February 28, 2014

SÒNG PHẲNG


Ở làng quê Việt Nam ngày xưa, khi làm mùa vụ, người nông dân có thể nhờ vài người trong thôn xóm đến phụ giúp mà không phải trả tiền. Chỉ cần đến phiên bên kia làm mùa, hay sửa sang nhà cửa, hoặc bất cứ công việc nặng nhọc nào đó thì bên này sẽ qua phụ giúp lại. Cái đó gọi là vần công. Cách thức này thật hay, tuy người ta căn cứ trên số buổi hay số ngày làm để quy định mức công bằng, nhưng họ lại không khắt khe phân biệt về năng lực làm việc của mỗi người. Thí dụ khi đang làm trả công mà ta bị bệnh hay gia đình có việc khẩn cấp nên ta phải ngưng làm thì họ vẫn châm chước, vẫn tính tròn phần công cho ta. Ngược lại, khi mùa màng thất bát nên họ không đủ sức trả công cho ta thì ta vẫn vui vẻ chờ đến những mùa vụ sau, thậm chí cũng có thể miễn cho họ luôn cũng được. Chủ yếu là tấm lòng đối với nhau. Người dân quê hiểu rằng sự trao đổi ấy chỉ có tính tương đối, không phải hễ người kia giúp mình và mình giúp lại là trả xong hết. Cái tình cái nghĩa vẫn còn đó, không bao giờ trả hết được.


 Thời đại văn minh bây giờ người ta quan niệm về sự công bằng rất lạ lùng. Khi một người nào đó tận tình hướng dẫn ta vào nghề trong những bước đầu với nhiều bỡ ngỡ, đã từng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ta trong công việc làm ăn, hay từng chia sẻ trong những lúc ta gặp nguy khốn… thì ta lập tức tặng cho họ một món quà đắt tiền, hay mời họ đi ăn trong một nhà hàng sang trọng là coi như đã trả xong, không ai nợ ai nữa. Nhưng nếu người kia đã từng giúp đỡ ta một cách không vụ lợi, bằng tất cả tấm chân tình, mà ta lại xem nó ngang bằng với những món vật chất vô tri kia thì đừng hỏi tại sao họ lại bị tổn thương. Thà ta không làm như thế còn hơn, vì họ nghĩ ta vẫn luôn gìn giữ ân nghĩa ấy trong lòng. Món quà hay bữa ăn đó sẽ được vui vẻ chấp nhận nếu họ thấy được ý nghĩa của nó trong suy nghĩ và thái độ của ta. Có người cho rằng như vậy là không sòng phẳng. Nhưng họ vẫn chấp nhận được dù mãi sau này ta vẫn không có cơ hội để bù đắp thêm, bởi vì họ đã không có chủ trương trao đổi công bằng ngay từ buổi đầu, nói chi là sòng phẳng.

Ý niệm sòng phẳng thường dễ bị nhầm lẫn với công bằng. Anh được một và tôi cũng được một, hay anh cho tôi hai thì tôi cho anh hai, đó là công bằng. Nhưng còn tùy vào mỗi xã hội và thời đại mà quy luật công bằng thể hiện khác nhau. Sự công bằng thường được quy định trên mức cảm xúc, cho nên có khi người ta tự quy định mức công bằng nếu hai bên tự thỏa thuận trị giá tương xứng giữa vật trao đổi mà không cần tuân theo quy ước chung của cộng đồng. Thí dụ một trái bí đao có thể đổi với hai trái mướp đắng, một chuyến đò ngang có thể đổi với sáu câu vọng cổ, một bức tranh có thể đổi lấy mười bầu rượu, một lời hứa chân tình có thể đổi lấy ba trăm sáu mươi lăm ngày chờ đợi. Tuy sự trao đổi ấy được coi là công bằng, nhưng đôi bên đều ngầm hiểu người kia vì cảm tình mới chấp nhận trao đổi như vậy, nên khi nào có cơ hội thì mình sẽ bù đắp thêm. Trong khi sòng phẳng là loại bỏ ý niệm muốn bù đắp, như thế là đủ, chấm hết.

Dĩ nhiên trong thương trường rộng lớn, người ta cần phải có sự rành mạch về những trị giá vật chất để trao đổi, nên đã thiết lập ra chế độ tiền tệ để đơn giản hóa và mở rộng thương mại. Và vì thế sự sòng phẳng đã vô tình trở thành quy luật tất yếu. Nhưng biết bao công lao khổ nhọc mới làm ra được bát cơm trắng tinh mà chỉ đổi ngang với vài đồng bạc thừa thì không thể gọi là công bằng. Sòng phẳng lại càng phi lý. Nên nhớ, sự trao đổi không bao giờ là tuyệt đối, tất cả chỉ là ước lệ. Cho nên người ta đã sai lầm khi cho rằng sự thảnh thơi, thật thà hay nhường nhịn là những yếu tố nguy hại đến kinh tế và cần phải loại trừ, nên họ gọi đó là “phi kinh tế“. Bởi trong nguyên tắc vận hành tự nhiên của vũ trụ, mọi sự mọi vật đều không ngừng nương tựa vào nhau để tồn tại, vì thế sự biệt lập và sòng phẳng sẽ không bao giờ xảy ra, dù con người có cố tình nhồi nặn ra nó để phục vụ cho quyền lợi ích kỷ của mình.

Làm sao trả hết những ân tình?

Có những người con thấy mình đã làm tròn bổn phận khi mỗi tháng chu cấp đầy đủ thực phẩm và thuốc men, hoặc mua được căn nhà khang trang cho cha mẹ. Nên khi cha mẹ cần họ thường xuyên lui tới, hay giúp đỡ vài việc vặt vãnh, thì họ lại than phiền tại sao họ phải làm quá nhiều như thế. “Cha mẹ thương con biển hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”, hai câu ca dao ấy luôn là thực trạng đau lòng trong bất cứ thời đại nào, nhất là hiện nay. Khi người ta bị cuốn vào hấp dẫn lực của danh vọng, họ dễ dàng coi nhẹ hay gạt bỏ những yếu tố khác mà họ cho là bất lợi. Nhưng được thương yêu và chăm sóc cha mẹ không phải là một quyền lợi sao? Chẳng phải có biết bao kẻ mồ côi trong thế gian này rất thèm có cha mẹ để được thương yêu và chăm sóc, dù phải đánh đổi bất cứ thứ gì thì họ cũng sẵn sàng chấp nhận. Chắc là phải đợi đến khi ta có con, phải hy sinh vất vả trăm bề, nhất là khi con ta đau yếu hay ngỗ nghịch thì ta mới thấm thía hết ân tình của cha mẹ dành cho ta, mới thấy ý niệm “trả xong nợ nần” đấng sinh thành là dại dột.

Trong liên hệ hôn nhân cũng vậy, ta cũng muốn có sự sòng phẳng để ta có cảm giác không bị lợi dụng hay hy sinh một cách vô nghĩa. Tôi làm cái này thì anh phải làm cái kia; tôi trả tiền rồi nên bây giờ tới phiên em; tại sao tôi phải lo nhiều thứ còn anh suốt ngày cứ phè phỡn; em chỉ biết lo cho gia đình của em thì đừng trách anh bỏ bê công việc nhà; anh mà làm khổ tôi thì tôi sẽ làm khổ anh... Vì thế, khi hôn nhân đổ vỡ người ta mau chóng xem nhau như hai kẻ xa lạ, không cần biết tới sự khó khăn hiện tại của nhau; họ từng yêu nhau thắm thiết rồi bỗng trở thành thù ghét nhau, không muốn nhìn nhau dù vô tình gặp mặt; họ còn dám lên mặt báo để bôi nhọ danh dự hay đơm đặt những điều gây bất lợi cho nhau; và điều đau lòng nhất là khi phân chia tài sản thì họ luôn đòi hỏi sự rạch ròi, sòng phẳng. Bao năm tình nghĩa vợ chồng phút chốc bỗng tan thành mây khói khi ai nấy đều muốn tranh giành phần lợi, phần phải, phần thắng về mình.


Tất cả những phản ứng trên đều thể hiện sự ích kỷ hẹp hòi chứ không phải là sự công bằng. Tài sản thì có thể phân chia đồng đều, nhưng ân tình làm sao đong đếm được mà phân chia? Tuy chuyện tình đã đi vào đoạn kết, nhưng dù muốn dù không thì tất cả những gì ta đã cho nhau sẽ theo nhau mãi suốt đời. Và khi ta còn nợ quá nhiều ân tình với người này thì chắc chắn ta sẽ phải trả cho người khác. Bởi tất cả đều nằm trong vòng nhân quả hiển nhiên xưa nay của trời đất mà không ai có thể chạy thoát.

Chiếc lá không bao giờ nghĩ rằng nó có thể trả hết nợ ân tình của cây khi nó đã hết lòng hấp thụ ánh nắng mặt trời để khổ công tinh chế nhựa thô thành nhựa luyện cho cây. Vì chiếc lá đã quan sát và thấy được sự thật là nó chưa bao giờ ngừng tiếp nhận tình thương yêu của cây. Dù cây có già cỗi nhưng cây cũng vẫn cố gắng cắm sâu những chiếc rễ xuống lòng đất để hút chất khoáng về nuôi chiếc lá. Giả sử chiếc lá có trả được ân tình của cây thì nó cũng không thể nào trả hết nổi ân tình của mặt trời, gió, nước, khoáng chất, phân hữu cơ, côn trùng và cả vạn vật chung quanh. Vì tất cả những yếu tố ấy có vẻ như ở ngoài chiếc lá nhưng chúng đang từng giờ từng phút nuôi dưỡng chiếc lá. Chiếc lá chỉ còn cách sống sao cho trọn kiếp sống, sống cho thật dễ thương và làm tốt trách nhiệm của mình. Ta có khác gì chiếc lá, cũng không bao giờ trả nổi những ân tình mà cuộc đời này đã trao tặng cho ta, bằng trực tiếp hay gián tiếp. Thế nhưng, tại sao ta cứ mãi than phiền và đòi hỏi cuộc đời mà có bao giờ ta tự hỏi đời cần gì nơi ta?

Như dòng sông trôi mãi
Luôn chở nặng phù sa
Có bao giờ em hỏi
Đời cần gì nơi ta?


February 26, 2014

THƠ NGUYÊN SA



Người ta đọc thơ Nguyên Sa cho nhau nghe như đọc những giáo điều tình yêu, để thấy cuộc đời dễ thương hơn, tình thơ mộng hơn…

Nhắc đến Nguyên Sa là người ta lại nhớ đến những câu thơ :

'Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn.
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh,"

hoặc :

"Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc.
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường hoặc
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm.
Chả biết tay ai làm lá sen."

Biết bao nhiêu thế hệ đã yêu thơ Nguyên Sa.

Trịnh Gia Mỹ, một học trò của ông và cô cũng là một nhà thơ, đã viết: Có thể nói thơ tình Nguyên Sa có nhiều người đọc nhất, có nhiều người thuộc nhất. Nhiều thế hệ đã đọc thơ ông và sẽ đọc thơ ông.” Vâng, người ta đã chép thơ Nguyên Sa tặng nhau để thay lời tỏ tình. Người ta đọc thơ Nguyên Sa cho nhau nghe như đọc những giáo điều tình yêu, để thấy cuộc đời dễ thương hơn, tình thơ mộng hơn…

"Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào... tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn, ngoan nhé đừng ngờ
Tôi phải dỗ như là tôi đã lớn "

Người con gái ấy trong thơ là cô bé Trịnh Thuý Nga, sau này là người bạn đời của thi sĩ Nguyên Sa. Hai người từng du học bên Pháp. Khi trở về Sài Gòn, hai ông bà vừa được mời dạy tại các trường Trung học công lập và điều hành trường Trung học tư thục Văn học và Văn Khôi.

“Nga”, bài thơ mà thi sĩ đã ghi trong Hồi ký “là bài thơ và cuộc đời mà ông cực kỳ yêu mến”. Xin trích đoạn:

"Và em sẽ cười phải không em
Em sẽ không buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển..."


Trong cái khí hậu mênh mang thơ tiền chiến lúc bấy giờ, với một ngôn ngữ rất… đời thường đưa vào thơ như thế/ nhưng vẫn được giới trẻ thời ấy chấp nhận vì những hình ảnh tinh nghịch, dí dỏm trong thơ trở nên rất dễ thương.

Hình ảnh Nga gần như tràn ngập trong tất cả những bài thơ tình của Nguyên Sa… Không có gì là lạ vì người thiếu nữ dễ thương duyên dáng tên Nga sau này là người bạn đời của thi sĩ là một nữ giáo sư rất đẹp, ai đã từng được học với cô đều yêu quý kính trọng vô cùng…

Vâng, thơ Nguyên Sa, nói như nhà văn nhà thơ Bùi Bảo Trúc thì “đang từ cái thế giới tiền chiến “em đẹp bàn tay ngón thon thon”, đang Đinh Hùng “mắt xanh lả bóng chiều hoang dại”, đang Quang Dũng “em đi áo mỏng buông hờn tủi”, đang Huy Cận “em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây”… thì người ta lại dẫn con chó ốm, con mèo ngái ngủ, con cá ươn vào đòi nhập cuộc chơi.

Cái vé vào cửa kỳ lạ đó vẫn đẩy được cánh cửa khép kín của thơ Việt Nam cho người thanh niên trẻ ấy bước vào. Mặc dầu đi với chàng ta là tả ngạn sông Seine, là vườn Lục Xâm Bảo mùa xuân, là những quán ca phê lề đường của thủ đô ánh sáng, là những hơi thở của Prevert, của Apollinaire… Chàng tuổi trẻ đó đưa cho người đọc hình ảnh thơ không giống bất cứ một thứ ước lệ nào dùng trước đó. "Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm".

Nguyên Sa đem ngay được cái mới của đôi mắt nhìn từ sân trường Sorbonne, của dòng sông mà Apollinaire nói đến rất nhiều, của những góc đường Prevert đã đứng nhìn ra những đại lộ, công viên mùa thu hay dưới trận mưa hạnh phúc.

Những cánh rừng quên mất mặt xuân
Những chân nai đi tìm tay cỏ biếc
Những mắt sóng vỡ trên thung lũng biển
Những đảo buồn chìm trong im lặng xanh
Những thuyền sao chạy lạc trong đêm
Hãy cám ơn nụ cười và đôi mắt

Nguyên Sa đã cho thơ một đời sống mới

Trang sức bằng nụ cười phì nhiêu
Nhẩy bằng chân chim trên giòng suối cạn
Ấy là em trên đường đi buổi sáng
Trăng ở trên môi và gió ở trong hồn

Những màu áo vàng, áo xanh, áo tím, và ngay cả đôi găng tay che nắng làn da nữ sinh Sài Gòn cũng thấp thoáng trong thơ… Thơ của ông được tuổi trẻ miền Nam đón nhận ngay lập tức. Một thế hệ mới không còn phải nhờ những bài thơ tiền chiến nói hộ lòng mình. Họ có Nguyên Sa giúp họ tỏ tình với sân trường, “với thơ học trò anh chất lại thành non/với tay trắng anh vào thơ diễm tuyệt”.

Rồi có cả những bài thơ ý từ táo bạo rất bất ngờ như bài thơ có tựa là Bất Ngờ sau đây…

Đêm mưa có chỗ bất ngờ
Chỗ thêm ấm áp chỗ thờ phượng nhau
Mai về mẹ hỏi đi đâu
Đắp chăn chùm kín ngang đầu nghe em
Thiên đường có chỗ màu đen
Anh nằm nghe thấy vẫn còn tiếng mưa
Tiếng trời gõ nhịp tiếng trưa
Tiếng cho sâu thẳm tiếng khuya tuyệt vời

Cách đi vào thơ của Nguyên Sa là như thế.

