Đà Lạt là xứ sở của tình yêu, của ngàn hoa, là nơi được nhớ đến với những buổi sáng sương mù giăng ngang, đường dốc quanh co và rừng thông trầm mặc. Nhiều năm về trước, Đà Lạt sở hữu không khí bồng bềnh phiêu lãng, bàng bạc nên thơ làm ngây ngất lòng người. Mọi thứ ở Đà Lạt đều hiện lên đầy màu sắc lãng mạn.
Khung cảnh gợi nhiều cảm xúc bay bổng đó đã khơi lòng người nhạc sĩ, từ đó nhiều ca khúc Đà Lạt nổi tiếng ra đời và được yêu thích trong nhiều năm qua: Đà Lạt Hoàng Hôn (Minh Kỳ, Dạ Cầm), Thương Về Miền Đất Lạnh (Minh Kỳ), Thành Phố Buồn (Lam Phương), Thành Phố Sương Mù (Huỳnh Anh), Tình Yêu Như Bóng Mây (Song Ngọc)…
Riêng nhạc sĩ Hoàng Nguyên – một người con đất Nghệ đã gắn bó với Đà Lạt trong nhiều năm – đã có tới 4 ca khúc viết về Đà Lạt được công chúng biết tới: Ai Lên Xứ Hoa Đào, Bài Thơ Hoa Đào, Hoa Đào Ngày Xưa và Đà Lạt Mưa Bay, trong đó nổi tiếng nhất là Ai Lên Xứ Hoa Đào
"Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi.
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều Xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ.
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.
Nghe tâm tư mơ ước mộng Đào Nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa.
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai.
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa.
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương.
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.
Ôi! Màu hoa đào, màu hoa đào chiều Xuân nào.
Ôi! Màu hoa đào như môi hồng người mình yêu.
Ôi! Màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa.
Cho tôi bớt mơ mòng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa.
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương.
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào thôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.
Trong những năm tháng dạy học tại Đà Lạt vào thập niên 1950, niềm cảm hứng đã tới để nhạc sĩ tài hoa Hoàng Nguyên cho ra đời tác phẩm bất hủ này.
Từ đồi Vọng Cảnh, Thung lũng Tình Yêu hiện ra trong tầm mắt đẹp tựa bức tranh; triền thông vi vu gió như “thôi miên” du khách vào cõi hư vô; những ngôi nhà gỗ xinh xắn thấp thoáng trên những ngọn đồi đầy hoa cho cảm giác yên bình đến lạ lùng; những con đường đất đỏ vòng vèo đưa khách phiêu lưu cùng đỉnh Langbian thấp thoáng trong mây…
Những ca khúc tuyệt vời của Hoàng Nguyên viết về Đà Lạt đã được sinh ra chính trong thời gian nhạc sĩ sống và dạy học ở thành phố mù sương, trong tuổi hoa niên tươi đẹp và lãng mạn.
"Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ…"
Lên xứ hoa đào, hãy có lần dừng chân bên hồ Xuân Hương với nước màu xanh ngọc nằm thơ mộng trong trung tâm thành phố sương mù. Khi chiều xuống, hơi lạnh từ lòng hồ phả lên cho du khách tận hưởng cái giá lạnh của miền cao nguyên. Chiều Xuân mây êm trôi trên cao soi bóng dưới mặt hồ, Xuân đi vào trong mắt biếc cho hồn lữ khách dạt dào muôn ý thơ. Đà Lạt đẹp như thơ khiến ai đến lần đầu cũng ngất ngây như lạc vào mộng Đào Nguyên thuở nào…
Trong số các nhạc sĩ thời tiền chiến, Hoàng Nguyên rất mến mộ nhạc sĩ Văn Cao. Chuyện kể rằng vào năm 1956, khi nhạc sĩ Hoàng Nguyên đang sinh sống và dạy học ở Đà Lạt, trưởng ty Công an cảnh sát ở đây là Phạm Trọng Lý vốn có thành kiến với ông nên nhân lúc chính quyền đang truy bắt những người “kháng chiến” cũ, đã cho người lục soát nhà của Hoàng Nguyên và bắt gặp bản nhạc Tiến Quân Ca và Thiên Thai của Văn Cao ở trong nhà. Vì lý do này mà Hoàng Nguyên bị quy kết là vẫn còn có mối quan hệ với chính quyền miền Bắc và bị đày ra Côn Đảo.
