Tình thương cũng giống như một loại cây xanh luôn thay đổi từng ngày từng giờ, hoặc xanh hơn hoặc héo úa, điều đó tùy thuộc vào khả năng chăm sóc của ta. Ta đừng bao giờ nghĩ rằng nó sẽ như vậy mãi. Hãy nhìn kỹ vào trong liên hệ giữa ta và người kia một cách sâu sắc, có thể ta sẽ phát hiện ra từ bấy lâu nay ta đã thiếu trách nhiệm tưới tẩm những chất liệu bổ dưỡng nên khiến cho cây tình thương cằn cỗi mà không lớn lên được. Đôi khi vì đời sống thiếu ý thức, ta còn vô tình quẵng vào những năng lượng độc hại, làm cho liên hệ giữa ta và người kia ngày càng xuống dốc và bế tắc mà không hiểu tại sao
Cuộc sống bận rộn đã làm cho ta mất dần khả năng sử dụng ngôn ngữ như một công cụ truyền thông hữu dụng. Ta thường nhân danh sự bận rộn, vì thương yêu và lo lắng mà tự cho mình cái quyền buông ra những lời nói thô kệch, nặng nề, chua chát vào người thương yêu của ta. Ta sẵn sàng trách móc, lên án, buộc tội khi thấy người kia làm sai lệch với những điều ta mong muốn. Có khi trong cơn giận ta đã thốt lên những lời hết sức cay độc, làm cho người kia tê liệt hoàn toàn, không còn sức sống.
Khi hết cơn cảm xúc nếu ta nghe lại những lời nói không ý thức đó qua máy ghi âm thì chắc ta cũng lạnh người, không ngờ con người của ta được thể hiện qua những ngôn từ tệ lậu đến như vậy. Còn người kia thì sao? Khi đón nhận trực tiếp hoặc qua điện thoại hay thư từ những lời nói mất tình mất nghĩa đó thì ít nhiều họ cũng ngấm chìm trong cảm giác đau đớn và sẽ dệt trong tâm tưởng một hình ảnh rất ghê sợ về ta. Lần sau họ sẽ ngán khi biết ta gọi điện tới hay không dám ngồi gần ta nữa. Sống mà để cho người thương luôn tìm cách tránh né vì những năng lượng độc hại của ta thì còn đâu ý nghĩa để sống?
Tuy họ cần ta mang tới những điều kiện tiện nghi về vật chất, nhưng tinh thần cũng là thứ tiện nghi quan trọng để nuôi dưỡng một cá thể hay một liên hệ tồn tại. Chính ta cũng cần những lời nói từ hòa, nâng đỡ hay nhẹ nhàng thì tại sao ta lại không biết hiến tặng những món quà đó cho người mà ta gọi là thương? Nếu ta cho rằng ta chỉ biết làm ra nhiều tiền hay danh dự thôi, chứ không thể chế tác ra những lời nói có tính chất bổ dưỡng được thì coi như ta tự tuyên bố về khả năng thương yêu của ta rất yếu kém. Thương yêu một người nào mà không biết dùng những lời nói ân tình thì làm sao mở được cõi lòng của họ ra. Nếu không hiểu thấu về những khó khăn hay ước vọng thâm sâu của người ta thương thì làm sao ta có thể thương yêu cho đúng đắn?
Ta không cần phải nói cho ngọt lịm hay khôn khéo, chỉ cần một lời nói có chứa đựng chất liệu của hiểu biết và thương yêu là đủ. Điều này phải cần đến một quá trình thực tập rõ ràng chứ không phải muốn nói là nói liền được đâu. Nếu nhận thấy cách sử dụng ngôn từ của ta còn quá vụng về, mỗi lần nói ra chỉ gây thêm sự hiểu lầm hay đau khổ cho người khác thì ta hãy tập im lặng một thời gian. Báo cho người kia biết là ta muốn thực tập không nói chuyện trong ba ngày hay một tuần lễ để cho người kia nâng đỡ, thay ta giao tế hoặc không hỏi những điều không quá cần thiết hay thu gọn những áp lực chung quanh.
Nếu cần ta cũng nên dán chữ “thực tập im lặng” trên áo để không bị phiền nhiễu. Được sự chấp nhận và nâng đỡ của những người thân trong gia đình hay những người làm việc chung thì ta hãy cố gắng thực tập cho hết lòng. Tất nhiên những ngày đầu ta còn muốn can thiệp vào rất nhiều vấn đề chướng tai gai mắt, nhưng hãy kiên trì và tự nhắc nhở mình đang trong quá trình chỉnh đốn lại cách nói năng cho có phẩm chất nên nhất định sẽ không lên tiếng.
Có thể ghi những cảm nhận của ta hay những điều ta muốn nói với người kia xuống một tờ giấy hay quyển sổ. Nhưng ta đừng đưa ra liền, hãy đọc tới lui nhiều lần và chỉnh sửa cho thật đúng với ý mình rồi kiên nhẫn đợi đến ngày hôm sau. Trước khi đưa cho người kia ta nên đọc lại một lần nữa, trong tâm trạng bình tĩnh chắc chắn ta sẽ không để cho người kia đánh giá thấp ta nếu đó là những dòng chữ thật ngớ ngẩn. Phương cách này tuy giản dị nhưng có thể giúp cho ta thực tập thói quen dừng lại, nhìn kỹ vào trong tâm ý của mình, quan sát sâu sắc về giá trị nội dung của lời nói trước khi buông ra.
