“Không có tuổi nào cho người viết nhạc tình, vì tình yêu làm gì có tuổi và vì tuổi nào không là tuổi của tình yêu.”
Du Tử Lê đã từng viết về NS Tuấn Khanh: “Trong đời riêng mỗi chúng ta, mấy ai không ít nhất một lần, cất tiếng hỏi: “cớ sao tình nỡ quay lưng?- Câu hỏi dành cho tình yêu, chứ không phải cho người yêu. Câu hỏi dành cho sự tha thiết, lẽ sống chết của tâm hồn ta, của chính ta, chứ không phải cho kẻ phản bội, câu hỏi và cách hỏi đó (của NS Tuấn Khanh), là câu hỏi rất thi sĩ, rất văn chương vậy“.
Tuấn Khanh, Người nghệ sĩ tài hoa ấy vẫn còn dạo lên những khúc nhạc êm đềm bằng thanh âm réo rắt, du dương từ chiếc vĩ cầm yêu quý của mình để đem nhạc tình ghi tràn đầy cung điệu buồn đến với mọi người
Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có thể yêu thích những bài nhạc khác nhau của Tuấn Khanh, mỗi người đều tìm thấy một bài nào mình yêu thích, hay giữ trong lòng mình kỷ niệm nào về một bài hát nào của
Như các bài nhạc làm nên tên tuổi một nhạc sĩ, một ca sĩ, mỗi bài nhạc của Tuấn Khanh cũng phù hợp hoặc gắn liền với giọng hát nào đó. “Hoa soan bên thềm cũ” nghe được vào “thuở ban đầu” qua hai tiếng hát quấn quýt nhau Thái Thanh và Thái Hằng của Ban hợp ca Thăng Long. Tiếp đến là tiếng hát Anh Ngọc, để từ đó trở nên một trong những ca khúc phổ biến nhất, được yêu cầu nhiều nhất trên các làn sóng đài phát thanh, các chương trình đại nhạc hội, các phòng trà ca nhạc một thời nào. “Chiếc lá cuối cùng” được giọng hát… đầu tiên là Thái Thanh gửi đến người yêu nhạc (về sau này giọng nam Sĩ Phú và giọng nữ Lệ Thu vẫn được xem là hai giọng hát gắn liền với bài hát ấy”). “Một chiều đông” được yêu thích qua những giọng Sĩ Phú, Duy Trác, Mai Hương. “Dưới giàn hoa cũ” với Thái Thanh, Lệ Thanh. “Mộng đêm xuân” với Thái Thanh, Duy Trác, Sĩ Phú, Duy Khánh. “Quán nửa khuya” với Thanh Thúy, Duy Khánh. “Chiều biên khu” với Thái Thanh, Lệ Thanh, Nhật Trường, Elvis Phương. “Đồi sim” với Thái Thanh, Lệ Thanh, Thanh Lan. “Những lời ru cuối” với Thái Thanh, Hoàng Oanh, Quỳnh Giao. “Từ đó khôn nguôi” với Hà Thanh, Quỳnh Giao. “Đêm này nghỉ đỡ chân” với Lệ Thanh. “Gọi buồn” với Sĩ Phú. “Chúng mình đẹp đôi” với Nhật Trường…
Có thể nói được rằng không có ca sĩ tên tuổi nào của miền Nam ngày trước mà không từng hát bài nào đó của Tuấn Khanh.
