Có giọng hát đơm hoa kết trái trong lòng ta những thứ xúc cảm đẹp. Cũng có giọng hát làm ta đau và kiếm tìm. Có giọng hát làm sống dậy dòng sông đã từng mê mải một thời say đắm. Lại có giọng hát gợi lại một hồi ức đã qua, tưởng chừng quên lãng. Chẳng hiểu vì lí do gì mà khi nghe Trịnh Vĩnh Trinh hát, tôi thấy nhớ một con nắng đầu mùa đến vậy.
Trịnh Vĩnh Trinh là em gái út của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Đương thời lúc còn sống, đây là cô em gái mà Trịnh Công Sơn chiều chuộng hơn cả và thường đưa đi theo những chuyến du ca khắp mọi miền đất nước của mình. Không biết có phải vì thế mà mạch nguồn khơi sâu của nhạc Trịnh chảy âm ỉ trong chất giọng người đàn bà hát này từ những tình khúc cho tới những nhạc phẩm Da vàng?
Ngay cả Trịnh Công Sơn cũng nhận xét Trịnh Vĩnh Trinh là “một người thích hát và hát hay những bài hát của anh mình. Lưỡng lự giữa đời ca hát và đời thường. Tuy nhiên, cái nghiệp ca hát lại trói buộc ở chặng đời mà mọi ràng buộc khác không còn ý nghĩa nữa. Thế cũng là một điều may mắn cho đời, và cho tôi”.
Tuy nhiên, chưa bao giờ người phụ nữ này tự nhận mình là một ca sỹ chuyên nghiệp mặc dù cho tới nay, chị đã cho ra rất nhiều album chất lượng như Hoa vàng mấy độ, Cho đời chút ơn, Em đến từ nghìn xưa, Người về bỗng nhớ… Khi có nhiều ý kiến xoay quanh việc vì sao chị không xuất hiện trong những show diễn lớn, chẳng hạn như show diễn kỉ niệm 50 năm ca hát của ca sĩ Khánh Ly thì Trịnh Vĩnh Trinh cũng chỉ trả lời một cách khiêm tốn rằng mình là một ca sỹ nghiệp dư, rất thích nhạc anh mình, nhưng chỉ thích thu âm và ghi hình cho CD và DVD như chị đã thực hiện. Ngoại trừ các buổi biểu diễn tưởng niệm Trịnh Công Sơn do chính gia đình tổ chức, chị không muốn tham gia bất cứ chương trình nào khác.
Câu trả lời khá dung dị, từ tốn, có nét gì đó rất Huế dù đây là một người có nhan sắc, nếu không muốn nói là mặn mà – nhan sắc trong đời sống và nhan sắc cả trong giọng hát. Cũng giống như những đóa quỳnh hương vậy, thơm tho nở âm thầm, miệt mài trong đêm.
Lâu nay, nhắc tới nhạc Trịnh Công Sơn, người ta vẫn nhắc nhiều và nhớ nhiều nhất vẫn là “nữ hoàng chân đất” Khánh Ly một thời với chất giọng ma mị, liêu trai. Hiện tại có một cô gái cũng hát nhạc Trịnh và được nhiều người yêu mến, đó là ca sỹ Giang Trang với tinh thần làm mới nhạc Trịnh qua “khía cạnh thiền và màu sắc bảng lảng hư không man mác, đôi khi bâng quơ như những lời tâm sự hằng ngày” (theo lời Trương Quý). Song chưa thấy ai nói về Trịnh Vĩnh Trinh. Điều đó chẳng khác gì ta đã bỏ lỡ dịp ngắm một bông hoa đẹp trong âm nhạc.
Hot blogger Cô gái Đồ Long có kể lại trên facebook của mình một câu chuyện đại ý là hồi Trịnh Công Sơn viết bài Níu tay nghìn trùng, Trịnh Vĩnh Trinh ghi âm bằng băng cassette đầu tiên, cô này thích lắm nên khi qua Đức thăm nhỏ em định bụng mua cái băng kia làm quà tặng và chắc mẩm người được tặng cũng thích. Câu chuyện chẳng có gì đáng nói nếu không có việc nhỏ em kia nghe xong liền nhào tới tắt máy, rút băng trả lại và bảo ở bên đó người ta không xem Trinh là ca sỹ.
Chẳng biết bao nhiêu ý kiến đồng tình với suy nghĩ trên nhưng có lẽ với Trịnh Vĩnh Trinh, việc ai đó có xem chị là ca sỹ hay không chắc cũng chẳng quan trọng. Vì với danh xưng nào đi chăng nữa, chị cũng là người thích hát và “hát hay” những ca khúc của anh mình như Trịnh vẫn nói.