Là những nét tinh nghịch, tươi trẻ, là dáng vẻ mơ mộng lãng mạn, là chữ nghĩa lồng lộng tình cảm, là lấp lánh trăng sao, là buổi tối mưa đêm dìu dặt…

February 23, 2014

CÂU CHUYỆN VĂN HÓA RƯỢU VANG

Cuộc nói chuyện về "Rượu Vang" giửa Phóng viên Mặc Lâm và Nhà báo Lê Văn

Trong những năm gần đây khi kinh tế và hội nhập của Việt Nam ngày một hòa vào đời sống của thế giới thì rượu vang cũng theo cánh cửa mở ấy vào Việt Nam ngày một nhiều và đa dạng hơn.

Rượu vang xuất hiện mọi nơi từ các cửa hàng chuyên bán các loại vang nổi tiếng của thế giới tới siêu thị lớn và người ta cũng thấy vang nội địa sản xuất tại Đà Lạt xuất hiện tại nhiều thành phố kể cả nông thôn.

Ban đầu khi chưa biết hương vị của vang, vị chát của nó làm người ta nhìn vang với ánh mắt nghi ngại nhưng lâu dần, từ người này lan sang người khác người ta uống rượu vang hầu như trong mọi trường hợp có cuộc vui hay họp bạn, mặc dù vang không phải là thứ có chất cồn duy nhất có thể làm tăng hưng phấn cho những cuộc vui như thế.

Tại hải ngoại, người Việt đã sử dụng vang như một thứ nước uống thay cho bia hay rượu mạnh từ rất lâu. Các loại vang đắt tiền không phải là chọn lựa của đa số bởi nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên khuynh hướng trong nhà nên có vài nhãn hiệu vang ngon đã từ lâu góp phần thay đổi cách thưởng thức của cộng đồng Việt Nam xa xứ. Hàng ngàn chai vang khăp thế giới được kiều bào mua thử và chai nào còn ở lại với họ kể như hãng rượu đã thành công khi chinh phục được khầu vị người Việt, những người từng nếm rất nhiều cay đắng trên con đường tìm tới bến bờ tự do.

Tuy nhiên với những người mới bắt đầu thấy vang ngon trong một lần tình cờ uống thử thì việc còn lại là tìm mua một chai vang ngoài tiệm thật không dễ dàng chút nào. Trong hàng ngàn chai mang đủ quốc tịch nằm trên kệ ấy bạn sẽ chọn chúng ra sao? Với chúng tôi người đang chia sẻ với quý vị đây thì tôi ưu tiên cho những chai vang nào có design đẹp hay chí ít thì cái logo cũng ấn tượng và chinh phục được tôi vốn là một họa sĩ luôn lấy cái đẹp dẫn dắt mọi chuyện.

Tuy nhiên không ít lần tôi đã bị hố, và hố nặng nữa là đằng khác. Vẻ đẹp của cái nhãn không bảo đảm được phẩm chất của rượu, và ngay cả khi một chai rượu đắt tiền thì người nói ngon kẻ nói chua người nọ lại nói chát là chuyện thường gặp khi uống rượu vang.

Ngắm màu của nó, nếm vị của nó và ngửi mùi hương quyến rũ của nó để rồi cuối cùng thưởng thức vang là cả một nghệ thuật, vì vậy nếu không biết những động tác căn bản này thì người uống vang sẽ thiếu mất một khâu quan trọng nhất trước khi bắt đầu uống những ngụm vang đầu tiên, điều mà nhà báo kỳ cựu Lê Văn gọi là món quà của Thượng đế.


Nhà báo Lê Văn là Trưởng ban Việt Ngữ của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) suốt 38 năm từ năm 1964 cho tới khi ông về hưu vào năm 2002. Ông đã đi nhiều, nghiên cứu nhiều và đặc biệt tỏ ra rất nặng lòng với các loại rượu vang, nhất là vang của Pháp nơi nổi tiếng đã trồng và sản xuất hàng trăm loại rượu vang ngon nhất thế giới.

Năm 2003 ông đã cho ra mắt cuốn sách có tên “Rượu vang, món quà của Thượng đế” để chia sẻ những kinh nghiệm của ông về loại nước có cồn đặc sắc này.

Trong không khí tết Giáp Ngọ, chúng tôi mời ông giải thích vài điều quan trọng nhất về loại thức uống này, hy vọng kinh nghiệm của ông sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khác sâu hơn về vang và từ đó nắm thêm những bí quyết thưởng thức chúng.

- Xin được cám ơn ông, tuy hôm nay là mùng hai tết Giáp Ngọ nhưng ông cũng cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Như ông thấy muốn uống thử một chai vang do tự tay mình mua thật không dễ dàng tí nào, ông có thể cho biết có tiêu chuẩn nào nhất định khi chọn mua một chai vang hay không?

-Cách chọn rượu đầu tiên tôi vẫn có nguyên tắc cơ bản là rượu nào mình uống mình nếm thử và ưng ý thì đó là rượu ngon rượu tốt đối với mình và không cần phải có một tiêu chuẩn chắc chắn nào cả.

Các ông chuyên gia về rượu vang viết trên các tạp chí có uy tín thì người ta đặt ra những tiêu chuẩn của người ta nhưng nhiều khi mỗi một người chúng ta có khẩu vị riêng biệt của mình. Người thì ưa uống rượu nó ngọt ngọt mọt chút cho dễ uống, đó là những người mới bắt đầu đi vào thế giới rượu vang

Người uống lâu rồi thì thấy, à! uống ngọt ngọt như vậy nó có vẻ lợ và không hợp với đồ ăn cho nên dần dần họ bỏ bớt vị ngọt đi, họ tiến lên nếm thử những thứ rượu mà vị của nó đậm đà hơn, nó thích hợp với từng món ăn một thì đó là trình độ của họ đã cao hơn thành ra ở mỗi giai đoạn mỗi người có một sở thích riêng biệt nào đó.

Cái sở thích của mình chính là tiêu chuẩn thì dựa vào đó mà lựa chọn rượu vang thôi. Tuy nhiên cũng có một số những thứ rượu mà người ta có thể khuyến nghị để cho người mới bắt đầu uống có thể khám phá rượu vang. Các loại rượu ấy không cần phải tốn nhiều tiền, một khi mình đã uống lâu rồi đã có kinh nghiệm đã biết thứ rượu nào cao cấp thứ rượu nào ngon hơn thứ nào thì chứng đó chúng ta mới bắt đầu khám phá dần dần cái thế giới rượu vang rất mênh mông đó.

- Đối với các loại rượu mạnh thì rõ ràng là càng đắt tiền thì rượu càng ngon. Trường hợp của vang thì có thể áp dụng được điều này hay không?

- Không cần gì phải nhiều tiền! Ta cứ dần dần tìm ra loại rượu ưa thích đấy là cái thú của ngưởi đi vào thăm dò, khám phá thế giới rượu vang, tức là một thứ đồ uống mà bây giờ hầu như phổ biến khắp thế giới. Người Việt Nam chúng ta càng ngày càng hội nhập nhiều vào nền kinh tế toàn cầu tiếp xúc với bạn bè với khách hàng ngoại quốc cho nên không thể không biết đến rượu vang, đấy là điều tôi muốn nói.

- Vâng, thế nhưng cứ đứng trước một kệ rượu vang là tôi lại choáng váng. Không những với cái tên của hãng sản xuất mà là thể loại của chúng. Nào là Merlot, rồi Chardonnay, Cabernet Sauvignon….Không thể biết mỗi loại ấy nó có đặc điểm gì và nó ngon trong trường hợp nào…

- Rượu vang nó tùy loại, có những loại mà người ta làm ra với mục đích uống ngay thí dụ như rượu beaujolais. Loại người ta làm ra để lâu ngày càng lâu nó càng đậm, càng trầm xuống cái vị nó càng merlot down. Merlot down tức là nó tựa như là kín mùi thì loại này người ta phải làm theo một công thức, một phương pháp khác để thích hợp với thời gian kéo dài làm cho nó dần dần chím muồi đi.

Như vậy thì không nhất thiết rượu càng cũ bao nhiêu thì càng ngon bấy nhiêu và càng đắt tiền bấy nhiêu. Không, không phải vậy. Cái chai rượu Beaujolais chẳng hạn như tôi vừa nói, tức là rượu vang của Pháp, nếu chúng ta mua về và chúng ta không uống ngay mà để lại vài ba năm thì rượu đó nó bắt dẩu xuống dốc! phẩm chất của nó kém dần đi bởi vì loại vang đó nó quý ở chỗ cái “taste”, cái vị của nó phải tươi mát, phải mới mẻ thì nó mới đem lại cho ta một sự thích thú khi chúng ta nếm nó cùng với những món ăn nhẹ nhàng ngay cả seafood tức là đồ biển cũng vẫn rất tốt dù nó là rượu đỏ.

Thế nhưng có những chai rượu làm ở vùng Bordeaux của Pháp thì phải đợi từ 5 cho tới 10 năm hẳn mở ra uống. Nểu uống sớm quá thì nó chưa đạt tới mức độ ngon nhất của nó. Nó chưa đến đỉnh cao phẩm chất của nó cho nên uống như vậy là uổng là phí vì chai rượu ấy thường là đắt tiển có khi năm bảy chục hay một vài trăm đô la hay hơn nữa.

Chúng ta giữ nó, phải bảo tồn nó ở một nơi thích hợp. Ở một chỗ mát mẻ không có ánh sáng, không bị những tiếng động chung quanh gây ra những chấn động với nó. Tới chừng đó nó sẽ cho ta một thứ rượu vang rất ngon. Nhưng mà như tôi đã nói nó phải tùy loại rượu không phải loại nào cũng để lâu được đâu. Có những loại càng để lâu càng dở. Đó là một sai lầm rất nhiều người mắc phải cứ tìm mua những chai nào thật cũ và cho rằng là rượu vang quý, mở ra nhiêu khi uống chua lè bở vì đến lúc ấy thì rượu đã trở thành dấm rồi cho nên không được.

- Đôi khi tôi cũng có thử một ít vang trắng thì thấy nó nhẹ hơn và ngọt hơn chứ không có vị chát. Xin ông cho biết loại vang trắng thì người ta dùng trong trường hợp nào và từ loại nho nào tương đối ngon nhất thưa ông?

- Mỗi một loại rượu vang nó được làm theo một công thức khác nhau và bằng một loại nho khác nhau cho nên mùi vị của nó cũng khác biệt. Mùi vị của mỗi loại rượu vang đều có nét đặc biệt của nó và nó thích hợp với một loại đồ ăn nào đó. Bây giờ người ta có khuynh hướng là những người đi làm công hay tư sở, sau một ngày làm việc mệt mỏi họ muốn ghé vào một cái quán nho nhỏ, kêu một ly rượu uống mà không cần phải ăn, như một loại khai vị thì đấy là loại rượu vang làm bằng nho trắng. Nho Chardonnay hay là loại nho Sauvignon Blanc là những loại khai vị, ngồi nói chuyện tán dóc với bạn bè cho nó thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Loại đó nó nhẹ nhàng thôi và làm bằng loại nho trắng.

Đến khi người ta chuyển qua ăn cơm dù là cơm Việt Nam hay cơm Pháp cơm Ý hay cơm Tàu chăng nữa thì ly rượu vang nhiều khi nó vẫn thích hợp. Nó nâng cao mùi vị, nâng cao sự thích thú của thực khách cho nên chừng đó lại phải lựa chọn loại rượu vang nào cho hợp với món ăn.

Kính thưa qúy vị trong chương trình văn hóa nghệ thuật tuần trước nhà báo Lê Văn đã chia sẻ cách chọn một chai rượu vang để mua và chúng tôi thấy thật thích thú vì khác với suy nghĩ thông thường của chúng tôi là không phải cứ đắt tiền là chúng ta có một chai rượu vừa ý nhưng trước nhất chai rượu ấy phải thỏa mãn cái khẩu vị của người mua trước nhất. Và rồi sau đó ông cũng cho chúng ta biết tên của các loại vang xuất xứ từ trái nho để làm ra chúng. Ông cũng cho biết vang trắng và vang đỏ tác dụng khác nhau ra sao cũng như độ cồn mà chúng ta cần biết khi phải chọn một chai vang vừa ý.

Trong chương trình hôm nay chúng tôi tiếp tục trao đổi với ông những câu hỏi còn lại cho loại thức uống có vẻ đỏng đảnh này, tuy chúng rất ngon và tốt cho sức khỏe người dùng.

-Thưa nhà báo Lê Văn, tiếp tục phần trao đổi về rượu vang mà chúng ta bị gián đoạn vào tuần vừa qua, kỳ này có lẽ xin ông giải thích một đôi điều về cách thử rượu. Nói không sợ ông cười mỗi khi vào nhà hàng ngoại quốc kêu một chai vang thì trước tiên người hầu bàn sẽ đem ra chai rượu cho mình xem, sau đó rót một ít vào ly đưa cho mình. Tôi thấy nhiêu người cầm ly khoắn vòng tròn nhè nhẹ để rượu dính vào thành ly rồi sau đó mới thử. Thật xấu hổ, tôi không biết làm như vậy để tác dụng thế nào ....

-Vâng đó là một phần trong cách thưởng thức rượu vang thôi. Người ta nói rượu vang là một món quà của thượng đế ban cho nhân loại tựa như là người mẹ khi đi chợ vể mua quà cho con thay vì cho nó ăn cơm không thôi thì cho nó cái kẹo cái bành như một món quà. Rượu vang nó như món quà điểm xuyết thêm cho cuộc sống thêm thú vị. Khi uống rượu vang là chúng ta thưởng thức bằng tất cả giác quan mà tạo hóa ban cho con người.

Trước hết chúng ta nhìn mắt nhìn để thưởng thức màu của rượu vang, cái đó tiếng Pháp người ta kêu La robe du vin, tức áo khoác ngoài của rượu vang tức là màu sắc của nó rượu trắng hay đỏ gì cũng thế. Rượu trắng thì có màu từ trắng trong gần như nước lã nó đi dần dần lên tới màu vàng nhạt, màu rơm rồi gần như vàng đậm giống như hổ phách.

Đó là một loạt về màu sắc mà khi chúng ta cầm cái ly rượu lên nhìn màu sắc của rượu thì lúc đó chúng ta thưởng thức bằng mắt, kế đó phần quan trọng là thưởng thức bằng mũi. Chúng ta đưa ly gần mũi của mình để thưởng thức mùi của rượu vang. Mùi của nó rất thơm, rất đặc sắc. Mỗi loại nho nó cho một mùi vị riêng thành ra khi làm ra rượu thì người ta thấy rằng rượu vang nó có rất nhiểu mùi khác nhau. Nó giống như một bó hoa. Có khi nó là bó hoa hồng có khi là bó hoa nhài rồi có khi là bó hoa huệ mỗi một loại hoa nó cho ta một mùi hương và rượu vang cũng thế, nỗi loại vang trằng nó khác, đỏ nó khác, nó cho ta từng mùi hương đặc biệt ta thưởng thức mùi hương đó tiếng Pháp người ta gọi là Bouquet, tức là một bó hoa. Đó là khứu giác giúp ta thưởng thức mùi thơm của vang.

-Rồi tới phiên nếm rượu có lẽ là khâu quan trọng nhất. Có cách gì ông chỉ cho biết những vị nào cần có và vị nào không nên có để có một loại vang ngon?

-Chúng ta dùng lưỡi tức giác quan quan trọng nhất là vị giác để nếm rượu thì chừng đó chúng ta mới biết loại rượu nào cũng phải có ba vị hài hòa với nhau. Ba vị cơ bản của nó là vị chua, không có vị chua không được. Vị ngọt, nó phải có vị ngọt đi vào miệng thì nó mới balance out (cân bằng) thì nó mới dung hòa với nhau và cuối cùng là vị chát. Vị chát là xương sống giữ cho rượu vang được lâu khiến cho người uống vào cảm thấy thú vị nhất là khi ăn những loại thịt có vị béo.

-Đôi khi tôi thấy ở nhà hàng khi chúng ta kêu một chai vang thì họ lại rót ra một cái bình thủy tinh nhỏ rồi từ đó họ phục vụ cho khách mà giới uống vang gọi là decane. Ông giải thích giùm khi decane như thế thỉ mục đích là gì?Đó là ba thứ mà khi người ta cầm ly rượu vang lên người ta tìm cách nhìn ngắm, rồi ngửi nó để thưởng thức mùi hương và nếm để biết vị của nó. Khi anh thấy người ta cầm ly rượu vang người ta khoắn khoắn là để cho cái oxygen ở trong không khí nó hòa lẫn vào rượu khi rượu được oxygen tan vào đó thì nó oxýt hóa và tỏa hương thơm của nó lên. Nều không lắc lắc thì oxygen không vào được và không bốc mùi thơm lên được.


