August 31, 2015

WOMAN IN LOVE


Sinh thời, ngoài là một ban nhạc nổi tiếng trên thế giới, ban tam ca Bee Gees còn viết khá nhiều ca khúc ăn khách cho các nghệ sĩ khác. Tình khúc Woman in Love (Người đàn bà đang yêu) nằm trong số này do ba anh em nhóm Bee Gees sáng tác cho Barbra Streisand vào năm 1980, tức cách đây đúng 35 năm. 

Vào cuối những năm 1970, ban tam ca Bee Gees ngự trị trên đỉnh cao làng nhạc quốc tế. Ban nhạc này là nhóm đầu tiên và cũng là duy nhất có tới năm bài hát có mặt trong Top Ten vào cùng một thời điểm, nhờ vào album (phát hành vào năm 1977) mà họ sáng tác cho bộ phim Saturday Night Fever (Cơn sốt chiều thứ bảy). Ý tưởng hợp tác với nhóm Bee Gees nảy sinh vào năm 1979, khi Barbra Streisand được xem ban tam ca này biểu diễn ngày 8 tháng Chín năm 1979 tại nhà hát Madison Square Garden.

Lúc đầu, Barbra Streisand nghĩ rằng ban tam ca Bee Gees chỉ sáng tác cho mình vài ca khúc, bất ngờ thay, sau một thời gian suy nghĩ, ban nhạc người Úc lại đồng ý soạn cho diva người Mỹ trọn một album mang tựa đề là Guilty gồm tổng cộng 9 nhạc phẩm. Ca khúc đầu tiên của album này được phát hành vào tháng Tám, nhạc phẩm Woman In Love (Người đàn bà đang yêu) trở thành tình khúc của mùa hè năm 1980, sau khi giành lấy ngôi vị quán quân (ba tuần lễ), bài hát còn trụ lại trong bảng xếp hạng thị trường Hoa Kỳ trong 47 tuần liên tục.

Trong ba anh em nhóm Bee Gees, Barry Gibb là nhân vật đã đóng vai trò quan trọng nhất. Trên album Guilty (do Albhy Galuten và Karl Richardson hợp tác sản xuất), Barry Gibb đã soạn nhạc cho cả 9 bài hát, đồng thời anh song ca với Barbra Streisand hai bài (ca khúc chủ đề Guilty và nhạc phẩm What Kind of Fool), trong khi hai người em là Maurice và Robin Gibb chỉ tham gia sáng tác trong bốn bài, trong đó có Woman in Love do Robin đồng sáng tác toàn bộ phần điệp khúc với người anh trai là Barry Gibb. Một bài hát mà sau đó có tới hàng trăm phiên bản ghi âm (cover) trong nhiều thứ tiếng khác nhau.

Hồi tưởng lại giai đoạn này, nam ca sĩ Barry Gibb thành viên duy nhất còn sống trong nhóm Bee Gees cho biết : ban đầu anh rất hồi hộp căng thẳng khi được mời hợp tác với một trong những giọng ca lẫy lừng nhất nước Mỹ thời bấy giờ. Vả lại trong giới chuyên nghiệp, Barbra Streisand nổi tiếng là một diva cầu toàn kỹ tính, nóng nảy nên dễ đâm ra gắt gỏng.

Điều đó giải thích vì sao trước khi nhận lời hợp tác với Barbra Streisand, Barry Gibb đã gọi điện để hỏi chuyện với nam danh ca Neil Diamond, do hai ca sĩ này từng ghi âm với nhau vào cuối năm 1978 (bài song ca You Don't Bring Me Flowers được phát hành vào tháng 10 năm 1978). Thế nhưng những lời khuyên nhủ của Neil Diamond vẫn không trấn an được Barry Gibb, do anh luôn có tâm trạng bồn chồn lo lắng.

Nhưng rốt cuộc, đó chỉ là những lời đồn đại trong nghề, vì trong suốt thời gian làm việc với nhau, nữ danh ca Barbra Streisand đã rất tử tế với các bạn đồng nghiệp. Điều mà sau này được công nhận bởi nhà nhiếp ảnh Mario Casilli, người đã từng thực hiện loạt ảnh chụp để chuẩn bị cho việc phát hành album mang tựa đề Guilty của Barbra Streisand, sau khi phần ghi âm được hoàn tất vào tháng Sáu Ba tại phòng thu Sound Labs Studio ở thành phố Los Angeles.

