March 29, 2020

TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA _ COME BACK TO SORRENTO


- Cách đây hơn 100 năm, vào ngày 15 tháng 9 năm 1902 khi đón thủ tướng nước Ý Giuseppe Zanardelli đến khách sạn của mình bên vịnh Napoli, thị trưởng của thành phố Sorrento là Guglielmo Tramontano đã nhờ 2 anh em Giambattista và Ernesto De Curtis viết một ca khúc trử tình ca ngợi Sorrento để tặng thủ tướng Ý. Lúc ấy thành phố Sorrento còn sơ sài với những mái nhà tường đất, những con đường lót đá và đầy bụi ven vực biển, người thưa thớt và dịch vụ nghèo nàn. Nhưng Sorrento lúc ấy phải rất đẹp trong nét hoang sơ và ngút ngàn của sóng biển ngàn khơi, những ngọn đồi cao chênh vênh cách mặt biển 50m như cánh cung nhìn ra vịnh Napoli tràn ngập trong ánh nắng miền Địa Trung Hải. Và lẩn trong tầm nhìn xa tít biển xanh như ngọc, là hương cam, hương chanh từ những thửa vườn ven đồi. Những tiếng sóng vỗ trên ghềnh đá và sóng gió ngàn khơi, âm vang thầm thì đêm ngày như tiếng gọi quyến rũ đầy liêu trai của những nàng ngư nữ mermaids. Thân hình quyến rũ, mái tóc vàng óng như nắng lụa, ngồi bên ghềnh đá hát khúc hát làm đắm đuối những người thủy thủ, những kẻ lang bạt biển hồ phiêu lãng. Khúc hát Come Back to Sorrento ra đời với những lời ngợi ca quê nhà Sorrento thật đơn sơ mà tha thiết như một dạ khúc serenada, khúc hát như nhắc nhở, tâm tình với thủ tướng Ý làm chút gì đó cho thành phố ven biển này sung túc và đẹp đẽ hơn:

Hãy nhìn biển đẹp biết bao, làm dậy lên bao cảm xúc

như bạn đã làm khi nhìn mọi người

Bạn đã làm cuộc đời mơ mộng hơn

.

Hãy nhìn mảnh vườn này và những hương cam

Mùi hương thơm ngát đi vào trái tim

Và bạn nói “Ta đi! Tạm biệt.”

Lìa xa tấm lòng này, xa mảnh đất tình ái

Bạn đành lòng để không quay lại

Nhưng xin đừng rời xa, đừng làm tôi đau buồn

Hãy trở lại Sorrento. Để tôi được sống lại (với tình yêu)

Hãy nhìn biển Sorrento

Kho báu tuyệt vời

Ngay cả những kẻ lang bạt kì hồ khắp bốn phương

cũng chưa bao giờ thấy biển như vậy.

.

Hãy nhìn những nàng nhân ngư

quyến rũ, hớp hồn, muốn hôn bạn, yêu bạn say đắm.

Và bạn nói “tạm biệt ta đi!”

Lìa xa tấm lòng này, xa mảnh đất tình ái.

Bạn đành lòng để không quay lại

Nhưng xin đừng rời xa, đừng làm tôi đau buồn

Hãy trở lại Sorrento. Để tôi được sống lại (với tình yêu)

Hai anh em nghệ sỹ De Curtis khi sáng tác ca khúc này không ngờ rằng, họ đã làm rung động những cảm xúc dạt dào về nước Ý trong lòng thủ tướng và cả khắp thế giới nhiều năm sau.

Come back to Sorrento! Trở về Sorrento. Nghỉa là bạn đã từng ở, đã từng đến Sorrento và hảy trở lại. Sorrento như là chốn quê nhà, mà ai cũng có. Cho dẫu bạn là đứa trẻ mồ côi hay sinh ra từ miền đất nọ, mái nhà kia. Mái nhà xưa đó luôn ấm cúng chở che trong thuở ban sơ.

Nơi chốn đó là khởi sự, bắt đầu một đời người, một kiếp nhân sinh hửu hạn. Bởi hửu hạn nên đầy tham vọng cho những cuộc ra đi thênh thang lang bạt, nhiều khi vô định. Những cuộc ra đi nhiều khi không ước vọng mà do dòng đời phận số đẩy đưa. Trong nỗi thống khổ trầm luân của tha nhân ắt phải đồng vọng những da diết muốn trở về cố quận, để được đắm mình hai lần trong dòng sông sóng biển ngày thơ ấy. Nên giai điệu Come back to Sorrento trở thành gần gủi với nhân gian mà vượt qua cách trở ngôn ngử để đến với chúng ta bằng một ý niệm nhớ quê hương, trở về cội nguồn trong cùng giai điệu bất hủ nọ, qua lời Việt của nhạc sỹ Mạnh Phát và Phạm Duy. Cả hai nhạc sỹ đều có cùng tựa cho bài hát: Trở Về Mái Nhà Xưa.

Lời của nhạc sỹ Mạnh Phát đơn giản, chân chất như làng quê xưa, với tiếng sáo diều qua đồng nội xanh, với cô thôn nử trên chiếc thuyền nan mắt nhung tóc huyền…

“Chiều nay lê chân bước về quê xưa. Tìm lại mái nhà êm đềm ấm cúng. Ta e gió mưa phai mái lạnh lùng, Chân bước đi nhưng lòng ngập ngừng! Nhớ những chiều vui ngóng chờ trăng lên. Tiếng sáo diều lơ lửng trời xanh êm. Lòng du khách tuy xa mà không quên, ngàn muôn tiếng tơ trong nắng tàn! Nhớ cô nàng bơi chiếc thuyền nan xinh. Mắt nhung huyền mái tóc còn xanh xanh. Và say đắm trong đôi mắt dịu hiền. Như chứa chan bao nhiêu mối tình! Quay gót về làng quê xưa. Ngày thơ ấu reo vui cười đùa. Trạnh lòng thương nhớ, ngóng trông phía trời xa..!”

- Trong khi nhạc sỹ Phạm Duy đã nâng cảm xúc nostalgia lên một cung bậc rung động triết lý mà lảng mạn siêu thực, bằng những ngôn từ óng ả đầy sắc màu qua hình tượng của “mái nhà xưa” và “ly khách”, bằng cuộc trở về trong tâm linh tha thiết.

Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.

Về đây với mầu gió ngày lang thang

Về đây xác hiu hắt lạnh lùng.

Ôi lãng du quay về điêu tàn.

.

Đâu tiếng đàn ngoài hiên mưa?

Và đâu bướm tơ, vui cùng mùa?

Một mùa Xuân mới, mắt êm nắng hào hoa.

.

Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan.

Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan.

Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn

Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn.

.

Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh.

Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh.

Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh.

Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn

.

Đốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh.

Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh.

Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về

Đang khóc than trên đường não nề.

.

Thôi nhé đừng hoài âm xưa

Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà

Người ngồi im bóng

Lắng nghe tháng ngày qua.

Lời ca thật đẹp và buồn. Khi thuyền hồn đã cắm neo, người ngồi đó bóng in vào rêu xanh. Người không về theo bước chân mỏi vì đường trần xa ngái. Người không về khi mái tóc con xanh mà người về khi xác thân hắt hiu lạnh. Người không về khi tiếng cười còn tan vỡ hồn đêm thanh tân, mà người về bằng kiếp xưa nhè nhẹ. Người về lại mái nhà xưa bằng vọng tưởng, bằng hoài niệm, bằng khúc hát như lay lắt bóng chiều xưa trên tà huy đời mình. Khi mọi khát vọng tang bồng chỉ còn là tro tàn trên dòng kỷ niệm mãi xót xa.

Mái nhà xưa thân yêu đó có thể là một gian nhà tranh xiêu vẹo bốn bề gió thốc, có thể là một mái ngói ba gian trong nội thành ngập đầy bóng lá, có thể là mặt tiền chợ búa xôn xao mổi ngày, hay có thể là những con ngõ hẹp lầy lội mùa nước lên…Nơi đó bạn và tôi đã từng khóc tiếng khóc đầu đời và đi vào cuộc đời bằng những bước chân son hay bằng những bước chân lấm bụi. Mái nhà ấy dù lợp bằng tranh, tôn kẽm hay bê tông, thảy đều giòn tan tiếng khóc cười theo năm tháng nỗi trôi và những kỷ niệm ngọt ngào đến nao lòng. Nơi đó đầm ấm sự đùm bọc, chăm sóc và bao dung của mẹ cha, của anh chị em. Nơi đó có bạn bè xóm giềng và trường lớp hồn nhiên thơm thảo. Và rồi chúng ta như con chim đủ lông cánh, chập chững yêu nhau, chập chững làm người lớn để rồi chắp cánh giang hồ bằng những mộng ước khát khao và bỏ quê nhà mà đi. Rồi đi xa mãi…

Chúng ta yêu mến ca khúc Come Back To Sorrento, vì những hương vị chanh, cam nồng nàn trong limoncello, một loại rượu chanh đặc sản của Sorrento tràn ngập khắp phố biển; thoảng như có mùi dầu tràm ngan ngát làng chài Lăng Cô, như có mùi mằn mặn của muối biển trên hàng dương Phan Thiết, hay mùi cá khô phơi xao xuyến ven Bải Trước, Bải Sau. Chúng ta yêu ca khúc này vì mỗi người đều tìm thấy cho mình chút hương bồ kết, hương chanh, hương bưởi, hương sả trong mái tóc huyền ngày ấy, vương vấn như trầm hương sau lũy tre làng xưa.

Tôi không có may mắn như bạn để lần trở về, nhìn mái nhà xưa của mình thay tên đổi chủ. Mái nhà xưa lạ lẫm đến vô tình. Con đường xưa chật hẹp đến xao lòng. Có phải vì tháng năm đã làm phôi pha những ký ức dư ảnh ngọt ngào. Có phải vì lòng người chật hẹp bởi những nghi ngờ đố kị. Hay người ngày càng đông nên lòng phố không đủ rộng cho tôi một chổ về được đứng dưới mái hiên xưa, nghe mưa chiều về muộn và thấy nắng khuya chưa lên bên thềm cũ…

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay (Nguyễn Bính)

Chỉ từ Hà Nội vào Nam, Nguyễn Bính đã thấy quê nhà xa lắc xa lơ. Huống chi ở nơi này bên kia bờ đại hải, ngóng về mái nhà xưa, mây trắng nghìn trùng bay, miên man bay như ca khúc Trở Về Mái Nhà Xưa. Ca khúc làm thao thiết lòng ly khách mãi hơn 100 năm. Khi thuyền hồn chưa tìm ra bến đỗ, để cắm xuống một khúc nhạc buồn.

Thôi nhé đừng hoài âm xưa

Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà

Những cơn mưa tháng bảy đầu mùa đã về bên thềm nhà nơi miền đất lạ. Miền đất bao dung đầy tự do dù không có chùm khế ngọt để xôn xao những kỷ niệm xót xa. Nơi mảnh đất này tôi gọi Home sweet home! Mái nhà xứ xa.

Người ngồi im bóng

Lắng nghe tháng ngày qua.

Tôi vẫn ngồi nhìn bóng mình trong chiều viễn xứ. Nghe tháng ngày đi qua bên song và nghe ca khúc Trở về mái nhà xưa hay đến chùng lòng. Nỗi nhớ nhà như một nỗi buồn nhè nhẹ, buồn lặng như một khúc serenade. Nỗi buồn bâng quơ bao giờ cũng đẹp và lâu phai. Như ca khúc Come Back to Sorrento mãi còn da diết. Chừng nào con người còn mãi Đi - Về. Chừng nào quê hương còn có tha nhân và chừng nào tiếng sóng giang hồ còn mãi vỗ về bên ghềnh thác cuộc đời những biến động không nguôi.

March 26, 2020

SERENATA - CHIỀU TÀ


Thính giả tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, phần lớn chỉ biết tới 2 bản của Schubert và Toselli, người ta đã đơn giản tới mức tối đa: bản của Schubert thì gọi là “Sérénade”,còn bản của Toselli là “Serenata”.
Khi đặt tựa tiếng Việt, nhạc sĩ Phạm Duy cũng rất ngắn gọn: “Sérénade” thành “Dạ khúc”, “Serenata” thành “Chiều tà”.
Bản Serenata được Toselli sáng tác vào năm 16 tuổi, dưới tựa “Serenata for Violin and Piano” (No.1, Op. 6) với lời hát của Alfredo Silvestri (rất tiếc, chúng tôi không tìm thấy bất cứ tài liệu nào viết về tác giả này).
Vì nội dung lời hát là sự luyến tiếc những kỷ niệm đẹp, những hạnh phúc ngọt ngào của mối tình tuổi thanh xuân rực rỡ nay đã mất, cho nên người Ý còn gọi bản Serenata của Toselli là Serenata “Rimpianto”.
Trong tiếng Ý “Rimpianto” có nghĩa là “sự hoài niệm, luyến tiếc”.
Sự tài tình của Toselli là đã khiến người yêu nhạc, hoặc nghe nhạc cổ điển có chút trình độ và tâm hồn, chỉ cần nghe phần nhạc cũng có thể đoán ra phần nào nội dung lời hát. Đặc biệt là những đoạn viết cho vĩ cầm – khi thiết tha, khi lên tới tận cùng đau đớn, để rồi cuối cùng trầm lắng, buông xuôi, ngậm ngùi trước những gì đã qua, đã mất…
Mặc dù được Toselli viết chủ yếu cho vĩ cầm và dương cầm, bản Serenata ‘Rimpianto’ còn được nhiều dàn nhạc, hay nhạc sĩ, ca sĩ trình bày dưới những hình thức khác nhau, chẳng hạn ca sĩ + dương cầm + ban hòa tấu, hoặc đàn mandolin…
Tại Việt Nam trước kia, Serenata ‘Rimpianto’ đã được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa “Chiều Tà” – được nhiều người đánh giá là một trong những bản lời Việt (cho ca khúc ngoại quốc) hay nhất của ông.
Lắng trầm tiếng chiều ngân
Nhạc dặt dìu ái ân
Người ôi! Nhớ mãi cung đàn
Năm tháng phai tàn
Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng.

Đã quên hết sầu chưa
Lời này là tiếng xưa
Quỳ dâng dưới nắng phai mờ
Bên gối ơ thờ
Ôi tiếng tơ tình mong chờ.

[ĐK:]
Chiều êm êm đưa duyên về người
Đàn triền miên nắn tiếng sầu đời
Người hỡi! Đến bên tôi nghe lời xao xuyến
Như chuyện thần tiên.

Niềm mơ xưa là đó
Cho ta nâng niu lời ca
Chiều mơ không gian
Hờ hững cõi thiên đàng
Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ
Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà.

Nhạc chiều của chúng ta
Là câu ân ái muôn đời
Bóng đã xế rồi
Hãy nép trong lòng cõi đời.

* Tình yêu mãi mãi.
https://www.youtube.com/watch?v=4bXvCrLwLzw

March 22, 2020

"DÒNG SÔNG XANH"- MỘT TRONG SỐ NHỮNG BÀI HÁT LÀM NÊN TÊN TUỔI DANH CA THÁI THANH


Danh ca Thái Thanh qua đời ở Mỹ hôm 17/3, thọ 86 tuổi. Trong 70 năm ca hát, bà để lại nhiều bản thu nổi tiếng với các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy như Cỏ Hồng, Ngày Xưa Hoàng Thị, Kỷ Niệm… Trong số đó, Thái Thanh từng tâm sự bà yêu thích nhất bài Dòng Sông Xanh. Trong CD Dòng Thời Gian – Thái Thanh và ba thế hệ, danh ca kể rằng thập niên 1990, Dòng Sông Xanh là ca khúc bà được khán giả yêu cầu biểu diễn nhiều nhất.

Nhạc sĩ Phạm Duy phổ lời bản nhạc ngoại “Dòng sông xanh” cho Thái Thanh hát để ghi điểm với chị gái cô – ca sĩ Thái Hằng. Phần lời Việt của bài hát ra đời năm 1948, khi Thái Thanh mới 14 tuổi. Lúc ấy, nhạc sĩ Phạm Duy đang theo đuổi chị gái bà – ca sĩ Thái Hằng. Để ghi điểm với cô chị, ông viết lời Việt cho một bản Waltz rất nổi tiếng lúc bấy giờ – Le Beau Danube Bleu (Dòng sông Danube xanh) của nhạc sĩ Áo Johann Strauss II – cho cô em hát.

Thái Thanh từng kể lần đầu tiên bà hát nhạc phẩm ở một vùng quê ở quân khu 4 những ngày tản cư trong kháng chiến. Lúc đó, bà vẫn run khi lên sân khấu biểu diễn trước đông người. Giọng hát của cố danh ca mềm mại, có độ vang, khiến người nghe cảm nhận không gian trữ tình êm đềm với mây trời, nước biếc.

Ca khúc “Dòng Sông Xanh” do Thái Thanh thu âm tại hải ngoại

“Một dòng xanh xanh
Một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc
Một dòng sầu mấy kiếp

Một dòng trời xao xuyến
Một dòng tình thương mến
Một dòng còn quyến luyến
Một dòng nhớ quay về
Miền đời lúc mơ huyền”

Hát điệu Waltz đậm chất phương Tây, Thái Thanh thể hiện sự lộng lẫy, hào sảng trong những nốt ngân nga ở điệp khúc. Tuy nhiên, bà vẫn chinh phục khán giả trong nước qua âm sắc giọng phảng phất ảnh hưởng từ nhiều loại hình âm nhạc truyền thống như quan họ, chèo, ca trù, đặc biệt trong phân đoạn mang cảm xúc hồi tưởng.

“Ngày ấy, có tiếng ai khoan hò thuyền về
Ngày ấy, có dáng em soi dòng chiều hè
Ngày ấy, có tiếng ta hát gọi tình về
Nước sông miên man trôi đi.

Ngày ấy, lúc đến bên em một lời thề
Ngày ấy, lúc nói với em một chuyện gì
Ngày ấy, lúc vui cuộc sống nhịp tràn trề
Nước sông miên man trôi đi”

Ở phần cuối bài hát, Thái Thanh ngân dài những tiếng “hà há” lả lướt, trầm bổng theo từng nhịp nhạc. Chất giọng nữ cao trữ tình của bà uốn lượn trên nền giai điệu, phiêu theo từng nốt, khiến người nghe cảm nhận được sự hòa quyện sâu sắc giữa tiếng hát và giai điệu. Cách ngân nga của bà gợi nhớ phong cách opera nhưng mềm mại, trìu mến hơn. Khi nhắm mắt lại, người nghe có thể hình dung khung cảnh chiếc thuyền lướt trên dòng sông êm đềm, dập dềnh theo từng con sóng.

Dòng sông xanh phản ánh đầy đủ cung bậc cảm xúc trong giọng hát Thái Thanh, trầm lắng ở phần đầu và vui vẻ ở phần sau. Qua từng nhịp nhạc, tiếng ca của bà thể hiện sự hân hoan, hạnh phúc, khiến người nghe cảm thấy thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Đó là lý do nhà nghiên cứu âm nhạc Georges Etienne Gauthier từng nói về giọng hát của bà: “Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng nghe… Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu”.

Nhờ Dòng sông xanh, nhạc sĩ Phạm Duy thêm yêu giọng hát Thái Thanh. Ông từng nhận xét: “Thái Thanh chỉ cần cất giọng là người ta đã mê bất kể bài nào”. Ông sáng tác nhiều ca khúc phù hợp với Thái Thanh để tôn lên vẻ đẹp giọng hát bà. Sau này, ca sĩ Lê Dung, Ngọc Hạ, Ánh Tuyết từng hát lại ca khúc. Trong số đó, bản Dòng sông xanh do Ánh Tuyết thể hiện khá phổ biến, được đánh giá gần giống với bản của cố danh ca về màu sắc giọng hát. Tuy nhiên, người nghe vẫn nhắc đến phiên bản của Thái Thanh nhiều nhất. Bà đã thể hiện trọn vẹn tinh thần của âm nhạc phương Tây cổ điển, được du nhập và yêu thích ở Việt Nam những năm 1990.

Bản nhạc gốc của ca khúc được trình diễn lần đầu năm 1867, mang âm hưởng Waltz đặc trưng của châu Âu, với nhịp 3/4 nhẹ nhàng cùng nhiều nốt luyến láy tình tứ. Trang The Local của Áo cho rằng ca khúc ra đời sau trận bại chiến của Áo trước quân đội Phổ ở Koniggratz, năm 1866, nhằm khích lệ tinh thần người dân Áo. Bản nhạc có lời tiếng Đức nói về vẻ đẹp thanh bình của nước Áo qua khung cảnh êm đềm của dòng sông Danube. Tuy nhiên, phiên bản không lời nổi tiếng hơn.

“Danube xanh, một màu xanh rất đẹp
Chảy qua thung lũng và đồng cỏ
Vienna của chúng tôi chào đón bạn…”

The Local nói Le Beau Danube Bleu gợi lên không khí thanh lịch của thành phố Vienna thế kỷ 19, bài hát giống như quốc ca không chính thức của nước này. Khi chuyển ngữ tiếng Việt, Phạm Duy có nhắc đến “mối tình bên bờ thành Vienna”. Tuy nhiên, khi miêu tả khung cảnh dòng sông, ông khiến khán giả cảm thấy gần gũi, như thể đó là một dòng sông ở Việt Nam.
https://www.youtube.com/watch?v=TFBVSQhqrKE

March 21, 2020

THÁI THANH_NGƯỜI ĐÃ ĐI RỒI



Nhạc sĩ Bảo Chấn kể với tôi một chuyện về Thái Thanh. Lần đó, Bảo Chấn – một nhạc sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khoa dương cầm Nhạc viện Sài Gòn hạng xuất sắc – còn rất “hăng”. Khi đệm cho ca sĩ, ông thường nổi hứng “phăng” những đoạn gian tấu lả lướt bất tận. Lần đệm cho đàn chị Thái Thanh cũng vậy. Ông cũng vuốt miên man như mây trôi gió thoảng trên phím. Đợi nhạc sĩ Bảo Chấn dứt, rồi với phong cách nhẹ nhàng và kiêu kỳ đúng “kiểu… Thái Thanh”, bà quay sang hỏi, “Thế bây giờ… anh đàn hay tôi hát nhỉ”…
Thái Thanh là vậy. Khi hát, bà không chỉ hát. Đúng ra chỉ cần nghe bà hát. Không cần đệm. Không cần đàn. Bà không phải là ca sĩ. Bà kể chuyện bằng giai điệu. Bà ẻo lả. Bà điệu đàng. Bà đùa cợt. Bà khóc than. Bà tỉ tê. Bà vuốt ve. Bà mơn trớn. Bà hờn dỗi. Bà tươi vui. Bà tự sự. Bà là kịch sĩ xuất chúng diễn bằng phong cách hát có một không hai. Chưa hề có phiên bản Thái Thanh thứ hai trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Bà là duy nhất. Và có lẽ chưa có ai hát tiếng Việt đẹp bằng bà. Chưa ca sĩ nào phát âm tiếng Việt chính xác bằng Thái Thanh. Hãy nghe thật kỹ và thật chậm những từ dấu hỏi và ngã được phát ra từ bà. Như Phạm Duy, con người Thái Thanh là kết hợp của tinh túy văn hóa Việt Nam. Có lẽ chưa có ca sĩ nào vừa sang trọng kiêu kỳ vừa đậm nét chân quê hồn Việt bằng Thái Thanh.

