Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá Phải chăng lá về rừng Mùa thu đi cùng lá |
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang Mùa thu vào hoa cúc Chỉ còn anh và em..." |
Những giai điệu như thế mà tôi bắt gặp vài năm nay qua chất giọng Sorpano của Bảo Yến đã ghim chặt vào tâm trí tôi và mãi mãi ở lại đấy. Khúc dạo đầu với những giọt đàn bầu trong trẻo, dìu dặt sau đó âm hưởng vang dần, gấp vội đưa người nghe vào một không gian trữ tình của nhạc và thơ, thủ thỉ, nhẹ nhàng nhưng vẫn có chút gì thảng thốt. Sau này khi biết nó được phổ từ bài thơ "Thơ tình cuối mùa thu" của Xuân Quỳnh thì tôi lại càng cảm nhận được nhiều hơn cái ý nghĩa sâu sắc của nó, bởi, nói cho thật đúng, đó là một người phụ nữ "sinh ra để cho thơ và cho tình yêu". Sự kết hợp giữa phong cách nhẹ nhàng ga-lăng của một người con trai miền Nam (Phan Huỳnh Điểu) với cái đằm thắm, sâu sắc, cá tính của cô gái Bắc Kỳ (Xuân Quỳnh) càng làm bài hát thêm quyến rũ. "Thơ tình cuối mùa thu" gắp nắng để mùa thu vi vu ướt mềm cơn gió thoảng, và xem ra đây cũng là những giai điệu tình yêu hay nhất mà nữ sĩ vườn Quỳnh tặng cho thi ca mai hậu.
Viết về tình yêu, Xuân Quỳnh không phải là nữ sĩ duy nhất càng không phải là thi sĩ duy nhất. Điều đáng nói ở đây là, trên văn đàn của thi ca Việt Nam đương đại, chị xuất hiện như một ngôi sao băng sáng chói, một hiện tượng viết thơ tình. Những bài thơ tình của chị luôn lấp lánh ánh sáng của khát vọng, của lo âu, khắc khoải đợi chờ, hoặc có khi là nơi cất giữ và gửi gắm những kỷ niệm đời người. "Thơ tình cuối mùa thu" chính là một bài thơ như thế.
Thời điểm Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào cuối thu - đầu đông khi mà những làn gió heo may bắt đầu hành trình di cư vào viễn xứ, cành cơm nguội chỉ còn lại nét vàng phai; khi mà trong câu chuyện tình duyên của chị đang đi đến hồi kết. Đọc thơ, cảm nhận thơ, nếu ai đó hiểu đôi chút về cuộc đời Xuân Quỳnh sẽ dễ dàng nhận thấy sự chi phối của tình cảm cá nhân đến âm hưởng chung của toàn bộ bài thơ.
Không phải mùa thu có trước, tình yêu của em và anh có sau, mùa thu xui khiến buồn sầu. Mà ngược lại, mùa thu bắt đầu hiển hiện, bắt đầu dâng lên từ chính khung cảnh "cuối trời mây trắng bay" - mùa thu từ đó tràn ra xâm chiếm đất trời, nhuốm màu cây cỏ. Có phải cứ đọc lên ta sẽ thấy theo đà của nhịp thơ một thứ sắc thu nào đó vừa mơ hồ vừa hiện hữu đủ tạo một "đường viền" trang trọng làm nổi bật lên vẻ đẹp của câu thơ? Nhưng tại sao Xuân Quỳnh lại chọn thời điểm cuối thu? Và tại sao cứ phải là "Thơ tình cuối mùa thu"? Phải chăng vì mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm? Phải chăng vì vào cuối thu, cây cối bâng khuâng vào mùa thay lá, những chiếc lá khô xào xạc trên đường tưởng như vô tri vô giác ấy đã đủ sức hối gọi lòng người, bảo rằng tình yêu vẫn đẹp, vẫn nên thơ và lãng mạn như chính cái mùa quyến rũ ấy. Cho nên sang đông thì tất cả sẽ qua đi, tất cả sẽ "theo mùa đi mãi", lá sẽ về rừng, dòng nước sẽ trôi ra biển cả. Thơ tình làm vào dịp cuối thu, vì thế mà cảm xúc càng có dịp thăng hoa.
