"TÌNH LỠ" là một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Bình, được viết bằng chính nỗi thương đau của tác giả khi nghe tin người mình yêu đi lấy chồng.
"Thôi rồi còn chi đâu em ơi
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi
Yêu rồi tình yêu sao chua cay
Men nào bằng men thương đau đây
Hỡi người bỏ ta trong mưa bay"
Khi người bước lên xe hoa thì cuộc tình cũng vỡ tan theo, không còn gì nữa ngoài dư âm của ngày xưa. Niềm hy vọng mong manh, dẫu là đang hai phương trời cách biệt, rằng sẽ nên duyên đôi lứa mai sau đã thành mây khói.
“Yêu rồi tình yêu sao chua cay.
Men nào bằng men thương đau đây”
– Một người vui duyên mới, bỏ một người ở lại với nỗi buồn đau, bỏ người một mình trong mưa bay, mưa bay ngoài trời hay mưa bay trong lòng buốt giá tim côi? Khi mất người là như mất hết tất cả, có chăng còn lại là hương xưa quyến luyến bên thềm xanh rêu thời gian phong kín.
"Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vàng mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi! Thu thiết tha
Ơi người vì ta qua phong ba
Có còn gì sâu trong tâm tư
Mắt lệ mờ hoen dư âm xưa"
Đường xa cách biệt càng vời vợi xa, bỏ lại sau lưng là khung trời dấu yêu, kỷ niệm xưa xếp lại trên từng xác lá chất chồng thành Thu trìu mến, Thu thiết tha đầy ắp luyến thương mùa yêu đã thành dư âm xưa trong mắt lệ hoen mờ.
Trong sâu thẳm của tâm tư có còn gì ở lại, cùng theo ta đi đến phương trời nào còn vọng âm lời yêu, nghe xao xác nghìn tiếng lá xanh bóng thời gian thì thầm nhắc bao kỷ niệm…
"Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau
Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau
Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi"
Khi tiễn đưa nhau, có vầng trăng vỡ vẫn thầm theo nhau, âm thầm vỡ trong nỗi nhớ, trong niềm hy vọng mong manh có một nhịp cầu cổ tích bắc ngang qua giòng sông ly biệt. Khi em đi lấy chồng, vầng trăng vỡ đã chìm xuống giòng xa cách thiên thu.
“Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi”
– Chỉ còn đắng cay bẽ bàng duyên số, chỉ còn nỗi sầu không nguôi chất ngất thương đau.
"Con đường mình đi sao chông gai
Bước vào đời nhau qua bao nay
Em ơi, em ơi! Sao đắng cay
Thôi đành vùi sâu tâm tư thôi
Hết rồi còn chi đâu em ơi
Hết rồi còn chi đâu em ơi…"
Mình đã bước vào đời nhau bằng nồng thắm tin yêu, cùng dệt mộng đẹp uyên ương chung trời hạnh phúc, sao con đường mình đi sao đầy chông gai trắc trở, đầy phong ba bão táp?
“Em ơi, em ơi! Sao đắng cay”
- là cung sầu thảng thốt vút cao lên trời xanh mây trắng, là tiếng kêu thương từ cõi lòng nát tan của một người còn lại một mình mồ côi trên đường tình, nghe nức nở “vàng mùa thu sau lưng ta”
Hết rồi không còn gì, những mùa Thu thiết tha xưa đã úa vàng xác lá kỷ niệm, và chuyện tình từ nay đành vùi sâu vào sâu thẳm tâm tư.
Khi sáng tác bài này, nhạc sĩ Thanh Bình đã thảng thốt kêu lên đầy bi thiết: Con đường mình đi sao chông gai, hàm ý nói về con đường tình đầy trắc trở, và ông không bao giờ nghĩ rằng chính câu hát này đã vận cả vào đường đời của ông, một con đường buồn nhiều chông gai cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay.
Trước khi thành nhạc sĩ, Thanh Bình cũng là nhà văn nên ca từ trong ca khúc Tình Lỡ của ông đẫm chất văn chương, như “Men nào bằng men thương đau đây. Hỡi người bỏ ta trong mưa bay”, và “Phương trời mình đi xa thêm xa. Nghe vàng mùa thu sau lưng ta”…
Nhạc phẩm Tình Lỡ được viết nên bằng từng mảnh của trái tim tan vỡ, bằng nỗi đau xé nát tim can, đã trở thành một nhạc phẩm bất hủ để lại cho đời, đi vào lòng người yêu nhạc bằng những lời thất tình da diết, dệt thành cung sầu thương dĩ vãng từ khi “Một vầng trăng vỡ đã thôi theo nhau”.
Năm 1954 nhạc sĩ Thanh Bình di cư vào Nam. Ông nói về hoàn cảnh ra đời của bài hát nổi tiếng nhất của mình như sau: “Ca khúc Tình Lỡ tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 22 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào Nam, đứng trên boong tàu tôi nhìn thấy nàng hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để kịp chia tay với tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói với nhau được câu nào”.
Đầu năm 1956 nhạc sĩ Thanh Bình nghe tin cô Hằng đã được bố mẹ gả vào một gia đình môn đăng hộ đối, ông nghẹn ngào sáng tác nên bài Tình Lỡ với những ca từ chất ngất sầu thương.
(Trương Đình Tuấn)