-Decane tức là mở một chai rượu vang ra xong rồi lại phải rót vào một cái bình khác. Trong khi rót như vậy thì dòng rượu vang từ chai chảy xuống bình nó tiếp xúc với không khí nhiều hơn vì chiếc bình có mặt thoáng nhiều hơn tì nó dễ oxýt hóa, tức là để oxygen nó vào bên trong chất rượu và nó tỏa mùi thơm ra.

Khi người ta cầm ly lắc cho rượu dính vao thành ly thì người ta nhìn cái màu và hai nữa người ta nhìn cái chân của rượu vang. Tiếng Anh nó kêu là legs of the wine. Đó là dòng rượu nó chảy dài xuống bên thành ly những vệt chạy dài giống như những cẳng, chân để lại trên thành ly. Chân càng nhiều bao nhiêu thì rượu càng đậm bấy nhiêu tức alcohol của nó là chất cồn bên trong rượu nó càng cao hơn. Thí dụ như rượu vang nó để 12 độ thì chân của nó ít mà 14 hay 14 độ rưỡi thì chân nó nhiều hơn. Đấy là cái mà chúng ta có thể nhìn thấy trên nhãn hiệu của mỗi chai rượu vang mức độ alcohol là bao nhiêu. Cái đó nó cho mình biết vị đậm hay nhạt của rượu vang ấy và cái đó người ta gọi là body tức là thân thể của rượu vang. Thế nên khi chúng ta nhìn thấy legs of the wine, trong khi tiếng Pháp dùng chữ larme, tức nước mắt, giống như dòng nước mắt chảy xuống đó là lý do tại sao người ta cầm lắc lắc ly rượu. Đấy là những điều chúng ta cần và nên biết để thưởng thức rượu vang.

-Bây giờ có lẽ là lúc quan trọng nhất đây. Xin ông cho biết loại vang nào thích hợp khi kèm với seafood còn các loại thịt thì loại nào có thể làm tăng hương vị của thịt mà không bị trống đánh xuôi kèn thổi ngược?

-Trong thời tiết mùa hè nều chúng ta muốn ăn một thứ nhẹ nhàng như đồ biển chẳng hạn thì chúng ta có thể uống hoặc là rượu trắng hoặc là rượu đỏ nhưng thuộc loại nhẹ nhàng làm bằng nho Cabernet làm bằng nho Pinot Noir hay những loại nho tuy nó đỏ nhưng có tính nhẹ nhàng thôi thì nó vẫn hợp với đồ biển.


Còn với những món như thịt dù là bò hay heo hay trừu thì nó cần phải đi với một thứ rượu đỏ đậm đà hơn. Tại sao vậy? Bởi vì những món thịt ấy thường nó có vị béo nhiều, nó có mỡ nên nó cần vị chát của ly rượu vang. Chúng ta ăn một miếng steak một miếng bít tết thịt bò mà lại cắt ra xong chúng ta thưởng thức vị béo của món thịt bò ấy trong miệng và chúng ta cảm thấy cần có một cái gì có vị khác đi theo thì đấy là vị chát của loại nho Chardonnay Sauvignon hay nho Merlot tức nó đậm đà chứ nó không nhẹ như các loại nho trắng tức là loại Chardonnay hay là Sauvignon Blanc chẳng hạn.

Chúng ta phải lựa chọn tùy theo nhu cầu của lúc mình uống rượu hay tùy theo món ăn má mình cần có loại rượu nào đi kèm. Thực ra nghệ thuật ẩm thực nó phải dung hòa với nhau, nó phải bù trừ cho nhau.

Thí dụ như ngày tết chúng ta ăn một miếng giò thủ, trong đó nó có vị béo nhiểu lắm. Hay chúng ta ăn một miếng thịt đông chẳng hạn thì chúng ta cần có vị chua để dung hòa gọi là quân bình hóa mùi vị như một miếng dưa chua chẳng hạn. Khi ăn những vị béo như thịt heo quay hay giò thủ giò bì, ngay cả bánh chưng thì chúng ta muốn có vị chua đi theo để dung hòa khẩu vị của chúng ta do đó chúng ta cần loại rượu đỏ đậm đà làm bằng nho Carbenet Sauvignon hay Merlot đó là thú của người uống vang hợp với món ăn mà mình đang thưởng thức.

-Xin cám ơn nhà báo Lê Văn. Xin cám ơn quý vị đã theo dõi câu chuyện về rượu vang trong hai tuần qua.

(Nguồn: Báo Rfa)

February 22, 2014

ME SÀI GÒN


ME SÀI GÒN
Sanh ra - Lớn lên, rồi phải xa Saigon. Hỏi lòng dạ nào mà không nhớ, không thương? Thương từ đầu con hẻm thương đi, thương tuốt qua cuối dãy phố, thương chạy băng ngang con đường; Thương từ cơn mưa, thương đến cái nắng; Thương tới giọng nói, thương cả nụ cười, thương trầm, thương lắng con người Saigon, nhất là thương luôn con gái Saigon! 

Nhớ từng ly nước mía, nhớ đâu cuốn bò bía, nhớ một trái me ngâm cam thảo... Thương thương, nhớ nhớ - Vấn vấn, vương vương - Thả hồn lan man à Bất chợt tâm tôi bỗng nổi “sân si“ với những bài thơ, văn ca tụng “những con đường Hà Nội với cây sấu, cây bàng à“, hay “Huế với những cây xà cừ, long não à“. Trời ơi! Saigon cũng có những con đường me với lá bay bay là đà xao xuyến hồn người góp phần, chớ bộ thua kém gì sao?



Saigon nơi đó tôi đã lớn
Bỏ lại mảnh tình dưới hàng me 
(HMP)



Những chiếc lá me li ti bay lất phất, nhẹ vướng tóc người yêu ngày nào - Thơ mộng não nùng - Không vậy mà nữ văn sỹ Hoàng Lan Chi trong bài tùy bút “Đường không em anh đếm bước nhiều hơn“ đã có câu: “Những con đường đẹp bao giờ cũng phải có cây cao, bóng mát, nhất là có hai hàng me xanh chụm đầu vào nhau thì thật là tuyệt và... đừng có nhiều xe“.

Theo chị, ngoài đường Bà Huyện Thanh Quan của thời trung học (vì chị là dân Gia Long), thì đường Cộng Hòa, nay là đường Nguyễn Văn Cừ, là con đường đẹp nhất nhì của các trường đại học, đâu phải chỉ có một mình con đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch) “cây dài, bóng mát“ hay được xưng tụng mà thôi:

Chiều nghiêng trên lối Cộng Hòa
Lá me tơi tả rơi vào tóc ai
Có người nhìn theo gót hài
Cổng trường Petrus nối dài hàng me 
(HMP)


Đường Cộng Hòa mà chị cho là đẹp chạy từ khúc bùng binh ngã bảy Nguyễn Hoàng( Trần Phú),Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Nguyễn Thiện Thuật, Hồng Thập Tự (Nguyền Thị Minh Khai), Phạm Viết Chánh đến khoảng đường Thành Thái (An Dương Vương), chạy dọc ba trường: trung học Trương Vĩnh Ký (trường chuyên cấp ba Lê Hồng Phong), đại học Khoa Học (Tổng Hợp) và đại học Sư Phạm Saigon. Gần đó có trường trung học Bác Ái (Cao Đẳng Sư Phạm) và Trung Thu. Con đường này thuở đó vắng vẻ và rất rộng, ngoài đường chính lớn có hai chiều xe chạy, còn có hai con đường nhỏ hai bên giành cho xe đạp, nên vỉa hè tha hồ cho bà con lê la tán dóc, ăn hàng ngoài đường. Khúc đường này lại rợp bóng mát của những hàng me tây gốc to, tàn rộng xòe ra để “nắng che, mưa đậy“ cho khách bộ hành, nhất là các đấng học sinh, sinh viên mọi thời. Chị Hoàng Lan Chi cũng có một kỷ niệm nhỏ gắn liền với khúc đường này qua bốn câu thơ:

"Em vẫn biết đường đến trường nhiều ngã
Đường không em anh đếm bước nhiều hơn
Gốc me tây anh vẫn thường đứng đợi
Nhớ em nhiều khi bóng ngả hoàng hôn"

Hữu cảnh – Hữu tình. Trường Trương Vĩnh Ký ngày đó, có những hàng me tây chạy dọc trước trường, Hỏi sao mà các đấng húi cua không “tức cảnh sinh tình“ như trong đoạn văn dưới đây, trích trong truyện ngắn Phượng Hồng của anh (HMP):

“Tiễn Thu ra khỏi trường, ngoài kia đường phố vẫn đông người qua lại, họ thờ ơ trước nỗi buồn của hai người học trò chia tay. Minh dừng lại trước cổng trường, nhìn theo dáng Thu bước nhẹ về cuối đường, hai hàng me rung nhẹ theo gió, lá me bay lả tả, tà áo trắng phất phơ trong gió, mái tóc thề cuốn về một bên. Hàng me dần khép theo từng bước xa dần. Bâng khuâng chàng ngước mặt nhìn ngôi trường lần cuối, nắng nhẹ lên cao, xác phượng rơi lả tả khắp sân, rưng rưng hè đã về và phượng đã hồng“.

Cũng có rất nhiều Petrus Ký thẫn thờ, thờ thẫn ra thơ, chẳng hạn

Khi không nhớ một trời đầy
Lá me xao xác cả trời bâng quơ
Cả trời mây đến lưa thưa
Cả trời trong mắt em vừa chớm ... say
(PQT)

Dân kẹp tóc Gia Long thì ngu ngơ, vu vơ, thở nhẹ ra thơ như :

Nhớ ơi nhớ tuổi thơ xưa
Hàng me lá nhỏ đan thưa nắng vàng
Đơn sơ tóc thả dịu dàng
Con đường trắng mượt thênh thang lụa chiều
(Vàng Anh)

Hay con đường lá me của Gia Long Trần Thị Tâm:

Con đường nào học trò
Tan học về qua ngang
Thả hồn bay lang thang
Trên những lá me vàng

Trường Gia Long được bao bọc bằng bốn con đường: cổng chính Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Ngô Thời Nhiệm, Đoàn Thị Điểm và Bà Huyện Thanh Quan. Chỉ có đường Bà Huyện Thanh Quan khúc gần Trần Quý Cáp, Phan Đình Phùng mới có nhiều hàng me, còn ba đường kia có rất nhiều cây sao, cây dầu và cây nhạc ngựa. Trong khi con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần trường Trưng Vương mới thực đầy bóng lá me, mà mỗi buổi trưa tan trường, có biết bao nhiêu anh chàng “ đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ “:

Me xanh lá đứng thuở giờ
Điểm trang vạt áo tiểu thơ trắng ngần
Trưng Vương từ đó rất gần
Trái tim đem bỏ mấy lần … còn không ?
(TTSH)

Trường nam trung học Võ Trường Toản nằm sát bên trường nữ trung học Trưng Vương: ”có sẵn địa lợi“ đã đành. Trường nam Chu Văn An thường được ghép đôi với trường nữ Trưng Vương: yếu tố “thiên thời“, cùng là hai trường trung học lớn nhất Hà Nội vào Saigon. Các nam sinh Pê Ký chỉ còn nhờ vào vấn đề “nhân hòa“ mà thôi, nhưng ngày ấy phe ta cũng nhất định không bỏ cuộc, bởi vì “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều“ như PKý Việt Hải:

Trưng Vương khung cửa rủ hè
Đường về hai dãy hàng me thì thầm
Gió lùa kỷ niệm xa xăm
Gió đưa tà áo về thăm lại trường

Ngoài đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Saigon còn có rất nhiều con đường lá me đẹp khôn cùng với đầy ắp kỷ niệm như Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu), Sương Nguyệt Anh à…

Ta vẫn nhớ em về qua lối đó
Hàng me bên đường mở ngỏ em đi 
(HMP)

Hay “đường cũ” Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần), Hồng Thập Tự (Nguyễn thị Minh Khai):

Con đường Trần Quý Cáp
Con đường Hồng Thập Tự
Anh còn nhớ không
Một thời yêu đương cũ
Hàng me già ướt đẫm trong mưa –
(Trần Mộng Tú)

Và “Saigon trên đường Nguyễn Du“ như trong thơ thi sỹ Nguyễn Tất Nhiên

" Và lá me rớt trên nụ cười
Đường Nguyễn Du còn thơ
Dù có đau ngẩn ngơ"

Những con đường tình ta đi của Saigon với những hàng me xao xác, xào xạc lá, đã từng “trầm ngâm nghiêng mình“ chứng kiến bao nhiêu là chuyện tình của thời mới lớn, đã im lặng “đứng làm nhân chứng“ cho những bước chân nhẹ nhàng, những giọng nói thì thầm, những lời nói khe khẽ bên môi “Nói cho vừa mình anh nghe thôi” - NĐQ

Anh sẽ nhớ Saigon ngày mới lớn
Thuở áo dài em trắng cả đường đi
Lối xưa nào chẳng có lá me bay
Em lồng lộng mà em gần gũi vậy 
(TTSH)

Những cành lá me mơn mởn, biên biếc tàn xanh đan chồng với nhau như tay người trong tay ta -

Trên cao líu lo chim hót trong nắng - Rợp bóng mát những buổi trưa hè - “Hàng me cao lá hát như ru.” Cái màu lá me xanh tươi “thật thà” của ngày cắp sách đến trường. Không biết những cây me già, thuộc loại cổ thụ này của Saigon đã được trồng tự bao giờ? Chắc phải cả trăm năm về trước.

"Hàng me xanh ngắt
Có tự bao giờ
Mà nay đứng đó
Cho em làm thơ
Con đường ta qua
Đến nay bao tuổi
Em qua trăm buổi
Em lại nghìn lần
Mà sao bối rối
Khi cầm tay nhau" 

(Nguyễn Nhật Ánh)

Saigon không có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Saigon chỉ có hai mùa mưa nắng đi đi, về về, nên Saigon chỉ có mùa lá rụng. Khi đó, những lá me mỏng manh vàng bay bay giữa trời, ngập ngừng một thoáng trong gió,rồi nhẹ rơi la đà trên bãi cỏ, bên vỉa hè hay dọc theo những con đường.

Saigon chẳng có mùa thu
Chỉ có những mùa lá rụng
… Từng chiếc lá rơi xao mặt đường
Cành me già thoảng chút hơi sương 
(Phạm Thành An)

Mặc dù không có mùa thu, nhưng Saigon cũng có chút heo may se lạnh, tươi mát những buổi sớm mai cuối năm làm bâng khuâng lòng phố, lòng người như trong thơ thi sỹ Trương Nam Hương:

Saigon cũng có heo may
Không tin em thử giơ tay hứng thầm
Phố thêm một chút duyên ngầm
Kìa em, cành lá me nằm rất ngoan

Trong thi ca, khi nói đến những con đường me, người ta nói đến hàng me, cây me, tàn me, gốc me ... rồi đến cành me, nhánh me, nhưng được nhắc nhở nhiều nhất vẫn là lá me. Những chiếc lá me xôn xao mộng tình đầu:

Tim em chưa nghe rung qua một lần
Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần
Tình trần mong manh
Như lá me xanh
Ngơ ngác rơi nhanh 
(Nam Lộc)

Lá me là loại lá kép chẵn, không có lông, lá me mỏng manh nhỏ, hẹp và dài. Đọc thử bài “Thơ tình Trên Lá” viết với lá me của nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên:

Lá me đứng như dấu sắc
Nằm im như một dấu huyền
Lại cũng giống như dấu nặng
Trên mặt đường làm duyên
Lá me rơi đầy trên tóc
Buông dài như dấu chấm than
Có người đi qua muốn nhặt
Lá cong như dấu hỏi vàng
Lá đi theo em xuống phố
Bỏ thời mực tím sau lưng
Vẩn vơ lá như dấu ngã
Trước những bước chân ngập ngừng
... Những bài thơ tình trên lá
Từng mùa xanh biếc trên tay
Những dấu sắc huyền hỏi ngã
Viết làm sao hết tình đầy ?

