Đi tìm lương tâm công chính
Khi Socrates (1) thanh thản cầm chén thuốc độc, ông đã nói với các môn đệ của mình: “Hãy cứ vui lên, các con chỉ chôn cái thể xác của thầy” để rồi nhẹ nhàng ra đi. Các môn đệ, trong đó có Platon, đã khóc và như họ nói họ không chỉ khóc vì mất đi Socrates mà là mất đi một vị tôn sư, hay nói đúng hơn, một tấm gương can đảm về một con người chân chính. Socrates đã dám là chính mình, trở thành bản mẫu chân lý tự thân theo cách mà Saint Augustine quan niệm: “Làm cho chính mình trở thành chân lý”. Để trở thành con người công chính, chính Socrates đã vinh danh một lối sống không mưu cầu danh lợi để giữ gìn lương tâm. “Chịu đựng bất công còn hơn phạm sự bất công, khi đã phạm sự bất công thì đền bù tội lỗi hơn là không đền bù tội lỗi”. Quan niệm ấy có vẻ tiêu cực chăng? Thật ra đó là một quan điểm tích cực và cấp tiến không chỉ ở thời đại mà ông đang sống mà còn có giá trị đến hôm nay vì nói như Platon “Công chính là mẹ đẻ của mọi đức hạnh” hay “Người nào nhận thức được lẽ công bằng thì mới đánh giá sự việc được”.
Phẩm chất ấy phải có ở mọi người, tự cậu học sinh cho đến nhà lãnh đạo. Một bác sĩ giỏi phải có y đức thì mới chuyển năng lực chuyên môn của mình vào từng mạch máu tế bào bệnh nhân khi chữa bệnh. Một giáo viên giỏi luôn đối xử công bình đối với học sinh và chuyên tâm truyền đạt kiến thức mà không tính toán đến sự phân biệt học sinh có học thêm lớp riêng của mình ngoài giờ hay không.
Đạo đức nghề nghiệp là những gì chúng ta đang kêu gọi hàng ngày khi các bác sĩ trở thành “trình dược viên” cho những hãng dược phẩm, các trường đại học trở thành nơi cung cấp các văn bằng “khó kiểm chứng” vì cơ sở nghèo nàn, giáo viên thiếu và yếu… mà gần đây đang khuấy động dư luận…. Các nhà kinh doanh chỉ biết tung ra thị trường hàng hóa mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng như hàng nghìn tấn thịt “bẩn” đang trôi nổi qua các chợ… Rộng hơn, những dự án do những người chỉ biết lợi nhuận bản thân hay tập đoàn của mình đang gây tổn hại đến môi trường, cảnh quan, thiếu lương tâm công chính để nhìn nhận đánh giá sự việc như những dự án sân golf tràn lan khắp nơi. Chúng ta cảm thấy những khẩu hiệu trên đường phố nhắc nhở rất nhiều “Lương y như từ mẫu”, “Lương sư hưng quốc”hay “Cán bộ là đày tớ nhân dân”… dù đôi khi khá xa xôi.
Socrates đòi hỏi người ta phải định nghĩa chính xác những điều mà quan tâm. Công bình là gì? Đạo dức là gì? Làm thế nào để thiết lập một nền đạo đức mới? Làm thế nào để cứu vãn tình trạng suy đồi của một quốc gia do các định chế dân chủ cực đoan gây nên? Chính vì đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên mà ông nhận lấy cái chết và đồng thời trở thành bất tử. Tuy vậy, ông lại chủ trương một nền đạo đức thực tiễn không dựa theo những giáo lý thần học mơ hồ. Con người tốt, theo ông phải là con người thông mình, đức hạnh và khôn ngoan, nhận thức được những quyền lợi chánh đáng, quán triệt luật nhân quả, kềm hãm được dục vọng để tránh cảnh hỗn loạn tự diệt vong và tiến đến một xã hội có kỷ cương. Tất cả tạo nên những yếu tính của một nền luân lý không dựa vào thần học hay những điều răn dạy của một đấng giáo chủ nào.
Hãy quay về chính mình
Để thiết lập nền đạo đức, với những chuẩn mực ấy, ta phải tự nhìn lại chính mình, từng người một “Đừng ngước lên trời tin tưởng thần linh, đừng cúi xuống đất mê hoặc theo duy vật, mà hãy tự ngó vào con người, chỉ tự tin vào con người, khổ, đừng bảo vì chế độ xã hội bất lương, đừng bảo vì kinh tế bị lũng đoạn, mà hãy nhìn kỹ những nguyên nhân chính của nó: chính những ý nghĩ ác và hành vi ác, những ý nghĩ và hành vi muốn gây khổ cho nhau, duy trì một xã hội bất lương, chính do những ý nghĩ và hành vi ấy của con người mà con người tự chịu khổ quả”. Đạo Phật dạy rằng con người phải chịu trách nhiệm đối với đau khổ và hạnh phúc của mình. Giá trị vô thượng của đạo Phật là ở chỗ con người tự kiến tạo nên hạnh phúc của chính mình. Chỉ có con người mới làm được điều ấy và gìn giữ lâu bền. Phải quay về quán chiếu lòng mình, dù đó là người công nhân hay một nhà lãnh đạo. Càng ở dịa vị cao, càng phải thận trọng trong những suy nghĩ của mình vì mình có quyền trên muôn người. Một kế hoạch sai, một quyết sách lầm có thể mang lại những hậu quả khôn lường cho bá tánh.Không một ai được nhân danh quyền lợi của nhân dân để đưa ra những quy định trái lòng dân hay hạ thấp nhân phẩm nhân dân vì đó chính là văn hóa cầm quyền. Văn hóa ấy lấy lương tâm công chính làm chuẩn mực kiến tạo nên một thứ luân lý đầy trách nhiệm và hướng thiện. Được như thế thì Socrates cũng sẽ mỉm cười thanh thản bên kia thế giới vì chén thuốc độc đã không thủ tiêu được công lý hay chân lý của những con người chính trực vẫn còn trên mặt đất này hôm nay vì những cuộc cách mạng đã, đang và sẽ diễn ra không ngừng trên quả đất ngày nào còn bất công và áp bức.
Nói hơi cường điệu như một bậc hiền nhân: “Mọi cuộc cách mạng đều không đáng giá, nếu nó làm rơi dù chỉ một giọt nước mắt trẻ thơ”. Và chúng ta mong nước mắt sẽ không còn rơi trên quả đất này!
(1) Chú thích: Socrates(469-399 trước Tây lịch) là một triết gia Hy Lạp cùng thời với Khổng Tử của Trung Hoa và Đức Phật Thích Ca của Ấn Độ. Ông là một nhân vật bí hiểm và, mặc dù không hề để lại một văn bản nào, được coi là một trong số ít triết gia đã làm biến đổi sâu xa nền triết học Tây phương. Theo Platon, người học trò thân cận nhất của ông và là một nhà tư tưởng lớn của triết học Tây phương, chính quyền Athens đã đưa ông ra xét xử về các tội làm băng hoại tư tưởng thanh niên Hy Lạp thời đó, phủ nhận các vị thần Athens và du nhập các thần linh mới; cuối cùng đã kết án ông phải tự tử bằng thuốc độc. Ông có nhiều cơ hội được giảm án nhưng từ chối và chấp nhận chết để giữ vẹn nhân cách mình.