- Những người đã viết về ông không ai có thể cho biết rõ ca khúc nào trong hai ca khúc trên được Phạm Trọng Cầu viết trước hay sau. Dù có nghe cũng không đoán ra được.
Có điều chắc chắn Mùa Thu Không Trở Lại đã dược Phạm Trọng Cầu sáng tác tại Pháp.
Những sinh viên Việt Nam cùng thời với Ông nói rằng họ đều biết hoặc thuộc Mùa Thu Không Trở Lại.
_(MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI (PHẠM TRỌNG CẦU) THÁI THANH PRE 75 https://www.youtube.com/watch?v=gVs5F9aNH3M)_
- Ca khúc này của Phạm Trọng Cầu, cùng với thơ Nguyên Sa, thơ Cung Trầm Tưởng, đã làm cho những ngọn đèn của ga Lyon, sương mù sông Seine, công viên Luxembourg trở thành gần gụi hơn đối với các thính giả Việt Nam, nhất là các thính giả trẻ, vào cái thời còn ít người được đi xa:
"Ngày em đi
Nghe chơi vơi não nề
Qua vườn Luxembourg
Sương rơi che phố mờ
Buồn này ai có mua
Từ chia ly
Nghe rơi bao lá vàng
Ngập dòng nước sông Seine
Mưa rơi trên phím đàn
Chừng nào cho tôi quên
Hôm… em ra đi mùa thu
Mùa thu không trở lại"
Sự gần gụi, cái chất thơ mộng, lãng mạn, người ta cảm nhận được khi đọc thơ, nghe nhạc, sự thật cũng chỉ có trong tưởng tượng.
Bài hát mọi người thực sự chia sẻ xúc động với Phạm Trọng Cầu là bài Trường Làng Tôi.
Trong văn, thơ của chúng ta, nhạc của chúng ta, hình ảnh của ngôi trường cũ, được nhắc tới rất nhiều. Những kỷ niệm “hoang mang” vào ngày khai trường của Nhà thơ Thanh Tịnh kể lại, rất nhiều người còn nhớ.
- “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường” (Nguyên Sa).
“Tôi yêu thầy tôi lắm, nhớ tiếng nói vang vang” (Phạm Duy)
Hình như tình cảm sâu đậm nhất người ta thường dành cho các trường ốc trong đời mình là ngôi trường tiểu học.
Có phải vì đó là mối tình sớm hơn mối tình đầu?
Thắm thiết vậy nhưng đó vẫn chỉ là những “mảnh tình” người ta dành cho ngôi trường cũ.
Trong nhạc của chúng ta chỉ có hai (?) ca khúc các tác giả đã dành trọn tác phẩm để nói về ngôi trường thời thơ ấu của mình.
- Bài thứ nhất đã có từ lâu lắm, có tên là “Trường Xưa” thì phải, tác giả là ai, kẻ viết bài này, cho đến nay cũng chưa biết, nhưng còn nhớ được lời ca như sau:
"Bao tháng ngày xa vắng trôi
Còn đây nếp trường xưa
Xa vắng càng thiết tha mong
bên mấy khung song thưa
Say ngắm từng gian lớp xinh
Lòng xao xuyến tình thơ
Bao tình thơ ngây những lúc vui chơi
Cùng ngồi quanh bóng mát cùng reo cười
Cây xoài xưa kia lá tốt xanh tươi
Chạnh lòng ai nhớ tiếc khó nguôi
Trông khắp trường thấy khác xưa
Từ hiên trước tường sau
Nhưng bóng hình sáng tươi xưa trong trí đây in sâu
Ngao ngán thời vui sướng qua ngày nay biết tìm đâu"
- Bài thứ hai là Trường Làng Tôi của Phạm Trọng Cầu. Sau này, các ca khúc của Phạm Trọng Cầu có nhiều cái xa, cái lạ, cái hay khác. Nhưng Trường Làng Tôi của ông với giai điệu hồn nhiên, ca từ mộc mạc, đằm thắm, dường như phản ánh nguyên vẹn bầu trời ấu thơ trong sáng, đầy kỷ niệm, mỗi người đều cùng như ông, nuôi giữ trong lòng.
Khi cái kho tàng ấy bị chiến tranh tàn phá, xóa bỏ, người ta mang chung một vết thương, một nỗi đau.
Ðó có thể là lý do giải thích vì sao rất nhiều người yêu ca khúc Trường Làng Tôi của Phạm Trọng Cầu
_(TRƯỜNG LÀNG TÔI - LM JB NGUYỄN SANG - HỌA MI - NGUYỄN THANH https://www.youtube.com/watch?v=lai6dUFGE5M)_
"Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh
Muôn chim hót vang lên êm đềm
Lên trường làng tôi con đê bé xinh xinh
Len qua đám cây xanh nhẹ lướt
Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ
Che trên miếng sân vuông mơ màng
Trường làng tôi không giây phút tôi quên
Nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh
Nơi sống bao mái đầu xanh màu
Ðời tươi như báo lá xanh, lá xanh
Theo tháng ngày chiến cuộc lan tràn
Qua xóm thôn nát ngôi trường xưa
Không bóng hình bao trẻ nô đùa
Cùng nhau vang hát khúc ca vô tư
Mơ đến ngày nước non thanh bình
Trong thôn xóm ấm ngôi trường xưa
Trường làng tôi nay (xưa) vang tiếng ê a
Nay (xưa) in bòng bao em nô đùa
Trường làng tôi không giây phút tôi quên
Dù cách xa muôn trùng trường ơi!"
(Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn)