Bài TRỊNH THANH THỦY
Tôi được may mắn gặp Ca Sĩ Mai Hương trong buổi chiều nhạc “Hát Cho Vui Đời” do Kim Tước và các người em của bà tổ chức vào cuối tháng 10 năm 2016. Bà đến tham dự cùng phu quân và có lên sân khấu cùng song ca với Kim Tước một khúc nhỏ trong bài “Hình Ảnh Một Đêm Trăng” của Văn Phụng. Đó là lần cuối tôi gặp bà và cũng là lần cuối khán thính giả được nghe bà hát.
Giờ thì bà đã mang tiếng hát nõn nà, thanh thoát của bà về phương trời xa thẳm nào đó rồi. Bà không còn được khóc như năm xưa đã được khóc hả hê, mà vui cười thanh thản cùng sương mai buổi sớm nơi cuối chân trời xa.
Chớp mắt đã bốn năm, mà tôi thấy còn như hôm qua, còn hình dung được giọt nước mắt của bà lăn xuống khi bà xem Ca Sĩ Kim Tước hát. Khi giọng hát dĩ vãng của con Sẻ Vàng Kim Tước cất lên, những giọt nước mắt của Mai Hương bắt đầu nhỏ xuống. Bà lặng lẽ khóc, nước mắt cứ thế mà rơi, chỉ có người bên cạnh bà mới hay. Khi được mời lên sân khấu, bà vẫn còn cầm khăn tay sụt sùi khóc và lau nước mắt.
Chân dung Mai Hương qua nét họa của Đinh Trường Chinh
LẦN CUỐI MAI HƯƠNG SONG CA CÙNG KIM TƯỚC NĂM 2016
Trong vóc dáng gầy ốm, nhỏ bé, bà nói, “Tôi cảm động quá, từ lúc thấy chị Kim Tước bắt đầu hát Gió Thoảng Hương Duyên. Chị ấy hơn tôi có vài tuổi, mà khi chị ấy hát trở lại, vẫn như ngày nào, vẫn hay quá. Tôi đã thôi hát vì nghe lời khuyên của nhà tôi.”
Bà nhắc nhở thêm kỷ niệm ngày cùng nhau hát trong ban tam ca “Tiếng Tơ Đồng” với Quỳnh Giao. Giờ thì Quỳnh Giao đã ra đi vào nơi mịt mùng miên viễn. Kim Tước nghe xong bắt đầu khóc và khán thính giả bên dưới cũng rưng rưng theo. Những giọt nước mắt ấy mang theo cảm xúc và hạnh phúc do ân sủng của giai điệu và cung đàn chở chuyên những dĩ vãng và năm tháng xưa cũ một thời hai bà hát tình ca.
- LỜI DẠO ĐẦU CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN ĐÌNH TOÀN TRONG CHƯƠNG TRÌNH NHẠC CHỦ ĐỀ CỦA ÔNG TRÊN ĐÀI PHÁT THANH SÀI GÒN TRƯỚC NĂM 1975
“Hát tình ca có phải cũng là một cách cầu nguyện cho một thuở thanh bình bền vững trên đất nước...” Nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã nói dạo đầu trong Chương Trình Nhạc Chủ Đề Của ông trên Đài Phát Thanh Sài Gòn trước năm 1975 như vậy. Cái thuở ông nói ấy, có những người sống và lớn lên trong cuộc chiến yêu nhau, lau nước mắt chia ly và hát nhạc tiền chiến để mơ ước thanh bình. Tiếng “tít, tít” như báo giờ sẵn sàng thay cho nhạc hiệu của đài này là một âm thanh đặc trưng quen thuộc mà hàng triệu thính giả đồng bào miền Nam trông chờ được lắng nghe. Cái thời của những buổi phát thanh trực tiếp chương trình Thi-Nhạc Giao Duyên do nhạc sĩ Thục Vũ thực hiện, giới thiệu các thi, nhạc phẩm qua các giọng ngâm như Hoàng Oanh, Hồng Vân, Quách Đàm và Hoàng Thư, hòa cùng các giọng hát của Mai Hương, Ngọc Long và Duy Trác...
