Nhạc sĩ Trường Sa đã một lần thổ lộ: “Viết một ca khúc, trước hết mình đã phần nào là một người làm thơ và mình cũng phải có một giác quan rất bén nhạy mới có thể tạo ra được những chuỗi âm thanh hài hòa để người nghe cùng rung động với tâm tư của mình. Vì vậy trong âm nhạc tôi cũng không thể không nhìn nhận đây là nhu cầu vô cùng cần thiết cho đời sống tinh thần”.
- Những tác phẩm có lời ca từ như thơ mà ông đã sáng tác trong một số ca khúc về tình yêu. Trong đó ca khúc Rồi Mai Tôi Đưa Em là một bài thơ tình trầm buồn đắm đuối, mà tác giả đã tự phổ lên thơ mình những giai điệu đã đi vào lòng người từ hơn nửa thế kỷ trước. Đây là ca khúc nhạc tình đầu tiên của Trường Sa (trước đó ông đã nổi tiếng với các ca khúc nhạc vàng đại chúng như Chuyện Người Đan Áo, Hành Trang Giã Từ…). Ông đã phải mất đến thời gian 2 năm mới hoàn thành tác phẩm này: "Rồi mai tôi đưa em xa kỷ niệm.
- Vì nhạc cũng là thơ nên những câu từ đều chắt lọc và mênh mang một nét buồn trầm lắng, không bi lụy oán than sướt mướt thường tình, trái lại gột hết tấm lòng yêu thương chân thành được tác giả giải bày bằng ngôn ngữ của thơ: man mác nhẹ nhàng u buồn mà niềm đau nhớ nhung như chỉ dành riêng phần mình làm người ở lại.
"Rồi mai tôi đưa em xa kỷ niệm.
Xin lời cuối không dối gian trong mắt em.
Tình yêu cho thương đau nghe buồn thêm.
Gác vắng mưa gợi niềm chăn chiếu."
“Xin lời cuối không dối gian trong mắt em” – Mở đầu ca khúc bằng câu thiết tha chùng lòng khi mai này tôi “đưa em xa kỷ niệm”. Ca từ của Trường Sa không bóng bẩy cao xa, nhưng được gạn lọc từ một tình yêu thi vị sâu xa, thấm đẫm chân tình của trái tim hướng thượng tất nhiên sẵn có trong tâm hồn nghệ sĩ.
“Tình yêu cho thương đau nghe buồn thêm. Gác vắng mưa gợi niềm chăn chiếu” – Những lời lẽ tưởng như là mộc mạc, mà nghe nhiều lần mới thấm được nỗi thương đau trong nỗi buồn của kẻ ở lại âm thầm tiễn biệt người yêu về miền cách trở muôn trùng, mới cảm được cách dùng từ gọn gàng mà điêu luyện của một nhà thơ nhạc sĩ đã gây ấn tượng và cảm xúc cho người đọc người nghe
"Còn đây không gian xưa quen gót lầy.
Bên hè phố cây lá thưa chim đã bay.
Ngồi nghe yêu thương đi xa tầm tay.
Giữa tiếng ru trầm vào cơn mê này."
Khi tiễn em rời xa, chỉ còn lại một mình tôi với không gian xưa đã từng quen với bao kỷ niệm. Bóng hồng đã khuất rồi thì nơi chốn thiên đường hẹn hò ngày ấy trở thành khô cằn sa mạc hoang vu. Cây lá thớt thưa màu xanh dấu ái và cánh chim đã vút bay vì “lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Vạn vật đối với mọi người thì vẫn thế thôi nhưng riêng đối với một người thì vắng em là vắng cả thế giới hoa mộng, khi một mình tôi “ngồi nghe yêu thương xa tầm tay” và “giữa tiếng ru trầm vào cơn mê này”, chỉ có người nhạc sĩ mới lắng nghe được tiếng “ru trầm” và Trường Sa đã đưa cảm nhận nhạy bén của giác quan lạ thường ấy vào tác phẩm. Đó là ưu điểm khác thường của mỗi rất riêng của tác giả tài hoa làm nên tên tuổi của mình.
"Chiều xưa em qua đây ru hồn nắng ngủ say
lời yêu trót đong đầy.
Đón em Thu mây bay tiễn em Xuân chưa phai
xót ngày vàng còn gì?
Đành đoạn rồi những lần chiều hẹn ước…"
“Chiều xưa em qua đây ru hồn nắng ngủ say” là câu được muôn triệu người nhớ và hát trong suốt 50 năm qua, vì lời nhạc hay như lời thơ. Nhạc sĩ Trường Sa trong phút xuất thần đã chỉ một câu thôi mà nói giùm cho bao người về chiều xưa kỷ niệm em mang cả trời thơ qua đây. Nhạc sĩ cũng đã bày tỏ rằng ông thích khúc nhạc này trong bài này nhất. Cũng dễ hiểu thôi vì tất cả thính giả phần nhiều ai cũng thích khổ nhạc tình quá nên thơ này, đầy diễm tình và cũng đầy xót xa cho tình yêu trắc trở để rồi: “Đón em Thu mây bay tiễn em Xuân chưa phai xót ngày vàng còn gì?”
Và “Đành đoạn rồi những lần chiều hẹn ước…”, nhạc sĩ rất tài hoa khi đã dùng cặp từ “đành đoạn” rất thương tâm, rất thâm trầm để càng thêm xót đau cho “những lần chiều hẹn ước” từ nay không còn ai đón ai đưa
Đi đôi với ca từ rất thơ, những giai điệu buồn thương chầm chậm réo rắt dìu người nghe vào cung điệu thương hoài không gian cũ chỉ còn nơi âm thầm tiếc nhớ một thiên tình đi vào hoài cảm mãi không thôi.
"Rồi mai chân hoang vu lên phố gầy.
Tôi về nhớ trong mắt môi đã đắng cay.
Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn!
Vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng."
Trường Sa đã có những ca từ riêng biệt đã tạo nên những dấu hỏi ở thính giả, như “phố gầy” là gì? Chúng ta có thể hiểu “phố gầy” như “phố buồn” vậy, có lẽ nhạc sĩ đã liên tưởng đến Đà Lạt, thành phố của tình yêu, thành phố của mộng tưởng mà bất cứ một tác giả nào cũng mơ ước được sống ở đó một thời gian để sáng tác, và tuyệt hơn là có một mối tình buồn ở đó để dễ có “chất liệu thương đau” khi xa nhau nơi suong hoa núi đồi mộng mơ để viết lên được những lời thơ lời nhạc đẹp như ca khúc Rồi Mai Tôi Đưa Em.
“Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn. Vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng” – Đoạn kết ca khúc vẫn thâm trầm tưởng đến một nơi nào đó người xưa vẫn “còn chút gì để nhớ” để nghe nắng vẫn ấm nồng trong khúc ru trầm xuân về cho má đỏ môi hồng ngày xưa vẫn như còn “ru hồn nắng ngủ say”.
Trước năm 1975, ca khúc này được nữ danh ca Lệ Thu nổi tiếng ở Sài Gòn trình bày