Nếu bạn có thói quen tìm tới những bản tình ca buồn khi đang cảm thấy không vui, điều này không có nghĩa bạn muốn đắm mình trong nỗi buồn mà thực tế đó là một giải pháp vô thức giúp bạn nhanh chóng cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn.
Theo một nghiên cứu mới đây được thực hiện tại Nhật Bản, việc nghe những giai điệu chậm mà trong âm nhạc người ta thường coi là những giai điệu buồn, thực tế lại có tác dụng khơi gợi những xúc cảm tích cực.
Những nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Tokyo khẳng định rằng những giai điệu buồn sẽ khiến người nghe nhớ tới những bộ phim hoặc những tình huống lãng mạn. Những cảm xúc lãng mạn này sẽ giúp người nghe dần dần cảm thấy hạnh phúc hơn, tự giúp mình cảm thấy được an ủi, vỗ về và nguôi ngoai.
Điều này cũng phần nào lý giải tại sao con người vẫn luôn hứng thú với những bản tình ca buồn. Những nhà nghiên cứu ở trường Đại học Tokyo nhận ra rằng nhạc buồn làm nảy sinh những xúc cảm trái ngược, nó vừa mang lại cảm giác lãng mạn nhưng cũng vừa mang lại nỗi buồn.
Tuy vậy, không như nỗi buồn trong cuộc sống thực tế hàng ngày, nỗi buồn mà chúng ta cảm nhận thông qua các tương tác nghệ thuật giúp ta cảm thấy dễ chịu hơn. Những nỗi buồn sinh ra từ cảm nhận nghệ thuật không gây ra bất cứ mối đe dọa nào đối với cuộc sống của chúng ta, vì vậy nó hoàn toàn vô hại và xét về lợi ích tâm lý, nó còn khiến chúng ta thư thái, bình tĩnh hơn.
Chính nỗi buồn có được sau khi nghe nhạc buồn có thể giúp chúng ta xử lý tốt hơn những xúc cảm tiêu cực xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày.
Nghiên cứu cũng khẳng định rằng khi chúng ta trải qua những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày, hãy nghe nhạc buồn bởi nó sẽ giúp ta cảm thấy nhẹ nhàng, khuây khỏa.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu của trường Đại học bang Missouri, Mỹ cũng vừa được công bố cho thấy mối liên hệ giữa âm nhạc và cảm xúc người nghe. Theo đó, những bản nhạc với giai điệu nhanh (thường được coi là nhạc vui) cũng có thể giúp làm tâm trạng người nghe trở nên hưng phấn hơn.
Nhưng điều này chỉ có tác dụng nều người nghe có chủ ý muốn giúp bản thân cảm thấy hạnh phúc, tích cực hơn bằng cách nghe nhạc. Ngược lại, nếu một người đang trong tâm trạng ủ rũ và vẫn chưa sẵn sàng để “xốc” lại tinh thần thì việc nghe những bản nhạc rộn ràng, tươi vui không đem lại bất cứ tác dụng nào.
Các nhà tâm lý đều khuyên mọi người nên tìm tới âm nhạc bởi đó là một liệu pháp hiệu quả, rẻ tiền và phổ thông nhất. Nhờ việc nghe nhạc, sức khỏe tâm thần và thể chất cũng như chất lượng các mối quan hệ của chúng ta đều sẽ được nâng lên.
Vợ chồng tôi được gặp và nói chuyện với Phạm Thế Mỹ năm 2001 ở nhà riêng của ông ở Quận Tư Sài Gòn. Ông vui tính, cởi mở, hiền và kể nhiều chuyện hay. Thời chiến tranh Việt Mỹ ông là một người cộng sản nằm vùng. Đất Việt thống nhất ông được tham gia mọi hoạt động âm nhạc ở một miền Nam giải phóng, nhưng thực ra ông không ưa chính sách văn hóa lúc bấy giờ”.
Theo tiểu sử chính thức của Phạm Thế Mỹ, ông sinh trưởng ở Bình Định và làm công tác tuyên huấn kiêm phóng viên cho báo Quân Đội Nhân Dân ở Liên Khu 5 của Việt Minh (gồm 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tom, Gia Lai) lúc ông hơn 20 tuổi (đầu thập niên 1950). Sau 1954, ông được đơn vị bố trí ở lại miền Nam để hoạt động. Phạm Thế Mỹ từng bị chính quyền miền Nam bắt giam vì tham gia trong phong trào sinh viên – học sinh Sài gòn và phong trào Phật giáo chống chính quyền. Sau năm 1975, Phạm Thế Mỹ công tác tại Phòng Văn hóa – Thông tin Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát nhạc đỏ như:“Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng”(Giải nhì Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh),“Thắm đượm duyên quê,” “Lêna Belicova”…
Sau khi nghỉ hưu, ông sống âm thầm, thiếu thốn tại căn nhà chung cư ở Quận 4, TpHCM. Theo lời kể của một người con của Phạm Thế Mỹ, vì ông là tác giả của nhiều bài nhạc lính được biết đến rộng rãi:Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Ngày Xưa Thân Ái…do đó sau 1975, sự nghiệp công chức nhà nước của Phạm Thế Mỹ không được thuận lợi vì sự nghi kỵ từ chính quyền.
Ngoài những ca khúc về “lính” viết trước 1975, Phạm Thế Mỹ còn sáng tác nhiều bài hát thể hiện tình yêu quê hương, yêu núi sông, khát vọng hòa bình:Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương, Thương Quá Việt Nam, Chuyến Tàu Về Quê Ngoại, Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam, Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ Non…Nếu để ý kỹ, người ta có thể cảm nhận được chút ít khuynh hướng “phản chiến” hoặc chống đối chính quyền trong những bài ca này.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Nếu Phạm Thế Mỹ là người của phía cách mạng, vậy ông sáng tác bài nhạc lính bất tử làTrăng Tàn Trên Hè Phố, người lính trong bài hát này là lính nào?
Tôi lại gặp anh người trai nơi chiến tuyến súng trên vai bước về qua đường phố.
(Lời chính xác là “bước VỀ”, tuy nhiên Như Quỳnh lại hát thành “bước LÊ”, làm cho hình ảnh anh lính ít oai hùng)
Có thể bài hát này viết cho người lính Thủy Quân Lục Chiến, vì chỉ có anh lính TQLC mới có thể hiên ngang vác súng trên vai, từ núi đồi rừng sâu trở về đường phố để thăm bạn cũ trong một quán nhỏ. Nếu là người lính du kích trên rừng thì không dám và không thể công khai về phố với súng vác trên vai được.