Theo lời Barry Gibb, ngoài cách đối xử tốt với bạn đồng nghiệp, Barbra Streisand còn là một người cần mẫn chăm chỉ, chịu khó làm việc từ 7 giờ sáng cho tới tối khuya, cô tập trung làm việc cho phần ghi âm album, và chỉ mỗi khi tới giờ giải lao, cô mới làm những công việc khác, trong đó có việc chăm chút chỉnh sửa kịch bản của Yentl, một bộ phim ca nhạc phóng tác từ truyện ngắn The Yeshiva Boy của nhà văn Isaac Bashevis Singer. Barbra Streisand thực hiện bộ phim Yentl vào năm 1983, trong đó cô vừa đóng vai chính (diễn viên kiêm ca sĩ) vừa đảm nhận vai trò đạo diễn.

Nhờ vào sự hợp tác với nhóm Bee Gees, mà tập nhạc Guilty trở thành một tring những album ăn khách nhất trong sự nghiệp của Barbra Streisand với hơn năm triệu bản chỉ riêng trên thị trường Hoa Kỳ, 12 triệu trên toàn thế giới. Vào năm 1981, album này cũng đoạt được một giải Grammy trên tổng số năm đề cử. Để thực hiện tập nhạc Guilty, Barry Gibb đã ghi âm thử nhiều bản demo, nhưng rốt cuộc chỉ có 9 bài được giữ lại, các bài hát kia (chẳng hạn như Secret hay là Carried Away) sẽ được tặng sau đó cho các nghệ sĩ khác (trong đó có Elaine Paige và Olivia Newton-John).

Trong số 9 bài của Bee Gees mà Barbra Streisand đã ghi âm, tình khúc Woman In Love là một trong những bài ăn khách nhất. Barry Gibb từng ghi âm thử bài này dưới dạng demo, và trở thành giọng nam duy nhất có thể hát từ đầu tới cuối bằng giọng óc. Theo đề nghị của Robin, hai anh em mới chỉnh sửa phần điệp khúc sao cho vừa với giọng ca khỏe khoắn cũng như làn hơi đầy đặn của Barbra Streisand.

Ở đoạn giữa bài hát, trong hai câu "I stumble and fall, but I give you it all", Barbra Streisand giữ làn hơi trong vòng khoảng 10 giây mà không bị đuối hơi. Điều đó khiến cho Casey Kasem, người phụ trách chương trình phát thanh American Top 40 cho rằng đây là nốt nhạc dài nhất bởi một giọng ca solo. Tuy nhiên, điều này sau đó được cải chính vì vào thời đó, cũng có một số bản nhạc khác đều có cách hát những nốt dài như vậy (tiêu biêu là các bài Lovely Day của Bill Withers, All Out Of Love của nhóm Air Supply và Dim All The Lights của nữ hoàng disco Donna Summer).

Trong vòng ba thập niên liền, tình khúc Woman In Love đã có rất nhiều phiên bản khác nhau, kể cả tiếng Pháp (Une Femme Amoureuse), tiếng Đức (Die Frau die Diech Liebt), tiếng Ý (Donna Innamorata), Hà Lan, Hy Lạp (To Ksero Tha’rthis Ksana), Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha (Enamorado de Ti) và thậm chí Ả Rập ….. bài hát cũng được hòa âm phối khí theo nhiều thể điệu, đôi khi nghe khá lạ, kể cả các điệu bolero, salsa và zouk.

Trong tiếng Việt bài Woman in Love có ít nhất là hai hay ba lời khác nhau, được các tác giả chuyển ngữ thành ‘‘Người đàn bà đang yêu’’ hay là ‘‘Đi tìm tình Yêu’’ với những câu mở đầu như : Lấp lánh ánh trăng soi bên hồ / Áng mây lững lờ, bóng anh khuất xa mờ ….. hoặc là : Kiếp sống sẽ cô đơn muôn vàn / Trái đất kia hoang tàn, nếu những mơ ước không còn, mà các nghệ sĩ như Hoạ Mi, Khánh Hà, Ngọc Lan, Thu Minh, Loan Phương …. đều từng trình bày ….

Có một điều rất lạ là tuy nhạc phẩm Woman in Love là một trong những tình khúc ăn khách nhất trong đời, nhưng Barbra Streisand từng cho biết cô không thích bài hát này vì trong thâm tâm, cô không tin vào ý nghĩa của bài hát, có lẽ cũng vì thế mà trên sân khấu, ít khi nào cô hát lại bài này.

Không tin mà đã hát hay như vậy, giả sử như mà Barbra Streisand thật sự tin vào ca khúc thì không biết là Woman in Love sẽ mãnh liệt cháy bỏng tới cỡ nào. Người đàn bà khi yêu sẽ yêu một cách tuyệt đối, cho con tim thổn thức đắm đuối, tuy tâm hồn sa đọa bồi hồi, dù đam mê đầm mình tội lỗi.

