December 23, 2020

VĨNH BIỆT NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG (1937-2020)_52 NHẠC PHẨM ĐỂ ĐỜI CỦA NS LAM PHƯƠNG THU ÂM TRƯỚC 75

- Nhạc sĩ Lam Phương đã trút hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn từ biệt dương thế vào lúc 18 giờ 7 phút (theo giờ California) ngày 22/12/2020 tại thành phố Fountain Valley – Hoa Kỳ. Trước đó không lâu, ông phải nhập viện cấp cứu khi chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng. Sau thời gian tích cực chữa trị, trái tim đa cảm của người nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của nhạc Việt đã vĩnh viễn ngừng đập.
- Điều đáng buồn là nhạc sĩ Lam Phương nằm viện và qua đời trong thời gian dịch bệnh nên không ai có thể vào thăm. Cách đây không lâu, qua báo chí, nhạc sĩ Lam Phương đã bày tỏ nỗi niềm rằng luôn mong ngày trở về nhưng sức khoẻ không cho phép: “Tôi luôn giữ niềm hy vọng cho đời sống của mình. Dù bệnh nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng, nhất là hy vọng sự trở về Việt Nam gặp khán giả yêu mến âm nhạc Lam Phương”.
Ngoài ra, trước khi mất 1 tháng, nhạc sĩ Lam Phương có nói chuyện qua điện thoại vào ca sĩ Quang Thành vào dịp lễ Tạ Ơn, ông đã nói rằng ước mong sau khi mất thì có thể được nằm cạnh mộ mẹ ở quê nhà Kiên Giang.
- Qua những câu chuyện này, có thể thấy dù đã viễn xứ 45 năm, vì hoàn cảnh nên không thể trở về được lần nào, nhưng trong thâm tâm, nhạc sĩ Lam Phương rất nặng lòng với quê hương.
- Từ sau năm 2010 đến nay, chỉ trong vòng 10 năm, những nhạc sĩ tài năng nhất của dòng nhạc vàng còn lại như là Anh Bằng, Lê Dinh, Huỳnh Anh, Nhật Ngân, Thanh Sơn, Nguyễn Văn Đông, và Lam Phương… là những đại diện ưu tú nhất của làng văn nghệ miền Nam trước 1975 đã lần lượt ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại những tiếc thương vô bờ đối với công chúng yêu nhạc, là những mất mát không thể bù đắp đối của nền âm nhạc Việt Nam.
- Trước đó, nhạc sĩ Lam Phương đã có thời gian hơn 20 năm sống chung với cơn đau bệnh. Năm 1999, tai họa ập đến khi ông bị tai biến, liệt nửa người, nói rất khó khăn, sinh hoạt thường ngày phải nhờ đến người trợ giúp, là người em gái từ Pháp sang chăm sóc, rồi sau này là một người cháu.
- Vào năm 2019, nhạc sĩ Lam Phương tâm sự trên Người Việt TV rằng một ngày hiện nay đối với ông chỉ là quanh quẩn trong 4 góc phòng. Tuổi cao, không ngủ được, buổi sáng dậy thật sớm nằm nghe lại những bản nhạc của chính mình, rồi coi TV đến trưa, cố đếm thời gian qua thật nhanh nhưng đêm về lại trằn trọc với những nỗi niềm xa xứ và chống chọi những cơn đau do bệnh. Tình cảnh đó của ông khiến người ta liên tưởng đến một sáng tác rất nổi tiếng trước năm 75 của ông: Xin Thời Gian Qua Mau.
Ngoài ra, có một ca khúc khác được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác từ đầu thập niên 1990, nhưng rất giống với tình cảnh của ông sau cơn đau bệnh ập xuống, đó là bài Một Mình:
"Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình
Đường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng
Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh…"

Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những tên tuổi lớn nhất của nhạc Việt nói chung, và của dòng nhạc vàng nói riêng, với số lượng bài hát nổi tiếng rất đồ sộ, được sáng tác trải dài qua nhiều thập niên, từ thập niên 1950 ở Sài Gòn, cho đến thập niên 1980, 1990 tại Pháp và Mỹ. Hiếm có một nhạc sĩ nào sáng tác bền bỉ và có số lượng ca khúc được công chúng nhớ đến nhiều như vậy.
- Cuộc đời nhạc sĩ Lam Phương đã trải qua rất nhiều thăng trầm, cả về sự nghiệp lẫn tình cảm riêng và cuộc sống cá nhân. Ở thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp, Lam Phương là một trong số ít nhạc sĩ có thể sống dư dả chỉ bằng nghề viết nhạc, bởi vì những ca khúc của ông viết ra rất ăn khách, bán được rất nhiều, lên đến hàng triệu bản. Tiêu biểu nhất là chỉ với 1 ca khúc Thành Phố Buồn, nhạc sĩ Lam Phương nhận được 12 triệu đồng tiền bán tờ nhạc, một con số rất lớn thời đó, bằng với thu nhập trong 20 năm của 1 đại tá quân đội. Nếu tính ra tiền USD thời điểm bài hát ra đời thì bài Thành Phố Buồn có giá trị gần nửa triệu đô la.
- Sau 1975, để lại một tài sản rất lớn còn ở trong nhà băng, gia đình nhạc sĩ Lam Phương ra đi tay trắng trên con tàu Trường Xuân, gần như phải làm lại từ đầu. Kể từ sau đó, để mưu sinh trên xứ người, để có tiền nuôi vợ con, ông phải làm đủ những công việc chân tay, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện,…
- Ở khía cạnh tình cảm, nhạc sĩ Lam Phương cũng nổi tiếng với những chuyện tình được ông nhắc đến trong rất nhiều ca khúc nhạc vàng nổi tiếng, như chuyện tình đơn phương với Bạch Yến trong Tình Bơ Vơ, Chờ Người, hay nhiều nhạc phẩm khác có thấp thoáng bóng dáng giai nhân như Phút Cuối, Biết Đến Bao Giờ, Biển Tình, Thành Phố Buồn, Bài Tango Cho Em…
Những chuyện tình trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương cũng mang nhiều sắc thái, từ rạo rực và tràn ngập trong hạnh phúc lứa đôi như trong các bài hát Ngày Hạnh Phú c, Bài Tango Cho Em, Bé Yêu, Thiên Đàng Ái Ân… nhưng cũng nhiều khi phải chìm ngập trong muôn trùng sầu khổ trong các bài hát Tình Bơ Vơ, Tình Chết Theo Mùa Đông, Thành Phố Buồn, Phút Cuối, Lầm, Say, Một Mình, Tình Vẫn Chưa Yên…
Cùng với các số ít nhạc sĩ cùng thời khác như Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ Lam Phương có sức sáng tác rất bền bỉ cả trước năm 1975 ở Sài Gòn và sau năm 1975 tại hải ngoại. Sau thời gian đầu vất vả mưu sinh, khi cuộc sống đã dần ổn định, nhạc sĩ Lam Phương tiếp tục cho ra mắt rất nhiều tác phẩm và được yêu thích nhiều không kém các bài hát trước năm 1975. Một điều đặc biệt là những nhạc phẩm được ông viết sau năm 1975 như Bãi Nắng, Như Giấc Chiêm Bao, Mưa Lệ, Bài Tango Cho Em, Thiên Đàng Ái Ân, Say, Lầm, Tình Đẹp Như Mơ, Một Mình, Tình Vẫn Chưa Yên… đều viết cho cảm xúc của chính nhạc sĩ. Nhạc sĩ Lam Phương từng nói rằng phần nhiều các ca khúc trước 1975 được ông viết theo nhu cầu của nhà xuất bản, các hãng thu đĩa, nghĩa là “theo đơn đặt hàng”. Sau này, có một sự chuyển hướng, đó là sau nhiều mất mát, đau thương đã trải qua trong cuộc đời, ông chỉ viết nhạc cho chính mình. Chính điều đó làm cho những bài nhạc sau này của ông, dù vui hay là buồn, đều rất giàu cảm xúc.

- NHỮNG NHẬN XÉT VỀ NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG CỦA NHỮNG NGƯỜI TRONG GIỚI VĂN NGHỆ:
*** Nhà văn – nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn:
“Con kênh đầy vơi với thủy triều. Trước khi nước rút đi, nó phơi bầy đến cả sự khô cạn, như một tấm lòng khi cho hết và cũng chẳng còn gì để che dấu. Lúc thủy triều trở lại, kênh lại tràn đầy, nhảy bờ.
Nhạc của Lam Phương, tình ca của Lam Phương đầy ắp cái cho đi đã hết và chờ đợi phút phục sinh để có thể cho đi thêm nữa…”
- “Thuở ban đầu của âm nhạc là Lam Phương thuần hương vị miền Nam. Dân chúng đón tiếp anh như nhánh sông đón tiếp phù sa của Hậu Giang. Phù sa âm nhạc Lam Phương bảng lảng âm điệu hai trăm năm đất mới. Anh gần gũi người miền Nam vì anh cảm xúc niềm xúc cảm của người miền Nam. Âm nhạc Lam Phương ví như con thuyền chở đầy trăng nhẹ trôi trên mặt sông Tiền, sông Hậu. Nó buồn vui cái buồn vui của Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên. Nó được hát bởi những giọng kể Lục Vân Tiên đơn sơ và đôn hậu.
Cả triệu người đã say mê nhạc Lam Phương. Nhạc Lam Phương lãng đãng trên đồng luá bát ngát, trên sông nước mênh mông. Nó từ ngõ hẻm thành phố về đường mòn thôn ổ. Nó trong trường học. Nó ngoài sa trường. Nó xanh mắt thanh niên. Nó hồng môi thiếu nữ. Luôn luôn bình dị. Mãi mãi Lục Vân Tiên.
Hãy ví Lam Phương như Lục Vân Tiên đi …
Niềm mong ước của tôi, của những người yêu mến Lam Phương là, ngày nào đó, anh tìm lại Kiều Nguyệt Nga, đứng trên bờ sông tâm tưởng cũ, mở lối về nguồn, khơi vết trăm nhánh nghìn con. Để dân tộc có nhiều, thật nhiều ca khúc mang hơi thở nồng nàn, đôn hậu, xao xuyến, bồi hồi của miền Nam yêu dấu.”

*** 
MC – nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn:
“Hát nhạc Lam Phương, người ta dễ dàng nhận ra tấm lòng chan hoà của anh, khao khát được chia xẻ thăng trầm với mọi cảnh đời chung quanh. Bài tango “Kiếp Nghèo” không thể là những cảm xúc giả tạo. Nỗi bâng khuâng của “Ngày Tạm Biệt” không thể là những xao xuyến vay mượn. Phải xuất phát từ một tâm hồn nghệ sĩ có trái tim độ lượng đích thực, mới cho đời được những dòng nhạc như thế.
Ra hải ngoại, Lam Phương không dừng lại. Khung cảnh xã hội mới, những khắt khe của cuộc sống xứ người, những xáo trộn bất thường về tình cảm, ở Lam Phương, không ảnh hưởng đến khả năng của người nghệ sĩ, mà ngược lại, làm phong phú thêm vốn liếng sáng tạo. Anh vẫn viết đều, miệt mài đưa ra hàng loạt tác phẩm mới trong điều kiện phổ biến khó khăn hơn, bởi cộng đồng người Việt trải rộng khắp năm châu.
Từ khoảng 1981 – 1982 tôi đã được nghe một loạt tình ca của anh viết ở Paris. Có lúc thấy anh buồn vì “Tình Vẫn Chưa Yên”. Vài năm sau lại thấy anh vui, có lẽ bởi vì “Từ Ngày Có Em Về” đã làm nguồn hứng gần gũi để anh viết “Bài Tango Cho Em” rất đặc sắc. Trong lúc nhiều nhạc sĩ trước 75 đã rút lui vào hậu trường thì Lam Phương vẫn là điểm sáng trên sân khấu hải ngoại rộng lớn.
Gần đây nhất,anh cho người yêu nhạc một loạt tặng phẩm quí, gói ghém trong hai mươi tình khúc mới. Đợt tình ca có những bản nhạc đã nhanh chóng trở thành niềm yêu thương của người sành điệu. Từ “Em Đi Rồi” đến “Cỏ Úa”, đã được thâu trong băng Thúy Nga cho tôi thấy dòng nhạc sung mãn của Lam Phương như một nguồn suối bất tận, chẩy mãi, cống hiến mãi không ngừng nghỉ.
Tôi không hy vọng, qua vài lời giới thiệu ngắn ngủi của tôi, có thể nói lên được một phần những công trình lớn lao trong vườn hoa âm nhạc của Lam Phương. Mấy dòng mạo muội này, chỉ hoàn toàn để bầy tỏ một cách chủ quan lòng quí trọng và ngưỡng phục đối với người nghệ sĩ đã đóng góp cho nhạc Việt Nam bốn thập niên qua, những tác phẩm có giá trị nhất định mà mãi mãi người đời sẽ ghi nhận.”