Kiếp người như “mưa gió bay buồn lá me” trong thơ thi sỹ Trần Vấn Lệ:
Đời người bao mất mát
Theo lá trôi.. về đâu
Ờ thì tôi đứng lại
Bạn cũng dừng bước chưa?
Ở lề đường nào xưa
Lá me Saigon rụng

Bông me cũng nhỏ, lấm tấm màu vàng, dính nhau thành chóp và rụng sớm; Lá đài trắng, cánh hoa vàng có gân đỏ hồng.

Dưới tán me già hoa điểm vàng phai
Bông me vàng
tháng tư
lanh canh bóng nắng
... Bướm lẫn vào bông me
Bông me hòa trong nắng 
(Nguyễn Lập Em)

Cây me thuộc loại thân đại mộc,cao chừng 20m. Vì “bần giòn, ổi dẻo, me dai“ nên gỗ me dùng làm thớt rất tốt vì trơn tru, không tỳ vết, ít bị mối mọt. Nhưng phần thực dụng nhất của cây me vẫn là trái me, bởi vậy ca dao miền Nam có câu:

Tiếc công vun bón cây me
Me không có trái, chim mè đậu lên
Tiếc công rày xuống, mai lên
Mòn đàng, đứt cỏ không nên tại trời

Những hàng me với vô số chùm trái chín đong đưa trên cao, như đang chọc thèm, như đang mời gọi, như đang dụ dỗ bầy con nít:

Lâu lâu ngồi nhớ ngày xưa
Buổi trưa thường hái trộm me
Thằng trèo, thằng đứng làm thang
... Cây cao mấy cũng trèo lên
Chỉ vì cô bé mắt tròn xoe... mắt tròn xoe 
(NQH)

Nếu không có người trèo lên hái hay dùng những cây sào có gắn móc sắt để khoèo, thì chỉ có nước đợi cho gió mạnh làm rớt chùm me chín xuống mà thôi! Chùm me chín mà các bà, các cô Saigon mong đợi là me thường, không phải là me tây hay me keo. (Me tây: trái dẹp,dài chừng gang tay, giống như trái điệp vàng, khi chín màu đen, ươm đầy mật, rất ngọt, nhưng ăn dễ bị gắt, khé cổ. Me keo: trái quăn, xoắn như lò xo, nạc me keo chín xôm xốp, màu ửng hồng, hơi ngọt, ăn dễ bị bón).

Trái me còn xanh thì cứng, vỏ dính chắc vào cơm me, ăn rất chua. Dần dà trái lớn lên thì cơm dày lên, hạt to ra, rồi thành me giốt: me vừa chín tới, vỏ xốp đi, cơm me hơi bột, ăn chua chua, ngọt ngọt. Khi trái me chín hẳn thì cơm me ngả màu nâu đậm, nạc me chắc hay nhão, ngọt ít hay nhiều còn tùy theo loại me như me ván, me đũa, me ươn, me mật à Người Saigon dùng trái me để ăn từ sống tới chín bằng nhiều kiểu. Hồi xưa, hồi “Bảo Đại còn ở truồng“, người ta có câu dzỡn: “Saigonnais ăn me... ẻ chảy “!!!

Me sống hột còn non (ăn nhằm hột non rất chát), được cạo vỏ nấu canh chua hay ăn sống: chấm muối ớt, mắm ruốc hay nước mắm đường kẹo như xoài tượng, cắn một cái giòn hết biết! Me chưa chín hẳn, hột còn xanh, được dùng làm me dầm cam thảo, me ngâm nước đường, mứt me. Me giốt thì ăn sống, có một ngôi vị vững vàng trong lòng dạ các bà, các cô Saigon, hiếm thấy ai chê! Cơm trái me chín dùng nấu canh chua; Làm me ngào đường; Làm kẹo me; Làm ô mai me; Làm sauce đặc biệt ăn với thịt heo quay, vịt quay cho bớt ngán, vì vị chua làm giảm bớt cái béo ngậy của món quay; Làm nước mắm me để chấm các loại cá chiên, các loại khô cá hay trộn gỏi; Làm tôm, cua rang me; Làm nước đá me à


Chiều nay nhớ người theo từng món
Quà vặt bên đường dưới bóng me
Trái chua ngày ấy sao ngọt lịm
Đong đầy lưu luyến tuổi mộng mơ 
(SLH)


Me chín có mùa nên người ta phải muối me để dùng quanh năm. Trái me bỏ vỏ,cho muối vào phần cơm nạc me còn để luôn hột, để phòng ngừa hư mốc. Me muối được vô bịch, khằn lại, bán khắp nơi: từ Nam ra Bắc, xuất cảng ra nước ngoài. Bây giờ, vận dụng kỹ thuật tân tiến, điều kiện vệ sinh cao hơn, người ta sản xuất ra những gói me bột sấy khô, những viên gia vị me cô đặc rất tiện lợi, dễ dàng cho người tiêu thụ, nhưng người ta vẫn còn ưa chuộng me muối để nấu ăn như thường.

ME NGÂM, ME DẦM:
Me là loại trái khó tách vỏ nhất. Người ta phải ngâm me trong nước muối đặc qua nửa ngày. Vớt me ra, làm từng trái. Dùng dao mỏng, bén, mũi nhọn cạo vỏ cuống me, rồi tách , gỡ vỏ me ra sao cho còn nguyên phần gân vỏ bao quanh mỗi trái me và cuống mới khéo. Mổ dọc thân trái me, moi bỏ hột và phần vỏ hột còn bám bên trong ruột me, nếu còn sót vỏ hột sẽ bị đắng. Làm đến đâu ngâm me vào nước lạnh đến đó. Vớt me ra để ráo. Nấu nước, đường và một ít cam thảo bắc cho sôi, để nguội hoàn toàn, rồi bỏ me vào ngâm.

Có hai loại cam thảo: bắc và nam. Cam thảo bắc - Licorice, được bán ở các tiệm thuốc bắc dưới hình thức những lát mỏng phơi khô, màu vàng đậm, thơm, vỏ sần sùi, vị ngọt thanh. Cam thảo nam sắc vàng lợt, gần như trắng, vỏ trơn, không thơm.

Me ngâm trong nước đường cam thảo chừng nửa này là có thể nhấm nháp được rồi, ăn rất giòn, nhưng không để lâu được. Còn ngâm me lâu hơn, từ 3-10 ngày tùy theo ý thích thì me giữ được lâu hơn, nhưng không giòn vì teo bớt. Sau khi ăn hết me, nước ngâm me này được dùng như một loại syrup giải khát, nhất là nước ngâm me khoảng 10 ngày, sẽ có mùi rượu nhẹ vì lên men.

MỨT ME
Làm mứt me rất công phu, đòi hỏi sự khéo léo, tay nghề cao: từ chọn lựa me, tách vỏ... đến sên me. Trước hết phải chọn trái me không những dài, thẳng thớm để dễ làm, mà còn phải to ngang, tròn đều để nạc dày. Người ta có thể tách vỏ me bằng cách thủ công là ngâm nước muối đặc như làm me dầm, me ngâm, nhưng nếu muốn sản xuất số nhiều thì có cách khác: Pha nước muối đặc, cho me sống vào nấu sôi, nhỏ lửa khoảng 30 phút hay hơn, sau đó để me ngâm trong nước nóng cho đến khi nguội hẳn mới lấy ra. Tách vỏ sẽ dễ dàng hơn, nhưng me không được cứng và giòn, cho nên sau đó, người ta phải ngâm me vào nước vôi hay vài hóa chất nào đó cho me săn lại.

Sau khi tách vỏ xong, me được ngâm vào nước muối một lần nữa để me trắng đều, nhả bớt chất chua. Rồi lấy hột xăm lỗ me và xả lại nước nhiều lần cho me hết mặn. Để ráo. Sên đường: giai đoạn quan trọng nhất. Đến khi đường đã được sên chặt, đem me ra hong cho ráo bớt. Thắng nước đường thật kẹo, nhúng trái me sên rồi vào vài lần, cho đường ngấm vào me không nhả được. Đem me ra phơi nắng, rồi thoa một lớp nước đường mỏng lên cho trái me có màu vàng tươi trong, bóng mượt thì bọc lại bằng giấy bóng kiếng. Mứt me là một trong những loại mứt quý, mắc tiền của ngày lễ Tết. Nghe nói bây giờ người ta còn chế thêm món mứt me mới gọi là mứt me cay.

Ô MAI ME
Saigon không có trái mơ, trái sấu như ngoài Hà Nội, nên người ta “ sáng kiến “ dùng trái me làm ô mai me chua chua, ngọt ngọt, cay cay, thơm thơm, rỉ rả cả ngày cũng thông cổ lắm. Nạc me chín lấy hột, bỏ chút nước sôi, trộn chung với đường; Gừng (lột vỏ, luộc sơ cho bớt cay rồi xay nhuyễn); Trần bì (Vỏ quít khô bán ở tiệm thuốc bắc. Dùng vỏ quít tươi phơi khô lấy ở nhà thì thơm, ngon hơn); Cam thảo bột; Chuối khô xay nhỏ; Chút ớt bột nếu muốn cay cay. Sên tất cả các thứ trên lửa nhỏ cho đến khi đặc lại. Phơi nắng cho khô hẳn rồi gói lại bằng giấy bóng kiếng trong.

CANH CHUA ME
Canh chua là món đặc biệt của người miền Nam. Nói về canh chua thì “tràng giang, đại hải“, cứ như là “khen phò mã tốt áo“, bởi vì: Tùy theo địa phương - Có gì nấu đó - Thể hiện sự trù phú về động, thực vật của sông nước miệt vườn và tánh tình thực tiễn, linh hoạt, không câu nệ của con người miền Nam. Bài sưu tầm này chỉ xin nói về canh chua nấu bằng me mà thôi.

Người ta dùng lá me non, trái me sống và nạc me chín để nấu canh chua. Lá me non, trái me sống cho vị chua thanh. Còn me chín thì chua đậm đà hơn để đi với cái ngọt của đường giậm vô canh chua. Lá me non được bóp nhẹ, để tuốt cành và làm hơi dập lá, rồi bỏ thẳng vào nấu như trái me sống. Còn me chín thì phải dầm lấy nước cốt nấu, để đừng làm đục nước canh chua.

Me thường được nấu canh chua với nhiều loại cá như: cá hú, cá linh, cá mè vảnh, cá ngát, cá ngạnh, cá tra (cá basa), cá úc, cá vồ ... nhưng xuất sắc vẫn là cá lóc hay cá bông lau. Phần ngon nhất để nấu canh chua là đầu cá. Dân “điệu nghệ miệt vườn“, ngoài cơm ra, còn ăn canh chua với bún tươi., rồi từ đó chế thêm món lẩu canh chua. Lẩu canh chua cũng có: bạc hà, đậu bắp, giá, cà chua... nhưng được dọn riêng để ăn đến đâu, nhúng tới đó chứ không bỏ luôn vào nồi nấu sẵn như canh chua. Người ta bỏ lên mặt ngò om, ngò gai xắt nhỏ rí hay tỏi phi, để hơi nóng bốc lên tỏa mùi thơm điếc mũi. Canh chua me thường được dọn chung với chén nước mắm ngon nguyên chất, dầm ớt thiệt cay. Ngoài cá ra, me còn dùng để nấu canh chua với tôm, lươn .

Cũng “dài dòng văn tự“ để nói thêm canh chua me không phải là canh me, chỉ khác có chữ chua mà 
“hai phương trời cách biệt“ (như trường hợp canh gà Thọ Xương hay được kể lại như một mẩu chuyện tiếu lâm mà có thật).

Khoảng năm 50, 60 của thế kỷ trước (thế kỷ 20), tại Saigon có thịnh hành một hình thức cờ bạc gọi là “đánh me“ hay “hốt me“.Thay vì sử dụng hột súc sắc (xí ngầu), người ta dùng hột me để chơi. Người làm chủ sòng, còn gọi là nhà cái lấy đại một số hột me bằng cách úp chén lại, hay dùng thanh cây gạt ngang, rồi đếm coi số hột me bất kỳ đó chẵn hay lẻ. Người chơi/ nhà con đặt tiền theo hai cửa chẵn hay lẻ. Các con bạc ít tiền, hoặc tính kỹ, đâu có dám đặt tiền liên tục, thường có thói quen đoán hoặc canh chừng, thí dụ sau năm ,ba lần chẵn thì đặt lẻ “chẳng lẽ chẵn hoài mà chẳng lẻ“ hay là canh chừng coi ai đang vận đỏ, thường trúng liên tiếp thì đặt theo, cả hai kiểu canh chừng, theo dõi này đều được gọi chung là CANH ME. Danh từ canh me này đầu tiên phát xuất từ trong giới cờ bạc, truyền khẩu trong dân gian, và dần dà được dùng “rộng rãi“ hơn để ám chỉ những hành động “thừa nước đục thả câu“ thành ra: dân canh me, canh me vượt biên, canh me chôm chỉa v.và (Càng không phải là canh chừng me chín rụng để lượm ăn đâu nghe hì, hì)

Dân cờ bạc dùng hột me để chơi trò đánh me ăn tiền, sát phạt nhau, chứ bản thân hột me nào có tội tình gì. Hột me chín màu nâu đen, dẹp, nhẵn bóng, cỡ bằng móng tay còn được dùng để nấu chè, làm nước đá me là một thứ giải khát hấp dẫn của miền Tây.

NƯỚC ĐÁ ME
Hột me chín được lảy vỏ lấy nhân đem rang chín vàng, rồi hầm thật kỹ khoảng 6, 7 tiếng cho mềm, nhưng không để bị nát. Cơm me chín dầm nước, lọc xác, nấu nhỏ lửa , bỏ nhân hạt me rang vào sên, đảo luôn tay cho nước me chua sánh lại như kẹo, bọc quanh nhân hột me, gọi là hột me sên. Khi uống , người ta bỏ hột me sên vào với nước đá bào hay đập nhỏ, nước đường trắng và đậu phọng rang giã giập.

Hồi trước, muốn có me chín để ăn, dân Saigon phải đợi đến đúng mùa me rộ: “mùa nào, thức ấy“. Bây giờ, có một giống me nguồn gốc từ Thái Lan rất ngọt, có hầu như quanh năm. Giống me này được du nhập vào Việt Nam cũng khá lâu, từ vài thập niên trước, nhưng người ta biết đến nhiều trong thời gian gần đây thôi. Trái me Thái Lan này ngắn, vỏ khô, ruột không đầy đặn như me thường, các ngấn me rất sâu, làm các đốt me nổi tròn vung lên như vỏ hột đậu phọng, nên được gọi bằng một cái tên khác rất tượng hình là me đậu phọng. Các siêu thị Việt Nam ở California cũng thường bày bán, gọi là me ngọt.

Ngọt thì phải công nhận loại me này ngọt thiệt tình, nhưng mà (lại nhưng mà!) tánh tôi thuộc kiểu hoài cổ, khuôn sáo à cho nên vẫn cứ ưng bụng là trái me dù chín ngọt cũng phải có chút chua chua, mới phải là me. Nè nghe! Me là tên Việt Nam mình, còn người Tàu gọi là Toan đậu (Toan là chua rồi còn gì nữa). Các nhà thực vật học thì gọi tên khoa học của me là Tamarind Indica L, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Tên tiếng Anh là Tamarind. Tên tiếng Pháp là Tamarinier - Me cứ mãi mãi, hoài hoài còn chua để trái me xanh ai chia cho một nửa ngày xưa không bị chìm vào quên lãng thời gian, mà thấm sâu trong ký ức tiếng hít hà ê răng như bốn câu thơ của thi sỹ Mường Mán:

Về ngang qua trường cũ
Không dưng thèm vu vơ
Trái me ai chia nửa
Đến bao giờ thôi chua?

