"Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều"
- BỘ SƯU TẬP CÓ THỂ ĐANG BỊ HOEN Ố?
Những giòng nhạc mà quý vị vừa nghe có lẽ hơn một nửa nước Việt Nam đã từng biết tới, nhất là đồng bào miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 bỏ lại tất cả tài sản, mồ mả cha ông để theo đoàn quân chân đất hơn 1 triệu người vào Nam lập nghiệp. Ca khúc “Nỗi lòng người đi” được biết dưới cái tên của nhạc sĩ Anh Bằng ra đời trong hoàn cảnh đó, người nhạc sĩ cắt ruột từ giã người yêu để khi tới Sài Gòn dưới ánh đèn hoa lệ bỗng dưng thấy trơ trọi và mọi thứ biến thành khói mây phù du của một cuộc chia tay.
Những ca từ đậm màu nước mắt ấy được người yêu nhạc tiền chiến cất giữ nó như một tuyệt phẩm trong bộ sưu tập của họ.
Bộ sưu tập ấy hôm nay có thể đang bị hoen ố khi nổ ra vụ Khúc Ngọc Chân, một nhạc công Cello trong dàn nhạc giao hưởng Việt Nam lên tiếng khẳng định ca khúc “Nỗi lòng người đi” nguyên ủy là của ông với cái tên “Tôi xa Hà Nội”. Việc đòi hỏi bản quyền này được nhà báo chuyên về âm nhạc Nguyễn Thụy Kha viết thành bài chứng minh từ những điều mà ông Chân kể lại.
Anh Chân công tác ở giàn nhạc giao hưởng và trong giàn nhạc giao hưởng anh em vẫn biết như anh Hồ Quang Bình, anh Quang Tôn… tất cả mọi người đều vẫn biết bài này là của anh Khúc Ngọc Chân từ năm 1954, họ vẫn hát với nhau mà…
-Nhà báo Thụy Kha
Câu chuyện nhuốm vẻ tiểu thuyết lãng mạn thời Thơ Mới của ông Khúc Ngọc Chân và cô gái mang tên Nguyễn Thu Hằng khiến nhạc phẩm trở nên huyền ảo hơn. Nhân vật Thu Hằng tuy đã mất vào năm 1969, bốn năm sau khi nhạc phẩm của Anh Bằng xuất hiện tại Sài Gòn như mọi người yêu nó đều biết, được nhắc lại bằng một cái tên mới và sinh nhật nó cũng mới: “Tôi xa Hà Nội” của Khúc Ngọc Chân được sáng tác vào tháng 10 năm 1954 tại Cầu Đất Hải Phòng, khi tác giả lặn lội từ Hà Nội về Hải Phòng để tiễn nàng và gia đình vào Nam. Trong không khí buồn bã u ám của buổi chia tay, nhạc phẩm ra đời và Thu Hằng mang theo với nàng vào Sài Gòn hoa lệ.
Ông Khúc Ngọc Chân trình bày với chúng tôi về sự việc này:
“Lúc bấy giờ tôi có người yêu là cô Thu Hằng, tôi được tin cô Hằng đi theo gia đình để chuẩn bị di cư vào Nam. Tôi mới hỏi xem ở đâu, sau đó tôi biết ở Cầu Đất dưới Hải Phòng và cũng gặp được ngay. Tôi biết cô ấy lúc bấy giờ mới 16 tuổi còn tôi đúng 18 tuồi. Trong hoàn cảnh đất nước vừa giải phóng và tôi thì không thể nào theo được. Chúng tôi có gặp nhau và chúng tôi cũng có đề cập với cô ấy là thôi thì cứ vào trước trong ấy vì cô mới 16 tuổi còn tôi mới trường thành không thể nào tách rời gia đình được.”
