Xin chia sẻ với bà con cô bác. Mời thưởng thức nhạc Việt hát bằng tiếng Nhật bởi ca sĩ Nhật. Một ca khúc lan tòa được đến nước Mỹ, Nhật thế mà người Việt mãi tận đến hôm nay mới biết và cũng chưa biết hiện tại tác giả Lê Trọng Nguyễn sống chết ra sao.
Một điều đáng tiếc cho giòng nhạc Việt trước 75 hầu như những bản nhạc bất hủ người ta chỉ biết tên của ca sĩ chứ không ai quan tâm đến tác giả, mãi cho dến khi ra hải ngoại nhờ các trung tâm ca nhạc giới thiệu tên và hình ảnh tác giả của bản nhạc trình bày thì mọi người mới biết. (ĐHC)
Ca sĩ Satsuki Midori (五月みどり) Sinh năm 1939 , năm nay đã 76 tuổi nhưng hiện tại vẫn còn đứng trên sân khấu. Thuộc về nhóm ca sĩ chuyên hát về thể loại Enca (= nhạc dân tộc NB), làn hơi không được tốt lắm nhưng khá nổi tiếng vì Bà còn lấn sân qua nhiều lĩnh vực khác như : đóng Film, kịch, viết sách, và còn là nhà thiết kế Kimono … Cuộc sống rất năng động, cho nên Bà còn rất đẹp và rất trẻ so với số tuổi.
Xin mời nghe ca sĩ Satsuki Midori hát bài Nắng chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn bằng tiếng Nhật .
Nghe ca khúc “Nắng Chiều” của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn :
CÂU CHUYỆN “NẮNG CHIỀU” SÀI GÒN
Giữa thập niên 1960, trong chương trình nhạc FM, thỉnh thoảng, người nghe lại bắt gặp một nhạc phẩm rất quen thuộc, bài Nắng Chiều của Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, được hòa tấu bởi dàn nhạc Symphony of the New York City. Có thể nói, đấy là một trong vài nhạc phẩm Việt Nam đầu tiên, cất cánh, bay lên và ra khỏi không gian hạn hẹp của đất nước. Nhạc phẩm hòa tấu này, thỉnh thoảng, vẫn còn được nghe. Tuy nhiên, ít biết được lai lịch hay định mệnh khốc liệt về nhạc phẩm Nắng Chiều.
Sinh thời, nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương, một người bạn rất thân với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn kể rằng, nhạc phẩm Nắng Chiều là ca khúc đầu tay của Lê Trọng Nguyễn. Giữa thập niên 1950, khi Lê Trọng Nguyễn gặp một thiếu nữ Nhật Bản, làm việc cho tòa lãnh sự Nhật Bản ở Saigòn, hai người yêu nhau, Lê Trọng Nguyễn mới viết ca khúc Nắng Chiều. Ghi lại kỷ niệm cuộc tình của hai người.
Cuối thập niên 50s, hết nhiệm kỳ, người con gái xứ Mặt Trời Mọc này, mang nhạc phẩm Nắng Chiều về nước, chuyển sang lời Nhật, cho trình bày trên đài phát thanh Nhật Bản… chỉ một sớm một chiều nhạc phẩm Nắng Chiều đã nổi tiếng khắp xứ Phù Tang. Đấy là lần đầu tiên dân Nhật biết tới nền tân nhạc Việt.
Đầu thập niên 60, Shoshi Koe vận động với Bộ Ngoại Giao Nhật, xin trở lại làm việc tại Saigòn.
Năm 1961, Shoshi được toại nguyện. Cuộc tình giữa một nhạc sĩ Việt Nam và một cô gái Nhật được nối tiếp. Ở thời điểm 1963, Lê Trọng Nguyễn sáng tác thêm hai ca khúc. Đó là các bài Sao Đêm và Chiều Bên Giáo Đường. Cả hai ca khúc vừa kể của ông, đều được những người làm nhạc và yêu nhạc ở Saigòn, đón nhận như những hạt ngọc quý của tân nhạc Việt Nam thời gian ấy, vì tính nghệ thuật cao của chúng.
Vẫn theo dư luận thì cuộc tình của dị biệt chủng tộc kia chỉ kéo dài thêm được 3 năm, thình lình bị đứt đoạn. Cuối năm 1963, Shoshi bị gia đình gọi về nước.
Trước khi chia tay người yêu, Shoshi nói, cô sẽ vận động để trở lại Việt Nam hoặc đưa Lê Trọng Nguyễn qua Nhật Bản, để chính thức thành hôn. Nếu không làm được điều ấy, cô sẽ chấm dứt đời sống của mình. Một năm sau, năm 1964, các báo ở Tokyo, đồng loạt đăng tải về cái chết của Shoshi, đồng thời chuyện tình giữa cô và một nhạc sĩ Việt Nam được nhắc tới…
(theo Du Tử Lê)