Năm 1971, khi giới thiệu cuốn số bốn băng Tơ Vàng với giọng hát Thái Thanh do nhạc sĩ Văn Phụng thực hiện, nhà văn Mai Thảo viết:
“Hát, với Thái Thanh, là một tình yêu muốn cháy đỏ một đời, phải được làm mới từng ngày. Lối hát, cách hát, từ kỹ thuật trình bày một ca khúc đến cái khó nhận thức hơn, vì ở bên trong, nhưng không phải là không thấy được, là trạng thái tâm hồn… Nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận định về tiếng hát Thái Thanh như một giọng ca không có tuổi. Táng láng, hồng tươi, không quá khứ. Nhận định này chỉ nói đến một sự thực hiển nhiên. Tốt tươi và phơi phới, bay bổng và cao vút, tiếng hát Thái Thanh hai mươi năm nay là một hơi thở bình minh, ở đó không có một dấu vết nhỏ của tháng năm và quá khứ đè nặng. Đã là một giòng sông đầy, nó vẫn còn là cái thánh thót, cái trong vắt của một giòng suối, nước reo thủy tinh, sỏi lăn trắng muốt. Như một bông hoa không nở và tàn trong một buổi sáng, mà hoa đã mãn khai, vẻ hàm tiếu vẫn còn. Tiếng hát trẻ trung vĩnh viễn, không tuổi, không quá khứ là vì nó tạo mãi được cho người nghe cái cảm giác mát tươi đầu mùa như vậy”.
Bà là ca sĩ duy nhất trước 1975 tại Sài Gòn, nơi có vô số ca sĩ tài năng đỉnh cao, được mệnh danh là “Tiếng hát vượt thời gian” (do một hãng đĩa đặt). Điều khiến tiếng hát của bà vượt thời gian, thậm chí không gian, là khả năng thiên phú cộng với tài năng truyền cảm cảm xúc của bà. Cũng với một nốt ấy, bà biến nó thành một “nốt riêng của Thái Thanh”, như thể bà muốn hỏi (hãy phát âm chữ “hỏi” theo giọng Thái Thanh): “Thế bây giờ tôi hát như thế quý vị nghe có được chưa?”.
Bà hát “nghe có được chưa” mà không cần học qua bất kỳ trường lớp thanh nhạc nào. Nhạc lý và xướng âm bà học từ các sách mà anh của bà, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đặt mua từ Pháp. Bà miệt mài tự học và tự tìm cách nâng cao chất giọng đặc biệt của mình. Và để trở thành một Thái Thanh không có phiên bản thứ hai, bà từng nói: “Điều đầu tiên tôi muốn nói là người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa, miền Trung, miền Nam, miền Bắc. Đặc biệt tôi sinh ra ở Hà Nội thì khi đọc đến hai chữ Hà Nội tôi cảm thấy một tình cảm yêu mến vô bờ. Nếu mình không yêu chữ của nước mình thì giống như mình hát một bài hát ngoại quốc vậy. Thí dụ đọc đến chữ “em bé quê” là mình cảm thấy dào dạt tình thương yêu các em nhỏ sống ở những vùng quê nghèo nàn, tôi nói yêu chữ nước mình là vậy. Còn một chuyện nữa là tôi yêu người nghe, luôn luôn tôn trọng khán thính giả. Tôi rất thận trọng khi hát”.
Nhà văn Thụy Khuê viết về Thái Thanh: “Chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Đạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả bốn vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ: Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ. Giữa những phôi pha của cuộc đời, tàn phai của năm tháng, giọng hát Thái Thanh vang vọng trong bầu trời thơ diễm tuyệt, ở đó đau thương và hạnh phúc quyện lẫn với nhau, người ta cho nhau cả bốn trùng dương và mặc tàn phai, mặc tháng năm, tiếng hát vẫn bay bổng ở chốn trần gian hoặc ở chốn vô hình”…
Cách đây không lâu, một người bạn vừa qua Mỹ vài năm kể với tôi rằng, một hôm, vì nhớ nhà quá, vợ chồng anh mở YouTube tìm nghe nhạc Việt xưa. Vừa bật lên thì gặp ngay ca khúc “Gánh Lúa” của Phạm Duy được hát với tiếng hát lảnh lót Thái Thanh.
“Mênh mông, mênh mông, sóng lúa mênh mông
Lúc trời mà rạng đông rạng đông…
Ðêm qua trăng mơ sáng khắp thôn quê
Hỡi chàng mà chàng ơi, chàng ơi…
Gánh gánh gánh, gánh thóc về
Gánh về! Gánh về!”…

Bất giác, không thể kìm được, cô vợ rơi nước mắt; còn anh chồng thì mắt đỏ hoe. Có ca khúc quê hương nào đẹp bằng “Gánh Lúa” của Phạm Duy? Cũng chắc hiếm ai thổn thức trải một tấm lòng mênh mông hồn quê hương bằng cái cách mà Thái Thanh “gánh” lên đôi vai nhỏ của bà hai chữ “quê tôi”.
Lâu nay bà đã rời sân khấu, để lại một cái nheo mắt hóm hỉnh duyên dáng rất “Thái Thanh”. Giờ thì bà đã đi rất xa. Thế bây giờ có ai còn muốn nghe lại “tiếng hát Việt Nam” của bà? Sao lại không! Từ thuở còn nằm nôi, chúng ta đã biết “tôi yêu tiếng nước tôi” là như thế nào…
(Nguồn: nhacxua)
https://www.youtube.com/watch?v=q5_80uMWJcw&list=PLJlEnR-WH3B4M2QSPYdG_H83mTznUQptv

March 19, 2020

LẶNG LẼ NƠI NÀY_MỘT MÌNH ĐI...MỘT MÌNH VỀ...


MỘT MÌNH ĐI ... MỘT MÌNH VỀ ...
Ta cũng không còn biết nữa, đã bao lần ta đã đi và đã bao lần ta trở về. Đi một mình và về cũng chỉ một mình...Đi cũng là Ta mà về cũng là Ta. Đi thì cửa đóng cài then mà về thì "xin gõ chuông cửa sẽ mở". Có những cuộc đi buồn vời vợi, cũng có những cuộc đi hân hoan như "mây trắng thong dong" chẳng cần biết đâu là "chốn quê xưa". Chẳng có cuộc đi nào giống cuộc đi nào, và chẳng có cuộc về nào giữ trọn "chút duyên xưa".

Ngày hôm qua ta đã đi, và hôm nay ta đã về. Chẳng biết cuộc đi sẽ đem lại cho ta được những gì và sẽ mất những gì. Một cuộc đi mà ta cũng không hẹn ước tìm chút vui, hay để trốn tránh một sự trống vắng. Đi là chỉ để mà đi, tự nhiên như dòng sông. Vậy thì được hay mất có ý nghĩa gì đâu. Nhưng trong sự trở về Ta biết ta đã mất, vì sự trở về chính là sự "tìm lại của ngày hôm qua". Tìm lại bước chân ngày hôm qua thì bước chân cứ thế đi ngược chiều với ngày hôm nay, sự trở về chính là sự ra đi. Chút kỷ niệm và chút hương xưa đã theo thời gian mà lùi dần, lùi dần, trơ trọi quá... Vì biết rằng, đi thì sẽ không bao giờ đến, mà ngồi yên thì trời cao lồng lộng đất rộng mênh mông đều được thu vào trong một tích tắc nhắm mở con mắt. Có ai đã đi và đã đến, chỗ nào là chỗ đến, hay sự dừng chân cuối cùng của một đời người là nằm yên trong lòng đất. Đất lạnh mà ấm biết bao đã ôm ấp những kiếp người sau những cuộc đi dài hàng vạn dặm. Vậy thì cuộc đi là để tìm mộng trong mộng, huyễn ảo trong huyền ảo. Ta chẳng cần biết, và bạn cũng chẳng cần biết, chỉ biết cuộc đời là ti tỉ những điểm đến lý tưởng với tôi với bạn.

Ai tỉnh, ai say. Ai tỉnh thì nhận ngay nơi chốn cuối cùng trong đôi mắt tuệ giác, ai say thì cứ mãi lạc bước đi tìm mà chẳng bao giờ thấy được bến bờ... Ta cũng đã bao lân đi nhưng chưa một lần đến, bởi đôi mắt ta còn nhuốm màu trần thế và vẫn say mê với những mộng tưởng với những viễn cảnh mờ ảo. Ta đã đi và đã đắm say trong vạn kiếp nhân gian, và trái tim đa mang đã lạc bước mãi trong n iềm vui và nỗi buồn nơi trần thế mà không phải là tịch nhiên tỉnh lặng, vô hư để thoát ra ngoài sự đi về mà nhận ra mọi cái rồi cũng chỉ là hư vô.

Chao ôi...! Đã trót dấn thân vào cõi thế, vậy thì ít nhiều cũng đã bị nhiễm lụy với buồn vui cõi thế. Nhân tình là tình người, vậy thì dẫu đi hay về cũng phải làm sao gìn giữ chút tình người còn mãi với nhân gian chứ đừng để cho "nhân tình thế thái" bởi cuộc ĐI - VỀ của Ta, của Người rồi một khi đêm tối trở về ngồi tỉnh lặng đối diện với chính ta mới thấy sao ta mãi cứ một mình trên hành trình vạn nẻo cô đơn... Mây trắng thong dong trên đỉnh núi cũng chỉ là mây trắng thong dong bởi vì mây là phù vân mà phù vân là phù hư dã hợp...đâu là chân, đâu là giả? Vậy thì cuộc đi cũng sẽ như phù vân mà cuộc về cũng phù vân... Cái chân thật nhất của ĐẠO chính là không đi không về...

MỘT NGƯỜI CANADA NGHĨ VỀ NGHỆ THUẬT CỦA THÁI THANH (TRÍCH HỒI KÝ PHẠM DUY)


'... Nàng là một người đàn bà hát như một người đàn bà. Nàng mang trong giọng hát những ngày vui tươi và những ngày sầu khổ của đời nàng, mang luôn cả những ngày hoan lạc nữa; khi thì là cái bộc trực của một tiếng thét, khi lại là những ngoắt ngoéo trong một trò đùa, có lúc là nỗi nhớ tiếc quãng đời đã qua, thường khi lại là niềm tin tưởng vào khoảng thời gian còn lại của cuộc sống; nhưng bao giờ nàng cũng mang trong giọng hát những đường nét của thân thể, những di động của mái tóc, những ngụ ý của ánh mắt, cho đến đỗi những ai biết nghe nàng hát cũng có thể như trông thấy được nàng. Không có gì là bí mật cả người đàn bà ấy là một nghệ sĩ xác quyết hơn bất cứ người nào khác, bởi vì ngay khi nàng thâm nhập vào một bài hát nào thì nàng trình bày lại cho chúng ta nghe với mối xúc động nhất, ý nhị nhất, khiến chúng ta hiểu bài hát ấy đến độ ngay lúc đó tất cả chúng ta đều trở thành nghệ sĩ cả ...''

Những giòng này là viết về một nữ ca sĩ Canada chưa được biết đến ở Việt-nam; nhưng tôi thấy nó hợp với Thái Thanh đến độ tôi không ngần ngại đem ra áp dụng vào trường hợp của nàng. Ðôi khi người ta thường ngạc nhiên về sự gặp gỡ của hai định mệnh nơi Thái Thanh và Phạm Duy.

Thật ra, đây không phải là sự kiện độc nhất trong lịch sử nghệ thuật. Một nhà sáng tác lớn thường tạo nên một diễn xuất lớn. Vào thế kỳ trước, danh ca Volgh gặp một nhà soạn nhạc trẻ vừa hai mươi tuổi tên là Schubert, đã say mê các khúc điệu của ông ta, và từ đó đã trở thành người trình bày nhạc Schubert cảm khích nhất và nhiệt thành nhất. Nghệ sĩ tuyệt hảo về dương cầm Clara Wieek có lẽ là người trình bày xuất sắc nhất và tận tụy nhất các tác phẩm của người nhạc sĩ sau này trở thành chồng nàng, là Robert Schuman. Gần chúng ta hơn nữa, có những định mệnh kỳ diệu khác -- như của dương cầm gia Yvonne Lorlod với soạn giả Olivier Messiaen, của nhà soạn nhạc Igor Stravinski với nhạc trưởng Robert Craft, của nghệ sĩ vĩ cầm Fritz Kreisler với người nghệ sĩ dương cầm kiêm soạn giả Serge Rachmaninoff -- những định mệnh cũng đã gặp nhau để làm cho đời họ và nghệ thuật của họ trở nên cực kỳ phong phú.

Chính với Phạm Duy mà Thái Thanh đã được khai tâm về nhạc lý và về nghệ thuật ca xướng. Nhưng chỉ nguyên việc ấy không đủ cắt nghĩa vì sao sau này Thái Thanh đã thường hát và hát một cách tuyệt diệu các ca khúc của Phạm Duy. Giữa hai người nghệ sĩ hết sức bén nhậy ấy không làm sao khỏi có một liên hệ tâm tình. Thái Thanh đã thấu hiểu bằng trực giác cái ý nghĩa sâu xa của nghệ thuật Phạm Duy, do đó các khúc điệu uyển chuyển và cao nhã của Phạm Duy đã hoàn toàn tự nhiên trở thành thứ môi trường lý tưởng cho giọng hát cũng uyển chuyển và cũng cao nhã của nàng. Cũng vì thế, người ta tự hỏi không biết giọng hát Thái Thanh đã gây hứng cho Phạm Duy hay các khúc điệu của Phạm Duy đã tạo cảm hứng cho giọng hát Thái Thanh. Tôi xin thưa : đồng thời cả hai. Thật ra, giữa hai nghệ sĩ mà tài năng có tính cách bổ túc lẫn nhau thì sự ảnh hưởng qua lại là điều không thể tránh khỏi. Thái Thanh và Phạm Duy gần nhau trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật, có lẽ chính vì thế mà định mệnh chung của họ có thể sung mãn và hoàn hảo như thế.

Bây giờ ta thử tìm hiểu giọng hát nọ qua năm tháng. Những ai đã nghe Thái Thanh vào cuối những năm 40 và trong khoảng đầu của những năm 50, những ai còn giữ được các băng ghi âm những tiếng hát đầu tiên của nàng, đều có thể nhớ nàng Thái Thanh của cái thuở ban đầu ấy. Giọng hát hơi ẻo lả -- điều không có gì lạ ở một nữ ca sĩ trẻ măng -- chưa có sự nồng nhiệt và cá tình của một Thái Thanh già dặn; nhưng người ta đã cảm thấy ở nữ ca sĩ trẻ tuổi ấy một niêm vui thích ca hát, một sự dốc hết mình vào tiếng hát, khiến người ta không thể nào không yêu giọng hát ấy được. Nàng Thái Thanh thuở ấy hát như chim hát, có phần vô ý thức, hát như để chào mừng bằng tất cả tấm lòng và tất cả tâm hồn buổi bình minh của một cuộc đời sẽ phải rất đẹp đẽ, rất đắm say. Nhưng cũng như chàng thanh niên Phạm Duy, nàng Thái Thanh thuở ấy cũng chỉ mới là một hứa hẹn. Và sự hứa hẹn ấy không mấy chốc sẽ được thực hiện.

Vào cuối những năm 50, và nhất là vào khoảng đầu những năm 60, tiếng hát Thái Thanh dần dần đạt đến cái âm sắc hết sức độc đáo của nàng sau này. Tiếng hát thêm sung mãn và phong phú, kỹ thuật vốn đã uyển chuyển và vững vàng từ trước, nay lại càng thêm uyển chuyển và vững vàng, nhưng nhất là giọng hát lúc này, có cái súc cảm, cái nồng nàn êm dịu và cái đẹp đẽ vẫn còn mãi cho đến ngày nay. Nhiều người cho rằng Thái Thanh đã đạt tới chót đỉnh của nghệ thuật mình trong những năm 60 (cũng có những người còn cho là từ những năm 50). Về phần tôi, tôi cho rằng chỉ gần đây thôi -- nói cho rõ hơn là từ hai ba năm nay -- Thái Thanh mới đạt đến một vài tuyệt đỉnh của nghệ thuật ca xướng và diễn đạt của nàng. Ðể thấy rõ điều ấy hãy lắng nghe kỹ lưỡng những băng ghi giọng nàng mới hát lại các ca khúc cũ của Phạm Duy -- như Cô Hái Mơ, Dạ Lai Hương, Tìm Nhau, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Chiều Về Trên Sông và mấy bài khác -- hay cả những băng ghi giọng nàng hát các nhạc phẩm gần đây -- như Chuyện Hai Người Lính, Nghìn Trùng Xa Cách, Phượng Yêu, Giết Người Trong Mộng, Ngày Xưa Hoàng Thị và nhất là Mùa Thu Chết, Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà và Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng. Còn có thể nào ước mơ những lối trình bày tuyệt hảo hơn, xúc động hơn được nữa ? Không thể được ! Ở đây tiếng hát Thái Thanh đẹp quá, nồng nàn quá khiến người nghe như bị đau đớn. Thật là huy hoàng biết bao, và nhất là bổ ích biết bao ! Cũng giống như trường hợp Phạm Duy, nếu nàng Thái Thanh của những năm 50 là một sự hứa hẹn, thì đến đây sự hứa hẹn đã được thực hiện, một cách rực rỡ biết bao, lỗi lạc biết bao. Bởi vì cũng lại như trường hợp Phạm Duy, nghệ thuật của Thái Thanh trước hết và trên hết là thiên tài của con tim.

Các khúc điệu của Phạm Duy có lẽ đã cho phép người nữ ca sĩ của chúng ta phát triển đến cực độ tài năng của nàng và thi thố chỗ tuyệt vời nhất của nàng, nhưng như ai nấy đều biết, Thái Thanh không phải chỉ hát có nhạc Phạm Duy mà thôi. Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Giọt Mưa Thu, Ðêm Thu, Lá Ðổ Muôn Chiều, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Ðêm Ðông, Tình Quê Hương, Những Lời Ru Cuối, Hen Một Ngày Về, Hướng Về Hà-Nội, Mưa Trên Phím Ngà, Thương Về Năm Cửa Ô Xưa, Tâm Sự Ca Nhân, Ngày Về, Mộng Dưới Hoa, Mộng Ðêm Xuân, Ghen, Ðêm Tàn Bến Ngự, Ngọc Lan, Tình Khúc Thứ Nhất, Tuổi Ðá Buồn, Gọi Tên Bốn Mùa và biết bao ca khúc khác của những nhạc sĩ Việt Nam được yêu thích nhất, còn kể cả nhiều bài trong số những khúc điệu cổ điển Tây phương hay nhất, tất cả đều được Thái Thanh trình bày một cách cảm động và thường khi rất khó quên.

Frank Liszt, người nghệ sĩ lớn chuyên trình bày nhạc kẻ khác, đã viết : ''Ðối với người trình bày, các nhạc phẩm thực ra chỉ là những thể hiện bi thảm và kích động của những xúc cảm của chính mình. Người ấy phải khiến cho các nhạc phẩm nói được, khóc được, hát được và thở được, người ấy phải tái tạo được các nhạc phẩm làm sao cho phù hợp với ý thức của chính mình. Do đó người trình bày cũng như cũng là một kẻ sáng tạo y như soạn giả, bởi vì người ấy tự mình cũng phải có trong thâm tâm những xúc cảm mà hắn muốn làm sống dậy một cách nồng nàn.'' Các ca khúc của Phạm Duy cần phải được sống, tôi có thể nói cần phải được chịu đựng bởi người trình bày chúng. Cuộc đời Thái Thanh hẳn đã có phần vui, phần buồn của nó, và không còn nghi ngờ gì nữa, chính cuộc đời của Thái Thanh đã hiển hiện qua giọng hát của nàng. Còn cách nào khác hơn được ? Cách trình bày đích thực, cách trình bày đứng đắn duy nhất, không phải là biển cải nhạc theo tâm trạng mình, mà là tự mình thâm nhập vào nhạc. Có lẽ đó là một trong những bài học lớn lao nhất mà nghệ thuật Thái Thanh dậy cho chúng ta.

Trong vòng hăm lăm năm nay ở Việt nam nhiều giọng hát đã có thì giờ cất lên rồi tan biến khỏi sân khấu ca nhạc, nhưng giọng hát Thái Thanh thì luôn luôn còn đó, luôn luôn được yêu thích, mến chuộng trong đa số người Việt nam. Làm sao giải thích được sự thành công liên tục của người nghệ sĩ trong một thời gian lâu dài như thế ? Làm sao giải thích vị trí ưu đãi mà nàng đã chiếm được trong lòng khán giả ? Thực ra, giọng hát Thái Thanh đưa ta trở về với cái đẹp nhất và bên vững nhất nơi mỗi chúng ta, nó đưa ta trở về tuổi ấu thơ, trở về cái điểm tinh khôi và đẹp đẽ vẫn còn nguyên vẹn nơi mỗi chúng ta. Giọng hát Thái Thanh đưa ta trở về lòng nhân ái, nó đưa ta trở về bản tính con người. Trong một cõi đời thường khi phi lý và cam go, giọng hát Thái Thanh khả dĩ đem đến cho chúng ta những xác tính duy nhất, xác tín về cái đẹp, về sự dịu dàng và về hoà bình vĩnh cửu.

Sau khi nghe nàng hát, có khi chúng ta cảm thấy nơi chính mình một chút bâng khuâng, lúc bấy giờ có lẽ là niềm ''nhớ nhung cõi trời'' -- mà Beaudelaire đã nói -- dù sao giọng hát Thái Thanh vẫn không phải là giọng u buồn. Giọng Thái Thanh là một giọng ca hoan lạc, giọng hát của hạnh phúc ca xướng, giọng hát của hạnh phúc nói chung. Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng nghe... Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu. Xin Thái Thanh chấp nhận nơi đây tấm lòng tôn quí cảm kích của tôi.

