- Bài đăng gồm 2 phần:
Phần 1: Đinh Hùng – Người làm thơ tình kiệt xuất (Tác giả bài viết Hữu Đạt)
Phần 2: Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, một dung hợp điển hình giữa tài năng và nhân cách (Tác giả bài viết Du Tử Lê))
*****
PHẦN 1: ĐINH HÙNG – NGƯỜI LÀM THƠ TÌNH KIỆT XUẤT
Như đáp lại lòng mong mỏi của khách yêu thơ, trong quý II năm 1995, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn (Hà Nội) đã cho tái bản tập thơ MÊ HỒN CA của thi sĩ Đinh Hùng. Việc làm ấy, lại một lần nữa, xác nhận thi tài của nhà thơ này. Thi phẩm Mê Hồn Ca được Nhà Xuất Bản Tiếng Phương Đông Hà Nội in lần đầu năm 1954, nhà sách Khai Trí Sài Gòn tái bản năm 1970 và lần này là lần in thứ ba. Tập thơ đầu tay này của Đinh Hùng đã từng gây xôn xao một thời trong thi giới không chỉ vì tài hoa của tác giả mà còn vì những nét lạ lùng kỳ bí trong thơ.
Tháng 7 năm 1995, Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội lại cho tái bản tập thơ ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ của Đinh Hùng. Hai Nhà xuất bản của Nhà nước vào loại lớn nhất nước này đã tái bản thơ Đinh Hùng cho thấy thơ anh giá trị nhường nào.
Trên đây là bốn câu thơ tuyệt mệnh mà Đinh Hùng đã viết tại Trà Hoa trang Gia Định cuối mùa hạ năm 1967, không lâu trước ngày anh đi vào cõi vĩnh hằng.
Đinh Hùng là con trai của cụ Hàn Phụng, một gia đình trung lưu ở làng Phượng Dực, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội), nhưng từ lâu đã ra lập nghiệp tại Hà Nội. Đinh Hùng được hoài thai năm 1919 tại Philippines nhưng lại ra đời ở Việt Nam ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại trại Trung Phụng gần tòa Khâm Thiên giám cũ ở Hà Nội. Đinh Hùng là con út của một gia đình gồm sáu anh chị em: anh cả là Đinh Lân, các chị là Loan, Yến, Hồng, Oanh. Chị Đinh Thục Oanh chỉ lớn hơn Đinh Hùng một tuổi, kết duyên cùng thi sĩ Vũ Hoàng Chương.. Mới hơn mười tuổi, Đinh Hùng phải chịu liên tiếp ba cái tang: năm 1931 người chị thứ ba là Tuyết Hồng, một nữ lưu tân tiến, hoa khôi của Hà Nội, mới mười tám tuổi xuân đã tự vẫn tại hồ Trúc Bạch vì hờn giận tình duyên. Mấy tháng sau, thân phụ anh đau nặng rối thất lộc, tuổi chưa đến 50. Ba năm sau nữa đến lượt người chị lớn nhất, tên Loan, cũng qua đời, tuy đã lập gia đình nhưng hãy còn trẻ lắm. Những cái tang buổi thiếu thời ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tính của Đinh Hùng nên thơ anh thường đượm vẻ ảm đạm bi thương đến tê tái cả tâm hồn.
Thuở bé Đinh Hùng học trường Tiểu học Sinh Từ, rồi trường Trung học Bảo Hộ tức trường Bưởi, đậu bằng Cao đẳng Tiểu học hạng Bình thứ nên được cấp học bổng để theo học ban chuyên khoa. Nhưng một ngày đẹp trời kia ái tình bỗng nhiên chợt đến
"Có chàng mang lòng thương
Đi dạo muôn con đường.
Một hôm dừng trước mộng,
Yêu nàng tên Tần Hương."
(Tần Hương – Đường vào tình sử)
Người đẹp ấy tên là Kiều Hương, nhưng Đinh Hùng sợ gây rắc rối cho nàng khi đi lấy chồng nên sửa lại là Tần Hương. Mối tình ấy của Đinh Hùng tuy là mối tình đầu nhưng không sâu sắc lắm và chỉ là tình đơn phương nên khi nàng đi lấy chồng, Đinh Hùng cũng không buồn lắm:
" Ngày em mới bước chân ra,
Tuy rằng cách mặt, lòng ta chưa sầu."
(Bài hát mùa thu – ĐVTS)
Nhưng dù sao thì đó cũng là kỷ niệm buổi đầu đời nên không dễ gì dứt được mối tơ vương:
"Tần Hương ơi Tần Hương,
Tên nàng như hoa đẹp.
Chàng là bướm tơ vương,
Nên chàng là Hồ Điệp."
(Tần Hương – ĐVTS)
Do đó về sau, khi viết tiểu thuyết, Đinh Hùng ký bút hiệu Hoài Điệp Thứ Lang.
Mối tình thứ hai mới thực sự mãnh liệt và ghi dấu ấn suốt đời trong tâm khảm nhà thơ. Nàng là một cô bé họ xa, tên Bích Liên, thỉnh thoảng đến chơi trại Trung Phụng của ông bà Hàn nên Đinh Hùng có dịp quen thân. Thuở ấy nàng còn bé nhưng xinh đẹp tuyệt vời:
"Độ em còn trèo cây khế,
Vin hái quả xanh bên tường
Có phải chúng mình còn bé
Cho nên đời rất thơm hương?"