Tuy nhiên không cần thiết phải đào sâu thêm ý nghĩa của bài hát này, vì bất cứ người lính nào thuộc phe nào cũng đều có thể yêu thích bài này với cảm nhận của riêng họ.
Cũng không thể đảo ngược sự thật là Phạm Thế Mỹ là người của miền Bắc, ông hoàn toàn có thể viết về những người đồng đội của mình, nhưng ngụy trang như vậy để bài hát có thể được phổ biến và được yêu thích giữa miền Nam. Phạm Thế Mỹ không thể ngờ được chính vì những bài hát tưởng như vô thưởng vô phạt đó đã chặn đứng sự nghiệp của ông sau năm 1975. Tài năng của ông không được công nhận đúng đắn khi chỉ là 1 công chức nhỏ mọn và qua đời trong hoàn cảnh khó khăn.
Một bài báo trong nước đã mô tả hoàn cảnh khó khăn tạm bợ của ông trong những năm cuối đời:
Thời gian sống ở căn phòng tạm của Nhà Văn hóa Q.4 là khi ông cho ra đời nhiều sáng tác nhất. Cường độ làm việc của ông gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần nhạc sĩ khác. Những hôm cúp điện, ông thắp đèn dầu cắm cúi viết nhạc đến sáng. Suốt một thời gian dài như thế, sức khỏe ông ngày càng sa sút. Từ đó, những cơn đột quỵ đến với ông thường xuyên. Bệnh tình chưa lành hẳn, bác sĩ khuyên ông nên dành thời gian để nghỉ ngơi nhưng ông lại lao vào làm việc như thể “thèm thuồng” lắm. Vì thế, ông lại bị tai biến nặng. Có thời kỳ ông không thể tự đi lại được.
(Mỗi năm, nữ hoàng Mùa Thu lá bay sống và hát ở Việt Nam tầm 6 tháng. Dù đã nổi tiếng từ lâu và cái tuổi không nhiều lợi thế cho việc hát nhưng chị nói rằng, chị đang ở một giai đoạn hồi sinh tiếp theo. Đó là sự hồi sinh sau bao bĩ cực như một vở bi kịch mà người đàn bà vốn mạnh mẽ như đàn ông này đã tự diễn kín với chính mình suốt cả cuộc đời)
Kim Anh uống rượu rất khỏe và gần như là một “độc cô cầu bại” trên bàn nhậu. Thuốc lá đốt cũng nhiều, mà phải là thuốc nặng đô. Chị nói: “Anh cứ nhìn mặt tôi uống hàng chai rượu mà mặt cứ tỉnh như sáo thì anh đừng ngạc nhiên. Đau cỡ nào về cả thể xác lẫn tinh thần, với tôi giờ như không nghĩa lý. Đưa xương cho người ta khoan để bắt vít, không tiêm thuốc tê, tôi còn chịu được nữa là. Đôi lúc buồn quá, 3 giờ sáng ngẩng mặt lên hỏi trời còn điều gì đày ải nữa cứ đày ải nốt đi, con chịu được hết! Có lẽ giờ này, trời cũng nên để yên cho tôi được rồi đấy!”
Những đày ải, bĩ cực cuộc đời mà một kiếp đàn bà phải chịu, gần như Kim Anh đã phải gánh hết. Sự bất cần, sự không sợ sệt, cùng những tỉnh bơ với đau đớn, cùng rượu, cùng tro tàn của sự thiêu đốt mình suốt một quãng đời, chưng cất trong giọng hát Kim Anh để trở thành một chất giọng đặc thù không giống ai. Thế mà nỗi buồn trong giọng hát chị, không nhuốm màu cay đắng, không bị ám ảnh của cô đơn, nhưng cũng không có chức năng ru ngủ. Nó như một thứ cồn rửa vết thương. Rằng, dốc hết đốt hết những gì Kim Anh có, cũng chỉ để rửa những vết thương trong lòng người nghe mà thôi.
Bài hát định mệnh
- Nhắc đến thế hệ ca sĩ vàng ở hải ngoại một thời, thấy ai cũng có một xuất phát điểm và một sự nghiệp lẫy lừng. Còn nhắc đến Kim Anh trong quá khứ thường không thấy một dữ liệu gì ngoài bài hát Mùa thu lá bay, được chị hát vào những năm 80?
- Tôi đến với ca hát khá ngẫu nhiên và xuất phát điểm ca hát của tôi cũng là ở trời Tây chứ không phải ở Việt Nam . Tôi gốc người Hoa, sinh ra và lớn lên ở cù lao Ông Chưởng (tỉnh Đồng Tháp). Hồi nhỏ, tôi nổi tiếng thông minh và quậy phá. Năm 1969, tôi được một học bổng qua Mỹ học về kế toán. Đầu tháng 5-1975, tôi gặp một người Mỹ gốc Hoa, là chủ nhà hàng lớn Empress ở Wasington DC, nhờ tôi làm thông dịch tiếng Việt cho một số anh chị em nghệ sĩ, cũng là một ban nhạc vừa di tản từ Việt Nam sang sau khi Sài Gòn thay đổi.
Hàng ngày, tiếp xúc với ban nhạc, thấy tôi cũng nghêu ngao thì họ bảo, cứ hát chơi một bài. Tôi hát, ban nhạc họ rất thích. Từ đó tôi trở thành ca sĩ nữ duy nhất của ban nhạc hát hàng đêm tại nhà hàng. Năm 1977, có một người bạn là ca sĩ ở New York rủ tôi lên New York sống và hát với tư cách là một ca sĩ độc lập. Những năm này tôi hát chủ yếu cho một nhà hàng người Hoa ở New York, hát nhạc Tây lẫn nhạc Hoa nhưng hầu hết là nhạc Hoa. Những bài như Mùa Thu lá bay hay Máu nhuộm Bến Thượng Hải tôi đã hát tiếng Hoa trong thời gian này.
- Được biết Mùa Thu lá bay đến với chị để rồi chị trở thành một ca sĩ Kim Anh nổi tiếng là một câu chuyện rất lạ. Chị có thể kể rõ hơn câu câu chuyện này ?