HIỂU LẦM

Những hiểu lầm vô tình nối tiếp, đã làm vấp những bước chân của hạnh phúc. Khi số mệnh bắt ta trả giá, tất cả đã trở nên muộn màng. Đây là một câu chuyện có thực và đầy nước mắt.
1. Mẹ ở quê lên
Sau khi kết hôn hai năm, chồng tôi bàn với tôi đón mẹ lên ở chung để chăm sóc bà những năm tuổi già.
Chồng tôi mất cha từ ngày anh còn nhỏ, mẹ chồng tôi là chỗ dựa duy nhất, mẹ nuôi anh khôn lớn, cho anh học hết đại học.
“Khổ đau cay đắng”bốn chữ ấy vận đúng vào số phận mẹ chồng tôi! Tôi nhanh chóng gật đầu, liền đi thu dọn căn phòng có ban công hướng Nam, phòng có thể đón nắng, trồng chút hoa cỏ gì đó.
Chồng tôi đứng giữa căn phòng ngập tràn nắng, không nói câu nào, chỉ đột ngột bế bổng tôi lên quay khắp phòng, khi tôi giãy giụa cào cấu đòi xuống, anh nói:”Đi đón mẹ chúng ta thôi!”.



Chồng tôi vóc dáng cao lớn, tôi thích nép đầu vào ngực anh, cảm giác anh có thể tóm lấy cả thân hình mảnh mai bé nhỏ của tôi, nhét vào trong túi áo.
Mỗi khi chúng tôi cãi cọ và không chịu làm lành, anh thường nhấc bổng tôi lên đầu quay tròn, cho đến lúc tôi sợ hãi van xin anh thả xuống. Nỗi sợ hãi hạnh phúc ấy làm tôi mê mẩn.
Những thói quen ở nhà quê của mẹ chồng tôi mãi không thể thay đổi. Tôi thích mua hoa tươi bày trong phòng khách, mẹ chồng tôi sau này không nhịn được bảo:”Bọn trẻ các con lãng phí quá, mua hoa làm chi? Nào có thể ăn được như cơm!”.
Tôi cười:”Mẹ, trong nhà có hoa nở rộ, tâm trạng mọi người cũng vui vẻ”.
Mẹ chồng tôi cúi đầu cằn nhằn, chồng tôi vội cười:”Mẹ, người thành phố quen thế rồi, dần dần mẹ sẽ quen thôi!”.
Mẹ chồng tôi không nói gì nữa, nhưng mỗi lần thấy tôi mang hoa về, bà vẫn không nhịn được hỏi mua hoa mất bao nhiêu tiền, tôi nói, thì bà chép miệng.
Có lần thấy tôi xách túi lớn túi nhỏ đi mua sắm về, bà hỏi cái này bao nhiêu tiền cái kia giá bao nhiêu, tôi cứ kể thật, thì bà chép miệng càng to hơn.
Chồng tôi véo mũi tôi nói:”Đồ ngốc, em đừng nói cho mẹ biết giá thật có phải đỡ hơn không?”.
Cuộc sống hạnh phúc đã lẳng lặng trôi những âm điệu không êm đềm.
Mẹ chồng tôi ghét nhất là thấy chồng tôi dậy nấu bữa sáng, với bà, làm đàn ông mà phải vào bếp nấu nướng cho vợ, làm gì có chuyện ngược đời đó?
Trên bàn ăn sáng, mặt mẹ chồng tôi thường u ám, tôi giả vờ không nhận thấy. Mẹ chồng tôi bèn khua bát đũa canh cách, đấy là cách phản đối không lời của bà.
Tôi là giáo viên dạy múa ở Cung thiếu niên, nhảy múa đã đủ mệt rồi, mỗi sáng ủ mình trong ổ chăn ấm áp, tôi không muốn phải hy sinh nốt sự hưởng thụ duy nhất ấy, vì thế tôi vờ câm điếc trước sự phản ứng của mẹ chồng.
Còn mẹ chồng tôi thỉnh thoảng có giúp tôi làm việc nhà, thì chỉ làm tôi càng bận rộn thêm.
Ví như, bà gom tất thảy mọi túi nilông đựng đồ và đựng rác trong nhà lại, bảo chờ gom đủ rồi bán đồng nát một thể, vì thế trong nhà chỗ nào cũng toàn túi nilông dùng rồi;
Bà tiếc rẻ không dùng nước rửa bát, để khỏi làm bà mất mặt, tôi đành phải lén lút rửa lại lần nữa.
Có một buổi tối, mẹ chồng tôi bắt gặp tôi đang lén rửa lại bát, bà đóng cửa phòng đánh”sầm”một cái, nằm bên trong khóc ầm ĩ.
Chồng tôi khó xử, sau việc này, suốt đêm anh không nói với tôi câu nào, tôi nũng nịu, làm lành, anh cũng mặc kệ. Tôi giận dữ, hỏi anh:”Thế em rốt cục đã làm sai cái gì nào?”.