Trong âm nhạc, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, tuy nhiên với nhạc Trịnh, không phải bài nào Khánh Ly hát cũng hay. Có những bài như Tôi ơi, đừng tuyệt vọng, Đường xa vạn dặm, Con mắt còn lại, Lặng lẽ nơi này,… ta phải nghe chính Trịnh hát mới thấy được cái run run, yếu ớt, mong manh và xa vắng. Lại có những bài như Môi hồng đào, Cho đời chút ơn, Hôm nay tôi nghe, Tình khúc Ơ bai, Em đến từ nghìn xưa, Hai mươi mùa nắng lạ… hình như chỉ có Trịnh Vĩnh Trinh mới diễn tả được nét xôn xao, tinh khôi như nắng sớm như thế. Đó là một thứ nắng đầu đời, đầy bao dung, nồng nàn, thiết tha và chờ đợi mà qua ca khúc của mình, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn gửi gắm đến tất cả chúng ta; để rồi về sau này có đi qua bao nhiêu giông gió của cuộc đời, người cũng chỉ nhắc khẽ “đừng phai nhé một tấm lòng son”.
Trịnh Vĩnh Trinh sở hữu một chất giọng đẹp. Không quá đặc biệt nhưng đủ thiết tha. Không quá ma mị mà lại gợi nhiều hồi ức đẹp dù đoạn đời đó vui hay buồn. Đó là một giọng hát tĩnh nhưng đầy sâu khơi, dễ đắm chìm ta nếu nghe trong nhiều ngày, nhiều tháng. Riêng những điều này thôi, Trịnh Vĩnh Trinh đã là một người hát thành công rồi.
Và chẳng biết liệu trong gia tài hàng trăm bài hát của mình, khi đặt bút viết, nhạc sỹ họ Trịnh kia đã có một khu biệt vô tình nào dành cho người hát nó không? Nhưng rõ ràng, đã có một số bài hát, dường như sinh ra là để tặng cho Trinh, cho cô em gái nhỏ mà người vốn thương yêu nhất mực này. Có phải vì thế mà Trịnh cũng từng nói rằng “Khánh, Vĩnh, Hồng hay Ly, Trinh, Nhung là đều phải có, gần như tất yếu, trong cuộc đời sáng tác của một người”.
Để rồi, sau bao nhiêu biến cố của cuộc đời cũng như những thăng trầm trong hôn nhân, nghiệp ca hát lại trói buộc người đàn bà đa đoan này ở chặng đời mà mọi ràng buộc khác không còn ý nghĩa nữa. Và cho đến giờ, Trinh vẫn hát âm thầm như thế, hát để nhớ người anh lãng du của mình, hát để nhớ chính mình và cũng là hát cho cuộc đời son sắt này.
Trịnh Vĩnh Trinh là em gái út của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Đương thời lúc còn sống, đây là cô em gái mà Trịnh Công Sơn chiều chuộng hơn cả và thường đưa đi theo những chuyến du ca khắp mọi miền đất nước của mình. Không biết có phải vì thế mà mạch nguồn khơi sâu của nhạc Trịnh chảy âm ỉ trong chất giọng người đàn bà hát này từ những tình khúc cho tới những nhạc phẩm Da vàng?
Ngay cả Trịnh Công Sơn cũng nhận xét Trịnh Vĩnh Trinh là “một người thích hát và hát hay những bài hát của anh mình. Lưỡng lự giữa đời ca hát và đời thường. Tuy nhiên, cái nghiệp ca hát lại trói buộc ở chặng đời mà mọi ràng buộc khác không còn ý nghĩa nữa. Thế cũng là một điều may mắn cho đời, và cho tôi”.
Tuy nhiên, chưa bao giờ người phụ nữ này tự nhận mình là một ca sỹ chuyên nghiệp mặc dù cho tới nay, chị đã cho ra rất nhiều album chất lượng như Hoa vàng mấy độ, Cho đời chút ơn, Em đến từ nghìn xưa, Người về bỗng nhớ… Khi có nhiều ý kiến xoay quanh việc vì sao chị không xuất hiện trong những show diễn lớn, chẳng hạn như show diễn kỉ niệm 50 năm ca hát của ca sĩ Khánh Ly thì Trịnh Vĩnh Trinh cũng chỉ trả lời một cách khiêm tốn rằng mình là một ca sỹ nghiệp dư, rất thích nhạc anh mình, nhưng chỉ thích thu âm và ghi hình cho CD và DVD như chị đã thực hiện. Ngoại trừ các buổi biểu diễn tưởng niệm Trịnh Công Sơn do chính gia đình tổ chức, chị không muốn tham gia bất cứ chương trình nào khác.
Câu trả lời khá dung dị, từ tốn, có nét gì đó rất Huế dù đây là một người có nhan sắc, nếu không muốn nói là mặn mà – nhan sắc trong đời sống và nhan sắc cả trong giọng hát. Cũng giống như những đóa quỳnh hương vậy, thơm tho nở âm thầm, miệt mài trong đêm.