Về ngang qua trường cũ - Về trên con đường xưa - Về thăm lại Saigon - Saigon ngày em về:

Saigon ngày em về
Chẳng biết buồn hay vui
Lòng bàn chân đo phố
Gần xa- Bao ngậm ngùi
Saigon ngày em về
Mùa xuân còn để dấu
Trên vai người sớm khuya
Chiếc lá me buồn nẫu 
(TTSH)

Về nối lại những vòng tay của bè bạn ngày nao - Về tìm lại những tình thân lạc dấu:

Em tội nghiệp như cành me trụi lá
Hạt sương khuya nuôi ngọn cỏ sân trường
Đêm tháng sáu, mưa có làm em nhớ
Đêm mưa nào, tôi bỏ trốn quê hương 
(Trần Trung Đạo)

Người có về thì giờ tóc đã hoa râm, ngậm ngùi nhìn lại bàn ghế nơi quán nhỏ, băng đá nơi công viên ngày xưa; Để nhớ lại những lần hẹn hò, những tiếng khóc nụ cười; Để tìm lại những khuôn mặt giờ đã ngút ngàn, đã chập chùng hư ảo nơi góc biển chân trời nào đó, xa xăm. Nhạc sỹ Trần Chí Phúc trong bài hát “Saigon một thoáng 30 năm“ có đoạn:

Tôi ngồi đây, cà phê quán cóc
ngắm lá me rơi ngập đường
Nguyễn Du tên cũ mơ áo em bay chiều nao
Chuyện đâu quá khứ như giấc chiêm bao

Còn “người đi xa qua biển sông ngàn phương“ vẫn ôm nỗi nhớ mong cũng như nỗi lòng của thi sỹ Trần Vấn Lệ:

Chiều hôm nay, nghe lạnh, biết là thu
Anh nhớ quá lá me vàng hồi đó …
Hồi đó em còn là cô bé nhỏ
Tóc thề buông che kín nửa bờ vai
Em tan trường về giữa lá me bay
... Anh chỉ nhớ đã hôn em ở mắt
Mắt em chao như thể lá me bay
... Saigon bây giờ, em không nhớ đến ai
Lá me bay, mùa thu, hẳn buồn- Em đã lớn
Lá me xanh khi đã nhuốm sắc vàng
Rồi sẽ rụng, trải lên đường quá khứ
à Saigon bây giờ, nếu anh về làm khách lữ
Em làm gì, có nhoẻn nụ cười duyên ?
… Lá me vàng, mùa thu nào vẫn sáng
Chắc vẫn còn gài trên tóc em thôi
à Saigon bây giờ ra sao?
Anh hỏi mỏi, hỏi mòn
Lá me rụng trong hồn bay tứ tán
Bạn bè anh còn mãi tuổi xuân xanh
Như em vậy... Làm cho anh thương nhớ!
Saigon ơi, tại sao thương không ở
Nhớ mà đi, đi được, trời ơi!

SAIGON ƠI, TẠI SAO THƯƠNG KHÔNG Ở? NHỚ MÀ ĐI, ĐI ĐƯỢC , TRỜI ƠI!!!

Một tiếng than gởi đến ông trời có làm vơi bớt nỗi niềm? Tiếng kêu, tiếng rên, tiếng la xuất phát từ bên trong con người bật ra để giảm bớt áp lực, xung đột của nội tâm. Cả hai câu thơ là một tiếng kêu như rên, gói trọn một tâm sự, chứa đựng một âm vang dằng dặc, lắng đọng lại nơi đó chờ sự đồng cảm, đồng điệu của người đồng cảnh ngộ

Mỗi cảnh ngộ một tâm trạng. Không phải chỉ có người ra đi mới vẫn mãi mãi còn yêu, còn lưu luyến nhớ nhung Saigon như một khối tình:

Đêm nay ta nhớ về Saigon
Để thấy ai đó, còn ai mất ai
Để thấy trong gió chút me bay
Để thấy còn gì lúc tàn phai 
(HMP)

Cho dù năm tàn, tháng lụn cứ trôi qua, kẻ ở lại cũng yêu thương Saigon, cũng nhớ nhung Saigon với một nỗi niềm riêng, một u tình canh cánh bên lòng - thấy cái đã mất mà sợ cái đang còn rồi cũng mất khi Saigon đã biến đổi,và sẽ biến đổi nhiều hơn:

Đi dưới hàng me – Đời lận đận
Phút giây chìm lắng bước khoan thai
Ta xưa chong mắt tình thơ dại
Ngát bóng me cao ngả rất dài à
(TTSH)

Dù là kẻ ở hay người đi, ta vẫn hằng ấp ủ trong tim ta một mối tình từ ngàn xưa còn tiếp tới ngàn sau với Saigon. Saigon của ta - Có còn không tiếng lá me hát như reo vui trong gió - Có còn không tiếng chim ríu rít trên cành cao chào nắng sớm - Có còn không những vòng xe đạp quay êm ả trên đường - Có còn không những dấu chân mà bước ai đi còn in lại:

Từ những cây me lá mướt xanh
Thong dong cho gió rúc thơm cành
Chẳng hay gió nói hay me nhắc
Em chớ vô tình đạp quá nhanh – Lê Hân

Chỉ còn là kỷ niệm - Những hình ảnh đã mù khơi diệu vợi, nhưng trở về trong những giấc chiêm bao, lại vẹn nguyên trong ký ức - Đâu cần phải bước chân đi mới là chia lìa, người ta có thể đánh mất nhau ngay trong cả những phút giây gần gũi, kề cận nhau đó mà quên lãng, xa xôi - Saigon trong tâm vẫn long lanh, vẫn sáng ngời, vẫn đong đầy và chất chứa:

Saigon
vừa nắng đã mưa
Me chưa thu
đã ngu ngơ
rơi đầy
Chưa lơi lỏng
nửa vòng tay
Đã nghe
văng vẳng
những ngày xa nhau
Saigon
tươi rói cơn đau
Bóng ai
hẫng
một chiều sâu lạ thường 
TTSH

Saigon của tôi với những hàng me thủy chung, dù đã phải trải qua bao thăng trầm thay đổi, bao dâu bể đoạn trường của năm tháng, dù đã khép kín tâm sự, dù đã u uất chán chường. Đã có bao nhiêu con đường me bay giờ đang u sầu, thảm thương với những mé cây bị cụt nhánh, những đầu cây bị đốn mất, những rễ con, rễ cành bị chặt đứt từng mảnh ra khỏi rễ cái, những thân cây còn sống bị lột da, bóc vỏ. Làm sao mà cây không khô héo đi ? Làm sao mà cây không chết cho được ? Làm sao cây còn cơ hội sống còn ? Những cây me nói riêng, những cây xanh nói chung, những bộ máy hô hấp thiên nhiên của Saigon đang dần dần “ bỏ phố... về trời “.

Nhưng anh vẫn cần nói cùng em về hoa cỏ
Về những vòm me không ai có thể đốn mất của mình
Về những chuồng bồ câu màu hồng trên mái ngói
Về tím đỏ ráng chiều
Về vạt nắng bình minh
… Dẫu bóng mát vòm me chưa che tròn lưng
những đứa trẻ con lượm rác bên đường
Dẫu đã xuất hiện quá nhiều kẻ vác súng săn
tìm bầy chim thành phố
Và có người lạnh nhạt nhìn nhau
nhân danh cơm áo 
– Đỗ Trung Quân

Người ta nói Saigon bây giờ đang “ thay da, đổi thịt “ để cho kịp “ vươn lên tầm cỡ quốc tế “ với những tòa nhà, những cao ốc “ hiện đại, đa văn hóa “ đủ cỡ cấu trúc cũng như đủ kiểu kiến trúc. Có người kể Saigon bây giờ khác ngày trước nhiều lắm, Saigon bây giờ là mảnh đất của những sự khác biệt đối chọi nhau chan chát, thậm chí triệt tiêu nhau không thương tiếc mà ... vẫn cùng nhau tồn tại. Có người than Saigon bây giờ đầy bụi bặm, khói xe:ô nhiễm không thua bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giới!!!

Cuồn cuộn đường trong biển người
Cà phê giọt đắng ngậm ngùi cố hương
Em ơi! Em có còn thương
Hàng me xanh mát con đường em đi 
HMP

Vẫn luôn nghĩ mình là người Saigon - Vẫn luôn coi mình là người Saigon dù không còn “ trú mưa, che nắng “ dưới một mái nhà xây trên đất Saigon, không còn sống ở Saigon, không còn hít thở không khí Saigon - Lòng người Saigon xa Saigon này không khỏi khắc khoải, ưu tư : “ Saigon bây giờ có còn là một Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi à như trong nhạc phẩm của nhạc sỹ Y Vân cách đây vài thập niên trước nữa hay là không rồi? “.

Saigon cơn mưa bất chợt
Hàng me ngày đó phai nhợt lung lay
Chốn cũ giờ em có hay
Hàng me tơi tả ngày nay đổi dời 
– HMP

Tôi đang ở cái tuổi lưng chừng nửa đời “trời còn xa, đất chưa gần“, gọi nôm na là sồn sồn - Chưa đủ kinh nghiệm, từng trải để là một bậc cao niên mang trong lòng những hình ảnh “Saigon năm xưa“ của thời tác giả Vương Hồng Sển, hay lâu hơn nữa của thời “đất thanh bình hàng trăm năm trước“ - Cũng đã quá xa cái tuổi nhỏ chỉ thu trong tầm mắt một Saigon hiện tại - Saigon của tôi ở trong ký ức mỗi ngày mỗi phai một chút của chính tôi, cộng thêm những hình ảnh, những văn chương thi phú tôi thu thập qua sách vở, báo chí. Cho nên cỡ gì thì tôi nhìn Saigon cũng theo kiểu chủ quan của mình cho mà coi. Bởi vì vậy:

Anh phải nói với Saigon mưa nắng
Những tàn me óng ánh cả hoàng hôn
... Anh phải nói với Saigon ngai ngái
Những hương nồng nấn ná chẳng tan đi
Anh sẽ nói với lời anh ảo thệ
Em hay người hồ dễ khó quên nhau
à Anh phải nhắc với Saigon vời vợi
Bởi yêu em nhớ mãi tháng giêng hồng 
- TTSH


THÁNG GIÊNG – MÙA XUÂN – HY VỌNG.

Tháng giêng là tháng dần, gọi là “Tam Dương khai thái “ với quan niệm tam dương đồng hành, sẽ mở ra sự tươi đẹp của vũ trụ và đời sống con người: vì dương khí tràn đầy, vạn vật hồi sinh. Mùa xuân ứng với quẻ Chấn ( sấm ) trong dịch lý, có ý nghĩa rung chuyển, rạo rực; Mùa xuân mang hình ảnh của cỏ cây xanh biếc, hoa lá mơn mởn: thiên nhiên tươi tốt; Mùa xuân là thời điểm âm dương giao hòa và khai mở niềm vui, tình yêu thương. Mầm hy vọng nảy chồi. Niềm lạc quan dâng đầy - Saigon không lạc mất tên - Tên Saigon vẫn tồn tại, vẫn luôn được nhắc nhở trên môi, trong lòng, trong hồn của nhiều, rất nhiều người .

“Địa danh là một cái tên được thành hình không chỉ trong một giờ, một phút, một giây... nào đó, khi có một ông ngồi cao ngất ngưởng đặt bút ký tên vào một tờ văn bản, là xong. Địa danh, nó phải được truyền lưu bằng miệng từ người này sang người khác, từ thời này sang thời khác – Nó là lịch sử, không thể khác – Một con người dù vĩ đại cỡ nào, dù công trạng có vá trời lấp bể, vẫn không nên, không phải khi trở thành một địa danh. Một con đường, một dòng kinh, một tòa tháp, một lăng tẩm à đã là quá đủ - Một thành phố, vượt lên rất nhiều, ngoài công sức của con người, nó còn là một tập hợp nhiều lẽ cao hơn, rộng hơn trong cả một quá trình hình thành. Một cái tên người, dứt khoát không đủ rộng, không đủ sâu để dung chứa nó. Từng cá nhân,không là gì cả, trước sự vĩ đại của nhân loại kéo dài theo lịch sử. Bất cứ gượng ép nào rồi cũng tàn phai, mai một, đó là điều chắc chắn “ – BC

Đi dưới hàng me – hồn hạnh ngộ
Thăm thẳm xanh vào nửa tỉnh, mê 
- TTSH

Saigon dù rất đỗi nắng mưa: chợt mưa, chợt nắng, nhưng Saigon lại đặc biệt chính nhờ Saigon rất bền chặt, thủy chung với hai mùa mưa nắng đó. Dẫu là nắng hay là mưa, người Saigon “lỡ trót đều ưa“, đã buồn vui theo Saigon mưa nắng. Nếu ta còn luôn luôn nhớ nhung, luôn luôn thương yêu, luôn luôn tin tưởng và không bao giờ ngưng hy vọng thì một ngày không xa, trong tương lai gần: Saigon sẽ dựng xây trở lại hình ảnh “Hòn Ngọc Viễn Đông“ - Để ta còn được đi dưới những hàng “mưa me” của Saigon chân tình của nắng trong mưa.


ĐƯỜNG KHÔNG EM ANH ĐẾM BƯỚC NHIỀU HƠN..

Saigon có nhiều truờng đại học ..nhưng có lẽ chỉ Khoa học là ngôi truờng có đường đến thật dễ thương..Trường Y thì con đường Hùng Vương thật đông đúc, truờng Duợc và Nông lâm cùng Đại học xã hội Nhân Văn tức Văn khoa ngày xưa thì đuờng Đinh Tiên Hoàng cũng kha’ đẹp.Riêng Đại học kinh tế tức truờng Luật ngày xưa, đuờng Nguyễn Đình Chiểu có cây cao nhưng nhỏ xiú..Còn đuờng Duy Tân , con đuờng đã đi vào thơ và nhạc nhờ bài hát " Trả lại em yêu " thì tuy nhạc sỹ Phạm Duy ca tụng " con đường Duy Tân cây dài bóng mát " nhưng cũng hơ nhỏ hẹp. Chỉ có đưòng Công Hoà cũ tức Nguyễn Văn Cừ bây giờ dẫn đến ĐH Khoa học là đuờng đẹp nhất trong các đuờng đại học thời trước 75.



Đường rất rộng gồm đuờng chính và hai đuờng nhỏ hai bên dành cho xe đạp..Con đừơng rợp bóng mát của những cây , duờng như gọi là " còng me tây "(??) , cây thấp gốc to, tàn rộng xoè che phủ trông giống như cái lọng của hoàng hậu.

Tôi rất thích đi bộ trên con đuờng này..Nhớ hồi phổ thông thích đi bộ trên đường Bà Huyện Thanh Quan..Những con đường đẹp bao giờ cũng phải có cây cao, bóng mát nhất là có hai hàng me xanh chụm đầu vào nhau thì thật tuyệt và ....đừng có nhiều xe !! 

Bây giờ thành phồ đông đúc hơn xưa, số luợng xe máy tràn ngập nên các con đừơng cũng tràn ngập xe và mất đi rất nhiều vẻ thơ mộng ngày nào..

Có đi bộ để tà áo dài bay trong gío hay nón lá nghiêng vành thì các thi nhân mới có hứng để làm thơ. Còn bây giờ ..tôi bật cuời khi nghĩ rằng, nếu Nguyên Sa về đây nhìn các em phóng xe Dream vù vù, mặc áo dài mà ngồi dạng hai chân, tóc tém hớt cao thì...nhà thơ có viết thơ đuược nữa không nhỉ .

