Hồi nhỏ, mưa chỉ đơn giản là tiếng cười nắc nẻ tóe nước bên hàng hiên mái ngói, hay tiếng hò reo theo con thuyền giấy gấp vội trôi theo dòng nước trước ngõ nhà. Lớn lên một chút, mưa thành những suy tư vội vàng trên cành lá trĩu nước, xanh mát miên man. Rồi không biết tự lúc nào hóa thành cái xao lòng vương theo tà áo tinh khôi phất phơ bay giữa chiều mưa bụi trên con đường đầy lá me rơi. Và bây giờ, thấp thoáng trong mưa là đôi mắt buồn vời vợi mang tên “em” của một thời kỷ niệm …
“Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai ngày nào tao ngộ
Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai vời vợi tha thiết
Ánh mắt thật gần mà cũng thật xa
Ôi yêu thương quá ánh mắt êm đềm
Mong tình yêu cho hồn trở lớn khôn thêm”
Có một chiều nội trú, mênh mang theo những cảm xúc của thuở bắt đầu mơ mộng, biết buồn, biết nhớ. Có một chiều nội trú xa xăm tơ tưởng. Để rồi khi bất chợt nhận ra có ánh mắt ai da diết quá khiến lòng bồi hồi đến lạ, vừa trông chờ, vừa nghi hoặc, phân vân. Tâm hồn rộng mở đón nhận những rung động đầu đời đang chớm nở hoài mong, vương vấn. Nguyễn Trung Cang đã dùng giai điệu dịu dàng mà dè dặt, ngọt ngào nhưng thoáng chút ưu tư mở đầu cho nhạc phẩm “Bâng khuâng chiều nội trú” để khơi gợi lại cái thuở ban đầu lưu luyến ấy trong miền hoài niệm riêng của mỗi người. Giữa khung trời nội trú bâng khuâng đó, một tâm hồn đang bẽn lẽn rũ đi thơ dại mà trở mình biết suy tư.
“… Là một thoáng mây bay trong đôi mắt ai một ngày nắng đẹp
Là một thoáng giăng mây trong đôi mắt ai một ngày u ám
Ánh mắt mơ hồ phủ kín hồn tôi
Nghe sao chới với có thể quên người
Mưa chiều nay cho hồn tôi luống bâng khuâng…”
“Đôi mắt ai” sao trở nên thân thuộc quá, tình cảm trong sáng ấy từ sự chớm nở dần thành sâu đậm. Mắt ai vui thì hồn ta trong trẻo, mắt ai buồn thì hồn ta u ám. Không chỉ còn là xao động nhất thời, ánh mắt yêu thương giờ đã ngập tràn cả cảm xúc tương tư. Ôi, ánh mắt lãng đãng như mây trời, đam mê say sưa, níu bước ai trong những chiều nhẹ rung mênh mang cơn mưa. Không rõ cơn mưa đầu mùa là khách thể đồng cảm, góp thêm nỗi da diết hay chính là chủ thể trữ tình đang rì rào trong man mác bâng khuâng.
“… Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa quấn quít giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao ta buồn lại nhớ thương nhau
Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa tí tách thì thầm trên ngói
Em có nghe mưa tưởng chăng lời anh nói
Rất nồng nàn ngọt tiếng: yêu em…”
Có chiều nào miên man như chiều mưa ký túc, lặng nhìn mưa rơi, lặng nghe tiếng tí tách, lòng bồi hồi thầm ghen với những hạt mưa nhỏ có đôi, đang rì rào ca khúc tự tình. Để rồi, ta mượn thanh âm của mưa gửi đi chút tương tư thương nhớ, gửi đi lời tỏ tình đầu hạ. Nhạc vừa réo rắt, vui say, vừa nồng nàn, dịu nhẹ như mối tình đầu trong khung trời ký túc, làm dâng trào những cảm xúc vụng dại mà lãng mạn vô cùng… Từ trong khoảng xa xôi chợt trở về ánh mắt mê đắm năm cũ. Và, biết đâu trong chiều mưa hạ nào đó, ta lại thành ta của những ngày xưa, giũ đi những oằn nặng của cuộc đời, của thời gian, để cho tâm tưởng lại bay bổng cùng những thanh âm rào rạt mà mỉm cười cùng nuối tiếc yêu đương xa xưa.
Bản nhạc không chỉ hay mà còn lạ bởi nó được phổ từ hai bài thơ của một cô sinh viên ngành tư pháp. Nguyễn Trung Cang, một trong những ông vua nhạc trẻ của miền Nam trước 75, đã thổi giai điệu đầy suy tư mà ngọt ngào để chấp cánh cho hai bài thơ trở thành lời tự sự cho những ước mơ đã nguôi ngoai, cho những mối tình đã phôi phai cùng với khuất xa hình bóng cũ. Rồi, bất chợt một ngày, ta bỗng giật mình nhận ra, ngoài kia trời vẫn đang mưa rả rích. Mưa vẫn như người tri âm ngày đó để ta nhắn gửi yêu thương, ve vuốt nỗi niềm, chỉ có ta là thay đổi quên đi ân tình dào dạt thuở ấy. Mưa đang tí tách rơi trên mái hay đang hát lại bản tình ca năm cũ ?
Nếu như Phạm Duy có những chiều chủ nhật Duy Tân hẹn hò đây đó, “uống ly chanh đường, uống môi em ngọt” dạt dào kỷ niệm, thì Nguyễn Trung Cang lại có những chiều mưa nội trú bâng khuâng vời vợi thương nhớ. Hãy dành chút thời gian lắng lại, nghe Tuấn Ngọc ru hồn bên tách cà phê thơm lừng, mở cửa thời gian cho kí ức ùa về, buông lòng cho giai điệu lả lướt xoa dịu đi nhọc nhằn, hằn học tầm thường, để hạt giống thanh thản nảy mầm trên mảnh đất tâm hồn màu mỡ.