(Tiếc bướm hay Linh hồn Hoài Điệp – ĐVTS
Vì tên nàng là Liên nên Đinh Hùng viết:
"Người đẹp ngày xưa tên giống hoa,
Mùa xuân cây cỏ biếc quanh nhà.
Thùy hương phảng phất sen đầu hạ
Lén bước trang đài tới gặp ta."
(Liên tưởng – ĐVTS)
Hai người mỗi ngày một lớn, tình yêu cũng cùng với tháng năm mà lớn dần theo, cô bé càng ngày càng đẹp, trên môi luôn nở đóa hồng và cả một trời thu hiện lên trong mắt:
"Nắng vàng năm xưa đã tắt,
Cô bé ngày xưa lớn rồi.
Hoa hồng vừa nở trên môi,
Và một trời thu trong mắt."
(Tiếc bướm – ĐVTS)
Hai người yêu nhau tha thiết nhưng mối tình hoàn toàn trong trắng. Không may nàng Liên bị bệnh phổi nặng, sắc đẹp ngày càng kỳ ảo và huyền hoặc khiến Đinh Hùng say sưa ngây ngất, trong khi đó thì sức khỏe của nàng hao mòn nhanh chóng rồi từ trần khoảng năm 1940. Đó là cái chết thứ tư của người thân yêu mà Đinh Hùng chứng kiến trong khoảng thời gian chưa tới mười năm. Mất Liên, Đinh Hùng đau đớn như điên như dại:
"Qua xứ ma sầu, ta mất trí,
Thiêu đi tập sách vẽ hoa nguyền.
Trời ơi ! Trời ơi ! Làn tử khí,
Lạc lõng hương thầm đóa Bạch Liên."
(Cầu hồn – Mê Hồn Ca)
Từ đó Đinh Hùng viết những bài thơ “Chiêu niệm”, tên Liên được thay thế bằng những tên khác, nào Diệu Hương, Diệu Thư, nào Ý Liên, Bạch Liên, Diệu Liên, nào Em Buồn, Em Đau Thương, Sầu Hoài Thương Nữ, nào Thần Nữ, Kỳ Nữ vân vân… nhưng thực ra cũng chỉ có một nàng Bích Liên mà thôi (1). Trong bài thơ “Kỳ Nữ” có những câu tuyệt hay:
"Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước,
Cả con đường sao mọc lúc ta đi.
Cả chiều sương mây phủ lối ta về,
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ."
(Mê hồn ca)
Nàng Liên chết, Đinh Hùng bỏ trường mà đi, sống lang bạt kỳ hồ, khi thì dạy học ở Hà Đông, lúc thì gia nhập một ban nhạc tài tử của sinh viên lên trình diễn tại hồ Ba Bể miền Bắc Cạn. Đi đâu Hùng cũng mang theo tấm ảnh của nàng Liên. Trong một lá thư gửi Huyền Kiêu, Đinh Hùng viết :“Đó là di vật cuối cùng của Liên, sự được nhìn thấy duy nhất còn lại của người nằm dưới mộ. Liên mất rồi nhưng tôi không chịu tin như vậy. Không. Nghìn lần không. Cái chết của hoa và ánh sáng, ngày và mặt trời, nơi tôi là vĩnh viễn hoài nghi và phủ nhận. Bởi tôi vẫn ghen tuông ghê gớm như khi nàng còn sống. Tấm hình đặt trên mặt bàn dạy học, tôi úp sấp tấm hình xuống cho ngoài tôi, không một kẻ thứ hai nào được nhìn thấy mặt trời…”.
Bích Liên mất, nhưng hình ảnh của Liên, giọng nói của Liên mãi mãi còn âm vang trong tâm hồn nhà thơ, không phút giây nào quên lãng:
"Chao ôi ! Mỗi cánh sương run rẩy
Nghe cũng âm vang giọng nói người."
Và xác thân anh tuy còn đó nhưng kể như đã chết rồi:
"Và xác thân anh giữa cuộc đời
Tiêu ma vào thạch động làn môi
Vì trong cấm địa hàm răng ấy
Huyệt lạnh kề bên mỗi nụ cười."
(Trái tim Hồng Ngọc – Nguyệt san Vạn Hạnh số 13 năm 1966)
Cũng như các bạn trẻ khác, Đinh Hùng đã có một thời niên thiếu thật đẹp “làm học trò mắt sáng với môi tươi”, nhưng cậu học trò họ Đinh ấy đi học mà “hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp”, rồi cũng “đã từng phen trèo cổng bỏ trường về” để đi đến những nơi chốn đầy kỷ niệm mà sau này khó lòng quên được:
"Riêng ta nhớ những trưa hè sắc đỏ
Đường hoàng lan nắng động: lối đi quen
Nghìn bóng cây chen bóng mộng hư huyền,
Ta đến đó lần đầu nghe rạo rực."