Montreal, tháng 5-1972

Georges Etienne Gauthier

Võ Phiến dịch

(Tạp chí Bách Khoa 1970-1972)

March 18, 2020

MỘT CÕI ĐI VỀ


Ta cũng không còn biết nữa, đã bao lần ta đã đi và đã bao lần ta trở về. Đi một mình và về cũng chỉ một mình...Đi cũng là Ta mà về cũng là Ta. Đi thì cửa đóng cài then mà về thì "xin gõ chuông cửa sẽ mở". Có những cuộc đi buồn vời vợi, cũng có những cuộc đi hân hoan như "mây trắng thong dong" chẳng cần biết đâu là "chốn quê xưa". Chẳng có cuộc đi nào giống cuộc đi nào, và chẳng có cuộc về nào giữ trọn "chút duyên xưa".

Ngày hôm qua ta đã đi, và hôm nay ta đã về. Chẳng biết cuộc đi sẽ đem lại cho ta được những gì và sẽ mất những gì. Một cuộc đi mà ta cũng không hẹn ước tìm chút vui, hay để trốn tránh một sự trống vắng. Đi là chỉ để mà đi, tự nhiên như dòng sông. Vậy thì được hay mất có ý nghĩa gì đâu. Nhưng trong sự trở về Ta biết ta đã mất, vì sự trở về chính là sự "tìm lại của ngày hôm qua". Tìm lại bước chân ngày hôm qua thì bước chân cứ thế đi ngược chiều với ngày hôm nay, sự trở về chính là sự ra đi. Chút kỷ niệm và chút hương xưa đã theo thời gian mà lùi dần, lùi dần, trơ trọi quá... Vì biết rằng, đi thì sẽ không bao giờ đến, mà ngồi yên thì trời cao lồng lộng đất rộng mênh mông đều được thu vào trong một tích tắc nhắm mở con mắt. Có ai đã đi và đã đến, chỗ nào là chỗ đến, hay sự dừng chân cuối cùng của một đời người là nằm yên trong lòng đất. Đất lạnh mà ấm biết bao đã ôm ấp những kiếp người sau những cuộc đi dài hàng vạn dặm. Vậy thì cuộc đi là để tìm mộng trong mộng, huyễn ảo trong huyền ảo. Ta chẳng cần biết, và bạn cũng chẳng cần biết, chỉ biết cuộc đời là ti tỉ những điểm đến lý tưởng với tôi với bạn.

Ai tỉnh, ai say. Ai tỉnh thì nhận ngay nơi chốn cuối cùng trong đôi mắt tuệ giác, ai say thì cứ mãi lạc bước đi tìm mà chẳng bao giờ thấy được bến bờ... Ta cũng đã bao lân đi nhưng chưa một lần đến, bởi đôi mắt ta còn nhuốm màu trần thế và vẫn say mê với những mộng tưởng với những viễn cảnh mờ ảo. Ta đã đi và đã đắm say trong vạn kiếp nhân gian, và trái tim đa mang đã lạc bước mãi trong n iềm vui và nỗi buồn nơi trần thế mà không phải là tịch nhiên tỉnh lặng, vô hư để thoát ra ngoài sự đi về mà nhận ra mọi cái rồi cũng chỉ là hư vô.

Chao ôi...! Đã trót dấn thân vào cõi thế, vậy thì ít nhiều cũng đã bị nhiễm lụy với buồn vui cõi thế. Nhân tình là tình người, vậy thì dẫu đi hay về cũng phải làm sao gìn giữ chút tình người còn mãi với nhân gian chứ đừng để cho "nhân tình thế thái" bởi cuộc ĐI - VỀ của Ta, của Người rồi một khi đêm tối trở về ngồi tỉnh lặng đối diện với chính ta mới thấy sao ta mãi cứ một mình trên hành trình vạn nẻo cô đơn... Mây trắng thong dong trên đỉnh núi cũng chỉ là mây trắng thong dong bởi vì mây là phù vân mà phù vân là phù hư dã hợp...đâu là chân, đâu là giả? Vậy thì cuộc đi cũng sẽ như phù vân mà cuộc về cũng phù vân... Cái chân thật nhất của ĐẠO chính là không đi không về... (TCS)

ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI


Cho, không phải chỉ là làm vui kẻ đón nhận; mà còn là một thái độ, một nghệ thuật sống ở đời để có hạnh phúc. Nghệ thuật ấy chính là buông xả những gì mình có, từ niềm vui cho đến nỗi buồn. Niềm vui, gửi cho người; nỗi buồn, ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI. Đời chúng ta được hạnh phúc, thảnh thơi, nhẹ nhàng không phải nhờ sự thu nhận, chất chứa, mà chính là buông bỏ, buông bỏ tất cả, cho đến khi không còn gì để trao đi, không còn người cho và không còn ai đón nhận

TIẾNG HÁT THÁI THANH ĐÃ VỀ CHỐN "NGHÌN TRÙNG XA CÁCH"


(Nữ danh ca Thái Thanh vừa giã từ cõi tạm ngày 17/3/2020 (giờ Nam California), hưởng thọ 86 tuổi)
Dẫu biết, thời gian gần đây, sức khoẻ danh ca Thái Thanh đã yếu, dẫu vẫn biết, sinh ly là chuyện thường hằng, nhưng sự ra đi của tiếng hát vượt thời gian này không khỏi để lại một ngậm ngùi…
Ngậm ngùi là bởi, tiếng hát Thái Thanh, không định khung trong những danh vị, như danh ca, tiếng hát vượt thời gian, hay "chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ", như nhận định của Thuỵ Khuê trong một tiểu luận, nay ra đi để lại một khoảng trống không thể bù đắp.
Nhạc sĩ Ngô Tín, trong cuộc trả lời phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, thì gọi Thái Thanh là 'Tiếng hát trường cửu', theo cái nghĩa, đó là tiếng hát không thể và không bao giờ bị vượt qua. Hơn thế, bà là một tượng đài nghệ thuật thực sự "Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi"
Tự luyện giọng theo các lối dân ca và tự đọc sách nhạc tiếng Pháp, rồi đi hát và thành công từ năm 14 tuổi trong vùng kháng chiến, rồi vang danh cùng ban hợp ca Thăng Long của gia đình. Thái Thanh, nghệ danh mà bà lấy từ thập niên 1950 gắn liền với những bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng như những bản nhạc tiền chiến, nhạc tình miền Nam
Đó là tiếng hát đã kết hợp giữa dân ca Bắc Bộ với opera phương Tây; giữa giọng nữ cao có kỹ thuật điêu luyện đến mức khiến ta không còn nhận ra đâu là kỹ thuật, với tình cảm dạt dào, rất có hồn trong từng ca từ và nốt nhạc, dễ đi vào lòng người. Tiếng hát của bà "đại diện cho một nền âm nhạc hòa quyện những tinh tuý của Âu châu và Á Đông. Giọng hát, phong thái, tính cách của người ca sĩ tài danh đại diện cho một nền văn hóa quý phái, cao thượng và nhân văn của dân tộc Việt Nam".
Tự tiếng hát ấy đã mở ra một trường phái là vậy.
Nhưng đâu chỉ có thế? Tự thân tiếng hát thôi không đủ, mà điều quan trọng là tiếng hát Thái Thanh đã gắn liền với những bước đi của lịch sử dân tộc Việt thế kỷ XX, từ những ngày kháng chiến, đến khi về Thành, vào Nam hay ra hải ngoại. Thái Thanh sinh ra trong một gia đình văn nghệ gắn với ban Hợp ca Thăng Long với người anh là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, chị là ca sĩ Thái Hằng [vợ nhạc sĩ Phạm Duy]. Dòng máu văn nghệ như vậy là đã hun đúc ngay từ trong gia đình. Thái Thanh là người chuyên chở dòng nhạc của Phạm Duy, mà những sáng tác của Phạm Duy đã theo những bước đường lịch sử của đất nước, nên tiếng hát Thái Thanh đi theo cùng vận nước là vậy. Cho nên, với Thái Thanh qua tiếng hát của mình, đã trở thành mẫu người tiêu biểu cho vận nước, một tượng đài, chứ không chỉ bằng tiếng hát đơn thuần không thôi".
Có lẽ cùng nhận xét như thế, nên khi nghe tin bà qua đời, Nhạc sĩ Trần Quảng Nam, trong bút đàm với BBC News Tiếng Việt, đồng ý với nhận xét ''khi nghe tin Thái Thanh mất, nhiều người ngậm ngùi không chỉ vì tin bà mất, mà là thương tiếc cho một thời đã qua".
Nhạc sĩ Trần Quang Nam viết tiếp: "Thái Thanh là một huyền thoại, một hình tượng và là một tiêu chuẩn trong thế giới âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc, đặc biệt là những trường ca của Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Lê Thương… cũng là nhưng di sản của âm nhạc Việt Nam, thì những di sản đó khi đi đến người nghe, đã phải có Thái Thanh ở trong đó! "Giọng hát, cuộc đời ca hát của cô chính là một di sản lớn!" và cũng là thần tượng của nhiều thế hệ ở VN
Còn nhạc sĩ Trần Quang Nam thì kể rằng, ông chỉ gặp Thái Thanh một lần, nhưng hình như lúc nào Thái Thanh cũng như một người thân, bởi "tôi sinh ra và lớn lên trong hầu như mỗi ngày với tiếng hát của chị, ở đài phát thanh, ở truyền hình, ở mọi nơi có tiếng hát của chị!".
NHỮNG 'MÓN NỢ' ÂN TÌNH
Jimmy - Nhựt Hà nói rằng, việc anh chưa thực hiện được một chương trình riêng với danh ca Thái Thanh, để khán giả được nghe 'tiếng hát vượt thời gian' này tâm tình, khiến anh thấy tiếc nuối:
"Ngay từ những ngày đầu làm Jimmy Show, tôi rất muốn được làm một tập về danh ca Thái Thanh. Jimmy có liên lạc với gia đình, nhưng lúc đó sức khoẻ của cô Thái Thanh không cho phép. Bởi vậy, từ chiều đến giờ, Jimmy rất buồn và tiếc nuối vì chưa làm được một tập để khán giả nghe cô Thái Thanh tâm tình. Nếu gia đình đồng ý, Jimmy sẽ thực hiện một tập tưởng niệm danh ca Thái Thanh", Jimmy nói.
Còn nhà báo Nguyễn Vy Tuý, từ Úc châu, thì lại nói rằng, ông cũng như nhiều người Việt tỵ nạn vẫn còn 'mắc nợ' tiếng hát Thái Thanh.
Bởi theo ông, một giọng ca có ảnh hưởng vào các giai đoạn trong đời mình,"từ lúc bé thơ đã nghe 'Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi', đến lúc biết yêu mà dang dở 'người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người', rồi khi phải bỏ nước ra đi: 'Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa, mà khóc với cười'... mà mình lại chưa mua một dĩa CD gốc của ca sĩ ấy, hay đến xem họ trình diễn, hoặc tặng họ một bó hoa... để tỏ lòng ngưỡng mộ, thì thực sự mình còn mắc nợ họ".
"Đối với người Việt hải ngoại, thời gian Thái Thanh còn kẹt trong nước khiến ai nấy ngậm ngùi, nhớ thương. Nhưng đến khi cô ấy ra được hải ngoại lại rất hiếm khi xuất hiện trên các sân khấu. Riêng dân Việt tại Úc thì chưa có lần nào hân hạnh đón tiếp 'giọng hát vượt thời gian' ấy đến thăm. Vậy thì chúng tôi vẫn còn nợ Thái Thanh là như vậy".
"Thôi thì, riêng tôi trả nợ bằng cách cầu cho giọng ca ấy được an nhiên nơi miền vĩnh phúc", nhà báo Nguyễn Vy Tuý nói với BBC News Tiếng Việt.

March 17, 2020

ALINE-GỌI TÊN NGƯỜI YÊU


(Aline là ca khúc quan trọng trong sự nghiệp của Christophe - một trong những nam ca sĩ Pháp được người yêu nhạc Việt hâm mộ nhất mộ thời.)

Ở thập niên 60, rất nhiều người đã mê Aline. Được Christophe sáng tác, thể hiện và hãng Disc AZ phát hành, Aline ra mắt vào tháng 7-1965 dưới dạng đĩa 45 vòng. Ca khúc lập tức trở thành hiện tượng trong mùa hè cùng năm và đứng đầu danh sách ở Pháp và Bỉ với 1 triệu đĩa bán ra. Tháng 10-1966, ca khúc tiếp tục thống trị ở Israel.

Hè năm 1979, hãng Motors phát hành đĩa 45 vòng gồm hai bài Aline (mặt A) và Je ne t'aime plus (Anh không còn yêu em) mà không thu âm hay phối lại. Nhạc phẩm này ngự trị ngôi đầu ở Pháp một lần nữa với 1 triệu đĩa bán ra. Đến nay, có 3,5 triệu đĩa Aline được tiêu thụ trên toàn thế giới.

Theo tạp chí Paris Match, dàn nhạc Việt Nam chơi bài Aline để chào mừng tổng thống François Mitterrand (1916-1996) trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 1993.

Christophe cho biết Aline ra đời năm 1964 trong một bữa ăn trưa tại nhà người bà. Phần nhạc được soạn bằng ghi-ta chỉ trong 15 phút, lấy cảm hứng từ nhạc blues, nhạc pop và được Jacques Denjean (1929-1995) điều chỉnh ít nhiều khi thu âm sau đó.

Cũng theo Christophe, ông thường viếng thăm một người tên Aline vào năm 1964 và chọn tên này làm tựa bài hát vì nó rất âm vang. Trong quyển 50 ans de chansons françaises (50 năm bài hát Pháp), Daniel Ichbiah cho biết Aline là tên nữ trợ lý xinh đẹp của một nha sĩ mà Christophe từng đến khám.

Aline qua giọng hát mượt mà của Christophe đến Việt Nam vào những năm 1965, 1966 và được nhiệt tình chào đón. Nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt cho Aline và đặt tựa là Gọi tên người yêu. Bài hát làm rung động con tim bao khán giả Việt Nam qua giọng ca của Thanh Lan, Ngọc Lan, Elvis Phương trước đây hay Bằng Kiều về sau này.

Trong lời Pháp, nhân vật nam đi tìm người yêu trong tuyệt vọng (Je l'ai cherchée sans plus y croire/ Et sans un espoir…). Trong lời Việt, Phạm Duy chuyển nổi tuyệt vọng ấy thành câu hỏi: "Người hỡi có ai… tìm em giúp tôi?".

Chẳng biết chàng có tìm được nàng không nhưng chắc chắn là Christophe không còn ghé thăm cô Aline xinh đẹp từ sau năm 1964.

Học sinh cá biệt thành ca sĩ nổi tiếng

Tên thật là Daniel Bevilacqua, Christophe sinh năm 1945 tại Essonne (Pháp) trong gia đình một nhà thầu xây dựng gốc Ý. Thời nhỏ, Daniel là học sinh cá biệt, phải chuyển trường hàng chục lần và học nội trú.

Thần tượng âm nhạc của Daniel là Édith Piaf (1915-1963), Gilbert Bécaud (1927-2001), Robert Johnson (1911-1938) và John Lee Hooker (1917-2001). Năm 1961, Daniel thành lập nhóm nhạc nghiệp dư Danny Baby et les Hooligans và luôn luôn hát cùng cây ghi-ta.

Sau đĩa 45 vòng đầu tiên Reviens Sophie (Sophie, hãy trở lại!) không có tiếng vang, Christophe thành công rực rỡ với nhiều ca khúc, trong đó có Aline (1965), Les marionnettes (Những con rối - 1965), J'ai entendu la mer (Thầm nghe sóng biển - 1966), Mal (Cơn đau tình ái, lời Việt: Phạm Duy - 1971), Oh mon amour (Ôi! Tình yêu - 1972), Main dans la main (Tay trong tay, lời Việt: Phạm Duy - 1972) và La vie c'est une histoire d'amour (Đời là một chuyện tình - 1973), Nue comme la mer (Mùa hè tuyết rơi - 1973).

Christophe nhận giải thưởng lớn về ca khúc của Viện Charles-Cros (2008), giải thưởng lớn về ca khúc Pháp của SACEM (2010) và Bắc đẩu bội tinh (2014). Ông đến Việt Nam biểu diễn năm 2013.

Đối với báo chí Pháp, Christophe là một nhân vật có nhiều gương mặt, biết tạo ra quanh mình một bí ẩn để khỏi bị soi bởi giới truyền thông. Đối với người hâm mộ, Christophe là một trong những ca sĩ đại diện cho dòng nhạc Pháp trữ tình đã và đang làm rung động hàng triệu con tim bằng những giai điệu tuyệt vời.

March 14, 2020

CHỈ CHỪNG ĐÓ THÔI


...Sài Gòn đã bắt đầu lác đác những cơn mưa chiều. Có một lần, Em vướng phải cơn mưa rào bất chợt trên đường phố, kề cà ghé vào trú mưa dưới một hiên nhà ở bên đuờng, ngắm nhìn đường phố vắng lặng với từng chùm bong bóng nước phập phồng trắng xoá. Nghe hòa lẫn trong tiếng mưa rơi, tiếng nhạc buồn da diết như rung lên những cung tơ lòng trầm lặng

Chỉ cần một cơn mưa
Là vai gầy thêm nữa
Cho ướt môi, mềm da
Chỉ cần giọt mưa sa.

Chỉ chờ một cơn mưa
Để không ngờ chi nữa
Đi dưới mưa hồng nghe
Giọt nhẹ vào tim ta

Chỉ một chiều lê thê
Ngồi co mình trên ghế
Nghe mất đi tuổi thơ
Chỉ một chiều bơ vơ...

CHỈ CHỪNG ĐÓ THÔI
Vào năm 1975, nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa một buổi chiều lặng lẽ mênh mang như thế vào dòng âm nhạc trữ tình buồn man mác về một tình yêu đôi lứa chia lìa. Lời thơ nhạc mộc mạc như chính tâm hồn đôn hậu tinh tế của người nghệ sĩ đã làm rung động người nghe khi hồi nhớ về một mối tình thơ mộng lãng đãng. Đó là một buổi chiều buồn lê thê mà viết nên những dòng nhạc Chỉ chừng đó thôi, khiến cho lòng người nhớ, tình người vương...

Những cảm xúc trong lời bài hát dạo đầu sao mà chất ngất nỗi lòng bẽ bàng câm nín, giờ chỉ như muốn tuôn trào theo nhịp mưa rơi. Có lẽ cuộc tình của đôi trai gái cũng bắt đầu trong một chiều mưa chăng? Họ yêu nhau một thuở Adam ngù ngờ, Êva khù khờ thánh thiện, mộng mơ và lãng đãng hương hoa. Thế mà phải chạnh lòng quên nhau chỉ sau một quãng thời gian thật ngắn ngủi trong dòng năm tháng vô biên của cuộc đời. Còn nỗi buồn nào hơn dẫu vẫn biết tình đời là con nước trôi, dẫu vẫn biết cuộc đời vốn dĩ đầy bất trắc? Lời ca cứ bàng bạc tiếc nuối...Yêu nhau tha thiết, mong được gắn bó dài lâu nhưng đôi uyên ương không sao vượt qua được những trớ trêu của phận người.

Nhưng thiên tai chực chờ
Đôi uyên ương vật vờ
Chia nhau xong tội đồ
Đày đọa lâu mới tha.

Hạnh phúc và đớn đau. Hội ngộ và ly biệt. Xót xa như một phận đời được định sẵn....

Ngoài trời, gịot mưa rơi xuống như giọt nước mắt biệt ly. Buồn làm sao. Nhưng đấy là cái buồn bã đẹp dịu dàng nhưng không ủy mị của cơn mưa chiều làm cho lòng người thêm đằm thắm và mở ra một cách độ lượng.

Cả triệu người yêu nhau
Còn ai là không thấu
Len giữa u tình sâu
Một vài giọt ơn nhau...

Yêu thương nào cũng mong manh cho dù có lần ai đó đã nói với mình "Tôi yêu người còn hơn yêu tôi"....

Yêu thương mong manh, nhưng hạnh phúc là điều có thật. Cuộc tình dù đẹp đến mấy đi nữa thì cũng đến lúc phải mất nhau. Nếu đôi tình nhân có nên duyên thì cũng đến một lúc phải chia lìa. Không thể nên duyên thì được yêu nhau thêm một ngày cũng đã là quá đỗi hạnh phúc. Hạnh phúc vì đã nhận quá nhiều ở cuộc đời này. Chỉ cầu mong đến lúc nào đó phải mất nhau thì không làm khổ nhau, không làm đau nhau, để còn mãi trân trọng nhau. Trân trọng ngay cả những mảnh vỡ của cuộc đời.
Thế nên cái kết của bài hát đẹp lung linh

Tia sáng Thiên đường cao
Rọi vào ngục tim nhau...