Qua đôi ba ngày thực tập nghiêm túc, ta bỗng thấy lòng mình nhẹ nhỏm hẳn lên. Lúc đó ta mới ý thức rằng nói năng nhiều rất tổn khí, mà khí thì có liên quan mật thiết tới cảm hứng và sức sống của ta. Ta còn cảm thấy thật thú vị vì có nhiều không gian và thời gian để chiêm nghiệm lại cách hành xử xưa nay của mình. Ta khám phá ra rằng thói quen nói những lời thiếu phẩm chất đó có gốc rễ từ những nhận thức và quan niệm sai lầm. Nếu không có cơ hội dừng lại để tìm hiểu và điều chỉnh thì ta sẽ giữ mãi cách nói năng hành động theo sự điều khiển của một bản năng ích kỷ và dại dột.
Nếu thấy một tuần chưa đủ thì ta hãy xin thêm một tuần nữa. Phải có ý chí thay đổi quyết liệt như vậy thì mới mong chuyển hóa được thói quen truyền thông ngôn ngữ. Người sống chung thấy ta thực tập như vậy sẽ rất vui mừng và kính nễ. Họ biết ta vì tình thương mà chịu khó sửa đổi nên chắc chắn sẽ yểm trợ hết lòng. Sau khi kết thúc hạn kỳ ta bỗng dưng không muốn nói liền, thậm chí nói rất chậm rãi và cẩn trọng trong từng câu chữ. Hãy mỉm cười vì đó chính là kết quả của sự thực tập im lặng để lắng nghe mình vừa qua.
Trước khi nói năng trở lại ta nên tự hứa từ nay sẽ tập ít nói, chỉ nên nói những lời có tính chất xây dựng niềm tin yêu cho nhau thôi. Một lời nói như vậy ai cũng mong được đón nhận, hơn cả những đóa hoa tươi thắm hay những món quà đắt tiền. Trường hợp trong tâm đang có sự bực bội, tự ái hay nghi ngờ thì ta nhứt định sẽ không mở miệng nói thêm một lời nào, lập tức trở về theo dõi hơi thở hay tìm một chỗ yên lắng để quan sát và điều phục cơn cảm xúc đang dâng trào mà không chú tâm vào câu chuyện vừa mới xảy ra. Hãy tự nhắc nhở mình cẩn thận, đừng vì sự thỏa đáng từ một vấn đề được giải quyết mà tiếp tục vung vãi những lời nói vô độ, vì càng tập dượt thì sức mạnh của nó sẽ càng lớn.
Khi người kia hỏi tại sao không nói thì ta sẽ thành thật thú nhận rằng trong tâm ta lúc đó đang bị những năng lượng tiêu cực khống chế, vì sợ gây ra sự hiểu lầm và đổ vỡ nên xin phép được phát biểu khi an tĩnh và tự chủ hơn. Tất nhiên là ta có quyền và có bổn phẩn nói cho người thân của ta nghe về những khó khăn và khổ đau của ta, nhưng ta cũng phải khôn ngoan mà chọn đúng nơi đúng lúc và bằng ái ngữ thì thế nào sự truyền thông cũng sẽ được thiết lập. Làm như thế ta bảo vệ được chính mình và cả người kia nữa.
Khi người kia ngồi xuống lắng nghe, ta chỉ nên nói những khó khăn và đau khổ của ta để cho họ hiểu rõ mà cảm thông và giúp đỡ, chứ đừng bao giờ dùng ngôn từ của sự trách móc hay buộc tội. Trong lúc nói có thể những vết thương trong ta bị chạm tới nên hạt giống giận hờn sẽ bị kích động, hoặc khi thấy trong những lời nói của ta có những điều phát sinh từ nhận thức sai lầm về chính ta hay về người kia thì hãy nhờ họ vui lòng báo cho ta biết để kịp thời dừng lại. Ta cần giữ tâm bình tĩnh để quản lý hết những lời nói của mình và mong được người kia giải thích hay chỉ bảo thêm. Làm như vậy người kia không những không trách ta mà còn rất an tâm và cảm phục vì thấy ta có ý thức trách nhiệm.
“Thưa Ba, con biết Ba đã chịu nhiều khó nhọc để nuôi con khôn lớn như ngày hôm nay. Con sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng Ba”, “Mẹ ơi, có phải những đức hạnh, tài năng và tình thương trong con là do mẹ trao truyền không hở mẹ?”, “Con ơi, vì không hiểu được những khó khăn của con nên Ba đã lỡ nói ra những điều khiến cho con đau khổ. Ba xin lỗi con và hứa sẽ không lặp lại những vụng về ấy nữa, con hãy giúp Ba nhé”, “Này anh, em rất hạnh phúc và tự hào vì có được một người chồng giỏi giắn và hết mực thương yêu gia đình như anh”, “Bữa cơm hôm nay thật ngon. Anh rất biết ơn về sự tận tụy hết lòng của em”…
Đó là những câu nói ân tình, chứa đựng chất liệu bổ dưỡng cho chính ta và người thương của ta mà trong quá khứ vì thiếu ý thức và vụng về nên ta đã không có thói quen sử dụng. Hóa ra thực tập ái ngữ cũng đâu có khó khăn gì lắm đâu, chỉ cần có ý thức và chút luyện tập là được. Cuộc đời sẽ mầu nhiệm biết bao khi người người đều biết hiến tặng cho nhau những lời nói dễ thương, đầy tình nhân ái như thế. Mỗi lời nói đẹp sẽ thơm ngát như một đóa hoa. Ta hãy trồng vào khu vườn nhân loại thật nhiều đóa hoa ái ngữ để lòng kỳ thị, tranh chấp, hận thù dần dần lắng xuống và tan biến đi, để tình thương mãi luôn hiện hữu và soi sáng trên thế gian này.
"Ái ngữ thật nhiệm mầu
Tiếp năng lượng cho nhau
Như cam lộ tịnh thủy
Xoa dịu những niềm đau"
Minh Niệm