(Khi mới lớn – ĐVTS)
Rồi chiến cuộc xảy ra, mọi người bị cuốn hút vào đó, cả nhà thơ họ Đinh cũng vậy. Cuối năm 1946, Đinh Hùng lại rời Hà Nội, rồi khi Cống Thần, khi Chợ Đại, Hà Nam, lúc viết cho tờ báo này, lúc vẽ cho tờ báo khác. Trong thời gian này, Đinh Hùng làm bài thơ “Người nữ du kích Hải Kiến” trong đó có mấy câu khá hay:
"Lòng gái rung theo bước lữ đoàn,
Lâu rồi chinh chiến lạnh dung nhan.
Chiêu dương bừng lửa trên gò má,
Gợn sắc hồng pha mây hợp tan."
Ai đã gặp Đinh Hùng một lần thì khó lòng quên được. Thân hình mảnh mai, nước da xanh như tàu lá, đôi chân ngắn, bàn tay đẹp như bàn tay con gái với những đường gân như suốt đời mệt mỏi. Ngón tay dài, mềm mại và thon thon, rất đẹp khi “vân vê” điếu thuốc lào hay khi lướt nhẹ trên chiếc vĩ cầm. Đôi mắt mơ hồ và huyền hoặc dường như luôn luôn in bóng một trời thơ diệu kỳ và mộng ảo. Giọng nói Đinh Hùng rất đặc biệt, nó “vang vang mà nhừa nhựa, nửa như thoát lên cao cùng mây, nửa như la đà cùng khói” (Hoàng Hương Trang). Ngay lúc nằm trên giường bệnh, giọng nói ấy cũng vẫn còn nồng nàn nỗi yêu đời và niềm lưu luyến tình người.
Bên ngoài, Đinh Hùng bao giờ cũng chải chuốt và trang trọng: tứ thời bát tiết lúc nào cũng complet – cravate cho dù nóng chảy mỡ, đầu chải láng, miệng ngậm pipe, đôi vai nghiêng bởi chiếc cặp dày và nặng trĩu. Gặp bạn thơ thì mừng rỡ, chèo kéo bắt uống cho bằng được một vài ly để rồi say sưa nói về Aragon, Eluard, Baudelaire, Rimbaud, Edgar Poe (2) hoặc về chuyện văn thơ không dứt.
Mặc Đỗ cho rằng “Đinh Hùng là con người tài hoa. Từ vóc dáng, nét bút tới giọng nói, từ tuổi nhỏ cho đến ngày lìa đời, Đinh Hùng không ngớt biểu lộ tư chất tài hoa”. Thật vậy, Đinh Hùng không chỉ làm thơ, viết tiểu thuyết, viết kịch (3), làm báo mà còn soạn nhạc, chơi đàn và vẽ nữa. Anh chơi đàn mandoline và kéo violon rất điệu nghệ, đã từng tham gia trong các ban nhạc và đàn cho các phòng trà. Về họa, anh đã tự tay vẽ tranh bìa cho hai tập thơ của mình (Mê Hồn Ca, Đường Vào Tình Sử) và vẽ tranh làm nền cho các trang thơ Mê Hồn Ca.
Tạ Tỵ gợi lại một vài kỷ niệm :“Có những đêm đông Hà Nội tôi đến thăm Hùng tại căn nhà cổ nằm sâu trong ngõ hẹp ở cửa ô Cầu Rền, chẳng cách xa phường Dạ Lạc là bao. Ở tuổi hoa niên, tôi quen nhiều bạn biết uống rượu, nhưng tôi chưa thấy ai uống hào bằng Đinh Hùng và Văn Cao. Riêng Hùng có thể uống hai lít đế không cần đồ nhắm, vì thế Hùng mới có gan đối ẩm với Tản Đà hàng nửa ngày trời” (4). Và cũng vì thế mà bạn bè không ai cảm thấy bất ngờ khi hay tin Hùng bị ung thư gan ở tuổi 48.
Đinh Hùng làm thơ rất sớm, từ ngày còn đi học và có một hồn thơ kỳ ảo. Năm 34 tuổi đã in Mê Hồn Ca (NXB Tiếng Phương Đông Hà Nội 1954) và bảy năm sau đó (1961) in Đường Vào Tình Sử (Nam Chi Tùng Thư Sài Gòn xuất bản).
Thi phẩm Mê Hồn Ca gồm bốn phần, không kể phần ngoại tập và một bài tựa ký Nhà Xuất Bản, nhưng sau này Đinh Hùng chua thêm: Hồ Dzếnh. Thì ra chính Hồ Dzếnh viết bài tựa này. Bốn phần ấy là: Nguyên Thủy, Thần Tượng, Chiêu Niệm và Mê Hồn. Phần Ngoại Tập gồm bài thơ trường thiên “Thần tụng” và hai bài khác: Truyện lòng và Bài hát mùa thu, ghi là trong tập thơ “Tuổi mộng”. Hai bài này về sau in lại trong tập Đường Vào Tình Sử.
Đường Vào Tình Sử hoàn toàn là một tập thơ tình gồm 60 bài và lá thư văn nghệ của Đoàn Thêm thay cho lời đề từ. Đây là tập thơ tình tuyệt hay mà lời lời ý ý là những hàng châu ngọc:
"Ôi cặp mắt sáng trăng xưa hò hẹn,
Có nghìn năm quá khứ tiễn nhau đi."