Khi được hỏi ca khúc này được sáng tác vào lúc nào ông Chân cho biết:
“Tôi quen sống vui ca đàn nhạc nên luôn luôn mang theo cây đàn và tiện đó tôi sáng tác bài đó về cô và cũng là bài đầu tiên tôi sáng tác nhạc tình yêu. Tôi viết là “Tôi xa Hà Nội năm lên 18…” viết đúng với hoàn cảnh rất tự nhiên của chúng tôi. Cô Hằng này thì đúng 16. Sáng tác xong thì tôi để cho cô ấy trong hoàn cảnh phải chờ đợi. Hoàn cảnh của tôi là tôi xa Hà Nội xuống Hải Phòng để tìm cô ấy chứ không có ý nghĩ nào muốn đi Sài Gòn cả.
Đến mấy năm sau nữa thì tôi vào công tác thì thấy có một bài hát mà của riêng tôi với cô ấy sáng tác với nhau mới biết. Bạn bè tôi lúc ấy vào năm 1954 cũng biết sau khi cô ấy đi tôi vẫn còn sáng tác mấy bài nữa vì nhớ cô ấy. Đến hai năm sau nữa tôi biết rằng rất khó mà gặp nhau lắm.”
Xa Hà Nội khi nào?
Nhà báo Nguyễn Thuy Kha nói về nguyên nhân khiến ông viết bài khẳng định “Tôi xa Hà nội” là của Khúc Ngọc Chân:
“Tôi lâu nay vẫn nghĩ bài này là của ông Anh Bằng tất nhiên tôi cũng hơi lạ, là vì cái “air” nhạc của ông ấy không phải là cái “air” như thế. Nhạc của ông Anh Bằng là “Tôi còn nợ em”, “Nếu vắng anh”, “Khúc thụy du”… Tôi cũng rất tình cờ, anh em ở giàn nhạc giao hưởng họ mới nói anh Khúc Ngọc Chân là nên tới gặp tôi để mà làm thì anh Chân anh ấy trình bày tất cả các lý do anh ấy sáng tác bài này như thế nào đối với người yêu của anh ấy là cô Nguyễn Thu Hằng. Tôi xem cái âm nhạc của anh Chân, vì anh Chân viết nhịp 3/8 thì tôi thấy rằng như vậy thì cái cậu bé 18 tuổi viết cái này nó có vẻ hợp lý hơn vì năm 1954 thì ông Anh Bằng đã 29 tuổi rồi, lúc ấy ông Anh Bằng chưa nổi tiếng mặc dù bằng tuổi với ông Nguyễn Văn Quỳ, ông Đoàn Chuẩn nhưng lúc ấy ở Hà Nội chả biết ông Trần Anh Bường (Anh Bằng) là ai cả. Tôi thấy rất hợp lý là vì anh Chân nói với tôi từng chi tiết một tại sao tôi viết như thế này, tại sao tôi viết như thế kia, thế nhưng nó có khó khăn là sau đó là giải phóng thủ đô cho nên các tài liệu của anh Chân do anh ấy chép buộc lòng phải hủy đi là vì tình hình Hà Nội lúc ấy không phải là dễ dàng. Anh Chân công tác ở giàn nhạc giao hưởng và trong giàn nhạc giao hưởng anh em vẫn biết như anh Hồ Quang Bình, anh Quang Tôn… tất cả mọi người đều vẫn biết bài này là của anh Khúc Ngọc Chân từ năm 1954, họ vẫn hát với nhau mà…”
Riêng nhạc sĩ Anh Bằng dĩ nhiên là ông rất tức giận khi biết có người cho là ông ăn cắp nhạc người khác. Mặc dù đã gần 90 tuổi và không còn nghe được ông vẫn trả lời cuộc phỏng vấn do hệ thống SBTN thực hiện về vấn đề này. Nhạc sĩ giải thích tại sao tới năm 1965 ông mới tung bài hát này ra thị trường âm nhạc mặc dù ông đã sáng tác nó 10 năm về trước:
“Khi lên tàu di cư vào miền Nam năm 1954, tôi đã có cảm hứng viết nhạc phẩm này. Nhưng đâu phải viết một lần là xong mà phải mất tới mười năm, sửa chữa nhiều lần và đến năm 1965 mới cho phổ biến bản này. Khi bản Nếu Vắng Anh phát hành được công chúng yêu chuộng thì tôi hứng khởi hoàn tất bản Nỗi Lòng Người Đi để tiếp tục cái đà sáng tác đang đi tới. Thực ra bản này được thai nghén đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình khi từ giã miền Bắc vào Sài Gòn. Hồi còn trẻ cũng có viết mấy bản nhạc đầu tay nhưng không được phổ biến, cho nên bây giờ cũng không còn nhớ rõ, và coi như là Nỗi Lòng Người Đi là đứa con đầu lòng mặc dù nó ra mắt chậm hơn bản Nếu Vắng Anh.