Là người hâm mộ ca khúc Thiên Thai của Văn Cao, chắc hẳn những hình ảnh về một cõi thiên thai “Đào Nguyên” nơi hai chàng Lưu Nguyễn lạc bước đã in dấu trong lòng người nhạc sĩ, và Hoàng Nguyên cũng sáng tác một ca khúc “thiên thai” khác cũng rất nổi tiếng là “Đường Nào Lên Thiên Thai”, được yêu thích qua giọng ca Thanh Thúy.
Trong bài hát Ai Lên Xứ Hoa Đào, người ta cũng thấy rất nhiều bóng dáng tiên cảnh:
“Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.
Nghe tâm tư mơ ước Mộng Đào Nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.”
Hay như:
“Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa.
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương.
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.”
Xứ ngàn hoa càng thơ mộng hơn khi được tô điểm thêm các đường hoa anh đào nhu mì mà rực rỡ, hoa bay ngại ngần rồi hoa lưu luyến theo bước chân ai.
“Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa”
Chuỗi ca từ đẹp như thơ này là câu hay nhất của nhạc khúc Ai Lên Xứ Hoa Đào, cho chúng ta có cảm giác thoát tục khi ngắm nhìn cảnh vật như chỉ có ở chốn đào nguyên. Nhìn hoa bướm rồi lòng mơ bướm hoa. Sương khói kia rồi cũng theo khói sương thôi và, đường tình yêu cũng sẽ đi vào quên lãng và đường hoa âm thầm lặng bước trong lãng quên. Nhạc sĩ rất điêu luyện khi dùng cách đảo từ cho các cặp từ hoa bướm – bướm hoa, sương khói – khói sương, quên lãng – lãng quên. Khó có tác giả nào có thể trình bày được cách sử dụng từ ngữ như vậy mà vẫn giữ được ý nghĩa lời hay nét đẹp cho tứ nhạc.
"Ôi! Màu hoa đào, màu hoa đào chiều Xuân nào.
Ôi! Màu hoa đào như môi hồng người mình yêu.
Ôi! Màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du."
Những chữ được lặp lại nhiều lần trong câu hát này như tiếng kêu tha thiết tự cõi lòng về màu hoa yêu kiều của xứ sở tình yêu! Màu hoa đào của chiều xuân nào ta bên nhau, màu hoa của Đà Lạt hay là màu hoa của môi em. Cũng vì màu hoa này mà đã bao lần tôi dừng bước phiêu lãng đề được say đắm lắng nghe hồn thơ đậu lại bên nắng mùa Xuân trên núi đồi sương hoa sương khói, bên màu mắt biếc môi hồng của người thơ và xứ thơ Đà Lạt.
"Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa.
Cho tôi bớt mơ mòng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa.
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương.
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào thôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.
Nếu có lên lại xứ hoa đào, xin đừng quên đem về một cành hoa, một cành hoa kỷ niệm. Có lẽ nhạc sĩ Hoàng Nguyên muốn nhắc đến một cành hoa trong tâm tưởng, chứ không phải là cổ súy cho việc bẻ cành hoa mang về làm của riêng (Giả sử du khách ai cũng “bẻ” vậy thì chẳng mấy chốc Đà Lạt không còn cành hoa nào). Khi đã rời xứ sở hoa đào rồi, nhưng màu hoa đẹp như mộng ấy vẫn còn lưu luyến trong tâm tưởng những người du khách. Người về từ bao giờ rồi mà qua bao năm tháng, lòng này vẫn khôn nguôi vấn vương, màu hoa cũ cứ hoa mộng mãi trên xuân thì, hồng hào mãi như màu má thắm ngày xưa .
Ngoài “bộ ba hoa đào” là Bài Thơ Hoa Đào, Ai Lên Xứ Hoa Đào và Hoa Đào Ngày Xưa đều được viết với giọng trưởng (major), thì về sau Hoàng Nguyên còn viết bản Đà Lạt Mưa Bay – một Đà Lạt với giọng thứ (minor), nhịp chậm, mang tâm trạng người trẻ trong thời loạn.
Năm 1973, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã qua đời vì tai nạn giao thông ở Vũng Tàu khi mới tuổi 43. Những người tài hoa thường bạc mệnh, nhưng tên tuổi của ông vẫn sống mãi trong lòng công chúng, khi người nhạc sĩ này đã “đội vương miện” cho Đà Lạt bằng nhạc phẩm Ai Lên Xứ Hoa Đào.