(Đường vào tình sử)
Ở vùng đồng chiêm ngoài Bắc, vào mùa nước lớn ngập cả cánh đồng, mọi người phải đi lại bằng thuyền, ban đêm đèn trên thuyền bập bềnh trôi trên sóng nước khiến Đinh Hùng nhớ đến đôi mắt người yêu. Tưởng tượng thật phong phú và ý thơ bay bướm vô cùng:
"Giấc mộng đêm nào cũng gió mưa,
Gối chăn như hải đảo vô bờ.
Sóng dâng bốn vách sầu nghiêng bóng
Thoáng ngọn đèn trôi ánh mắt xưa."
Sóng nước đồng chiêm – ĐVTS)
Nghĩ đến một ngày kia người yêu sẽ đi lấy chồng, Đinh Hùng viết:
"Nghe động bàn chân nắng tỏa hương,
Mong manh từng gợn phấn còn vương.
Em đi, nửa gối hoa tàn mộng,
Thương nhớ bay cùng mây viễn phương."
(Bao giờ em lấy chồng? – ĐVTS)
Các bạn thơ đã từng tranh cãi về giá trị của hai tập thơ này. Trong khi Trần Tuấn Kiệt chọn Đường Vào tình Sử thì Trần Phong Giao lại chọn Mê Hồn Ca. Trần Tuấn Kiệt nói :“Mê Hồn Ca tuy đặc biệt nhưng thua xa tiếng thơ của tập Đường Vào Tình Sử”. Còn Trần Phong Giao thì nói :“Ai cũng bảo Mê Hồn Ca là tuyệt tác, chỉ có mình cậu là khác”. Rồi Trần Phong Giao khẳng định:“Trong tất cả những tác phẩm đã và sẽ in của Đinh Hùng, gặp trường hợp chỉ được quyền cất giữ một cuốn thì tôi sẽ không ngần ngại gì trong việc chọn lựa Mê Hồn Ca. Vì đó là tất cả vũ trụ thơ anh. Vì đó là tất cả anh (5).
Nhận định về thi phẩm Mê Hồn Ca, nhà nghiên cứu Phạm Việt Tuyền cho rằng “thi phẩm này thuộc loại thơ nói ít hiểu nhiều, cái hay cốt ở chỗ sử dụng nghệ thuật ném hỏa mù mơ mộng lên những mảnh thực tại tản mác, điều mà Đinh Hùng chắc đã chịu ảnh hưởng ít nhiều nơi các nhà thơ tượng trưng Pháp: Baudelaire, Rimbaud. Thế giới Mê Hồn Ca là thế giới của đắm đuối say mê, của hoang sơ man dại, của chết chóc lạnh lùng, của nhiệm mầu huyền bí. Tình yêu trong Mê Hồn Ca thiết tha, mãnh liệt và kinh khủng. Có nhà thơ nào đã xây dựng được cả một khu nghĩa trang huyền ảo như những bài: Tìm bóng tử thần, Màu sương linh giác, Cầu hồn, Thoát duyên trần cấu, Gửi người dưới mộ… như Đinh Hùng?” (Tôi đọc thơ).
Còn Cao Thế Dung thì “giá trị lớn của thơ Đinh Hùng trước sau vẫn một Mê Hồn Ca. Thi phẩm ấy vốn như loài dị thảo và như mười ngón tay của một nhan sắc từ dưới vực sâu chơi vơi giơ lên cao mà với tìm cái tuyệt vời của tình ái. Mê Hồn Ca còn tiêu biểu cho một thứ mỹ cảm bén nhạy và bềnh bồng giữa những yêu ma và huyền hoặc (Văn học hiện đại).
Bàng Bá Lân cũng thích Mê Hồn Ca hơn Đường Vào Tình Sử và trong Mê Hồn Ca anh thích nhất Bài Ca Man Rợ vì bài thơ này rất giàu vần điệu, chữ dùng táo bạo và gợi hình, nhạc thơ toàn bài hùng mạnh một cách man rợ hợp với nhan đề bài thơ. Chữ dùng táo bạo và gợi hình thì:
Và ta thấy hiện nguyên lòng sơn dã:
"Cảnh sắc này bỗng nhuộm máu tà dương.
Ta xót thương, ta căm giận, hung cuồng,
Ta gầm thét, rung mấy trời thế sự."
Và lời thơ hùng mạnh:
"Rồi dày xéo lên sông núi đô kỳ
Bên thành quách ta ra tay tàn phá.
Giữa hoang loạn của lâu đài, đình tạ
Ta thản nhiên, đi trở lại núi rừng.
Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng."
Còn các bạn khác của Đinh Hùng thì sao? Trưa ngày 23-8-1967 – một hôm trước ngày Đinh Hùng mất – các bạn thơ họp mặt trong một quán nhỏ, Thanh Nam đọc bốn câu thơ mà anh rất thích:
"Khi tôi ngồi xuống ở bên em
Giở tập thư xưa đọc trước đèn.