Tôi có một kỷ niệm nhỏ gắn với con đường đại học cuả tôi..Hồi đó tôi chuưa biết đi xe máy nên phải đi xe lam đến truờng . Xe dừng ở đầu bùng binh, đừơng Hồng Thập Tự tức Nguyễn thị Minh Khai bây giờ rồi tôi đi bộ vào Khoa học trên đuường Cộng Hoà... Trứơc khi đến Khoa học, tôi phải đi ngang trừơng Petrus ký tức Lê Hồng Phong bây giờ. Lúc về lại đi ngang Petrus Ký để ra lại đuường HTT đón xe làm về nhà.. Tuy lên đại học nhưng gia đình khó nên vẫn bắt tôi mặc áo dài trắng ôm cặp y như ở phổ thông. Thỉnh thoảng tôi mặc áo dài cũ còn nguyên phù hiệu Gia Long. Khi đi ngang Petrus Ký để đón xe lam ở đầu đường HồngThập Tự về nhà, một anh chàng áo trắng quần xanh mang phù hiệu Petrus Ký đi theo. Tôi nhút nhát không dám nói gì hết mặc cho anh ta độc thoại.. Mà không hiểu sao anh ta gặp tôi mấy lần nhu thế. Toàn là khi tôi đi về nên anh ta hoàn toàn không biết "chị Hai" đã là sinh viên. 

Một lần anh ta "rống lên " : 

Nắng Saigon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.

(thơ Nguyên Sa)

Tôi bật cuời và ứng khẩu :
Lầm nghe em, chị đâu phải Gia Long
Sinh viên đó, xin đừng theo chị nữa
Ráng học đi coi chừng đi quân dịch
Hẹn gặp em trong sân truờng đại học ...năm sau !


Thế là cây si đỏ mặt , không còn đi theo nữa..

Tuổi trẻ nghịch ngợm thật. Nhưng cuộc đời có những cái ngồ ngộ không lý giải đuợc ..Có nguời mới nhìn đã thấy ưa, có nguời gặp hoài thấy phát ghét !

H là một trong cái mặt mới gặp ..mà không ghét. Có lẽ vì tôi là Bắc kỳ nên luôn có cảm tình với dân Bắc kỳ như mình. H đi theo tôi, trêu chọc , cứ tưng tửng, chẳng biết là thật hay giả..

Một lần hắn đưa cho tôi bài thơ dễ thuơng :(cũng không biết thơ của hắn hay là của ai ?)

Đố em biết đuờng đến truờng mấy ngả
Con đuờng nào anh đếm buớc nhiều hơn
Gốc cây nào anh thuờng quen đứng đợi
Nhớ nhung gì khi bóng ngả hoàng hôn ?

Gặp ngay “nữ văn sỡi “Lan Chi.Vậy là đâu có ...thuơng yêu con nguời ta một ly ông cụ nào đâu mà cũng hoạ lại chơi :

Em vẫn biết duờng đến truờng nhiều ngả
Đuờng không em anh đếm buớc nhiều hơn
Gốc me tây anh vẫn thuờng đứng đợi
Nhớ em nhiều khi bóng ngả hoàng hôn !

Đúng không các bạn trẻ ?

Đuờng không em anh đếm buớc nhiều hơn
Hay là bây giờ không còn thơ mộng nhu thời xua nữa ?
Nghĩa làđuờng không em, anh chạy sẽ nhanh hơn ?

ST

HÌNH TƯỢNG MẸ TRONG THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN



Lời thú nhận này cay đắng và buồn biết bao vì nó thật và không có gì thật hơn thế. Trong chúng ta mấy ai không từng gắt mẹ, không từng khó chịu trước sự thương yêu mà chúng ta cho là quá lố của bà trước chốn đông người để sau này khi bà mất, tất cả những lố bịch mà chúng ta mang đến cho bà quay trở lại dày vò chính mình như một tội đồ của lòng thương mến vô biên kia.


Mẹ rồi sẽ qua đời. Thi sĩ làm thơ khóc mẹ. Người đọc chia sẻ niềm rung động ấy có khi bằng nước mắt nhưng chính bà mẹ của chúng ta lại không được gì dù chỉ là một tiếng mẹ ơi….

Mẹ
(Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ)

Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.
Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy – cớ sao lòng hoảng sợ?


NGHE BÀI THƠ QUA GIỌNG NGÂM CỦA TÁC GIẢ


Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật có những câu thơ thật hay về bông hồng, đặc biệt khi những cành hồng này dành để tặng người yêu, ông viết:

“Yêu em anh cứ tặng hoa
Một ngày anh chợt nhận ra điều này
Mẹ già sàng gạo run tay
Anh về hối hận mấy ngày nằm đau…”

Còn Đỗ Trung Quân thì âm thầm hối hận, nhẹ nhàng hơn Nguyễn Hữu Nhật nhưng nỗi đau thì không hề thua kém

Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ – chia lìa – buồn vui – hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?
Hôm nay…
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?
Bài thơ này xin thắp một bình minh
trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
bài thơ như một nụ hồng
Con cài sẵn cho tháng ngày
sẽ tới!


(Nguồn Rfa)




DANH SÁCH BÀI DĂNG TỪ MỚI ĐẾN CŨ

NHẠC SĨ THANH SƠN: ÔNG HOÀNG CỦA NHỮNG TÌNH KHÚC MÙA HÈ
NGHE LẠI CA KHÚC TUYỆT ĐẸP “ANAK – CON YÊU” _VÌ YÊU CON CHA MẸ SẼ CHẲNG TIẾC CẢ CUỘC ĐỜI
CASABLANCA - TÌNH YÊU LỚN MÃI THEO THỜI GIAN
TÌNH MÃI NGU NGƠ _(ときめきはバラード - Takeshi Matsubara) _LỜI VIỆT PHẠM DUY
BAO DUNG HƠN ĐỂ NHẸ LÒNG HƠN NHƯ NHẠC PHẨM “XIN CÒN GỌI TÊN NHAU”
"DELILAH_TÌNH HẬN" MỘT BẢN BALLAD GIẾT NGƯỜI
RU EM TỪNG NGÓN XUÂN NỒNG MỘT NHẠC PHẨM DỄ NGHE, DỄ THẤM, DỄ ĐI VÀO LÒNG NGƯỜI NHƯNG LỜI KHÔNG DỄ LÝ GIẢI
CA KHÚC "KHOẢNH KHẮC TÌM VỀ"
VÌ TÔI LÀ LINH MỤC
MẸ TA TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG (THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN, NHẠC BETA THANH THIÊN TRẦN, TIẾNG HÁT THUỴ LONG)
TUẤN KHANH, CHIẾC VĨ CẦM KHÔNG CÓ TUỔI (NHẠT NHOÀ_TRẦN THÁI HOÀ)
DUYÊN THỀ VÀ DÒNG NHẠC CỦA NHẠC SĨ THANH TRANG
XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ
NHA TRANG NGÀY VỀ
CĂN NHÀ AN ĐÔNG CỦA MẸ TÔI _ Truyện ngắn của nhà Văn Nguyễn Tường Thiết
“MƯA TRÊN BIỂN VẮNG”_BÀI HÁT GẮN BÓ ĐỊNH MỆNH VỚI GIỌNG HÁT CA SĨ NGỌC LAN
ƯỚT MI, CƠN MƯA NHỎ TRÊN TÂM HỒN MONG MANH
GIỚI THIẾU ĐẾN MN MỘT ALBUM NỔI TIẾNG TRƯỚC 1975 ĐƯỢC SẢN XUẤT BỞI NS DUY KHÁNH _"BĂNG NHẠC TRƯỜNG SƠN 3 VỚI CHỦ ĐỀ QUÊ HƯƠNG VÀ NGƯỜI TÌNH"
NHẠC PHẨM “LÒNG NGƯỜI LY HƯƠNG” (“LA COMPLAINTE DES INFIDÈLES” – LỜI VIỆT: HƯƠNG HUYỀN TRINH)
NHẠC SĨ VŨ THÀNH AN VÀ NHỮNG BÀI KHÔNG TÊN _BÀI KHÔNG TÊN SỐ 2
“BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ” (PHẠM DUY & NGỌC CHÁNH) – TÂM HỒN YÊU THƯƠNG LÃNG MẠN ĐA CHIỀU CỦA MỘT CHÀNG TRAI MỚI LỚN
THƯƠNG NHỚ BÓNG XUÂN XƯA _"CÔ LÁI ĐÒ" (THƠ NGUYỄN BÍNH-NHẠC NGUYỄN ĐÌNH PHÚC)
NS HOÀNG NGUYÊN VÀ MỐI TÌNH ÂM NHẠC VỚI THÀNH PHỐ MÙ SƯƠNG _BÀI THƠ HOA ĐÀO (PRE 75)
CÓ MỘT PHẠM DUY CỦA XUÂN CA _KHÚC HÁT THANH XUÂN (LỜI VIỆT PHẠM DUY)
MÙA XUÂN TRONG NHẠC CỦA NGUYỄN VĂN ĐÔNG _LK PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN & NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN
ĐÓN XUÂN NÀY NHỚ XUÂN XƯA _40 NHẠC PHẨM XUÂN XƯA THU ÂM TRƯỚC 1975
TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY (TÁC GIẢ HOÀNG THANH TÂM) _MỐI TÌNH ĐẦU QUA 2 THẾ KỶ
“CHÀNG LÀ AI?” BÀI TÂN NHẠC ĐẦU TIÊN ĐƯỢC GHÉP CHUNG VÀO BẢN VỌNG CỔ, MỞ ĐẦU CHO THỂ LOẠI TÂN CỔ GIAO DUYÊN
"NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ĐỜI" _TƯỞNG NHỚ CS. LỆ THU (16-07-1943 - 15-01-2021)
"GIỌT MƯA TRÊN LÁ" XỨNG ĐÁNG LÀ CA KHÚC TIÊU BIỂU CHO TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG
“KHÚC HÁT THANH XUÂN” BÀI HÁT NGỌT NGÀO CHO MỘT THỜI THANH XUÂN HỒN NHIÊN ĐẦY MỘNG ƯỚC
HƯƠNG GIANG DẠ KHÚC (NGUYỄN HOÀNG ĐÔ) HỒNG NHIÊN
“NÓ” THỜI NÀO CŨNG CÓ – NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI NGÀY NAY (ANH BẰNG – HOÀNG MINH)
NHÀ "CHĂN NHẠC" TÔ VŨ TÁC GIẢ BÀI SỬ CA CÓ TÊN"NHẠC XƯA" VIẾT VỀ HAI BÀ TRƯNG
NHẠC SĨ PHẠM DUY NÓI VỀ CÁCH ĐẶT LỜI VIỆT CHO NHẠC NGOẠI _ALBUM "NHẠC NGOẠI TUYỂN CHỌN LỜI VIỆT PHẠM DUY"
NHỮNG ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ DANH CA THÁI THANH "MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ MỘT NGƯỜI MẸ"
CHỈ CÓ THÁI THANH MỚI CÓ BIỆT TÀI “PHIÊU” CŨNG VỚI NHỮNG CA KHÚC CỦA PHẠM DUY_ALBUM "THÁI THANH (PRE75)-TÌNH CA PHẠM DUY 2"
DANH CA THÁI THANH "TIẾNG HÁT LÊN TRỜI" _ALBUM "THÁI THANH (PRE75)-TÌNH CA PHẠM DUY 1"
"LOVE STORY" BẢN TÌNH CA BẤT HỦ
NHẠC PHÁP LỜI VIỆT _NHỮNG TÌNH KHÚC CỦA ELSA _QUELQUE CHOSE DANS MON COEUR (CHÚT VƯƠNG VẤN TRONG TIM)
NHẠC PHẨM "ELLE ÉTAIT SI JOLIE" (EM ĐẸP NHƯ MƠ) ĐÃ MANG NS ALAIN BARRIÈRE ĐẾN ĐỈNH CAO DANH VỌNG
BĂNG NHẠC SƠN CA 3 _MỪNG GIÁNG SINH _TÌNH YÊU & THANH BÌNH”
HOÀN CẢNH RA ĐỜI CA KHÚC “CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI”
SẦU CHOPIN "TRISTESSE" (LỜI VIỆT PHẠM DUY)
EM VỀ MÙA THU _NGÔ THUỴ MIÊN
MÙA ĐÓN NẮNG _NẮNG THUỶ TINH
“NGHÌN TRÙNG XA CÁCH “ _LỜI TIỄN BIỆT DỊU ÊM CHO MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH 10 NĂM DAI DẲNG CỦA CỐ NS PHẠM DUY
PLAISIR D’AMOUR _TÌNH VUI (MÀ KHÔNG VUI)
“ĐÊM TRAO KỶ NIỆM” CA KHÚC NHẠC VÀNG NỔI TIẾNG NHẤT CỦA CA NHẠC SĨ HÙNG CƯỜNG
DÒNG SÔNG QUÊ CŨ (LA PLAYA )
XUÂN THÌ (PHẠM DUY)
ELLE IMAGINE_MỘT THOÁNG CHIM BAY (LỜI VIỆT KHÚC LAN) tiếng hát NGỌC LAN
ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU VỀ CA KHÚC "GÁNH LÚA" MỘT SÁNG TÁC CỦA NS PHẠM DUY
VÀI NÉT VỀ BÀI HÁT XƯA "ĐÀN CHIM NHỎ" CỦA NS PHẠM DUY
MAI HƯƠNG, ĐÓA HƯƠNG CA BUỔI SỚM
BẾN XUÂN _ ĐÀN CHIM VIỆT