Cái sắc thái cuối thu trong bài thơ đã khiến tâm hồn người phụ nữ có những dự cảm tinh tế. Đọc thơ Xuân Quỳnh ta luôn bắt gặp song hành bên cạnh một tình yêu thủy chung và bỏng cháy là những dự cảm lo âu. Đơn độc đi trong cuộc đời và lúc nào cũng cảm thấy trước mắt mình là bất hạnh, là bão tố, ngay trong thời gian sống hạnh phúc nhất chị vẫn còn trăn trở: "Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may, áo em sơ ý cỏ găm dày, lời yêu mỏng manh như màu khói, ai biết tình anh có đổi thay?" (Hoa cỏ may). Bảo rằng tình yêu mùa thu rất đẹp, bảo rằng cái buồn man mác ấm áp của bài thơ như vỗ về, an ủi cho những ai đang yêu liệu đã thỏa đáng chưa nếu ta không nói đến sự xao động của làn gió heo may trong bài thơ? Tuy chỉ tả cảnh nhưng âm điệu thơ cứ man mác những lo âu:
"Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay"
Trong làn gió heo may thổi xao động ấy dường như còn có sự xao động trong tâm hồn con người. Chưa hết mùa thu mà dường như mọi thứ đã thay đổi. Lối đi quen thuộc mà hai ta thường chung bước bỗng nhiên trở nên lạ lẫm, những trảng cỏ bụi cây "mọc vô tình trên lối ta đi" một thời xanh tươi giờ chuyển sang màu mây bạc. Để giờ đây chỉ còn mình em lặng bước dưới màn sương đêm giăng giăng phủ, cô đơn, quạnh quẽ...đến đây tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của nữ văn sĩ Nga Olga Bergholt - "Và tất cả thay đổi rồi, và em nay cũng khác. Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo". Mùa thu thay đổi rồi liệu "lòng anh có đổi thay"? Phải chăng đó chính là quy luật bất biến và cái độ số khắc nghiệt của tình yêu? Phải chăng đó chính là dự cảm trong tâm hồn người phụ nữ có niềm yêu mãnh liệt và đa cảm ấy?
"Ai bảo sang thu hoa cúc bình yên, cánh hoa mỏng ẩn bao điều day dứt, màu hoa kiên tâm sau bao nhiêu còn mất" - đã xa lắm rồi thời hương lửa tình yêu khi mà cả hai đều đã đi vào mùa thu của cuộc đời, khi lá phong đã đỏ, hoa cúc đã vàng. Mỗi khi nghe giai điệu trữ tình của bài hát, lòng người lại xốn xang, mỗi người lại thấy tình yêu thật đẹp, tình yêu có sức mạnh vượt qua mọi bão tố và thác lũ, vượt qua giới hạn về thời gian và chiếm lĩnh mọi không gian:
"Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa bão gió
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ"
Những câu thơ nhất loạt được chia ở thì quá khứ đã cho thấy tình yêu của em và anh được hiểu là đã trọn vẹn, đã cập bến bờ hạnh phúc. Lá đã thật về rừng, dòng nước đã thật trôi ra biển cả...tất cả bây giờ được nhìn trong tưong quan quá khứ - hiện tại, tình yêu muốn đạt được hạnh phúc cần phải trải qua những bão tố của cuộc đời và của cả lòng người nữa. Bởi trải qua gió bão của cuộc đời thì hạnh phúc đạt được mới thật sự trọn vẹn, tình yêu trôi qua trong yên bình rất khó cấu thành hạnh phúc. Chính vì thế mà khi nói "Đã yên mùa bão gió........ đã yên ngày thác lũ",thì dường như là, tình yêu đã đi qua, tất cả trở về bình lặng. Có lẽ vì thế mà khi phổ nhạc, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã để bốn câu thơ này với âm hưởng trầm buồn, xót xa như một sự tiếc nuối. Người ta nói thơ và nhạc là hai người bạn tâm giao quả không sai. Trong thơ cũng phải có nhạc và ca từ cho nhạc cũng phải đậm chất thơ.
