PHẦN MỘT: HẠNH PHÚC ĐANG CÓ MẶT
Này bạn! Bạn đã có hạnh phúc chưa hay vẫn đang đi tìm với hai bàn tay trắng? Có phải bạn nghĩ hạnh phúc là một cái gì đó đang ở rất xa, trong tương lai, nằm ở tận cuối con đường mà bạn thì chỉ đang đi trên con đường tiến về đích thôi. Coi chừng bạn đã lầm rồi đấy. Hạnh phúc có thể có mặt trong giây phút hiện tại, ngay bây giờ và ở đây, vấn đề là bạn có biết nó đang có mặt như thế nào và biết cách tiếp nhận hay không thôi.
Bạn đã từng quan niệm hạnh phúc là gì? Có phải là được sống trong những điều kiện tiện nghi như ăn uống đầy đủ, tiêu xài thoải mái, nhà cửa khang trang, công việc thuận lợi, được thương yêu chăm sóc, con cái giỏi giắn ngoan hiền, bạn bè thân thiện giúp đỡ… Những tiện nghi đó đem lại cho bạn cảm giác thoải mái, dễ chịu, thích thú, sung sướng nên bạn nghĩ rằng mình có hạnh phúc. Tôi cũng nghĩ vậy. Cái cảm giác mà mình diễn đạt là một hạnh phúc đó có tên gọi chuyên môn là lạc thọ (pleasant).
Nhưng có khi bạn đang sống trong những điều kiện rất thuận lợi, không có vấn đề gì phải bận lòng sầu khổ, hoặc chỉ có chút đỉnh khó khăn thôi thì đáng lý ra bạn phải có hạnh phúc chứ, sao vẫn than là không có hạnh phúc? Cho nên vấn đề là bạn phải có ý thức về những gì mình đang có chính là điều kiện của hạnh phúc thì bạn mới có hạnh phúc được. Cũng như nhìn các em bé đang nô đùa hồn nhiên, không tiếc nuối quá khứ, không lo lắng tương lai thì mình nghĩ chắc các em bé đó rất hạnh phúc. Nhưng các em bé thật sự có biết điều đó không, hay chỉ khi nào lớn lên và đánh mất cái thiên đường tuổi thơ đó rồi thì các em mới nhận ra mình đã từng có hạnh phúc?
Này bạn! Bạn có đang ở trong thiên đường không? Thiên đường của bạn là gì? Tôi nghĩ thiên đường hạnh phúc, cái lạc thọ đó thì ai cũng có cả. Tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy rõ. Thí dụ đêm nay bạn bị đau bao tử. Bạn ghét cay ghét đắng chứng đau bao tử khó chịu này, nó làm cho bạn không ăn uống gì được mà cũng không còn tỉnh táo để chuyện trò hay làm việc. Bạn quả quyết rằng đau bao tử là một cái khổ. Vậy trước đó vài giờ bạn có biết là mình đang rất hạnh phúc vì không bị đau bao tử, hay chỉ khi trải qua một trận đau oằn oại thì bạn mới nhận diện được sự quý hóa của nó?
Ngồi yên xuống một chút, bạn hãy thử suy gẫm về những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có, phải chăng là nhiều hơn bạn tưởng? Vậy bạn có cần tiếp tục bôn ba về phía tương lai để tích góp thêm không? Chỉ cần nghĩ tới hình ảnh những em bé mồ côi, những em bé bị chết vì đói, những em bé tật nguyền đang có mặt khắp nơi trên thế giới thì tôi chắc bạn sẽ thấy mình hạnh phúc tới chừng nào. Các em bé bất hạnh đó có khi phải đi bằng đôi tay hay ăn cơm bằng đôi chân, hoặc chưa từng nhìn thấy bầu trời xanh hay nghe tiếng chim hót, hoặc chưa từng được quay quần bên gia đình để tiếp nhận một cử chỉ chăm sóc yêu thương…
Còn bạn? Bạn đang sở hữu nhiều thứ quá. Bạn có đôi mắt long lanh, đôi chân vững chắc, đôi tay tháo vát, giọng nói trong trẻo, trái tim khỏe mạnh, năng lượng sống tuôn tràn, tương lai chào đón… Bạn không bị vướng vào chứng bệnh nan y nào về thể chất, cũng không lâm vào tình trạng khủng hoảng điên cuồng vì tai nạn của thiên tai hay do con người tạo ra. Bạn đang có cơ ngơi ổn định, công việc hanh thông, tài năng phát triển… Bạn đang đầm ấm với gia đình, được thương yêu và nâng đỡ bởi những người thân… Những gì tôi đơn cử ra đây chỉ là một phần rất nhỏ so với những điều kiện hạnh phúc quá lớn mà bạn đang có. Nếu không được nhắc nhở, chắc bạn cũng không ngờ là mình có một gia tài hạnh phúc lớn đến như vậy phải không?