CẢM NHẬN "ĐÊM THU” CA KHÚC ĐẦU TAY CỦA NHẠC SĨ ĐẶNG THẾ PHONG

XIN CHỌN NƠI NÀY LÀM QUÊ HƯƠNG DẪU CHO KHÓ THƯƠNG

MỘT CHÚT GIA VỊ THÊM VÀO NHẠC PHẨM “NGÀY XƯA HOÀNG THỊ” BẤT HỦ CỦA PHẠM THIÊN THƯ–PHẠM DUY
VỀ CA KHÚC “MỘT BÀN TAY” CỦA NHẠC SĨ PHẠM DUY
THƯỞNG THỨC DẠ KHÚC SERENADE BẤT HỦ CỦA NHẠC SĨ THIÊN TÀI FRANZ SCHUBERT
ĐOÀN CHUẨN, TÌNH NGHỆ SĨ _ ĐOÀN CHUẨN-TỪ LINH, VẬY TỪ LINH LÀ AI?
LES FEUILLES MORTES - LÁ ÚA MÃI XANH
PHẠM DUY GIỮA CHÚNG TA (Sài Gòn 06/10/2021 ~ NS TUẤN KHANH)
50 NĂM GIAI THOẠI BÀI "IL EST MORT LE SOLEIL" (NẮNG ĐÃ TẮT)
TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU (THƠ LÊ THỊ Ý_NHẠC PHẠM DUY) JULIE
BOTH SIDES NOW HAI KHÍA CẠNH CUỘC ĐỜI (LỜI VIỆT PHẠM DUY)
BÊN KIA SÔNG (THƠ NGUYỄN NGỌC THẠCH NHẠC NGUYỄN ĐỨC QUANG)
MƠ MÒNG_RÊVERIE - SCHUMANN(LỜI VIỆT PHẠM DUY)-TIẾNG HÁT MAI HƯƠNG
THU SẦU – LỜI TÂM SỰ CỦA MỘT CUỘC TÌNH NGANG TRÁI
NHỚ QUÊ HƯƠNG (PHẠM NGỮ) LỆ THU PRE 75
ADIEU TRISTESSE (Tạm biệt nổi buồn)
NGỤ NGÔN CUỘC ĐỜI _CA KHÚC DONNA DONNA LÀ THÁNH CA CỦA SỰ TỰ DO
ĐỒNG XANH_GREEN FIELDS
RU ĐỜI ĐI NHÉ (TRỊNH CÔNG SƠN) TOÀN NGUYỄN
GIỌT MƯA THU, NHẠC PHẨM CUỐI CÙNG CỦA CỐ NHẠC SĨ ĐẶNG THẾ PHONG
TIẾNG RU NGÀN ĐỜI (VU LAN MUỘN)_LÒNG MẸ
LỜI RU CHO ĐÀ NẲNG (NHẠC NHẬT LỜI VIỆT) KHÁNH LY
BÓNG CẢ _HÃY BAO DUNG NẾU CHA MẸ GIÀ ĐI...
CHIẾC LÁ THU PHAI (TRỊNH CÔNG SƠN)TUẤN NGỌC
CƠN GIÓ THOẢNG (QUỐC DŨNG) NGỌC LAN
ANH CÒN NỢ EM _NỢ MỘT CUỘC TÌNH DANG DỞ, NỢ EM CẢ THANH XUÂN TƯƠI ĐẸP CỦA MỘT THỜI CON GÁI…
LỜI TÌNH BUỒN (VŨ THÀNH AN) VŨ KHANH
BAY ĐI CÁNH CHIM BIỂN
VŨ ĐỨC SAO BIỂN NÓI VỀ “THU, HÁT CHO NGƯỜI”
CÁNH BUỒM XA XƯA (LA PALOMA)
YÊU EM BẰNG CẢ TRÁI TIM (LOVE ME WITH ALL YOUR HEART)
CHUYỆN TÌNH YÊU (HISTOIRE DE UN AMOUR)
CŨNG LÀ TRĂM NĂM _NO EXCUSAS SIN RODEOS
KHÔNG CẦN NÓI YÊU ANH (LỜI VIỆT PHẠM DUY) CA SĨ KIỀU NGA
DỐC MƠ (NGÔ THUỴ MIÊN) KHÁNH HÀ
ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY - NÀNG LÀ AI ?
MAI TÔI ĐI (NHẠC ANH BẰNG, THƠ NGUYÊN SA)
CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI
CA KHÚC VƯỢT THỜI GIAN – “TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY”
HẠT MƯA BUỒN (DIỆU HƯƠNG) TRẦN THÁI HOÀ
NỖI TƯƠNG TƯ NGÀY MƯA THÁNG SÁU...
XA NHẤT VÀ GẦN NHẤT
HÃY LÀ CHÍNH BẠN _HÃY CỨ THẾ......
NĂM THÁNG TĨNH LẶNG, KIẾP NÀY BÌNH YÊN
LÒNG THIỀN, HOA CÚC NỞ
ĐỪNG ĐỢI...
ĐƠN GIẢN ĐẾN MỨC TẬN CÙNG CHÍNH LÀ TRÍ TUỆ (A SIMPLE LIFE IS FULLY HAPPINESS)
HẠNH PHÚC LÀ GÌ?
SỐNG TỬ TẾ...
TRÊN THẾ GIAN...
TRẢI NGHIỆM SỰ TĨNH LẶNG TRONG TÂM HỒN MÌNH
"NHÂN SINH MỘT GIẤC PHÙ VÂN, SỚM CÒN XUÂN SẮC CHIỀU ĐÔNG ĐÃ TÀN" ĐÓ PHẢI CHĂNG CHÍNH LÀ ĐỜI NGƯỜI
CÁI CẦN GẠT NƯỚC
HÃY DUY TRÌ SỰ BẬN RỘN BỞI ĐÓ LÀ LIỀU THUỐC RẺ NHẤT THẾ GIỚI
NHẠC PHẨM “TÌNH LỠ” (NHẠC SĨ THANH BÌNH) – CON ĐƯỜNG MÌNH ĐI SAO CHÔNG GAI…
GIẾT NGƯỜI TRONG MỘNG
NGƯỜI ĐÓNG ĐINH THỜI GIAN
NGÀY HÔM QUA LÀ THẾ
ĐẾN VỚI NHAU LÀ DUYÊN, Ở BÊN NHAU LÀ NỢ,… “HỐI TIẾC” CHÍNH LÀ NỢ DUYÊN ĐÃ HẾT KHIẾN CHÚNG TA PHẢI XA LÌA
HẠNH PHÚC LÀ GÌ?
THI PHẨM “MỘT TIẾNG EM” CỦA THI SĨ ĐINH HÙNG ĐƯỢC NHẠC SĨ NGUYỄN HIỀN PHỔ NHẠC THÀNH THI KHÚC NỔI TIẾNG “MÁI TÓC DẠ HƯƠNG”
HẠNH PHÚC LANG THANG (ANH BẰNG & TRẦN NGỌC SƠN) HỒ HOÀNG YẾN
GỌI EM LÀ ĐOÁ HOA SẦU _THƠ PHẠM THIÊN THƯ _NHẠC PHẠM DUY
BUỒN TÀN THU (CHINH PHỤ KHÚC) – VĂN CAO
MỐI TÌNH XA XƯA (“CÉLÈBRE VALSE DE BRAHMS”)–JOHANNES BRAHMS _NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT – THỜI KỲ LÃNG MẠN
KHI NGƯỜI YÊU TÔI KHÓ– TUYỆT PHẨM TRỮ TÌNH CỦA NHẠC SĨ TRẦN THIỆN THANH
BÀI HÁT “GỌI NGƯỜI YÊU DẤU” – MỐI TÌNH OAN TRÁI Ở XỨ SƯƠNG MÙ ĐÀ LẠT
ĐỘNG HOA VÀNG THƠ PHẠM THIÊN THƯ & NHẠC PHẠM DUY
MỐI TÌNH GIỮA NGƯỜI ĐẸP LÝ LỆ HÀ VÀ CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI LÀ NGUỒN CẢM HỨNG TẠO NÊN BÀI THƠ và BÀI HÁT NỔI TIẾNG "ÁO LỤA HÀ ĐÔNG" ĐÃ HƠN 50 NĂM QUA
THI SĨ CUNG TRẦM TƯỞNG VÀ NHỮNG “CHUYỆN TÌNH PARIS” TRONG THƠ CA – “LÊN XE TIỄN EM ĐI, CHƯA BAO GIỜ BUỒN THẾ…”
BÀI HÁT “GỌI NGƯỜI YÊU DẤU” – MỐI TÌNH OAN TRÁI Ở XỨ SƯƠNG MÙ ĐÀ LẠT
MÔI SON JULIE-MÁI TÓC CHỊ HOÀI NHẠC NHẬT LỜI VIỆT PHẠM DUY
HỌC CÁCH QUÊN
NGÔ THUỴ MIÊN & TỪ CÔNG PHỤNG suốt cả một đời sáng tác cả hai chỉ chung thủy với những bài tình ca
NẮNG XUÂN (SOLENZARA)_BẢN NHẠC NGỢI CA TÌNH QUÊ HƯƠNG
TÌNH QUÊ HƯƠNG _ VIỆT LANG
NHỮNG NĂM CÒN LẠI TRONG CUỘC ĐỜI...
ĐẾN MỘT LÚC
BÓNG HỒNG CỦA NS ĐOÀN CHUẨN VỪA QUA ĐỜI ! _LÁ ĐỔ MUÔN CHIỀU_
BẠN THƯỜNG XUYÊN BỊ STRESS, CĂNG THẲNG MỆT MỎI
CA KHÚC " NGƯỜI YÊU DẤU ƠI" _ MỘT NỖI BUỒN TUYỆT ĐẸP
PHẦN QUAN TRỌNG NHẤT CỦA MỖI NGƯỜI
VÀI DÒNG CẢM NGHỈ VỀ BÀI THƠ VÀ BÀI HÁT "EM HIỀN NHƯ MASOER"
HÃY SỐNG NHƯ BÔNG HỒNG
NS PHẠM DUY VÀ CA KHÚC NHẠC VÀNG "ANH HỞI ANH CỨ VỀ"
MỘT VÀI CẢM NHẬN NHẠC PHẨM "ĐỐ AI" CỦA NS PHẠM DUY
SỐNG CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC VÀ CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC “BÊN NI BÊN NỚ” (CUNG TRẦM TƯỞNG – PHẠM DUY
NGƯỜI VỀ _ PHẠM DUY
DẠ LAI HƯƠNG _ PHẠM DUY
TÔI ĐANG MƠ GIẤC MỘNG DÀI _MỐI TÌNH THƠ NHẠC 10 NĂM CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY và NHÀ THƠ LÊ LAN
NS NGÔ THỤY MIÊN VÀ HOÀN CẢNH SÁNG TÁC NHẠC PHẨM "EM CÒN NHỚ MÙA XUÂN"
ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ_ NGHE BÀI HÁT MẸ TÔI QUA GIỌNG HÁT VÕ HẠ TRÂM
CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC “CẢM ƠN” CỦA NHẠC SĨ NHẬT NGÂN
AI LÊN XỨ HOA ĐÀO_CÕI ĐÀO NGUYÊN MỘT THUỞ CỦA ĐÀ LẠT NGÀY XƯA
TÔI ĐI TÌM LẠI MỘT MÙA XUÂN (ĐOÀN NGUYÊN) LỆ THU
NS PHẠM DUY VÀ CÂU CHUYỆN “TÌNH MẸ DUYÊN CON”
JULIE – TIẾNG HÁT LIÊU TRAI ĐẦY MÊ HOẶC
MẸ và TÔI !
NGUỒN GỐC HOA THẠCH THẢO_MÙA THU CHẾT
VĨNH BIỆT NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG (1937-2020_52 NHẠC PHẨM ĐỂ ĐỜI CỦA NS LAM PHƯƠNG THU ÂM TRƯỚC 75
THA LA XÓM ĐẠO _ NHẠC SĨ DZŨNG CHINH (1941-1969)
BÀI THÁNH CA BUỒN VÀ CUỘC TÌNH DƯỚI MƯA
LIÊN KHÚC BỐN CA KHÚC BẤT HỦ CỦA NS TRƯỜNG SA
THƯƠNG LẮM THÁNG 12_NGƯỜI TÌNH MÙA ĐÔNG
NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ĐỜI
ĐỪNG BỎ EM MỘT MÌNH – NÓI THAY LỜI TÂM SỰ CỦA NGƯỜI DƯỚI MỘ
VĨNH BIỆT DANH CA MAI HƯƠNG (1941-2020) – “VIÊN NGỌC QUÝ” CỦA TÂN NHẠC VIỆT NAM
RỒI MAI TÔI ĐƯA EM
MÙA THU TRONG MƯA
MỘT MAI EM ĐI
XIN CÒN GỌI TÊN NHAU
THU VÀNG, NHỮNG GAM MÀU TÊ TÁI
CHỈ CÒN GẦN EM MỘT GIÂY PHÚT THÔI...
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC CA KHÚC “NGƯỜI ĐI QUA ĐỜI TÔI”_THƠ TRẦN DẠ TỪ NHẠC PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG_THẤT TÌNH CA MUÔN THUỞ
Nhạc Sỹ PHẠM TRỌNG CẦU sáng tác khá nhiều. Nhưng thính giả vẫn nhớ đến ông nhiều nhất qua hai ca khúc “MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI“ và “TRƯỜNG LÀNG TÔI”
GIÀ ĐẦU MÀ CÒN MÊ NHẠC SẾN
HẠT BỤI VO TRÒN TRONG BỤNG MẸ CÚT CÔI_TRẦM TỬ THIÊNG
MƯA NGÂU THÁNG BẢY_NGƯU LANG CHỨC NỮ ĐỢI CHỜ
TRÍCH TỪ BÀI VIẾT CỦA CỐ NỮ CA SỸ QUỲNH GIAO VỀ BÀI HÁT "HOÀI CẢM" CỦA NHẠC SỸ CUNG TIẾN.
NGHE NHẠC BUỒN LÀ ĐỂ TÌM KIẾM NIỀM VUI_THE RHYMTH OF THE RAIN
BÀI HÁT "TRĂNG TÀN TRÊN HÈ PHỐ" HÁT CHO NGƯỜI LÍNH NÀO
Ca sĩ KIM ANH: RƯỢU, MA TÚY và KIẾP CẦM CA
BOLERO CHỢ NỌ_ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ
KINH BỎ MẸ
VỀ NGANG TRƯỜNG LUẬT_TRẢ LẠI EM YÊU
CÓ MỘT HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA MANG DÒNG MÁU ĐẠI VIỆT
CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC "NƯƠNG CHIỀU" CỦA NS PHẠM DUY
PHIẾM: MỘNG SẦU_MƯA TRÊN CÂY SẦU ĐÔNG
SẮC MÔI EM HỒNG_ĐÀN BÀ QUYẾN RŨ VÌ ĐÂU ?
CHUYỆN PHIẾM VỀ ALBUM "TƠ VÀNG 3" NHỮNG TÌNH KHÚC TỪ CÔNG PHỤNG
ĐỜI ĐÁ VÀNG _ MỘT NHẠC PHẨM PHẢI MẤT 27 NĂM MỚI RA MẮT CÔNG CHÚNG
NGỮNG NGÀY THƠ MỘNG
GIAI THOẠI VỀ 3 BÀI THƠ " TRÈO LÊN CÂY BƯỞI HÁI HOA, ... " GẮN VỚI LỘC KHÊ HẦU "ĐÀO DUY TỪ"
NGƯỜI TÌNH LÀ THIÊN TAI
NỖI ĐAU MUỘN MÀNG _ NGÔ THUỴ MIÊN
NẮNG THUỶ TINH
CUỘC ĐỜI ĐÓ CÓ BAO LÂU MÀ HỮNG HỜ
MẸ ƠI, CON ĐÃ VỀ
LADY GREEN SLEEVES _ VAI ÁO MÀU XANH
TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA _ COME BACK TO SORRENTO
SERENATA - CHIỀU TÀ
DÒNG SÔNG XANH-MỘT TRONG SỐ NHỮNG BÀI HÁT LÀM NÊN TÊN TUỔI DANH CA THÁI THANH
THÁI THANH_NGƯỜI ĐÃ ĐI RỒI
LẶNG LẼ NƠI NÀY_MỘT MÌNH ĐI...MỘT MÌNH VỀ... MỘT NGƯỜI CANADA NGHĨ VỀ NGHỆ THUẬT CỦA THÁI THANH (TRÍCH HỒI KÝ PHẠM DUY)
MỘT CÕI ĐI VỀ
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
TIẾNG HÁT THÁI THANH ĐÃ VỀ CHỐN "NGHÌN TRÙNG XA CÁCH"
ALINE-GỌI TÊN NGƯỜI YÊU
CHỈ CHỪNG ĐÓ THÔI
NGUYÊN SA và SỰ THAY ĐỔI CẢM NHẬN THI CA VN
CÁNH BƯỚM VƯỜN XUÂN
DIỄM CỦA NGÀY XƯA
BẢN TÌNH CA CỔ XƯA "SCARBOROUGH FAIR" - ÔI GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA
TÌNH SỬ ROMEO & JULIET- CHUYỆN TÌNH CỦA MỌI THỜI ĐẠI
TUYỆT PHẨM LÃNG MẠNG DÀNH CHO MỐI TÌNH ĐẦU 70 NĂM TRƯỚC _NS LÊ MỘNG NGUYÊN và "TRĂNG MỜ BÊN SUỐI
HẸN HÒ _ PHẠM DUY
