- Trong làng nhạc Pháp, ca sĩ Alain Barrière là một trong những tác giả có hàng loạt ca khúc được chuyển dịch sang nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Việt. Mùa thu năm nay đánh dấu 50 năm sự nghiệp ca hát của ông với việc phát hành một tuyển tập gồm 53 bản nhạc ghi âm trên 4 cuộn CD, trong đó có 6 bài chưa từng được phát hành.
Tên thật là Alain Bellec, ông sinh năm 1935 ở vùng Bretagne trong một gia đình thương gia chuyên ngành buôn hải sản. Tuy học giỏi, nhưng do ông hơi cứng đầu, khó bảo nên gia đình mới cho ông vào trường nội trú. Tốt nghiệp bằng kỹ sư vào năm 25 tuổi, ông không trở về nguyên quán mà lại dọn nhà lên thủ đô để sinh sống.
Trong quyển hồi ký với tựa đề Ma Vie (Đời tôi), ông cho biết là ông chỉ bắt đầu soạn nhạc từ năm 1958 trở đi : sáng tác để khuây khoả tâm hồn, để tìm một chút niềm vui trong suốt những năm tháng đơn điệu tẻ nhạt sống ở trường nội trú. Đến Paris lập nghiệp sau khi ra trường, ông đi làm ban ngày trong một nhà máy sản xuất đồ phụ tùng xe hơi, còn ban đêm ông đi hát trong các quán nhạc, ban đầu hát phụ họa rồi sau đó mới làm ca sĩ chính.
Năm 1961, tức cách đây đúng 50 năm, nhân dịp nhà hát Olympia tổ chức một cuộc tuyển lựa tài năng mới, ông mới chọn nghệ danh là Alain Barrière để ghi tên tham gia cuộc thi này. Tuy lọt vào vòng chung kết, nhưng rốt cuộc ông lại không đoạt giải nhất. Màn trình diễn của Alain Barrière trên sân khấu đã không thuyết phục được ban giám khảo nhưng lại lọt vào mắt của ông bầu Bruno Coquatrix, giám đốc của nhà hát Olympia thời bấy giờ. Nhờ vào sự hướng dẫn dìu dắt của nhà sản xuất này, mà Alain Barrière ký hợp đồng ghi âm đầu tiên (với hãng đĩa Barclay).
- Nhưng mãi đến hai năm sau, sự nghiệp của Alain Barrière thật sự cất cánh nhờ vào nhạc phẩm Elle était si jolie (Nàng xinh quá đỗi). Bài hát này đại diện cho nước Pháp nhân cuộc thi tiếng hát truyền hình châu Âu Eurovision năm 1963. Vào thời ấy, ca khúc đoạt giải là một bài hát tiếng Đan Mạch (Dansevise) của ban song ca Grethe & Jørgen Ingmann. Tuy chỉ đứng hạng 5, nhưng bản nhạc của Alain Barrière sau đó lại thành công vượt trội hơn cả ca khúc đoạt giải. Bằng chứng là chỉ trong vòng một năm, bài hát Elle était si jolie được bán hơn 2 triệu bản, sau đó được chuyển dịch sang tiếng Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha. Đến đầu những năm 1970, tình khúc lại có thêm lời tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Hoa, nhưng lạ nhất vẫn là các phiên bản bằng tiếng Hy Lạp cũng như tiếng Do Thái.
- Kể từ năm 1964 trở đi, giọng ca của Alain Barrière thành công trong vòng 10 năm liên tục. Đây là giai đoạn ông ghi âm nhiều ca khúc ăn khách : từ nhạc phẩm Emporte moi, (tiếng Việt dịch thành Hãy dắt em về), C'était aux premiers jours d'avril (Kỷ niệm tháng tư), Pour la dernière fois (Cho một lần cuối), Si tu te souviens (Nếu em còn nhớ). Nhưng hai tác phẩm vượt trội gắn liền với tên tuổi của ông vẫn là bài Ma vie (Đời tôi) phát hành năm 1964 và Tu t'en vas (tiếng Việt dịch thành Người lìa xa) phát hành vào năm 1974, mở ra để rồi khép lại một thập niên thành công trong sự nghiệp ca hát của Alain Barrière. Trong tiếng Việt, các ca sĩ Ngọc Lan, Duy Quang, Khánh Hà, Elvis Phương đều có hát nhạc của ông.