Nhưng phần lớn chúng ta trân quý những thức đó chỉ được một thời gian rồi quẳng chúng vào bóng tối lãng quên, chỉ khi nào có một sự kiện gì đó xảy ra hay có ai nhắc tới thì ta bỗng giật mình nhận ra là ta đã từng có những thứ hạnh phúc đó rồi. Mới chuộng cũ vong, đó là thói quen hư hỏng đã khiến cho chúng ta không nắm bắt được hạnh phúc
Kính chào quí vị và các bạn
PHẦN HAI: HẠNH PHÚC BỊ LÃNG QUÊN
Có thể diễn đạt hành trình đi tìm hạnh phúc của chúng ta bằng cái trục ngang với rất nhiều điểm đến. Ta hãy bắt đầu từ A và điểm đến là B. B có thể là nguyện vọng lấy được chứng chỉ Master. Nhưng đến B rồi thì thấy B cũng thường thôi, chưa phải là hạnh phúc nên bạn sốt ruột muốn đến C. Lấy được người mình thương chắc sẽ nắm được hạnh phúc, nhưng rồi sau đó cũng thấy còn vài thứ khiến mình chưa có thể hạnh phúc trọn vẹn, phải có một đứa con xinh thì mới gọi là mái ấm gia đình, nên bạn lại hy vọng ở D. Rồi bạn vẫn chưa thấy thỏa mãn, tiếp tục đặt ra những điều kiện của hạnh phúc mà mình cần phải có như là sở hữu một căn nhà lộng lẫy, một chiếc xe hơi đời mới nhất, một trương mục khá nhiều tiền, một địa vị mà bạn bè đều thèm thuồng và kính nễ… thì mới bảo đảm an ninh vững bền cho hạnh phúc.
Cứ thế bạn tiếp tục lao như điên đi về E, F, G… và ở mỗi điểm bạn chỉ cảm nhận được giá trị hạnh phúc rất ngắn ngủi. Chừng vài tuần hoặc vài tháng sau bạn lại khát khao những điều kiện khác nữa. Đôi khi bạn còn nghĩ biết đâu hạnh phúc có thể nằm ở cuối trục ngang này không chừng. Bạn ơi, cuối trục ngang này là cuối cuộc đời đấy bạn. Thật ra hạnh phúc đều có mặt ở B, C, D hay E, F, G và cho đến X,Y, Z nữa. Nhưng làm sao ta có thể hiểu được rằng: A= B= C= D… = Z khi động cơ “bỏ hình bắt bóng” luôn thúc đẩy ta lao tới phía trước như một thói quen được ghi chép sẵn trong tâm thức mà bản chất của nó chính là sự lầm lẫn (wrong view) về giá trị hạnh phúc.
Chính vì kẹt vào những ước mơ chưa đạt được nên bạn không thể thừa hưởng những điều kiện hạnh phúc lớn lao mà mình đang có. Liệu bạn có chắc khi những ước mơ đó thực hiện xong thì bạn sẽ hoàn toàn hạnh phúc không? Tôi nghĩ là bạn chỉ tiên đoán thôi, vì một năm hay hai năm về trước chẳng phải bạn cũng đã từng có những điều ước và hầu như đều đã thành tựu hết rồi mà sao bạn vẫn không có hạnh phúc? Bạn lại tiếp tục ước mơ, tiếp tục hy vọng. Nếu bạn không biết cái gì làm cho bạn hạnh phúc trong giây phút hiện tại, thì làm sao bạn có thể biết được cái gì có thể làm cho mình hạnh phúc trong tương lai?
