B
ài hát “gánh lúa” miêu tả quanh cảnh gánh lúa ở một vùng quê rất đỗi quen thuộc và gần gũi. Thế nhưng cái hay của ca khúc không hẳn chỉ dừng lại ở những nét miêu tả đơn thuần mà tác giả đã ca ngợi phụ nữ Việt Nam trung hậu đảm đang thông qua hình ảnh những mẹ quê tóc trắng, những thiếu nữ thôn quê thật khéo léo và cũng rất tài tình. “ Gánh lúa” còn là thông điệp với những lời chứa đựng rất nhiều tính chiến đấu, tinh thần lạc quan trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1948
Mở đầu là quang cảnh ở một đồng lúa, lúc trời vừa rạng đông.
“Mênh mông mênh mông sóng lúa mênh mông
Lúc trời mà rạng đông rạng đông
Bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng
Bước đều mà quan gánh nặng vai
Chơi vơi, chơi vơi gánh lúa chơi vơi
Dân làng mà làng ơi làng ơi
Tiếng người ơi ới qua làn nắng mới
Vui chân đi tới phiên chợ mai…”
Cảnh vật và con người nơi thôn quê tuy bình dị nhưng thật đẹp đẽ biết bao! Sáng sớm, lúc trời bắt đầu rạng đông, tiếng người ơi ới gọi nhau ra đồng.Vui quá! Không khí đi làm của buổis áng thật rôm rả và tấp nập .
Điệp khúc mênh mông, chơi vơi đem lại cho tôi cảm giác rông lớn của đồng lúa hứa hẹn một mùa bội thu. Tôi rất thích hình ảnh “quang gánh nặng vai”: vất vả đấy, chơi vơi đấy, nhưng lạc quan lắm nhé – vẫn vui chân đi tới phiên chợ mai.
Cảnh tiếp theo chi tiết hơn, tác giả từ đằng xa thấy “bóng người thấp thoáng” nay tác giả đã đến được gần. Trời cũng đã sáng tỏ, và hình ảnh một cụ bà gánh lúa hiện ra.
“Rung rinh, rung rinh, gánh lúa rung rinh
Cánh đồng mà xinh xinh, rằng xinh
Lão bà tóc trắng kẽo kẹt quang gánh
Môi trầu mà tươi đám cỏ xanh
Rung rinh, rung rinh, gánh lúa rung rinh
Sức già mà còn nhanh, còn nhanh
Thóc bà phơi nắng, lúa nhà tôi gánh
Hai vai đem sức nuôi toàn dân.”
Bài hát này đặc biệt ở cách khéo léo dùng điệp từ: “rung rinh”, “kẽo kẹt”. Ôi! Liệu có từ nào hay hơn bằng những từ láy tượng hình này? Chỉ với 2 từ láy thôi mà hầu hết những ai đã từng nhìn thấy cảnh gánh lúa ở quê đều có thể mường tượng ra một cách rõ nét “gánh lúa”, mà không cần phải miêu tả nhiều từ. Cảnh vật như ở ngay trước mắt chúng ta vậy. Mẹ quê tóc trắng – trầu đỏ tươi – đám cỏ xanh, đẹp quá! Mẹ già rồi nhưng sức còn nhanh. Mẹ đem hai vai nuôi toàn dân. Có cách nào ca ngợi người nông dân khéo léo và trân trọng đến như vậy?
Lúa gánh về tới sân thì trời đã về chiều. Việc lúc này là của thiếu nữ thôn quê: xay lúa.
“Ðêm qua trăng mơ sáng khắp thôn quê
Hỡi chàng mà chàng ơi, chàng ơi
Có nàng xay lúa quyến tròn thương nhớ
Thương chàng mà dãi nắng dầm mưa”
“Quyến tròn thương nhớ” – Hay, hay quá ! Bốn từ này đặt vào đây làm rung chuyển lòng người. Mỗi lần nghe đến đây, tôi thường nhớ bà tôi kể về cách xay lúa thời xưa. Cối xay lúa có cần bằng tre, khi xay thì cầm cần xoay tròn. Nên quyến tròn thương nhớ có lẽ là Cô gái vừa xay lúa, vừa nhớ chàng trai ngoài trận mạc, đang đi kháng chiến hành quân, thế nên nàng “thương chàng mà dãi nắng dầm mưa”.
Người ra trận hào hùng chiến đấu, người ở lại hậu phương anh dũng sản xuất. Đó là khí thế của những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Khí thế đó được đưa vào bài hát một cách tự nhiên, đặc biệt là câu cuối mà không cần phải hô hào : đi nuôi dân gánh một thành hai.
“Ðêm qua trăng mơ thức suốt canh khuya
Hỡi chàng mà chàng ơi, chàng ơi
Sớm ngày mai tới, thóc vàng cơm mới
Ði nuôi dân gánh một thành hai.”
Đôi nét giới thiệu với các bạn về ca khúc. Sau đây, xin mời các bạn thưởng thức “Gánh lúa” qua phần trình bày của Ca Sĩ Thái Thanh (bản thu âm trước 1975)