*** 
Tác giả Vũ Anh:
“Cuộc đời khởi đi từ sự nghèo khổ của Lam Phương ở tuổi chưa đầy 20 bằng những giai điệu đầy lãng mạn này khiến nó không trở thành một thứ tình cảm buồn đến tuyệt vọng. Ngược lại, đó là một lời than thở nhẹ nhàng, một lời trách móc gửi đi cho gió. Những kỷ niệm ấy vẫn còn lắng đọng trong tâm tư của con người đã ngụp lặn trong sóng gió của lịch sử và của cuộc đời mình. Nó không hề gây cho anh một lòng thù hận nào đối với xã hội, bởi vì tài năng đã làm cho cái nghèo ấy trở thành những hình ảnh lãng mạn.

Những tác phẩm giá trị đã làm cho tên tuổi của anh bừng sáng và đem lại cho anh một số thu hoạch đáng kể…” (nhacxua.vn) 

December 18, 2020

THA LA XÓM ĐẠO _ NHẠC SĨ DZŨNG CHINH (1941-1969)

Hôm nay 18/12 là KỶ NIỆM NGÀY SINH của NHẠC SĨ DZŨNG CHINH. Ông tên thật là Nguyễn Bá Chính sinh ngày 18 tháng 12 năm 1941 trong một gia đình trung lưu tại Bình Cang, Nha Trang, Khánh Hòa. Ông đã tốt nghiệp Trung học Đệ nhị cấp tại Nha Trang với văn bằng Tú tài toàn phần. Sau đó học lên Đại học Luật khoa ở Sài Gòn. Cũng trong thời kỳ này ông đã sáng tác bản nhạc “Những đồi hoa sim”. Vào thời điểm năm 1961-1962 bài hát này nổi tiếng với tiếng hát của nữ ca sĩ Phương Dung (được khán giả đương thời ưu ái gọi là "Con nhạn trắng Gò Công").

- Đầu năm 1965, ông nhập ngũ vào QĐ VNCH. Mặc dù có bằng Tú tài II, nhưng do trình diện nhập ngũ quá hạn tuổi quân dịch, ông bị chế tài không được vào trường Sĩ quan nên phải theo học khóa Hạ sĩ quan Trừ bị tại trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, Nha Trang. Sáu tháng sau tốt nghiệp với cấp bậc Trung sĩ. Ra trường, ông được điều động về Trung đoàn 14 đồn trú tại Vĩnh Bình (Trà Vinh) thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh. Đại tá Lâm Quang Thi làm Tư lệnh.
- Thời gian này, Nhạc sĩ Trúc Phương đã viết bài “Để trả lời một câu hỏi” tặng ông:
“Cho Dzũng Chinh, thằng bạn vai em, vì đời trôi dạt về miền quê hương tôi.
Cho tất cả bạn hữu của Dzũng Chinh vùng KBC 3054.”


- Cuối năm 1966, vì có trình độ học vấn cao ông được cử đi học khóa Sĩ quan Đặc biệt tại Nha Trang (một lần nữa, ông lại được về học ở Quân trường Đồng Đế). Giữa năm 1967 ông tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy . Ra trường, để được gần nguyên quán, ông xin về phục vụ tại Trung đoàn 44 đang trú đóng tại Sông Mao, Hải Ninh, Bình Thuận thuộc Sư đoàn 23 Bộ binh đặt bản doanh ở Ban Mê Thuột do Đại tá Trương Quang Ân làm Tư lệnh. Ông được cử làm Trung đội trưởng Trung đội tác chiến thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 2 (thời điểm này Đại đội trưởng là Trung úy Nguyễn Văn Chánh và Tiểu đoàn trưởng là Đại úy Ngô Văn Xuân).[6] Giữa năm 1968, ông được thăng cấp Thiếu úy. Sau đó, Trung đoàn biết ông là một nhạc sĩ, nên bố trí cho ông về phục vụ ở Khối Chiến tranh Chính trị của Bộ chỉ huy Trung đoàn. Sau vì ông hay "dù" (xuất trại không có phép) về Phan Thiết để chơi với bạn bè, nên bị kỷ luật trả về lại Trung đội tác chiến.

- Đêm ngày cuối tháng 2 năm 1969, Trung đội ông có nhiệm vụ chốt ở chân núi Chà Bang, Ninh Phước, đụng độ với một toán địch quân. Trong khi giao tranh, ông bị trúng đạn trọng thương. Ngay sau đó, ông được trực thăng của Mỹ tải thương về Quân y viện Phan Thiết nhưng vì vết thương quá nặng nên ông đã từ trần vào ngày 1 tháng 3 năm 1969 hưởng dương 28 tuổi. Ông được truy thăng cấp bậc Trung úy và được đưa về quê quán ở Nha Trang an táng.

- Người bạn của ông là nhạc sĩ Thanh Sơn nghe tin bạn mình mất có viết bài hát “Đọc tin trên báo” thâu vào đĩa nhựa Thiên Thai do Trúc Ly ca.

- Những sáng tác nổi tiếng của NS Dụng Chinh
Những đồi hoa sim (thơ Hữu Loan)
Hai màu hoa (Dzũng Chinh - Bùi Tuấn Anh)
Tha La xóm đạo (thơ Vũ Anh Khanh)
Đêm dài chưa muốn sáng
Lời tạ từ
Hoa trắng tình yêu

(ĐỌC THÊM: Câu chuyện đằng sau bài hát “Tha La xóm đạo” _https://nhacxua.vn/cau-chuyen-dang-sau-bai-tha-la-xom-dao/)

- MỜI MỌI NGƯỜI THƯỞNG THỨC MỘT NHẠC PHẨM NỔI TIẾNG CỦA NS DZŨNG CHINH “THA LA XÓM ĐẠO” PHỔ THƠ VŨ ANH KHANH QUA GIỌNG HÁT NỔI TIẾNG CỦA CA SĨ GIAO LINH.

December 17, 2020

BÀI THÁNH CA BUỒN VÀ CUỘC TÌNH DƯỚI MƯA


(Gần nửa thế kỷ trôi qua, giai điệu Bài Thánh ca đó còn nhớ không em của nhạc sĩ Nguyễn Vũ vẫn không ngừng ngân vang, len lỏi vào tâm thức từ người dân đô thị đến những vùng quê.)
KỶ NIỆM CUỘC TÌNH DƯỚI MƯA
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ cho biết : “Tôi không nghĩ ca khúc này lại được nhiều khán giả yêu mến đến thế. Khi viết ca khúc ấy, đơn giản tôi đang hoài niệm quãng thời gian trai trẻ của mình. Cái thời mà tôi chỉ dám ngắm nhìn người tôi mến, không dám mở lời làm quen…”
Thuở tôi là một cậu bé 14 tuổi ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (TP.Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn đi ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc bồng bềnh trong gió cao nguyên. Ngày qua ngày, suốt hơn ba tháng trời, tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” của cô ấy. Kẻ trước người sau, mỗi bận đi lễ về phải đi bộ hơn 3km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi tôi không dám thốt. Lòng thành của tôi chỉ được hưởng một ân huệ cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi…”.
Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ thì trời đổ mưa to, cô ấy nép vào một mái hiên trú mưa, tôi cũng… trú tạm bên cạnh, hai người đứng cách nhau độ một gang tay.. Lẫn trong tiếng mưa vang lên giai điệu quen thuộc của bản thánh ca “Đêm thánh vô cùng” (Silent Night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy:
“Đêm Thánh vô cùng / Giây phút tưng bừng / Đất với trời, se chữ đồng…”.
Cô ấy đưa tay hứng những giọt nước mưa và khe khẽ hát theo. Tôi lặng người. Giọng hát cô ấy buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy run, khẽ đưa tay vuốt nhẹ những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo của cô ấy. Cô ấy bất chợt quay sang tôi nhoẻn miệng cười : “Cảm ơn nghen !”.
Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ vì “Người đi một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”.
Ba ngày sau, gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý giá. Từ đó, mỗi khi chợt nghe bài “Đêm thánh vô cùng” lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”.
Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại “Đêm thánh vô cùng” từ chiếc máy đĩa, bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ _ tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi trần thời gian – chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi và “Bài thánh ca buồn” ra đời chỉ trong vòng 2 tiếng vào một ngày của tháng 10/1972.
“Bài thánh ca đó còn nhớ không em / Noel năm nào chúng mình có nhau / Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt / Áo trắng em bay như cánh thiên thần / Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân”.
Biết bao nhiêu thế hệ người nghe ca khúc, vẫn không nhàm chán :
“Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang / Xin cho đôi mình suốt đời có nhau / Vang trong đêm lành bài ca Thiên Chúa / Khẽ hát theo câu: “Đêm thánh vô cùng” / Ôi giọng hát em mênh mang buồn”.
“Bài thánh ca buồn” đã vượt qua sự thử thách của thời gian để trở thành hiện tượng văn hóa chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật, nhân văn, thẩm mỹ, lịch sử khiến cho tác phẩm vì thế được cả những người Thiên Chúa giáo, lẫn những người ngoại đạo đều yêu thích.
Một câu chuyện tình lãng mạn nhưng tinh tế và chân thật của một mùa Noel kỷ niệm, hơi phảng phất buồn nhưng không bị lụy. Hơn 40 năm kể từ khi ca khúc “Bài thánh ca buồn” ra đời, đến nay nó vẫn được nhiều người nghe, thích và tiếp tục hát, thậm chí đang có xu hướng trẻ hóa dần.
“Bài thánh ca đó còn nhớ không em / Noel năm nào chúng mình có nhau / Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt / Áo trắng em bay như cánh thiên thần / Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân”.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, cứ vào dịp lễ Giáng sinh, giai điệu bản tình ca “Bài thánh ca buồn” của nhạc sĩ Nguyễn Vũ, vẫn không ngừng ngân vang trong những đêm lành, len lỏi vào tâm thức từ người dân đô thị đến những vùng quê…Hơn 40 năm, “Bài thánh ca buồn” vẫn luôn được người nghe yêu thích. Thế là quá đủ đối với cuộc đời một nhạc sĩ.

December 16, 2020

LIÊN KHÚC BỐN CA KHÚC BẤT HỦ CỦA NS TRƯỜNG SA (- RỒI MAI TÔI ĐƯA EM - MỘT MAI EM ĐI - MÙA THU TRONG MƯA - XIN CÒN GỌI TÊN NHAU) QUA TIẾNG HÁT CA SĨ LỆ THU

 Hôm nay 16/12 là ngày MỪNG SINH NHẬT, THƯỢNG THỌ 80 tuổi của NHẠC SĨ TRƯỜNG SA (16/12/1940). Ông từng là thiếu tá hải quân hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa trên Biển Đông, đó cũng là lý do ông lấy bút danh Trường Sa và gắn bó với tên này suốt hơn 55 năm qua. Nhạc sĩ Trường Sa tác giả của những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng Chuyện Người Đan Áo, Hành Trang Giã Từ, những ca khúc lãng mạn bất tử Rồi Mai Tôi Đưa Em, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Mùa Thu Trong Mưa, Một Mai Em Đi... (_Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trường Sa_https://nhacxua.vn/cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-nhac-si-truong-sa-tac-gia-xin-con-goi-ten-nhau-mot-mai-em-di-chuyen-nguoi-dan-ao/?fbclid=IwAR3sU3E80k2ICxd3l68p6oIFDHL3oZ0Ct615sDKxbIqvoni9r9rnSssd_1Y)

- MỜI MỌI NGƯỜI TƯỞNG THỨC LIÊN KHÚC BỐN CA KHÚC BẤT HỦ CỦA NS TRƯỜNG SA (- RỒI MAI TÔI ĐƯA EM - MỘT MAI EM ĐI - MÙA THU TRONG MƯA - XIN CÒN GỌI TÊN NHAU) QUA TIẾNG HÁT CA SĨ LỆ THU 

December 14, 2020

THƯƠNG LẮM THÁNG 12

 Những ngày cuối năm trôi thật lạ đông đã về thực sự trên mỗi con đường, mùa này lá đổ hết chỉ còn lại tán vàng, những cành cây khẳng khiu chìa ra đón từng ngọn gió… Nhưng trong những héo tàn ấy, có những sinh linh nhỏ bé đã, đang, và sẽ chào đón cuộc sống này . Chẳng phải ngẫu nhiên, nhưng rất trùng hợp, những người con sinh vào mùa đông thường mang trong mình những nỗi niềm khép kín, tạo cho mình một vỏ ốc riêng và thường mang dáng dấp của mùa đông, có lẽ, âm hưởng của mùa đông – mùa sinh ra họ đã bao bọc những con người ấy!

