Khi tâm hồn ta còn ngổn ngang bao mối lo lắng, giận hờn, nghi ngờ, sợ hãi… thì làm sao ta có thể bình an và hạnh phúc được? Thời gian qua ta cứ hì hục đi tìm cái gọi là đảm bảo cho một đời sống an toàn và hạnh phúc cho chính ta và người ta thương, thì hãy nhìn kỹ lại xem con đường ta đang đi thành công hay thất bại? Mỗi ngày liên hệ giữa ta và người kia ngày một xa cách. Vì bận rộn với biết bao dự án, kế hoạch nên ta thưa thớt dần trong những bửa cơm gia đình và những buổi chuyện trò để tìm thêm sự cảm thông và chấp nhận. Vì căng thẳng và mệt mỏi với công việc mà ta đã vung vãi không biết bao nhiêu rác rến qua lời nói và hành động bất cẩn của mình. Những thứ rác rến đó tồn đọng trong chính ta và cả người thân yêu của ta mà ta không hề hay biết. Đến khi nó trở thành một nguồn năng lượng độc hại thì công năng của nó không chỉ lấn áp hết khả năng hoạt động của những phẩm chất tích cực vốn có trong ta, mà nó còn chiếm cứ hết phần nhận thức sáng tỏ của ta, khiến ta không còn tự chủ được nữa. Dần dần ta bỗng thấy mình và người kia sao có quá nhiều xung khắc mà phần lớn ta đều cho rằng lỗi tại người kia có quá nhiều hạn chế, trong khi chính nhận thức về giá trị đời sống đã thúc đẩy ta sẵn sàng đổi chác những năng lượng mạnh mẽ trong tâm hồn. Nói đúng hơn là tinh thần của ta trở nên bạt nhược, dễ buồn dễ giận, mà nguyên nhân sâu xa chính vì ta luôn ở trong tình trạng đói kém sự chấp nhận và kính trọng của người khác, như để bù đắp cho những tổn thất trong ta khi tranh chấp vật vã với cuộc đời. Nếu bên kia vững vàng thì vẫn có thể ôm ấp ta một cách không khó khăn gì, nhưng lỡ người thương của ta cũng trong tình trạng yếu kém như ta thì làm sao thiết lập được một liên hệ cân bằng và ổn định? Vấn đề không phải do cả hai thiếu khả năng sống hạnh phúc với nhau, mà chính những thứ năng lượng tiêu cực đã che khuất khả năng đó, làm cho mỗi người không biểu hiện được sự hay ho và đẹp đẽ của mình nữa, trong mắt người kia bấy giờ ta chỉ là một con người giận dữ, độc đoán hay nhỏ mọn mà thôi. Vậy ta có nên cùng ngồi lại để giúp nhau lấy những thứ rác rến độc hại đó ra? Bước vào năm mới trong tinh thần tráng kiện vì đã thu dọn hết những năng lượng tiêu cực thì chắc chắn ta và người kia đều sẽ có nhiều cảm hứng để thiết kế một đời sống có hòa điệu và hạnh phúc hơn. Phương pháp mà ta có thể sử dụng hiệu quả nhất là phương pháp làm mới. Làm mới là cơ hội để nhìn lại và tháo gỡ những khúc mắc mà ta và người kia đã lầm lỡ gây ra trong quá khứ. Làm mới có khác với đổi mới là ta không cần phải bỏ hết những cái cũ hay con người cũ mà đi tìm những cái mới hay con người mới. Làm mới là khơi dậy cái hay cái đẹp trong một cá thể hay một liên hệ đang bị năng lượng xấu che phủ, mà bản chất vẫn còn nguyên vẹn. Điều kiện căn bản của phương pháp này là phải có lòng thành khẩn và ý chí thực tập để thay đổi được tình trạng. Ta có thể làm mới giữa hai người, nhưng phải có hẹn trước bằng cách mời trực tiếp hay qua một thiệp báo tin. Nếu thấy tình trạng hơi khó khăn thì nên mời thêm một người mà cả hai bên đều thương kính và tin cậy. Đừng mời người chỉ đứng về phe ta để sẵn sàng bênh vực cho ta thì sẽ gây thêm ngăn cách hay đổ vỡ. Tùy trường hợp mà ta cũng có thể thực tập làm mới trước cả gia đình hay đoàn thể để cần thêm sự soi sáng và yểm trợ của nhiều cái thấy từ những thành viên, dù đó là những người có tuổi tác hay chức phận nhỏ hơn ta. Như vậy buổi làm mới sẽ dễ đạt hiệu quả hơn. Buổi làm mới nên diễn ra trong không khí thật nhẹ nhàng, lắng đọng, vì vậy phải được báo trước vài ngày để hai bên chuẩn bị tốt cho phần có mặt trọn vẹn của mình. Nếu ta thấy năng lượng của mình hôm nay yếu kém hay người kia chưa sẵn sàng lắng nghe thì xin dời buổi làm mới sang hôm khác. Đừng vì nôn nóng giải quyết cho xong vấn đề mà ta làm cho tình trạng càng thêm tồi tệ. Ta cũng cần thiết kế buổi làm mới cho thật ấm cúng để tạo thêm năng lượng cho chính ta và đối tượng muốn lắng nghe ta. Nên tắt ti vi và cả điện thoại để dành trọn tinh thần cho buổi làm mới. Đừng sử dụng làm mới tùy tiện trên xe hơi hay những chỗ thiếu sự sắp đặt trang nghiêm và không thể đối diện với nhau thì sẽ không đạt được phẩm chất. Nên cắm thêm một bình hoa tươi thắm để biểu tượng cho ước mong kết quả sau khi làm mới hai bên sẽ được tràn đầy sức sống và thơm ngát như những đóa hoa. Nếu là buổi tối thì ta hãy thắp thêm vài ngọn nến cho căn phòng thêm phần ấm cúng. Trong suốt quá trình làm mới, người nói và người nghe đều phải sử dụng một cách vững vàng về nghệ thuật lắng nghe và ái ngữ. Trường hợp có thêm người yểm trợ thì phải tôn trọng qui ước chung, chỉ khi nào được mời thì ta mới mở lời.
