Sau 40 năm kể từ năm 1975, người yêu nhạc Việt Nam đã phải chia tay với rất nhiều những ca khúc một thời làm say mê trái tim của họ. Trong đó, có những bài Không Tên và những bản nhạc nổi tiếng khác của nhạc sĩ Vũ Thành An.
Thế rồi Tháng Bảy vừa qua, sau một thời gian khá dài, người yêu nhạc của ông đã có thể ngồi lắng nghe trực tiếp những ca khúc mình yêu thích trong một không gian thật, khi Cục Nghệ Thuật Biểu diễn cấp phép cho phổ biến 10 bài Không Tên và một số tác phẩm khác của ông như: Em đến thăm anh đêm 30, Đêm say, Đời đá vàng...
VIẾT LÊN CUỘC ĐỜI MÌNH BẰNG NHỮNG BẢN NHẠC KHÔNG TÊN
Chắc chắn, người hạnh phúc nhất, chính là tác giả. Hãy nghe Vũ Thành An bày tỏ niềm vui của mình và kể lại kỷ niệm của những bài Không Tên trong cuộc trò chuyện cùng Cát Linh:
Tôi rất hân hạnh được biết rằng những bài hát của mình được các bạn trẻ bên đấy yêu mến, thì mình vui chứ. Mình vui vì những gì mình làm mấy chục năm mà bây giờ các bạn trẻ sau này còn yêu thích nó. Là một người sáng tác thì tôi rất vui và hân hạnh có thêm số bạn mới. Và biết đâu rằng những bài hát đó đã sống được 50 năm rồi thì tôi hy vọng rằng nó sẽ sống thêm ít lâu nữa trong lòng người mến mộ mình.” (Vũ Thành An)
Có ai đó đã ví von rằng, cuộc đời là những chuyến xe, đưa ta đi qua những miền đồng bằng êm ả, hay đồi núi, đèo cao gập ghềnh. Còn Vũ Thành An, thì ông viết lên cuộc đời mình bằng những bản nhạc Không Tên. Những bài hát này được ra đời vốn dĩ không theo trình tự thời gian như tên gọi:
“Khi tôi ra tập Những bài Không tên vào năm 1969, 1970 gì đó, vì đó là nhu cầu cần phải ra 1 lúc 10 bài nên tôi sắp xếp lại những bài hát cũ tôi đã có, những bài nổi, bài chưa nổi tôi sắp xếp lại thành tập nhạc Mười bài Không tên.”
Tuy là ‘không tên’ nhưng hầu như mỗi một bài hát đều “ghi tên” với 1 cuộc tình. Những cuộc tình mà giờ đây, sau bao nhiêu năm nhìn lại, ông nhìn nhận là nhờ những cuộc tình không trọn vẹn, nhờ cuộc sống gia đình không yên vui cho nên ông mới sáng tác được những Tình Ca cho đời thưởng thức.
Vũ Thành An tham gia các hoạt động văn nghệ và sáng tác từ năm 1960, khi còn là chàng học sinh lớp Đệ nhị trường Nguyễn Trãi. Bài Không tên số 2 và số 8 đã ra đời trong khoảng thời gian này.
“Lòng người như lá úa, trong cơn mưa chiều
Nhiều cơn gió cuốn, xoay xoay trong hồn
Và cơn đau này vẫn còn đấy
Chiều về không buông nắng, cho mây âm thầm
Một mình trong chiều vắng, nhớ đôi môi mềm
Ngày nào ân cần trao thân…”
(Bài không tên số 2)
Ông cho rằng mình là người không có duyên với thi cử, có lẽ giống như Tú Xương ngày xưa. Ngược lại, gia tài âm nhạc của ông thì cho thấy khả năng sáng tác trong con người ông là thiên phú.
Với tâm hồn lãng mạn và sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, những cuộc tình đến trong đời ông, cho dù là những rung động thoáng qua hoặc đó là tình yêu ngắn ngủi không thành nhưng đều thường để lại trong ông sự khắc khoải, theo thời gian dài mới nguôi ngoai.
“Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy…”
(Tình khúc thứ nhất)
MỘT CA KHÚC ĐỂ KỶ NIỆM CUỘC GẶP GỠ
Vào cuối năm đó, 1964, bài "Tình khúc thứ nhất", nhạc của Vũ Thành An, lời của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn được chính nhà thơ hát lần đầu tiên trên Đài Phát thanh Sài Gòn và được sự tán thưởng nồng nhiệt của thính giả bấy giờ.