Tháng mười hai, tháng cuối cùng của một năm dài đầy những biến động và bất ngờ, người ta thường mong nó qua nhanh để chào một năm mới đến, bởi vậy, nhiều người vô tình lãng quên nó. Bởi người ta thường thích mùa thu mãi ở lại, mấy ai thích mùa đông! Nhưng, ở đâu đó trong cuộc đời này, có những người âm thầm lặng lẽ mong mười hai của một tuổi mới, một sự khởi đầu, một mầm sống, một cái cây đâm chồi, của những đêm thức trắng bên ngọn đèn vàng, chuẩn bị cho một khì thi sắp đến, của một Giáng sinh ấm áp bên những tình cảm yêu thương.
Không đỏng đảnh như tháng hai, không kiêu kì như tháng tám, Mười Hai mang trong mình sự trầm tư khép kín. Mười Hai với những nhớ mong mòn mỏi, mười hai thẳng tính và bộc trực. Mười Hai hay làm người khác mất lòng nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, Mười Hai nhạy cảm và mít ướt. Chỉ một câu nói thôi cũng khiến Mười Hai suy nghĩ và tuôn rơi những giọt lệ. Mười Hai là vậy đó. Nhiều người ghét Mười Hai vì những cơn gió lạnh buốt thấu da thịt nhưng có những người yêu Mười Hai lắm lắm.
Mười hai và mùa đông, vui mừng vì những lời chúc vào ngày sinh nhật, bồi hồi nhớ mẹ ta xưa, trong cơn thập tử nhất sinh đã chịu đựng những cơn đau rứt ruột gan cố gắng để ta ra đời bình an. Khi ta cất tiếng khóc đầu tiên, cơn đau nơi mẹ tan biến, những giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ pha lẫn mồ hôi mặn chát trong một ngày gió rét. Có khi nào trong ngày vui ấy, ta nhớ đến mẹ ta? Nhớ đến những nụ cười ấm áp, nhớ những vấp ngã đầu tiên của cuộc đời ta luôn có mẹ ở bên! Dù sau này, ta có bao nhiêu tuổi đi nữa, ta vẫn mãi nhỏ bé trong mắt mẹ. Những sai trái, những nỗi buồn trong cuộc đời ta, mẹ là người xót xa nhất, bởi khi ta đau một, mẹ đau gấp trăm lần nỗi đau của ta.
Một tuổi mới, ta lớn lên từng ngày, trưởng thành trong suy nghĩ, ta biết yêu thương, biết chia sẻ, biết động lòng trước những nỗi bất hạnh. Vì vậy, ta cần biết chịu trách nhiệm về bản thân mình, cần sống hết mình cho những gì sắp đến, tạo một niềm tin, một ước mơ để làm động lực thực hiện. Ngày hôm qua, ta sống vì ta nhỏ bé, hôm nay, ta sẽ là một con người mới, tự tin vào bản thân mình, nỗ lực hết mình để thực hiện được lí tưởng ta đã chọn. Tuy con đường ấy chông gai và còn nhiều gian khổ, nhưng xin đừng mất niềm tin rằng ta sẽ thực hiện được, bởi : ta không cô đơn, vì ta biết, có những người vẫn ngày đêm dõi theo ta một cách lặng thầm!
_Mời các bạn thưởng thức bài hát "Người Tình Mùa Đông" qua giọng hát ca sỹ Hà Anh Tuấn

December 10, 2020

NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ĐỜI


"NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ĐỜI _HOA PHỦ ĐẦY NGƯỜI _XE NHỊP ĐẰM KHƠỊ.. XA XÔỊ”
(Tình cờ được một người bạn share cho bài hát này. Bật lên nghe thử. Trái tim bỗng đập lỗi 1 nhịp. Vì có cái gì đó ở bài hát ám ảnh quá...Hình như đã có lúc thấy cái cả nghĩ của mình lẩn khuất trong bài hát...Nét buồn vấn vương, nhưng không bi lụy, vẫn có chất "tráng" âm vang, dù là "bi tráng"...Biết mình chưa đủ tài để hiểu, chưa đủ trải để cảm, nhưng vẫn mạo muội viết vài dòng...)
- Nếu một mai em sẽ qua đời...Một câu mang tính giả định, làm day dứt lòng người với hư từ "Nếu"...Cô gái trong bài hát có lẽ đương tuổi xuân thì, tại sao lòng lại trĩu nặng ưu tư đến thế?...Có chăng là cái "nhân duyên". Cái nhân duyên làm lòng cô ngổn ngang trăm mối tơ vò:
“Nếu một mai em sẽ qua đời
Hoa phủ đầy người
Xe nhịp đằm khơị.. xa xôị”
- Cô gái ấy đã tưởng tượng ra cả cái cảnh xe tang nhấp nhô trên con đường xa xôi. Xe tang khấp khểnh, hoa phủ trắng. Bụi đỏ con đường, khung cảnh như thực , như mơ...Sao mà xót xa, mà đau đáu đến thế. Dường như cái cảm giác mất mát đã len lén vào tim lúc nào không hay? Nghe đến đây có chút liên tưởng đến một câu thơ trong Truyện Kiều: "Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh". Có khác chăng là nhân vật, là hoàn cảnh, nhưng cái hun hút, xa xăm, trắc trở...cứ thấy gần nhau đến lạ...
“Nếu một mai em đốt pháo vui
Hát theo người
Hương cưới chia phôi, cười mặn tình đờị”
- Lại một "Nếu" nữa, có lẽ xuyên suốt, gắn kết cả bài hát là từ "nếu". Giả định, hay cũng là trăn trở của người con gái với nhân duyên? Lại lấy cái cả nghĩ của người đời mà mạn phép cho rằng nàng ấy đang chua xót cho chính mình, và cho cái đám cưới có "pháo vui", có "hương cưới"kia. Đám cưới vui là vậy, có tiếng hát, có hương vui, có cả pháo vui, nhưng sao có cái gì xót xa đến thế. Phải chăng vì sự chia phôi đã được báo trước ẩn dưới cái vỏ đám cưới hạnh phúc kia. "Cười mặn tình đời"...Tình là thế, gắn kết là thế, rồi lại phải chia ly...
“Nếu một đêm em bước qua thềm
Mang nặng hồn mềm
Em trở mình trên nhân duyên
Nếu nửa đêm trăng gió đã lên
Bão mưa êm, chăn gối ghi tên
Bia mộ đường quên.”
- Đêm buông, nàng bước qua thềm, trĩu nặng lòng mối nhân duyên. Trăn trở, nghĩ suy. Nhân duyên là cái may mắn, cũng là cái nợ nần. Không có nhân duyên tốt, nhân duyên xấu, chỉ là do cá nhân mỗi người cảm nhận nó theo mặt nào thôi. Nhân duyên ngắn ngủi hay dài lâu cũng làm lòng người đa mang canh cánh...
“Nếu một mai không còn ai
Ðứng bên kia đời trông vời vợi
Không còn ai ! Ðâu còn ai ?
Trong ngày mai, có dư hương người
Chỉ là gian dối mà thôi
Nếu về sau em có qua cầu
Không chẳng vì sầu, thương chẳng còn đâu
Mà nói chuyện quên nhau
Nếu vì sao, quay gót cuốn mau
Dấu chân sâu in vết không lâu
Chẳng nợ gì nhau…”
- Nếu ngày mai, không còn ai, không còn ai đứng bên kia đời...Cố nhân hút bóng...Có chút hương vương vấn, cứ tưởng là người đấy, mà người đã xa nghìn dặm nhân duyên. Chỉ còn luyến thương, còn hoài niệm...Nhưng đừng sầu muộn, đã là dĩ vãng, thì hãy để dĩ vãng lui vào quá khứ...
- Người ơi, nhân duyên hết rồi, sầu thương cũng trở nên hư vô. Nhân duyên ngắn ngủi, có từng ấy thôi. Đã trọn nhân duyên, xin dứt áo. Dấu chân xưa, bụi quá khứ đã phủ mờ.Hết nợ nhân duyên,xin đành quên nhau.