Thật ra lúc đó tôi 28 tuổi, nhưng không lẽ câu hát viết " Tôi xa Hà Nội năm lên hăm tám " thì nốt nhạc không xuôi tai, cho nên phải đổi lại thành " năm lên mười tám" vừa xuôi tai, vừa nghe lãng mạn hơn. Có thể nói tôi thích cả bài này từ lời ca cho đến nét nhạc.”
Để chứng minh luận điểm của mình là xác thực nhà báo Nguyễn Thụy Kha cho biết:
“Và sau đó thì tôi có xem thêm một số bài hát nữa của anh Chân khi chị Hằng vào Nam như bài Biển, bài Mùa thu cho em …cái air nhạc của ảnh thì tôi biết ngay, mình làm nhạc mình biết, mình thấy nó đúng một cái air như vậy.
Thật ra lúc đó tôi 28 tuổi, nhưng không lẽ câu hát viết " Tôi xa Hà Nội năm lên hăm tám " thì nốt nhạc không xuôi tai, cho nên phải đổi lại thành " năm lên mười tám" vừa xuôi tai, vừa nghe lãng mạn hơn.
-Nhạc sĩ Anh Bằng
Tôi nói với anh Chân như thế này: Tôi nghĩ anh không có bằng chứng gì cả để kết luận bài này là của anh nhưng anh có nhân chứng, anh hãy gặp tất cả những nhân chứng đã từng hát bài này của anh từ năm 1954 tại vì ông Anh Bằng từ năm 1967 ông ấy mới đưa bài này ra. Tôi nghĩ ông ấy rất là khôn tại vì năm 1954 có rất nhiều bạn bè của bà Hằng cũng sẽ cùng thuộc bài này vì vậy nếu khai ngay trong thời Đệ Nhất đế chế thì có thể không ổn lắm cho nên ông ấy để tới năm 1967 mới đăng ký bài này. Cho tới nay tôi đã gửi rất nhiều lá thư sang cho ông Anh Bằng rồi nhưng không hề có một sự trả lời nào cả. Tôi nghĩ rằng nếu như ông ấy là người thực sự viết bài này thì ông ấy sẽ từ tốn nói chuyện tôi viết như thế nào, ra làm sao nhưng hoàn toàn ông ấy không có một ý kiến gì cả, tôi thấy cũng hơi kỳ ở chỗ đó.”
Bà Đặng Thị Thu Phương, Phó Quản lý, đặc trách ngoại vụ của Trung Tâm bảo vệ quyền Tác giả Âm Nhạc Việt Nam ở Hà Nội (Vietnam Center for Protection of Music Copyright -VCPMC) cho chúng tôi biết việc tranh chấp của hai tác giả này:
“Cơ quan mình có yêu cầu các bên đưa ra chứng cứ thực tại vì chứng cứ thực chính là material mà họ có thể show được. Bên Anh Bằng thì có đầy đủ chứng cứ về nhạc phẩm của mình còn phía còn lại thì không. Thật ra vấn đề này nó cũng không có gì là quá phức tạp tại vì mọi thứ nó đều rõ ràng chứ không còn gì để có thể tranh cãi hơn nữa. Bên nào có chứng cứ xác thực nhất thì mình sẽ căn cứ vào đấy vì Trung tâm được thành lập để bảo vệ quyền lợi của nhạc sĩ và quyền này là quyền nhân thân cơ bản nhất của các nhạc sĩ vì vậy phải dựa vào tính minh bạch nhất không thiên vị ai cả.”
