"Ngày xưa chào mẹ, ta đi
mẹ ta thì khóc , ta đi thì cười
mười năm rồi lại thêm mười
ta về thì khóc, mẹ cười lạ không
ông ai thế ? Tôi chào ông
mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
ông có gặp thằng con tôi
hao hao...
tôi nhớ...
nó ...người ...như ông.
mẹ ta trả nhớ về không
trả trăm năm lại bụi hồng...
rồi..
đi..." (ĐỖ TRUNG QUÂN)
- Bài thơ lục bát này, rất ngắn, chỉ 10 câu, 70 từ, vời vợi thời gian một đời người, nặng trĩu bao tâm trạng. Tác giả lấy câu thứ 9 đặt tên cho bài thơ, Mẹ ta trả nhớ về không. Khi được phổ nhạc, các ca sĩ trình bày ca khúc như: Nguyễn Hồng Liên, Ngọc Huyền, Lê Vỹ, Thụy Long. Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể lại rằng, “Bạn tôi đi làm ăn xa gần như cả cuộc đời, nên khi về thăm mẹ năm bà 92 tuổi, người mẹ đã mắc chứng Alzheimer và không còn nhớ con mình là ai. Bà hỏi: Ông ơi, ông là ai? Bạn tôi ôm mẹ khóc như mưa…” Từ cảm xúc đó, Đỗ Trung Quân viết bài thơ này. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là tình mẹ con, đúng hơn, đó là tình cảm của đứa con đối với người mẹ, day dứt bao nỗi niềm:
"Ngày xưa chào mẹ, ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
Mười năm rồi lại thêm mười
Ta về ta khóc, mẹ cười… lạ không ? "
- Tác giả chọn hai thời điểm ý nghĩa nhất: ta đi và ta về / mẹ khóc và ta cười / mẹ cười và ta khóc. Giữa hai thời khắc ấy, mười năm rồi lại thêm mười, có nghĩa đến hai mươi năm, dằng dặc hơn bảy ngàn ngày thương nhớ. Hai mươi năm, bao vui buồn đổ xuống trên hai cuộc đời (mẹ và ta), hai mái ấm gia đình, hai thứ tóc chuyển màu. Tiếng cười và tiếng khóc, ý nghĩa không giống nhau, đằng đẵng cả nghìn trùng của không gian và thời gian trong mỗi số phận.
“Ngày xưa chào mẹ, ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười”.
- Hai câu thơ diễn tả rất đúng tâm trạng của hai mẹ con. Con thì còn trẻ, ăn chưa no lo chưa tới, chỉ thấy phía trước là những chân trời mênh mông, vẫy gọi, hớn hở vô cùng, dấn bước vào đời, làm một con người tự do với bao khát vọng tràn đầy. Cười là đúng. Tuổi trẻ, ai cũng vậy. Chỉ có mẹ, Ta đi – Mẹ khóc. Khóc vì phải xa con, lo lắng cho con, nơi những góc bể chân trời, ai người chia sẻ khi ấm lạnh?
Đến khi Ta về – Ta khóc – Mẹ cười – Lạ chưa ?
Hai trạng thái cảm xúc trái ngược nhau của người mẹ và người con, được lý giải: Khi trở về, người con gặp lại mẹ, bao năm xa nhà, nhiều năm chia cách, theo tuổi đời, mẹ không còn như xưa nữa, nhớ nhớ quên quên, trí nhớ suy giảm, kém dần, …
“Mẹ ta trả nhớ về mênh mông rồi ! “
Đằng sau tiếng khóc của người con, có thể nhận ra những ơn nghĩa sinh thành, mang nặng đẻ đau, công lao dưỡng dục và lòng yêu thương vô bờ của đứa con đối với người mẹ. Và, cũng nhận ra rằng, từ nay, mọi sóng gió và vấp ngã trong đời, đâu còn một bến đỗ bình yên để trở về, neo đậu:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi một đời, lòng mẹ vẫn theo con“,
(Chế Lan Viên từng viết như vậy trong bài thơ Con cò.)
Những câu thơ nhói buốt tâm can:
“Ông ai thế ? Tôi chào ông
Ông có gặp thằng con tôi
Hao hao… tôi nhớ… nó …người …như ông.”
- Đây là các dòng thơ xúc động nhất, đọc đến, rơi nước mắt, nghẹn ngào. Người mẹ không nhận ra đứa con của mình, chỉ thấy “hao hao … tôi nhớ … nó … người … như ông“. Dòng thơ tưởng như lời giao tiếp, hỏi mà không có câu trả lời, bình thường mà lại không bình thường, nhói buốt, báo hiệu cho ta biết rằng, ta sẽ đơn côi, cô độc trên cõi trần gian này, ta sẽ có những ngày tháng bất hạnh nhất trong đời, khi:
“Mẹ ta trả nhớ về không
Trả trăm năm lại bụi hồng, rồi đi…”
“Bụi hồng”, theo Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều, “bụi hồng chữ Hán là hồng trần, chỉ bụi sắc đỏ, do gió bốc lên, nghĩa bóng là cõi trần” (Từ điển Truyện Kiều 1974, trang 43). Như vậy là, mẹ ta, xong một đời người, từ biệt thế gian, “rồi đi …”, về với ông bà, tổ tiên. Ngày đau buồn ấy đang chầm chậm đến ! Hai câu thơ cuối cùng, dẫu biết đó là quy luật, nhưng sao buồn đến nao lòng ! Cha mẹ không sống cùng ta đến cuối đời, mãn kiếp. Đành thế, sao thương quá cho đời, cho ta !
- Mẹ ta trả nhớ về không là một trong những bài thơ hay viết về mẹ. Cái gốc làm nên sự sâu lắng của bài thơ, như Bạch Cư Dị nói, đó là tình. Các chi tiết đều có tính điển hình, chọn lọc. Bài thơ là tiếng lòng, là niềm day dứt khôn nguôi của người con đối với mẹ, là lời nhắc nhở về lòng hiếu đạo, bổn phận làm con. Người đọc, bắt gặp mình nơi các dòng thơ chan chứa ân tình của Đỗ Trung Quân.
sinh năm 1955 tại Sài Gòn, gốc Bắc. Ông sống với mẹ đến năm 15 thì mẹ mất. Trước 1975, học Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn. Đỗ Trung Quân là bạn văn với những Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền khi tham gia phong trào Thanh niên xung phong. Đỗ Trung Quân, tác giả của số bài thơ phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như Bài học đầu cho con (Quê hương), Chút tình đầu (Phượng hồng), Hương tràm, Khúc mưa, Những bông hoa trên tuyến lửa, … Ông còn được biết đến với nhiều nghề “tay trái” khác như MC cho những chương trình ca nhạc hay làm diễn viên cho một số phim truyền hình.