Anh trừng mắt nhìn tôi nói:”Em không chịu nhường mẹ đi một chút, ăn bát chưa sạch thì cũng có chết đâu?”.
Sau đó, cả một thời gian dài, mẹ chồng tôi không nói chuyện với tôi, không khí trong gia đình gượng gạo dần. Thời gian đó, chồng tôi cũng sống rất mệt mỏi, anh không biết nên làm vui lòng ai trước.
Mẹ chồng tôi không cho con trai nấu bữa sáng nữa, xung phong đảm nhận”trọng trách”này. Mẹ chồng tôi ngắm con trai ăn sáng vui vẻ, lại nhìn sang tôi, ánh mắt bà trách móc tôi làm không trọn trách nhiệm của người vợ. Để tránh bị khó xử, tôi đành ăn tạm gói sữa trên đường đi làm.
Lúc đi ngủ, chồng tôi hơi buồn trách, hỏi tôi:”Hồng Nhung, có phải em chê mẹ anh nấu cơm không sạch nên em không ăn ở nhà?”. Lật mình, anh quay lưng về phía tôi lạnh lùng, mặc kệ tôi nước mắt tủi thân lăn tràn trề.
Cuối cùng, chồng tôi thở dài:”Hồng Nhung, thôi em cứ coi như là vì anh, em ở nhà ăn sáng được không?”. Thế là tôi đành quay về ngồi ở bàn ăn ngần ngại mỗi sáng.
Sáng đó, tôi húp bát cháo do mẹ chồng nấu, đột nhiên lợm giọng, mọi thứ trong dạ dầy tống tháo hết ra ngoài, tôi cuống cuồng bịt chặt miệng không cho nó trào ra, nhưng không được, tôi vứt bát đũa nhảy bổ vào toa-lét, nôn ọe hết.
Khi tôi hổn hển thở được, bình tâm lại, thấy mẹ chồng tôi đang khóc lóc than thân trách phận bằng tiếng pha rặt giọng nhà quê, chồng tôi đứng ở cửa toa-lét giận dữ nhìn tôi, tôi há miệng không nói được nên lời, tôi đâu có cố ý.
Lần đầu tiên tôi và chồng tôi bắt đầu cãi nhau kịch liệt, ban đầu mẹ chồng tôi ngồi nhìn chúng tôi, rồi bà đứng dậy, thất thểu đi ra khỏi cửa. Chồng tôi hằn học nhìn tôi một cái rồi xuống nhà đuổi theo mẹ.
****
2. Những tháng ngày tăm tối
Suốt ba ngày, chồng tôi không về nhà, cũng không gọi điện. Tôi đang giận, tôi nghĩ từ ngày mẹ chồng tôi lên đây, tôi đã cực nhục đủ rồi, còn muốn gì tôi nữa?
Nhưng kỳ lạ làm sao, tôi vẫn cứ buồn nôn, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, thêm vào đó việc nhà rối ren, tâm trạng tôi cực kỳ tồi tệ. Sau đó, một đồng nghiệp bảo tôi:”Hồng Nhung, trông sắc mặt cậu xấu lắm, đi khám bác sĩ xem nào”.
Kết quả khám của bác sĩ là tôi đã có thai.
Tôi hiểu ra sáng hôm đó vì sao tôi nôn ọe, trong cảm giác hạnh phúc có xen lẫn chút oán trách, chồng tôi và cả bà mẹ chồng đã từng sinh nở, vì sao họ không hề nghĩ đến lý do ấy? Ở cổng bệnh viện, tôi gặp chồng tôi.
Mới chỉ ba hôm không gặp mặt, chồng tôi đã trở nên hốc hác. Tôi đáng lẽ định quay người đi thẳng, nhưng trông anh rất đáng thương, tôi không nén được gọi anh lại. Chồng tôi nghe tiếng thì nhìn thấy tôi, nhưng làm như không quen biết, trong mắt anh chỉ còn sự căm thù, ánh nhìn ấy làm tôi bị thương.
Tôi tự nói với mình, không được nhìn anh ấy, không được nhìn anh ấy, tôi đưa tay vẫy một chiếc taxi chạy qua.
Lúc đó tôi mong muốn làm sao được kêu lên với chồng tôi một tiếng:”Anh ơi, em sắp sinh cho anh một đứa con rồi!”và được anh bế bổng lên, quay tròn hạnh phúc, những cái tôi mơ ước không xảy ra, trên chiếc taxi, nước mắt tôi chầm chậm rơi xuống.
Vì sao một vụ cãi nhau đã làm tình yêu trở nên tồi tệ như thế này? Sau khi về nhà, tôi nằm trên giường nhớ chồng, nhớ đến sự căm thù trong mắt anh.