- Năm 1982, nhà ở Việt Nam nhắn tôi rằng ba tôi sắp mất và trước khi qua đời ông muốn được nghe giọng nói của tôi. Tôi đi thu một băng cassette với 11 bài hát cả lời Việt lẫn lời Hoa gửi về để như an ủi ba được nghe giọng của đứa con từ phương xa, cũng như để nói với ba tôi vẫn giữ gốc gác của mình. Cái khó là thời gian này chủ yếu tôi hát tiếng Anh và tiếng Hoa, với nhạc Việt tôi hoàn toàn lạ lẫm nên thu một cuốn băng cũng chỉ là để ba nghe giọng mình, chứ cũng chẳng nghĩ sẽ đi dài và xa hơn như sau này.
Lúc cuốn băng về đến nơi ba đã mất được ba ngày, mắt vẫn mở. Má lại gần và nói: “Thôi ông ơi, dù con không về được, con cũng gửi giọng nói về. Ông yên lòng nhắm mắt cho con dễ làm ăn”. Thế, đôi mắt ba từ từ khép lại, một giọt nước mắt đã khô đọng phía dưới quầng mắt ba.
Những ngày ba mất, tôi buồn nghe đi nghe lại cuốn băng, chợt chạnh lòng thương phận mình xa xứ, tử biệt sinh ly có thể là những điều gắn chặt. Tôi gửi cho bạn bè một số cuốn băng để tặng, như một sự chia sẻ. Nào ngờ, người nọ chuyền tai người kia, họ gọi cho tôi và mua băng. Tiền gửi về lúc đó cũng rất nhiều. Tôi vẫn nghĩ đó đơn thuần chỉ là động viên, an ủi.
Còn 70 cuốn, lúc đó tôi cũng chẳng biết làm gì. Tôi lái xe qua Trung tâm băng nhạc Thanh Lan, giới thiệu tôi là ca sĩ mới, tên là Kim Anh và mong họ mua băng với giá 4 đô la/ cuốn (tiền công thu là 4,25 đô la). Bà chủ còn hỏi: “ Kim Anh Ba Con Mèo phải không?”, tôi nói không phải. Tôi đưa 10 cuốn cho bà nghe thử, nếu được thì bà lấy, không thì thôi. Khi tôi đi được 10 cây số, bà lái xe theo và nói có bao nhiêu bán hết cho bà, bà sẽ trả 4,5 đô la/ cuốn. Tôi nổi tiếng với Mùa Thu lá bay bắt đầu từ đó.
Tai ương, hồi sinh và hủy diệt
- Sự nổi tiếng mang lại danh vọng, tiền bạc nhưng cũng có thể gây không ít tai ương cho người nghệ sĩ. Hình như, trong những năm đó, cũng có rất nhiều biến cố xảy đến với cuộc đời chị?
- Chính xác là những tai ương xảy đến từ những ngày tôi cầm đồng tiền đầu tiên của nghiệp cầm ca. 8-1-1978, New York có bão tuyết, tất cả xe cộ ngoài đường hầu như không lưu thông được nữa. Đúng lúc đó tôi gặp người hàng xóm đang đỗ xe trong garage và cho tôi đi nhờ về nhà. Khi qua cầu, đúng lúc gặp bão xoáy, xe bị quay rồi va vào thành cầu. Gần 3 năm trời tôi sống trong nhà thương, không một người quen thân bên cạnh, sống chủ yếu nhờ lòng tốt của thiên hạ. Toàn cơ thể tôi lúc đó chi chít vết thương. Chân tay liệt. Đầu vẹo. Mặt chi chít vết khâu, 285 mũi. Lưng cong. Nói chung, nghĩ về cái chết khi đó, tôi còn thấy nhẹ hơn việc nghĩ mình sống.
Bác sĩ sợ tôi cắn lưỡi tự tử nên suốt ngày để nẹp miệng. Họ nói, giờ nếu bắt vít vào cánh tay thì lưng cong suốt đời. Mà chữa cho lưng thẳng xem như tay bị liệt. Tôi nói, có tay mới làm được việc, chứ lưng cong cũng chẳng sao. Lúc này tôi nghĩ rằng, cả cuộc đời tôi chắc cũng mãi gắn với chiếc xe lăn. Nhưng tôi chợt nhớ, mình còn giọng hát. Dù thế nào cũng phải sống để mà hát, kể cả hát rong kiếm tiền nhưng trước hết là phải sống.
- Vậy làm thế nào mà chị thoát khỏi chiếc xe lăn và đặc biệt là sống qua những ngày “phế nhân” khi không có một người thân nào bên cạnh?
- Thời gian đó, ông chủ nhà hàng qua thăm tôi trong bệnh viện, quyết bảo lãnh tôi được hát vì lý do rằng, chỉ có hát cô ấy mới cảm thấy được sống. Họ cho người đến bế cả xe lăn, tôi hát Diễm xưa cùng nước mắt của khán giả, nước mắt mình, nhất là đoạn “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Đi hát, ý chí thúc tôi phải thoát khỏi cái xe lăn càng sớm càng tốt. Tôi muốn được đứng lên, muốn được đi ra, muốn được bay nhảy với những giai điệu như trước đây. Có lẽ, ông trời chơi khăm, muốn bắt tôi hát nhạc buồn suốt đời, nên cứ để tôi ngồi, và hát là đủ. Mỗi tối, trước khi lên sân khấu, tôi phải uống rượu. Uống để quên mình buồn nhưng càng uống càng thấy tỉnh. Dần dần, rượu thành người bạn không thể thiếu mỗi lần lên hát.
Một bác sĩ người Do Thái vào thăm tôi trong bệnh viện và quyết cãi trước tòa để tôi được ra ngoài tìm bác sĩ chữa trị cho mình để có cơ hội cất tiếng hát hàng đêm. Đúng lúc ấy, có một cậu người Đài Loan thích nghe tôi hát Mùa Thu lá bay ở nhà hàng, quyết đón tôi về ở để có bác sĩ chăm sóc cho tiện.
Được 2 tuần, người nhà cậu ở Đài Loan có công chuyện nên cậu phải về đó, không biết khi nào trở lại. Vừa gặp quý nhân chưa lâu thì như thế, tôi rất hoang mang về phần mình. Đứng không đứng được. Đi không đi được. Lúc đó, tôi chỉ ước cứ ngồi thế mà chết cho rồi. Đúng lúc hoang mang nhất, tôi nghe dưới nhà có hai người nói tiếng Việt. Họ nói “địa chỉ này đúng là nơi cô ca sĩ Kim Anh hát trên xe lăn ở đây”. Họ qua thăm, biết được tình hình tôi, họ nói: “Thôi, cô về nhà anh chị mà ở. Đừng ngại gì, đời người ai chẳng gặp lúc hoạn nạn”. Tôi mừng quá, xỉu luôn.
