"Nhất thủy – Nhì trà – Tam pha – Tứ ấm - Ngũ trạch - Lục nhạc."
Không có gì hay hơn, cụ thể hơn bằng bốn câu trên nói về nghệ thuật pha trà từ ngàn xưa của người Việt. Cả bốn yếu tố này quan hệ mật thiết với nhau nó là điều kiện cần và đủ để có được chén trà ngon, việc phân chia theo thứ tự chỉ là cho vần chứ không là thứ tự ưu tiên.
oOo
*THUỶ – Chọn nước để pha trà.
Nước phải ngon – thì pha trà mới tốt.
Việc chọn nước thật cầu kỳ và công phu đối với người thưởng trà.
Trong cuốnTrà Kinh của Lục Vũ đã đúc kết: Sơn thủy thượng, giang thủy trung, tĩnh thủy hạ (nước suối trên núi hạng nhất, nhì đến nước sông và ba đến nước giếng). Nhưng không phải là nước suối lấy đâu cũng được mà phải chọn chỗ nước chảy chậm, chảy qua sỏi, đá. Nước sông phải lấy ở giữa dòng nơi thượng nguồn. Nước giếng ở trên đồi cao, giếng vùng đất đá ong, giếng chùa hay trên núi mới thực sự ngon.
Ngoài ra người thưởng trà cũng đáng giá rất cao nước mưa – vũ thủy, nước hạt móc – lộ thủy và nước sương sa – lộ đông và tuyết – tuyết thủy cũng là những loại nước ngon để thưởng trà.
Nước mưa phải chọn nước mưa cũ (không lấy nước ở trận mưa đầu) và dụng cụ lấy, chứa nước mưa phải vệ sinh sạch sẽ không để lẫn rêu, bụi… Cách lấy nước hạt móc – lộ thủy là lấy nước trên lá cây lúc sáng sớm vào mùa thu là tốt nhất. Còn nước sương sa thì cũng lấy như nước lộ thủy nhưng vào mùa đông. Khi lấy tuyết làm nước phải lấy tuyết sạch, đào bỏ khoảng 15cm – 20cm lớp tuyết phía trên.
Trong điều kiện sống hiện nay thật khó tìm những loại nước như vậy. Đơn giản hơn ta chọn nước sạch, tinh khiết có thể dùng nước của hãng nước tinh khiết Sapuwa, Ion Life (đừng nhầm với nước khoáng như Lavie, Vĩnh Hảo – không phải nước để pha trà). Hãy tự tay lấy nước máy, cho vào vại sành sạch che vải tránh bụi và phơi khoảng 2 tuần cho hết mùi là dùng được.
oOo
*TRÀ
Trà có nhiều loại và có hàng ngàn hương vị, tìm được hương vị vừa ý thật là quí. Trà có hàng ngàn loại khác nhau ta có nhiều cách để phân loại. Phân loại theo phương pháp chế biến, trà chia thành các dòng khác nhau:
- Trà tươi – không qua khâu chế biến, hái và uống tươi.
- Trà xanh như trà Thái Nguyên, trà cổ thụ, trà long tỉnh.
- Trà bán lên men như trà oolong, trà thiết quan âm, trà bích la xuân.
- Trà lên men 100% như: trà vàng, trà hồng, phổ nhĩ.
Phân loại theo hình thức có: Trà bột, trà lá, trà mảnh (lá trà được cắt thành mảnh nhỏ), trà bánh, trà túi nhúng và cả cao trà).
Trà bột nổi tiếng là trà xanh của Nhật Bản. Hay trà đen OTD của phương Tây.
Trà bánh nổi tiếng là dòng trà phổ nhĩ của Vân Nam, Trung Quốc và trà cổ thụ ép bánh của các dân tộc miền Tây Bắc, Việt Nam.
Trà phương Tây nổi tiếng về trà túi lọc, trà đen hương trái cây như Lipton, Dilmah,Twinings, Stassen…
Trà chiết suất thành cao trà hiện nay đang phát triển để phục vụ nhu cầu thưởng thức nhanh.
Phân loại theo mùa thu hoạchcó các loại: trà xuân, trà thu, trà đông.
Trong quá trình sản xuất, trà cũng phân thành nhiều loại phẩm chất khác nhau từ thượng hạng tới thứ cấp để phục vụ nhiều mục đích khác nhau.