Cái buổi nàng Mai Hương, giọng hát đẹp của hương buổi sớm, đã có mặt và góp phần tỏa hương ngào ngạt vào không gian các đài phát thanh miền Nam ngày ấy. Tiếng hát được tôi luyện từ ngày còn bé, nhờ sinh trưởng trong cái nôi của gia tộc âm nhạc, lớn mạnh, trưởng thành và thanh thoát bình yên, để đưa người nghe về những kỷ niệm xa xưa êm đềm, đằm thắm.
- LUẬT SƯ PHẠM ĐỨC TIẾN PHÁT BIỂU CẢM TƯỞNG VỀ TIẾNG HÁT MAI HƯƠNG NHƯ SAU.
“Đó là tiếng hát của những hoài niệm rất bình yên. Tiếng hát đưa chúng ta trở lại vùng trời kỷ niệm nào đó của những hoài cảm không nguôi, một chiều mù sương trên cao nguyên, một sớm mai trên biển vắng, một buổi sáng đầy nắng, một buổi tối đầy mưa, một thành phố đã mất...”
- NHÀ VĂN NGUYỄN ĐÌNH TOÀN THÌ VÍ VON,
“Nếu ví giọng hát Mai Hương như một đóa hoa thì đóa hoa ấy đã đạt đến độ mãn khai. Nếu ví giọng hát ấy như một thứ trái, trái ấy đã chín mùi, hương vị có thể hiến dâng đã trọn vẹn.”
Là một tác giả, ông nhận xét sâu sắc hơn về Mai Hương, “Nỗi đau trong tình khúc mình là một vết thương thật sự, nhưng hình như nó đã thành sẹo. Vậy mà nhiều khi nghe các ca sĩ hát, tôi tưởng chừng như nó còn đang ở trên bàn giải phẫu, đang chảy máu. Sai lầm đó không có ở Mai Hương.”
Quả vậy, bà hát rất nhẹ nhàng, không rên rỉ, hình như mọi thứ của đau khổ thấm đẫm trong các bài hát qua giọng bà đã thăng hoa.
Những người từng nghe bà hát đều có những nhật xét mà tôi thấy hầu như rất thật, vì khi bà hát, bản chất và con người bà hiện ra rõ rệt.
- GIÁO SƯ NGUYỄN ĐÌNH CƯỜNG BẢO,
“Giọng hát đó ấm áp, ngọt ngào, thể hiện một tâm hồn nhân hậu.”
- NHẠC SĨ NGUYỄN TIẾN DŨNG THÌ,
“Một giọng hát rất riêng và không điệu.”
- NHÀ PHÊ BÌNH ĐẶNG TIẾN NÓI,
“Bà ấy hát, ngoài thành kiến chính trị, có lẽ là người duy nhất.”
- NHÀ THƠ TRỊNH GIA MỸ KỂ,
“Mai Hương không chỉ đẹp trong tiếng hát mà rất đẹp trong nhân cách nữa. Mai Hương, một nhân cách đẹp của Hà Nội cũ, của một miền ký ức xưa.”
- THẬT VẬY, GIÁO SƯ VŨ N ĐĨNH TÂM SỰ,
“Giọng ca Mai Hương đẹp và trau chuốt lắm. Khi nói chuyện, giọng nói của cô cũng là cái giọng Hà Nội giàu nhạc điệu thuở xưa. Có lần nói chuyện với cô, tôi nêu nhận xét này, cô cười, nói thực ra cô sinh ở Đà Nẵng, là nơi cha cô là ông Phạm Đình Sỹ từ Hà Nội được chuyển vào đó làm việc. Chi tiết này làm tôi ngạc nhiên...”
Nói đến giọng Hà Nội, có người nhận xét, “Người Hà Nội có giọng nói rất chuẩn về âm điệu, âm lượng thì vừa đủ, tròn vành, rõ tiếng, thanh, ngọt mà trong, nghe như rót mật vào tai và có dư vị rất riêng.”