Đọc thơ Xuân Quỳnh, người ta thoạt thấy đó là nữ sĩ của tình yêu, của trẻ thơ, của tình cảm mãnh liệt, của niềm vui sống... nhưng ở sau đó trong khu vực tiền ngôn ngữ là nỗi buồn, nỗi đau đớn, sâu và thường trực, bình thản, xa vắng, từ tại. Nhưng ở một tương quan khác, người ta cũng thấy Xuân Quỳnh là một người lạc quan, yêu sống, tin vào vận mệnh phía trước, vào một điều dù biết nó đã thuộc về quá khứ, dù biết thời gian chỉ như một cơn gió thoảng, dù biết tuổi tác sẽ làm cho con người ta già nua - "tuổi buồn như lá, gió mãi cuốn đi, quay tận cuối trời" (Trịnh Công Sơn): đó là tình yêu. Điều đó trong "Thơ tình cuối mùa thu" càng được khẳng định bởi điệp khúc:
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
Thời gian trôi đi đồng nghĩa với tất cả trở thành quá khứ, nhưng không phải vì thế mà tình yêu tan vào dĩ vãng. Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh là một tình yêu mãnh liệt và thủy chung, nồng nàn và da diết. Cho nên, dù tình yêu đã trở thành một miền dĩ vãng thì những dư âm của nó cũng sẽ còn mãi trong tâm hồn người con gái thủy chung.
Khổ thơ cuối điệp lại một lần nữa như khẳng định sự bền vững của tình yêu:
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại
- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may"
Hai câu thơ cuối vang lên như một tiếng reo. Bài thơ dừng lại ở đấy tưởng như là đột ngột, tưởng như là hụt hẫng. Nhưng không! Cái tiếng reo vui ấy kết lại bài thơ mang ý nghĩa khẳng định sự vĩnh cửu của tình yêu. Tình yêu được tiếp nối giữa các thế hệ. Có thế hệ của "anh" và "em" đã qua đi, "tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại" nhưng sẽ có bao đôi lứa trẻ yêu nhau gắn bó thủy chung son sắt qua những mùa thu mới, những vùng heo may mới, tiếp nối tình yêu của anh và em...
Hai câu kết bài thơ nói lên giá trị vĩnh cửu của tình yêu. Giá trị riêng là tình yêu của anh và em, dù có thể đã lùi vào quá khứ nhưng những gì ta giành cho nhau sẽ còn mãi qua những mùa thu. Giá trị chung là tình yêu của biết bao thế hệ, bao đôi lứa yêu nhau sẽ còn mãi. Tình yêu trên trái đất này là bất diệt.
Có lẽ có một lĩnh vực nơi mà sự từng trải không cứu được sự khờ dại, sự cả tin, sự ngây thơ nữa của trái tim con người: đó là tình yêu. Trong cuộc tình duyên của đời mình, người đàn bà ấy dẫu đã lỡ đò, đã lầm những chuyến đò, đã nếm những vị đắng cay của tình yêu mà vẫn cả tin trong sự nhẹ dạ của một trái tim đàn bà, rất đàn bà, chị đã tin để rồi không tin, và lại trải qua... Trên đời này, có mấy ai làm được như thế không khi đời đã vào thu, khi trời đã vào thu, khi lòng đã vào thu. Có lẽ chỉ riêng Xuân Quỳnh làm được như thế.
Thời điểm tôi viết bài này cũng là vào cuối thu, cái thời điểm mà gần bốn mươi năm về trước Xuân Quỳnh đã tạo nên cho đời một giai điệu tuyệt đẹp về tình yêu. Xuân Quỳnh - người phụ nữ sinh ra vào mùa thu và chết đi cũng vào mùa thu, cánh chuồn chuồn nhỏ bé ấy đã kiên cường chống chọi với "gió Lào" để bay qua những ụ "cát trắng" khô khát nhưng rồi cũng phải dừng lại khi định mệnh gọi tên. Trong niềm yêu thích thơ ca của mình, tôi luôn dành một chỗ riêng tư và trang trọng cho những thi phẩm của Xuân Quỳnh. Và dù là một người chưa đi qua tình yêu cũng xin được viết những lời này coi như một nén tâm hương dâng lên hương hồn nữ sĩ!