TT - "Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noel năm nào chúng mình có nhau. Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt. Áo trắng em bay như cánh thiên thần. Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân".
Người nghe và yêu ca khúc này thì nhiều vô kể, nhưng có mấy ai biết đến cha đẻ của nó hiện là một "ông giáo làng"...
Bài hát ra đời từ một hoài niệm đẹp
Dẫu biết mỗi ca khúc đều có một số phận, nhưng sau hơn 35 năm khi ca khúc ra đời, cha đẻ của Bài thánh ca buồn - nhạc sĩ Nguyễn Vũ - vẫn còn nguyên sự phấn khích: "Tôi không nghĩ ca khúc này lại được nhiều khán giả yêu mến đến thế. Khi viết ca khúc ấy, đơn giản tôi đang hoài niệm quãng thời trai trẻ của mình. Cái thời mà tôi chỉ dám ngắm nhìn người tôi mến, không dám mở lời làm quen".
Ông kể rằng năm 14 tuổi, ông bị mê đắm bởi một cô gái "má đỏ, môi hồng" của thành phố Đà Lạt sương mù. Tình cảm ấy khiến ông cứ lẽo đẽo theo cô trên đường đến nhà thờ. "Trái tim của một gã trai mới lớn thổn thức đến tội nghiệp nhưng tôi lại không có can đảm để làm quen.
Trong một lần tan lễ, trời mưa rất to, cả hai chúng tôi đành phải trú mưa chung dưới một hiên nhà. Lúc ấy cũng đúng ngày lễ Giáng sinh. Cô ấy và tôi đều im lặng. Khi nghe ca khúc Silent night (Đêm thánh vô cùng) phát ra từ nhà bên cạnh, cô ấy lẩm nhẩm hát theo. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi cho đến nhiều năm sau đó, vào năm 1972, tôi đã viết lại cảm xúc của mình". Và Bài thánh ca buồn đã ra đời.
Một câu chuyện tình lãng mạn của một mùa Noel kỷ niệm. Cái lãng mạn, trong sáng và cũng rất tinh tế của bài hát Bài thánh ca buồn vì thế được cả những người Thiên Chúa giáo lẫn những người ngoại đạo đôi lần hát vu vơ trong mùa Giáng sinh se lạnh cuối năm, trở thành một trong những bản nhạc được yêu thích trong các album nhạc Giáng sinh.
Hạnh phúc với vai trò người thầy
Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Nguyễn Vũ không lớn lao như nhiều nhạc sĩ khác, nhưng không ít tác phẩm đã đi vào lòng người. Ngoài ca khúc Bài thánh ca buồn, ông còn được biết đến qua ca khúc Huyền thoại một chiều mưa. Ông bảo: "Tôi đặc biệt thích viết về biển. Cái lạnh khô khốc của gió biển, mùi mặn của nước biển và màu xanh của nó luôn khiến cảm xúc của tôi dâng tràn.
Có lẽ tôi yêu thích biển, viết khá nhiều về biển nhưng tôi vẫn để dành những bài hát đó cho riêng mình". Đó cũng chính là sở thích lạ đời của một nhạc sĩ luôn đổ tâm huyết vào sáng tác. Ông lý giải: "Tôi chưa từng nghĩ đến sáng tác để kiếm tiền, tôi làm vì yêu thích công việc ấy, thế thôi! Hơn nữa, nghề này bạc lắm. Có ai biết đến người sáng tác ca khúc cho dù nó nổi tiếng đâu! Với khán giả, họ chỉ cần biết ai hát ca khúc ấy mà hay như thế là đủ!".
Điều đó khiến ông chẳng còn đặt nhiều quan tâm cho việc phổ biến những ca khúc của mình. Sau này ông không tiếp tục công việc sáng tác nữa. "Điều ấy khiến đến tận bây giờ tôi vẫn còn hối tiếc. Bởi ngưng sáng tác cũng đồng nghĩa với việc tôi mất đi một thói quen trải lòng mình bằng âm nhạc", ông tâm sự.
Không sáng tác nhưng ông lấy công việc dạy nhạc cho lớp trẻ làm niềm vui. Đó là lớp dạy đàn, dạy nhạc mà ông mở tại tư gia của mình (Q.Tân Bình, TP.HCM). "Hình ảnh những đứa học trò cặm cụi, đánh vật với những nốt nhạc như tiếp thêm sức lực cho tôi. Và tôi tin biết đâu một ngày nào đó, niềm vui đó sẽ giúp tôi tiếp tục quay trở lại với công việc sáng tác". Ông tin như vậy.
Chỉ còn một chuyện nhỏ ít ai biết là ca - nhạc sĩ Đức Huy không chỉ là em họ ông mà còn là học trò giỏi của ông mấy chục năm trước. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ là người đã phát hiện và dẫn dắt ca - nhạc sĩ Đức Huy bước vào con đường ca hát.
Không thích kể nhiều về chuyện đã qua, con người lặng lẽ ấy, đến hôm nay chỉ tự hào nói rằng thành công nhất trong suốt cuộc đời ông là bốn đứa con đều thành người. Dù không ai trong số họ nối nghiệp cha nhưng tất cả đều biết đàn biết hát. "Cha con chúng tôi trở thành ban nhạc trong những ngày nghỉ, hội tụ gia đình. Với tôi, như thế là đủ”.