc nào cũng đấm ngực thùm thụp để nhận cái tội gốc của những người mang số kiếp nòi tình, tôi luôn luôn buồn rầu khi phải nhắc lại mối tình cấm (amour défendu) mà tôi cả gan đi vào khi tôi mới ngoài 30 tuổi. Tôi chỉ buồn vì đã làm buồn lòng người vợ, người em. Buồn vì biết rằng những đổ vỡ này sẽ không bao giờ có thể hàn gắn được.
(Đông Kha)