Tôi ôm một góc chăn nằm khóc. Đêm đó, trong nhà có tiếng mở ngăn kéo. Bật đèn lên, tôi nhìn thấy gương mặt đầy nước mắt của chồng tôi. Anh ấy đang lấy tiền.
Tôi lạnh lùng nhìn anh, không nói gì. Anh coi như không có tôi, cầm tiền và sổ tiết kiệm rồi đi. Có lẽ anh đã quyết định rời bỏ tôi thật sự.
Thật là một người đàn ông khôn ngoan, tình và tiền rạch ròi thế. Tôi cười nhạt vài cái, nước mắt lại”ồn ào”lăn xuống.
Ngày hôm sau, tôi không đi làm. Tôi dọn lại toàn bộ suy nghĩ của mình, đi tìm chồng nói chuyện một lần cho rõ. Đến công ty của chồng, thư ký hơi lạ lùng nhìn tôi, bảo:”Mẹ của tổng giám đốc Trần bị tai nạn giao thông, đang trong viện”.
Tôi há hốc mồm trợn mắt, chạy bổ tới bệnh viện, khi tìm được chồng tôi, mẹ chồng tôi đã mất rồi. Chồng tôi không nhìn tôi, mặt anh rắn lại.
Tôi nhìn gương mặt gầy gò trắng bệch xanh tái lại của mẹ chồng, nước mắt tôi tuôn xuống ào ạt, trời ơi! Sao lại ra thế này?
Cho đến tận lúc chôn cất bà, chồng tôi cũng không hề nói với tôi một câu, thậm chí mỗi ánh mắt đều mang một nỗi thù hận sâu sắc.
Về vụ tai nạn xe, tôi phải hỏi người khác mới biết đại khái là, mẹ chồng tôi bỏ nhà đi mơ hồ ra phía bến xe, bà muốn về quê, chồng tôi càng theo bà càng đi nhanh, khi qua đường, một chiếc xe buýt đã đâm thẳng vào bà…
Cuối cùng tôi đã hiểu sự căm ghét của chồng, nếu buổi sáng hôm đó tôi không nôn, nếu chúng tôi không cãi nhau, nếu như… trong tim anh ấy, tôi chính là người gián tiếp gây ra cái chết của mẹ anh.
Chồng tôi im lặng dọn đồ vào ở phòng mẹ, mỗi tối anh về nhà nồng nặc hơi rượu. Và tôi bị lòng tự trọng đáng thương lẫn sự ân hận dồn nén tới không thể thở được, muốn giải thích cho anh, muốn nói với anh rằng chúng ta sắp có con rồi, nhưng nhìn vào đôi mắt lạnh lùng của anh, tôi lại nuốt hết đi những lời định nói.
Thà anh đánh tôi một trận hoặc chửi bới tôi một trận còn hơn, cho dù tất cả đã xảy ra không phải do tôi cố ý.
Ngày lại ngày cứ thế trôi đi trùng lặp, chồng tôi về nhà ngày càng muộn. Tôi cố chấp, coi anh còn hơn kẻ lạ. Tôi là cái thòng lọng thắt trong trái tim chồng tôi.
Một lần, tôi đi qua một tiệm ăn châu Ấn Hằng, xuyên qua lớp cửa kính trong suốt kéo dài từ trần nhà xuống sát mặt đất, tôi nhìn thấy chồng tôi ngồi đối diện một cô gái trẻ, anh nhè nhẹ vuốt tóc cô gái, tôi đã hiểu ra tất cả.
Ban đầu tôi sững sờ, rồi tôi bước vào tiệm ăn, đứng trước mặt chồng, nhìn anh trân trối, mắt khô cạn.
Tôi chẳng còn muốn nói gì, cũng không thể nào nói gì. Cô gái nhìn tôi, nhìn chồng tôi, đứng lên định bỏ đi, chồng tôi đưa tay ấn cô ngồi xuống, và, anh cũng trân trối nhìn tôi, không hề thua kém.
Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng trái tim tôi đang đập thoi thóp, đập thoi thóp từng nhịp một từng nhịp một cho tới tận ranh giới tái xanh của cái chết.
Kẻ thua cuộc là tôi, nếu tôi cứ đứng thế này mãi, tôi và đứa bé trong bụng tôi sẽ cùng ngã.
Đêm đó, chồng tôi không về nhà, anh dùng cách đó để nói cho tôi biết: Cùng với cái chết của mẹ chồng tôi, tình yêu của chúng tôi cũng đã chết rồi.
Chồng tôi không quay về nữa. Có hôm, tôi đi làm về, thấy tủ quần áo bị động vào, chồng tôi quay về lấy vài thứ đồ của anh.
Tôi không muốn gọi điện cho chồng tôi, ngay cả ý nghĩ ban đầu là giải thích mọi chuyện cho anh, giờ cũng đã biến mất hoàn toàn.