Tất nhiên, ca sĩ đầu tiên thể hiện mọi ca khúc của Tuấn Khanh vẫn là… Trần Ngọc (tên gọi tắt của Trần Trọng Ngọc, tên thật của ông). Ít ai biết tác giả “Hoa soan bên thềm cũ” từng chiếm giải “thủ khoa” trong cuộc thi “tuyển lựa ca sĩ” của đài phát thanh Hà Nội năm 1953. “Thí sinh” Trần Ngọc, 21 tuổi vào thuở ấy, hát bài “Đôi chim giang hồ” của Ngọc ích, và “thí sinh” Thanh Hằng, người đoạt giải nhì, hát bài “Đêm xuân” của Phạm Duy. (“Thí sinh” đoạt giải nhất trong cuộc thi tổ chức năm sau, 1954, là Duy Trác). Cánh “chim giang hồ” Trần Ngọc đã bay một vòng bay quá dài trước khi quay về lại chốn cũ (Hà Nội, 2007) để có cuộc hội ngộ kỳ thú và dạt dào cảm xúc với “cố nhân” Thanh Hằng và cùng ngồi ôn lại chuyện xưa, sau khi chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi một vòng hơn năm mươi năm.
Những người yêu nhạc cuối thập niên 1950’s và thập niên 1960’s hẳn còn nhớ tới ba viên “Ngọc” quý của làng ca nhạc thuở ấy là Anh Ngọc, Ngọc Long và Trần Ngọc, trong đó giọng hát trầm ấm của Trần Ngọc (trong các ban nhạc tên tuổi của đài phát thanh Saigon và Quân Đội) từng cất lên các bài hát quen thuộc như “Trở về thôn cũ” (Nhị Hà), “Cánh hoa duyên kiếp” (Đoàn Chuẩn), “Mơ hoa” (Hoàng Giác), “Người về” (Phạm Duy)… Chương trình “Nhạc chủ đề” về tiếng hát Trần Ngọc của đài phát thanh Saigon do nhà văn Đào Trường Phúc thực hiện vào giữa năm 1970 đã đánh dấu ngày tiếng hát ấy lặng lẽ rời bỏ sự nghiệp ca hát của mình. Gần đây, rất tình cờ tôi được nghe lại giọng hát “vang bóng một thời” ấy qua các bài “Nhạt nhòa” và “Nợ nhau một chút giận hờn” (những sáng tác của Tuấn Khanh về sau này). Giọng hát “ngẫu hứng” nhưng vẫn nghe nhiều rung cảm, vẫn nghe phảng phất chút dư âm của một mùa kỷ niệm.
Cũng ít ai biết, sáng tác đầu tay của Tuấn Khanh là một bài phổ thơ .KH, “Hai sắc hoa Ti-gôn”, cho thấy ở nơi ông, nơi chàng trai 16 tuổi ngày ấy, một tâm hồn yêu thi ca. Có thể kể ra được những bài phổ thơ của ông được yêu chuộng về sau này như “Tôi mở vòng tay” (thơ Tuệ Mai), “Những lời ru cuối” (thơ Nguyễn Đình Toàn)…, và gần đây nhất, “Chọn màu áo” (thơ Nhất Tuấn), “Chiều thứ Bảy xa rồi” (thơ Hồng Vũ Lan Nhi), “Nợ nhau một chút giận hờn” (thơ Phạm Quang Vịnh).
Cũng ít ai biết, ông từng viết lời cho nhạc phim. “Lá thu” (nhạc Đức Hưng, lời Tuấn Khanh), sau đổi tên thành “Mưa lạnh hoàng hôn”, là bài nhạc chính trong phim Mưa Lạnh Hoàng Hôn (1961) của đạo diễn Nguyễn Long (vừa là diễn viên chính, diễn chung với Mai Ly). ài hát được ca sĩ MaiTrường trình bày lần đầu và khá phổ biến với giọng hát Duy Trác về sau này.