NGUYÊN SA và SỰ THAY ĐỔI CẢM NHẬN THI CA VN


Những câu thơ mà Nguyên Sa đem từ Pháp về Việt Nam năm 1956 đã thay đổi rộng khắp cảm nhận thi ca của đa số thanh niên Việt Nam. Giống như một nhạc cụ mới, có âm hưởng sâu và đánh thức giác quan thẩm mỹ của thời đại.
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
……..
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng”
Những câu thơ mà Nguyên Sa đem từ Pháp về Việt Nam năm 1956 đã thay đổi rộng khắp cảm nhận thi ca của đa số thanh niên Việt Nam. Giống như một nhạc cụ mới, có âm hưởng sâu và đánh thức giác quan thẩm mỹ của thời đại, thơ Nguyên Sa đã góp phần làm bản hòa tấu đa âm của thi ca Việt Nam thêm những rung động lạ lẫm cuốn hút người đọc mà Thơ Mới tỏ ra không còn đủ sức hấp dẫn như lúc khởi đầu.
Thơ Nguyên Sa nhanh chóng tràn vào từng lớp học, nơi trái tim học trò đập những nhịp điệu đầu tiên của tình yêu. Nguyên Sa yêu và chia sẻ cách yêu của mình qua kinh nghiệm một chàng trai có những thời khắc tuyệt vời tại Pháp, thủ đô của tình yêu trai gái, thủ đô của những giòng thơ trác tuyệt từng một thời là bệ phóng cho hàng trăm thi tài thế giới.
Nguyên Sa đem cái hồn phách của Châu Âu tái sinh sau khi thế chiến thứ II chấm dứt về Sài Gòn và nhanh chóng chiếm trọn sự cổ vũ nồng nhiệt của sinh viên học sinh. Ông đem ánh đèn vàng Paris nơi có những nhà ga là nguồn cảm hứng vô tận cho những cuộc chia tay. Ông mang theo hơi hám của sông Seine của nhà thờ Notre Dame về lại Sài Gòn nơi mà nhiều thế hệ thanh niên chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp.
Về tới Sài Gòn ông lại hỏi thăm Paris. “Paris có gì lạ không em?” Hỏi nhưng ông biết Paris vẫn thế, vẫn những quán café nho nhỏ xinh xinh trên đường phố Montmartre thuộc quận 18 của Paris. Vẫn giòng sông Seine cuốn hút gợi tình. Câu hỏi của Nguyên Sa về Paris đã làm thanh niên học sinh Sài Gòn thổn thức như chính họ đã từng ở Paris nay về lại quê hương mà lòng không tránh được nhớ nhung một thuở.
Thanh niên Sài Gòn nhớ cái mà họ chưa từng trải nghiệm qua thơ Nguyên Sa. Bắt đầu từ đây ông bước vào lãnh thổ khép kín của nhiều người. Ông cùng với họ thở hơi thở thi ca bằng những ngôn từ mới, rất mới, cho tới bây giờ sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn mới tinh. Paris có gì lạ không em?
Paris có gì lạ không em ?
“Paris có gì lạ không em ?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em ?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em ?
….
Anh sẽ chép thơ trên thời gian
Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen
Vì em hay một vừng trăng sáng
Đã đắm trong lòng cặp mắt em?”
Paris không những là kinh đô của ánh sáng mà nó còn là thủ phủ của tình yêu. Có lẽ yếu tố tình yêu của Paris dính liền với lứa tuổi học trò Việt Nam thời đó. Thời của những trang lưu bút, những cánh hoa ép vào trong vở học, những hò hẹn ngây thơ và đầy tiếng ve, xác phượng là khoảng thời gian đẹp nhất trong một đời người. Trong lứa tuổi ấy tình yêu bắt đầu với những giai điệu mong manh và huyền ảo nhất.
Nguyên Sa nói đó là sự cần thiết, là điều không thể thiếu của con người. Xác quyết ấy của Nguyên Sa nhanh chóng được giới trẻ gật đầu thừa nhận, và vì thế, thơ ông từ đó có mặt trong lưu bút, trong sân trường thời trẻ dại và ngay cả sau này khi họ đã thành gia thất.
Cần thiết
“Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa
Những lúc em cười trong đêm khuya
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng
Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh
Lúc sương mờ ai thở để sương tan
Ai cầm tay cho đỏ má hồng em
Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc...”
Thơ Nguyên Sa không những trau chuốt về ngôn ngữ nó còn lấn sâu tới một vùng khác đầy hấp dẫn nhưng cũng rất nguy hiểm đối với thể loại văn học dễ làm nhưng khó hay và nhất là khó nổi tiếng: thơ tự do.
Trước đây hơn nửa thế kỷ, một câu thơ đẹp sẽ bị quay lưng khi nó thể hiện hình ảnh, ý tưởng có vẻ “nhạy cảm” đối với người yêu thơ. Trong mỗi cá nhân có thể không giống nhau cách chia sẻ một bài thơ hay nhưng rất giống nhau khi nhìn thấy một câu thơ kỳ khôi, vượt lên trên cảm nhận bình thường của thi ca.
Cảm giác đó vẫn còn đầy đối với người đọc thơ đương đại vậy mà Nguyên Sa làm cho người đọc thơ ông cách đây hơn nửa thế kỷ phải mỉm cười, dù cách so sánh của ông lập dị đến nỗi không ai có thể nghĩ tới. Trong một bài thơ có tên người yêu và cũng là vợ ông sau này, ông viết:
Nga
“Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển!...”
…..
Hình ảnh đôi mắt cá ươn thật sự gây thích thú cho sinh viên học sinh Việt Nam ngay cả cái mùi không dễ chịu của nó cũng làm họ ngây ngất. Ẩn dụ của Nguyên Sa làm học trò tròn mắt và người lớn mỉm cười. Từ đôi mắt cá ươn, đỏ lên sự nhớ nhung, cho tới cách mà hai con chó ốm quấn quýt nhau đã nâng Nguyên Sa lên bệ của thần tượng trong lòng họ:
“Em nhớ không, anh đã van em đừng buồn
Anh đã van em đừng để những nụ cười chắp nối
Mắt anh sẽ mờ vì những vết kim khâu
Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau
Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm!...
…….
Em đã khóc, anh đã khóc và chúng mình đã khóc
Bước chân lê trên những hè phố không quen
Chúng mình đã khóc vì không được gần nhau như hai con chim
Chúng mình đã khóc vì không có tiền làm lễ cưới, lễ xin
Và em nhớ không, chúng mình đã hỏi nhau:
Tại sao phải làm lễ tơ hồng
Tại sao phải nhờ người ta buộc chỉ vào chân
Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh
Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em
Người ta làm thế nào cắt được
Bốn bàn tay chim khuyên!...”
“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc, áo nàng xanh tôi mến là sân trường” Có lẽ là hai câu thơ làm thành tên tuổi Nguyên Sa. Cảm xúc ngây ngô của chàng thanh niên trong lứa tuổi 16 nói với em, một cô học trò 13 tuổi. Những lời lẽ nếu xuất hiện hôm nay có lẽ cuộc đời sẽ giảm bớt biết bao nhiêu bụi bặm của thời đại.
Em Mười ba tuổi của thời Nguyên Sa rất nguyên sơ và thánh thiện. Chàng thư sinh Nguyên Sa không hề dám tơ tưởng vóc hình em mà chỉ dám chạm đến nhè nhẹ một màu áo, một sân cỏ nơi em bước qua. Đẹp và lãng mạn đến thế là cùng.
Tuổi 13
“Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ...
Tôi phải dỗ như là... tôi đã nhớn
……
Và đôi mắt nhìn tôi ngập ngừng chim sẻ
Đôi mắt nhìn trời nhè nhẹ mây nghiêng
Tôi biết nói gì? Cả trăm phút đều thiêng
Hay muốn nói nhưng lòng mình ngường ngượng

Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần tôi chỉ dám... quay đi
Cả những giờ bên lớp học, trường thi
Tà áo khuất thì thầm: "chưa phải lúc..."

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím...”
Trở về Việt Nam trong hoàn cảnh miền Nam đang hít thở bầu không khí chính trị mới, Nguyên Sa đóng góp vào nền văn học Việt Nam trên nhiều lãnh vực. Ngoài thơ, ông còn là một nhà báo, một cây viết phê bình văn học, một nhà lý luận và còn là một nhà giáo dục.
Là Hiệu trưởng trường Văn Học, dạy môn Triết tại trường Chu Văn An cũng như đại học Văn Khoa và nhiều trường trung học nổi tiếng khác tại Sài Gòn như Văn Lang, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Thượng Hiền, Nguyễn Bá Tòng… ông có cơ hội tiếp cận với học sinh, sinh viên và để lại trong lòng nhiều lớp người ký ức đẹp đẽ khi theo học thầy Trần Bích Lan, tức nhà thơ Nguyên Sa.
Nguyên Sa, Hạt cát nguyên sơ ấy đã theo chân học trò và người yêu thơ ông góp vào hành trang của họ những luận lý Tây phương cũng như cảm nhận cái đẹp với ý thức hoàn toàn vượt ra khỏi sự cũ kỷ nhàm chán của một nền Hán học vẫn đậm đặc trong xã hội. Thầy Trần Bích Lan không giảng bài mà ông thầm thì với học trò của ông những vần thơ tuyệt đẹp để từ đó nhiều người nhận ra rằng thơ có khả năng mở sáng trí tuệ chứ không chỉ là giai điệu hay những nỗi buồn, niềm vui bình thường của con người.
Giống như hầu hết văn thi sĩ miền Nam, thơ Nguyên Sa trong những năm chiến tranh có thay đổi tuy không lớn và máu lửa như nhiều nhà thơ khác. Trong những bài thơ mang tính thời cuộc ấy vẫn thoang thoảng cá tính Nguyên Sa, một thiên sứ tình yêu, một cung bậc mới trong cảm nhận văn học.
Nguyên Sa đốt lên ngọn lửa trong “Bài hát Cửu Long” nhưng không phải là lửa chống quân thù mà là lửa soi đường cho thanh niên, lửa tin yêu của những chàng trai cô gái hội tụ bên nhau trước vận mệnh mới của dân tộc.
Bài hát cửu long
“Có gì đâu em: có một đoàn người
Có một đoàn người góp sức góp vai
Cùng rủ nhau về góp một thành hai
Những bước chân góp đi làm đến!
Họ không dại khờ: góp trăng làm nến!
Chỉ những miệng cười góp lạ thành quen
Góp những giọng hò làm trống ngũ liên
Góp những bàn tay dựng thành đại hội
Cánh tay chắp cánh tay cho dài thêm nửa với
Gạo quanh nồi góp lại bữa cơm chung
Họ cùng đi cùng góp tháng, góp năm...
Để sáng ngày mai làm sông làm biển

Có gì đâu, có một đoàn người
Bên bờ Cửu Long gõ nhịp
Cả giòng sông gõ nhịp vịn bờ sông
Họ rủ nhau về sương gió vui chung
Dù có phút nước mắt chạy quanh
Hay miệng cười hớn hở
Vẫn bát gạo Hậu Giang, vẫn nụ cười huynh đệ
Mắt nghẹn ngào sáng tỏ nắng phương Nam
Màu nắng vàng không màu nhiệm hào quang
Nhưng dù má bừng lửa cháy
Trán đổ mồ hôi
Họ cùng không đóng cửa mừng vui
Những bàn tay ngượng ngập díu môi cười
Không phải khóc
Một đời người tầm gửi”
…..
Thủy chung Nguyên Sa vẫn yêu tận tình con người, yêu như trai gái yêu nhau, như những cặp tình nhân bất tử. Có lần ông giật mình khi nhìn lại chung quanh và chính bản thân để rồi thở dài cho đời người sao quá nhiều cay đắng, đặc biệt những con người trong thế hệ bị bộ máy chiến tranh bào mòn, nghiến nát:
Bây giờ
“Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt
Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư
Tay quờ quạng cầm tay vài tiếng hát
Lúc xòe ra chẳng có một âm thừa

Cửa địa ngục ở hai bên lồng ngực
Phải vác theo trăm tuổi đường dài
Nên có gửi cho ai vài giọng nói
Cũng nghe buồn da diết chạy trên môi

Hai mắt rỗng phải che bằng khói thuốc
Chúng tôi nằm run sợ cả chiêm bao
Mỗi buổi sáng mặt trời làm sấm sét
Nên nhìn đêm mở cửa chẳng đi vào”
Nhà thơ của chúng ta cuối cùng rồi cũng không ra khỏi chiếc vòng tròn tự vấn. Trong bài thơ Sám hối, cái tựa trước tiên gây cảm giác tê tái và lạnh căm, nhưng qua bài thơ này Nguyên Sa phủ trùm lên nó thứ ánh sáng tái sinh của sự tận hiến. Chàng trai xưng tội với một người đàn bà, biểu tượng lòng thành mà một đời chàng trân trọng.
Chàng không sám hối điều chàng đã làm cho nàng. Những điều mà chàng thốt ra thật khó hình dung, diễn đạt lại vì thế cái cảm giác ăn năn, tự trách vẫn bồng bềnh trong bài thơ khiến chúng ta không thể hiểu tại sao.
Bài thơ này có lẽ mang tính triết học đậm đặc nhất trong toàn bộ cuộc đời làm thơ của ông. Sám hối, trở về với nguyên ủy sự sống. Vòng quay bất tận của tái sinh hay sự trở về gục đầu vào lòng người nữ vẫn luôn là đớn đau bất tận của nhân loại.
Sám hối
“Khi nắng mở cửa một bầu trời nạm bạc,
anh sẽ trở về trên con đường không có mùi cỏ ải
mà chỉ có nắng vàng hanh.

Anh sẽ trở lại bên em - mà cúi đầu - mà quỳ gối -
mà nghe rụng trong lòng ánh sáng hành tinh.

Anh sẽ quỳ gối bên em nhưng không dám nói chuyện trần gian.

Anh không dám kể lể dài dòng như một người giang hồ
nói với người giang hồ về những chuyện quê hương.

Anh chỉ dám dâng em chút ít đớn đau với nỗi niềm sám hối.

Nỗi niềm của một kiếp người đã nhiều tháng ngày ngồi trong ngõ tối.
……
Anh không dám nhắc đến cuộc đời xa cũ.
E sợ rằng lời lẽ chua cay sẽ biến thành bốn con ngựa già
kéo linh hồn anh chạy về bốn phía chân trời
trong những ngày giá lạnh.

Anh cũng không dám khóc. Nước mắt em ơi, đã đóng đinh
vào lòng bàn tay anh và linh hồn dớm máu...

Anh chỉ ngồi nhìn sao khuya rung động.
Nghe bờ môi tát cạn nhưng hơi thở yếu dần.”
Nhắc đến Nguyên Sa người yêu thơ ông vẫn tưởng nhà thơ đang rong chơi đâu đó vì ngôn ngữ vẫn sát với khung cảnh thường nhật hôm nay. Mặc dù nhà thơ đã từ trần vào ngày 8 tháng Tư năm 1998, cách đây đã mười sáu năm, nhưng thơ ông vẫn được nhiều người nhắc tới như xưa, đặc biệt trong hoàn cảnh tình yêu tuổi học trò ngày một biến mất để thay vào đó là những trò chơi tình cảm nhục dục của thanh niên trong thời đại mới.
Mỗi tiếng thở dài tiếc nuối quá khứ là một câu thơ của Nguyên Sa. Mỗi câu thơ của ông có khả năng làm mới tâm hồn để biết rằng trong bất cứ thời đại nào nhịp đập tình yêu vẫn là suối nguồn sự sống.
(Mặc Lâm, biên tập viên RFA)

CÁNH BƯỚM VƯỜN XUÂN


Mùa xuân đang đến và trên khắp nẻo đường đang vang lên những khúc ca mừng xuân rộn ràng náo nức lòng người. Nhiều ca khúc mừng xuân đã trở thành những bản “xuân ca” không thể thiếu mỗi khi năm mới đang dần tới. Câu chuyện về khúc ca xuân nhạc ngoại lời Việt sau đây, chắc hẳn là không phải ai cũng đã từng được biết. "CÁNH BƯỚM VƯỜN XUÂN"

Cánh Bướm Vườn Xuân một nhạc phẩm quen thuộc của Pháp, được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt từ giai điệu của bản “Cerisier rose et Pommier blanc” (tạm dịch: Đào Hồng Táo Trắng). Nhạc phẩm này được tác giả Louiguy viết nhạc và Jacques Larue đặt lời. Nội dung của bài hát xoay quanh những kỷ niệm ngập tràn hồn nhiên cháy bỏng của một tình yêu đôi lứa, từ thuở niên thiếu chơi trò nhảy cò cò quanh gốc cây Đào hồng Táo trắng, khi cậu con trai vừa mới biết tiếng yêu đầu đời, và cô gái thì vô tư bẽn lẽn một mối tình trong sáng, cho đến khi họ thành đôi thành lứa sống hạnh phúc bên nhau mỗi độ Xuân về. Một câu chuyện có bắt đầu nhưng không có hồi kết, bởi đối với họ hạnh phúc là vô tận.

Cerisier rose et Pommier blanc” được Louiguy viết vào khoảng những năm 1950 của thế kỷ trước, theo điệu nhạc “bal-musette” uyển chuyển dập dìu. Người yêu “nhạc Việt Nam hẳn không thể nào quên nhạc phẩm bất hủ “La vie en rose” (tạm dịch: Cuộc sống là màu hồng), luôn gắn liền với tên tuổi của nữ danh ca huyền thoại Pháp Édith Piaf, và không ai khác Louiguy cũng chính là tác giả của “La vie en rose”. Riêng đối với “Cerisier rose et Pommier blanc” thì nó đã được nam ca sĩ André Claveau chọn hát và thể hiện rất thành công, với chất giọng khoan thai, trầm ấm biểu cảm, in đậm trong tâm trí của người yêu nhạc Pháp cho đến tận ngày nay.

Về phần mình, nhạc sĩ Phạm Duy chỉ vận dụng một chút “không khí Xuân” của bài hát gốc, ông đã không ngần ngại đặt hẳn lời Việt mới cho ca khúc là “Cánh Bướm Vườn Xuân”. Chi tiết đặc biệt ở đây là Phạm Duy đã chuyển hẳn ca khúc gốc sang điệu Chacha vui nhộn, khiến rất phù hợp với sở thích nghe nhạc của người Việt.

"Vườn xuân thơm ngát hương xuân sắc hoa hàm tiếu

Hoà đưa khát khao duyên nồng tình yêu

Vườn xuân thơm ngát hương xuân sắc hoa hàm tiếu

cánh hoa mỹ miều

Một hôm cánh bướm tung tăng đến dâng tình yêu

chợt đưa kiếp hoa u sầu quạnh hiu

Một hôm cánh bướm tung tăng đến dâng tình yêu

dáng hoa yêu kiều

Cánh bướm ríu rít vui bên hoa

Hương hoa bay nhanh đưa xa xa

Sắc thắm cánh bướm không phôi pha

Hoa thêm xinh tươi vương câu ca

Không gian như lắng trong bao la

Lúc cánh bướm nắng trong hương hoa

Tiếng hát thánh thót như ngân nga

gió xuân la đà

Vườn xuân ong bướm ngất ngây ngất ngây tình hoa

Như đang đắm say ru hồn lòng ta

Vườn xuân ong bướm ngất ngây ngất ngây tình hoa

Tiết xuân chan hòa

Tình xuân dâng ngát hoa"

DIỄM CỦA NGÀY XƯA



(qua lời kể của NS Trịnh Công Sơn về "Diễm Xưa)

Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá.

Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt… Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ. Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên.

Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực. Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thiêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình. Đó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh. Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.

oOo ĐỌC THÊM oOo

Thưở sinh thời, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng rung động trước nhiều người con gái. Tuy nhiên câu chuyện với hai chị em ruột là Ngô Thị Bích Diễm (tức nhân vật trong bài ‘Diễm xưa’) và cô em Ngô Vũ Dao Ánh có lẽ là một giai thoại khó quên với giới yêu nhạc.

Có một câu chuyện vui về 2 chữ trong bài ‘Diễm xưa’: thay vì phải hát ‘nhỡ mai‘, rất nhiều người đã hát là “nhớ mãi’, mặc dù cái sai này khó phát hiện do cao độ của 2 nốt này làm ‘nhỡ mai’ rất giống ‘nhớ mãi’!

LỜI KỂ VỀ ‘DIỄM XƯA'

Khoảng năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn gặp khó khăn kinh tế, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng một dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phủ Cam (Nhà số 11/3 Nguyễn Trường Tộ, hiện nay là nhà của anh chị Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ).

Hằng ngày Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phủ Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có cô Ngô Thị Bích Diễm – con gái thầy Ngô Đốc Kh.- người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Bích Diễm giống bố, người dong dõng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng. Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn.

Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà “dài hun hút cho mắt thêm sâu”. Nhưng anh cũng biết gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ.Thầy Ngô Đốc Kh. – thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng Đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với các cô con gái đài các của ông. May sao lúc ấy họa sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài thì hai bạn liền “liều” mình qua thăm. Những lần liều đầy mình ấy, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp và cũng có khi đang có bố ở nhà, Diễm tránh để cho khách ngồi chơi xơi nước rồi tự ý ra về. Khác với Ph.Th. (em ruột của ca sĩ Hà Thanh), Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả Ướt Mi biết điều đó.Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm Xưa như sau nầy Sơn đã kể lại nhiều lần.

Có một điều lúc ấy Sơn không để ý: Những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Dao A. – em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến bốn năm tuổi, chạy loăng quăng theo chị. Không ngờ chỉ mấy năm sau Dao A. trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương khác thường. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, nay Bích Diễm đã vào học Đại học ở Sài Gòn, tâm hồn của Sơn qua cây cầu cũ, nói như Đinh Cường “Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao A. để rồi thất vọng, để rồi…”.

Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao A., Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh. Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao A. trở về Việt Nam tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao A. nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại “Hai mươi năm xin trả nợ dài, Trả nợ một đời em đã phụ tôi” (Xin Trả Nợ Người). Trong hai mươi năm ấy, Dao A. đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên “hết phụ” tình Trịnh Công Sơn. Như Đinh Cường đã viết: “Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm, suốt tuần sáng nào A. cũng đến ngồi trên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà.” Trịnh Công Sơn yêu Dao A. phải trải qua hai mươi năm mới “nhận” được lời đáp. Tuy đã quá muộn, nhưng trên cõi đời nầy có mấy ai được yêu và được nhận có một khoảng cách dài lâu đến thế đâu!

"DIỄM XƯA'...NGÀY NAY

Trở về Huế để làm từ thiện, thăm lại bạn bè và được sống trong hoài niệm, cô nữ sinh Trường Đồng Khánh – người con gái tạo cảm hứng cho nhạc sĩ họ Trịnh sáng tác ca khúc Diễm xưa – Ngô Bích Diễm đã hồi tưởng về ngày xưa

. Phóng viên: Chị và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quen nhau trong hoàn cảnh nào?

- Bà Ngô Bích Diễm: Sơn quen tôi qua họa sĩ Đinh Cường. Hai người là bạn thân của nhau. Ngày đó, anh Cường thuê nhà trọ ngay trong con hẻm nhà tôi. Có vài lần qua nhà tôi chơi, anh Sơn rủ Đinh Cường đi cùng. Nhà anh Sơn ở không xa nhà tôi.

Anh Sơn ở số 11/3, đường Nguyễn Trường Tộ, tôi ở nhà 46 (cũ) đường Phan Chu Trinh. Từ nhà anh Sơn đi qua cầu Phủ Cam, rẽ tay phải đi bộ vài phút là đến nhà tôi. Sơn hay đến nhà tôi chơi. Lúc ấy, nhà tôi có cây dạ lan hương, hoa nở rất thơm.

Anh Sơn rất thích mùi hoa này. Lúc nào đến chơi cũng nhận xét về mùi thơm của hoa. Có lần tôi đã tặng anh một nhành hoa. Sau đó, tôi nghe các em gái của anh nói lại là cành hoa tôi tặng đã làm chấn động tình cảm của anh.

. Vậy có phải Diễm xưa là tình yêu say mê của Trịnh Công Sơn dành cho chị?

- Tình cảm của Sơn dành cho tôi quá đẹp nên lúc nào tôi cũng trong trạng thái mơ hồ. Tôi không dám nhận mình là người con gái trong nhạc phẩm Diễm xưa. Nhưng đó là một mối tình rất đẹp của chúng tôi ngày ấy.