Nhạc phẩm Tu t'en vas (Người lìa xa) qua phần song ca của Noelle Cordier với Alain Barrière phá kỷ lục số bán và chiếm hạng đầu các nước châu Âu. Được dịch sang tiếng Anh dưới tựa đề If you go, bài hát ăn khách trên thị trường Anh Quốc, Hà Lan, Đức và các nước Bắc Âu. Một thành tích mà thời bấy giờ chỉ có các tên tuổi như Dalida hay Joe Dassin mới lập được. Nhưng trên đỉnh cao thành công, sự nghiệp của Alain Barrière bị khựng lại khi nam ca sĩ chuyển qua hoạt động độc lập.
Sau khi hết hợp đồng với hãng Barclay, Alain Barrière thay vì tiếp tục làm việc với hãng đĩa nhà lại chuyển qua việc tự ghi âm, tự sản xuất. Về mặt chất lượng, các tập nhạc của ông không khác gì với những album trước. Nhưng ngược lại, một khi đã tách ra riêng, giọng ca này không còn được sự hỗ trợ của các hãng đĩa lớn, không còn có những đợt tiếp thị quảng cáo rầm rộ để quảng bá với công chúng, để lôi kéo giới truyền thông. Một khi rơi vào cái vòng lẩn quẩn, sự nghiệp ca hát của ông bắt đầu xuống dốc.
Cũng trong thời gian này, Alain Barrière chuyển qua kinh doanh trong ngành giải trí, mở quán ăn và hộp đêm nhưng sau ba năm hoạt động khai thác, ông gặp rắc rối với sở thuế do kê khai thu nhập không đầy đủ. Chán nản, ông rời nước Pháp vào năm 1977 đến Hoa Kỳ sinh sống trong vòng 4 năm, rồi sau đó dọn nhà về Canada. Thời gian định cư tại vùng đất lạnh mở ra giai đoạn thứ nhì trong sự nghiệp ca hát của Alain Barrière. Ông thành công với hai tập nhạc De Québec à Montréal (Từ Québec đến Montréal) và Alors adieu (Thôi đành vĩnh biệt), nhưng tại Pháp, tên tuổi của ông hầu như không còn được ai nhắc đến.
Mãi đến năm 1997, Alain Barrière mới trở về Pháp sau hơn 15 năm sống tha hương. Cuộc hành trình băng qua sa mạc tưởng chừng kết thúc, nào ngờ vẫn tiếp tục vì tại Pháp giọng ca của Alain Barière không còn được hưởng ứng : làng nhạc Pháp đã thay đổi hẳn diện mạo, đối với lớp trẻ giọng ca của ông coi như là đã quá già. Hai tuyển tập mà ông cho phát hành trong giai đoạn này đều thất bại.
Đến giữa những năm 2000, thời mà tại Pháp bắt đầu rộ lên phong trào ‘‘khung trời hoài niệm’’, công chúng thích nghe lại các bản nhạc xưa thì lúc đó Alain Barrière mới trở lại dưới ánh đèn sân khấu. Vòng lưu diễn Âge tendre et têtes de bois (gồm cả Tuổi thơ và Lứa tuổi cứng đầu khó bảo), tổ chức hàng năm chuyên tập hợp trên cùng một sàn diễn hàng loạt giọng ca thịnh hành vào những thập niên trước. Sự thành công của đợt trình diễn này tạo điều kiện cho các ca sĩ lừng danh một thuở, gặp lại giới hâm mộ, giúp cho các bản nhạc xưa tìm được một hơi thở mới.