December 4, 2020

ĐỪNG BỎ EM MỘT MÌNH – NÓI THAY LỜI TÂM SỰ CỦA NGƯỜI DƯỚI MỘ


- Trong dòng nhạc xưa trước 1975 với đa dạng về chủ đề, không thiếu những ca khúc nội dung ma quái liêu trai, nhưng có lẽ sẽ không có bài hát nào có thể làm người nghe cảm thấy lạnh người, rùng rợn, một bài hát đầy mùi tử khí nghĩa trang với những âm điệu như vọng từ cõi mơ hồ, cùng tiếng rền rĩ thổn thức của một người dưới mộ. Đó chính là bài Đừng Bỏ Em Một Mình, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh. " Đừng bỏ em một mình đừng bỏ em một mình trời lạnh quá trời lạnh quá sao đành bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình đừng bỏ em một mình chiều lộng gió chiều lộng gió sao anh đành bỏ em…" Đó là những lời như vừa nỉ non, vừa van nài của một cô gái vừa lìa trần ở tuổi còn rất trẻ. Trong một buổi chiều lộng gió, áo quan của cô được hạ ở chốn nghĩa trang buồn u uất và lạnh lẽo đến đau lòng. Bài hát với những từ “đừng bỏ em một mình” được lặp lại liên tục, tăng thêm phần ai oán, bi thương, như là đặt người nghe vào đúng bối cảnh của trời lạnh và gió thúc, nghe rõ từng lời cầu kinh đưa người về sâu đất lạnh: "Lời nào đó lời nào đó tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh nhạc nào đó nhạc nào đó nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn
Đừng lặng thinh đừng lặng thinh với tiếng chày tiếng búa nện đinh đừng tỏa hương đừng tỏa hương khói hương vàng che khuất người thương"
Nơi huyệt mộ lưng chừng, nàng nghe tiếng cầu kinh mà ngỡ như lời ân tình vẫn còn đó chưa phai phôi, nghe nhạc chiêu hồn mà ngỡ như bài tình ca năm cũ. Phải chăng đó là những ảo giác cuối cùng về kiếp sống cũ mà trong tâm linh nàng còn cảm nhận được trước khi hoàn toàn lịm tắt.
Nỗi ai oán của bài hát, của cô gái trong áo quan được đẩy lên liên tục, dồn dập làm cho người nghe hoàn toàn đắm chìm trong một mê hồn trận mà nhạc sĩ cố tình giăng ra để dẫn dụ người nghe. Nằm trong quan tài, cô gái nghe thấy từng tiếng búa gõ đều đều cùng theo nhịp cầu kinh. Rồi cô muốn hét lên, nhưng bất lực vì thân xác đã bất động. Cô muốn nói rằng mình chẳng hề muốn được siêu thoát hay cứu rỗi gì đâu, nên tiếng kinh cầu hay khói hương bay kia cũng chỉ là những phù phiếm.
“Em muốn còn vất vưởng ngàn đời ở cõi trần ai này, vì nơi này còn có anh, và chỉ nơi này mới có anh, em chỉ muốn nhìn thấy anh thôi, nhưng khói hương vàng vô tri vô giác này đã khuất lấp bóng người tình rồi. Anh hãy nói một lời nào cho em bớt nỗi sợ, bớt hoang lạnh và run rẩy tâm linh, nhưng đáp lại em chỉ có tiếng chày tiếng búa nện đinh lên quan tài lạnh lẽo” – Lời nói của linh hồn thả trôi vào hư không, không một lời hồi đáp.
"Đừng bỏ em một mình đừng bỏ em một mình đường về nghĩa trang mông mênh đừng bỏ em
Đừng bỏ em một mình đừng bỏ em một mình đường về nghĩa trang lênh đênh đừng bỏ em…"
Rồi những rộn ràng chân bước của một đám tang cũng sẽ qua nhanh, trả lại sự thinh lặng miên man ở chốn nghĩa trang buồn, xung quanh đây chỉ còn tiếng gió rít như lời khóc than đêm về cùng những thấp thoáng bóng ma dật dờ. Khung cảnh hoang liêu với trời lạnh và gió lộng đó cũng làm sao sánh được với niềm cô đơn khắc khoải, nỗi đớn đau của cô gái khi bị bỏ lại riêng mình, bị rời xa không cách nào có thể quay lại.
Đừng bỏ em một mình đừng bỏ em một mình cùng một lũ cùng một lũ côn trùng rỉa rúc thân hình
Đừng bỏ em một mình đừng bỏ em một mình một mồ trinh chênh vênh chờ cỏ xanh…
Thân xác này đã từng ôm ấp linh hồn em, đã từng hiện hữu bên người, nay đành bị vứt bỏ cho lũ côn trùng rúc rỉa. Rồi thể xác trong mộ cũng sẽ không còn, linh hồn em thì đã không còn nơi trú ngụ, lạc trôi giữa chốn vô cùng, mênh mông và chênh vênh.
Một người đi vào thiên thu, nhưng người còn ở lại sẽ thì vẫn sống, với nỗi xót đau này dù có lớn dường nào thì rồi sẽ dần nguôi ngoai, nên suy cho cùng thì chỉ có người dưới mộ là thiệt thòi với nỗi cô đơn tận cùng, vì luyến lưu kiếp đời và vương vấn cõi tình dang dở nên không thể nào siêu thoát, nên đời đời kiếp kiếp vẫn là một ma nữ u buồn…
Vì vậy có một điều tích cực của bài hát này mang lại, đó là người ta sẽ thấy thêm trân quý cuộc sống của mình, sống trọn vẹn với cuộc đời, với cuộc tình, để nếu khi có ra đi thì không còn điều gì luyến tiếc.
"Đừng bỏ em một mình đừng bỏ em một mình
vài ngàn đời sau nữa vài ngàn đời sau nữa vài ngàn đời sau nữa ai mái tóc còn xanh"
Ai rồi cũng sẽ đi qua quãng đường đó, chỉ là sớm hay muộn, xót thương cho cô gái trẻ kia vì bước đường quá ngắn nên nỗi sầu đau cũng dài hơn. Ngàn đời sau nữa, ngàn đời sau, đâu có tóc ai mà xanh hoài, ai rồi cũng sẽ bước qua con đường này. Vì vậy lời hát cuối cùng, cũng lời kêu than cuối của cô gái tội nghiệp kia chính là lời réo gọi người tình, nài nỉ chàng xin hãy đi cùng cô để tròn lời hứa mãi mãi bên nhau như lời chót lưỡi đầu môi người đã từng hoài thề thốt. Lời kêu gào đó của cô gái cứ đeo bám theo người hoài những đêm đêm…
Bài hát này, nếu nghe lại qua giọng hát Lệ Thu, trong các bản thu âm trước 1975, có thể nghe được những lời hát chơi vơi, như thả vào thinh không. Lệ Thu dù hát Đừng Bỏ Em Một Mình vào thời mà tuổi vẫn còn trẻ, nhưng sự trải đời, sự nhập tâm vào bài hát là thực sự đáng kinh ngạc, đặc biệt là với một bài hát cần lối thể hiện khác lạ, không giống với hầu hết các bài hát khác. - Bài hát này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ cùng tên của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Cùng với Kiếp Nào Có Yêu Nhau, thì Đừng Bỏ Em Một Mình là 1 trong 2 bài hát nổi tiếng nhất được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của người nữ thi sĩ tài hoa này. 

December 1, 2020

VĨNH BIỆT DANH CA MAI HƯƠNG (1941-2020) – “VIÊN NGỌC QUÝ” CỦA TÂN NHẠC VIỆT NAM


- Ca sĩ Mai Hương, một trong những giọng nữ xuất sắc nhất của tân nhạc Việt Nam vừa qua đời tại Mỹ, hưởng thọ 79 tuổi.
Mai Hương được sinh ra trong một đại gia đình nghệ sĩ. Bà là con gái của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và ông Phạm Đình Sỹ (anh trai của những thành viên nổi tiếng trong ban Thăng Long là Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung, Hoài Bắc).
- Mai Hương được lớn lên từ nhỏ trong một môi trường tràn ngập hơi thở của tân nhạc, cha mẹ của bà cũng phụ trách lớp nhạc và ban nhạc nổi tiếng là Tuổi Xanh đã đào tạo ra rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nên Mai Hương cũng thể hiện được năng khiếu âm nhạc từ rất sớm. Từ năm 1953, khi mới được 12 tuổi bà đã dự thi cuộc tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á.
- Mai Hương từng chia sẻ trên đài RFA:
“Năm 1952, 53 gì đó, tôi mới 11, 12 tuổi thôi, ở Hà Nội vào Sài Gòn. Tôi lúc đó được cô ruột là cô Thái Thanh khuyến khích ghi tên vào chương trình thi tuyển lựa tài tử dưới thời ông giám đốc đài phát thanh Pháp Á chương trình Tiếng Việt là ông Hoàng Cao Tăng, hát bài Chú Cuội của Phạm Duy. Vào đến chung kết mà qua 4 thời kỳ như vậy là cũng không phải dễ. Qua thời kỳ thi tuyển, tôi trúng tuyển ngay. Tuần tự như vậy vào chung kết, cô Thái Thanh tập cho bài Xuân và Tuổi Trẻ của nhạc sĩ La Hối, lời Thế Lữ. Tất cả mọi người ngồi ban giám khảo nói rằng một con bé 12 tuổi hát bài ấy là quá khó, thế là chấm đậu luôn.”
Từ đó, Mai Hương đã được những nhạc sĩ trưởng ban văn nghệ của các đài phát thanh để ý, ngay từ lúc bà còn hát trong chương trình thiếu nhi, rồi sau đó được mời cộng tác với các “ban nhạc người lớn”.
- Cùng lúc đó, Mai Hương còn cộng tác với các chương trình thiếu nhi, đồng thời theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc và được những giáo sư nổi tiếng hướng dẫn: Học violon với thầy Nhiên, ký âm pháp với thầy Nguyễn Cầu, đàn tranh với thầy Nguyễn Hữu Ba và hợp xướng với thầy Hải Linh. Tuy nhiên sau đó vì bận thi tú tài 1 nên Mai Hương phải bỏ dở dang việc học nhạc. Tuy nhiên bà cũng kịp có được căn bản khá vững vàng nên khi cộng tác với những chương trình tân nhạc lớn đã không gặp phải một khó khăn nào. Mai Hương được hầu hết đồng nghiệp nhận xét là nắm rất vững nhạc lý, nên khi vào hát trong đài phát thanh ngay từ khi còn rất trẻ, bà có thể cầm tờ nhạc lên là có thế hát ngay được và phối hợp rất ăn ý với ban nhạc, chứ không cần phải tập dượt trước như nhiều ca sĩ khác.
- Dù là một giọng ca nổi tiếng và được đánh giá cao, nhưng khi còn ở Việt Nam, bà ít khi xuất hiện trước khán giả. Tên tuổi Mai Hương được biết đến nhiều đều từ các chương trình phát thanh và truyền hình. Ngoài đài phát thanh Pháp Á và Đài Phát Thanh Sài Gòn, bà còn hát trên những đài Quân Đội và Tiếng Nói Tự Do, đài Truyền Hình Việt Nam, cộng tác với hầu hết những chương trình ca nhạc nổi tiếng vào thời đó với các trưởng ban như Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Quí Lãm, Võ Đức Tuyết, Y Vân, Hoàng Trọng, Vũ Thành…
- Mai Hương từng tâm sự: “Khán thính giả của tôi đại đa số là người lớn tuổi. Đó là điều dĩ nhiên vì giọng hát của mình là giọng hát cũ, bài hát mình cũng là bài hát cũ thì đương nhiên đối tượng của mình cũng phải là lớp khán giả đó, lớn tuổi và yêu loại nhạc tiền chiến”.
- Ca sĩ Mai Hương lập gia đình với một công chức tùng sự tại Nha Hàng Không Dân Sự. Bà từng cho biết là chỉ quen biết chồng (ông Trương Dục) được 3 tháng trước khi tổ chức lễ thành hôn tại nhà hàng Đồng Khánh vào tháng 9 năm 1961.
Nhà anh chị của ông Trương Dục trong cùng một con hẻm với nhà Mai Hương trên đường Bùi Thị Xuân ở Quận 1 – Sài Gòn, họ chỉ thấy mặt chứ chưa hề nói chuyện với nhau bao giờ. Mai Hương cho biết cuộc hôn nhân của cô đều đến từ sự xếp đặt của gia đình mà không phải đến từ tình yêu thật sự.
- Tuy nhiên, sau tròn 60 năm chung sống, Mai Hương đã hoàn toàn tìm được hạnh phúc trọn vẹn bên chồng và 4 người con, gồm 1 trai và 3 gái.
Mai Hương cùng chồng và 4 con rời Việt Nam vào ngày 22 tháng 4 năm 1975. Sau một tuần ở đảo Guam, cả gia đình sang thẳng Nam California, tạm trú tại trại Pendleton một thời gian ngắn trước khi bắt đầu một cuộc sống mới trên xứ người.
- Vào những năm cuối đời, cuộc sống êm đềm của Mai Hương cứ thế trôi qua trong những ngày hạnh phúc bên cạnh người bạn trăm năm trên vùng đồi Rowland Heights thơ mộng, là nơi bà tìm được sự thảnh thơi cho tâm hồn với những sinh hoạt bình thường của một ngày trong cuộc sống.
- Sau 60 năm sống hạnh phúc bên nhau, đôi vợ chồng Mai Hương – Trương Dục có thể được coi là một trong những cặp vợ chồng nghệ sĩ sống bền bỉ với nhau nhất. Một ngày cuối tháng 11 năm 2020, Mai Hương đã giã từ người thân để ra đi ở tuổi 79. Như vậy trong cùng năm 2020, cả 2 cô cháu ruột là Thái Thanh và Mai Hương đều đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Xin cúi mình tưởng tiếc những tài danh bậc nhất của âm nhạc Việt Nam (nhacxuavn)

November 29, 2020

RỒI MAI TÔI ĐƯA EM


 

Nhạc sĩ Trường Sa đã một lần thổ lộ: “Viết một ca khúc, trước hết mình đã phần nào là một người làm thơ và mình cũng phải có một giác quan rất bén nhạy mới có thể tạo ra được những chuỗi âm thanh hài hòa để người nghe cùng rung động với tâm tư của mình. Vì vậy trong âm nhạc tôi cũng không thể không nhìn nhận đây là nhu cầu vô cùng cần thiết cho đời sống tinh thần”.
- N
hững tác phẩm có lời ca từ như thơ mà ông đã sáng tác trong một số ca khúc về tình yêu. Trong đó ca khúc Rồi Mai Tôi Đưa Em là một bài thơ tình trầm buồn đắm đuối, mà tác giả đã tự phổ lên thơ mình những giai điệu đã đi vào lòng người từ hơn nửa thế kỷ trước. Đây là ca khúc nhạc tình đầu tiên của Trường Sa (trước đó ông đã nổi tiếng với các ca khúc nhạc vàng đại chúng như Chuyện Người Đan Áo, Hành Trang Giã Từ…). Ông đã phải mất đến thời gian 2 năm mới hoàn thành tác phẩm này:  "Rồi mai tôi đưa em xa kỷ niệm.

- Vì nhạc cũng là thơ nên những câu từ đều chắt lọc và mênh mang một nét buồn trầm lắng, không bi lụy oán than sướt mướt thường tình, trái lại gột hết tấm lòng yêu thương chân thành được tác giả giải bày bằng ngôn ngữ của thơ: man mác nhẹ nhàng u buồn mà niềm đau nhớ nhung như chỉ dành riêng phần mình làm người ở lại.