. Chị nghĩ về Trịnh Công Sơn thế nào?

- Anh Sơn như một dòng sông…

. Nghe nói do gia đình chị, cụ thể là ông cụ thân sinh đang là giáo viên Trường Quốc học Huế, không muốn chị thành thân với một nghệ sĩ?

(Diễm xúc động, một lúc sau mới nói).

- Tôi sinh ra ở Hà Nội. Năm 1952, gia đình tôi vào Huế nên tôi lớn lên ở Huế trưởng thành ở Sài Gòn. Nhưng đi bất cứ đâu, thậm chí sau này khi tôi đã định cư ở Mỹ, vẫn có nhiều người gặp tôi lần đầu đều hỏi tôi có phải là người Huế không? Vì phong cách, dáng dấp của tôi rất giống người Huế. Có lẽ đó là một trong những điều làm Sơn quý mến tôi. Với tôi, Huế luôn khép kín, bí ẩn, dù đi bất cứ đâu, suốt cả cuộc đời, Huế vẫn luôn ở trong tim tôi.

. Một mối tình thật đẹp, nhưng vì sao hai người không cùng nhau đi hết cuộc đời?

- Năm 1963, lúc 20 tuổi, tôi vào Sài Gòn học đại học, còn Sơn sau đó cũng vào học Trường Sư phạm Quy Nhơn. Sau đó tôi du học ở Mỹ nên không có điều kiện gặp lại anh.

. Dịch giả Bửu Ý, bạn thân của Trịnh Công Sơn nói rằng ông mới đếm sơ sơ thì Sơn đã có 23 người đẹp đi qua đời ông. Tất cả đều nói giọng Bắc như chị. Người nào Sơn cũng yêu say mê nhưng vẫn tìm hình bóng của Diễm qua từng người một, Diễm vẫn là niềm cảm hứng để Sơn dâng tặng cho đời những tình ca bất hủ. Chị nghĩ sao về điều này?

- (Nói trong cảm xúc dâng tràn, bà Diễm cười nhưng đôi hàng mi hoen ướt). Hình bóng anh Sơn đã bao trùm lên suốt cuộc đời tôi. Thế là quá đủ rồi! (nguồn: dongnhacxua)

BẢN TÌNH CA CỔ XƯA "SCARBOROUGH FAIR" - ÔI GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA


Những bài hát ca ngợi tình yêu trên thế giới có nhiều, từ huyền thoại được thêu dệt thêm, truyền từ đời này qua đời nọ như chuyện tình Romeo and Juliette, hay sáng tác cho phim để rồi thành tình ca cho các cặp tình nhân như Love Story. Cũng có ca khúc được ra đời từ những mối tình thầm kín của nhạc sĩ để rồi người nghe tưởng như chuyện tình của chính mình, I left my heart in San Francisco, Oh mon amour…

Nhưng chắc ít ai biết bài hát “Scarbough Fair”, giai điệu nhẹ nhàng, giản dị, mà nhạc sĩ Phạm Duy đã chuyển lời Việt, với tựa là “Giàn Thiên Lý”, là một bài hát tình yêu rất lãng mạn, đã có tự nghìn xưa.

Bài hát “Scarborough Fair” là một bài Dân ca xuất xứ từ Anh Quốc, thời Trung Cổ. Scarborough là một thành phố hải cảng nằm ven bờ biển nước Anh. Thành phố thành lập từ một ngàn năm trước đây, khi thủ lãnh Viking Skartha (dân Bắc Âu), quyết định lưu lại lâu dài tại Scarborough, biến hải cảng này trở thành một thương cảng quan trọng trong vùng Tây Bắc Anh Quốc. Hồi những năm còn lưu lạc bên Âu châu, tôi có lần từng ghé qua đây, vào pub uống beer đen hay đứng lặng nhìn những đỉnh núi trọc mờ mờ trong sương chiều, quả thật có gì đó thật huyền thoại thoáng len lén vào tâm hồn người trên vùng đất cũ sương mù quanh năm này. Muốn đến đó, có thể dùng xe lửa từ Luân Đôn ngược Bắc, ngồi nhìn qua cửa sổ trong cuộc hành trình, mới “thấm” được hết cái Hồn của xứ Anh.

- Ý NGHĨA SCARBOROUGH FAIR

Ngày nay chữ “Fair” có nghĩa là Hội Chợ, được tổ chức vào mùa hè, nơi mọi người tụ họp vui chơi, trước kỳ gặt mùa thu. Mùa hè là thời gian rổi rảnh nhất, có thể dựng những gian hàng và các trò chơi nằm ngoài trời. Hội Chợ thường có sân khấu trình diễn âm nhạc cho tới khuya. Thường các hội chợ mang tên là Country Fair, Strawberry Fair… hay lấy tên quận, hạt của thành phố như Orange County, Scarborough Fair…

Scarborough Fair thời đó không có nghĩa là Hội chợ, mà là một cuộc hội họp để các thương nhân trao đổi hàng hóa với nhau. Bắt đầu vào trung tuần tháng Tám, đặc biệt Hội chợ thương mại Scarborough Fair kéo dài tới 45 ngày, một thời gian tương đối dài hơn so với các hội chợ thương mãi khác trong nước. Hội chợ rất lớn và quan trọng, tất cả mọi nơi khắp xứ Anh và ngay cả tại những xứ lân cận khác đều tụ về Scarborough Fair, để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Năm tháng trôi qua, hải cảng của thành phố Scarborough suy giảm, và các hoạt động thương mãi cũng giảm theo. Ngày nay Scarborough chỉ là một thành phố nhỏ hiền hoà, nằm ven biển.

- LỊCH SỬ BÀI HÁT

Có lẽ bài hát Scarborough Fair được toàn thế giới biết tiếng, nhờ Paul Simon và Garfunkel thâu vào đĩa album có tên là “Parsley, Sage, Rosemary and Thyme” vào năm 1966. Khi sang Anh Quốc trong một lần trình diễn, Paul Simon biết đến bài hát, qua lời ca và hòa âm của nhạc sĩ dân ca Anh Quốc – Martin Carthy. Sau này Paul Simon đã cho thu bản nhạc, và có dùng một phần hòa âm của Martin Carthy, tuy P. Simon đã “quên” khg ghi tên Martin Carthy vào dĩa hát của anh.

- Ý NGHĨA BÀI HÁT

Ngày xưa giới thượng lưu và các chàng hiệp sĩ (knights) thường bày tỏ tình yêu qua các bài thơ, bản nhạc với những lời ví von đẹp đẽ, để trải lòng mình. Nhưng lối diễn tả tình cảm này thường là một chiều, chàng ngưỡng mộ sắc đẹp nàng từ xa xa, khi bóng nàng thấp thoáng xuất hiện trên lầu son, hay cùng đám bạn gái dạo chơi trong vườn nhà. Những bài tình tự này không diễn tả hy vọng, ước muốn tình yêu của mình sẽ được đáp lại với tình của nàng.

Đặc biệt, riêng bài hát Scarborough Fair viết từ dân gian, nên tình yêu là một nghịch lý trái ngược hẳn giới thượng lưu và xã hội thời đó. Chàng trai trong bài hát đã đặt vấn đề một cách lãng mạn, tình tứ, đầy chất thơ. Chàng đề nghị nàng làm nhiều điều thật khó khăn, khó thực hiện, như là dệt áo cho chàng, vải lấy từ gỗ của cây phong, và may thật khéo léo để chứng tỏ nàng thực là người yêu chàng.

"Tell her to make me a cambric shirt

Parsley, sage, rosemary, and thyme

Without no seam nor needlework

Then she’ll be a true love of mine"

Và trong bài nguyên thủy, chàng đòi hỏi nàng hãy tới tỏ tình với chàng, hỏi xin bàn tay của chàng. Chàng ước muốn như thế, vì nàng đã phụ chàng, bỏ chàng ra đi một cách đột ngột, vì thế nàng phải trở về thực hiện những điều khó khăn mà chàng đề nghị:

"Dear, when thou has finished thy task

Parsley, sage, rosemary and thyme

Come to me, my hand for to ask

For thou then art a true love of mine"

Bài hát lấy “Scarborough Fair” làm tựa, tuy rằng có người cho xuất xứ cũng có thể là từ Whittington Fair. Tại sao Scarborough? Ngày xưa tỉnh Scarborough nổi tiếng với việc hành quyết những kẻ ăn cắp hay tình nghi phạm pháp. Sau khi bản án được xử lẹ làng ngay tại đường phố, những người thay mặt nhà cầm quyền bèn thi hành bản án ngay tức thời. Tiếng Anh thời nay khi dùng chữ “Scarborough warning”, là mang hàm ý nghĩa là chẳng có lời cảnh cáo nào cả. Thành ra người ta đã suy rằng, bản hát mang tên tỉnh Scarborough, là nói đến sự ra đi đột ngột của người yêu, không nêu lý do và tác giả không cần phải trình bày rõ ràng, và ai cũng hiểu như thế.

Mỗi đoạn của bài hát đều có lặp đi lặp lại câu nói đến bốn cây thảo mộc: Parsley, sage, rosemary, thyme. Ngày nay các loại thảo mộc này chỉ có ý nghĩa đối với các đầu bếp thôi, họ dùng chúng là gia vị vì tất cả đều có mùi thơm. Vào thời Trung Cổ các thảo mộc này có nghĩa giống như hoa hồng của ngày nay, nghĩa là các thảo mộc này tượng trưng cho tình yêu, mà không cần phải ví von lôi thôi. Sự lặp lại cố ý của tác giả, đã nói lên lời ước muốn sâu xa nhất của chàng, ước mong người yêu trở về. Thật đậm nét dân gian như Ca dao của ta vậy.

Qua bốn loại thảo mộc được nhắc đi nhắc lại trong bài hát, chàng trai bị phụ tình đã nói lên lòng mong mỏi tình yêu chân thành, đằm thắm của mình sẽ xoa dịu những cay đắng giữa hai người. Tình yêu đó sẽ có đủ sức mạnh để đứng vững trong thời gian hai người xa nhau, chàng ước muốn nàng trung kiên, chờ đợi chàng trong thời gian xa cách, nàng sẽ có can đảm đi ngược lại lại với xã hội đế làm những việc khó khăn nhất mà chàng đòi hỏi, để chứng tỏ tình yêu của nàng đối với chàng. Câu hát mang tên bốn loại thảo mộc tầm thường nhưng mang ý nghĩa thật thâm thúy, không như loài hoa muôn màu sắc tươi thắm được người đời ca tụng như Hồng, Cúc, Lan… trong thi ca Việt Nam ngày nay.

Trở lại bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển lời Việt với tựa “Giàn Thiên Lý”. Tại sao lại dùng hoa thiên lý, mà không phải loại hoa cao sang nào khác? Cũng dễ hiểu thôi. Giới trẻ thành thị miền Nam lớn lên trong thời chiến trước 1975, được biết đến giàn thiên lý qua các mẩu chuyện của nhà văn Duyên Anh. Giàn thiên lý xanh trong trí nhớ tác giả, đẹp như tuổi thơ êm đềm. Hoa thiên lý màu xanh ngọc, be bé xinh xinh sau nhà.

“Nhà tôi ở cuối thôn Đoài

Có giàn Thiên lý, có người tôi thương”

Có lẽ vì tính cách gần gũi với dân gian của giàn thiên lý, mà nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã mượn hình ảnh giàn cây mát mắt, nở vào mùa hè ấy để kể một chuyện tình xanh màu tuổi thơ, với “thằng bé con mới lớn đã lỡ yêu cô em ngày xưa, và nó cứ nhớ mãi giàn thiên lý êm đềm”. Trong bài hát có thấp thoáng hình ảnh thằng Vũ, con Thúy của nhà văn tuổi thơ Duyên Anh, và thoang thoảng mùi hương của bốn loài thảo mộc ở tận trời Âu”.

(Nguồn: gocnhosantruong)

- LỜI VIỆT (PHẠM DUY)

Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà

Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa

Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi

Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi

Này nàng hỡi! nhớ may áo cho người

Giàn thiên lý đã xa tít mùi khơi

Tấm áo cắt ngay, đã cắt trên khăn lụa là

Là chiếc chăn đắp chung những ngày qua

Tìm một miếng đất cho gã si tình

Giàn thiên lý đã xa mãi nghìn xanh

Miếng đất cát hoang, miếng đất ngay bên giáo đường

Biển sẽ ru tiếng hát bên trùng dương

Giờ đã đến lúc tan ánh mặt trời

Giàn thiên lý đã xa mãi người ơi!

Lắp đất, hố tôi, lắp với đôi tay cô nàng

Thì hãy chôn, trái tim non buồn thương…

TÌNH SỬ ROMEO & JULIET- CHUYỆN TÌNH CỦA MỌI THỜI ĐẠI


(Romeo và Juliet là một trong những vở kịch bất hủ trên sân khấu quốc tế do William Shakespeare viết.Cốt chuyện là tình yêu say đắm với kết cục bi thảm của hai người thuộc về hai dòng họ vốn đã thù hận nhau nhiều thế hệ. Có thể nói Romeo và Juliet là vở kịch xuất sắc và nổi tiếng nhất của Shakespeare.)CNgày xưa, tại thành phố Verona của nước Ý có hai dòng họ Montague và Capulet vốn đã thù hận nhau nhiều thế hệ; họ cãi lộn om sòm và đánh nhau, giết nhau nơi công cộng. Sự ngu xuẩn của hai gia đình này khiến cho Hoàng tử Escalus cai trị thành phố tức giận, ông ta đã ra một đạo luật ngăn cấm việc gây lộn ngoài đường phố, theo đó kẻ phạm pháp sẽ bị tử hình. Hai gia đình Montague và Capulet đành phải phục tùng luật lệ nhưng mối thù vẫn chồng chất trong lòng chỉ chực bùng lên.Con trai Roméo của gia đình Montague tuy không dính dáng vào các vụ tranh chấp, nhưng đang rất buồn rầu do thất tình: chàng đang yêu Rosaline mà nàng thì chẳng đáp lại mối tình này. Để làm cho Roméo vui, một người bạn của Roméo và cũng là người trong họ tên là Benvolio đã đề nghị hai người cải trang và bí mật tham dự buổi dạ hội của gia đình Capulet, nơi mà nàng Rosaline cũng sẽ tới. Và Benvolio còn hứa rằng sẽ tìm cho Roméo một cô gái đẹp, xuất sắc hơn Rosaline. Tuy Roméo có thoáng băn khoăn, nhưng rồi hai người đã cùng người bạn thứ ba là Mercutio cải trang đến dự dạ hội.Tối hôm đó, gia đình Capulet tổ chức dạ hội lớn vì Bá tước Paris - một nhân vật độc thân sáng giá nhất của Thành Verona - sẽ tới hỏi Hầu tước Capulet để xin kết hôn với cô con gái duy nhất là Juliet. Gia đình Capulet nói rằng Juliet mới 13 tuổi, còn quá nhỏ để lấy chồng. Song dù sao, Hầu Tước Capulet cũng dặn con gái phải làm vui lòng Bá tước Paris lúc khiêu vũ.Vào dạ hội, Juliet và Roméo đã gặp nhau. Tiếng sét ái tình khiến cả hai đã yêu nhau say đắm; cả Paris và Rosaline đều bị bỏ quên. Cuối buổi dạ hội, cả hai người đều tránh xa các bạn bè ồn ào và tìm chỗ vắng để ôn lại những điều vừa xảy ra. Romeo ẩn mình dưới một tán cây thì không ngờ địa điểm này lại nằm ngay dưới cửa sổ căn phòng của Juliet. Chàng nghe tiếng Juliet cũng đang tự trò chuyện với mình về những điều mới diễn ra. Roméo không kìm nổi, đã trèo lên ban-công. Rồi trên ban công thơ mộng, hai người đã thề thốt yêu nhau và quyết định bí mật kết hôn.Cha Lawrence là cha xưng tội của Roméo, rất lo lắng về tình yêu say đắm của đôi trẻ nhưng cuối cùng cũng đồng ý sẽ làm lễ cưới cho hai người với hy vọng rằng cuộc hôn nhân này sẽ chấm dứt mối hận thù lâu đời giữa hai gia đình.Nhưng mọi người không biết rằng trong đêm dạ hội, một người bà con của Juliet tên là Tybalt đã nhận ra Roméo. Tybalt là người nóng tính, anh ta cho rằng việc một người thuộc gia đình Montague không được mời mà vẫn đến dự dạ hội là một điều xỉ nhục, nên thề sẽ trả thù. Khi gặp Roméo cùng đi với Mercutio và Benvolio, Tybalt đã gọi Roméo là tên đểu giả và thách đấu gươm, nhưng Roméo đã từ chối, anh gọi Tybalt là “người anh em bà con” và thề rằng đã yêu danh tiếng của gia đình Capulet như thanh danh của chính gia đình mình. Hai bạn của Roméo đều bất bình và anh chàng nóng tính Mercutio đã nhận sự thách đố. Khi Roméo xông tới ngăn cản cuộc đấu gươm thì Tybalt đã đâm chết Mercutio.Roméo cảm thấy có tội về biến cố mới xẩy ra, lại giận dữ vì cái chết của người bạn thân, nên đuổi theo Tybalt. Một trận đấu gươm sinh tử đã diễn ra và Roméo đánh thắng. Chỉ sau khi Tybalt đã chết, Roméo mới nhận ra sự liều lĩnh của mình nên tìm cách lẩn trốn.Trong khi Juliet đang rất phấn khởi chuẩn bị cho đám cưới trong nhà thờ sắp tới thì được bà vú báo tin xấu: người anh họ Tybalt đã bị Roméo giết chết và Hoàng tử Escalus đã cấm không cho Roméo được lai vãng trong thành Verona. Bà vú cũng cho Juliet biết Roméo hiện nay đang trốn trong tu viện của Cha Lawrence. Juliet lại vui mừng vì sẽ có được một buổi tối yêu thương với Roméo trước khi chàng trốn khỏi Verona.Trong khi đó, cha Juliet là Hầu tước Capulet do đau buồn vì cái chết của Tybalt nên cho rằng sẽ làm cho mọi người trong gia đình vui lên khi sắp đặt đám cưới của Juliet lấy Bá Tước Paris. Ngay cả bà vú nuôi cũng khuyên cô nên lập gia đình với Bá Tước Paris. Không còn biết trông cậy vào ai, Juliet đành chạy đến nhờ vả Cha Lawrence.Cha Lawrence chỉ còn một phương án rất mạo hiểm. Cha cho Juliet một liều thuốc uống vào sẽ khiến cho nàng lâm thời tắt thở trong 42 giờ; trong khoảng thời gian này, Cha Lawrence sẽ cho người đi Mantua tìm kiếm Roméo để rồi sẽ đưa Roméo tới nhà mồ chờ Juliet sống lại sau khi liều thuốc hết hiệu lực. Roméo sẽ mang nàng đi xa và Cha Lawrence sẽ an ủi mọi người, sẽ công bố cuộc hôn nhân của đôi trẻ để họ có thể trở lại vui sống tại Verona. Juliet đồng ý uống liều thuốc.Sáng hôm sau, khi bà vú nuôi tới chuẩn bị cho Juliet mặc thử áo cưới thì thấy nàng đã chết. Niềm vui của gia đình Capulet đổi ra nỗi buồn vô hạn bởi vì đám cưới của cô con gái duy nhất, nay trở thành một đám tang.Trong khi đó, những ngẫu nhiên không lường trước được đã làm hỏng mọi kết hoạch hoàn hảo của Cha Lawrence: Cha Lawrence gửi một người đi tìm Roméo thì người này đã bị phong tỏa giữa đường vì bệnh dịch. Đồng thời, người hầu của Roméo lại kịp báo tin cho Roméo biết rằng Juliet đã chết. Vô cùng buồn bã, Roméo bèn đi tìm mua thuốc độc và cấp tốc tới ngôi nhà mồ của gia đình Capulet để tìm Juliet. Tới nơi, Roméo thấy Bá tước Paris đang than khóc cạnh xác Juliet; hai người đã đánh nhau và cuối cùng Roméo đã giết chết Bá tước Paris. Trong nhà mồ, Roméo thề sẽ sống bên người yêu mãi mãi và đã tắt thở sau khi uống liều thuốc độc.Khi Cha Lawrence tới nhà mồ thì đã thấy Paris và Roméo nằm chết bên Juliet. Cha đã bỏ chạy vì quá sợ hãi. Tỉnh dậy, Juliet nhìn thấy người yêu đã chết rồi, nàng dùng con dao găm của Roméo để tự sát.Với cái chết bi thương của đôi trẻ, hai gia đình đã đoàn kết lại trong nỗi sầu muộn. Hòa bình cho hai gia đình đã phải trả bằng cái giá quá đắt của tình yêu và cái chết.Nguồn gốcCũng như Nguyễn Du với Truyện Kiều, câu chuyện truyền thuyết về Roméo và Juliet không phải do William Shakespeare sáng tạo ra. Từ hơn một thế kỷ trước, vào năm 1476, tác giả người Ý là Masuccio Salernitano đã kể trong cuốn sách nhan đề “Il Novellino” về một mối tình vụng trộm, những vụ giết người, việc đi đầy biệt xứ, việc một nhà tu hành sẵn lòng giúp đỡ cho đám cưới của đôi trẻ thuộc hai gia đình thù nghịch. Năm 1530, Luigi da Porta cũng kể lại câu chuyện tình kết thúc bằng việc đôi tình nhân tự sát này với địa điểm diễn ra câu chuyện là thành phố Verona.Tới năm 1562, nhà thơ Anh là Arthur Brooke đã dùng đề tài này trong tập thơ dài “The Tragical Historye of Romeus and Julius” (Câu chuyện bi thảm của Romeus và Julius), nói về một một tình yêu vụng trộm, không vâng lời cha mẹ và bất tuân luật pháp. Ngôn ngữ trong tập thơ khô khan và thiếu hấp dẫn.Tới vở kịch “Roméo và Juliet” của William Shakespeare, Juliet được miêu tả như một thiếu nữ đang trở thành phụ nữ. Theo cốt truyện Ý, Juliet 18 tuổi; trong tập thơ của Arthur Brooke, Juliet 16; nhưng đến vở kịch của Shakespeare, Juliet chỉ mới 13 tuổi. Juliet rất đẹp, cái đẹp thánh thiện, thơ ngây và nhiều hy vọng, khiến cho Roméo đã bị hớp mất hồn ngay lúc mới gặp nàng. Rồi đến khi nằm trong nhà mồ, Roméo ngắm nhìn thi thể của Juliet đã phải than rằng: “Tử Thần đã hút đi mật ngọt trong hơi thở, nhưng bất lực trước sắc đẹp của em!”.Juliet là một con người thực tế trong khi Roméo thuộc loại người lãng mạn. Trên ban-công thơ mộng, trong khi Roméo thốt ra các lời yêu đương thì Juliet nói tới hôn nhân, bàn về lần gặp nhau sắp tới và nghĩ cách thông tin cho nhau. Lớn lên bên cạnh bà vú nuôi và mẹ, Juliet đã đã muốn chiều lòng gia đình trong cuộc hôn nhân, nhưng nàng đã suy nghĩ và hành động cho chính mình khi gặp Roméo. Nàng tin rằng tình yêu có thể giúp cho con người vượt qua được mọi trở ngại. Tình yêu đã khiến Juliet trở thành một phụ nữ trẻ dám chịu trách nhiệm về cuộc đời của chính mình.Romeo là một thanh niên lương thiện, tốt bụng, lịch sự, đẹp trai. Không chỉ các bạn như Mercutio, Benvolio, mà nhiều người khác như bà vú nuôi của Juliet và ngay cả Hầu tước Capulet cũng đã gọi chàng là “chàng trai đức hạnh và biết kiềm chế”. Cha Lawrence cũng rất yêu mến Roméo và cố gắng làm cho chàng hạnh phúc. Tới khi gặp Juliet, Romeo đã khám phá ra chính mình, và tình yêu đích thực đã làm cho lời nói của Roméo trở thành thơ! Thật là bi thương khi tình yêu trở thành sâu đậm, khi người ta phải tự sát vì yêu.“Roméo và Juliet” là vở kịch chứa đựng rất nhiều bài thơ lãng mạn cũng như các bài Sonnet. Trong “Romeo và Juliet”, mỗi nhân vật nói bằng một thứ ngôn ngữ riêng, thể hiện rõ địa vị xã hội của từng người. Shakespeare đã dùng những thể văn khác nhau để mô tả ngôn ngữ gặp gỡ, yêu đương của những người trẻ tuổi; ngôn ngữ vui vẻ của bạn bè; ngôn ngữ thô tục của những người hầu. Shakespeare còn dùng thể văn kiểu Ý khi nói về các bậc cha mẹ ngăn cản những kẻ mới biết yêu, về các người hầu bình luận về tình dục.Đại Văn Hào William Shakespeare đã viết Bi kịch “Romeo và Juliet” vào năm 1596, vở kịch chính là một bức thông điệp về câu chuyện những hận thù, những xung đột xảy ra trong gia đình hoàng gia, từ Vua Henry-8, Nữ hoàng Mary Tudor, đến Nữ hoàng Elizabeth I, gây ra hàng ngàn vụ giết người, những cuộc chém giết đẫm máu giữa phái Cơ Đốc và phái Tin Lành.Nghệ thuậtQua ngòi bút của W. Shakespeare, Romeo và Juliet không chỉ trở thành vở kịch xuất sắc và nổi tiếng nhất của tác giả, được dàn dựng trên nhiều sân khấu, mà còn trở thành một trong những câu chuyện tình yêu nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại.Trong điện ảnh, có hai bộ phim khá nổi tiếng: Bộ phim của đạo diễn Franco Zeffirelli sản xuất năm 1968 và phim của đạo diễn Baz Luhrmann sản xuất năm 1996.Trong bộ phim ra mắt năm 1968 của đạo diễn Franco Zeffirelli, hai diễn viên chính vào vai Romeo và Juliet là Leonard Whiting và Olivia Hussey cùng ca khúc “Một thời cho mỗi chúng ta” đã gây ấn tượng rất mạnh.“Một thời cho mỗi chúng ta” (A time for us) - thường được gọi một cách không chính xác thành bài "Romeo và Juliet" - là bài hát được viết riêng cho bộ phim Romeo và Juliet, phần lời bài hát do Larry Kusik và Eddie Snyder soạn, còn phần nhạc do nhạc sĩ tài ba Nino Rota sáng tác. Ngay sau khi bộ phim ra mắt vào năm 1968, A time for us đã trở thành bài hát cửa miệng của giới trẻ.Lời bài hát vang lên mượt mà, êm dịu và đầy tình cảm như chính nội dung tác phẩm điện ảnh: “Sẽ có một thời, một thời cho mỗi chúng ta, Khi lòng dũng cảm đưa đôi ta vượt qua rào cản. Hạnh phúc lại đến, tình yêu được giải thoát...”. “Với mặt trời tình yêu chiếu sáng, Chúng ta sẽ vượt qua mọi bão tố, mọi chông gai. Chúng ta sẽ dũng cảm bày tỏ tình yêu mà bấy lâu chúng ta hằng giữ kín. Và thế giới sẽ chứa chan niềm hy vọng, cho anh và em”. “Chẳng có gì là tất cả, bình dị và nhẹ nhàng, được sống vì tình yêu là điều hạnh phúc nhất”.Ban công nhà Juliet ngày nayỞ thành phố Verona nước Ý, theo truyền thuyết là nơi xảy ra câu chuyện tình lãng mạn đẫm nước mắt của Romeo và Juliet, có một ngôi nhà với chiếc ban công được xem là nơi đôi tình nhân đã lén lút gặp nhau trong đêm, và do vậy, ngôi nhà cùng chiếc ban công đã trở thành một địa đểm du lịch huyền thoại.Ngôi nhà ở địa chỉ Via Cappello 23, Verona, được xây dựng từ thế kỷ XII, từng thuộc quyền sở hữu trong một thời gian dài của gia đình Dal Cappello. Trong quan niệm của nhiều người Ý, Cappello chính là dòng họ nổi tiếng Capuleti của nàng Juliet. Ngôi nhà đã được phục chế trong 4 năm trước Thế Chiến thứ hai (từ 1936 đến 1940) dành cho khách du lịch tham quan.Trong sân nhà có bức tượng đồng nàng Juliet. Theo truyền thống, khi đến đây, việc trước tiên của khách tham quan là gõ lên ngực phải của bức tượng đồng Juliet để cầu may mắn. Sau đó để lại những mẩu giấy với những lời yêu đương nồng nàn, những hình trái tim, mũi tên và chữ cái lồng vào nhau trên bức tường của nhà nàng và trên các cánh cửa gỗ làm theo lối Gotic. Truyền thống viết thư tình này có từ năm 1937, khi bức thư đầu tiên gửi tới cho Juliet được tìm thấy trong mộ của nàng. Sau một thời gian, các mẩu giấy tình yêu đã được dán kín khắp mọi nơi, giữa các lá cây và cành cây bụi, trên tường, trên cửa lớn, cửa sổ và lên gần tới cả chiếc ban công truyền thuyết. Cứ khoảng 2-3 năm một lần, gần đến ngày Tình yêu (Valentine), các nhân viên bảo tàng lại phải bỏ nhiều ngày làm tổng vệ sinh, cạo sạch hàng nghìn mẩu giấy khỏi các bức tường.Bên trong ngôi nhà là một viện bảo tàng nhỏ. Các vật dụng trong nhà hầu hết đều thuộc thế kỷ 16-17, bên cạnh đó còn có những bức họa trên tường và vài bức tranh vẽ đều liên quan đến câu chuyện của Williams Shakespeare, cũng như những đồ gốm thời kỳ phục hưng ở Verona.Thực tế, tình yêu có trong trái tim mỗi người đã làm cho căn nhà với cái ban công truyền thuyết trở thành nơi hành hương của những người yêu nhau trên khắp thế giới, là một trong những điểm thu hút nhiều khách tham quan nhất ở nước Ý.https://www.youtube.com/watch?v=ZhwTdVmXAds- CHUYỆN TÌNH CỦA MỌI THỜI ĐẠI