Sau đây là quá trình làm mới:
1. Tưới hoa: Ta nên nhắc đến những điểm tích cực và dễ thương của người mà ta đang có khúc mắc và muốn làm mới, để cho người đó có thêm đức tin nơi bản thân và mát dịu tâm hồn vì cảm nhận được lòng quý trọng cũng như thiện chí của ta, chứ không phải là hành động lên án hay chỉ trích. Thí dụ: Thưa anh, em rất tự hào và hạnh phúc vì có được một người chồng giỏi giắn như anh. Anh không chỉ tài giỏi trong công việc, mà một tay anh đã gầy dựng nên mái ấm gia đình của chúng ta. Em còn nhớ như in những ngày chúng ta mới cưới nhau, cả hai đứa đều từ hai bàn tay trắng. Nhưng chưa bao giờ anh để cho em sống trong tình trạng túng thiếu, em muốn học thêm hay cần sắm sửa cái gì anh cũng nhiệt tình ủng hộ, dù có khi anh phải chật vật với đồng lương kém cỏi của mình. Rồi khi có được cơ ngơi ổn định, con chúng ta ra đời, mẹ con em luôn sống trong sự đùm bọc hết lòng hết dạ của anh. Bất cứ em cần gì thì anh cũng cố gắng giúp đỡ. Thực sự em không biết dùng lời lẽ nào để nói hết lòng biết ơn của em đối với anh.
2. Nhìn lại mình: Tự nhận trong thời gian qua đời sống tinh thần có nhiều xáo trộn và xuống dốc. Ta đã để cho những căng thẳng, lo lắng, muộn phiền lấy đi quá nhiều năng lượng, nên lắm lúc ta cũng không kiểm soát hết những lời nói và hành động vụng về của mình, làm cho người khác buồn lòng mà không hay biết. Thí dụ: Thưa anh, trước khi nói lên những khúc mắc trong lòng thì em cũng xin tự nhìn lại bản thân mình. Quả thật là em có nhiều thay đổi bất chợt trong cách nói năng và cử chỉ. Em thường gọi điện thăm dò và buông ra những lời hờn dỗi vào những lúc anh đang rất bận rộn với công việc. Khi anh hỏi em có khó khăn gì cần chia sẻ thì em gạt ngang mà không giải thích một lời. Vì giận anh nhiều lần lỗi hẹn cơm chiều, nên có khi em cũng muốn bỏ mặt anh vào những ngày cuối tuần, kiếm cớ về bên nhà mẹ để cho anh tự nấu nướng. Đó là những sai sót của em.
3. Nói lên khúc mắc: Nói cho người kia biết về niềm đau đã quấn chặt tâm ta trong những ngày qua, vì người kia đã buông ra lời nói hay cử chỉ nào đó thiếu ý thức. Ta cũng nên nói thêm là do sự thực tập đời sống tinh thần chưa được vững chãi nên ta còn dễ bị giận hờn khống chế, mong người kia hãy yểm trợ ta bằng cách đừng nói hay đừng làm như thế nữa. Thí dụ: Thưa anh, thực sự em rất yêu thương và tin tưởng nơi anh, nhưng vì cách hành xử của anh trong những ngày gần đây đã khiến cho tình thương trong em bị suy tổn, niềm tin trong em cũng bị xói mòn theo. Điển hình như vào đầu tháng trước trong khi bất hòa vì tranh cãi nhau, nửa đêm anh lại đến ngủ nhờ ở nhà người bạn, làm gia đình anh nghĩ em đã lấn lướt chồng mà kêu rêu khắp họ tộc. Cách đây hai tuần, em gọi để hỏi ý kiến anh về việc học hành của con thì anh lại quát tháo ầm ĩ, không cho em giải thích tận tường rồi cúp ngang điện thoại. Đêm thứ bảy tuần rồi, anh lại mắng em vụng về thiếu trách nhiệm trước mặt bạn bè đồng nghiệp của anh chỉ vì em để con chơi té cầu thang, trong khi em bận túi bụi để lo bửa cơm tối theo đầy đủ thực đơn cho buổi tiệc của anh… Không hiểu vì vô tình hay cố ý mà anh đã làm cho em có cảm tưởng như là anh không còn yêu thương em nữa, vì trước kia anh đâu có như vậy. Hãy giúp em bằng cách nói cho em biết nguyên do đi anh. Em rất cần anh nâng đỡ cho em ổn định trở lại.