Bởi thế, cái giọng Hà Nội gốc của thành phố ngàn năm văn vật, 36 phố phường ấy mà còn sót lại, là một thứ gì rất quý hiếm mà những người xa Hà Nội muôn đời vẫn còn luyến nhớ. Mai Hương đã sở hữu chất giọng đặc thù này, để phả làn hơi của mình vào tiếng hát lời ca
Qua 50 năm gắn bó với âm nhạc, bà để lại cho người mến mộ nhiều quà tặng tinh thần lồng trong những nhạc phẩm trác tuyệt. Những CD như Giấc Mơ Hồi Hương, Tìm Nhau Bốn Mùa, Serenade, Lỡ Chuyến Đò, Những Tình Khúc Tuyệt Vời Của Dương Thiệu Tước, Bóng Ngày Qua, Vàng Phai Mấy Lá, Nhặt Cánh Sao Rơi, Khúc Nhạc Ly Hương, Đi Chơi Chùa Hương, Em Còn Nhớ Mùa Xuân, v.v. đã được nhiều người nghe và ủng hộ nồng nhiệt . Trong số đó có một CD bà hát chung với hai người bạn thân là Kim Tước và Quỳnh Giao, từng hát chung trên rất nhiều chương trình phát thanh và truyền hình tại Sài Gòn.
Tuy làm cho các đài phát thanh trước năm 1975, Mai Hương hát nhiều loại nhạc kể cả nhạc ngoại quốc như Định Mệnh Buồn (Phạm Đình Chương, Khái Hưng, Felix Ervers), Mơ Mòng (Phạm Duy, Riverie), Chút Hờn Ghen (Phạm Duy, Jalousie...). Tuy nhiên, bà thích và hợp với loại nhạc Tiền Chiến và Bán Cổ Điển hơn. Nhất là dòng nhạc của Cung Tiến, trong bài Hương Xưa, giọng bà dịu dàng, ngọt ngào và bay bổng nhất trong ba phiên bản khác nhau của Thái Thanh, Kim Tước và Mai Hương. (Jazzy Dạ Lam nhận xét)
Có những giọng hát thích hợp với giai điệu tươi vui, hạnh phúc. Có giọng trầm, buồn chuyển tải được những ca khúc não nùng, bi thiết, rất đạt. Có giọng lại hợp với những nhạc phẩm có tính chuyện kể. Tôi tình cờ nghe được bà hát những bài có tính kể chuyện rất lạ, hiếm ai nghe hay hát, có lẽ vì nó đã rất xưa, tựa như các bài “Vàng Phai Mấy Lá, Tà Áo Văn Quân”.
TIỂU SỬ MAI HƯƠNG
Ca sĩ Mai Hương nguyên danh Phạm Thị Mai Hương (1941-2020), là một ca sĩ nổi tiếng, thành công với nhiều nhạc phẩm tiền chiến. Cha mẹ cô là ông Phạm Đình Sỹ và bà Kiều Hạnh, hai tên tuổi lớn trong giới sinh hoạt văn nghệ ở Sài Gòn trước 1975. Ông Phạm Đình Sỹ là anh của các ca sĩ Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy), Thái Thanh, Hoài Trung và nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Bà Kiều Hạnh là một kịch sĩ, diễn viên nổi tiếng, diễn viên đoàn kịch Sao Vàng của Thế Lữ, chị của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác.
Sinh tại Đà Nẵng, ca sĩ Mai Hương sống ở Huế, Hà Nội, Sài Gòn. Năm 1953, tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á. Theo học violon, ký âm pháp, đàn tranh và hợp xướng tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Cộng tác với các đài phát thanh và truyền hình và hầu hết những chương trình ca nhạc nổi tiếng với các trưởng ban như Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Quý Lãm, Võ Đức Tuyết, Y Vân, Hoàng Trọng, Vũ Thành... Mai Hương còn đảm nhiệm cả phần đọc truyện và làm phát thanh viên.
Năm 1975, bà cùng gia đình đến Mỹ sống ở Rowland Heights, Nam California và làm việc cho ngân hàng Bank Of America. Sau năm 2000, Mai Hương về hưu và ít tham gia ca hát