Vẫn ngọn đèn mờ, trang giấy lạnh,
Tiếng mùa thu động, tiếng mưa đêm."
Nhà thơ Kiên Giang khen thơ đẹp và hay quá, nhưng khi hỏi xuất xứ thì Thanh Nam không nhớ rõ, chỉ biết đó là thơ Đinh Hùng trong cuốn Đường Vào Tình Sử. Về đến nhà đã hơn hai giờ chiều mà Kiên Giang chưa vội ăn cơm, tìm cuốn Đường Vào Tình Sử để đọc bài thơ có bốn câu ấy. Đó là bài Gặp nhau lần cuối và Kiên Giang rất thích 8 câu này ở khổ 5-6 của bài thơ:
"Mắt lặng nhìn nhau từ dĩ vãng,
Chợt xanh màu áo nhớ thương xưa.
Bóng em, khoảnh khắc thành hư ảo,
Buồn lướt hàng mi thấp thoáng mưa.
Từng nhớ, từng thương, từng chụm đầu,
Từng chung dòng lệ thấm vai nhau.
Mà trong mắt liếc (6) ngờ non ải,
Nhịp thở ân tình cũng biển dâu."
Còn Trần Tuấn Kiệt thì nhắc lại: “Đối với tôi, tập Đường Vào Tình Sử vẫn là tập thơ cao viễn hơn tập Mê Hồn Ca nhiều… nhiều lắm vậy!”.
Vậy đó, khó mà nói được rằng Mê Hồn Ca hay Đường Vào Tình Sử, tập thơ nào hay hơn mà chỉ có thể nói thích tập nào hơn tùy theo sự cảm thụ nghệ thuật của mỗi người.
oOo
Ngày 24-8-1967 tức 19 tháng 7 năm Đinh Mùi, lúc 5 giờ sáng, Đinh Hùng đã rời bỏ bạn bè và người thân để đi vào cơn trường mộng lúc mới 48 tuổi. Dường như anh linh cảm mình không thọ nên lúc còn trẻ đã tưởng tượng một ngày kia, khi mình nhắm mắt xuôi tay, các em sẽ về bên mộ mà tiếc thương khóc lóc:
"Khi anh chết, các em về đây nhé!
Vị chút tình lưu luyến với nhau xưa.
Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ,
Tay cầm hoa, xõa tóc đứng bên mồ.
…Anh tưởng niệm các em về một buổi,
Ở bên mồ, cỏ úa sắc chiều rơi.
Ngược sông Mê, bàng bạc nẻo luân hồi,
Sầu rũ tóc, ngậm ngùi in khoé mắt."
(Cung đàn tưởng niệm – ĐVTS)
Tháng 7 năm 1967, bệnh tình của Đinh Hùng trở nặng, trên nét mặt của người thơ đã phảng phất bóng dáng của tử thần. Bác sĩ Phạm Biểu Tâm, vì lòng liên tài, đã đánh xe đến tận nhà Đinh Hùng, tình nguyện đưa anh vào bệnh viện Bình Dân để tự tay cứu chữa (7), nhưng bệnh ung thư thì có thầy tiên thuốc thánh nào cứu nổi. Khi nhà thơ Tô Kiều Ngân vào thăm thì “trước mắt tôi không phải là chàng thơ phong vận từng bơi qua Hồ Tây, từng đánh đàn mandoline trong các phòng trà, nói chuyện có duyên, làm thơ tình ái rất hay. Người nằm đóchỉ là một bệnh nhân, mắt rất buồn, hơi thở mệt nhọc, đang chờ mổ mà tin tưởng thì rất mong manh… Người thơ của chúng ta trầm mình trong nỗi cô đơn giữa bốn bức tường bệnh viện lạnh lùng, đôi vai gầy, gầy thêm, khuôn mặt nhỏ, nhỏ thêm. Cuộc sống ở đây hoàn toàn bị lùi xa, bị tách rời”. Có những người “vô danh” tình nguyện cho anh máu để đủ sức chịu đựng giải phẫu, nhưng đến nơi thì anh đã đuối quá mà đi rồi.
“Trước giờ liệm Hùng, tôi giở tấm vải trắng nhìn anh lần chót. Mớ tóc xõa ra, đôi mắt nhắm nghiền, da mặt trắng xanh. Buồn quá, không ngờ Hùng chết nhanh như vậy. 48 năm, thôi thế cũng được, 48 năm miệt mài với thơ, với nhạc, với Bộ lạc, Hải tần, Kỳ nữ, với “mây trắng bay đầy gối”, với “hiu hắt tiếng dương cầm”, đời anh toàn gắn liền với thơ, với rượu, kể ra đã thừa chất đẹp” (Tô Kiều Ngân).