Từ năm 2007 trở đi, Alain Barrière cho ra mắt nhiều album, trong đó có tập nhạc Hymne à la Bretagne (Ngợi ca miền Bretagne) và một tuyển tập gồm các tình khúc bất hủ của làng nhạc Pháp, qua đó Alain Barrière bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với những nghệ sĩ đã có một tầm ảnh hưởng lớn đối với ông như danh ca Piaf, Brel, Brassens, Montand và nhất là Charles Trénet. Vào năm nay, để đánh dấu 50 năm sự nghiệp ca hát, Alain Barrière trình làng bộ sưu tập bao gồm những bài hát chọn lọc mà ông đã ghi âm trong nửa thế kỷ qua.
Tuyển tập này đáng lẽ ra đi kèm với một vòng lưu diễn vào mùa thu năm nay. Nhưng vào giờ chót, do tai biến mạch máu não, đợt trình diễn này dự tính bắt đầu vào tháng 9 năm 2011, lại bị hũy bỏ. Sức khỏe của nam ca sĩ đột ngột suy sụp, khiến cho viễn ảnh trở lại dưới ánh đèn sân khấu càng lúc càng xa vời. Giới hâm mộ tỏ ra tiếc nuối vì để có thể đi xem giọng ca mà họ hằng yêu chuộng, có lẽ đây là cơ hội cuối cùng
- Và ở Việt Nam bài hát được nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng chuyển ngữ và đặt tên là “EM ĐẸP NHƯ MƠ” đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam. Nhiều giọng ca thể hiện bài hát thành công như Duy Quang, Elvis Phương… Với lời Việt rất đẹp và sát nghĩa, bài hát đã đến với trái tim người Việt yêu nhạc Pháp như một đóa hồng ngát hương.
- TẠI SAO CA KHÚC ẤY LẠI CÓ SỨC HÚT NHƯ VẬY?
Bởi vì nó thấm đẫm nỗi niềm của một chàng trai yêu tha thiết người thiếu nữ quá xinh đẹp mà không dám ngỏ lời. Từ giai điệu rất nhẹ mà sâu lắng, người ta cảm nhận được những đợt sóng nhạc trào lên, rồi lại rút đi, và cứ thế từng đợt không dừng lại. Tựa hồ như có đôi mắt chàng đang đắm đuối ngắm nhìn một nhan sắc diễm kiều không thể cưỡng nổi, rồi lại âm thầm khép chặt cánh cửa tình yêu trong nỗi buồn khôn tả. Vì nhan sắc ấy quá trong trẻo, thanh khiết, vì người con gái ấy quá thánh thiện, như một nữ thần. Cho nên chàng sợ tình yêu của chàng sẽ khiến nàng không còn thuần khiết nữa chăng?
“Nàng quá xinh đẹp
Khiến tôi không dám yêu
Nàng quá xinh đẹp
Khiến tôi không thể quên”
Lời Việt của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng thật tinh tế khi chuyển thành những câu hát đẹp như những vần thơ như thế này: “Vì nàng đẹp như một bông hồng, nên tôi không dám yêu nàng. Ôi đôi môi cười như cánh Lan, bao năm tôi khó nguôi quên…”. Chẳng phải vô tình mà nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng lại ví nhan sắc nàng “đẹp như một bông hồng”, với ông, chắc hẳn hoa Hồng lộng lẫy không chỉ là biểu tượng hoàn hảo của tình yêu, có lẽ còn vì một mối duyên tình rất đặc biệt nào đó nữa? Khi mà lời Pháp diễn tả bằng ngôn ngữ giản dị, thì lời Việt đã nương theo giai điệu dặt dìu và bay bổng của nhạc khúc mà tạo nên những hình ảnh so sánh đẹp mộng mơ, vừa sâu sắc hàm ý như thơ Việt, vừa lãng mạn trữ tình rất Pháp.