Ca khúc được ông sáng tác theo lời yêu cầu của một người mà giờ đây ông xin được tạm gọi là người bạn thân. Người con gái này biết ông có khả năng sáng tác nên muốn ông viết một ca khúc để kỷ niệm cuộc gặp gỡ của hai người:
“Một buổi khi tôi đi chơi từ Vũng Tàu về, buổi chiều ngồi trên xe đò về tôi nhìn thấy nắng chiều rất đẹp. Tự nhiên melody của Tình khúc thứ nhất nổi lên trong đầu. Tôi về đã viết melody đó xuống và lời đầu tiên là ‘Bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở’. Hồi đó tôi làm việc tại đài phát thanh, có quen nhà thơ Nguyễn Đình Toàn, tôi có khoe melody đó với anh Toàn. Đương nhiên những lời ngu ngơ của tôi thì không hay. Anh có nói là để anh phổ thơ vào.”
Tình khúc thứ nhất là bài hát được ra đời trong lúc trái tim của chàng nhạc sĩ Vũ Thành An đang say nồng với cuộc tình vui và êm đềm như áng mây trôi. Thế rồi bỗng dưng “thần tiên gãy cánh đêm xuân. Bước lạc sa xuống trần. Thành tình nhân đứng giữa trời không. Khóc mộng thiên đường”.
“Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói
Nói ra nhiều cũng vậy thôi
Ôi đớn đau đã nhiều rồi
Một lời thêm càng buồn thêm
Còn hứa gì?...”
(bài Không tên cuối cùng)
“Bài Không tên cuối cùng” không có nghĩa là bài hát được sáng tác cuối cùng trong tập nhạc. Mà đó là nốt lặng cuối cùng trong khung nhạc ông dành cho cuộc tình của mình, cho một kỷ niệm khôn nguôi đến nhiều năm sau. Cho đến năm 1991, khi đến trại tỵ nạn Batawan ở Phi Luật Tân, niềm đau nguôi ngoai, ông viết lời nhạc thứ hai dành riêng cho người một thưở:
“Năm 1965 mình đặt câu hỏi cho sự chọn lựa của người bạn của mình, ‘Con đường em đi đó, đúng hay sao em?’. Có thể là đúng mà cũng có thể là không đúng. Đến 25 năm sau khi mà tôi viết lại, viết thêm 1 lời nữa, tức là 1991 thì tôi viết lại là ‘Con đường em đi đó, đúng đấy em ơi.’ Quả thật là như vậy, bởi vì cô đã chọn lựa đúng. Trong suốt hai mươi mấy năm, trong khi tôi phải ở tù 10 năm thì cô sống tự do trong thế giới tự do. Nhìn về khía cạnh đó thì cô ấy đã đúng. Nếu cô ấy chọn lựa mình thì đương nhiên cô ấy sẽ ở trong sự đau khổ. Lúc đó cô ấy chọn con đường đó là rất đúng vì con đường đó đã đưa cô đi đến tương lai hạnh phúc và bình yên.” -Vũ Thành An-
NGƯỜI TA ĐẾN VỚI NHẠC CỦA VŨ THÀNH AN KHÔNG CHỈ VÌ NHỮNG CA TỪ DA DIẾT CHUYÊN CHỞ TÌNH YÊU NỒNG NÀN NHƯNG KHÔNG CÓ KẾT THÚC VIÊN MÃN, MÀ CÒN VÌ NHỮNG CÂU HÁT MANG HÌNH ẢNH TRIẾT LÝ TRONG CUỘC SỐNG NHƯ “TRIỆU NGƯỜI QUEN CÓ MẤY NGƯỜI THÂN. KHI LÌA TRẦN CÓ MẤY NGƯỜI ĐƯA” Hay đó là sự thấu hiểu cái mất và cái có được trong cuộc đời:
“…Có một lần mất mát mới thương người đơn độc
Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu
Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về
Có một đời khóc than mới hiểu đời đá vàng...”
(Đời đá vàng)
Năm 31 tuổi, ông loay hoay trong lần mò và leo mãi vẫn không qua được vách sầu. Cho đến 19 năm sau, khi đặt chân đến xứ người, thì ông mới nhận ra rằng để thấu hiểu được Đời đá vàng phải cần đến cả một đời khóc than. Ca khúc Đời đá vàng, còn được ông gọi là Bài Không tên số 40.
Vẫn còn nhiều lắm những câu chuyện chưa được kể phía sau mười bài Không tên ấy. Nhưng mỗi một người khi nghe tình khúc của ông, sẽ có riêng một câu chuyện cho mình, một câu chuyện không tên trong muôn vàn câu chuyện trong đời.