Về nhà, ba cô con gái của ông bà thay nhau đút cơm cho tôi ăn. Hai năm ròng được quý nhân cưu mang, chữa trị, đến khi cắt băng, tôi xin đi chứ không làm phiền quý nhân của mình thêm nữa. Ba năm trời đau đớn, ngồi cho người ta khoan từng mũi vào xương và ngủ ngồi, đến lúc ráp xương, được ngủ nằm, là một hạnh phúc lớn nhất đời khi đó. Tôi ngủ vùi 4 đêm, 5 ngày, nhiều người cứ nghĩ là tôi chết. Không, tôi đã hồi sinh sau một quãng đời tưởng chừng như chẳng bao giờ có ngày này.
- Sự hồi sinh này có làm cho giọng hát chị vui lên, hay vẫn cứ buồn như những ngày “thân em giờ hoang phế, lê theo thời gian giông gió”?
- Một sự hồi sinh mới, nhưng lại bắt đầu một cuộc hủy diệt. Thời gian trong bệnh viện các bác sĩ đã cho tôi dùng thuốc lá và ma túy để quên đi cơn đau. Tôi nghiện là tại tôi, cũng chẳng trách các bác sĩ được. Mình lạm dụng vô ý thức, trở thành một con nghiện. 4 năm trời vật vã với ma túy, bao nhiêu tiền làm ra, vừa hỗ trợ gia đình khi ba tôi mất, còn bao nhiêu tôi nướng hết vào ma túy. Rồi các fan, họ cũng thể hiện lòng hâm mộ bằng việc tặng tôi…ma túy.
Năm 1984, sau một cơn sốc, tôi tỉnh dậy và tự nhủ, không thể thế này mãi được. Một là chết, hai là sống. Bĩ cực đau đớn mình đã chiến đấu để giành quyền được sống, nay sống như thế này thì thà chết còn hơn. Tôi quyết đi Pháp cai. Tôi ôm bọc ma túy đi lang thang và tìm đến một nghĩa trang quân đội ở miền Đông nước Pháp, quyết sống tách biệt để thử sức chịu đựng. Tôi được gia đình người quản trang cho ở lại, họ không hề biết tôi nghiện mà chỉ biết tôi đến xin một việc để làm. Tôi vào toilet, đổ bọc ma túy xuống bồn cầu và giật nước. Rồi tôi ôm lấy bồn cầu ngồi khóc, như thể lần này mình không thể sống nữa. Sau đó, cơn nghiện bắt đầu vật. Ông bà chủ biết, còn hỏi tôi có muốn không thì đi mua thuốc cho, tôi lắc đầu quyết không và quyết cai cho bằng được.
Sau 8 tháng, tôi từ bỏ ma túy mà không cần một viên thuốc. Đáng lẽ, tôi đã ở lại nước Pháp và an phận. Nhưng rồi, cơn bĩ cực này qua lại là những cơn bĩ cực khác.
Người đàn bà tìm con
- Không lẽ, cả tuổi thanh xuân của chị là tai ương, ma túy, thuốc lá và rượu? Suốt một quãng đời lúc đó, không có ai là người đàn ông của riêng chị ư?
- Thực ra năm 1970 tôi đã có chồng và năm 1972 tôi đã sinh con. Lúc sang Mỹ tôi chưa có bằng tú tài, nên hoặc sẽ phải có người bảo lãnh để ở lại, hoặc sẽ bị trục xuất. Có một người rất thương nói rằng : “Thực lòng tôi không muốn cưới em vì trông em trẻ trung hồn nhiên quá. Nhưng để giúp được em, tôi không ngại gì cả” Một năm sau thì tôi sinh con.
Cuộc sống không có tình yêu nên gia đình có cũng như không. Đứa con để lại cho anh nuôi. Tôi học xong, lang thang theo nghiệp cầm ca và quên mất rằng mình cũng đã có chồng. Khi bị tai nạn, tôi chợt nhớ ra dù gì tôi cũng có thứ quý giá nhất trên đời là con, thì cũng éo le thay anh đã lấy vợ khác và tôi không biết cách nào để liên lạc với anh cũng như gặp con mình.
Tôi thỏa hiệp với cả nỗi đau này để được sống. Khi rời khỏi chiếc xe lăn, việc đầu tiên là đi tìm con. Lúc lần ra dòng địa chỉ, gặp phải cô vợ anh vốn rất ghen tuông nên ba lần bảy lượt muốn gặp con mình mà không thể được. Tôi nhờ đến luật sư và phải năn nỉ ông bằng cách này hay cách khác để tôi được nhìn thấy con tôi ngay. Khi ra tòa, tòa nói, với sức khỏe hiện tại tôi không thể nuôi con và cho tôi một ân huệ mỗi năm chỉ được gặp con cho đến khi nào khỏi bệnh hẳn. Từ đó, cứ ba tháng hè, con lại về ở với tôi.
Niềm an ủi lớn nhất là, con tôi dù bao năm xa cách, rất ngoan, có hiếu và thương mẹ. Khi tôi làm cuốn băng để gửi về Việt Nam , hai mẹ con cùng nhau ghép vỏ, cùng nhau dán nhãn. Nó học kế toán, hiện giờ sống ở San Francisco, hiện cũng đã có vợ con, sống rất hiếu nghĩa.
- Trải qua bao bi thương như thế, mất mát như thế, cũng đồng nghĩa với việc con tim thời tuổi trẻ của chị không còn chỗ cho tình yêu?
- May mắn là dù bị đẩy đến chốn cùng cực thì cuối cùng ông trời cũng cho tôi được rung cảm dù không kéo dài. Những ngày tôi cai nghiện ở Pháp, người con trai của ông chủ lúc đó đem lòng yêu tôi. Anh là một diễn viên kịch, hơn tôi 8 tuổi. Chúng tôi yêu nhau và tôi sinh cho anh được một đứa con trai.
Cuộc sống của chúng tôi cũng có những ngày hạnh phúc. Anh đi diễn, tôi đi hát. Trong chuyện tình cảm tôi là người nghiêm túc, gia đình anh rất quý tôi ở điều đó. Nhưng rồi một lần anh nửa đùa nửa thật: Ca sĩ đi bốn mùa thế, ai mà tin được có chung thủy hay không. Tôi giận quá, ngày hôm sau mua vé máy bay về Mỹ. Năm nay con cũng đã 23 tuổi và đang học về nhạc. Hai cha con thỉnh thoảng vẫn gặp nhau nhưng tình yêu mà tôi dành cho anh đã chết, có lẽ do tự ái của tôi cao quá.
