"Đông phong phá"_Một cuộc li biệt nhuốm màu cổ thi. Một cuộc li biệt, không có cảnh nước mắt đẫm khăn tay, không có cảnh dứt áo ra đi.Một cuộc li biệt của duyên phận. Chỉ có kẻ ở lại nghe tiếng tì bà, mượn mảnh trăng chén rượu giải sầu. Đó là cuộc chia li trong giấc mộng mị mơ hồ, mà nước mắt vẫn chảy tràn trên gò má kẻ ở người đi.
Ngày càng nhiều bạn thích nghe Châu Kiệt Luân (Jay Chou) và biết nhiều bài nổi tiếng của anh như “Dạ khúc” (“Nortune”), “Ngàn dặm cách xa” (“Faraway”)..vv... Riêng tôi, vẫn luôn nhớ nhất một bài hát – chính là bài đầu tiên của Jay mà tôi được nghe – “Đông phong phá” (“East wind broken”).
Bài hát không theo phong cách R&B quen thuộc, không có những đoạn rap sôi nổi mà giống một điệu nhạc cổ được tân biên (“Đông phong phá” là tên một khúc nhạc cổ của Trung Quốc).
Mở đầu bài hát, không vẽ ra cảnh chia li, mà vẽ ra cảnh một-cái-bóng-cô-độc.
“Ánh đèn buồn chia li đứng cô đơn bên cửa sổ, ta đứng sau cửa vờ như em vẫn chưa ra đi”.
Nối theo là câu hát nhuốm màu cổ điển:
“Đất cũ như quay về, trăng sáng càng tịch mịch”.
Đoạn ngay sau, vẫn là cảnh cô đơn, là nỗi nhớ nhòe đi, trở nên mơ hồ, đượm men rượu cay:
“Rượu bình lưu lạc, khó uống cạn cuộc du chân trời. Em đi rồi, rượu ấm ngày xưa, ta võ vàng nỗi nhớ”.
Nỗi nhớ ấy tan theo men rượu, trôi chảy theo dòng sông cuốn cả thời gian, rơi theo cánh hoa tàn:
“Nước chảy về đông, thời gian sao gấp gáp, hoa chỉ nở một lần mà ta chẳng kịp ngắm nhìn”.
Đoạn điệp khúc, giai điệu cao lên mà không nhanh hơn. Kẻ đợi chờ như chợt giật mình vì phát hiện có tiếng tì bà gảy khúc “Đông phong phá”.
Giật mình như tỉnh lại đấy, rồi lại chìm đắm ngay vào kỉ niệm thời thơ ấu của đôi thanh mai trúc mã:
“Năm tháng tuổi thơ lộ ra trên bức tường xưa cũ, nhớ ngày xưa đôi ta còn bé, mà nay tiếng tì bà văng vẳng, em có nghe nỗi nhớ của ta?”.
Nhớ và sầu miên man tới tận cuối bài hát. Kỉ niệm vẫn ùa về rất nhiều mà lặng lẽ, không ồn ào, không chảy tràn thành nước mắt, chỉ ngấm vào lòng theo chén rượu mà thôi.
Nhớ từ hồi tấm bé “Con đường xưa ngoài hàng rào, ta từng dắt em qua.
” Cho tới tận khi giã biệt: “Năm tháng đã hoang tàn, đến lúc chia tay sao còn im lặng vậy”.
Giữa bài là một đoạn nhị hồ ai oán, giọt lệ đàn như lặng lẽ chảy ngược vào lòng. Đoạn kéo nhị hồ giống như một kẻ thứ ba chứng kiến, như một người hát rong kể lại câu chuyện buồn.
Một cuộc li biệt, không có cảnh nước mắt đẫm khăn tay, không có cảnh dứt áo ra đi. Một cuộc li biệt của duyên phận. Chỉ có kẻ ở lại nghe tiếng tì bà, mượn mảnh trăng chén rượu giải sầu. Đó là cuộc chia li trong giấc mộng mị mơ hồ, mà nước mắt vẫn chảy tràn trên gò má kẻ ở người đi.
Đây là một bài “thời kì đầu” của Jay, không được biết đến nhiều như “Dạ khúc” hay “Ngàn dặm cách xa”, cũng một phần bởi nó không dễ nghe và càng không dễ hiểu.
Nhưng nghe một lần vẫn muốn nghe lại, nghe lại mãi, bởi bài ca như dòng nước mát chầm chậm đi vào lòng người , giống như người ta uống rượu một lần, hai lần nhưng sẽ uống nước mãi mãi.