Hôm đưa tang Đinh Hùng – chủ nhật 27-8-1967 tức 22 tháng 7 năm Đinh Mùi - là một ngày trong tiết thu sơ, bầu trời ảm đạm. Bạn bè đi đưa tuy không đông lắm nhưng ai nấy đều chan chứa trong lòng niềm tiếc thương vô hạn một nhà thơ tài hoa mà yểu mệnh. “Bên chiếc huyệt đào sẵn, Vũ Hoàng Chương gọi lớn “Đinh Hùng! Đinh Hùng!” nhưng người thơ phong vận không bao giờ lên tiếng nữa. Bậc đàn anh Vi Huyền Đắc ngậm ngùi bên bờ huyệt, Vũ Khắc Khoan lặng lẽ ném một hòn đất xuống quan tài. Thanh Nam bỏ ra ngoài lặng lẽ đưa khăn lau mắt, Hoàng Anh Tuấn khóc lăn bên nấm mộ… Khi ra về, đi bên cạnh Tuấn, tôi mới hỏi “Toa hôm nay xúc động quá nhỉ !” Tuấn nói “Đâu mình có khóc Đinh Hùng, khóc cho mình đấy chứ !” (Ký giả Lô-Răng).
Đinh Hùng mất, một ngôi sao sáng của thi đàn đã tắt, một thiên tài đã vĩnh viễn ra đi, nhưng hồn thơ kỳ ảo của anh vẫn long lanh trong hai viên ngọc Mê Hồn Ca và Đường Vào Tình Sử. Đinh Hùng mất là một sự thiệt thòi lớn cho thơ, không gì bù đắp được, biết tìm đâu một khuôn mặt thơ như của Đinh Hùng, “một hồn thơ đã lấy tình yêu làm động lực, đã mượn sự chết làm đòn bẩy để vượt lên tuyệt đối, vươn tới vô cùng”. Người yêu thơ luôn nghĩ rằng trong tuyển tập thi ca nổi tiếng là cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân mà không có tên Đinh Hùng là một thiếu sót lớn, thật đáng tiếc vô cùng. Thời gian gần đây thơ Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương đã lần lượt được tái bản, rồi cuối cùng cũng đến lượt Đinh Hùng. Vậy đó, những người yêu thơ cũng như những nhà xuất bản nặng lòng với sự nghiệp văn chương có thể nào bỏ qua những tập thơ như Mê Hồn Ca và Đường Vào Tình Sử. Gần đây nhất, bài thơ “Đường khuya trở bước” của Đinh Hùng được chọn in vào cuốn “100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ 20”.
Xin mượn lời Cao Thế Dung để kết thúc bài này:
“Ai cũng phải công nhận rằng Đinh Hùng là một thi nhân độc đáo. Không một nhà thơ nào có giọng Liêu Trai như ông, không một nhà thơ nào có cái giọng phong tỏa lên hồn thơ mình những khói hương nghi ngút như ông. Thơ Đinh Hùng như thể một hoang đường và ảo mộng. Thơ Đinh Hùng còn là bản trường ca tình ái. Thơ Đinh Hùng quả là những ngôn ngữ nhiệm mầu của tình yêu.
Thơ Đinh Hùng chất chứa một bản sắc thơ rất bén nhạy (Kỳ nữ) và kết đọng cả ba yếu tố: Ái tình, Thiên nhiên và Mộng ảo. Ba yếu tố ấy sinh thành trong cái không khí hồ ly và nỗi chết không rời.
Đinh Hùng như một bông hoa kỳ lạ, một thứ kim cương kết tụ từ huyệt sâu, từ non bồng của mộng ảo. Đinh Hùng là một thiên tài, Mê Hồn Ca đã thể nhận điều đó. Đinh Hùng với Mê Hồn Ca như bức họa có màu sắc âm ty và Liêu Trai, lại vừa như cung đàn bạc mệnh chứa thứ âm thanh mê dại và kỳ ảo.
(HỮU ĐẠT)
*****
PHẦN 2: NHẠC SĨ NGUYỄN HIỀN, MỘT DUNG HỢP ĐIỂN HÌNH GIỮA TÀI NĂNG VÀ NHÂN CÁCH
Trong chừng mực nào đó, dường như đám đông, dân tộc nào, cũng dành cho giới văn nghệ sĩ một cái "lề", một đường biên rộng, đủ cho họ sống một đời sống tương đối phóng khoáng hơn người bình thường.
Tại sao?
Có thể từ lòng yêu mến tác phẩm hay, tài năng một văn nghệ sĩ mà đám đông đã mặc nhiên có cái nhìn bao dung, rộng lượng với các văn nghệ sĩ.
Cũng vẫn thuộc về đám đông, có người lý trí hơn, cho rằng, để giới văn nghệ sĩ có thể cung ứng những sản phẩm tinh thần giá trị, hay để họ phát huy được, rực rỡ hơn tài năng trời cho họ, xã hội nên dành cho họ một vài biệt lệ, miễn không quá đáng...
Có người còn nhiệt tình hơn, khi lý luận rằng: Nếu bắt nhà thơ A, nhà văn B, nhạc sĩ C. phải là có đời sống của một công chức chính ngạch, thuộc loại "thượng hạng ngoại hạng", hay một nhà đạo đức, một nhà mô phạm gương mẫu... thì làm sao họ có thể cho chúng ta những tác phẩm thơ mộng, lãng mạn như chúng ta đã từng được thụ hưởng?
Chẳng biết có phải từ những cái nhìn ưu ái đặc biệt vừa kể mà, người Việt Nam dường đã có chung một kết luận mang đầy tính thông cảm, rằng: "có tài, có tật".