Thành ra bạn có cần ước thêm nữa không, hay nên quay về tiếp nhận những gì mình đang có và bằng lòng với nó thì may ra bạn mới biết hạnh phúc là gì. Khi bạn nhận ra được giá trị hạnh phúc của mình đã sẵn có thì tôi chắc là bạn sẽ biết mình nên làm gì và không nên làm gì để có thể trở thành một người hạnh phúc và chín chắn đem lại hạnh phúc cho người khác.
Bạn thử lấy một tờ giấy để ghi ra những điều kiện hạnh phúc mà bạn đang có thì tôi chắc là một tờ giấy sẽ không đủ, vì càng nhìn lại thì bạn càng phát hiện hàng trăm món đồ quý giá mà từ lâu mình đã bỏ quên. Thái độ có hạnh phúc mà không cảm nhận được là một thứ cảm giác trung tính luôn có mặt trong ta, nó có khả năng bình thường hóa mọi điều kiện hạnh phúc, tên gọi chuyên môn là xả thọ (neutral).
Chính cái cảm giác xả thọ đó mà ta hay mau chóng nhàm chán những gì mình đang có, đánh mất niềm tin những thứ đó có thể mang lại hạnh phúc như trong quá khứ ta đã từng nghĩ. Ta lại tiếp tục dẫm đạp lên trên những điều kiện hạnh phúc để đuổi theo những đối tượng hư ảo xa vời, nên khiến chúng ngậm ngùi biến thành vật vô tri lẩn khuất. Cái lạc thọ năm xưa, bây giờ biến thành xả thọ. Tuy bị chìm trong bóng tối lãng quên nhưng khả năng linh động của những điều kiện hạnh phúc vẫn còn đó, chỉ cần hết lòng trở về tiếp xúc và nuôi dưỡng thì nó sẽ bừng dậy và tràn lên trên tâm hồn ta. Xả thọ sẽ chuyển thành lạc thọ. Thành ra khi bạn đủ sức khám phá và làm cho những thứ hạnh phúc đã từng bị biến dạng kia biểu hiện trở lại với bản chất thực của nó thì tôi chắc là bạn sẽ thốt lên rằng: Trời ơi, tôi là người hạnh phúc nhất trên đời!
Nhưng trong chúng ta có mấy ai thốt lên được câu nói đó, hầu hết những người chỉ biết mình hạnh phúc sau một cơn nguy biến, một tai nạn chạm mặt với tử thần hay một cuộc phân kỳ tưởng chừng không bao giờ gặp lại, còn tất cả thì vẫn miệt mài dông ruỗi đi tìm hạnh phúc trong viễn cảnh tương lai. Và vì thế mà hạnh phúc mãi mãi chỉ là giấc mơ bỏ ngõ của biết bao kẻ lang thang trong trời đất này, như lời than thở của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Trong khi hạnh phúc thật gần, chỉ cần dừng lại và nhìn sâu thì sẽ tìm thấy ngay:
Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình (Duyên Anh)
Ngựa hoang hăng hái đi tìm hạnh phúc ở tận chân trời xa xăm, nhưng đến khi mỏi vó chùng chân thì cũng đành dừng lại bên thảm cỏ xanh rì và dòng suối mát trong. Bỗng thấy niềm hạnh phúc lớn lao tràn lấp trong tâm hồn, ngựa hoang mới giác ngộ ra cái mình đang tìm kiếm lại hiện hữu ngay dưới chân mình mà bấy lâu nay đã vô tình dẫm đạp lên. Còn bạn bao giờ mới chịu dừng lại hay cũng đợi tới khi nào mỏi gót chùng chân, tai nạn xảy ra, những điều kiện hạnh phúc tan biến đi và phải đối đầu với nghịch cảnh khổ đau thì bạn mới đủ tỉnh thức để quay về tiếp nhận và giữ gìn những gì mình đang có?