PHÚT GIAO THỪA LẶNG LẼ ...
BẾN XUÂN
PHẠM THIÊN THƯ & NGÀY XƯA HOÀNG THỊ
LỆ THU hay "NƯỚC MẮT MÙA THU"
NGHỆ THUẬT VIẾT LỜI VIỆT CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY QUA CA KHÚC CHUYỆN TÌNH (LOVE STORY)
CA KHÚC "SANG NGANG" VÀ MỐI TÌNH TUYỆT VỌNG CỦA NHẠC SỸ ĐỖ LỄ
CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ ĐƯỢC PHỔ NHẠC & HÁT LẦN ĐU TIÊN TẠI PLEIKU NHƯ THẾ NÀO?
NỮA HỒN THƯƠNG ĐAU và BI KỊCH CỦA MỘT GIA ĐÌNH
TẠI SAO KHÔNG GIỮ LỜI HỨA VỚI MẸ TÔI ?
CON ĐƯỜNG TÌNH TA ĐI_ KÝ ỨC CỦA MỘT THỜI
TRÍCH TỪ HỒI KÝ CỦA CA SỸ JULIE
THÀ NHƯ GIỌT MƯA và "NGƯỜI TÊN NHIÊN" từ THƠ đến NHẠC
TÌNH HOÀI HƯƠNG
TẠI SAO NHẠC SỸ PHẠM DUY LẠI BỎ QUÊN CÂY ĐÀN ?
NƯƠNG CHIỀU
NHẠC SỸ DZŨNG CHINH _ TÁC GIẢ NHẠC PHẨM "NHỮNG ĐỒI HOA SIM" CHẾT TRÊN ĐỒI HOA SIM
ĐỜI NGƯỜI NHƯ GIÓ QUA
ĐƯỜNG TRẦN ĐÂU CÓ GÌ
TÌNH CA _ PHẠM DUY
CHO ĐỜI CHÚT ƠN
PHẠM DUY "TẠ ƠN ĐỜI" hay ĐỜI TẠ ƠN PHẠM DUY
THI SỸ PHẠM VĂN BÌNH và MỐI TÌNH KHẮC KHOẢI TRONG NHẠC PHẨM CHUYỆN TÌNH BUỒN
THƠ, NHẠC vả "NGƯỜI TÌNH" CỦA NGUYỄN ĐÌNH TOÀN
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC CA KHÚC "QUÊ NGHÈO" CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY
NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI hay "TÔI XA HÀ NỘI" ?
CHIỀU VỀ TRÊN SÔNG
NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ĐI
ĐI TÌM ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
VẾT THÙ TRÊN LƯNG NGỰA HOANG
ĐI TÌM ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
KIẾP LÁ PHẬN NGƯỜI trong "ĐƯỜNG CHIỀU LÁ RỤNG"
NHẠC SỸ NGỌC CHÁNH _ "BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ"
"CƠN MÊ CHIỀU" của NGUYỄN MINH KHÔI tưởng niệm cuộc thảm sát năm MẬU THÂN, HUẾ
CHỢT THẤY TUỔI GIÀ
MÙA THU trong tình ca Việt
ÔNG TRUMP NÓI GÌ VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VN
12 THÓI QUEN TƯỞNG XẤU NHƯNG HOÁ RA LẠI TỐT
CÁI "VÔ" TRONG TRANH THUỶ MẶC
10 DẤU HIỆU CHỨNG TỎ BẠN HẠNH PHÚC
BUÔNG BỎ PHIỀN NÃO
THÔI KỆ_TRỊNH CÔNG SƠN
GS TRẦN VĂN KHÊ: NGÀI CHƠI VỚI AI MÀ KHÔNG BIẾT MỘT ÁNG VĂN NÀO CỦA NƯỚC VIỆT ?
HAI MẶT CỦA CUÕC ĐỜI
KHI TÔI CHẾT, HỎI CÒN AI GHÉT, AI THƯƠNG?
PHÚT CHIÊM NGHIỆM CUỘC ĐỜI
GÕ CỬA VÔ THƯỜNG
GIÁ TRỊ CỦA SỰ TĨNH LẶNG
HIỂU ĐỜI
5 Cái “Đừng” Của Cuộc Đời
Bao dung càng lớn hạnh phúc càng nhiều
CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ TÌNH CHA
KIẾP NGƯỜI
CUỘC ĐỜI CỦA MẸ
CUỘC ĐỜI MỘT CHIẾC LÁ
TÌM ĐƯỢC NGƯỜI THẤU HIỂU MÌNH MỚI THỰC LÀ NIỀM VUI LỚN NHẤT
CHỢT THẤY TUỔI GIÀ
NHỮNG BỨC ẢNH THÀNH PHỐ TRONG MÀN MƯA CỦA NHIẾP ẢNH GIA EDUARD GORDEEV
BUDDHIST ADVICE ON ANGER
KỲ HUYỆT GIÚP PHỤC HỒI THỊ LỰC
MỐI TÌNH TÔM KHÔ CỦ KIỆU
05 CÁI PHÚC LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI
NHÌN THẤU NỘI TÂM MỘT NGƯỜI KHÔNG PHẢI ĐIỀU QUÁ KHÓ
CHIẾC ÁO SẦU HAI VẠT" TRONG NHỮNG KHÚC TÌNH CA
Hãy Đọc Khi Bạn Đang Cảm Thấy Chán Nản Về Cuộc Sống
LỜI XIN LỖI
NHỚ ĐẤY, CÁI CUỘC ĐỜI NÀY
Nước mía Viễn Đông (góc Lê Lợi - Pasteur) Sài Gòn xưa trước 75
NƯỚC CHANH CHUYÊN GIA GIẾT TẾ BÀO UNG THƯ
QUÁN TRỌ TRẦN GIAN
TRỜI MƯA NHƯ BÀI CA
TRONG DÒNG ĐỜI TRÔI CHẢY, KẺ ĐẾN NGƯỜI ĐI ĐỀU LÀ CÓ NGUYÊN DO CẢ...
HẠT BỤI NÀO HOÁ KIẾP THÂN TÔI...
TRÊN TRỜI MỘT VÌ SAO, DƯỚI ĐẤT MỘT CON NGƯỜI...
THƯỜNG KHIÊM TỐN, BẬC ĐẠI THIỆN GIẢ ẮT KHOAN DUNG
NẾU NHƯ TRONG LÒNG MỆT MỎI, HÃY THỬ NHÌN ĐỜI TỪ HƯỚNG KHÁC
NHẠC SĨ SONG NGỌC VÀ MỘT ĐỜI SÁNG TÁC
MẸO KHI BỊ ONG CHÍCH
CHUYỆN Ở ĐỜI…
ĐỂ QUÊN BÀI HỌC
CHA MẸ LÀ NHẤT TRÊN ĐỜI
MỘT CHÚT LAN MAN
EM CÓ BAO GIỜ ĐỨNG NGẮM MÙA ĐÔNG
CÂU CHUYỆN ĐÊM BA MƯƠI
ĐÀ LẠT NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM
MƯỜI THỨ DÙ CÓ GIA TÀI BẠC TRIỆU CŨNG KHÔNG MUA ĐƯỢC
3 QUÊN, 4 CÓ, 5 KHÔNG
CHÉN THUỐC ĐỘC CỦA SOCRATES
NHẪN & NHỊN
Thông minh không phải yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công, mà Chìa khóa của sự thành công là “ý chí”
Đời người là một loại lựa chọn, cũng là một loại buông bỏ
NHỮNG NGƯỜI BẠN GẶP TRÊN ĐƯỜNG
NHỚ MỘT THỜI XÍCH LÔ MÁY TẠI SÀI GÒN
XE ĐIỆN SÀI GÒN XƯA
CƠM THỐ SÀI GÒN XƯA
CÔ GÁI ĐÁNH CỌP NGAY LỄ KHAI THỊ CHỢ BẾN THÀNH 1914
HÃY NHẸ NHÀNG
XIN MỜI CÁC BÁC MUA CHIM NHÉ
CẢM XÚC NGÀY CUỐI NĂM
NHỮNG CÂY BONSAI BIẾT BAY LƠ LỬNG Ở NHẬT
ĐƠN GIẢN ĐẾN MỨC TẬN CÙNG CHÍNH LÀ TRÍ TUỆ
SỐNG HẠNH PHÚC HAY KHÔNG LÀ TUỲ TÂM MÌNH QUYẾT ĐỊNH
THƯ BA GỬI CON GÁI YÊU NGÀY VỀ NHÀ CHỒNG
BÂNG KHUÂNG CHIỀU CUỐI NĂM
LY RƯỢU CHIỀU CUỐI NĂM
TẢN MẠN CHIỀU CUỐI NĂM
LỜI CHÚC ĐẦU NĂM
TẠI SAO CÁC CỤ LẠI GỌI LÀ "TẾT NHẤT
TẾT NGUYÊN TIÊU TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT
MÙI TẾT
CHIẾC CẶP ĐEN CỦA TỔNG THỐNG MỸ
THƠ CHÚC TẾT NƠI ĐẤT KHÁCH XUÂN CON KHỈ 2016
CHÚT TẢN MẠN ĐẦU NĂM BÍNH THÂN 2016
ĐẠP TUYẾT TẦM MAI
07 BÀI HỌC SÂU SẮC GIÚP BẠN CÓ CUỘC SỐNG ÍT BUỒN PHIỀN HƠN
MƯA RÀO VÀ MƯA BỤI
Cách cứu người tai biến mạch máu não bình phục tức khắc
LÀ AI KHÔNG QUAN TRỌNG, QUAN TRỌNG LÀ Ở CẠNH AI
MỘT CÁI ÔM MỖI NGÀY
DEAD MAN'S SUITCASE
SÀIGÒN DĨ VÃNG VÀ SÀIGÒN BOLSA
THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT KHÔNG CÓ ĐÈN XANH ĐÈN ĐỎ
NGƯỜI PHỤ NỮ CHÍNH LÀ PHONG THỦY TUYỆT VỜI CHO NGÔI NHÀ
NHỚ CÀ PHÊ NĂM CŨ
VẺ ĐẸP TRẦM MẶC CỔ KÍNH CỦA NHỮNG CÂY CẦU KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI
TỰ NGUYỆN
THÀNH THẬT
ĐẠO NGHĨA VỢ CHỒNG _ BÀN TAY NẮM LẤY BÀN TAY
KHÔNG CÓ THỜI GIAN_NO TIME
ĐỪNG ĐỂ TRÁI TIM BỊ ĐÁNH MẤT
KHOE KHOANG CÁI GÌ THÌ SẼ MẤT CÁI ĐÓ
CHA ĐẺ RẠP HÁT HƯNG ĐẠO
NHỮNG CÔNG TRÌNH TUYỆT VỜI BÊN BỜ SÔNG SEINE CỦA PARIS
9 ĐIỀU ĐỂ THẤY CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG
FLOWERS IN SNOW_HOA TUYẾT
AUD LANG SYNE_MỘT CA KHÚC DÙNG ĐỂ TIỄN ĐƯA NĂM CŨ VÀ ĐÓN CHÀO NĂM NỚI
LẠC LỐI GIỮA NHỮNG CON ĐƯỜNG NHỎ VÀ NHỮNG GÓC PHỐ BÌNH YÊN
BỨC TRANH KHÔNG CÓ MẮT
SUÝT NỮA BÀI THƠ "HAI SẮC HOA TIGÔN" ĐÃ CHÁY THÀNH TRO !
NIỀM VUI & NỔI BUỒN
CÓ TIỀN MUA NHÀ ĐẸP NHƯNG...
LẮNG NGHE
GIẤC MƠ ÁO TRẮNG
CÁ ĐÙ MỘT NẮNG BUÔNG ĐŨA CÒN THÈM
THƯỞNG THỨC VỊ BÉO BÙI DĨA ĐUÔNG ĐẤT NÓNG HỔI TRÀ VINH
Thơm hương lá mướp gói xương vịt bằm
BẬN
ẤM ÁP LÀ KHI...
MỘT CÕI ĐI VỀ
MỘT NGÀY KHÔNG VỘI VÃ
CÂU CHUYỆN VỀ ĐẠI HỌC STANFORD
BABYSITTING_GIỮ TRẺ Ở MỸ
CON CÁ TRÀU BƠI TỪ SÂU LÊN CẠN
SINH RA LÀ NGUYÊN BẢN ...
VỢ, NGƯỜI TÌNH & HỒNG NHAN TRI KỶ
MỘT CHÚT LAN MAN NGẪM LẠI "CÁI SỰ ĐỜI"
HỌA SĨ ĐINH CƯỜNG… KHÔNG CÒN VỚI CHÚNG TA NỮA
CÀN KHÔN ƠI XIN RÓT RƯỢU GIÙM NGAY
CÓ HỀ CHI VÀNG CHÚT RONG RÊU
CHO VÀ ...CHO
CHỢT THẤY TUỔI GIÀ
Đủ nắng hoa sẽ nở_Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy
OH! NHÌN GÌ MÀ KINH THẾ
VAI DIỄN CUỐI CÙNG
KHÔNG CÓ GIÁ TIỀN CHO TÌNH YÊU
HÃY QUÊN ĐI 3 THỨ TRONG ĐỜI
Sự khác biệt giữa tiền xu và tiền giấy
TRANH CÃI VỚI KẺ NGỐC...
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
ĐỜI NGƯỜI NHƯ GIÓ QUA
LÀM SAO ĐỂ PHA ĐƯỢC CHÉN TRÀ NGON?
RẤT GẦN & RẤT XA
NHỮNG CHỐN BÌNH YÊN NHẤT XỨ HÀN
NHỮNG CÂU THƠ HAY VỀ BÔNG HỒNG
MẸ _ THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN
MỰC MỘT NẮNG PHAN THIẾT
KỶ NIỆM _ HẠNH PHÚC HAY VẾT THƯƠNG
TRẦM TỬ THIÊNG_MỘT ĐỜI "TƯỞNG NIỆM"
KHÚC LUÂN VŨ MÙA ĐÔNG
MÙA GIÁNG SINH Ở SAN ANTONIO
MÓN NỘM 3 MIỀN_(GỎI 3 MIỀN)
HẤP DẪN HƯƠNG VỊ THỊT CỪU NƯỚNG NINH THUẬN
GÓC PHỐ DỊU DÀNG
SYLVIE VARTAN, 40 NĂM TÌNH KHÚC NICOLAS
3 NHẠC SĨ NỔI TIẾNG CÙNG SAY ĐẮM MỘT NÀNG TIÊN _CHUYỆN TÌNH NHẠC SĨ NGUYỄN THIỆN TƠ TÁC GIẢ CA KHÚC "GIÁO ĐƯỜNG IM BÓNG"
HÃY SỐNG CUỘC SỐNG CỦA MÌNH VÀ QUÊN ĐI TUỔI TÁC
BÀI THÁNH CA BUỒN VÀ CUỘC TÌNH DƯỚI MƯA
CẢNH THẦN TIÊN PHẢN CHIẾU TRÊN MẶT NƯỚC
BỘ ẢNH THẦN THOẠI CỦA NHIẾP ẢNH GIA CARLOS IONUT
CÁ LINH_ĐẶC SẢN MIỀN TÂY MÙA NƯỚC NỔI
SỐNG TỬ TẾ
SAI LẦM KHI TỨC GIẬN
CHI RỒI CŨNG QUA
KHE NỨT TRÁI ĐẤT BIẾN THÀNH HỒ NƯỚC TUYỆT ĐẸP_HỒ BAIKAL
NHỚ CON CÁ HỐ THÁNG GIÊNG
TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY
MỖI PHÚT GIẬN DỮ
KHI VIỆT NAM MÌNH KHÔNG CÒN ĐẸP TRONG MẮT BẠN BÈ THẾ GIỚI...
6 VIỆC KHÔNG NÊN LÀM
THƯƠNG LẮM THÁNG 12
SỰ IM LẶNG NGỌT NGÀO
NHỮNG SẮC MÀU CUỘC SỐNG
ĐÔI ĐIỀU VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG BÀI THƠ "MẮT BUỒN" CỦA NHÀ THƠ BÙI GIÁNG
TIẾNG VIỆT DỄ THƯƠNG QUÁ
NẾU ĐỐI DIỆN VỚI THỬ THÁCH
GIẾT THỜI GIAN
TÀI SẢN QUÍ GIÁ NHẤT CỦA CON NGƯỜI
CHỈ MỘT CHÚT THÔI MÀ!
NGUỒN GỐC BÀI " KÈN MẶC NIỆM TỬ SĨ HOA KỲ"
NHỮNG NGÔI VƯỜN VÀ CÁNH ĐỒNG ĐẦY SẮC MÀU
THE POWER OF HUGS (SỨC MẠNH CỦA NHỮNG CÁI ÔM)
NHỮNG CÂU TRẢ LỜI CỦA NỮ TÀI TỬ AUDREY HEPBURN KHI ĐƯỢC HỎI VỀ BÍ QUYẾT LÀM ĐẸP CỦA BÀ
NHIẾP ẢNH GIA DANIELA BABIC ĐÃ CHỤP ẢNH CON TRAI 10 THÁNG TUỔI CỦA MÌNH CÙNG VỚI CÁC CON VẬT
ĐỪNG CHỜ ...
TRÊN THẾ GIAN NÀY...
NGÀY HÔM QUA LÀ THẾ
KHÚC HÁT CHIỀU MƯA NĂM CŨ “BÂNG KHUÂNG CHIỀU NỘI TRÚ”
MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH… ĐỂ RA ĐỜI NHẠC PHẨM BẤT HỦ "nắng chiều"
TÉP BẠC MIỀN TÂY NAM BỘ