Tiêu chuẩn để đánh giá trà ngon nên xem xét tổng quát các khía cạnh sau:
- Chọn đúng trà của vùng phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu.
- Thu hoạch lá trà một lá (búp)
- Thời gian & kỹ thuật hái trà
- Kỹ thuật sao sấy một khâu hết sức quan trọng để làm tăng chất ượng trà.
- Hình dáng màu sắc và mùi vị của lá trà thành phẩm.
Thưởng trà, đầu tiên và hết sức quan trọng là thưởng thức hương, kế sau đó mới đánh giá vị của trà. Không thể quên câu ca được lưu truyền rằng: trà vừa sấy, cà phê mới xay. Hãy chọn trà đúng loại, đúng phẩm chất, đúng thời điểm để có chén trà ngon vừa ý.
oOo
*ẤM - Chọn ấm để pha trà.
Người xưa bao đời đã nói : “Đồ uống trà không gì tuyệt diệu bằng ấm tử sa”. Dùng ấm tử sa pha trà sẽ giữ nguyên được hương và vị của trà.
Chọn một ấm như ý, phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng và thẩm mỹ của chính người dùng. Ấm sẽ phục vụ một hay nhiều người uống để chọn cái ấm có dung tích phù hợp. Ấm dưới 120ml thường dùng cho một người, trên 180ml dùng cho ba, bốn người uống trà. Ấm tử sa có năm màu cơ bản và không thể kể hết kiểu dáng, người thích dáng cao, người thích tròn…
Người ưa chiếc ấm được làm công phu, tỉ mỉ, người đi tìm sự giản đơn.
Nhưng nhất thiết phải chọn được ấm tử sa thật – ấm làm đúng bằng đất tử sa được nung nhiệt độ trên 1.000 độ C. Kỹ thuật làm ấm phải đạt: rót nước phải thông suốt, miệng ấm kín, vòi, nắp và quai ấm phải thẳng hàng.
oOo
*PHA TRÀ
– Một nghệ thuật thể hiện trình độ của người thưởng trà.
Pha trà là quá trình kết hợp hài hòa năm yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Khi pha trà đòi hỏi phải hiểu trà loại nào, phẩm chất trà ra sao để chọn nhiệt độ của nước đun sôi cho phù hợp. Lựa ấm pha trà có dung tích phù hợp với số người cùng uống, mỗi cái ấm được sử dụng để pha một loại trà thích hợp không dùng một ấm mà pha các loại trà khác nhau. để không hư ấm và hỏng hương trà.
Vai trò của người pha trà – trà nhân là trung tâm hết sức quan trọng.
Người pha trà phải đưa được cảm xúc, tâm hồn của mình vào chén trà qua việc thổi lửa, đun nước, chọn trà, lựa ấm… Để tới khi cùng bạn hữu thưởng thức chén trà ngon sẽ thấy: Vũ trụ trong ấm. Nhật nguyệt trong chén.
Không gian và âm thanh – một phần tất yếu khi thưởng trà, người uống trà thưởng thức chén trà ngon cũng không thể tách rời với không gian. Không gian thưởng trà thật đa dạng – thiền sư chọn nơi tĩnh lặng, nhà nho, nhà văn tìm tới khung cảnh thiên nhiên yên bình hoặc một không gian nhỏ ngay trong nhà mình, công chức ngày nay bàn trà ngay tại cơ quan, doanh nhân lại tới trà quán, dân thường tìm tới quán trà vỉa hè… thật đa dạng. Hòa hợp với không gian đó là âm thanh.
Chính lẽ đó, nên thêm không gian và âm thanh vào câu ca:
Nhất thủy / Nhì trà / Tam pha / Tứ ấm / Ngũ trạch / Lục nhạc.
Để thành sáu yếu tố cần và đủ để thưởng trà.
oOo
*TRẠCH
Hiểu theo nghĩa hẹp là nơi ngồi uống trà, một góc nhỏ tại nhà, tại quán hay góc nhỏ nào đó giữa thiên nhiên và theo nghĩa rông hơn các không gian dùng uống trà.
oOo
*NHẠC
Trong không gian thưởng trà có thể là tiếng nước reo trong ấm, tiếng chim hót, tiếng suối chảy… những âm thanh từ thiên nhiên tràn về.
Sáu yếu tố hòa hợp thành nét đẹp trà hòa của văn hóa trà Việt.