Ngó qua ngó lại, mấy ngày Tết trôi nhanh cái ù! Thịt thà bánh trái hoài rồi cũng ngán, sau Tết đi chợ các bà nội trợ ai nấy đều cũng tranh thủ lội hàng cá trước tiên, hóng mắt chờ những gánh cá bãi ngang đặt xuống để mua ít cá tươi đổi bữa cho chồng con. Chiếm phần nhiều trong mẻ cá biển đầu năm tươi rợi thường là những con cá hố với lớp phấn ánh bạc sáng trưng, mới nhìn đã thích mắt.
Bắt đầu có lác đác từ đầu tháng Chạp, nhưng qua Tết là thời điểm cá hố bắt đầu được mùa và to mập, béo thơm nhất. Con cá hố tươi biết ‘chiêu” hấp dẫn các bà, các cô bởi cái vẻ ngoài rất đỗi “kiêu sa”: mình dài thượt, lớp phấn sáng rỡ, loại cá hố vàng phổ biến của vùng bãi ngang Bình Minh, Tam Thanh còn hấp dẫn thêm ở lớp da hơi ửng vàng, nhìn “sướng” mắt vô cùng.
Biển đầu năm, ngư dân ra khơi đánh bắt còn thưa thớt nên mua được cá tươi, dù là cá hố dải bề ngang chỉ độ hai ngón tay hay cá hố lớn, các bà nội trợ vẫn khéo léo chế biến ra đủ món ngon. Cá tươi kho nấu kiểu gì cũng đạt. Ai chê con cá hố nhỏ mình bé xíu nhiều xương chỉ tổ gây hóc xương thì hãy thử qua nồi cá hố kho rim đi? Từng khúc cá nhỏ xíu được rim thiệt kĩ thấm thía gia vị, khô cong thơm nức, xương cũng mềm mụp còn phần thịt thì khỏi nói, mặn mặn ngọt ngọt đưa cơm thôi rồi.
Chỉ cần nghe mùi cá hố kho rim trong bếp, đám trẻ chạy ù xuống bếp dặn mẹ nấu thêm cơm. Buổi chiều ngủ dậy muộn hoặc đi đâu về, bới tô cơm nguội thêm vài miếng cá rim khô là ngon ngất trời mây. Cá hố to chừng bốn ngón tay trở lên thì càng ngon lành hơn nữa.
Không cần cầu kì gì nhiều, chỉ cần kho lạt lạt với ít gia vị, dẻ miếng cá tươi rợi ngọt mềm và với cơm nóng, thêm đũa rau sống chấm nước cá kho thì thịt thà, giò chả gì cũng bị gạt qua bên hết.
Tuyệt nhất là khi mua được cá to, trong nhà lại sẵn hũ dưa cải muối chua vừa vàng tới. Hai thứ nguyên liệu không lấy gì làm cầu kì, nhưng phải “có duyên” lắm mới “hẹn gặp” được. Bởi mùa tháng Giêng phải hôm trời nắng thật to, biển thật ấm mới mong ra chợ gặp con cá hố lớn. Mà phải là con cá hố vàng chưa trầy chút phấn nào, mắt trong veo còn phần bụng thì dày lên béo mẫm mới “đạt”.
Để tự tin “phối” với con cá hố cất công lắm mới mua được phải là hũ dưa cải nhà tự muối lấy, đã được rửa sạch sẽ trước khi muối, hong 1, 2 nắng cho vừa héo đem dằn nước muối lạt lạt có pha chút đường phèn cho nhanh chua và có vị ngọt thanh. Dưa muối xổi kiểu này thường chỉ dùng trong 5-10 ngày, nên “đón” mùa cá hố tháng Giêng, những ngày cuối năm cũ dù bận tối mắt nhưng nhiều bà nội trợ vẫn cố gắng muối cho được hũ dưa là vậy.
Cá làm sạch cắt khúc được ướp với gia vị để chừng nửa tiếng cho cứng mình, trút vào nồi nước đang sôi bùng rồi canh lửa liu riu chừng 10 phút cho cá chín, thêm tô dưa cải cùng ít nước muối dưa vào nồi nấu thêm chút xíu nữa là được, sao cho cái chua của dưa cải thấm với vị béo của cá tươi mà cá vẫn không nát, dưa vẫn giữ được độ giòn đặc trưng.
Ngày đương xuân, xì xụp chén bún với nồi cá hố um dưa nóng hổi, cơn ngán đồ ăn ngày Tết như bị thổi bay, bữa cơm gia đình càng rôm rả và ấm áp hơn.
Gặp năm trời đẹp, cá hố rộ nhiều, những người phụ nữ miền biển khéo léo cất dành cho ngày biển động món cá hố khô. Con cá được xẻ dọc thân, ướp cái nắng ấm vừa độ đầu năm cho thật chắc mình rồi cất vào nơi kín gió.
Những ngày biển động, có chục cá hố khô trong nhà là đám trẻ con coi như có “đại tiệc”. Được mẹ đưa cho một, hai con là đứa nào đứa nấy mừng hí hửng, nhanh chân chạy xuống bếp cời than nướng liền liền, vừa hít hà miếng cá nướng thơm lựng vừa rỉ rả nhai, đến khi hết vẫn còn đưa tay lên mũi ngửi đầy thích thú.
Chiều được nướng cá ăn chơi nghĩa là buổi tối trông mâm cơm chắn chắn có món cá hố khô sốt với cà chua, sớ cá chắc nịch đậm đà quyện trong nước sốt mặn mặn, ngọt ngọt khiến bữa cơm ngày đông trở nên ngon lành và đáng nhớ không thể tả. Để rồi những ngày đầu năm, chuẩn bị rời quê đi học, đi làm nơi xa những đứa con xứ Quảng mắt cứ chùng chình trông vào giỏ khi mẹ từ chợ về có bóng dáng con cá hố không..