Nhạc sĩ Sebastián de Iradier y Salaverri (Salaberri) (1809 – 1865), còn được biết tới tên khác là Sebastián Yradier, là một nhà soạn nhạc nổi tiếng người Tây Ban Nha, đúng hơn là thuộc dân tộc Basque ở Tây Ban Nha. Ông là người sáng tác ra bài hát “La Paloma” lừng danh, được biết đến ở Việt Nam dưới tên “Cánh Buồm Xa Xưa” qua nhạc sĩ Phạm Duy.
Ông nổi tiếng với những bài hát thuộc dòng nhạc Habaneras, đặc biệt là kiệt tác “La Paloma” được viết vào năm 1860 sau một chuyến du lịch đến Cuba của ông. Bài hát “La Paloma” sau đó trở nên cực kỳ thịnh hành ở cả Tây Ban Nha lẫn Châu Mỹ (nhất là Mexico, nơi nó trở thành nhân tố chính góp phần cho sự thành công vang dội của dòng nhạc Hanabera tại đó.
Một bộ sưu tập gồm 25 bài hát thịnh hành nhất của Sebastián Iradier được phát hành tại Pháp cùng với lời Pháp, ví dụ như “Fleurs d’Espagne”.
Một tác phẩm khác của Iradier có thể kể đến là “El Arreglito”, một nhạc phẩm dòng Habanera được Georges Bizet sử dụng làm nguồn cảm hứng cho vở nhạc kịch “Carmen”. Bản thân Bizet, tưởng rằng bài hát đó là một bài dân ca, được các giai điệu của “El Arreglito” truyền cảm hứng và lại sáng tác ra một bản nhạc mang tên “Habanera” dùng trong vở nhạc kịch “Carmen”: giai điệu “L’amour est un oiseau rebelle” là một giai điệu khác lấy từ “El Arreglito”. Về sau ông biết được “El Arreglito” không phải là một bản dân ca và ông đã ghi chú lại nguồn gốc xác thực.
Nhà soạn nhạc Sebastián Iradier lặng lẽ qua đời vào ngày 6 tháng 12 năm 1865, hưởng dương 56 tuổi. Ông đã không sống đủ lâu để thấy kiệt tác “La Paloma” của mình trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất thế giới.
“Cánh Buồm Xa Xưa” (hay “Cánh Buồm Xưa”) là tên tiếng Việt (do NS Phạm Duy đặt tên) của tác phẩm “La Paloma” (tạm dịch: “Chim Bồ Câu”) – một bài hát nổi tiếng của Tây Ban Nha và của cả thế giới. Bài hát đã được phổ biến trên nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa, nhiều dòng nhạc khác nhau trên toàn thế giới và đã được ghi âm hơn 140 năm trở lại đây. Theo truyền thuyết Tây Ban Nha, Iradier đã sáng tác nhạc phẩm này vào khoảng năm 1863, chỉ hai năm trước khi ông từ trần và không kịp nhìn thấy đứa con tinh thần của mình trở thành một trong những bài hát kinh điển của nhiều dân tộc.
Tại Việt Nam, người đặt lời Việt cho ca khúc “La Paloma” dưới tựa đề “Cánh Buồm Xa Xưa” là nhạc sĩ Phạm Duy.
Chủ đề của bài “Cánh Buồm Xa Xưa” bắt nguồn từ cuộc xâm lược xứ Hy Lạp của vua Darius I nước Ba Tư vào năm 492 trước Công Nguyên, thời điểm mà chim bồ câu chưa được biết đến ở Châu Âu.
Lúc đó, hạm đội Ba Tư do đại tướng Mardonius chỉ huy đã gặp phải một trận bão ngoài khơi đỉnh Athos, nhiều thuyền chiến Ba Tư đã bị đắm trong trận bão này. Người Hy Lạp đã nhìn thấy nhiều chú chim bồ câu bay ra khỏi các xác tàu Ba Tư bị đắm và cho rằng những chú chim này mang về đất liền những thông điệp tình yêu cuối cùng của những thủy thủ đã bỏ mình giữa biển cả. Chủ đề về mối liên hệ cuối cùng của tình yêu vượt qua cả cái chết và sự chia ly đã được phản ánh trong bài “Cánh Buồm Xa Xưa” (tên tiếng Tây Ban Nha “La Paloma” có nghĩa là “Chim Bồ Câu”). Trong khi lời bài hát ở các phiên bản ngoại ngữ có thể không đúng so với nguyên bản, tinh thần đó của bài hát vẫn được bảo tồn sau nhiều lần thu âm, dù dưới dạng nào bài hát vẫn thể hiện được cái kịch tính, mâu thuẫn giữa sự chia ly với nỗi cô đơn, thậm chí cái chết và tình yêu.