Tóm gọn lại, trong sinh hoạt xã hội, đôi khi bạn có một vài hành vi vượt ngoài khuôn khổ đời thường, thí dụ cờ bạc, hút sách, trai gái, sống bừa bãi, cẩu thả...nhưng, nếu được đám đông "phê" cho mấy chữ, đại loại"văn nghệ sĩ mà"... thì kể như bạn đã được tha thứ hoặc, chí ít cũng được giảm khinh.
Lời phê ấy, giống như một thứ giấy phép "đi trong giờ giới nghiêm" vậy.
Nhìn vào sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ thời tiền chiến, người ta thấy có nhiều nhà văn, nhà thơ nghiện thuốc phiện, mê đi hát cô đầu...
Thế hệ kế tiếp, tính từ điểm mốc 1954, ở miền nam Việt Nam, số văn nghệ sĩ nghiện thuốc phiện không nhiều. Nhưng số người thích đỏ đen và, những cuộc phiêu lưu tình ái...lại có phần gia tăng...
Tuy nhiên không phải tất cả những văn nghệ sĩ được đám đông công nhận tài năng, tên tuổi đều là những người "sử dụng" cái giấy phép "đi trong giờ giới nghiêm" mà xã hội đã ưu ái ban, cấp cho họ.
Chẳng những thế, trong số này, còn có nhiều văn nghệ sĩ vẫn sáng tác được những tác phẩm giá trị mà, đời riêng của họ, lại rất nghiêm chỉnh, mẫu mực. Phẩm chất đời sống xã hội của họ, có phần cao hơn người bình thường nữa.
Một trong những văn nghệ sĩ có được cùng lúc hai mặt tưởng chừng đối chọi nhau kia, là cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền.
Lần đầu tiên tôi được gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền vào khoảng đầu năm 1965 ở tiệm phở 44, trước đài phát thanh Saigòn, cuối đường Phan Đình Phùng, cùng với thi sĩ Đinh Hùng. (Tiệm này lấy số nhà 44, làm tên.)
Thời gian đó, tôi đang viết cuốn "Năm sắc diện, năm định mệnh" mà, cố thi sĩ Đinh Hùng là 1 trong 5 người tôi chọn, nên chúng tôi thường gặp nhau.
Tôi muốn mở một cái ngoặc ở đây, để nói rõ hơn rằng: Trong số những văn nghệ sĩ miền Nam không bao giờ lái xe, dù xe hai bánh hay xe hơi, không phải là cố nhà văn Mai Thảo.
Thời gian tham gia kháng chiến nhà văn Mai Thảo đã từng phải đạp xe từ khu này qua khu khác. Thời gian chủ trương tạp chí sáng Tạo ở Saigòn, ông có xe hơi riêng và tự lái. Chỉ sau khi bán đi chiếc Austin, lúc đó, tác giả "Đêm giã từ Hà Nội" mới dùng tới phương tiện xích lô...
Riêng thi sĩ Đinh Hùng thì tuyệt đối không.
Thời gian ở trong vùng kháng chiến, tác giả "Mê hồn ca" cũng chưa một lần đạp xe đạp. Di cư vào miền Nam, ông cũng chưa một lần tự lái xe. Dù cho công việc buộc ông phải thường xuyên xê dịch.
Phương tiện di chuyển quen thuộc nhất của tác giả "Mộng dưới hoa" là: Anh em văn nghệ hoặc, sử dụng taxi, xích lô...
Trở lại với tiệm phở 44, giữa khi chúng tôi đang ăn thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền bước vào. Đó là một người đàn ông nho nhã, trắng trẻo. Ông có dáng dấp một nhà giáo nhiều hơn một nghệ sĩ đã có nhiều năm chơi nhạc cho một số dancing nổi tiếng ở Hà Nội cũng như Saigòn.
Là bạn thân của nhau, nên khi thấy bạn, thi sĩ Đinh Hùng gọi, như reo:
"Lại đây. Lại đây. Nguyễn Hiền."
Rất từ tốn, người nhạc sĩ nổi tiếng từ khi còn rất trẻ ở Hà Nội, với nhạc phẩm "Người em nhỏ", phổ thơ Thiệu Giang, bước lại bàn. Ông bắt tay chúng tôi. Ngồi xuống.
(Qua một bài viết của tác giả VDA, gần đây, tôi mới biết họ Nguyễn sáng tác ca khúc "Người em nhỏ" nhằm tặng người bạn đời của ông.)
Sau khi nghe thi sĩ Đinh Hùng giới thiệu về tôi, họ Nguyễn bảo, ông tin cuộc đời có cái gọi là "hữu duyên"!
Ông nhìn tôi, giải thích:
"Mấy ngày qua tôi có ý tìm anh. Tôi vừa xin được địa chỉ và số điện thoại nơi làm việc của anh qua Mai Trường..."
Số là ông mới phổ nhạc xong bài thơ "Khi người về" của tôi. Ông muốn đổi tên nó thành "Tiếng hát ru tôi".