"Rồi mai tôi đưa em xa kỷ niệm.
Xin lời cuối không dối gian trong mắt em.
Tình yêu cho thương đau nghe buồn thêm.
Gác vắng mưa gợi niềm chăn chiếu."

“Xin lời cuối không dối gian trong mắt em” – Mở đầu ca khúc bằng câu thiết tha chùng lòng khi mai này tôi “đưa em xa kỷ niệm”. Ca từ của Trường Sa không bóng bẩy cao xa, nhưng được gạn lọc từ một tình yêu thi vị sâu xa, thấm đẫm chân tình của trái tim hướng thượng tất nhiên sẵn có trong tâm hồn nghệ sĩ.

“Tình yêu cho thương đau nghe buồn thêm. Gác vắng mưa gợi niềm chăn chiếu” – Những lời lẽ tưởng như là mộc mạc, mà nghe nhiều lần mới thấm được nỗi thương đau trong nỗi buồn của kẻ ở lại âm thầm tiễn biệt người yêu về miền cách trở muôn trùng, mới cảm được cách dùng từ gọn gàng mà điêu luyện của một nhà thơ nhạc sĩ đã gây ấn tượng và cảm xúc cho người đọc người nghe

"Còn đây không gian xưa quen gót lầy.
Bên hè phố cây lá thưa chim đã bay.
Ngồi nghe yêu thương đi xa tầm tay.
Giữa tiếng ru trầm vào cơn mê này."

Khi tiễn em rời xa, chỉ còn lại một mình tôi với không gian xưa đã từng quen với bao kỷ niệm. Bóng hồng đã khuất rồi thì nơi chốn thiên đường hẹn hò ngày ấy trở thành khô cằn sa mạc hoang vu. Cây lá thớt thưa màu xanh dấu ái và cánh chim đã vút bay vì “lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Vạn vật đối với mọi người thì vẫn thế thôi nhưng riêng đối với một người thì vắng em là vắng cả thế giới hoa mộng, khi một mình tôi “ngồi nghe yêu thương xa tầm tay” và “giữa tiếng ru trầm vào cơn mê này”, chỉ có người nhạc sĩ mới lắng nghe được tiếng “ru trầm” và Trường Sa đã đưa cảm nhận nhạy bén của giác quan lạ thường ấy vào tác phẩm. Đó là ưu điểm khác thường của mỗi rất riêng của tác giả tài hoa làm nên tên tuổi của mình.

"Chiều xưa em qua đây ru hồn nắng ngủ say
lời yêu trót đong đầy.
Đón em Thu mây bay tiễn em Xuân chưa phai
xót ngày vàng còn gì?
Đành đoạn rồi những lần chiều hẹn ước…"

“Chiều xưa em qua đây ru hồn nắng ngủ say” là câu được muôn triệu người nhớ và hát trong suốt 50 năm qua, vì lời nhạc hay như lời thơ. Nhạc sĩ Trường Sa trong phút xuất thần đã chỉ một câu thôi mà nói giùm cho bao người về chiều xưa kỷ niệm em mang cả trời thơ qua đây. Nhạc sĩ cũng đã bày tỏ rằng ông thích khúc nhạc này trong bài này nhất. Cũng dễ hiểu thôi vì tất cả thính giả phần nhiều ai cũng thích khổ nhạc tình quá nên thơ này, đầy diễm tình và cũng đầy xót xa cho tình yêu trắc trở để rồi: “Đón em Thu mây bay tiễn em Xuân chưa phai xót ngày vàng còn gì?”

 “Đành đoạn rồi những lần chiều hẹn ước…”, nhạc sĩ rất tài hoa khi đã dùng cặp từ “đành đoạn” rất thương tâm, rất thâm trầm để càng thêm xót đau cho “những lần chiều hẹn ước” từ nay không còn ai đón ai đưa

Đi đôi với ca từ rất thơ, những giai điệu buồn thương chầm chậm réo rắt dìu người nghe vào cung điệu thương hoài không gian cũ chỉ còn nơi âm thầm tiếc nhớ một thiên tình đi vào hoài cảm mãi không thôi.

"Rồi mai chân hoang vu lên phố gầy.
Tôi về nhớ trong mắt môi đã đắng cay.
Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn!
Vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng."

Trường Sa đã có những ca từ riêng biệt đã tạo nên những dấu hỏi ở thính giả, như “phố gầy” là gì? Chúng ta có thể hiểu “phố gầy” như “phố buồn” vậy, có lẽ nhạc sĩ đã liên tưởng đến Đà Lạt, thành phố của tình yêu, thành phố của mộng tưởng mà bất cứ một tác giả nào cũng mơ ước được sống ở đó một thời gian để sáng tác, và tuyệt hơn là có một mối tình buồn ở đó để dễ có “chất liệu thương đau” khi xa nhau nơi suong hoa núi đồi mộng mơ để viết lên được những lời thơ lời nhạc đẹp như ca khúc Rồi Mai Tôi Đưa Em.

“Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn. Vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng” – Đoạn kết ca khúc vẫn thâm trầm tưởng đến một nơi nào đó người xưa vẫn “còn chút gì để nhớ” để nghe nắng vẫn ấm nồng trong khúc ru trầm xuân về cho má đỏ môi hồng ngày xưa vẫn như còn “ru hồn nắng ngủ say”.

Trước năm 1975, ca khúc này được nữ danh ca Lệ Thu nổi tiếng ở Sài Gòn trình bày

DANH SÁCH BÀI DĂNG TỪ MỚI ĐẾN CŨ

NHẠC SĨ THANH SƠN: ÔNG HOÀNG CỦA NHỮNG TÌNH KHÚC MÙA HÈ
NGHE LẠI CA KHÚC TUYỆT ĐẸP “ANAK – CON YÊU” _VÌ YÊU CON CHA MẸ SẼ CHẲNG TIẾC CẢ CUỘC ĐỜI
CASABLANCA - TÌNH YÊU LỚN MÃI THEO THỜI GIAN
TÌNH MÃI NGU NGƠ _(ときめきはバラード - Takeshi Matsubara) _LỜI VIỆT PHẠM DUY
BAO DUNG HƠN ĐỂ NHẸ LÒNG HƠN NHƯ NHẠC PHẨM “XIN CÒN GỌI TÊN NHAU”
"DELILAH_TÌNH HẬN" MỘT BẢN BALLAD GIẾT NGƯỜI
RU EM TỪNG NGÓN XUÂN NỒNG MỘT NHẠC PHẨM DỄ NGHE, DỄ THẤM, DỄ ĐI VÀO LÒNG NGƯỜI NHƯNG LỜI KHÔNG DỄ LÝ GIẢI
CA KHÚC "KHOẢNH KHẮC TÌM VỀ"
VÌ TÔI LÀ LINH MỤC
MẸ TA TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG (THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN, NHẠC BETA THANH THIÊN TRẦN, TIẾNG HÁT THUỴ LONG)
TUẤN KHANH, CHIẾC VĨ CẦM KHÔNG CÓ TUỔI (NHẠT NHOÀ_TRẦN THÁI HOÀ)
DUYÊN THỀ VÀ DÒNG NHẠC CỦA NHẠC SĨ THANH TRANG
XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ
NHA TRANG NGÀY VỀ
CĂN NHÀ AN ĐÔNG CỦA MẸ TÔI _ Truyện ngắn của nhà Văn Nguyễn Tường Thiết
“MƯA TRÊN BIỂN VẮNG”_BÀI HÁT GẮN BÓ ĐỊNH MỆNH VỚI GIỌNG HÁT CA SĨ NGỌC LAN
ƯỚT MI, CƠN MƯA NHỎ TRÊN TÂM HỒN MONG MANH
GIỚI THIẾU ĐẾN MN MỘT ALBUM NỔI TIẾNG TRƯỚC 1975 ĐƯỢC SẢN XUẤT BỞI NS DUY KHÁNH _"BĂNG NHẠC TRƯỜNG SƠN 3 VỚI CHỦ ĐỀ QUÊ HƯƠNG VÀ NGƯỜI TÌNH"
NHẠC PHẨM “LÒNG NGƯỜI LY HƯƠNG” (“LA COMPLAINTE DES INFIDÈLES” – LỜI VIỆT: HƯƠNG HUYỀN TRINH)
NHẠC SĨ VŨ THÀNH AN VÀ NHỮNG BÀI KHÔNG TÊN _BÀI KHÔNG TÊN SỐ 2
“BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ” (PHẠM DUY & NGỌC CHÁNH) – TÂM HỒN YÊU THƯƠNG LÃNG MẠN ĐA CHIỀU CỦA MỘT CHÀNG TRAI MỚI LỚN
THƯƠNG NHỚ BÓNG XUÂN XƯA _"CÔ LÁI ĐÒ" (THƠ NGUYỄN BÍNH-NHẠC NGUYỄN ĐÌNH PHÚC)
NS HOÀNG NGUYÊN VÀ MỐI TÌNH ÂM NHẠC VỚI THÀNH PHỐ MÙ SƯƠNG _BÀI THƠ HOA ĐÀO (PRE 75)
CÓ MỘT PHẠM DUY CỦA XUÂN CA _KHÚC HÁT THANH XUÂN (LỜI VIỆT PHẠM DUY)
MÙA XUÂN TRONG NHẠC CỦA NGUYỄN VĂN ĐÔNG _LK PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN & NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN
ĐÓN XUÂN NÀY NHỚ XUÂN XƯA _40 NHẠC PHẨM XUÂN XƯA THU ÂM TRƯỚC 1975
TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY (TÁC GIẢ HOÀNG THANH TÂM) _MỐI TÌNH ĐẦU QUA 2 THẾ KỶ
“CHÀNG LÀ AI?” BÀI TÂN NHẠC ĐẦU TIÊN ĐƯỢC GHÉP CHUNG VÀO BẢN VỌNG CỔ, MỞ ĐẦU CHO THỂ LOẠI TÂN CỔ GIAO DUYÊN
"NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ĐỜI" _TƯỞNG NHỚ CS. LỆ THU (16-07-1943 - 15-01-2021)
"GIỌT MƯA TRÊN LÁ" XỨNG ĐÁNG LÀ CA KHÚC TIÊU BIỂU CHO TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG
“KHÚC HÁT THANH XUÂN” BÀI HÁT NGỌT NGÀO CHO MỘT THỜI THANH XUÂN HỒN NHIÊN ĐẦY MỘNG ƯỚC
HƯƠNG GIANG DẠ KHÚC (NGUYỄN HOÀNG ĐÔ) HỒNG NHIÊN
“NÓ” THỜI NÀO CŨNG CÓ – NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI NGÀY NAY (ANH BẰNG – HOÀNG MINH)
NHÀ "CHĂN NHẠC" TÔ VŨ TÁC GIẢ BÀI SỬ CA CÓ TÊN"NHẠC XƯA" VIẾT VỀ HAI BÀ TRƯNG
NHẠC SĨ PHẠM DUY NÓI VỀ CÁCH ĐẶT LỜI VIỆT CHO NHẠC NGOẠI _ALBUM "NHẠC NGOẠI TUYỂN CHỌN LỜI VIỆT PHẠM DUY"
NHỮNG ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ DANH CA THÁI THANH "MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ MỘT NGƯỜI MẸ"
CHỈ CÓ THÁI THANH MỚI CÓ BIỆT TÀI “PHIÊU” CŨNG VỚI NHỮNG CA KHÚC CỦA PHẠM DUY_ALBUM "THÁI THANH (PRE75)-TÌNH CA PHẠM DUY 2"
DANH CA THÁI THANH "TIẾNG HÁT LÊN TRỜI" _ALBUM "THÁI THANH (PRE75)-TÌNH CA PHẠM DUY 1"
"LOVE STORY" BẢN TÌNH CA BẤT HỦ
NHẠC PHÁP LỜI VIỆT _NHỮNG TÌNH KHÚC CỦA ELSA _QUELQUE CHOSE DANS MON COEUR (CHÚT VƯƠNG VẤN TRONG TIM)
NHẠC PHẨM "ELLE ÉTAIT SI JOLIE" (EM ĐẸP NHƯ MƠ) ĐÃ MANG NS ALAIN BARRIÈRE ĐẾN ĐỈNH CAO DANH VỌNG
BĂNG NHẠC SƠN CA 3 _MỪNG GIÁNG SINH _TÌNH YÊU & THANH BÌNH”
HOÀN CẢNH RA ĐỜI CA KHÚC “CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI”
SẦU CHOPIN "TRISTESSE" (LỜI VIỆT PHẠM DUY)
EM VỀ MÙA THU _NGÔ THUỴ MIÊN
MÙA ĐÓN NẮNG _NẮNG THUỶ TINH
“NGHÌN TRÙNG XA CÁCH “ _LỜI TIỄN BIỆT DỊU ÊM CHO MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH 10 NĂM DAI DẲNG CỦA CỐ NS PHẠM DUY
PLAISIR D’AMOUR _TÌNH VUI (MÀ KHÔNG VUI)
“ĐÊM TRAO KỶ NIỆM” CA KHÚC NHẠC VÀNG NỔI TIẾNG NHẤT CỦA CA NHẠC SĨ HÙNG CƯỜNG
DÒNG SÔNG QUÊ CŨ (LA PLAYA )
XUÂN THÌ (PHẠM DUY)
ELLE IMAGINE_MỘT THOÁNG CHIM BAY (LỜI VIỆT KHÚC LAN) tiếng hát NGỌC LAN
ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU VỀ CA KHÚC "GÁNH LÚA" MỘT SÁNG TÁC CỦA NS PHẠM DUY
VÀI NÉT VỀ BÀI HÁT XƯA "ĐÀN CHIM NHỎ" CỦA NS PHẠM DUY
MAI HƯƠNG, ĐÓA HƯƠNG CA BUỔI SỚM
BẾN XUÂN _ ĐÀN CHIM VIỆT