- Hình như trải qua nhiều biến cố cuộc đời, đã có một thời gian dài chị nghỉ hát? Thực tế là dù chị có xảy ra chuyện gì thì âm nhạc cũng không bỏ chị. Nó là nghiệp với chị. Nhưng cũng có thể nhìn nhận nó là một sự cứu rỗi?
- Năm 1989 mẹ tôi đau nặng, tôi về Việt Nam tính nghỉ hát luôn nhưng sân khấu đã không phụ tôi. Có một người rất mê tiếng hát của tôi làm hẳn cho tôi một talk show Tâm tình với Kim Anh . Tiếng hát của tôi có dịp được hội ngộ khán giả dù gián tiếp và những băng hình tôi thu cũng từ thời điểm này. Nhưng năm 1992, mẹ mất, tôi sock nặng nên nghỉ hát luôn.
Không hát, cuộc sống rơi vào cơ cực, nên năm 2005, tôi xin đi hát trở lại. Tôi gọi cho Trúc Hồ nói tôi đã thực sự mệt mỏi, muốn lấy một số hình ảnh trong cuốn băng cũ làm băng, rồi lên sân khấu trở lại. Nhạc sĩ Anh Bằng nói, ai chứ Kim Anh thì nên giúp nó. Khán giả lúc này không ít người nghĩ tôi bê tha nghiện ngập nên cũng không muốn gần. Tôi lấy mọi can đảm để hát. Bộ trang phục cũ, nhưng hợp với bài hát, và giọng hát vẫn còn đủ độ say nên khán giả lại thương tôi trở lại như năm nào. Và bây giờ, trong nghệ thuật, tôi đang hồi sinh.
- Và bây giờ, khi sự nghiệp hồi sinh, cũng là lúc chị phải đối diện với sự cô độc của mình?
- Không. Thực tế lúc này tôi đã bớt phần cô độc. Đúng hơn, dù không được sống trong cảm giác tình yêu mà vẫn thấy mình đang được nhận. Tôi hát khỏe hơn, mãnh lực hơn trước và vẫn cái tật xấu, mỗi lần lên sân khấu là phải uống rượu. Tôi không say bao giờ, càng uống càng tỉnh và càng hát hay hơn. Giờ này về Việt Nam, tôi đã, đang và sẽ đến các vùng sâu vùng xa hát cho đồng bào, ở những nơi họ không có điều kiện xem ca sĩ, nghe ca sĩ hát.
Tôi cũng tri ân với những người đồng hành với trái tim tôi trong một khoảng thời gian ngắn ngủi hay không ngắn ngủi thì tôi vẫn thấy trái tim mình vẫn còn biết nói với tình yêu. Người gần người đấy nhưng tôi thấy một ai đó thực sự hiểu và cảm thông với tôi vẫn còn ở đâu đó xa lắm, gần hết một đời người mà tôi vẫn chưa thấy. Hay để đến lúc tôi chết đi, người đó sẽ là người đặt hoa hồng vàng trên mộ tôi? Nếu như vậy, thì hạnh phúc có phù phiếm quá với một cõi người không nhỉ?
- Cầu mong chị tìm được một hạnh phúc thực sự. Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Trên đường từ Huế về làng, ghé vô cái quán cà phê chẹp chẹp ở chợ Tây Thành nghỉ chân và từ chiếc loa của quán giọng ca da diết của Quang Lê cất lên: “Đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo. Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi. Đường xưa lối cũ có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài. Đường xưa lối cũ có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai”…Anh bạn là người thành phố vỗ đùi cái bép: “Tau nghe bài ni nhiều rồi nhưng chỉ có trong khung cảnh thôn dã như thế này nó mới thấm…”.
Hồi nhỏ mình nghe nói đến thứ nhạc vàng chi đó là loại nhạc cấm kỵ. Nhưng đã cấm thì tất sẽ có người nghe chui. Đầu xóm mình có nhà máy xay xát gạo của chú Khôi. Chú có cái máy cátxét nho nhỏ.nên mình cũng bập bõm ít lời: “Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê. Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về…”.
Mình chỉ biết nhạc hay, dễ hát theo nên hỏi mấy người lớn: “Răng nghe nhạc mà ai cũng sợ sợ rứa?”. Chú Túy nạt: “Mi con nít biết cái chi, lần sau hỏi nữa tau đuổi ra khỏi đây…”.
Xóm quê mình hồi trước sống thiệt chan hòa. Ví như nhà ai có con heo tự nhiên lơ ăn phải mổ thịt là cả xóm cùng chia phần, mỗi người một ít đến mùa đong lúa, chia sẻ cái xui cho hàng xóm. Mỗi lần có dịp vui, cả xóm họp mặt làm vài chai xị đế.
Ôn Thắng là chủ tịch xã nhưng rất hòa đồng: “Uống rượu mà không hát hò thì uổng. Tui thì tui chỉ thuộc mấy bài hát kháng chiến nhưng mấy chú, mấy o cứ hát tự nhiên; bài chi hay, tình cảm nhẹ nhàng thì hát chớ đừng có ngại…”.
Rứa là đêm nớ xóm mình chơi bolero gần suốt sáng. Mà có đàn điếc chi mô, chỉ mấy cái muỗng gõ leng keng mà bài mô bài nấy vô ngọt dễ sợ.
Mình nhớ nhất đoạn chú Dũng hát: “Theo năm tháng hoài mong – Thư gởi đi mấy lần – Đợi hồi âm chưa thấy – Anh ơi nhớ rằng đây – Còn có em đêm ngày – Hằng thương nhớ vơi đầy…” mà o Thẻo mắt ngân ngấn nước, hát nhẩm theo chồng như nhớ về cái thời hẹn hò đã xa.
Hèn chi nhiều người nói: “nghe dạc mà dớ dau!” (nghe nhạc nhớ nhau) là ri đây…
Hồi trước thanh niên ở làng muốn đi gò gái thì phải lận lưng dăm ba bài bolero để giao lưu. Eng mô khô khan quá thì cũng cất lên được đôi ba câu kiểu: “Tôi với nàng hai đứa nguyện yêu nhau, tha thiết từ đây cho đến ngày bạc đầu”.