PHẦN BA: HẠNH PHÚC TỪ KHỔ ĐAU VÀ BUÔNG BỎ
Hạnh phúc từ khổ đau
Có những lúc bạn phải đối đầu với những nghịch cảnh, khó khăn chất chồng khiến bạn chỉ còn cảm nhận sự khổ đau (khổ thọ, unpleasant) mà thôi. Nhưng bạn hãy đừng nao núng vì ai cũng có khổ đau cả. Chính khi khổ đau xuất hiện che lấp điều kiện hạnh phúc thì bạn mới khát khao vươn tới và giữ gìn hạnh phúc. Lúc đó bạn mới thấm thía hết cái tuyệt vời của những giây phút bạn sống trong thiên đường của hạnh phúc mà trước đây bạn chỉ cảm nhận một phần giá trị của nó.
Thí dụ khi bạn chưa từng dầm mình giữa cái lạnh cống của trời đông thì bạn sẽ không thấy hết cái hạnh phúc được ở trong căn nhà ấm áp. Nhưng cái bản năng khinh lờn, mau quên luôn xảy ra liền ngay sau đó nên khiến bạn không giữ được hạnh phúc đó lâu bền. Tuy vẫn đang ngồi trong căn nhà ấm áp mà bạn không thấy hạnh phúc nữa, tâm tư lại có những điều phiền muộn lo toan. Nếu muốn cho hạnh phúc đó trở lại thì cách hay nhất là phải đẩy bạn ra ngoài trời giá rét một lần nữa.
Đó là điều kiện cần của con người, phải có khổ đau thì mới quý cái hạnh phúc. Như vậy nếu không có khổ đau thì có thể bạn sẽ không biết hạnh phúc là gì. Khổ đau cần thiết để hạnh phúc tồn tại. Có thể nói chính khổ đau làm ra hạnh phúc, hay không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc.
Nhưng có khi khổ đau nhiều quá thì cũng ngán, bạn không đủ sức và tỉnh táo nhìn nhận nó như một điều kiện quan trọng của hạnh phúc nên có khuynh hướng bỏ chạy “Thượng đế ơi, đừng thử con hoài tội nghiệp”. Bạn bắt đầu mơ ước được sống trong một thiên đường chỉ toàn là hạnh phúc, không có bóng dáng của khổ đau. Một cõi thiên đường mà chỉ có những điều kiện hạnh phúc thôi thì làm sao bạn có thể biết cái gì nên trân quý, cái gì đáng giữ gìn, cái gì cần che chở, cái gì phải xót thương? Bạn sẽ không thể hiểu và thương ai nữa hết, vì ai cũng đầy đủ và hạnh phúc cả rồi. Cuộc sống mà không có hiểu và thương thì đâu còn là cuộc sống hạnh phúc nữa.
Những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh chật vật khó khăn thường dễ trở thành nhân tài, vì chúng sớm hình thành khả năng vượt khó và ý thức về sự thua sút là điều kiện bất hạnh phúc. Đôi chân chúng trở nên vững chắc như cây mọc trên sườn núi. Trong khi những đứa bé được dưỡng nuôi trong môi trường với nhiều điều kiện thuận lợi, chưa bao giờ trải qua một trận đói rét hay hụt hẫng tình thương thì chúng như những loài cây xanh tốt mọc trên vùng đất tơi xốp, chỉ một trận gió lớn đi ngang qua là ngã quỵ. Chắc bạn cũng đã từng chứng kiến có những người đã thực sự biết sống và sống một cách sâu sắc sau khi trải qua những trận bão lớn trong cuộc đời. Họ thực sự biết ơn những trận bão đó vì nếu không có nó thì họ không thể nào có được vững chãi như ngày hôm nay.