Tôi một mình sống, một mình đi bệnh viện khám thai, mỗi lần thấy những người chồng thận trọng dìu vợ đi viện khám thai, trái tim tôi như vỡ tan ra.
Đồng nghiệp lấp lửng xui tôi nạo thai đi cho xong, nhưng tôi kiên quyết nói không, tôi điên cuồng muốn được đẻ đứa con này ra, coi như một cách bù đắp cho cái chết của mẹ chồng tôi.
Khi tôi đi làm về, chồng tôi đang ngồi trong phòng khách, khói thuốc mù mịt khắp phòng, trên bàn nước đặt một tờ giấy. Không cần liếc qua, tôi đã biết tờ giấy viết gì.
Trong hai tháng chồng tôi không về nhà, tôi đã dần dần học được cách bình tĩnh. Tôi nhìn anh, gỡ mũ xuống, bảo:”Anh chờ chút, tôi ký!”. Chồng tôi cứ nhìn tôi, ánh mắt anh bối rối, như tôi.
Tôi vừa cởi cúc áo khoác vừa tự dặn mình:”Không khóc, không khóc…”. Mắt rất đau, nhưng tôi không cho phép nước mắt được lăn ra.
Treo xong áo khoác, cái nhìn của chồng tôi gắn chặt vào cái bụng đã nổi lên của tôi. Tôi mỉm cười, đi tới, kéo tờ giấy lại, không hề nhìn, ký lên đó cái tên tôi, đẩy lại phía anh.
“Hồng Nhung, em có thai à?”.
Từ sau khi mẹ chồng gặp tai nạn, đây là câu đầu tiên anh nói với tôi. Tôi không cầm được nước mắt nữa, lệ”tới tấp”tràn xuống má.
Tôi đáp:”Vâng, nhưng không sao đâu, anh có thể đi được rồi!”. Chồng tôi không đi, trong bóng tối, chúng tôi nhìn nhau. Chồng tôi nằm ôm lấy người tôi, nước mắt thấm ướt chăn. Nhưng trong tim tôi, rất nhiều thứ đã mất về nơi quá xa xôi, xa tới mức dù tôi có chạy đuổi theo cũng không thể với lại.
Không biết chồng tôi đã nói”Anh xin lỗi em!”với tôi bao nhiêu lần rồi, tôi cũng đã từng tưởng rằng tôi sẽ tha thứ, nhưng tôi không tài nào làm được, trong tiệm ăn châu Âu hôm đó, trước mặt người con gái trẻ ấy, ánh mắt lạnh lẽo chồng tôi nhìn tôi, cả đời này, tôi không thể nào quên nổi.
Chúng tôi đã cùng rạch lên tim nhau những vết đớn đau. Phía tôi, là vô ý; còn anh, là cố tình.
3. Hận cũ hóa giải, nhưng quá khứ không bao giờ trở lại!
Trừ những lúc ấm áp khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với chồng, trái tim tôi lạnh giá như băng, không ăn bất cứ thứ gì anh mua, không cần ở anh bất cứ món quà gì, không nói chuyện với anh.
Bắt đầu từ lúc ký vào tờ giấy kia, hôn nhân cũng như tình yêu đã biến mất khỏi đời tôi.
Có hôm chồng tôi thử quay về phòng ngủ, anh vào, tôi ra phòng khách, anh chỉ còn cách quay về ngủ ở phòng mẹ.
Trong đêm thâu, đôi khi từ phòng anh vẳng tới tiếng rên khe khẽ, tôi im lặng mặc kệ.
Đây là trò anh thường bày ra, ngày xưa chỉ cần tôi giận anh, anh sẽ giả vờ đau đầu, tôi sẽ lo lắng chạy đến, ngoan ngoãn đầu hàng chồng, quan tâm xem anh bị làm sao, anh sẽ vươn một tay ra tóm lấy tôi cười ha hả.
Anh đã quên rồi, tôi lo lắng là bởi tôi yêu anh, còn bây giờ, giữa chúng tôi còn lại gì đâu?
Chồng tôi dùng những tiếng rên ngắt quãng để đón ngày đứa bé chào đời.
Dường như ngày nào anh cũng mua gì đó cho con, các đồ dùng của trẻ sơ sinh, đồ dùng của trẻ em, ngay cả sách thiếu nhi, từng bọc từng bọc, sắp chất đầy gian phòng anh.
Tôi biết chồng tôi dùng cách đó để cảm động tôi, nhưng tôi không còn cảm thấy gì nữa. Anh đành giam mình trong phòng, gõ máy tính”lạch cà lạch cạch”, có lẽ anh đang yêu đương trên mạng, nhưng việc đó đối với tôi không có ý nghĩa gì.