(Romeo và Juliet là một trong những vở kịch bất hủ trên sân khấu quốc tế do William Shakespeare viết.

Cốt chuyện là tình yêu say đắm với kết cục bi thảm của hai người thuộc về hai dòng họ vốn đã thù hận nhau nhiều thế hệ. Có thể nói Romeo và Juliet là vở kịch xuất sắc và nổi tiếng nhất của Shakespeare.)

CỐT TRUYỆN

Con trai Roméo của gia đình Montague tuy không dính dáng vào các vụ tranh chấp, nhưng đang rất buồn rầu do thất tình: chàng đang yêu Rosaline mà nàng thì chẳng đáp lại mối tình này. Để làm cho Roméo vui, một người bạn của Roméo và cũng là người trong họ tên là Benvolio đã đề nghị hai người cải trang và bí mật tham dự buổi dạ hội của gia đình Capulet, nơi mà nàng Rosaline cũng sẽ tới. Và Benvolio còn hứa rằng sẽ tìm cho Roméo một cô gái đẹp, xuất sắc hơn Rosaline. Tuy Roméo có thoáng băn khoăn, nhưng rồi hai người đã cùng người bạn thứ ba là Mercutio cải trang đến dự dạ hội.

Tối hôm đó, gia đình Capulet tổ chức dạ hội lớn vì Bá tước Paris - một nhân vật độc thân sáng giá nhất của Thành Verona - sẽ tới hỏi Hầu tước Capulet để xin kết hôn với cô con gái duy nhất là Juliet. Gia đình Capulet nói rằng Juliet mới 13 tuổi, còn quá nhỏ để lấy chồng. Song dù sao, Hầu Tước Capulet cũng dặn con gái phải làm vui lòng Bá tước Paris lúc khiêu vũ.

Vào dạ hội, Juliet và Roméo đã gặp nhau. Tiếng sét ái tình khiến cả hai đã yêu nhau say đắm; cả Paris và Rosaline đều bị bỏ quên. Cuối buổi dạ hội, cả hai người đều tránh xa các bạn bè ồn ào và tìm chỗ vắng để ôn lại những điều vừa xảy ra. Romeo ẩn mình dưới một tán cây thì không ngờ địa điểm này lại nằm ngay dưới cửa sổ căn phòng của Juliet. Chàng nghe tiếng Juliet cũng đang tự trò chuyện với mình về những điều mới diễn ra. Roméo không kìm nổi, đã trèo lên ban-công. Rồi trên ban công thơ mộng, hai người đã thề thốt yêu nhau và quyết định bí mật kết hôn.

Cha Lawrence là cha xưng tội của Roméo, rất lo lắng về tình yêu say đắm của đôi trẻ nhưng cuối cùng cũng đồng ý sẽ làm lễ cưới cho hai người với hy vọng rằng cuộc hôn nhân này sẽ chấm dứt mối hận thù lâu đời giữa hai gia đình.

Nhưng mọi người không biết rằng trong đêm dạ hội, một người bà con của Juliet tên là Tybalt đã nhận ra Roméo. Tybalt là người nóng tính, anh ta cho rằng việc một người thuộc gia đình Montague không được mời mà vẫn đến dự dạ hội là một điều xỉ nhục, nên thề sẽ trả thù. Khi gặp Roméo cùng đi với Mercutio và Benvolio, Tybalt đã gọi Roméo là tên đểu giả và thách đấu gươm, nhưng Roméo đã từ chối, anh gọi Tybalt là “người anh em bà con” và thề rằng đã yêu danh tiếng của gia đình Capulet như thanh danh của chính gia đình mình. Hai bạn của Roméo đều bất bình và anh chàng nóng tính Mercutio đã nhận sự thách đố. Khi Roméo xông tới ngăn cản cuộc đấu gươm thì Tybalt đã đâm chết Mercutio.

Roméo cảm thấy có tội về biến cố mới xẩy ra, lại giận dữ vì cái chết của người bạn thân, nên đuổi theo Tybalt. Một trận đấu gươm sinh tử đã diễn ra và Roméo đánh thắng. Chỉ sau khi Tybalt đã chết, Roméo mới nhận ra sự liều lĩnh của mình nên tìm cách lẩn trốn.

Trong khi Juliet đang rất phấn khởi chuẩn bị cho đám cưới trong nhà thờ sắp tới thì được bà vú báo tin xấu: người anh họ Tybalt đã bị Roméo giết chết và Hoàng tử Escalus đã cấm không cho Roméo được lai vãng trong thành Verona. Bà vú cũng cho Juliet biết Roméo hiện nay đang trốn trong tu viện của Cha Lawrence. Juliet lại vui mừng vì sẽ có được một buổi tối yêu thương với Roméo trước khi chàng trốn khỏi Verona.

Trong khi đó, cha Juliet là Hầu tước Capulet do đau buồn vì cái chết của Tybalt nên cho rằng sẽ làm cho mọi người trong gia đình vui lên khi sắp đặt đám cưới của Juliet lấy Bá Tước Paris. Ngay cả bà vú nuôi cũng khuyên cô nên lập gia đình với Bá Tước Paris. Không còn biết trông cậy vào ai, Juliet đành chạy đến nhờ vả Cha Lawrence.

Cha Lawrence chỉ còn một phương án rất mạo hiểm. Cha cho Juliet một liều thuốc uống vào sẽ khiến cho nàng lâm thời tắt thở trong 42 giờ; trong khoảng thời gian này, Cha Lawrence sẽ cho người đi Mantua tìm kiếm Roméo để rồi sẽ đưa Roméo tới nhà mồ chờ Juliet sống lại sau khi liều thuốc hết hiệu lực. Roméo sẽ mang nàng đi xa và Cha Lawrence sẽ an ủi mọi người, sẽ công bố cuộc hôn nhân của đôi trẻ để họ có thể trở lại vui sống tại Verona. Juliet đồng ý uống liều thuốc.

Sáng hôm sau, khi bà vú nuôi tới chuẩn bị cho Juliet mặc thử áo cưới thì thấy nàng đã chết. Niềm vui của gia đình Capulet đổi ra nỗi buồn vô hạn bởi vì đám cưới của cô con gái duy nhất, nay trở thành một đám tang.

Trong khi đó, những ngẫu nhiên không lường trước được đã làm hỏng mọi kết hoạch hoàn hảo của Cha Lawrence: Cha Lawrence gửi một người đi tìm Roméo thì người này đã bị phong tỏa giữa đường vì bệnh dịch. Đồng thời, người hầu của Roméo lại kịp báo tin cho Roméo biết rằng Juliet đã chết. Vô cùng buồn bã, Roméo bèn đi tìm mua thuốc độc và cấp tốc tới ngôi nhà mồ của gia đình Capulet để tìm Juliet. Tới nơi, Roméo thấy Bá tước Paris đang than khóc cạnh xác Juliet; hai người đã đánh nhau và cuối cùng Roméo đã giết chết Bá tước Paris. Trong nhà mồ, Roméo thề sẽ sống bên người yêu mãi mãi và đã tắt thở sau khi uống liều thuốc độc.

Khi Cha Lawrence tới nhà mồ thì đã thấy Paris và Roméo nằm chết bên Juliet. Cha đã bỏ chạy vì quá sợ hãi. Tỉnh dậy, Juliet nhìn thấy người yêu đã chết rồi, nàng dùng con dao găm của Roméo để tự sát.

Với cái chết bi thương của đôi trẻ, hai gia đình đã đoàn kết lại trong nỗi sầu muộn. Hòa bình cho hai gia đình đã phải trả bằng cái giá quá đắt của tình yêu và cái chết.

NGUỒN GỐC

Cũng như Nguyễn Du với Truyện Kiều, câu chuyện truyền thuyết về Roméo và Juliet không phải do William Shakespeare sáng tạo ra. Từ hơn một thế kỷ trước, vào năm 1476, tác giả người Ý là Masuccio Salernitano đã kể trong cuốn sách nhan đề “Il Novellino” về một mối tình vụng trộm, những vụ giết người, việc đi đầy biệt xứ, việc một nhà tu hành sẵn lòng giúp đỡ cho đám cưới của đôi trẻ thuộc hai gia đình thù nghịch. Năm 1530, Luigi da Porta cũng kể lại câu chuyện tình kết thúc bằng việc đôi tình nhân tự sát này với địa điểm diễn ra câu chuyện là thành phố Verona.

Tới năm 1562, nhà thơ Anh là Arthur Brooke đã dùng đề tài này trong tập thơ dài “The Tragical Historye of Romeus and Julius” (Câu chuyện bi thảm của Romeus và Julius), nói về một một tình yêu vụng trộm, không vâng lời cha mẹ và bất tuân luật pháp. Ngôn ngữ trong tập thơ khô khan và thiếu hấp dẫn.

Tới vở kịch “Roméo và Juliet” của William Shakespeare, Juliet được miêu tả như một thiếu nữ đang trở thành phụ nữ. Theo cốt truyện Ý, Juliet 18 tuổi; trong tập thơ của Arthur Brooke, Juliet 16; nhưng đến vở kịch của Shakespeare, Juliet chỉ mới 13 tuổi. Juliet rất đẹp, cái đẹp thánh thiện, thơ ngây và nhiều hy vọng, khiến cho Roméo đã bị hớp mất hồn ngay lúc mới gặp nàng. Rồi đến khi nằm trong nhà mồ, Roméo ngắm nhìn thi thể của Juliet đã phải than rằng: “Tử Thần đã hút đi mật ngọt trong hơi thở, nhưng bất lực trước sắc đẹp của em!”.

Juliet là một con người thực tế trong khi Roméo thuộc loại người lãng mạn. Trên ban-công thơ mộng, trong khi Roméo thốt ra các lời yêu đương thì Juliet nói tới hôn nhân, bàn về lần gặp nhau sắp tới và nghĩ cách thông tin cho nhau. Lớn lên bên cạnh bà vú nuôi và mẹ, Juliet đã đã muốn chiều lòng gia đình trong cuộc hôn nhân, nhưng nàng đã suy nghĩ và hành động cho chính mình khi gặp Roméo. Nàng tin rằng tình yêu có thể giúp cho con người vượt qua được mọi trở ngại. Tình yêu đã khiến Juliet trở thành một phụ nữ trẻ dám chịu trách nhiệm về cuộc đời của chính mình.

Romeo là một thanh niên lương thiện, tốt bụng, lịch sự, đẹp trai. Không chỉ các bạn như Mercutio, Benvolio, mà nhiều người khác như bà vú nuôi của Juliet và ngay cả Hầu tước Capulet cũng đã gọi chàng là “chàng trai đức hạnh và biết kiềm chế”. Cha Lawrence cũng rất yêu mến Roméo và cố gắng làm cho chàng hạnh phúc. Tới khi gặp Juliet, Romeo đã khám phá ra chính mình, và tình yêu đích thực đã làm cho lời nói của Roméo trở thành thơ! Thật là bi thương khi tình yêu trở thành sâu đậm, khi người ta phải tự sát vì yêu.

“Roméo và Juliet” là vở kịch chứa đựng rất nhiều bài thơ lãng mạn cũng như các bài Sonnet. Trong “Romeo và Juliet”, mỗi nhân vật nói bằng một thứ ngôn ngữ riêng, thể hiện rõ địa vị xã hội của từng người. Shakespeare đã dùng những thể văn khác nhau để mô tả ngôn ngữ gặp gỡ, yêu đương của những người trẻ tuổi; ngôn ngữ vui vẻ của bạn bè; ngôn ngữ thô tục của những người hầu. Shakespeare còn dùng thể văn kiểu Ý khi nói về các bậc cha mẹ ngăn cản những kẻ mới biết yêu, về các người hầu bình luận về tình dục.

Đại Văn Hào William Shakespeare đã viết Bi kịch “Romeo và Juliet” vào năm 1596, vở kịch chính là một bức thông điệp về câu chuyện những hận thù, những xung đột xảy ra trong gia đình hoàng gia, từ Vua Henry-8, Nữ hoàng Mary Tudor, đến Nữ hoàng Elizabeth I, gây ra hàng ngàn vụ giết người, những cuộc chém giết đẫm máu giữa phái Cơ Đốc và phái Tin Lành.

NGHỆ THUẬT

Qua ngòi bút của W. Shakespeare, Romeo và Juliet không chỉ trở thành vở kịch xuất sắc và nổi tiếng nhất của tác giả, được dàn dựng trên nhiều sân khấu, mà còn trở thành một trong những câu chuyện tình yêu nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại.

Trong điện ảnh, có hai bộ phim khá nổi tiếng: Bộ phim của đạo diễn Franco Zeffirelli sản xuất năm 1968 và phim của đạo diễn Baz Luhrmann sản xuất năm 1996.

Trong bộ phim ra mắt năm 1968 của đạo diễn Franco Zeffirelli, hai diễn viên chính vào vai Romeo và Juliet là Leonard Whiting và Olivia Hussey cùng ca khúc “Một thời cho mỗi chúng ta” đã gây ấn tượng rất mạnh.

“Một thời cho mỗi chúng ta” (A time for us) - thường được gọi một cách không chính xác thành bài "Romeo và Juliet" - là bài hát được viết riêng cho bộ phim Romeo và Juliet, phần lời bài hát do Larry Kusik và Eddie Snyder soạn, còn phần nhạc do nhạc sĩ tài ba Nino Rota sáng tác. Ngay sau khi bộ phim ra mắt vào năm 1968, A time for us đã trở thành bài hát cửa miệng của giới trẻ.

Lời bài hát vang lên mượt mà, êm dịu và đầy tình cảm như chính nội dung tác phẩm điện ảnh: “Sẽ có một thời, một thời cho mỗi chúng ta, Khi lòng dũng cảm đưa đôi ta vượt qua rào cản. Hạnh phúc lại đến, tình yêu được giải thoát...”. “Với mặt trời tình yêu chiếu sáng, Chúng ta sẽ vượt qua mọi bão tố, mọi chông gai. Chúng ta sẽ dũng cảm bày tỏ tình yêu mà bấy lâu chúng ta hằng giữ kín. Và thế giới sẽ chứa chan niềm hy vọng, cho anh và em”. “Chẳng có gì là tất cả, bình dị và nhẹ nhàng, được sống vì tình yêu là điều hạnh phúc nhất”.

BAN CÔNG NHÀ JULIET NGÀY NAY

Ở thành phố Verona nước Ý, theo truyền thuyết là nơi xảy ra câu chuyện tình lãng mạn đẫm nước mắt của Romeo và Juliet, có một ngôi nhà với chiếc ban công được xem là nơi đôi tình nhân đã lén lút gặp nhau trong đêm, và do vậy, ngôi nhà cùng chiếc ban công đã trở thành một địa đểm du lịch huyền thoại.

Ngôi nhà ở địa chỉ Via Cappello 23, Verona, được xây dựng từ thế kỷ XII, từng thuộc quyền sở hữu trong một thời gian dài của gia đình Dal Cappello. Trong quan niệm của nhiều người Ý, Cappello chính là dòng họ nổi tiếng Capuleti của nàng Juliet. Ngôi nhà đã được phục chế trong 4 năm trước Thế Chiến thứ hai (từ 1936 đến 1940) dành cho khách du lịch tham quan.