Vì vậy muốn loại trừ khổ đau để chỉ có hạnh phúc là một thái độ rất ngây thơ. Nếu như không có bùn thì bạn sẽ không tìm thấy hoa sen, không có đá thì bạn sẽ không bao giờ có ngọc và không có người khó thương thì bạn sẽ không bao giờ có được người hoàn toàn dễ thương. Vấn đề còn lại là bạn có biết cách sử dụng những điều kiện nghịch đó để tạo chất liệu làm ra hạnh phúc, hay để cho nó thao túng và bao trùm hết con người của bạn, khiến bạn chỉ còn thấy một màu khổ đau.
*****
Hạnh phúc từ buông bỏ
Chắc bạn đã đồng ý rằng hạnh phúc không tùy thuộc vào những điều kiện tiện nghi bên ngoài, vì vậy bạn không cần phải tích góp thêm chi nữa. Trái lại những thứ đang có mặt chiếm quá nhiều không gian trong tâm hồn bạn, khiến bạn không thể tự do được thì hãy nên buông bỏ bớt đi. Tự do là nền tảng của hạnh phúc, càng buông bỏ những điều kiện bên ngoài thì bạn càng có nhiều tự do bên trong. Bạn sẽ không thể nào có hạnh phúc khi trong tâm bạn còn nhiều sợi dây ràng buộc như lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ, khao khát…
“Tri túc đãi túc hà thời túc, tri nhàn đãi nhàn hà thời nhàn?”. Khi biết được thế nào là đủ cho một cuộc sống hạnh phúc thì ta hãy dừng lại ngay để tận hưởng, chứ đừng hứa hẹn để làm xong cái này cái nọ thì ta sẽ không bao giờ thấy đủ. Thảnh thơi cũng vậy, nếu muốn thảnh thơi thì cứ thảnh thơi, đừng chờ một ngày nào đó thì sẽ không bao giờ có ngày đó đâu. Đó là kinh nghiệm quý báu của các bậc tiền nhân chắc chiu qua rất nhiều thăng trầm cuộc sống. Chắc bạn cũng đã từng gặp những người có rất nhiều hạnh phúc và tình thương, họ luôn tự tin đi tới mặc dầu không có quyền lực hay danh vọng gì. Phần lớn những người nhiều quyền lực và danh vọng lại thường là những người cô đơn vì ai cũng có thể trở thành đối tượng của sự nghi ngờ và lo sợ của họ, dù đó là người rất thân.
Những người trẻ bây giờ chủ trương sống bận rộn, dường như họ nghĩ rằng còn nhiều năng lượng thì hãy ráng bương chảy càng nhiều càng tốt. Khi gặp một người trẻ mà bạn nói là bạn đang rất rảnh rỗi thì có thể bạn sẽ bị chê là không biết sống, và người biết nắm bắt cơ hội đã trở thành mẫu người thực dụng nhất của xã hội hiện nay. Nhưng bận rộn đầu tắt mặt tối như vậy rồi chừng nào bạn mới có thể thảnh thơi, khi nào bạn mới có nhiều thời gian để sống sâu sắc với những giá trị mầu nhiệm của cuộc sống đang hiệu hữu, bao giờ bạn mới có cơ hội ngồi thật lâu bên người thương để lắng nghe nhau và hiểu nhau hơn? Nếu những dự án chưa thành tựu khiến bạn không hoàn toàn thoải mái, tự do để tận hưởng hạnh phúc thì bạn hãy can đảm quẳng thùng hàng đó xuống biển đi, đừng tiếc, con thuyền của bạn vì thế sẽ nhẹ nhàng lướt tới phía trước đấy.
Cũng có khi bạn đang tận hưởng những điều kiện hạnh phúc, nhưng vì lòng ham muốn tích góp trổi dậy khiến bạn dễ dàng từ bỏ cái thiên đường ngọt ngào và êm dịu đó. Bạn bỗng trở nên căng thẳng, bực tức và mệt mỏi chỉ vì những cơ hội không thể từ chối. Bạn đã tiêu phí rất nhiều thời gian, năng lượng và thậm chí đánh mất luôn cả những đức tánh quý báu của mình để đổi lấy sự thành công mà bạn cho đó là sự nghiệp. Cứ sau mỗi dự án hoàn thành người thân của bạn lại không còn nhìn ra bạn như trước kia, họ im lặng trong sự xót thương và tiếc nuối vì cuộc đổi chác đó bạn đã thua lỗ và mất mát quá nhiều.