Rứa mới có chuyện có eng đi gò không nói năng được chi cả, chỉ ngồi uống nước chè rồi dịp dịp (nhịp nhịp) chân mần đôi ba khúc bolero rứa mà em cũng xuôi lòng mới hay…
Thì mình đã nói rồi bolero là dạc để dớ dau (nhạc để nhớ nhau) dễ đi vào lòng người, phù hợp quang cảnh của làng quê, nó nói hộ lòng thành bằng những ngôn từ và giai điệu đơn giản nhất…
Nói thiệt, muốn khắc họa chân dung của một làng quê xứ Huế thì phải có nhạc bolero. Ở Huế có câu hay “bolero chợ Nọ”. (Chợ Nọ là một chợ nổi tiếng của làng Dương Nỗ, ven Huế thuộc Phú Vang) ý nói nhạc bolero là nhạc quê mùa.
Nhưng bolero cũng là nhạc của phố thị, những phố thị nghèo và buồn: “Buồn vào hồn không tên – Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời – Đường phố vắng đêm nao quen một người – Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời”.
Nhớ cái hồi cuối năm lớp 12, trong nhà mình chong đèn dầu học bài ôn thi đại học, ngoài xóm mấy thằng bạn đi tán gái về cứ lê thê: “Tuổi em cũng như hoa mới nở – Vạn người thầm mong được đưa đón chân em – Xót xa anh còn trắng tay hoài – Sách đèn nợ chưa dứt, nên lận đận truân chuyên” nghe buồn răng là buồn…
Hàng xóm mình có bác Chiu, nông dân thứ thiệt nhưng mê nhạc bolero như điếu đổ. Ngày mùa dẫn trâu đạp lúa không cần “tắc, ri, hò” mà cứ hát toàn nhạc bolero từ “Trăng rụng xuống cầu” đến “Em gái miền quê cuộc đời trong trắng” mà trâu cứ đi ngon ơ thiệt lạ…
Có lần mình về làng ngồi nhậu với mấy thằng bạn trong xóm rồi xin hát một bài nhạc Trịnh.
Nghe xong có thằng nói: “Tau không nói là bài ni mi hát không hay nhưng nó không hợp với cuộc nhậu ni! Không hợp với tụi tau, phải hát như ri nì: “Tôi xin đa tạ ngày nao súng phải thẹn thùng, ngày nao súng phải lạnh lùng. Nắng hạ vàng rưng rưng mây trắng. Ôi mây xóa tóc nghiêng nghiêng. Xin đa tạ người em bé bỏng mặn mà, người em bé bỏng thật thà. Nắng hạ vàng rơi phủ bờ vai. Lời ai ru gió hiu hiu buồn…”.
Tiếng hát nghe não nề trong tiếng ghita bập bùng và cả tiếng gõ muỗng lanh canh hòa nhịp nhưng mà đúng là bài hát quá hợp với cuộc nhậu. Vừa nghe hát vừa tợp một ly rượu gạo nhấm nháp với món trìa xào khế chua mới thấy thấm làm sao… (ST online)
Ta vốn dĩ là con chiên không ngoan đạo Nếu lỡ lên thiên đàng cũng chỉ vì em.
Tôi đi đạo theo cái kiểu đó, nhưng khi bị vào hộp sau 30-4 vẫn bị kể là một thằng “Bốn có” của trại cải tạo. Đó là: có du học; có phi pháo; có Công giáo; có Bắc Kỳ di cư
Ba có đầu thì tôi không phàn nàn, nhưng ghép tôi vào tội Bắc Kỳ di cư thì quả là oan ơi ông địa.
Vốn sanh đẻ ở Bình Dương, nhưng ngụ cư ở Cái Sắn với những người di cư năm 54, nên mấy đứa cùng lớp kêu anh em tôi là “thằng Nam”. Nhờ gần mực thì đen, gần đèn thì tối, nên mấy năm sau tôi chửi thề và nói tục bằng tiếng Bắc còn ngon hơn tụi nó nhiều.
Ngày thi tiểu học, cần có khai sinh để nộp đơn, má tôi dụ khị được hai ông Trùm Khờ của xứ đạo đi xuống toà Hoà Giải Rộng Quyền của tỉnh Kiên Giang mà thề rằng: Tôi đẻ ở tỉnh Bùi Chu ngoài Bắc.
Thế là tôi nghiễm nhiên trở thành thằng Bắc Kỳ di cư với tờ Thế Vì Khai Sanh ghi sinh quán là làng Địch Giáo, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Bùi Chu.
Khi lên học trên Sài Gòn, mấy thằng Nam Kỳ Quốc muốn chọc quê tôi, cứ chờ khi có mặt mấy đứa con gái, giả làm một ông già hút thuốc lào rồi nói:
– Thuốc lào Cái Sắn! Say!
Đó là câu quảng cáo mà ta hay thấy ở chợ Ông Tạ hay đầu ngõ vào xứ Bùi Phát đường Trương Minh Giảng.
Có khi tụi nó còn hợp ca:
– Ai bảo Di Cư là khổ, di cư sướng lắm chứ/ Ngồi tàu bay ta vào miền Nam/ Lòng ta sướng nao nao/ Rau muống trong Nam lại nhiều, mà người Nam không biết/ Ước mong sao, rau muống lên cao, tăng sức mạnh cần lao ….
Những lúc đó tôi cầu trời khấn Phật cho mấy thằng giá sống kia thi rớt để vô Quang Trung cho đáng đời.
Sau bao nhiêu năm quân ngũ với bao lần sưu tra lý lịch, tôi vẫn yên trí rằng mình sinh ở tỉnh Bùi Chu. Mãi cho đến ngày sập tiệm, có một anh Bắc kỳ chính hiệu Bà Lang Trọc cho tôi biết là ở ngoài Bắc làm gì có tỉnh Bùi Chu, Giáo Phận Bùi Chu thì có.
Tôi thắc mắc: Bùi Chu là Giáo phận hay họ đạo nhỏ bé là thế mà sao đi đâu cũng thấy địa danh dính dáng tới nó??
Tôi ở xứ Tân Chu, bên kia sông là Tân Bùi, bác tôi ở trên Bùi Phát SG, ở gần Nghĩa trang QĐ Biên Hoà còn có Bùi Thái nữa.
Người Bắc Bùi Chu đặt tên ngộ lắm: Ông Bứa có thằng em là ông Bỉnh, hai thằng con ông là thằng Vênh, thằng Váo. Kêu tên cả gia đình ông ra thì dân anh chị nghe cũng phải phát rét.