Đêm cuối mùa xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi gào lên, chồng tôi nhảy bổ sang, như thể anh chưa hề thay quần áo đi ngủ, vì đang chờ đón giây phút này tới.
Anh cõng tôi chạy xuống nhà, bắt xe, suốt dọc đường nắm chặt bàn tay tôi, liên tục lau mồ hôi trên trán tôi.
Đến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy vào phòng phụ sản. Nằm trên cái lưng gầy guộc và ấm áp, một ý nghĩ hiện ra trong đầu tôi:”Cả cuộc đời này, còn ai có thể yêu tôi như anh nữa không?”.
Anh đẩy cửa phòng phụ sản, nhìn theo tôi đi vào, tôi cố nén cơn đau nhìn lại anh một cái nhìn ấm áp.
Từ phòng đẻ ra, chồng tôi nhìn tôi và đứa bé, anh cười mắt rưng rưng. Tôi vuốt bàn tay anh. Chồng tôi nhìn tôi, mỉm cười, rồi, anh chậm rãi và mệt mỏi ngã dụi xuống. Tôi gào tên anh… Chồng tôi mỉm cười, nhưng không thể mở được đôi mắt mệt mỏi…
Tôi đã tưởng có những giọt nước mắt tôi không thể nào chảy vì chồng nữa, nhưng sự thực lại khác, chưa bao giờ có nỗi đau đớn mạnh mẽ thế xé nát thân thể tôi.
Bác sĩ nói, phát hiện chồng tôi ung thư gan đã vào giai đoạn cuối cùng, anh gắng gượng cho đến giờ kể cũng đã là kỳ tích. Tôi hỏi bác sĩ phát hiện ung thư khi nào? Bác sĩ nói năm tháng trước, rồi an ủi tôi:”Phải chuẩn bị hậu sự đi!”.
Tôi mặc kệ sự can ngăn của y tá, về nhà, vào phòng chồng tôi bật máy tính, tim tôi phút chốc bị bóp nghẹt. Bệnh ung thư gan của chồng tôi đã phát hiện từ năm tháng trước, những tiếng rên rỉ của anh là thật, vậy mà tôi nghĩ đó là…
Có hai trăm nghìn chữ trong máy tính, là lời dặn dò chồng tôi gửi lại cho con chúng tôi:”Con ạ, vì con, bố đã kiên trì, phải chờ được đến lúc nhìn thấy con bố mới được gục ngã, đó là khao khát lớn nhất của bố…
………Bố biết, cả cuộc đời con sẽ có rất nhiều niềm vui hoặc gặp nhiều thử thách, giá như bố được đi cùng con suốt cả chặng đường con trưởng thành, thì vui sướng biết bao, nhưng bố không thể.
Bố viết lại trên máy tính, viết những vấn đề mà con có thể sẽ gặp phải trong đời, bao giờ con gặp phải những khó khăn đó, con có thể tham khảo ý kiến của bố…
Con ơi, viết xong hơn 200 nghìn chữ, bố cảm thấy như đã đi cùng con cả một đoạn đời con lớn. Thật đấy, bố rất mừng. Con phải yêu mẹ con, mẹ rất khổ, mẹ là người yêu con nhất, cũng là người bố yêu nhất…”.
Từ khi đứa trẻ đi học mẫu giáo, rồi học Tiểu học, Trung học, lên Đại học, cho đến lúc tìm việc, yêu đương, anh đều viết hết.
Chồng tôi cũng viết cho tôi một bức thư:
“Em yêu dấu, cưới em làm vợ là hạnh phúc lớn nhất đời anh, tha thứ cho những gì anh làm tổn thương em, tha thứ cho việc anh giấu em bệnh tình, vì anh muốn em giữ gìn sức khoẻ và tâm lý chờ đón đứa con ra đời…
Em yêu dấu, nếu em đang khóc, tức là em đã tha thứ cho anh rồi, anh sẽ cười, cảm ơn em đã luôn yêu anh…
Những quà tặng này, anh sợ anh không có cơ hội tự tay tặng cho con nữa, em giúp anh mỗi năm tặng con vài món quà, trên các gói quà anh đều đã ghi sẵn ngày sẽ tặng quà rồi…”.
Quay lại bệnh viện, chồng tôi vẫn đang hôn mê. Tôi bế con tới, đặt nó bên anh, tôi nói:”Anh mở mắt cười một cái nào, em muốn con mình ghi nhớ khoảnh khắc ấm áp nằm trong lòng bố…”.
Chồng tôi khó khăn mở mắt, khẽ mỉm cười.
Thằng bé vẫn nằm trong lòng bố, ngọ nguậy đôi tay hồng hào bé tí xíu.
Tôi ấn nút chụp máy ảnh”lách tách”, để mặc nước mắt chảy dọc má…