Lâu nay, nhắc tới nhạc Trịnh Công Sơn, người ta vẫn nhắc nhiều và nhớ nhiều nhất vẫn là “nữ hoàng chân đất” Khánh Ly một thời với chất giọng ma mị, liêu trai. Hiện tại có một cô gái cũng hát nhạc Trịnh và được nhiều người yêu mến, đó là ca sỹ Giang Trang với tinh thần làm mới nhạc Trịnh qua “khía cạnh thiền và màu sắc bảng lảng hư không man mác, đôi khi bâng quơ như những lời tâm sự hằng ngày” (theo lời Trương Quý). Song chưa thấy ai nói về Trịnh Vĩnh Trinh. Điều đó chẳng khác gì ta đã bỏ lỡ dịp ngắm một bông hoa đẹp trong âm nhạc.
Hot blogger Cô gái Đồ Long có kể lại trên facebook của mình một câu chuyện đại ý là hồi Trịnh Công Sơn viết bài Níu tay nghìn trùng, Trịnh Vĩnh Trinh ghi âm bằng băng cassette đầu tiên, cô này thích lắm nên khi qua Đức thăm nhỏ em định bụng mua cái băng kia làm quà tặng và chắc mẩm người được tặng cũng thích. Câu chuyện chẳng có gì đáng nói nếu không có việc nhỏ em kia nghe xong liền nhào tới tắt máy, rút băng trả lại và bảo ở bên đó người ta không xem Trinh là ca sỹ.
Chẳng biết bao nhiêu ý kiến đồng tình với suy nghĩ trên nhưng có lẽ với Trịnh Vĩnh Trinh, việc ai đó có xem chị là ca sỹ hay không chắc cũng chẳng quan trọng. Vì với danh xưng nào đi chăng nữa, chị cũng là người thích hát và “hát hay” những ca khúc của anh mình như Trịnh vẫn nói.
Trong âm nhạc, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, tuy nhiên với nhạc Trịnh, không phải bài nào Khánh Ly hát cũng hay. Có những bài như Tôi ơi, đừng tuyệt vọng, Đường xa vạn dặm, Con mắt còn lại, Lặng lẽ nơi này,… ta phải nghe chính Trịnh hát mới thấy được cái run run, yếu ớt, mong manh và xa vắng. Lại có những bài như Môi hồng đào, Cho đời chút ơn, Hôm nay tôi nghe, Tình khúc Ơ bai, Em đến từ nghìn xưa, Hai mươi mùa nắng lạ… hình như chỉ có Trịnh Vĩnh Trinh mới diễn tả được nét xôn xao, tinh khôi như nắng sớm như thế. Đó là một thứ nắng đầu đời, đầy bao dung, nồng nàn, thiết tha và chờ đợi mà qua ca khúc của mình, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn gửi gắm đến tất cả chúng ta; để rồi về sau này có đi qua bao nhiêu giông gió của cuộc đời, người cũng chỉ nhắc khẽ “đừng phai nhé một tấm lòng son”.
Trịnh Vĩnh Trinh sở hữu một chất giọng đẹp. Không quá đặc biệt nhưng đủ thiết tha. Không quá ma mị mà lại gợi nhiều hồi ức đẹp dù đoạn đời đó vui hay buồn. Đó là một giọng hát tĩnh nhưng đầy sâu khơi, dễ đắm chìm ta nếu nghe trong nhiều ngày, nhiều tháng. Riêng những điều này thôi, Trịnh Vĩnh Trinh đã là một người hát thành công rồi.
Và chẳng biết liệu trong gia tài hàng trăm bài hát của mình, khi đặt bút viết, nhạc sỹ họ Trịnh kia đã có một khu biệt vô tình nào dành cho người hát nó không? Nhưng rõ ràng, đã có một số bài hát, dường như sinh ra là để tặng cho Trinh, cho cô em gái nhỏ mà người vốn thương yêu nhất mực này. Có phải vì thế mà Trịnh cũng từng nói rằng “Khánh, Vĩnh, Hồng hay Ly, Trinh, Nhung là đều phải có, gần như tất yếu, trong cuộc đời sáng tác của một người”.
Để rồi, sau bao nhiêu biến cố của cuộc đời cũng như những thăng trầm trong hôn nhân, nghiệp ca hát lại trói buộc người đàn bà đa đoan này ở chặng đời mà mọi ràng buộc khác không còn ý nghĩa nữa. Và cho đến giờ, Trinh vẫn hát âm thầm như thế, hát để nhớ người anh lãng du của mình, hát để nhớ chính mình và cũng là hát cho cuộc đời son sắt này.