Ông nhấn mạnh, ông giữ được gần như nguyên vẹn lời thơ và, kết luận, nếu tôi cũng đồng ý thì, bản nhạc sẽ được trình bày nay mai trên đài phát thanh với nhan đề ấy.
Tôi nói, nhan đề ông chọn cho ca khúc, có phần thơ hơn nhan đề chính. Tôi thích lắm, và:
"Chắc anh không biết, anh là người thứ hai sau anh Mai Trường phổ nhạc thơ của tôi..."
Từ đấy, họ Nguyễn nói về thơ, nồng nhiệt như một thi sĩ.
Ông kể:
"Có anh Đinh Hùng ở đây, anh ấy biết, tôi rất thích thơ. Thơ trên báo hay thơ in thành sách...Hễ đến tay tôi là tôi đều đọc hết. Tôi đọc rất kỹ những bài tôi thích...Tôi có thói quen chú ý nhiều tới những động từ và tĩnh từ trong thơ..."
Thi sĩ Đinh Hùng chăm chú nghe với những cái gật gù, như đắc ý về những nhận định của bạn ông.
Trước khi chia tay, để hai người ngồi lại với nhau, tôi nói:
"Thưa anh, nếu được, xin anh làm ơn cho tôi biết trước giờ phát bản nhạc để tôi đón nghe!"
Tác giả "Hoa bướm ngày xưa" gật đầu. Ông rút trong túi, miếng giấy nhỏ, đọc lại số số điện thoại nơi tôi làm việc...
Tôi không biết có phải tính nghiêm túc, cẩn trọng (nhưng vẫn cởi mở của ông,) hay do chiếc cầu nối là thi sĩ Đinh Hùng mà, chúng tôi đã có được một tình thân trong tương kính khá mau chóng.
Đúng như những gì tôi cảm nhận được về ông, từ gặp gỡ thứ nhất, mỗi lần ca khúc "Tiếng hát ru tôi" được thu thanh, hoặc phát lại, ông đều tìm cách cho tôi biết.
Là một nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng họ Nguyễn cũng là con người của đời sống gia đình. Có thể vì thế , dù ở cùng một thành phố với nhau, tôi chớ gặp ông ở những quán café, nhà hàng chúng tôi hay la cà, thuở ấy. Mỗi khi muốn gặp ông, để nói một chuyện gì đó, tôi phải điện thoại trước và, điểm hẹn thường là phở 44, trước giờ ông thu thanh.
Tuy nhiên, tác gỉa "Lá thư gửi mẹ", phổ từ thơ của Thái Thủy, cuối cùng, đã cho tôi một kỷ niệm vô cùng ý nghĩa.
Tôi nhớ kỷ niệm này tới mức mỗi khi bị hỏi về chuyện nhuận bút hay bản quyền tác phẩm, những ngày đầu cuộc đời làm văn nghệ của mình, tôi đều nhắc lại, cũng như đã từng viết xuống.
Đó là sự kiện, bẵng đi một thời gian không gặp tác giả "Mái tóc dạ hương" (thơ Đinh Hùng,) một buổi trưa, nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhờ tôi chở ông từ café La Pagode về Đài Saigòn. Ngay khi vừa cặp chiếc xe sát lề đường, trước cửa Đài, tôi nhác thấy nhạc sĩ Nguyễn Hiền từ phía phở 44 băng qua.
Ông dơ tay nửa như chào, nửa như muốn bảo đợi...
Bước lên lề, trước mặt Nguyễn Đình Toàn, ông rút từ túi sau, một khoản tiền, bọc trong một miếng giấy trắng (giống như đã chuẩn bị sẵn,) đưa cho tôi.
Ông nói:
"Một trung tâm băng nhạc nó mới thu bài "Tiếng hát ru tôi". Đây là phần tác quyền của anh".
Ông không nói, tôi cũng không hỏi số tiền tác quyền ông chia cho tôi là bao nhiêu. Điều đó, với tôi, thực sự không quan trọng. Điều tôi cảm khích, tôi nhớ mãi, tựa hồ mới xẩy ra, chính là cái cung cách cư xử, ăn ở của ông.
Cung cách như một truyền thống văn hóa có tự bao đời của những người trí thức làm văn nghệ.
Không biết có phải vì sự việc xẩy ra bất ngờ, hay vì một nguyên nhân nào khác, khiến tôi không nói thêm được với ông lời nào, ngoài ba chữ "Cám ơn anh."
Kể lại chuyện này, tôi chỉ muốn nói tới nhân cách của họ Nguyễn.
Nhiều năm trước đây, nhà hàng Tài Bửu (khi còn tọa lạc ở ngã tư đường Magnolia và Bolsa, thuộc thành phố Westminster,) là nơi sinh thời, tác giả ca khúc "Anh cho em mùa xuân" (thơ Kim Tuấn,) hay có những buổi sáng ngồi uống café với bằng hữu.
Trong những gặp gỡ này, mỗi khi có dịp, tôi lại kể kỷ niệm trên, (trước mặt ông,) như một cố tình, bày tỏ lòng quý trọng của cá nhân tôi, đối với ông. Người nhạc sĩ tài hoa, tới cuối đời, vẫn giữ được cho mình, một nhân cách cao quý (DU TỬ LÊ)