Hồi đó và cả bây giờ tôi vẫn cứ dỏng tai đêm đêm. Hầu như phải vào đúng một giờ nhất định, những tiếng rao mới đồng loạt cất lên. Sớm hơn giờ ấy tiếng rao nhạt hoét, rời rạc, chả tạo một ấn tượng gì khiến phải chú ý. Nó khiến tôi liên tưởng đến bản hòa tấu sau mỗi trận mưa rào. Thôi thì đủ kiểu trầm bổng, dài ngắn, âm cổ, âm mũi, giọng trong, giọng đục của nhiều vùng miền... Thế là có đêm tôi chẳng làm gì ngoài việc ngồi nghe tiếng rao bán hàng.
Lần theo tiếng rao của một cậu bé bán bánh mì, tôi có thể đoán được cậu là người biết giữ kỷ luật. Nếu phùng thời được làm quan, chắc chắn cậu không hứa hão huyền như đa số những ông quan hiện thời. Chắc chắn nhân cách cậu cao hơn ối kẻ ăn trên ngồi trốc. Cậu biết giữ chữ tín với đồng nghiệp và với khách hàng. Không phải đêm nào tôi cũng mua bánh mỳ ăn đêm nhưng chưa bao giờ cậu bé không ghé qua. Cậu biết tôi thích loại bánh mềm trong, giòn ngoài nên luôn luôn để dành. Những đêm đông rét thấu xương, cậu tùm hụp trong chiếc áo bông to quá khổ chỉ hở ra độc đôi mắt. Cậu chờ tôi ngẩng lên để tin chắc tôi đã nhìn thấy cậu. Chỉ khi tôi mỉm cười lắc đầu cậu mới bỏ đi để rồi đêm sau lại hy vọng với cái nháy mắt tinh nghịch thay cho lời mời. Cũng có hôm cậu nán lại, tò mò hay có thể là thèm thuồng nhìn những cuốn sách bày trên mặt bàn.
Vậy đó trong từng tiếng rao nếu ta lắng nghe sẽ cảm nhận được rất hiều điều thú vị mà đêm đem đến. Những ngày nắng cũng như những ngày mưa tiếng rao cứ đều đặn vang lên mỗi ngày. Thanh âm đánh thức những giấc ngũ, thanh âm ru ngũ những cơn thức, thanh âm gợi nhắc sự sống sự hiện hữu của con người . Và lắm khi một tiếng rao thật lạ lẩm cất lên bỗng thấy thân quen như bắt gặp cả quê hương hình hài quê nhà bất chợt đi ngang nỗi nhớ.
TDA
TDA