Khác với những người trẻ háo hức lao tới phía trước như những trận thác lũ dữ dội thì người lớn tuổi trở nên đằm thắm và lững lờ như một dòng sông. Tuy không còn những khát khao nông nổi trong tương lai, nhưng họ lại mong muốn được trở về thời quá khứ. Ở đó có những kỷ niệm êm đềm và ngọt ngào mà họ nghĩ rằng trong giây phút hiện tại này họ hoàn toàn không thể có được. Thái độ bám víu vào những hình ảnh trong hư ảo để tìm chút an ủi đó sẽ làm cho họ không thể tiếp xúc sâu sắc với những giá trị mầu nhiệm đang có mặt như là hơi thở, bước chân, bé thơ, tiếng chim, chiếc lá… Họ luôn ở trong tình trạng tiếc nuối cho cái thời niên thiếu còn nhiều vụng dại, nên thay vì bù đắp ngay trong hiện tại thì họ lại níu kéo quá khứ, để cho hiện tại tiếp tục biến thành quá khứ vô nghĩa.
Có một chú tiểu đứng ngắm say sưa mặt trời lặn cuối chân mây như một quả bóng tròn đỏ, rồi bỗng chốc chú bật òa khóc lên. Một vị thiền sư đi ngang qua hỏi. Chú tiểu thiệt thà bày tỏ nguyện vọng không muốn mất quả bóng tròn đỏ kia. Vị thiền sư tươi cười vỗ về “Những gì thật sự không thể giữ được, đâu cầu phải miễn cưỡng”.
Câu nói giản dị của vị thiền sư có thể ai cũng biết, trừ chú tiểu kia còn quá ngây thơ. Nhưng phần lớn chúng ta đều không thể vượt thoát những ước muốn ngây thơ của mình. Điều tai hại là chúng ta không biết được cái gì trong tầm tay và cái gì ngoài tầm với, nên ta cứ cố gắng đuổi theo những cái bóng ảo xa vời mà nắm bắt một cách vô vọng, còn cái hình thật đang hiện bày trước mặt thì lại hững hờ bỏ quên.
Thực tập buông bỏ (letting go) sẽ đi ngược lại thói quen của bạn trước đây, cách thức tuy giản dị nhưng cần phải có ý thức rõ ràng và thái độ dứt khoát. Mới thử nghiệm thì bạn sẽ chưa đủ tự tin, nhưng một khi buông bỏ được rồi thì tự do và hạnh phúc có liền ngay lập tức. Khi buông bỏ bớt những ham muốn, đòi hỏi thì bạn sẽ đỡ vất vã vật lộn và tranh đấu. Bạn sẽ giảm lo lắng, căng thẳng hay mệt mỏi. Bạn sẽ ít bận rộn hay vội vàng. Bạn có đủ thảnh thơi và bình an để tiếp xúc sâu sắc với từng khoảng khắc của sự sống. Bạn sẽ sống với tư cách của một người biết sống. Cho nên càng buông bỏ thì càng hạnh phúc.
PHẦN BỐN: HẠNH PHÚC TỪ CHÁNH NIỆM
Muốn nắm được hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại, hay đang bị chìm lắng trong lãng quên, hay đang bị che đậy bởi bóng dáng của đau khổ, hay đang bị chôn vùi bởi những ảo ảnh trong tương lai thì bạn phải cần tới một nguồn năng lượng quan trọng để khơi dậy. Đó là chánh niệm (nhận biết- mindfulness). Chánh niệm là khả năng ghi nhận và biết được một cách rõ ràng những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta.
Đối tượng của chánh niệm ở chung quanh ta thì nhiều lắm, bạn chỉ có thể nhận biết rõ ràng đối tượng nào gần nhất hoặc đối tượng nào bạn muốn quan sát thôi. Thí dụ khi uống một ly sữa thì bạn phải nhận biết rõ là bạn đang uống sữa, còn những đối tượng xung quanh thì cũng biết được nhưng không được rõ ràng vì bạn không có ý ghi nhận. Khi bạn nhận biết trong giây phút này chỉ có ly sữa là đối tượng mầu nhiệm duy nhất đang có mặt với bạn thì bạn sẽ có thái độ trân quý và uống một cách rất ngon lành, hạnh phúc.