CẢM NHẬN "ĐÊM THU” CA KHÚC ĐẦU TAY CỦA NHẠC SĨ ĐẶNG THẾ PHONG

XIN CHỌN NƠI NÀY LÀM QUÊ HƯƠNG DẪU CHO KHÓ THƯƠNG

MỘT CHÚT GIA VỊ THÊM VÀO NHẠC PHẨM “NGÀY XƯA HOÀNG THỊ” BẤT HỦ CỦA PHẠM THIÊN THƯ–PHẠM DUY
VỀ CA KHÚC “MỘT BÀN TAY” CỦA NHẠC SĨ PHẠM DUY
THƯỞNG THỨC DẠ KHÚC SERENADE BẤT HỦ CỦA NHẠC SĨ THIÊN TÀI FRANZ SCHUBERT
ĐOÀN CHUẨN, TÌNH NGHỆ SĨ _ ĐOÀN CHUẨN-TỪ LINH, VẬY TỪ LINH LÀ AI?
LES FEUILLES MORTES - LÁ ÚA MÃI XANH
PHẠM DUY GIỮA CHÚNG TA (Sài Gòn 06/10/2021 ~ NS TUẤN KHANH)
50 NĂM GIAI THOẠI BÀI "IL EST MORT LE SOLEIL" (NẮNG ĐÃ TẮT)
TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU (THƠ LÊ THỊ Ý_NHẠC PHẠM DUY) JULIE
BOTH SIDES NOW HAI KHÍA CẠNH CUỘC ĐỜI (LỜI VIỆT PHẠM DUY)
BÊN KIA SÔNG (THƠ NGUYỄN NGỌC THẠCH NHẠC NGUYỄN ĐỨC QUANG)
MƠ MÒNG_RÊVERIE - SCHUMANN(LỜI VIỆT PHẠM DUY)-TIẾNG HÁT MAI HƯƠNG
THU SẦU – LỜI TÂM SỰ CỦA MỘT CUỘC TÌNH NGANG TRÁI
NHỚ QUÊ HƯƠNG (PHẠM NGỮ) LỆ THU PRE 75
ADIEU TRISTESSE (Tạm biệt nổi buồn)
NGỤ NGÔN CUỘC ĐỜI _CA KHÚC DONNA DONNA LÀ THÁNH CA CỦA SỰ TỰ DO
ĐỒNG XANH_GREEN FIELDS
RU ĐỜI ĐI NHÉ (TRỊNH CÔNG SƠN) TOÀN NGUYỄN
GIỌT MƯA THU, NHẠC PHẨM CUỐI CÙNG CỦA CỐ NHẠC SĨ ĐẶNG THẾ PHONG
TIẾNG RU NGÀN ĐỜI (VU LAN MUỘN)_LÒNG MẸ
LỜI RU CHO ĐÀ NẲNG (NHẠC NHẬT LỜI VIỆT) KHÁNH LY
BÓNG CẢ _HÃY BAO DUNG NẾU CHA MẸ GIÀ ĐI...
CHIẾC LÁ THU PHAI (TRỊNH CÔNG SƠN)TUẤN NGỌC
CƠN GIÓ THOẢNG (QUỐC DŨNG) NGỌC LAN
ANH CÒN NỢ EM _NỢ MỘT CUỘC TÌNH DANG DỞ, NỢ EM CẢ THANH XUÂN TƯƠI ĐẸP CỦA MỘT THỜI CON GÁI…
LỜI TÌNH BUỒN (VŨ THÀNH AN) VŨ KHANH
BAY ĐI CÁNH CHIM BIỂN
VŨ ĐỨC SAO BIỂN NÓI VỀ “THU, HÁT CHO NGƯỜI”
CÁNH BUỒM XA XƯA (LA PALOMA)
YÊU EM BẰNG CẢ TRÁI TIM (LOVE ME WITH ALL YOUR HEART)
CHUYỆN TÌNH YÊU (HISTOIRE DE UN AMOUR)
CŨNG LÀ TRĂM NĂM _NO EXCUSAS SIN RODEOS
KHÔNG CẦN NÓI YÊU ANH (LỜI VIỆT PHẠM DUY) CA SĨ KIỀU NGA
DỐC MƠ (NGÔ THUỴ MIÊN) KHÁNH HÀ
ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY - NÀNG LÀ AI ?
MAI TÔI ĐI (NHẠC ANH BẰNG, THƠ NGUYÊN SA)
CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI
CA KHÚC VƯỢT THỜI GIAN – “TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY”
HẠT MƯA BUỒN (DIỆU HƯƠNG) TRẦN THÁI HOÀ
NỖI TƯƠNG TƯ NGÀY MƯA THÁNG SÁU...
XA NHẤT VÀ GẦN NHẤT
HÃY LÀ CHÍNH BẠN _HÃY CỨ THẾ......
NĂM THÁNG TĨNH LẶNG, KIẾP NÀY BÌNH YÊN
LÒNG THIỀN, HOA CÚC NỞ
ĐỪNG ĐỢI...
ĐƠN GIẢN ĐẾN MỨC TẬN CÙNG CHÍNH LÀ TRÍ TUỆ (A SIMPLE LIFE IS FULLY HAPPINESS)
HẠNH PHÚC LÀ GÌ?
SỐNG TỬ TẾ...
TRÊN THẾ GIAN...
TRẢI NGHIỆM SỰ TĨNH LẶNG TRONG TÂM HỒN MÌNH
"NHÂN SINH MỘT GIẤC PHÙ VÂN, SỚM CÒN XUÂN SẮC CHIỀU ĐÔNG ĐÃ TÀN" ĐÓ PHẢI CHĂNG CHÍNH LÀ ĐỜI NGƯỜI
CÁI CẦN GẠT NƯỚC
HÃY DUY TRÌ SỰ BẬN RỘN BỞI ĐÓ LÀ LIỀU THUỐC RẺ NHẤT THẾ GIỚI
NHẠC PHẨM “TÌNH LỠ” (NHẠC SĨ THANH BÌNH) – CON ĐƯỜNG MÌNH ĐI SAO CHÔNG GAI…
GIẾT NGƯỜI TRONG MỘNG
NGƯỜI ĐÓNG ĐINH THỜI GIAN
NGÀY HÔM QUA LÀ THẾ
ĐẾN VỚI NHAU LÀ DUYÊN, Ở BÊN NHAU LÀ NỢ,… “HỐI TIẾC” CHÍNH LÀ NỢ DUYÊN ĐÃ HẾT KHIẾN CHÚNG TA PHẢI XA LÌA
HẠNH PHÚC LÀ GÌ?
THI PHẨM “MỘT TIẾNG EM” CỦA THI SĨ ĐINH HÙNG ĐƯỢC NHẠC SĨ NGUYỄN HIỀN PHỔ NHẠC THÀNH THI KHÚC NỔI TIẾNG “MÁI TÓC DẠ HƯƠNG”
HẠNH PHÚC LANG THANG (ANH BẰNG & TRẦN NGỌC SƠN) HỒ HOÀNG YẾN
GỌI EM LÀ ĐOÁ HOA SẦU _THƠ PHẠM THIÊN THƯ _NHẠC PHẠM DUY
BUỒN TÀN THU (CHINH PHỤ KHÚC) – VĂN CAO
MỐI TÌNH XA XƯA (“CÉLÈBRE VALSE DE BRAHMS”)–JOHANNES BRAHMS _NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT – THỜI KỲ LÃNG MẠN
KHI NGƯỜI YÊU TÔI KHÓ– TUYỆT PHẨM TRỮ TÌNH CỦA NHẠC SĨ TRẦN THIỆN THANH
BÀI HÁT “GỌI NGƯỜI YÊU DẤU” – MỐI TÌNH OAN TRÁI Ở XỨ SƯƠNG MÙ ĐÀ LẠT
ĐỘNG HOA VÀNG THƠ PHẠM THIÊN THƯ & NHẠC PHẠM DUY
MỐI TÌNH GIỮA NGƯỜI ĐẸP LÝ LỆ HÀ VÀ CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI LÀ NGUỒN CẢM HỨNG TẠO NÊN BÀI THƠ và BÀI HÁT NỔI TIẾNG "ÁO LỤA HÀ ĐÔNG" ĐÃ HƠN 50 NĂM QUA
THI SĨ CUNG TRẦM TƯỞNG VÀ NHỮNG “CHUYỆN TÌNH PARIS” TRONG THƠ CA – “LÊN XE TIỄN EM ĐI, CHƯA BAO GIỜ BUỒN THẾ…”
BÀI HÁT “GỌI NGƯỜI YÊU DẤU” – MỐI TÌNH OAN TRÁI Ở XỨ SƯƠNG MÙ ĐÀ LẠT
MÔI SON JULIE-MÁI TÓC CHỊ HOÀI NHẠC NHẬT LỜI VIỆT PHẠM DUY
HỌC CÁCH QUÊN
NGÔ THUỴ MIÊN & TỪ CÔNG PHỤNG suốt cả một đời sáng tác cả hai chỉ chung thủy với những bài tình ca
NẮNG XUÂN (SOLENZARA)_BẢN NHẠC NGỢI CA TÌNH QUÊ HƯƠNG
TÌNH QUÊ HƯƠNG _ VIỆT LANG
NHỮNG NĂM CÒN LẠI TRONG CUỘC ĐỜI...
ĐẾN MỘT LÚC
BÓNG HỒNG CỦA NS ĐOÀN CHUẨN VỪA QUA ĐỜI ! _LÁ ĐỔ MUÔN CHIỀU_
BẠN THƯỜNG XUYÊN BỊ STRESS, CĂNG THẲNG MỆT MỎI
CA KHÚC " NGƯỜI YÊU DẤU ƠI" _ MỘT NỖI BUỒN TUYỆT ĐẸP
PHẦN QUAN TRỌNG NHẤT CỦA MỖI NGƯỜI
VÀI DÒNG CẢM NGHỈ VỀ BÀI THƠ VÀ BÀI HÁT "EM HIỀN NHƯ MASOER"
HÃY SỐNG NHƯ BÔNG HỒNG
NS PHẠM DUY VÀ CA KHÚC NHẠC VÀNG "ANH HỞI ANH CỨ VỀ"
MỘT VÀI CẢM NHẬN NHẠC PHẨM "ĐỐ AI" CỦA NS PHẠM DUY
SỐNG CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC VÀ CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC “BÊN NI BÊN NỚ” (CUNG TRẦM TƯỞNG – PHẠM DUY
NGƯỜI VỀ _ PHẠM DUY
DẠ LAI HƯƠNG _ PHẠM DUY
TÔI ĐANG MƠ GIẤC MỘNG DÀI _MỐI TÌNH THƠ NHẠC 10 NĂM CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY và NHÀ THƠ LÊ LAN
NS NGÔ THỤY MIÊN VÀ HOÀN CẢNH SÁNG TÁC NHẠC PHẨM "EM CÒN NHỚ MÙA XUÂN"
ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ_ NGHE BÀI HÁT MẸ TÔI QUA GIỌNG HÁT VÕ HẠ TRÂM
CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC “CẢM ƠN” CỦA NHẠC SĨ NHẬT NGÂN
AI LÊN XỨ HOA ĐÀO_CÕI ĐÀO NGUYÊN MỘT THUỞ CỦA ĐÀ LẠT NGÀY XƯA
TÔI ĐI TÌM LẠI MỘT MÙA XUÂN (ĐOÀN NGUYÊN) LỆ THU
NS PHẠM DUY VÀ CÂU CHUYỆN “TÌNH MẸ DUYÊN CON”
JULIE – TIẾNG HÁT LIÊU TRAI ĐẦY MÊ HOẶC
MẸ và TÔI !
NGUỒN GỐC HOA THẠCH THẢO_MÙA THU CHẾT
VĨNH BIỆT NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG (1937-2020_52 NHẠC PHẨM ĐỂ ĐỜI CỦA NS LAM PHƯƠNG THU ÂM TRƯỚC 75
THA LA XÓM ĐẠO _ NHẠC SĨ DZŨNG CHINH (1941-1969)
BÀI THÁNH CA BUỒN VÀ CUỘC TÌNH DƯỚI MƯA