"Nàng quá xinh đẹp
Khi gió vờn theo nàng
Nàng chạy trốn cuộc sống
Và gió nói với tôi…
Nàng quá đỗi xinh đẹp"
(DỊCH NGHĨA)
LỜI CA:
"Nhưng theo cơn gió bay qua đây
Xem dung nhan vừa tươi mát
Em vui như dáng Xuân hồng nắng
Trong hơi sương em sẽ tan nhòa"
Cứ như thế, vừa thủ thỉ tự nói với mình: “Elle était si jolie - nàng quá xinh đẹp”, lời ca lại bay lên như một tình yêu không thể kiềm chế:
"Hôm nay là mùa Thu
Còn quá xa mùa Xuân
Trong công viên
Lá cây xào xạc trong gió
Xoáy theo bộ váy nàng mặc
Rồi nàng biến mất…
LỜI CA:
"Hôm nay đây mùa Thu mới sang
Ôi sao xa quá Xuân xưa
Trong công viên lá thôi đong đưa
Tôi nghe em cười trong nắng
Dang tay cho gió rung tà áo
Trong hơi sương em sẽ tan nhòa"
Thảng thốt và tiếc nuối. Như cơn gió mùa ào đến rồi cuốn đi tất cả. Như một giấc mơ. Nàng, như một đóa Hồng đẫm sương mai, vừa mới đấy mà đã tan biến khói sương. Như ảo ảnh của một mối tình. Như những khát khao tuyệt vọng. Và những nốt nhạc cuối cùng lặng lẽ, lan tỏa một tình yêu trong vắt, thanh cao nhuốm buồn: “Elle était si jolie - Je n'oublierai jamais” (Nàng quá đỗi xinh đẹp - Khiến tôi không bao giờ quên).
- Một tình yêu không bao giờ đến đích là một tình yêu không giới hạn. Nó bỏ lại thời gian và sự lãng quên phía sau. Nó là cả đại dương với lớp lớp trầm tích bí ẩn. Nó là thiên hà với vô vàn ngôi sao lấp lánh chưa được khám phá. Cũng chỉ vì một điều thôi: “Vì nàng đẹp như một bông hồng”
- Một bông hồng vĩnh cửu trong nhạc, trong thơ. Và trong trái tim của những người yêu nhau. Mãi mãi…
"Vì nàng đẹp như một bông hồng
Nên tôi không dám yêu nàng
Ôi đôi môi cười như cánh lan
Bao năm tôi khó nguôi quên
Nên theo cơn gió bay qua đây
Như dung nhan vừa tươi mướt
Em vui như dáng xuân hồng nắng
Tôi nghe cơn gió ru hời
Trời lành lạnh cho mùa thu về
Tôi nghe tôi khóc trong lòng
Hôm nay đây mùa thu mới sang
Ôi sao xa quá xuân xưa
Trong công viên lá thôi đong đưa
Tôi nghe em cười trong nắng
Dang tay cho gió rung tà áo
Trong hơi sương em sẽ tan nhòa
Đẹp tuyệt vời hỡi em dấu yêu
Nên tôi đâu dám trao tình
Đẹp tuyệt vời tựa như đóa hoa
Tim tôi ngây ngất si mê
Nhưng tôi không nói yêu thương em
Nên tôi muôn đời sầu đau
Như cây thông đứng trong rừng vắng
Em như mây trắng trên trời
Rồi một chiều cánh mây khép lại
Mây đang bay bỗng rơi rụng
Em ra đi bỏ lại sắc hương
Ôi thiên thu mãi xa nhau
Ôi đôi ta cách ngăn đôi nơi
Em ra đi vào mù khơi
Trong hơi sương áo em lộng gió
Cho tôi thương nhớ vô bờ."