Câu chuyện bắt đầu khi bản tình ca «Les Feuilles Mortes», tựa lời Việt «Những Chiếc Lá Úa», ngân nga trong vở ballet Le Rendez-Vous của Roland Petit, trước khi giai điệu và lời ca của nó tự bay đi muôn nơi bằng đôi cánh của chính mình.
Năm 1945 Marcel Carné đã chuyển thể vở balet thành bộ phim mang tên Les Portes de la Nuit, trong đó có sự hợp tác của Jaques Prévert về kịch bản, ca từ và Joseph Kosma về phần âm nhạc. Thuở đầu, Les Feuilles Mortes chỉ là điệu nhạc không lời, được ngâm nga bởi nhân vật Diego do nam diễn viên, ca sĩ Yves Montand thủ vai. Bộ phim sau đó thất bại hoàn toàn, tuy nhiên ở trong nỗi thất vọng ấy đã ra đời một bông hoa ngoài mong đợi mang tên Les Feuilles Mortes. Nó trở thành một trong những thành công lớn trong lịch sử ca khúc nước Pháp và bay bổng khắp nơi bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Cái hay của bản tình ca ấy toát ra từ nét giai điệu giản dị, chỉ có thể tìm thấy trong phong cách của nhà soạn nhạc gốc Hungari, Joseph Kosma ( 1905-1969), người từng theo học với Bela Bartok ở đại học tổng hợp Budapest trước khi đến Pháp lập nghiệp và trở thành một trong những nhà sáng tác lớn về nhạc phim.
Tuy cấu trúc ca khúc thật sự không được chia thành hai phần rõ ràng, nhưng đoạn thứ hai mà người ta thường coi là điệp khúc được Kosma dùng kỹ thuật mô tiến giai điệu, như một cách tán âm thành nhiều sắc thái khác nhau( việc sử dụng liên tục một nét nhạc trên các quãng khác nhau). Lắng nghe này đây, lời tự tình của đôi lứa chia xa. Những giây phút cuối bên nhau, ngắm nhìn từng chiếc lá vàng khe khẽ lìa cành. Ấy nên những câu hát có phần chơi vơi đó đôi khi là sự hoài nghi về thực tại đan xen cảm xúc lặng buồn đầy rối ren.
Những Chiếc Lá Úa trở thành Những Chiếc Lá mùa Thu
Ca khúc «Những Chiếc Lá Úa» mang lại sự thành công choáng ngợp, ở chỗ rất nhiều nghệ sĩ ở các nước trên thế giới đều muốn sở hữu nó trong danh mục biểu diễn của mình. Năm 1950, cùng thời gian mà Yves Montand phát hành bài hát, nghệ sĩ nhà sáng tác nhạc jazz Johnny Mercer đã chuyển thể ca khúc này sang tiếng Anh. Ông ta đã bỏ phần dẫn nhập, chỉ giữ lại điệp khúc của bài hát và đặt tiêu đề Autumn Leaves - Những Chiếc Lá Mùa Thu.
Chuyện chỉ là, Michael Goldsen, người phụ trách của hãng đĩa Capitol, bị hớp hồn bởi Những Chiếc Lá Úa, và yêu cầu Johnny Mercer viết lời bằng tiếng Anh. Mercer đồng ý nhưng lại quên đi sau đó. Bẵng một thời gian không tin tức, Michael gọi cho Johnny « Này, John, mới có ba tuần trôi qua thôi mà bài hát đã mất tiêu đâu rồi».
Johnny đáp : «Tôi sẽ đến New York vào ngày thứ sáu. Tôi sẽ viết nó trên tàu và đưa cho anh ở New York. Anh sẽ có lời bài hát trong vòng một tuần thôi». Cái ngày đón Johnny ở nhà ga New York, Micheal kể lại : « Hôm đó, tôi đễn muộn 15 phút. Lúc đến nơi thì thấy Johnny đứng đợi, và có cái gì đó đang đính trên cánh cửa gần đó. Anh ấy nói rằng trong lúc chờ tôi thì anh ấy đã viết lời hát(...). Chúng tôi lên xe , Johnny đọc lời cho tôi nghe. Và tôi đã bật khóc».