4. Thực tập lắng nghe: Khi nghe người kia nói xong, nếu ta nghĩ người kia bị vướng vào nhận thức sai lầm nên đã tự làm khổ mình, chứ ta không hề có ý làm cho người kia khổ. Dù vậy ta cũng không nên đính chính ngay lúc ấy để buổi làm mới không trở thành buổi tranh chấp. Ta chỉ nên theo dõi và điều phục dòng cảm xúc, thực tập lắng nghe sâu với lòng thương yêu rộng mở để cảm nhận được nỗi khổ tâm của người kia. Ta ghi nhận những điều người đó nói và hứa sẽ nhìn kỹ lại những gì đã xảy ra. Sau đó hãy tìm cơ hội giúp cho người đó thấy được nhận thức sai lầm của họ. Bất cứ lúc nào ta thực sự thấy mình đã có những vụng về hoặc những lầm lỡ với người kia thì phải lập tức gọi điện thoại, hoặc viết thư, hoặc tốt nhất là đến gặp người đó xin lỗi và hứa sẽ sống cẩn thận và sâu sắc hơn trong những ngày tới. Thí dụ: Em yêu dấu, anh rất biết ơn em đã nói ra hết những khó khăn em đã chịu đựng trong thời gian qua mà anh không hề hay biết. Nhưng anh rất mừng vì thấy lòng em giờ đây đã vơi đi phần nào phiền muộn, và anh cũng thấy yên tâm vì biết được những suy nghĩ của em về anh. Bởi hai chúng ta luôn tương tức với nhau, hễ em khổ là anh cũng sẽ khổ. Anh hứa với em anh sẽ nhìn kỹ lại những gì mà em vừa nêu ra, nội trong ba ngày nữa anh sẽ trả lời với em, nhưng có một điều anh tin chắc rằng tình cảm của anh giành cho em xưa nay chưa bao giờ suy giảm. Nếu mỗi tuần hay mỗi nửa tháng mà ta có một buổi làm mới để lấy ra những rác rến như vậy thì chắc chắn đời sống liên hệ sẽ luôn vững vàng và đi tới. Ta đừng coi thường những thiếu sót nhỏ nhặt, tích tụ lâu ngày nó cũng trở thành những đống rác khổng lồ, nếu ta không chịu thu dọn thì sớm muộn gì nó cũng sẽ bùng nổ thành những trận cuồng phong tan tác. Nhiều khi thấy người kia sao bỗng dưng giận dữ đến như vậy, ta đâu biết rằng trong tâm thức họ đã tràn lấp những khúc mắc khổ đau mà chưa từng được tháo gỡ. Đời sống còn kẹt vào lãng quên thì rác rến sẽ vẫn còn rơi rớt, vậy ta phải cố gắng học tập lối sống trong tỉnh thức và cách xử lý những rác rến thường xuyên. Đừng đợi đến khi sự cố xảy ra mới chịu thu dọn thì sẽ không đủ sức, vì có những loại phiền não một khi đã thắt chặt trong tâm thì nó sẽ làm cho cả vùng đất tâm bị nhiễm độc, triệu chứng ưng thư đột biến trong tâm hồn như trầm cảm, khủng hoảng, tâm thần… sẽ phát khởi dễ dàng. Cho nên chăm sóc vườn tâm là trách nhiệm của mỗi người, nếu mình không đủ sức thì hãy nhờ bên kia giúp đỡ, nếu bên kia vướng kẹt thì mình phải có trách nhiệm soi sáng và tháo gỡ. Chỉ cần có tình thương chân thật thì ta sẽ vượt qua bức tường của sự tự ái hay cả nễ để tích cực chăm sóc lại khu vườn tâm quý báu của ta và cả người thân thương. Khi vườn tâm của ta hay của người kia nở hoa kết trái thì cả hai đều được thừa hưởng, bởi vì hạnh phúc không bao giờ là vấn đề của cá nhân.
" Bao khổ đau chồng chất
Do nhận thức sai lầm
Làm mới lòng thanh thản
Chưa khuyết một vầng trăng "
Minh Niệm