Ông anh rể tôi tên là Yêm, anh ông tên là Uông, bố tên Am, tên cả nhà: Am Uông Yêm nghe cứ như bản nhạc ếch nhái kêu ngày mưa đầu mùa dưới ruộng vậy.
Ngôn ngữ người di cư hồi đó cũng khó hiểu: Cái thước thăng bằng của thợ nề họ kêu là cái Li-vô (level), cái gào mên ăn cơm của lính họ gọi là cái Lập-là (plate): Tôi vào khoá 69A Hoa tiêu thì họ gọi là Lái Phi Công!!!
Gần nhà tôi có ông hàng xóm tốt bụng nhưng coi bộ ông ganh với má tôi lắm, chỉ vì bà là đàn bà goá mà dám có đứa con “Bay được lên giời”.
Thỉnh thoảng để tự an ủi hay để an phận, ông thở dài nói: – Bay lên giời! Kinh bỏ mẹ!
Nếu có ai hỏi tôi bay bổng ra sao, tôi thường cười rồi lập lại câu nói ngày xưa của ông: Kinh bỏ mẹ.
Thực ra đời bay bổng, kể cả đi bay lẫn đi máy bay có những cái vui, nhưng cũng có những nỗi lo sợ ít ai chối cãi được.
Tính tôi nhát cáy, mà sao ông trời cứ cho tôi gặp những sự bủn rủn tay chân. Hôm chở ông Tư lịnh Sư đoàn từ Tân Uyên sang Lai Khê họp, mới qua khoảng Bố Lá thì trần mây thấp quá nên phi cơ chỉ bay cao khoảng 1000 bộ, đạn VC nổ như bắp rang dọc theo một tuyến thật dài cả cây số. Ngài Tư Lịnh hoảng quá vội lấy tấm bản đồ hành quân che lên mặt để… tránh đạn!
Thử hỏi gặp cảnh như thế bố thằng nào lại không sợ. Nhất là khi đáp xuống Lai Khê kiểm lại: Thân tàu lãnh hơn 10 lỗ đạn.
Đi hành quân Kampuchia, gồm 1 C&C, 2 gunships, và 4 slicks khởi hành từ Biên Hoà trực chỉ Tây Ninh. Ông C&C muốn dẫn bầy rồng rồng đi le gái nên dõng dạc ra lệnh:
– Bay theo quốc lộ cho an toàn.
Một hợp đoàn gồm bảy chiếc bay rà rà sát mặt đường, thỉnh thoảng lơ xe đò nhìn lên có vẻ ngưỡng mộ lắm.
Ngang Trảng Bàng, chiếc Lead la lên:
– Sương mù nhiều quá. Ê! C&C làm sao bây giờ??
– Lead cứ bay tới; thằng một quẹo trái; thằng hai quẹo phải; trail bốc lên cao.
Gunships bay sau la hoảng:
– Tụi tao kè hai bên, thằng nào quẹo, tao húc!!
Tôi bay trail (chiếc cuối cùng) nghe thế hồn phi phách tán, bèn bốc tít lên tận trời xanh, mặc cho sương mù dầy đặc..
Khoảng hai phút sau, văng ra được một lỗ mây, to hơn cái dạng háng của thím Tư Nãi, mừng thầm. Bỗng thấy một chiếc UH từ cụm mây bên kia bay cái vèo bên hông và lủi tuốt vào vùng mây khói âm u.
Trong cảnh này có ai dám nói là mình không sợ??
Chàng Xạ thủ ngồi đằng sau, đái ra chiếc “Phi bào” sau khi kêu lên được một câu:
– Chúa ơi!
Nhờ vận số hên, (hồi đó tôi cứ tưởng là do tài bay bổng của mình) bốn Tề Thiên tụi tôi cũng đằng vân lên được bên trên mây, có điều không thằng nào đoán nổi là núi Bà Đen nó nằm ở chỗ nào phía dưới.
Sợ cảnh “Đi không ai tìm xác rơi” nên chiếc UH cứ bay vòng vòng trên mây hoài. Khốn nỗi là xăng có hạn, làm sao bây giờ?
Chúa ơi! Nếu có thiêng thì cho người đi kiếm xác bọn con, trước sau gì con cũng phải đục mây chui xuống. Tôi chuẩn bị làm một kỳ công tối kỵ của ngành phi hành: Chui mây.
Có lẽ lời cầu được Chúa thông cảm vì: Dù sao thì chúa cũng Một thời làm trai tơ Dù sao thì chúa cũng Là đàn ông dại khờ (Thơ trích)
Sau một hồi vật lộn với mây, bọn tôi cũng xuống được đất an toàn.
Anh chàng Xạ thủ nói:
– Vợ em nó bảo Giời vật em cũng không chết. Thiêng thật!
Những chuyện như thế, không gọi là sợ thì gọi là gì?
***
Sang Mỹ, mỗi lần có dịp đi máy bay, tôi hay lén nhìn ra phi đạo xem chiếc phi cơ chở mình có mở nắp ca bô lên không, vì theo kinh nghiệm ngoài xa lộ, cứ chiếc nào có cái hood mở lên là y như rằng chết máy.
Đúng ra mấy hãng máy bay Mỹ, nếu thấy phi cơ không đủ tiêu chuẩn cất cánh thì cũng nên lôi vào chỗ kín kín mà sửa, đừng để cho khách thấy, nếu sợ tốn thì giờ thì cứ bay đại đi rồi tính sau.
Chuyện bay đại ở VN thì Kỹ Thuật KQ làm là thường.
Tôi nhớ có lần hành quân ở Chơn Thành, cái đèn Chip Detector báo đỏ, phải gọi Kỹ Thuật Biên Hoà lên sửa, ông Thượng Sĩ già ung dung trèo lên phòng lái, nhẹ nhàng rút chiếc cầu chì ra cho đèn tắt rồi bảo:
– Trung uý cứ bay về đi.
Tôi cự lại, thì ông nói máy bay này chỉ bị mát, chứ không có hư và để bảo đảm lời nói của mình, ông sẽ leo lên bay về chung với tôi. Ông ta còn giải thích:
-Điện có mát thì chỉ cháy thôi, chứ không nổ trên trời như khi có mạt sắt trong máy.
Về VN năm nào, nhớ lại nghề bay bổng nên cứ mỗi lần nhìn thấy phi cơ trên trời là lòng tôi lại thấy nao nao. Tôi hỏi thằng em ruột:
– Rạch Giá đi Sài Gòn, thuê xe hơn hay mua vé máy bay hơn?
