- Thuở ấy, tôi hai mươi tuổi. Tháng 9, mùa thu, tôi trở về quê nhà Quảng Nam, cầm cây đàn guitar lên đồi sim xưa. Người bạn nghèo thời trung học của tôi không còn nữa, chỉ còn đây khu đền tháp với những nàng Apsara lặng lẽ nhảy múa ngàn năm.
- Thuở ấy, tâm hồn tôi trong sáng lắm, cứ y như dòng suối trong vắt êm đềm xuôi chảy dưới chân đồi. Mùa thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng. Hoa sim, cái màu hoa tím nhạt lãng mạn, bình dị giữa thu vàng sao mà gợi nhớ đến thế. Tôi nhớ hoa, nhớ người. Và úp mặt sau thùng đàn làm bàn, tôi đặt tờ giấy kẻ nhạc lên, viết “Thu, Hát Cho Người”.
"Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa."
- Bản tình ca thuở đôi mươi bắt đầu với hai câu hỏi tu từ như thế. Hỏi để mà hỏi với chính mình và biết rằng không có câu trả lời. Cái tựa ca khúc là Thu, hát cho người thật ra là hát cho chính mình, hát với mùa sim, tháp cổ, dòng sông.
"Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ.
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ."
- Bài Hoàng hạc lâu của thi sĩ Thôi Hiệu có câu “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” (Hạc vàng bay một lần là không trở lại nữa). Tôi lấy ý thơ của người xưa để nói đến bạn mình. Ca từ như một tiên tri định mệnh; chúng tôi chẳng bao giờ được gặp lại nhau. Sao mà trùng lặp với câu thơ của Guillaume Apollinaire từng viết “nous ne nous verrons plus sur terre” (Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa. Mộng trùng lai không có trên đời – Bùi Giáng dịch).
"Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó.
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư."
- Hai câu này làm lắm người thắc mắc. Năm 2007, nhà văn Sơn Nam từng “phê bình” tôi: “Mày nói dóc. Cây sim ngoài Quảng Nam của mày thấp tịt, vậy mày ngồi chỗ nào để đợi con nhỏ đó? Mà cái đồi sim thì trống huơ trống hoác, con nhỏ đó có đến thì mày mần ăn được gì?”. Nhiều người cũng có thắc mắc tương tự như ông già Nam Bộ.
- Thực ra, cây sim già không nhỏ, đặc biệt là khi mọc trên đồi cát. Có cây cao vài ba mét, tỏa bóng mát quanh năm. Và như tôi đã nói, thuở ấy lòng tôi trong sáng lắm cho nên tôi cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới hai chữ “mần ăn” thông thường vốn thuộc phạm trù hình nhi hạ!
- Bài hát thoáng một chút suy nghĩ rất Lão – Trang về số phận con người, tình yêu và sự xa biệt:
"Thời gian nào trôi bồng bềnh trên phận người.
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi.
Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi.
Nhạc hoài mong ta hát vì xa người."
- Vẫn là những câu hỏi tu từ không có lời đáp. Ngay khi viết xong, tôi đã hình dung được đây là một bài tình ca hay của đời mình. Bài hát Thu, hát cho người được đưa cho ca sĩ Hà Thanh, 2 tuần sau được hát trên Đài Phát thanh Sài Gòn bởi hai danh ca Hà Thanh và Anh Ngọc; sau đó là Phượng Bằng, Mai Hương, Quỳnh Dao, Kim Tước, Vân Quỳnh, Vân Hà, Ngọc Long… Bài hát nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Cho đến bây giờ đã là 43 năm, Thu, hát cho người đã được đặt tên cho rất nhiều chương trình âm nhạc mùa thu hằng năm.
- Thời đôi mươi, tôi để lại cho cuộc sống và bạn yêu nhạc Thu, hát cho người, Chiều mơ, Tiếng hát trên đồi Tăng Nhơn Phú. Thời năm mươi, sáu mươi, tôi để lại Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang, Đường về, Mùa Xuân hát trên ngọn cây tùng, Xuân ca vô tận. Điều lạ lùng là càng về già, âm nhạc của tôi càng vui lên.
- Với đời tôi, Thu, Hát Cho Người là một dấu ấn đẹp, thậm chí còn tạo nên những giai thoại, huyền thoại. Tôi thầm nghĩ 143 chữ trong bản tình ca đó là những viên ngọc quý (Vũ Đức Sao Biển)