LIÊN KHÚC BỐN CA KHÚC BẤT HỦ CỦA NS TRƯỜNG SA
THƯƠNG LẮM THÁNG 12_NGƯỜI TÌNH MÙA ĐÔNG
NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ĐỜI
ĐỪNG BỎ EM MỘT MÌNH – NÓI THAY LỜI TÂM SỰ CỦA NGƯỜI DƯỚI MỘ
VĨNH BIỆT DANH CA MAI HƯƠNG (1941-2020) – “VIÊN NGỌC QUÝ” CỦA TÂN NHẠC VIỆT NAM
RỒI MAI TÔI ĐƯA EM
MÙA THU TRONG MƯA
MỘT MAI EM ĐI
XIN CÒN GỌI TÊN NHAU
THU VÀNG, NHỮNG GAM MÀU TÊ TÁI
CHỈ CÒN GẦN EM MỘT GIÂY PHÚT THÔI...
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC CA KHÚC “NGƯỜI ĐI QUA ĐỜI TÔI”_THƠ TRẦN DẠ TỪ NHẠC PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG_THẤT TÌNH CA MUÔN THUỞ
Nhạc Sỹ PHẠM TRỌNG CẦU sáng tác khá nhiều. Nhưng thính giả vẫn nhớ đến ông nhiều nhất qua hai ca khúc “MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI“ và “TRƯỜNG LÀNG TÔI”
GIÀ ĐẦU MÀ CÒN MÊ NHẠC SẾN
HẠT BỤI VO TRÒN TRONG BỤNG MẸ CÚT CÔI_TRẦM TỬ THIÊNG
MƯA NGÂU THÁNG BẢY_NGƯU LANG CHỨC NỮ ĐỢI CHỜ
TRÍCH TỪ BÀI VIẾT CỦA CỐ NỮ CA SỸ QUỲNH GIAO VỀ BÀI HÁT "HOÀI CẢM" CỦA NHẠC SỸ CUNG TIẾN.
NGHE NHẠC BUỒN LÀ ĐỂ TÌM KIẾM NIỀM VUI_THE RHYMTH OF THE RAIN
BÀI HÁT "TRĂNG TÀN TRÊN HÈ PHỐ" HÁT CHO NGƯỜI LÍNH NÀO
Ca sĩ KIM ANH: RƯỢU, MA TÚY và KIẾP CẦM CA
BOLERO CHỢ NỌ_ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ
KINH BỎ MẸ
VỀ NGANG TRƯỜNG LUẬT_TRẢ LẠI EM YÊU
CÓ MỘT HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA MANG DÒNG MÁU ĐẠI VIỆT
CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC "NƯƠNG CHIỀU" CỦA NS PHẠM DUY
PHIẾM: MỘNG SẦU_MƯA TRÊN CÂY SẦU ĐÔNG
SẮC MÔI EM HỒNG_ĐÀN BÀ QUYẾN RŨ VÌ ĐÂU ?
CHUYỆN PHIẾM VỀ ALBUM "TƠ VÀNG 3" NHỮNG TÌNH KHÚC TỪ CÔNG PHỤNG
ĐỜI ĐÁ VÀNG _ MỘT NHẠC PHẨM PHẢI MẤT 27 NĂM MỚI RA MẮT CÔNG CHÚNG
NGỮNG NGÀY THƠ MỘNG
GIAI THOẠI VỀ 3 BÀI THƠ " TRÈO LÊN CÂY BƯỞI HÁI HOA, ... " GẮN VỚI LỘC KHÊ HẦU "ĐÀO DUY TỪ"
NGƯỜI TÌNH LÀ THIÊN TAI
NỖI ĐAU MUỘN MÀNG _ NGÔ THUỴ MIÊN
NẮNG THUỶ TINH
CUỘC ĐỜI ĐÓ CÓ BAO LÂU MÀ HỮNG HỜ
MẸ ƠI, CON ĐÃ VỀ
LADY GREEN SLEEVES _ VAI ÁO MÀU XANH
TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA _ COME BACK TO SORRENTO
SERENATA - CHIỀU TÀ
DÒNG SÔNG XANH-MỘT TRONG SỐ NHỮNG BÀI HÁT LÀM NÊN TÊN TUỔI DANH CA THÁI THANH
THÁI THANH_NGƯỜI ĐÃ ĐI RỒI
LẶNG LẼ NƠI NÀY_MỘT MÌNH ĐI...MỘT MÌNH VỀ... MỘT NGƯỜI CANADA NGHĨ VỀ NGHỆ THUẬT CỦA THÁI THANH (TRÍCH HỒI KÝ PHẠM DUY)
MỘT CÕI ĐI VỀ
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
TIẾNG HÁT THÁI THANH ĐÃ VỀ CHỐN "NGHÌN TRÙNG XA CÁCH"
ALINE-GỌI TÊN NGƯỜI YÊU
CHỈ CHỪNG ĐÓ THÔI
NGUYÊN SA và SỰ THAY ĐỔI CẢM NHẬN THI CA VN
CÁNH BƯỚM VƯỜN XUÂN
DIỄM CỦA NGÀY XƯA
BẢN TÌNH CA CỔ XƯA "SCARBOROUGH FAIR" - ÔI GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA
TÌNH SỬ ROMEO & JULIET- CHUYỆN TÌNH CỦA MỌI THỜI ĐẠI
TUYỆT PHẨM LÃNG MẠNG DÀNH CHO MỐI TÌNH ĐẦU 70 NĂM TRƯỚC _NS LÊ MỘNG NGUYÊN và "TRĂNG MỜ BÊN SUỐI
HẸN HÒ _ PHẠM DUY
PHÚT GIAO THỪA LẶNG LẼ ...
BẾN XUÂN
PHẠM THIÊN THƯ & NGÀY XƯA HOÀNG THỊ
LỆ THU hay "NƯỚC MẮT MÙA THU"
NGHỆ THUẬT VIẾT LỜI VIỆT CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY QUA CA KHÚC CHUYỆN TÌNH (LOVE STORY)
CA KHÚC "SANG NGANG" VÀ MỐI TÌNH TUYỆT VỌNG CỦA NHẠC SỸ ĐỖ LỄ
CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ ĐƯỢC PHỔ NHẠC & HÁT LẦN ĐU TIÊN TẠI PLEIKU NHƯ THẾ NÀO?
NỮA HỒN THƯƠNG ĐAU và BI KỊCH CỦA MỘT GIA ĐÌNH
TẠI SAO KHÔNG GIỮ LỜI HỨA VỚI MẸ TÔI ?
CON ĐƯỜNG TÌNH TA ĐI_ KÝ ỨC CỦA MỘT THỜI
TRÍCH TỪ HỒI KÝ CỦA CA SỸ JULIE
THÀ NHƯ GIỌT MƯA và "NGƯỜI TÊN NHIÊN" từ THƠ đến NHẠC
TÌNH HOÀI HƯƠNG
TẠI SAO NHẠC SỸ PHẠM DUY LẠI BỎ QUÊN CÂY ĐÀN ?
NƯƠNG CHIỀU
NHẠC SỸ DZŨNG CHINH _ TÁC GIẢ NHẠC PHẨM "NHỮNG ĐỒI HOA SIM" CHẾT TRÊN ĐỒI HOA SIM
ĐỜI NGƯỜI NHƯ GIÓ QUA
ĐƯỜNG TRẦN ĐÂU CÓ GÌ
TÌNH CA _ PHẠM DUY
CHO ĐỜI CHÚT ƠN
PHẠM DUY "TẠ ƠN ĐỜI" hay ĐỜI TẠ ƠN PHẠM DUY
THI SỸ PHẠM VĂN BÌNH và MỐI TÌNH KHẮC KHOẢI TRONG NHẠC PHẨM CHUYỆN TÌNH BUỒN
THƠ, NHẠC vả "NGƯỜI TÌNH" CỦA NGUYỄN ĐÌNH TOÀN
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC CA KHÚC "QUÊ NGHÈO" CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY
NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI hay "TÔI XA HÀ NỘI" ?
CHIỀU VỀ TRÊN SÔNG
NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ĐI
ĐI TÌM ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
VẾT THÙ TRÊN LƯNG NGỰA HOANG
ĐI TÌM ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
KIẾP LÁ PHẬN NGƯỜI trong "ĐƯỜNG CHIỀU LÁ RỤNG"
NHẠC SỸ NGỌC CHÁNH _ "BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ"
"CƠN MÊ CHIỀU" của NGUYỄN MINH KHÔI tưởng niệm cuộc thảm sát năm MẬU THÂN, HUẾ
CHỢT THẤY TUỔI GIÀ
MÙA THU trong tình ca Việt
ÔNG TRUMP NÓI GÌ VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VN
12 THÓI QUEN TƯỞNG XẤU NHƯNG HOÁ RA LẠI TỐT
CÁI "VÔ" TRONG TRANH THUỶ MẶC
10 DẤU HIỆU CHỨNG TỎ BẠN HẠNH PHÚC
BUÔNG BỎ PHIỀN NÃO
THÔI KỆ_TRỊNH CÔNG SƠN
GS TRẦN VĂN KHÊ: NGÀI CHƠI VỚI AI MÀ KHÔNG BIẾT MỘT ÁNG VĂN NÀO CỦA NƯỚC VIỆT ?
HAI MẶT CỦA CUÕC ĐỜI
KHI TÔI CHẾT, HỎI CÒN AI GHÉT, AI THƯƠNG?
PHÚT CHIÊM NGHIỆM CUỘC ĐỜI
GÕ CỬA VÔ THƯỜNG
GIÁ TRỊ CỦA SỰ TĨNH LẶNG
HIỂU ĐỜI
5 Cái “Đừng” Của Cuộc Đời
Bao dung càng lớn hạnh phúc càng nhiều
CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ TÌNH CHA
KIẾP NGƯỜI
CUỘC ĐỜI CỦA MẸ
CUỘC ĐỜI MỘT CHIẾC LÁ
TÌM ĐƯỢC NGƯỜI THẤU HIỂU MÌNH MỚI THỰC LÀ NIỀM VUI LỚN NHẤT
CHỢT THẤY TUỔI GIÀ
NHỮNG BỨC ẢNH THÀNH PHỐ TRONG MÀN MƯA CỦA NHIẾP ẢNH GIA EDUARD GORDEEV
BUDDHIST ADVICE ON ANGER
KỲ HUYỆT GIÚP PHỤC HỒI THỊ LỰC
MỐI TÌNH TÔM KHÔ CỦ KIỆU
05 CÁI PHÚC LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI
NHÌN THẤU NỘI TÂM MỘT NGƯỜI KHÔNG PHẢI ĐIỀU QUÁ KHÓ
CHIẾC ÁO SẦU HAI VẠT" TRONG NHỮNG KHÚC TÌNH CA
Hãy Đọc Khi Bạn Đang Cảm Thấy Chán Nản Về Cuộc Sống
LỜI XIN LỖI