Sức quyến rũ của bản tình ca này không chỉ dừng lại ở đó, nó còn là thi hứng dạt dào cho Serge Gainsbourg viết nên Bài Ca Của Prévert (1961) trong đó giai điệu gợi nhắc không khí đau buồn trong Những Chiếc Lá Úa.
Đi ngược với nỗi buồn vốn dĩ của câu ca ấy, là niềm vui ngoài mong đợi bởi sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng đối với Les Feuilles Mortes. Tác phẩm được chuyển thể thành vô vàn thứ tiếng khác nhau và được trình bày bởi số đông các nghệ sĩ danh tiếng với nhiều phong cách trải dài từ pop, jazz cho đến rock.
Phải kể đến ca sĩ Yves Montand, dù không phải là người đầu tiên thực sự hát ca khúc này, nhưng dấu ấn ấm áp, và qua giọng ca trầm lắng của ông quả là một hoài niệm khó phai
Danh sách diễn tấu dài đến nỗi khiến người ta phải chóng mặt , bởi hành loạt những danh ca Pháp như Edith Piaf, Dalida, Françoise Hardy hay Jean Sablon..., đều muốn dành tặng cho công chúng một phiên bản quyến rũ và hay nhất của mình.
Về phương diện nhạc pop, đối với Dalida, Les Feuilles Mortes không còn u sầu ảm đạm nữa, có chăng là niềm hy vọng về một khởi đầu mới, là sự nối tiếp của sự sống. Vì vậy bài ca của cô được phối lại trên nền nhịp điệu nhanh, sáng và vui hơn. Andrea Bocelli thì lại xuất hiện ngọt ngào trầm ấm như một lời vỗ về đong đầy yêu thương.
Cái lý thú ở đây, cũng như bản Summertimes, Les Feuilles Mortes hay Autumn Leaves như một thứ bùa mê, đánh cắp vô số trái tim kẻ sĩ, để rồi sản sinh vô kể những phiên bản âm nhạc tuyệt đẹp. Từ những biểu tượng nhạc rock như Eric Clapton, Iggy Pop hay Bob Dylan cho tới những huyền thoại nhạc jazz như Miles Davis, Nat King Cole đã xem nó như một chuẩn mực, để phô diễn vẻ đẹp của giọng hát cũng như sự sang trọng trong đẳng cấp nghệ thuật.
Không nằm ngoài ngoại lệ, cái thời mà âm nhạc phương tây bắt đầu du nhập vào Việt Nam, có nhiều nhạc sĩ đã đặt lời cho tác phẩm trứ danh này với nhiều tiêu đề rất thơ như : Lá Thu Vàng của Lữ Liên, Lá Rụng của Phạm Duy, Muà Thu Lá Úa của Phạm Ngọc Lân hay Những Chiếc Lá Úa của Phong Vũ ....Trong đó phiên tác lời Việt của Phong Vũ do ca sĩ Thái Thanh trình bày chung thủy với âm hưởng thu hiu hắt, chơi vơi như vốn dĩ nó được sinh ra như thế.
Hơn nửa thế kỉ đi qua, Les Feuilles Mortes - Những Chiếc Lá Úa vẫn mãi xanh trong kí ức mùa thu. Thời gian càng làm đong đầy xúc cảm bao nhiêu, sự tái sinh của Những Chiếc Lá Úa càng mãnh liệt bấy nhiêu. Cho dù bản tình ca đó luôn buồn đến nao lòng, nhưng ta vẫn hát «Những chiếc lá úa gom đầy trên xẻng. Gom cả kỉ niệm và niềm tiếc thương.Tình anh vẫn lặng thầm, thủy chung. Mãi mỉm cười và cám ơn cuộc đời này...» (Les feuilles mortes se ramassent à la pelle.Les souvenirs et les regrets aussi. Mais mon amour silencieux et fidèle. Sourit toujours et remercie la vie).