Trong sân nhà có bức tượng đồng nàng Juliet. Theo truyền thống, khi đến đây, việc trước tiên của khách tham quan là gõ lên ngực phải của bức tượng đồng Juliet để cầu may mắn. Sau đó để lại những mẩu giấy với những lời yêu đương nồng nàn, những hình trái tim, mũi tên và chữ cái lồng vào nhau trên bức tường của nhà nàng và trên các cánh cửa gỗ làm theo lối Gotic. Truyền thống viết thư tình này có từ năm 1937, khi bức thư đầu tiên gửi tới cho Juliet được tìm thấy trong mộ của nàng. Sau một thời gian, các mẩu giấy tình yêu đã được dán kín khắp mọi nơi, giữa các lá cây và cành cây bụi, trên tường, trên cửa lớn, cửa sổ và lên gần tới cả chiếc ban công truyền thuyết. Cứ khoảng 2-3 năm một lần, gần đến ngày Tình yêu (Valentine), các nhân viên bảo tàng lại phải bỏ nhiều ngày làm tổng vệ sinh, cạo sạch hàng nghìn mẩu giấy khỏi các bức tường.

Bên trong ngôi nhà là một viện bảo tàng nhỏ. Các vật dụng trong nhà hầu hết đều thuộc thế kỷ 16-17, bên cạnh đó còn có những bức họa trên tường và vài bức tranh vẽ đều liên quan đến câu chuyện của Williams Shakespeare, cũng như những đồ gốm thời kỳ phục hưng ở Verona.

Thực tế, tình yêu có trong trái tim mỗi người đã làm cho căn nhà với cái ban công truyền thuyết trở thành nơi hành hương của những người yêu nhau trên khắp thế giới, là một trong những điểm thu hút nhiều khách tham quan nhất ở nước Ý.

DANH SÁCH BÀI DĂNG TỪ MỚI ĐẾN CŨ

NHẠC SĨ THANH SƠN: ÔNG HOÀNG CỦA NHỮNG TÌNH KHÚC MÙA HÈ
NGHE LẠI CA KHÚC TUYỆT ĐẸP “ANAK – CON YÊU” _VÌ YÊU CON CHA MẸ SẼ CHẲNG TIẾC CẢ CUỘC ĐỜI
CASABLANCA - TÌNH YÊU LỚN MÃI THEO THỜI GIAN
TÌNH MÃI NGU NGƠ _(ときめきはバラード - Takeshi Matsubara) _LỜI VIỆT PHẠM DUY
BAO DUNG HƠN ĐỂ NHẸ LÒNG HƠN NHƯ NHẠC PHẨM “XIN CÒN GỌI TÊN NHAU”
"DELILAH_TÌNH HẬN" MỘT BẢN BALLAD GIẾT NGƯỜI
RU EM TỪNG NGÓN XUÂN NỒNG MỘT NHẠC PHẨM DỄ NGHE, DỄ THẤM, DỄ ĐI VÀO LÒNG NGƯỜI NHƯNG LỜI KHÔNG DỄ LÝ GIẢI
CA KHÚC "KHOẢNH KHẮC TÌM VỀ"
VÌ TÔI LÀ LINH MỤC
MẸ TA TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG (THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN, NHẠC BETA THANH THIÊN TRẦN, TIẾNG HÁT THUỴ LONG)
TUẤN KHANH, CHIẾC VĨ CẦM KHÔNG CÓ TUỔI (NHẠT NHOÀ_TRẦN THÁI HOÀ)
DUYÊN THỀ VÀ DÒNG NHẠC CỦA NHẠC SĨ THANH TRANG
XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ
NHA TRANG NGÀY VỀ
CĂN NHÀ AN ĐÔNG CỦA MẸ TÔI _ Truyện ngắn của nhà Văn Nguyễn Tường Thiết
“MƯA TRÊN BIỂN VẮNG”_BÀI HÁT GẮN BÓ ĐỊNH MỆNH VỚI GIỌNG HÁT CA SĨ NGỌC LAN
ƯỚT MI, CƠN MƯA NHỎ TRÊN TÂM HỒN MONG MANH
GIỚI THIẾU ĐẾN MN MỘT ALBUM NỔI TIẾNG TRƯỚC 1975 ĐƯỢC SẢN XUẤT BỞI NS DUY KHÁNH _"BĂNG NHẠC TRƯỜNG SƠN 3 VỚI CHỦ ĐỀ QUÊ HƯƠNG VÀ NGƯỜI TÌNH"
NHẠC PHẨM “LÒNG NGƯỜI LY HƯƠNG” (“LA COMPLAINTE DES INFIDÈLES” – LỜI VIỆT: HƯƠNG HUYỀN TRINH)
NHẠC SĨ VŨ THÀNH AN VÀ NHỮNG BÀI KHÔNG TÊN _BÀI KHÔNG TÊN SỐ 2
“BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ” (PHẠM DUY & NGỌC CHÁNH) – TÂM HỒN YÊU THƯƠNG LÃNG MẠN ĐA CHIỀU CỦA MỘT CHÀNG TRAI MỚI LỚN
THƯƠNG NHỚ BÓNG XUÂN XƯA _"CÔ LÁI ĐÒ" (THƠ NGUYỄN BÍNH-NHẠC NGUYỄN ĐÌNH PHÚC)
NS HOÀNG NGUYÊN VÀ MỐI TÌNH ÂM NHẠC VỚI THÀNH PHỐ MÙ SƯƠNG _BÀI THƠ HOA ĐÀO (PRE 75)
CÓ MỘT PHẠM DUY CỦA XUÂN CA _KHÚC HÁT THANH XUÂN (LỜI VIỆT PHẠM DUY)
MÙA XUÂN TRONG NHẠC CỦA NGUYỄN VĂN ĐÔNG _LK PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN & NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN
ĐÓN XUÂN NÀY NHỚ XUÂN XƯA _40 NHẠC PHẨM XUÂN XƯA THU ÂM TRƯỚC 1975
TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY (TÁC GIẢ HOÀNG THANH TÂM) _MỐI TÌNH ĐẦU QUA 2 THẾ KỶ
“CHÀNG LÀ AI?” BÀI TÂN NHẠC ĐẦU TIÊN ĐƯỢC GHÉP CHUNG VÀO BẢN VỌNG CỔ, MỞ ĐẦU CHO THỂ LOẠI TÂN CỔ GIAO DUYÊN
"NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ĐỜI" _TƯỞNG NHỚ CS. LỆ THU (16-07-1943 - 15-01-2021)
"GIỌT MƯA TRÊN LÁ" XỨNG ĐÁNG LÀ CA KHÚC TIÊU BIỂU CHO TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG
“KHÚC HÁT THANH XUÂN” BÀI HÁT NGỌT NGÀO CHO MỘT THỜI THANH XUÂN HỒN NHIÊN ĐẦY MỘNG ƯỚC
HƯƠNG GIANG DẠ KHÚC (NGUYỄN HOÀNG ĐÔ) HỒNG NHIÊN
“NÓ” THỜI NÀO CŨNG CÓ – NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI NGÀY NAY (ANH BẰNG – HOÀNG MINH)
NHÀ "CHĂN NHẠC" TÔ VŨ TÁC GIẢ BÀI SỬ CA CÓ TÊN"NHẠC XƯA" VIẾT VỀ HAI BÀ TRƯNG
NHẠC SĨ PHẠM DUY NÓI VỀ CÁCH ĐẶT LỜI VIỆT CHO NHẠC NGOẠI _ALBUM "NHẠC NGOẠI TUYỂN CHỌN LỜI VIỆT PHẠM DUY"
NHỮNG ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ DANH CA THÁI THANH "MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ MỘT NGƯỜI MẸ"
CHỈ CÓ THÁI THANH MỚI CÓ BIỆT TÀI “PHIÊU” CŨNG VỚI NHỮNG CA KHÚC CỦA PHẠM DUY_ALBUM "THÁI THANH (PRE75)-TÌNH CA PHẠM DUY 2"
DANH CA THÁI THANH "TIẾNG HÁT LÊN TRỜI" _ALBUM "THÁI THANH (PRE75)-TÌNH CA PHẠM DUY 1"
"LOVE STORY" BẢN TÌNH CA BẤT HỦ
NHẠC PHÁP LỜI VIỆT _NHỮNG TÌNH KHÚC CỦA ELSA _QUELQUE CHOSE DANS MON COEUR (CHÚT VƯƠNG VẤN TRONG TIM)
NHẠC PHẨM "ELLE ÉTAIT SI JOLIE" (EM ĐẸP NHƯ MƠ) ĐÃ MANG NS ALAIN BARRIÈRE ĐẾN ĐỈNH CAO DANH VỌNG
BĂNG NHẠC SƠN CA 3 _MỪNG GIÁNG SINH _TÌNH YÊU & THANH BÌNH”
HOÀN CẢNH RA ĐỜI CA KHÚC “CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI”
SẦU CHOPIN "TRISTESSE" (LỜI VIỆT PHẠM DUY)
EM VỀ MÙA THU _NGÔ THUỴ MIÊN
MÙA ĐÓN NẮNG _NẮNG THUỶ TINH
“NGHÌN TRÙNG XA CÁCH “ _LỜI TIỄN BIỆT DỊU ÊM CHO MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH 10 NĂM DAI DẲNG CỦA CỐ NS PHẠM DUY
PLAISIR D’AMOUR _TÌNH VUI (MÀ KHÔNG VUI)
“ĐÊM TRAO KỶ NIỆM” CA KHÚC NHẠC VÀNG NỔI TIẾNG NHẤT CỦA CA NHẠC SĨ HÙNG CƯỜNG
DÒNG SÔNG QUÊ CŨ (LA PLAYA )
XUÂN THÌ (PHẠM DUY)
ELLE IMAGINE_MỘT THOÁNG CHIM BAY (LỜI VIỆT KHÚC LAN) tiếng hát NGỌC LAN
ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU VỀ CA KHÚC "GÁNH LÚA" MỘT SÁNG TÁC CỦA NS PHẠM DUY
VÀI NÉT VỀ BÀI HÁT XƯA "ĐÀN CHIM NHỎ" CỦA NS PHẠM DUY
MAI HƯƠNG, ĐÓA HƯƠNG CA BUỔI SỚM
BẾN XUÂN _ ĐÀN CHIM VIỆT

