Người đăng quang cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta vào ngày 20/2/1955 tại Sài Gònđó là HH Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932, bà là con gái gốc Bắc, di cư vào Sài Gòn sinh sống trước 1945. Sau khi bước lên ngôi vị cao nhất, cuộc đời Công Thị Nghĩa bước sang một trang mới đầy vinh quang và cay đắng.
Năm 1950, Công Thị Nghĩa tham gia Việt Minh, làm điệp báo tại Sài Gòn. Tháng 7 năm 1952, bà bị thực dân Pháp bắt giam ở bót Catinat – nay là Sở VH,TT&DL TP.HCM. Sau đó, bà bị chuyển qua Khám Lớn Sài Gòn – nay là Thư viện tổng hợp TP. HCM. Trong phiên tòa tháng 6 năm 1953, bà được luật sư Nguyễn Hữu Thọ bào chữa, giải thoát dưới sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Châu Sa (sau này là Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình).
Ra tù, bà Công Thị Nghĩa học thêm và trở thành nhà báo. Chính mối duyên trong những lần bà đi gặp các nhân vật tầm cỡ thời bấy giờ để phỏng vấn đã mở đường cho bà đến với cuộc thi hoa hậu và trở thành người phụ nữ đẹp nhất Việt Nam thời bấy giờ. Phần thưởng cho ngôi vị hoa hậu ngày đó là chiếc Lambretta sang trọng.
Năm 1956, Công Thị Nghĩa dấn thân vào con đường điện ảnh, vai diễn đầu tiên của bà trong phim Chúng tôi muốn sống (đạo diễn Vĩnh Noãn), vào vai Kiều Nguyệt Nga trong phim Lục Vân Tiên (đạo diễn Tống Ngọc Hạp).
Năm 1957, Công Thị Nghĩa cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp đem Lục Vân Tiên sang Nhật Bản lồng tiếng, âm nhạc và tham dự Đại hội điện ảnh châu Á. Chuyến đi đó đã khiến Công Thị Nghĩa không giữ được mình, bà biến thành tình nhân của Tống Ngọc Hạp và có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo.
Trở về Việt Nam với cái bụng bầu, Công Thị Nghĩa chịu rất nhiều áp lực từ búa rìu dư luận, vợ Tống Ngọc Hạp không lên tiếng nhưng xã hội đã thay bà vùi dập Nghĩa xuống bùn đen.
HH Công Thị Nghĩa đặt tên con là Tống Ngọc Vân Tiên và tiếp tục sống tại Sài Gòn dưới chế độ cũ. Tháng 10 năm 1959, bà bị bắt giam hai tháng. Đến năm 1961, bà trốn sang Pháp và đi theo con đường học vấn, trở thành tiến sĩ sử học tại Đại học Paris VII với đề tài Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp. Các nghiên cứu sử học về Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc từ các văn khổ lưu trữ tại Pháp của bà đã được in thành sách và tái bản tại Việt Nam. Sau này, Công Thị Nghĩa về nước nhiều lần giảng dạy ngành du lịch tại nhiều trường đại học.
Nhiều người đồn đại Thị Nghĩa từng là người tình của thi sĩ Bùi Giáng sau khi bà sinh con. Bài thơ “Mắt buồn” là Bùi Giáng viết về Công Thị Nghĩa, sau này Trịnh Công Sơn phổ thành ca khúc ‘Con mắt còn lại’.
Do khi còn là nhà báo, Công Thị Nghĩa lấy bút danh là Thu Trang, bởi thế trong bài thơ viết cho người tình, Bùi Giáng dành tặng cho bà những lời lẽ vô cùng thiết tha:
“Trang của tờ giấy cũ
Của vầng tóc ban đầu
Trang của hồi vàng tụ
Về mệt mỏi mai sau
Anh nhớ em vô cùng
Đất sầu không xiết kể
Anh kêu gọi mông lung
Trang ồ Trang rất tệ”.