NHỚ ĐẤY, CÁI CUỘC ĐỜI NÀY
Nước mía Viễn Đông (góc Lê Lợi - Pasteur) Sài Gòn xưa trước 75
NƯỚC CHANH CHUYÊN GIA GIẾT TẾ BÀO UNG THƯ
QUÁN TRỌ TRẦN GIAN
TRỜI MƯA NHƯ BÀI CA
TRONG DÒNG ĐỜI TRÔI CHẢY, KẺ ĐẾN NGƯỜI ĐI ĐỀU LÀ CÓ NGUYÊN DO CẢ...
HẠT BỤI NÀO HOÁ KIẾP THÂN TÔI...
TRÊN TRỜI MỘT VÌ SAO, DƯỚI ĐẤT MỘT CON NGƯỜI...
THƯỜNG KHIÊM TỐN, BẬC ĐẠI THIỆN GIẢ ẮT KHOAN DUNG
NẾU NHƯ TRONG LÒNG MỆT MỎI, HÃY THỬ NHÌN ĐỜI TỪ HƯỚNG KHÁC
NHẠC SĨ SONG NGỌC VÀ MỘT ĐỜI SÁNG TÁC
MẸO KHI BỊ ONG CHÍCH
CHUYỆN Ở ĐỜI…
ĐỂ QUÊN BÀI HỌC
CHA MẸ LÀ NHẤT TRÊN ĐỜI
MỘT CHÚT LAN MAN
EM CÓ BAO GIỜ ĐỨNG NGẮM MÙA ĐÔNG
CÂU CHUYỆN ĐÊM BA MƯƠI
ĐÀ LẠT NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM
MƯỜI THỨ DÙ CÓ GIA TÀI BẠC TRIỆU CŨNG KHÔNG MUA ĐƯỢC
3 QUÊN, 4 CÓ, 5 KHÔNG
CHÉN THUỐC ĐỘC CỦA SOCRATES
NHẪN & NHỊN
Thông minh không phải yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công, mà Chìa khóa của sự thành công là “ý chí”
Đời người là một loại lựa chọn, cũng là một loại buông bỏ
NHỮNG NGƯỜI BẠN GẶP TRÊN ĐƯỜNG
NHỚ MỘT THỜI XÍCH LÔ MÁY TẠI SÀI GÒN
XE ĐIỆN SÀI GÒN XƯA
CƠM THỐ SÀI GÒN XƯA
CÔ GÁI ĐÁNH CỌP NGAY LỄ KHAI THỊ CHỢ BẾN THÀNH 1914
HÃY NHẸ NHÀNG
XIN MỜI CÁC BÁC MUA CHIM NHÉ
CẢM XÚC NGÀY CUỐI NĂM
NHỮNG CÂY BONSAI BIẾT BAY LƠ LỬNG Ở NHẬT
ĐƠN GIẢN ĐẾN MỨC TẬN CÙNG CHÍNH LÀ TRÍ TUỆ
SỐNG HẠNH PHÚC HAY KHÔNG LÀ TUỲ TÂM MÌNH QUYẾT ĐỊNH
THƯ BA GỬI CON GÁI YÊU NGÀY VỀ NHÀ CHỒNG
BÂNG KHUÂNG CHIỀU CUỐI NĂM
LY RƯỢU CHIỀU CUỐI NĂM
TẢN MẠN CHIỀU CUỐI NĂM
LỜI CHÚC ĐẦU NĂM
TẠI SAO CÁC CỤ LẠI GỌI LÀ "TẾT NHẤT
TẾT NGUYÊN TIÊU TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT
MÙI TẾT
CHIẾC CẶP ĐEN CỦA TỔNG THỐNG MỸ
THƠ CHÚC TẾT NƠI ĐẤT KHÁCH XUÂN CON KHỈ 2016
CHÚT TẢN MẠN ĐẦU NĂM BÍNH THÂN 2016
ĐẠP TUYẾT TẦM MAI
07 BÀI HỌC SÂU SẮC GIÚP BẠN CÓ CUỘC SỐNG ÍT BUỒN PHIỀN HƠN
MƯA RÀO VÀ MƯA BỤI
Cách cứu người tai biến mạch máu não bình phục tức khắc
LÀ AI KHÔNG QUAN TRỌNG, QUAN TRỌNG LÀ Ở CẠNH AI
MỘT CÁI ÔM MỖI NGÀY
DEAD MAN'S SUITCASE
SÀIGÒN DĨ VÃNG VÀ SÀIGÒN BOLSA
THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT KHÔNG CÓ ĐÈN XANH ĐÈN ĐỎ
NGƯỜI PHỤ NỮ CHÍNH LÀ PHONG THỦY TUYỆT VỜI CHO NGÔI NHÀ
NHỚ CÀ PHÊ NĂM CŨ
VẺ ĐẸP TRẦM MẶC CỔ KÍNH CỦA NHỮNG CÂY CẦU KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI
TỰ NGUYỆN
THÀNH THẬT
ĐẠO NGHĨA VỢ CHỒNG _ BÀN TAY NẮM LẤY BÀN TAY
KHÔNG CÓ THỜI GIAN_NO TIME
ĐỪNG ĐỂ TRÁI TIM BỊ ĐÁNH MẤT
KHOE KHOANG CÁI GÌ THÌ SẼ MẤT CÁI ĐÓ
CHA ĐẺ RẠP HÁT HƯNG ĐẠO
NHỮNG CÔNG TRÌNH TUYỆT VỜI BÊN BỜ SÔNG SEINE CỦA PARIS
9 ĐIỀU ĐỂ THẤY CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG
FLOWERS IN SNOW_HOA TUYẾT
AUD LANG SYNE_MỘT CA KHÚC DÙNG ĐỂ TIỄN ĐƯA NĂM CŨ VÀ ĐÓN CHÀO NĂM NỚI
LẠC LỐI GIỮA NHỮNG CON ĐƯỜNG NHỎ VÀ NHỮNG GÓC PHỐ BÌNH YÊN
BỨC TRANH KHÔNG CÓ MẮT
SUÝT NỮA BÀI THƠ "HAI SẮC HOA TIGÔN" ĐÃ CHÁY THÀNH TRO !
NIỀM VUI & NỔI BUỒN
CÓ TIỀN MUA NHÀ ĐẸP NHƯNG...
LẮNG NGHE
GIẤC MƠ ÁO TRẮNG
CÁ ĐÙ MỘT NẮNG BUÔNG ĐŨA CÒN THÈM
THƯỞNG THỨC VỊ BÉO BÙI DĨA ĐUÔNG ĐẤT NÓNG HỔI TRÀ VINH
Thơm hương lá mướp gói xương vịt bằm
BẬN
ẤM ÁP LÀ KHI...
MỘT CÕI ĐI VỀ
MỘT NGÀY KHÔNG VỘI VÃ
CÂU CHUYỆN VỀ ĐẠI HỌC STANFORD
BABYSITTING_GIỮ TRẺ Ở MỸ
CON CÁ TRÀU BƠI TỪ SÂU LÊN CẠN
SINH RA LÀ NGUYÊN BẢN ...
VỢ, NGƯỜI TÌNH & HỒNG NHAN TRI KỶ
MỘT CHÚT LAN MAN NGẪM LẠI "CÁI SỰ ĐỜI"
HỌA SĨ ĐINH CƯỜNG… KHÔNG CÒN VỚI CHÚNG TA NỮA
CÀN KHÔN ƠI XIN RÓT RƯỢU GIÙM NGAY
CÓ HỀ CHI VÀNG CHÚT RONG RÊU
CHO VÀ ...CHO
CHỢT THẤY TUỔI GIÀ
Đủ nắng hoa sẽ nở_Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy
OH! NHÌN GÌ MÀ KINH THẾ
VAI DIỄN CUỐI CÙNG
KHÔNG CÓ GIÁ TIỀN CHO TÌNH YÊU
HÃY QUÊN ĐI 3 THỨ TRONG ĐỜI
Sự khác biệt giữa tiền xu và tiền giấy
TRANH CÃI VỚI KẺ NGỐC...
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
ĐỜI NGƯỜI NHƯ GIÓ QUA
LÀM SAO ĐỂ PHA ĐƯỢC CHÉN TRÀ NGON?
RẤT GẦN & RẤT XA
NHỮNG CHỐN BÌNH YÊN NHẤT XỨ HÀN
NHỮNG CÂU THƠ HAY VỀ BÔNG HỒNG
MẸ _ THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN
MỰC MỘT NẮNG PHAN THIẾT
KỶ NIỆM _ HẠNH PHÚC HAY VẾT THƯƠNG
TRẦM TỬ THIÊNG_MỘT ĐỜI "TƯỞNG NIỆM"
KHÚC LUÂN VŨ MÙA ĐÔNG
MÙA GIÁNG SINH Ở SAN ANTONIO
MÓN NỘM 3 MIỀN_(GỎI 3 MIỀN)
HẤP DẪN HƯƠNG VỊ THỊT CỪU NƯỚNG NINH THUẬN
GÓC PHỐ DỊU DÀNG
SYLVIE VARTAN, 40 NĂM TÌNH KHÚC NICOLAS
3 NHẠC SĨ NỔI TIẾNG CÙNG SAY ĐẮM MỘT NÀNG TIÊN _CHUYỆN TÌNH NHẠC SĨ NGUYỄN THIỆN TƠ TÁC GIẢ CA KHÚC "GIÁO ĐƯỜNG IM BÓNG"
HÃY SỐNG CUỘC SỐNG CỦA MÌNH VÀ QUÊN ĐI TUỔI TÁC
BÀI THÁNH CA BUỒN VÀ CUỘC TÌNH DƯỚI MƯA
CẢNH THẦN TIÊN PHẢN CHIẾU TRÊN MẶT NƯỚC
BỘ ẢNH THẦN THOẠI CỦA NHIẾP ẢNH GIA CARLOS IONUT
CÁ LINH_ĐẶC SẢN MIỀN TÂY MÙA NƯỚC NỔI
SỐNG TỬ TẾ
SAI LẦM KHI TỨC GIẬN
CHI RỒI CŨNG QUA
KHE NỨT TRÁI ĐẤT BIẾN THÀNH HỒ NƯỚC TUYỆT ĐẸP_HỒ BAIKAL
NHỚ CON CÁ HỐ THÁNG GIÊNG
TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY
MỖI PHÚT GIẬN DỮ
KHI VIỆT NAM MÌNH KHÔNG CÒN ĐẸP TRONG MẮT BẠN BÈ THẾ GIỚI...
6 VIỆC KHÔNG NÊN LÀM
THƯƠNG LẮM THÁNG 12
SỰ IM LẶNG NGỌT NGÀO
NHỮNG SẮC MÀU CUỘC SỐNG
ĐÔI ĐIỀU VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG BÀI THƠ "MẮT BUỒN" CỦA NHÀ THƠ BÙI GIÁNG
TIẾNG VIỆT DỄ THƯƠNG QUÁ
NẾU ĐỐI DIỆN VỚI THỬ THÁCH
GIẾT THỜI GIAN
TÀI SẢN QUÍ GIÁ NHẤT CỦA CON NGƯỜI
CHỈ MỘT CHÚT THÔI MÀ!
NGUỒN GỐC BÀI " KÈN MẶC NIỆM TỬ SĨ HOA KỲ"
NHỮNG NGÔI VƯỜN VÀ CÁNH ĐỒNG ĐẦY SẮC MÀU
THE POWER OF HUGS (SỨC MẠNH CỦA NHỮNG CÁI ÔM)
NHỮNG CÂU TRẢ LỜI CỦA NỮ TÀI TỬ AUDREY HEPBURN KHI ĐƯỢC HỎI VỀ BÍ QUYẾT LÀM ĐẸP CỦA BÀ
NHIẾP ẢNH GIA DANIELA BABIC ĐÃ CHỤP ẢNH CON TRAI 10 THÁNG TUỔI CỦA MÌNH CÙNG VỚI CÁC CON VẬT
ĐỪNG CHỜ ...
TRÊN THẾ GIAN NÀY...
NGÀY HÔM QUA LÀ THẾ
KHÚC HÁT CHIỀU MƯA NĂM CŨ “BÂNG KHUÂNG CHIỀU NỘI TRÚ”
MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH… ĐỂ RA ĐỜI NHẠC PHẨM BẤT HỦ "nắng chiều"
TÉP BẠC MIỀN TÂY NAM BỘ