Thế nào bạn cũng sẽ thắc mắc chuyện uống ly sữa có gì quan trọng lắm đâu mà phải tập trung tâm ý nhiều đến như vậy, nhưng quả thật then chốt của sự sống nằm ở chỗ đó. Nếu bạn có khả năng uống ly sữa có hạnh phúc thì những sinh hoạt khác như tắm rửa, láy xe, nghe điện thoại…hay ngồi bên người thương cũng sẽ có hạnh phúc. Cho nên thực tập chánh niệm là đưa tâm ý quay về giây phút hiện tại để khám phá những giá trị mầu nhiệm của sự sống đang diễn ra chung quanh ta, thay vì trước đây ta không có ý niệm nuôi dưỡng sự nhận biết đó, để nó hết trôi dạt về quá khứ rồi dông ruỗi tới tương lai.
Đối tượng của chánh niệm còn là thân và tâm của ta nữa. Đây mới chính là đối tượng quan trọng của chánh niệm để đi tới hạnh phúc lớn, tại vì hạnh phúc chân thật nằm trong chính ta chứ không phải ở điều kiện bên ngoài. Thí dụ khi uống ly sữa mà bạn thưởng thức được hương vị thơm ngon của nó tức là bạn đã có hạnh phúc. Nhưng để hạnh phúc đó diễn ra trọn vẹn thì bạn phải hướng nhận thức đến vài đối tượng có liên quan trực tiếp đến việc uống sữa. Bạn phải nhận biết thân thể của mình lúc ấy ra sao, căng thẳng hay thoải mái? Bạn cũng phải nhận biết trong tâm của mình như thế nào, đang tự do hay bị kẹt vào ý niệm nào đó đã khiến bạn không thể uống sữa trong thảnh thơi hoàn toàn được.
Nếu bạn phát hiện trong tâm mình đang có sự lo lắng chẳng hạn, thì năng lượng chánh niệm sẽ nghiêng về phía tâm nhiều hơn để tìm hiểu tại sao có sự lo lắng đó. Dưới ánh sáng của chánh niệm, nguyên do của tâm lý bất an đó sẽ hiện bày. Giả sử đó là vài dự án chưa hoàn thành, thì chánh niệm sâu sắc sẽ giúp bạn quyết định đúng đắn: dự án kia tuy rất quan trọng đối với sự sống, nhưng trong giây phút này ta cần phải giành trọn thời gian để được uống sữa, tại vì uống sữa cũng là một phần của sự sống.
Bất kỳ sự vật, sự việc hay đối tượng nào mà bạn có sự nhận biết rõ ràng thì cũng được gọi là niệm. Nhưng chánh niệm chỉ sử dụng cho trường hợp nhận biết vào đối tượng có tính chất trị liệu và chuyển hóa khổ đau mà thôi. Niệm mà không nuôi dưỡng sự bình an và hạnh phúc thì đó chỉ là tà niệm.
Cố nhiên khả năng chánh niệm có nhiều cấp độ khác nhau. Nó không chỉ giúp bạn khơi nguồn hạnh phúc đã từng có mặt, mà còn đi xa hơn trong tiến trình giải phóng những lớp dày phiền não khổ đau đang chế ngự lên những hạnh phúc to tát, chân thật. Khả năng chánh niệm phát triển đến mức tột cùng sẽ thành ra thứ hiểu biết siêu việt (tuệ giác, insight) có thể giải phóng được phiền não khổ đau, và bấy giờ bạn sẽ là người có hạnh phúc và tự do không còn biên giới nữa. Quá trình đạt tới sự hiểu biết siêu việt đó chính là thiền, thiền hiểu biết (understanding meditation), mà nền tảng chính là chánh niệm.
MINH NIỆM
MINH NIỆM