CẢM NHẬN "ĐÊM THU” CA KHÚC ĐẦU TAY CỦA NHẠC SĨ ĐẶNG THẾ PHONG

XIN CHỌN NƠI NÀY LÀM QUÊ HƯƠNG DẪU CHO KHÓ THƯƠNG

MỘT CHÚT GIA VỊ THÊM VÀO NHẠC PHẨM “NGÀY XƯA HOÀNG THỊ” BẤT HỦ CỦA PHẠM THIÊN THƯ–PHẠM DUY
VỀ CA KHÚC “MỘT BÀN TAY” CỦA NHẠC SĨ PHẠM DUY
THƯỞNG THỨC DẠ KHÚC SERENADE BẤT HỦ CỦA NHẠC SĨ THIÊN TÀI FRANZ SCHUBERT
ĐOÀN CHUẨN, TÌNH NGHỆ SĨ _ ĐOÀN CHUẨN-TỪ LINH, VẬY TỪ LINH LÀ AI?
LES FEUILLES MORTES - LÁ ÚA MÃI XANH
PHẠM DUY GIỮA CHÚNG TA (Sài Gòn 06/10/2021 ~ NS TUẤN KHANH)
50 NĂM GIAI THOẠI BÀI "IL EST MORT LE SOLEIL" (NẮNG ĐÃ TẮT)
TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU (THƠ LÊ THỊ Ý_NHẠC PHẠM DUY) JULIE
BOTH SIDES NOW HAI KHÍA CẠNH CUỘC ĐỜI (LỜI VIỆT PHẠM DUY)
BÊN KIA SÔNG (THƠ NGUYỄN NGỌC THẠCH NHẠC NGUYỄN ĐỨC QUANG)
MƠ MÒNG_RÊVERIE - SCHUMANN(LỜI VIỆT PHẠM DUY)-TIẾNG HÁT MAI HƯƠNG
THU SẦU – LỜI TÂM SỰ CỦA MỘT CUỘC TÌNH NGANG TRÁI
NHỚ QUÊ HƯƠNG (PHẠM NGỮ) LỆ THU PRE 75
ADIEU TRISTESSE (Tạm biệt nổi buồn)
NGỤ NGÔN CUỘC ĐỜI _CA KHÚC DONNA DONNA LÀ THÁNH CA CỦA SỰ TỰ DO
ĐỒNG XANH_GREEN FIELDS
RU ĐỜI ĐI NHÉ (TRỊNH CÔNG SƠN) TOÀN NGUYỄN
GIỌT MƯA THU, NHẠC PHẨM CUỐI CÙNG CỦA CỐ NHẠC SĨ ĐẶNG THẾ PHONG
TIẾNG RU NGÀN ĐỜI (VU LAN MUỘN)_LÒNG MẸ
LỜI RU CHO ĐÀ NẲNG (NHẠC NHẬT LỜI VIỆT) KHÁNH LY
BÓNG CẢ _HÃY BAO DUNG NẾU CHA MẸ GIÀ ĐI...
CHIẾC LÁ THU PHAI (TRỊNH CÔNG SƠN)TUẤN NGỌC
CƠN GIÓ THOẢNG (QUỐC DŨNG) NGỌC LAN
ANH CÒN NỢ EM _NỢ MỘT CUỘC TÌNH DANG DỞ, NỢ EM CẢ THANH XUÂN TƯƠI ĐẸP CỦA MỘT THỜI CON GÁI…
LỜI TÌNH BUỒN (VŨ THÀNH AN) VŨ KHANH
BAY ĐI CÁNH CHIM BIỂN
VŨ ĐỨC SAO BIỂN NÓI VỀ “THU, HÁT CHO NGƯỜI”
CÁNH BUỒM XA XƯA (LA PALOMA)
YÊU EM BẰNG CẢ TRÁI TIM (LOVE ME WITH ALL YOUR HEART)
CHUYỆN TÌNH YÊU (HISTOIRE DE UN AMOUR)
CŨNG LÀ TRĂM NĂM _NO EXCUSAS SIN RODEOS
KHÔNG CẦN NÓI YÊU ANH (LỜI VIỆT PHẠM DUY) CA SĨ KIỀU NGA
DỐC MƠ (NGÔ THUỴ MIÊN) KHÁNH HÀ
ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY - NÀNG LÀ AI ?
MAI TÔI ĐI (NHẠC ANH BẰNG, THƠ NGUYÊN SA)
CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI
CA KHÚC VƯỢT THỜI GIAN – “TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY”
HẠT MƯA BUỒN (DIỆU HƯƠNG) TRẦN THÁI HOÀ
NỖI TƯƠNG TƯ NGÀY MƯA THÁNG SÁU...
XA NHẤT VÀ GẦN NHẤT
HÃY LÀ CHÍNH BẠN _HÃY CỨ THẾ......
NĂM THÁNG TĨNH LẶNG, KIẾP NÀY BÌNH YÊN
LÒNG THIỀN, HOA CÚC NỞ
ĐỪNG ĐỢI...
ĐƠN GIẢN ĐẾN MỨC TẬN CÙNG CHÍNH LÀ TRÍ TUỆ (A SIMPLE LIFE IS FULLY HAPPINESS)
HẠNH PHÚC LÀ GÌ?
SỐNG TỬ TẾ...
TRÊN THẾ GIAN...
TRẢI NGHIỆM SỰ TĨNH LẶNG TRONG TÂM HỒN MÌNH
"NHÂN SINH MỘT GIẤC PHÙ VÂN, SỚM CÒN XUÂN SẮC CHIỀU ĐÔNG ĐÃ TÀN" ĐÓ PHẢI CHĂNG CHÍNH LÀ ĐỜI NGƯỜI
CÁI CẦN GẠT NƯỚC
HÃY DUY TRÌ SỰ BẬN RỘN BỞI ĐÓ LÀ LIỀU THUỐC RẺ NHẤT THẾ GIỚI
NHẠC PHẨM “TÌNH LỠ” (NHẠC SĨ THANH BÌNH) – CON ĐƯỜNG MÌNH ĐI SAO CHÔNG GAI…
GIẾT NGƯỜI TRONG MỘNG
NGƯỜI ĐÓNG ĐINH THỜI GIAN
NGÀY HÔM QUA LÀ THẾ
ĐẾN VỚI NHAU LÀ DUYÊN, Ở BÊN NHAU LÀ NỢ,… “HỐI TIẾC” CHÍNH LÀ NỢ DUYÊN ĐÃ HẾT KHIẾN CHÚNG TA PHẢI XA LÌA
HẠNH PHÚC LÀ GÌ?
THI PHẨM “MỘT TIẾNG EM” CỦA THI SĨ ĐINH HÙNG ĐƯỢC NHẠC SĨ NGUYỄN HIỀN PHỔ NHẠC THÀNH THI KHÚC NỔI TIẾNG “MÁI TÓC DẠ HƯƠNG”
HẠNH PHÚC LANG THANG (ANH BẰNG & TRẦN NGỌC SƠN) HỒ HOÀNG YẾN
GỌI EM LÀ ĐOÁ HOA SẦU _THƠ PHẠM THIÊN THƯ _NHẠC PHẠM DUY
BUỒN TÀN THU (CHINH PHỤ KHÚC) – VĂN CAO
MỐI TÌNH XA XƯA (“CÉLÈBRE VALSE DE BRAHMS”)–JOHANNES BRAHMS _NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT – THỜI KỲ LÃNG MẠN
KHI NGƯỜI YÊU TÔI KHÓ– TUYỆT PHẨM TRỮ TÌNH CỦA NHẠC SĨ TRẦN THIỆN THANH
BÀI HÁT “GỌI NGƯỜI YÊU DẤU” – MỐI TÌNH OAN TRÁI Ở XỨ SƯƠNG MÙ ĐÀ LẠT
ĐỘNG HOA VÀNG THƠ PHẠM THIÊN THƯ & NHẠC PHẠM DUY
MỐI TÌNH GIỮA NGƯỜI ĐẸP LÝ LỆ HÀ VÀ CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI LÀ NGUỒN CẢM HỨNG TẠO NÊN BÀI THƠ và BÀI HÁT NỔI TIẾNG "ÁO LỤA HÀ ĐÔNG" ĐÃ HƠN 50 NĂM QUA
THI SĨ CUNG TRẦM TƯỞNG VÀ NHỮNG “CHUYỆN TÌNH PARIS” TRONG THƠ CA – “LÊN XE TIỄN EM ĐI, CHƯA BAO GIỜ BUỒN THẾ…”
BÀI HÁT “GỌI NGƯỜI YÊU DẤU” – MỐI TÌNH OAN TRÁI Ở XỨ SƯƠNG MÙ ĐÀ LẠT
MÔI SON JULIE-MÁI TÓC CHỊ HOÀI NHẠC NHẬT LỜI VIỆT PHẠM DUY
HỌC CÁCH QUÊN
NGÔ THUỴ MIÊN & TỪ CÔNG PHỤNG suốt cả một đời sáng tác cả hai chỉ chung thủy với những bài tình ca
NẮNG XUÂN (SOLENZARA)_BẢN NHẠC NGỢI CA TÌNH QUÊ HƯƠNG
TÌNH QUÊ HƯƠNG _ VIỆT LANG
NHỮNG NĂM CÒN LẠI TRONG CUỘC ĐỜI...
ĐẾN MỘT LÚC
BÓNG HỒNG CỦA NS ĐOÀN CHUẨN VỪA QUA ĐỜI ! _LÁ ĐỔ MUÔN CHIỀU_
BẠN THƯỜNG XUYÊN BỊ STRESS, CĂNG THẲNG MỆT MỎI
CA KHÚC " NGƯỜI YÊU DẤU ƠI" _ MỘT NỖI BUỒN TUYỆT ĐẸP
PHẦN QUAN TRỌNG NHẤT CỦA MỖI NGƯỜI
VÀI DÒNG CẢM NGHỈ VỀ BÀI THƠ VÀ BÀI HÁT "EM HIỀN NHƯ MASOER"
HÃY SỐNG NHƯ BÔNG HỒNG
NS PHẠM DUY VÀ CA KHÚC NHẠC VÀNG "ANH HỞI ANH CỨ VỀ"
MỘT VÀI CẢM NHẬN NHẠC PHẨM "ĐỐ AI" CỦA NS PHẠM DUY
SỐNG CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC VÀ CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC “BÊN NI BÊN NỚ” (CUNG TRẦM TƯỞNG – PHẠM DUY
NGƯỜI VỀ _ PHẠM DUY
DẠ LAI HƯƠNG _ PHẠM DUY
TÔI ĐANG MƠ GIẤC MỘNG DÀI _MỐI TÌNH THƠ NHẠC 10 NĂM CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY và NHÀ THƠ LÊ LAN
NS NGÔ THỤY MIÊN VÀ HOÀN CẢNH SÁNG TÁC NHẠC PHẨM "EM CÒN NHỚ MÙA XUÂN"
ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ_ NGHE BÀI HÁT MẸ TÔI QUA GIỌNG HÁT VÕ HẠ TRÂM
CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC “CẢM ƠN” CỦA NHẠC SĨ NHẬT NGÂN
AI LÊN XỨ HOA ĐÀO_CÕI ĐÀO NGUYÊN MỘT THUỞ CỦA ĐÀ LẠT NGÀY XƯA
TÔI ĐI TÌM LẠI MỘT MÙA XUÂN (ĐOÀN NGUYÊN) LỆ THU
NS PHẠM DUY VÀ CÂU CHUYỆN “TÌNH MẸ DUYÊN CON”
JULIE – TIẾNG HÁT LIÊU TRAI ĐẦY MÊ HOẶC
MẸ và TÔI !
NGUỒN GỐC HOA THẠCH THẢO_MÙA THU CHẾT
VĨNH BIỆT NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG (1937-2020_52 NHẠC PHẨM ĐỂ ĐỜI CỦA NS LAM PHƯƠNG THU ÂM TRƯỚC 75
THA LA XÓM ĐẠO _ NHẠC SĨ DZŨNG CHINH (1941-1969)
BÀI THÁNH CA BUỒN VÀ CUỘC TÌNH DƯỚI MƯA
LIÊN KHÚC BỐN CA KHÚC BẤT HỦ CỦA NS TRƯỜNG SA
THƯƠNG LẮM THÁNG 12_NGƯỜI TÌNH MÙA ĐÔNG
NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ĐỜI
ĐỪNG BỎ EM MỘT MÌNH – NÓI THAY LỜI TÂM SỰ CỦA NGƯỜI DƯỚI MỘ
VĨNH BIỆT DANH CA MAI HƯƠNG (1941-2020) – “VIÊN NGỌC QUÝ” CỦA TÂN NHẠC VIỆT NAM
RỒI MAI TÔI ĐƯA EM
MÙA THU TRONG MƯA
MỘT MAI EM ĐI
XIN CÒN GỌI TÊN NHAU
THU VÀNG, NHỮNG GAM MÀU TÊ TÁI
CHỈ CÒN GẦN EM MỘT GIÂY PHÚT THÔI...
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC CA KHÚC “NGƯỜI ĐI QUA ĐỜI TÔI”_THƠ TRẦN DẠ TỪ NHẠC PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG_THẤT TÌNH CA MUÔN THUỞ
Nhạc Sỹ PHẠM TRỌNG CẦU sáng tác khá nhiều. Nhưng thính giả vẫn nhớ đến ông nhiều nhất qua hai ca khúc “MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI“ và “TRƯỜNG LÀNG TÔI”
GIÀ ĐẦU MÀ CÒN MÊ NHẠC SẾN
HẠT BỤI VO TRÒN TRONG BỤNG MẸ CÚT CÔI_TRẦM TỬ THIÊNG
MƯA NGÂU THÁNG BẢY_NGƯU LANG CHỨC NỮ ĐỢI CHỜ
TRÍCH TỪ BÀI VIẾT CỦA CỐ NỮ CA SỸ QUỲNH GIAO VỀ BÀI HÁT "HOÀI CẢM" CỦA NHẠC SỸ CUNG TIẾN.
NGHE NHẠC BUỒN LÀ ĐỂ TÌM KIẾM NIỀM VUI_THE RHYMTH OF THE RAIN
BÀI HÁT "TRĂNG TÀN TRÊN HÈ PHỐ" HÁT CHO NGƯỜI LÍNH NÀO
Ca sĩ KIM ANH: RƯỢU, MA TÚY và KIẾP CẦM CA
BOLERO CHỢ NỌ_ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ
KINH BỎ MẸ
VỀ NGANG TRƯỜNG LUẬT_TRẢ LẠI EM YÊU
CÓ MỘT HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA MANG DÒNG MÁU ĐẠI VIỆT
CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC "NƯƠNG CHIỀU" CỦA NS PHẠM DUY
PHIẾM: MỘNG SẦU_MƯA TRÊN CÂY SẦU ĐÔNG
SẮC MÔI EM HỒNG_ĐÀN BÀ QUYẾN RŨ VÌ ĐÂU ?
CHUYỆN PHIẾM VỀ ALBUM "TƠ VÀNG 3" NHỮNG TÌNH KHÚC TỪ CÔNG PHỤNG
ĐỜI ĐÁ VÀNG _ MỘT NHẠC PHẨM PHẢI MẤT 27 NĂM MỚI RA MẮT CÔNG CHÚNG
NGỮNG NGÀY THƠ MỘNG
GIAI THOẠI VỀ 3 BÀI THƠ " TRÈO LÊN CÂY BƯỞI HÁI HOA, ... " GẮN VỚI LỘC KHÊ HẦU "ĐÀO DUY TỪ"
NGƯỜI TÌNH LÀ THIÊN TAI
NỖI ĐAU MUỘN MÀNG _ NGÔ THUỴ MIÊN
NẮNG THUỶ TINH
CUỘC ĐỜI ĐÓ CÓ BAO LÂU MÀ HỮNG HỜ
MẸ ƠI, CON ĐÃ VỀ
LADY GREEN SLEEVES _ VAI ÁO MÀU XANH
TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA _ COME BACK TO SORRENTO
SERENATA - CHIỀU TÀ
DÒNG SÔNG XANH-MỘT TRONG SỐ NHỮNG BÀI HÁT LÀM NÊN TÊN TUỔI DANH CA THÁI THANH
THÁI THANH_NGƯỜI ĐÃ ĐI RỒI
LẶNG LẼ NƠI NÀY_MỘT MÌNH ĐI...MỘT MÌNH VỀ... MỘT NGƯỜI CANADA NGHĨ VỀ NGHỆ THUẬT CỦA THÁI THANH (TRÍCH HỒI KÝ PHẠM DUY)
MỘT CÕI ĐI VỀ
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
TIẾNG HÁT THÁI THANH ĐÃ VỀ CHỐN "NGHÌN TRÙNG XA CÁCH"
ALINE-GỌI TÊN NGƯỜI YÊU
CHỈ CHỪNG ĐÓ THÔI
NGUYÊN SA và SỰ THAY ĐỔI CẢM NHẬN THI CA VN
CÁNH BƯỚM VƯỜN XUÂN
DIỄM CỦA NGÀY XƯA
BẢN TÌNH CA CỔ XƯA "SCARBOROUGH FAIR" - ÔI GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA
TÌNH SỬ ROMEO & JULIET- CHUYỆN TÌNH CỦA MỌI THỜI ĐẠI
TUYỆT PHẨM LÃNG MẠNG DÀNH CHO MỐI TÌNH ĐẦU 70 NĂM TRƯỚC _NS LÊ MỘNG NGUYÊN và "TRĂNG MỜ BÊN SUỐI
HẸN HÒ _ PHẠM DUY
PHÚT GIAO THỪA LẶNG LẼ ...
BẾN XUÂN
PHẠM THIÊN THƯ & NGÀY XƯA HOÀNG THỊ
LỆ THU hay "NƯỚC MẮT MÙA THU"
NGHỆ THUẬT VIẾT LỜI VIỆT CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY QUA CA KHÚC CHUYỆN TÌNH (LOVE STORY)
CA KHÚC "SANG NGANG" VÀ MỐI TÌNH TUYỆT VỌNG CỦA NHẠC SỸ ĐỖ LỄ
CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ ĐƯỢC PHỔ NHẠC & HÁT LẦN ĐU TIÊN TẠI PLEIKU NHƯ THẾ NÀO?
NỮA HỒN THƯƠNG ĐAU và BI KỊCH CỦA MỘT GIA ĐÌNH
TẠI SAO KHÔNG GIỮ LỜI HỨA VỚI MẸ TÔI ?
CON ĐƯỜNG TÌNH TA ĐI_ KÝ ỨC CỦA MỘT THỜI
TRÍCH TỪ HỒI KÝ CỦA CA SỸ JULIE
THÀ NHƯ GIỌT MƯA và "NGƯỜI TÊN NHIÊN" từ THƠ đến NHẠC
TÌNH HOÀI HƯƠNG
TẠI SAO NHẠC SỸ PHẠM DUY LẠI BỎ QUÊN CÂY ĐÀN ?
NƯƠNG CHIỀU
NHẠC SỸ DZŨNG CHINH _ TÁC GIẢ NHẠC PHẨM "NHỮNG ĐỒI HOA SIM" CHẾT TRÊN ĐỒI HOA SIM
ĐỜI NGƯỜI NHƯ GIÓ QUA
ĐƯỜNG TRẦN ĐÂU CÓ GÌ
TÌNH CA _ PHẠM DUY
CHO ĐỜI CHÚT ƠN
PHẠM DUY "TẠ ƠN ĐỜI" hay ĐỜI TẠ ƠN PHẠM DUY
THI SỸ PHẠM VĂN BÌNH và MỐI TÌNH KHẮC KHOẢI TRONG NHẠC PHẨM CHUYỆN TÌNH BUỒN
THƠ, NHẠC vả "NGƯỜI TÌNH" CỦA NGUYỄN ĐÌNH TOÀN
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC CA KHÚC "QUÊ NGHÈO" CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY
NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI hay "TÔI XA HÀ NỘI" ?
CHIỀU VỀ TRÊN SÔNG
NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ĐI
ĐI TÌM ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
VẾT THÙ TRÊN LƯNG NGỰA HOANG
ĐI TÌM ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
KIẾP LÁ PHẬN NGƯỜI trong "ĐƯỜNG CHIỀU LÁ RỤNG"
NHẠC SỸ NGỌC CHÁNH _ "BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ"
"CƠN MÊ CHIỀU" của NGUYỄN MINH KHÔI tưởng niệm cuộc thảm sát năm MẬU THÂN, HUẾ
CHỢT THẤY TUỔI GIÀ
MÙA THU trong tình ca Việt
ÔNG TRUMP NÓI GÌ VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VN
12 THÓI QUEN TƯỞNG XẤU NHƯNG HOÁ RA LẠI TỐT
CÁI "VÔ" TRONG TRANH THUỶ MẶC
10 DẤU HIỆU CHỨNG TỎ BẠN HẠNH PHÚC
BUÔNG BỎ PHIỀN NÃO
THÔI KỆ_TRỊNH CÔNG SƠN
GS TRẦN VĂN KHÊ: NGÀI CHƠI VỚI AI MÀ KHÔNG BIẾT MỘT ÁNG VĂN NÀO CỦA NƯỚC VIỆT ?
HAI MẶT CỦA CUÕC ĐỜI
KHI TÔI CHẾT, HỎI CÒN AI GHÉT, AI THƯƠNG?
PHÚT CHIÊM NGHIỆM CUỘC ĐỜI
GÕ CỬA VÔ THƯỜNG
GIÁ TRỊ CỦA SỰ TĨNH LẶNG
HIỂU ĐỜI
5 Cái “Đừng” Của Cuộc Đời
Bao dung càng lớn hạnh phúc càng nhiều
CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ TÌNH CHA
KIẾP NGƯỜI
CUỘC ĐỜI CỦA MẸ
CUỘC ĐỜI MỘT CHIẾC LÁ
TÌM ĐƯỢC NGƯỜI THẤU HIỂU MÌNH MỚI THỰC LÀ NIỀM VUI LỚN NHẤT
CHỢT THẤY TUỔI GIÀ
NHỮNG BỨC ẢNH THÀNH PHỐ TRONG MÀN MƯA CỦA NHIẾP ẢNH GIA EDUARD GORDEEV
BUDDHIST ADVICE ON ANGER
KỲ HUYỆT GIÚP PHỤC HỒI THỊ LỰC
MỐI TÌNH TÔM KHÔ CỦ KIỆU
05 CÁI PHÚC LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI
NHÌN THẤU NỘI TÂM MỘT NGƯỜI KHÔNG PHẢI ĐIỀU QUÁ KHÓ
CHIẾC ÁO SẦU HAI VẠT" TRONG NHỮNG KHÚC TÌNH CA
Hãy Đọc Khi Bạn Đang Cảm Thấy Chán Nản Về Cuộc Sống
LỜI XIN LỖI
NHỚ ĐẤY, CÁI CUỘC ĐỜI NÀY
Nước mía Viễn Đông (góc Lê Lợi - Pasteur) Sài Gòn xưa trước 75
NƯỚC CHANH CHUYÊN GIA GIẾT TẾ BÀO UNG THƯ
QUÁN TRỌ TRẦN GIAN
TRỜI MƯA NHƯ BÀI CA
TRONG DÒNG ĐỜI TRÔI CHẢY, KẺ ĐẾN NGƯỜI ĐI ĐỀU LÀ CÓ NGUYÊN DO CẢ...
HẠT BỤI NÀO HOÁ KIẾP THÂN TÔI...
TRÊN TRỜI MỘT VÌ SAO, DƯỚI ĐẤT MỘT CON NGƯỜI...
THƯỜNG KHIÊM TỐN, BẬC ĐẠI THIỆN GIẢ ẮT KHOAN DUNG
NẾU NHƯ TRONG LÒNG MỆT MỎI, HÃY THỬ NHÌN ĐỜI TỪ HƯỚNG KHÁC
NHẠC SĨ SONG NGỌC VÀ MỘT ĐỜI SÁNG TÁC
MẸO KHI BỊ ONG CHÍCH
CHUYỆN Ở ĐỜI…
ĐỂ QUÊN BÀI HỌC
CHA MẸ LÀ NHẤT TRÊN ĐỜI
MỘT CHÚT LAN MAN
EM CÓ BAO GIỜ ĐỨNG NGẮM MÙA ĐÔNG
CÂU CHUYỆN ĐÊM BA MƯƠI
ĐÀ LẠT NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM
MƯỜI THỨ DÙ CÓ GIA TÀI BẠC TRIỆU CŨNG KHÔNG MUA ĐƯỢC
3 QUÊN, 4 CÓ, 5 KHÔNG
CHÉN THUỐC ĐỘC CỦA SOCRATES
NHẪN & NHỊN
Thông minh không phải yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công, mà Chìa khóa của sự thành công là “ý chí”
Đời người là một loại lựa chọn, cũng là một loại buông bỏ
NHỮNG NGƯỜI BẠN GẶP TRÊN ĐƯỜNG
NHỚ MỘT THỜI XÍCH LÔ MÁY TẠI SÀI GÒN
XE ĐIỆN SÀI GÒN XƯA
CƠM THỐ SÀI GÒN XƯA
CÔ GÁI ĐÁNH CỌP NGAY LỄ KHAI THỊ CHỢ BẾN THÀNH 1914
HÃY NHẸ NHÀNG
XIN MỜI CÁC BÁC MUA CHIM NHÉ
CẢM XÚC NGÀY CUỐI NĂM
NHỮNG CÂY BONSAI BIẾT BAY LƠ LỬNG Ở NHẬT
ĐƠN GIẢN ĐẾN MỨC TẬN CÙNG CHÍNH LÀ TRÍ TUỆ
SỐNG HẠNH PHÚC HAY KHÔNG LÀ TUỲ TÂM MÌNH QUYẾT ĐỊNH
THƯ BA GỬI CON GÁI YÊU NGÀY VỀ NHÀ CHỒNG
BÂNG KHUÂNG CHIỀU CUỐI NĂM
LY RƯỢU CHIỀU CUỐI NĂM
TẢN MẠN CHIỀU CUỐI NĂM
LỜI CHÚC ĐẦU NĂM
TẠI SAO CÁC CỤ LẠI GỌI LÀ "TẾT NHẤT
TẾT NGUYÊN TIÊU TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT
MÙI TẾT
CHIẾC CẶP ĐEN CỦA TỔNG THỐNG MỸ
THƠ CHÚC TẾT NƠI ĐẤT KHÁCH XUÂN CON KHỈ 2016
CHÚT TẢN MẠN ĐẦU NĂM BÍNH THÂN 2016
ĐẠP TUYẾT TẦM MAI
07 BÀI HỌC SÂU SẮC GIÚP BẠN CÓ CUỘC SỐNG ÍT BUỒN PHIỀN HƠN
MƯA RÀO VÀ MƯA BỤI
Cách cứu người tai biến mạch máu não bình phục tức khắc
LÀ AI KHÔNG QUAN TRỌNG, QUAN TRỌNG LÀ Ở CẠNH AI
MỘT CÁI ÔM MỖI NGÀY
DEAD MAN'S SUITCASE
SÀIGÒN DĨ VÃNG VÀ SÀIGÒN BOLSA
THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT KHÔNG CÓ ĐÈN XANH ĐÈN ĐỎ
NGƯỜI PHỤ NỮ CHÍNH LÀ PHONG THỦY TUYỆT VỜI CHO NGÔI NHÀ
NHỚ CÀ PHÊ NĂM CŨ
VẺ ĐẸP TRẦM MẶC CỔ KÍNH CỦA NHỮNG CÂY CẦU KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI
TỰ NGUYỆN
THÀNH THẬT
ĐẠO NGHĨA VỢ CHỒNG _ BÀN TAY NẮM LẤY BÀN TAY
KHÔNG CÓ THỜI GIAN_NO TIME
ĐỪNG ĐỂ TRÁI TIM BỊ ĐÁNH MẤT
KHOE KHOANG CÁI GÌ THÌ SẼ MẤT CÁI ĐÓ
CHA ĐẺ RẠP HÁT HƯNG ĐẠO
NHỮNG CÔNG TRÌNH TUYỆT VỜI BÊN BỜ SÔNG SEINE CỦA PARIS
9 ĐIỀU ĐỂ THẤY CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG
FLOWERS IN SNOW_HOA TUYẾT
AUD LANG SYNE_MỘT CA KHÚC DÙNG ĐỂ TIỄN ĐƯA NĂM CŨ VÀ ĐÓN CHÀO NĂM NỚI
LẠC LỐI GIỮA NHỮNG CON ĐƯỜNG NHỎ VÀ NHỮNG GÓC PHỐ BÌNH YÊN
BỨC TRANH KHÔNG CÓ MẮT
SUÝT NỮA BÀI THƠ "HAI SẮC HOA TIGÔN" ĐÃ CHÁY THÀNH TRO !
NIỀM VUI & NỔI BUỒN
CÓ TIỀN MUA NHÀ ĐẸP NHƯNG...
LẮNG NGHE
GIẤC MƠ ÁO TRẮNG
CÁ ĐÙ MỘT NẮNG BUÔNG ĐŨA CÒN THÈM
THƯỞNG THỨC VỊ BÉO BÙI DĨA ĐUÔNG ĐẤT NÓNG HỔI TRÀ VINH
Thơm hương lá mướp gói xương vịt bằm
BẬN
ẤM ÁP LÀ KHI...
MỘT CÕI ĐI VỀ
MỘT NGÀY KHÔNG VỘI VÃ
CÂU CHUYỆN VỀ ĐẠI HỌC STANFORD
BABYSITTING_GIỮ TRẺ Ở MỸ
CON CÁ TRÀU BƠI TỪ SÂU LÊN CẠN
SINH RA LÀ NGUYÊN BẢN ...
VỢ, NGƯỜI TÌNH & HỒNG NHAN TRI KỶ
MỘT CHÚT LAN MAN NGẪM LẠI "CÁI SỰ ĐỜI"
HỌA SĨ ĐINH CƯỜNG… KHÔNG CÒN VỚI CHÚNG TA NỮA
CÀN KHÔN ƠI XIN RÓT RƯỢU GIÙM NGAY
CÓ HỀ CHI VÀNG CHÚT RONG RÊU
CHO VÀ ...CHO
CHỢT THẤY TUỔI GIÀ
Đủ nắng hoa sẽ nở_Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy
OH! NHÌN GÌ MÀ KINH THẾ
VAI DIỄN CUỐI CÙNG
KHÔNG CÓ GIÁ TIỀN CHO TÌNH YÊU
HÃY QUÊN ĐI 3 THỨ TRONG ĐỜI
Sự khác biệt giữa tiền xu và tiền giấy
TRANH CÃI VỚI KẺ NGỐC...
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
ĐỜI NGƯỜI NHƯ GIÓ QUA
LÀM SAO ĐỂ PHA ĐƯỢC CHÉN TRÀ NGON?
RẤT GẦN & RẤT XA
NHỮNG CHỐN BÌNH YÊN NHẤT XỨ HÀN
NHỮNG CÂU THƠ HAY VỀ BÔNG HỒNG
MẸ _ THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN
MỰC MỘT NẮNG PHAN THIẾT
KỶ NIỆM _ HẠNH PHÚC HAY VẾT THƯƠNG
TRẦM TỬ THIÊNG_MỘT ĐỜI "TƯỞNG NIỆM"
KHÚC LUÂN VŨ MÙA ĐÔNG
MÙA GIÁNG SINH Ở SAN ANTONIO
MÓN NỘM 3 MIỀN_(GỎI 3 MIỀN)
HẤP DẪN HƯƠNG VỊ THỊT CỪU NƯỚNG NINH THUẬN
GÓC PHỐ DỊU DÀNG
SYLVIE VARTAN, 40 NĂM TÌNH KHÚC NICOLAS
3 NHẠC SĨ NỔI TIẾNG CÙNG SAY ĐẮM MỘT NÀNG TIÊN _CHUYỆN TÌNH NHẠC SĨ NGUYỄN THIỆN TƠ TÁC GIẢ CA KHÚC "GIÁO ĐƯỜNG IM BÓNG"
HÃY SỐNG CUỘC SỐNG CỦA MÌNH VÀ QUÊN ĐI TUỔI TÁC
BÀI THÁNH CA BUỒN VÀ CUỘC TÌNH DƯỚI MƯA
CẢNH THẦN TIÊN PHẢN CHIẾU TRÊN MẶT NƯỚC
BỘ ẢNH THẦN THOẠI CỦA NHIẾP ẢNH GIA CARLOS IONUT
CÁ LINH_ĐẶC SẢN MIỀN TÂY MÙA NƯỚC NỔI
SỐNG TỬ TẾ
SAI LẦM KHI TỨC GIẬN
CHI RỒI CŨNG QUA
KHE NỨT TRÁI ĐẤT BIẾN THÀNH HỒ NƯỚC TUYỆT ĐẸP_HỒ BAIKAL
NHỚ CON CÁ HỐ THÁNG GIÊNG
TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY
MỖI PHÚT GIẬN DỮ
KHI VIỆT NAM MÌNH KHÔNG CÒN ĐẸP TRONG MẮT BẠN BÈ THẾ GIỚI...
6 VIỆC KHÔNG NÊN LÀM
THƯƠNG LẮM THÁNG 12
SỰ IM LẶNG NGỌT NGÀO
NHỮNG SẮC MÀU CUỘC SỐNG
ĐÔI ĐIỀU VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG BÀI THƠ "MẮT BUỒN" CỦA NHÀ THƠ BÙI GIÁNG
TIẾNG VIỆT DỄ THƯƠNG QUÁ
NẾU ĐỐI DIỆN VỚI THỬ THÁCH
GIẾT THỜI GIAN
TÀI SẢN QUÍ GIÁ NHẤT CỦA CON NGƯỜI
CHỈ MỘT CHÚT THÔI MÀ!
NGUỒN GỐC BÀI " KÈN MẶC NIỆM TỬ SĨ HOA KỲ"
NHỮNG NGÔI VƯỜN VÀ CÁNH ĐỒNG ĐẦY SẮC MÀU
THE POWER OF HUGS (SỨC MẠNH CỦA NHỮNG CÁI ÔM)
NHỮNG CÂU TRẢ LỜI CỦA NỮ TÀI TỬ AUDREY HEPBURN KHI ĐƯỢC HỎI VỀ BÍ QUYẾT LÀM ĐẸP CỦA BÀ
NHIẾP ẢNH GIA DANIELA BABIC ĐÃ CHỤP ẢNH CON TRAI 10 THÁNG TUỔI CỦA MÌNH CÙNG VỚI CÁC CON VẬT
ĐỪNG CHỜ ...
TRÊN THẾ GIAN NÀY...
NGÀY HÔM QUA LÀ THẾ
KHÚC HÁT CHIỀU MƯA NĂM CŨ “BÂNG KHUÂNG CHIỀU NỘI TRÚ”
MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH… ĐỂ RA ĐỜI NHẠC PHẨM BẤT HỦ "nắng chiều"
TÉP BẠC MIỀN TÂY NAM BỘ