Cũng ít ai ngờ, chỉ một năm sau ngày đến Mỹ (1983), nhạc sĩ Tuấn Khanh đã đặt lời cho hơn một trăm bài thánh ca. Chưa hết, vào đúng năm 70 tuổi (2003), cũng chỉ trong vòng một năm thôi ông đã phổ nhạc đến hơn năm mươi bài thiền ca (được phổ biến qua các CD album “nhạc thiền” với những tiếng hát Hà Thanh, Quỳnh Giao, Ngọc Minh, Như Mai, Vân Quỳnh, Thái Hiền, Duy Quang, Anh Dũng…). Điều gì khiến nguồn nhạc hứng trong ông, vào buổi hoàng hôn của đời người, đã chảy xuôi về dòng nhạc tâm linh? Điều gì khiến nguồn nhạc hứng trong ông đến nay vẫn còn dạt dào, còn sung mãn đến mức ấy? Tất cả như nhuốm một vẻ gì huyền nhiệm khiến ngay đến chính ông cũng khó mà giải thích được.
Có lẽ vẫn còn quá sớm để nói được bài nhạc nào là bài… cuối cùng của Tuấn Khanh. Người ta khó mà biết được, hay chỉ biết được rằng, đấy là bài nhạc mà ông… chưa hề viết ra.
* * *
Trước năm 1975, chúng ta có “Hoa soan bên thềm cũ”, có “Chiếc lá cuối cùng”, có “Dưới giàn hoa cũ”, có “Mộng đêm xuân”, có “Một chiều đông”… của Tuấn Khanh. Sau năm 1975, chúng ta có “Nỗi niềm”, có “Nhạt nhòa”, có “Từ đó khôn nguôi”, có “Tháng Chín dòng sông”, có “Nợ nhau một chút giận hờn”… Nguồn nhạc hứng trong tim chàng nghệ sĩ ấy vẫn chưa có lúc nào vơi cạn. Trái tim chàng nghệ sĩ ấy vẫn chưa có lúc nào “già”, và vẫn như những phím đàn nhạy cảm, chỉ cần chạm nhẹ đến là đã rung lên những nốt nhạc thảng thốt. Có như thế hôm nay chúng ta mới được nghe những “Nỗi niềm”, những “Nhạt nhòa”…, và mới nghe lòng rung động vì những khúc nhạc êm đềm, ngọt ngào như thanh âm tiếng vĩ cầm réo rắt của người nhạc sĩ ấy.
Không có tuổi nào cho người viết nhạc tình, vì tình yêu làm gì có tuổi, và vì tuổi nào không là tuổi của tình yêu.
“Chiếc vĩ cầm không có tuổi”, Tuấn Khanh, tôi muốn được gọi ông như thế. Chiếc vĩ cầm, nhạc cụ được ông yêu quý nhất, đã dẫn ông bước vào thế giới kỳ diệu và mê hoặc của âm thanh, đã dẫn ông bước vào cuộc hành trình âm nhạc dài đến hơn sáu mươi năm, kể từ bài học đầu tiên về nhạc thuật ông học được từ người anh cả ở Hà Nội.
Chiều nay buồn tôi đi tìm ý , người nhạc sĩ ấy đến nay vẫn còn lững thững bước chân trên những lối đi quen để tìm kiếm những giấc mộng đêm xuân.
Tuấn Khanh, ông đã viết nên những khúc nhạc tình ấy bằng những rung cảm thực sự của trái tim mình. Không yêu, không từng trải qua những hạnh phúc và khổ đau vì tình yêu thì không thể nào viết được những khúc nhạc, những câu hát cảm xúc tràn bờ đến như thế.
Hạnh phúc trong nhạc Tuấn Khanh thật đơn sơ và êm đềm như một giấc mơ thanh bình, có trăng soi đầy thềm, có giàn hoa tím xưa chưa phai.
Tình yêu trong nhạc Tuấn Khanh thật dịu êm và phảng phất tựa hồ như hương hoa soan dâng bên thềm / nhẹ nhàng nhưng ngất say.
Xao xuyến và bâng khuâng, dịu dàng mà tha thiết, nhẹ nhàng và lâng lâng như nhắp chút men say của tình yêu, như gối đầu lên những giấc mơ yên bình. N t nhạc Tuấn Khanh là thế, tâm hồn Tuấn Khanh là vậy.