– Máy bay hết 45 phút, xe chạy hết bốn tiếng, tiền thuê xe bằng tiền mua vé máy bay.
Tôi quyết định đi máy bay của Nga cho biết với người ta.
Sáng thứ tư tôi chuẩn bị cho thằng em đưa ra phi trường Rạch Sỏi để đi Sài Gòn, nó nói:
– Không biết hôm nay có máy bay không.
– Sao mày nói nó bay mỗi thứ tư và thứ bảy?
– Ừ, đó là chương trình, còn nó bay hay không thì chưa biết.
Chờ ở phi trường chừng nửa tiếng thì chiếc phi cơ khá lớn đáp xuống phi đạo. Tôi làm thủ tục lên tàu, vé mang số 5 ở tuốt hàng đầu, thiên hạ chen nhau lên trước nên khi tôi lên đến nơi thì không còn chỗ. Cô tiếp viên nói gia đình họ đi có đoàn, tôi đành nhường chỗ và theo cô xuống phía dưới.
Cô khá xinh, chỉ cho tôi vịn vào chiếc cột nhôm gần đuôi chiếc máy bay để cô xếp chỗ.
Một lúc sau viên phi công hầm hầm đi xuống từ phòng lái, cự nự: – Các cô làm ăn thế này thì chết cả lũ.
Một cô mặc áo màu xanh, nhân viên phòng vé dưới đất (hồi xưa Tiếp viên Hàng không đi bay thì mặc áo màu xanh, còn bây giờ họ lại đổi màu hồng) năn nỉ:
– Anh Ba thông cảm cho em chuyến này, chuyến sau em làm tốt hơn.
– Chuyến sau! Chuyến sau! Quá tải có ngày chết cả lũ.
Viên phi công hậm hực trở lên phòng lái, chiếc phi cơ gầm lên lao nhanh trên phi đạo rồi rời khỏi mặt đất.
Tôi nhìn qua cửa máy bay, sống lại cảm giác hồi mình còn ở trong Không Quân, bay liên lạc đáp xuống phi trường Rạch Sỏi này. Có khác chăng là ngày xưa thì ngồi, còn bây giờ thì đứng ôm chiếc cột trong thân tàu.
Chuyện phi cơ quá tải ở VN là thường, tôi đã từng chở 18 người từ An Lộc về Lai Khê, trong khi UH chỉ có 9 chỗ ngồi mà có sao đâu.
Phi cơ không về SG ngay mà lại ra Phú Quốc. Lỗi này là tại tôi không đọc kỹ vé. Hàng Không Dân Dụng có ghi rõ tuyến đường là: HCM-Phú Quốc-Rạch Giá-Phú Quốc-HCM. Có nghĩa là máy bay từ SG ra tới Phú Quốc đổ khách, bốc khách về Rạch Giá, đưa khách từ Rạch Giá ra Phú Quốc rồi mới vòng về SG.
Không đọc kỹ vé thì không kêu ca vào đâu được. Có điều bay từ Rạch Giá ra Phú Quốc thì được free, cho dù là đứng hay ngồi.
Tôi cũng chẳng phàn nàn gì về cái ghế trên phi cơ, vì cô tiếp viên cũng ôm chặt cái cột khi máy bay cất cánh như tôi. Tôi hỏi:
– Cô bay tuyến này khá không?
– Chả có gì đâu anh ạ, bay tuyến quốc ngoại mới ăn, nhưng đỡ hơn bay tuyến ngoài Bắc.
– Sao thế??
– Tuyến ngoài Bắc khách cứng đầu lắm, nói thế nào cũng chẳng chịu nghe.
Cô ta làm tôi nhớ tới một ông “Bắc Kỳ Di Cư”, y hệt tôi đi trên chuyến Hồng Kông – Sài gòn trước đây một tuần. Trời SG tháng bảy nóng như đổ lửa mà ông mặc bộ com lê đầy đủ. Khi chuyển máy bay ở Hồng Kông, ông ngồi lộn ghế, tiếp viên năn nỉ thế nào cũng không chịu đứng lên, cuối cùng cô tiếp viên đành chào thua để ông ngồi lỳ ở đó. Lát sau ông quay qua phía tôi phân bua:
– Cứ tưởng ông như nhà quê mà bắt nạt. Mẹ, ông mua vé thì ông muốn ngồi đâu ông ngồi chứ!
Tôi hy vọng ra đến Phú Quốc sẽ có chỗ ngồi, tôi lại lầm vì có lẽ VN đang trên đà đổi mới nên làm ăn khấm khá, tuyến nào cũng đầy khách.
Tôi lại đành làm anh hùng đứng ôm cột với cô tiếp viên như khi còn nhỏ chơi Thả Đỉa Ba Ba vậy.
Khi phi cơ trở ra cuối phi đạo để cất cánh, tôi dòm ra thấy có hai viên công an chạy hai chiếc Honda kề bên hông nên hỏi:
– Họ làm gì vậy?
Cô giải thích:
– Họ chạy theo để chặn bò. Đôi khi phi cơ cất cánh, mà bò chạy ra trên phi đạo thì cũng có… vấn đề đấy.
Tôi hỏi bò của ai mà vào được cả trong phi trường, cô trả lời không biết, chắc là của Công an.
Khi đáp xuống Tân Sơn Nhứt tôi mới khám phá ra một sự lạ nữa, là không phải chỉ có tôi và cô tiếp viên không có ghế, mà ở tuốt trên hàng ghế đầu, đặt nằm dưới sàn có một cái băng ca, trên đó nằm đưỡn đừ một bệnh nhân đang thiêm thiếp. Có lẽ ông này được khiêng lên ở Phú Quốc lúc tôi ngồi trong phòng đợi.
Người ta khiêng ông xuống và chiếc băng ca được đặt nằm trên mặt đất ngoài phi đạo thi gan cùng nắng gió và bụi, hình như chờ xe thuê bao đến chở đi nhà thương.
Vị chi chuyến này có ba người ngồi ghế SÚP, y hệt lơ xe đò ngày xưa ráng nhét hành khách vào giữa hai hàng ghế!!
Tôi rời nhà lúc 7g sáng, phi cơ đáp Tân Sơn Nhứt khoảng 12g trưa, vậy là khoảng 5 tiếng đồng hồ. Lâu hơn đi xe, có điều là được đi một đoạn miễn phí và học hỏi được đôi điều thú vị.