Ông Phan Phương, người phụ trách mảng tác giả tác phẩm của Trung Tâm kể lại những gì ông biết:
“Tôi là người phụ trách mảng tác giả và tác phẩm trong Trung tâm bản quyền Việt Nam. Tôi phát hiện ra sự song trùng của hai bài ấy và cảm thấy tất cả những bài do ông Thụy Kha viết về ông Khúc Ngọc Chân nó chỉ là một bài văn hư cấu chứ không phải là phóng sự điều tra để khẳng định rằng đây là tác giả chính hay tác giả phụ. Vì nó là bài văn hư cấu có nghĩa là nó không đáng tin cậy, có nghĩa như chúng ta viết văn thì có thể tưởng tượng được cái này hay cái khác. Đây không phải là một phóng sự điều tra vì phóng sự điều tra thì nó phải có đầy đủ chứng cứ. Trong luật thì anh biết rồi nhất là luật sở hữu trí tuệ quốc tế nó quy định cứ anh nào có bằng chứng thì anh ấy thắng.
Việc này đâu chỉ riêng Việt Nam mới có đâu mà ở Mỹ cũng đã có những trường hợp như thế. Việc này cơ quan của chúng tôi phải thực thi pháp luật rất nghiêm chỉnh. Tôi cũng xin báo cho anh biết không có một âm mưu chính trị nào trong cái bài viết ấy đâu mà đây chỉ là một sự cẩu thả.”
Theo nhà báo Thụy Kha thì nhịp 4/4 mà Anh Bằng viết cho Nỗi lòng người đi hoàn toàn không thích hợp với dòng nhạc của người nhạc sĩ nổi tiếng này. Thay vào đó nhịp 3/8 mà ông Khúc Ngọc Chân sử dụng có thể hợp lý hơn cho hoàn cảnh tuổi tác của người sáng tác. Ông Kha ní:
“Tôi làm việc này hết sức công tâm. Tối mai tôi có phát biểu ở truyền hình nó có đưa cái này lên. Tôi nói rằng dù là cha nuôi hay cha đẻ thì bài hát này nó cũng đã được sống một thời gian rất là dài và rất cảm ơn anh Anh Bằng nhưng mà cái gì của Cesar thì phải trả cho Cesar.Truyền hình Việt Nam sẽ phát bài này hát ở nhịp ¾ sau đó là 6/8 anh thấy nó khác với hoàn toàn với điệu slow của ông Anh Bằng. Hoàn toàn khác.”
Việc trình diễn trên truyền hình VTV mà nhà báo Nguyễn Thụy Kha nêu ra được ông Phan Phương cho biết ý kiến:
“Cái vụ ông Kha với cô Phan Huyền Thư làm chương trình Giai Điệu Tự Hào này đưa tác giả Khúc Ngọc Chân lên cách đây đã lâu khi tôi chưa xử lý vụ Anh Bằng-Khúc Ngọc Chân, nó đã thu hình từ trước đó rồi. Bây giờ sáng nay nếu đúng là VTV phát hình thì tôi sẽ gọi điện cho đài truyền hình và cái này thì lỗi nếu có là do sự vô tình của đài truyền hình là cứ tin vào ông Thụy Kha thôi. Nhưng về pháp luật thì chả có giá trị gì cả.”
Bằng tất cả mọi sự dè dặt chúng tôi chỉ đưa mọi thông tin có được đến cho người yêu nhạc biết thêm một vấn đề trong hàng ngàn câu chuyện đạo văn, đạo nhạc từ xưa tới nay. Hy vọng “Nỗi lòng người đi” sẽ sớm được thanh thản và tiếp vuốt ve kỷ niệm buốt nhức của những ai từng xa Hà Nội
(Nguồn Rfa Tieng Viet)