“Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa"
- Mới chỉ đưa em đi hay dắt em về dưới mưa thôi, mà nhà thơ đã lơ mơ cùng nghệ sĩ lại cứ bảo “nói năng chi cũng thừa”, thế là sao? Phải chăng, vì “cơn mưa đời phất phơ”, vẫn làm em hát mãi câu ca đầy thách thức: “chắc ta gần nhau chưa?”
- Sự đời, kể cũng lạ. Lạ, đến hết biết. Và, hết hiểu nổi. Hiểu và biết, tâm hồn người nghệ sĩ cùng thi nhân, vẫn cứ lon ton / đon đả những đưa cùng đón em về dưới mưa, mà lòng thấy chưa gần. Để rồi lại bảo: “Em hiền như‘ma soeur”, giống hệt như: “Anh lành như mon frère”.
- Thật ra, khi diễn tả đức tính thùy mị, dịu dàng của “người em” mà tác giả mô tả là “hiền như ma soeur”, thì không chắc đây đó là cụm từ chỉ rõ nhân vật ấy là tu sĩ nam / nữ ở Đạo mình hay không! Bởi, bạn và tôi, hẳn ta vẫn nhớ ảnh hình người nữ tu chuyên trách chức giám thị của các trường tiểu học (còn gọi là “soeur surveillante”) với chiếc roi mây hay cây thước dài trong tay cứ đập xuống bàn, thì bầy em thơ có dạn dĩ cách mấy cũng sợ phát khiếp, svà ẽ không còn cho bà là bậc nữ lưu hiền hoà nữa.
- Hoạ chăng, tác giả gọi “ma soeur” ở đây, là gọi và nói về người em nhỏ, đã ướt thấm đôi vai “ưu tình”, ở dưới mưa, vừa mới hát:
“Vai em tròn dưới mưa, ướt bao nhiêu cũng vừa
Như ưu tình đã xa, thấm linh hồn em yêu...”
- Thật ra, thì khi ta hát câu “em hiền như ma soeur” là đã hát và nói về người em nhỏ có hiền hay dữ cũng chẳng thành vấn đề. Vấn đề ở đây là khi người ca sĩ lại cứ gào thêm ngôn từ nghe đến sợ, như:
“Em hiền như ‘ma soeur’, vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta bệnh hoạn, em yêu này em yêu..
Ta nhờ em ru ta, hãy ru tên vô đạo,
Hãy ru tên khờ khạo, em yêu này em yêu...”
- Nói làm sao đây, khi người em nhỏ rất ‘ma soeur’ ấy vẫn không hiền như nhà thơ hay nghệ sĩ vẫn nghĩ? Hoặc, giả như người nhà Đạo lại cho rằng chính mình mới đích thực là đấng hiền lành, chân chất, rất đáng yêu, thì thế nào?
- Vậy phải chăng nhà thơ và nhạc sỹ đã thi vị hoá nhân vật masoeur trong bài hát để thêm phần thi vị ướt át cho cuộc sống chúng ta!