August 30, 2015

TÌNH THƯƠNG


Nhạc sĩ Dzũng Chinh – tác giả “Những Đồi Hoa Sim” chết trên đồi hoa sim

(Đã có một vài bài viết nói về cái chết của Nhạc sĩ Dzũng Chinh, nhưng tiếc là không chính xác. Bài viết này nhằm mục đích làm rõ cái chết của ông, một nhạc sĩ trẻ được nhiều người biết đến qua nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim”. Người viết bài này đã ở cùng một đơn vị với ông khi ông tử trận)

Nhạc sĩ Dzũng Chinh không có nhiều sáng tác, nhưng nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim” đã làm nên tên tuổi ông. Bài hát được phổ biến trong những năm đầu thập niên 1960, thời điểm chiến tranh Việt Nam bắt đầu khốc liệt, hàng hàng lớp lớp thanh niên miền Nam, hầu hết là những học sinh, sinh viên tạm gác bút nghiên, lên đường tòng quân bảo vệ giang sơn. Bài hát Những Đồi Hoa Sim (viết theo ý bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, một nhà thơ sống ở miền Bắc) phổ biến rất rộng rãi và nhanh chóng được quần chúng đón nhận khá nồng nhiệt, đặc biệt trong hàng ngũ lính chiến miền Nam Việt Nam.


(Núi Chà Bang – nơi Dzũng Chinh nằm xuống)

Nhạc sĩ Dzũng Chinh cũng là một người lính chiến thực thụ. Tên thật là Nguyễn Bá Chính, quê quán ở Bình Can -Võ Cạnh- Nha Trang (có người bảo trong giấy tờ, anh sinh ở Phan Thiết). Trước khi theo học khóa sĩ quan đặc biệt ở Đồng Đế Nha Trang, anh là hạ sĩ quan phục vụ tại một Sư Đoàn Bộ Binh thuộc Vùng IV. Cuối năm 1968, sau khi tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn Úy, anh chọn đơn vị Sư Đoàn 23 BB và xin được phuc vụ tại Trung Đoàn 44 (trú đóng tại Sông Mao, Phan Thiết).

Thời điểm này, Sư Đoàn 23 BB đặt bản doanh tại Ban Mê Thuột, đặc trách hành quân trong lãnh thổ Khu 23 ChiếnThuật. Sư Đoàn có 3 trung đoàn cơ hữu. Trung Đoàn 45 BB trú đóng tại Ban Mê Thuột, nơi có Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, phụ tránh hành quân an ninh tại các tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn. Trung Đoàn 53 BB đồn trú tại Di Linh (Lâm Đồng), trách nhiệm các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Quảng Đức. Riêng Trung Đoàn 44 BB trú đóng tại Sông Mao, Bình Thuận, đảm trách các tỉnh miền duyên hải: gồm Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.

Trung Đoàn 44 BB đồn trú tại trại Lý Thường Kiệt, Sông Mao, một doanh trại rộng lớn của Sư Đoàn 5 BB, thời Đại tá Voòng A Sáng, bàn giao lại để di chuyển vào Vùng 3 CT. Sông Mao là một thị trấn nhỏ thuộc quận Hải Ninh, nằm phía Bắc Phan Thiết khoảng 60 cây số, cách Quốc Lộ 1 gần 2 cây số. Hầu hết dân chúng ở đây là người Nùng, đã theo chân Đại tá Voòng A Sáng và Sư Đoàn 3 Dã Chiến (tiền thân của Sư Đoàn 5 BB) từ vùng Mống Cái,Việt Bắc di cư vào đây tháng 8 năm 1954. Phía dưới là quận Phan Lý Chàm (Chợ Lầu). Dân chúng đa số là người Chàm. Có cả dinh cơ của bà công chúa cuối cùng của Vương quốc Chiêm Thành, với đền thờ vua, cờ xí, long bào và ấn tín. Cách đó không xa là mật khu Lê Hồng Phong nổi danh của VC.

Nhắc đến địa danh Sông Mao và mật khu Lê Hồng Phong, người ta nhớ tới mấy câu thơ nổi tiếng hào sảng của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn:

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu

Chuẩn Úy Nguyễn Bá Chính xin về Trung Đoàn 44 BB nhằm được gần quê quán. Anh được bổ sung về Đại Đội 1 thuộc Tiểu Đoàn 2/44. Đại Đội Trưởng là Trung Úy Nguyễn Văn Chánh và Tiểu Đoàn Trưởng là Đại Úy Ngô Văn Xuân (đến tháng 5 năm 1972 ông là Trung tá Trung Đoàn Trưởng). Một tháng sau khi về đơn vị, anh được vị sĩ quan trưởng khối CTCT Trung Đoàn biết anh là nhạc sĩ Dzũng Chinh nên xin biệt phái anh về Khối CTCT, tạm thời đảm trách Ban Văn Nghệ, mới được thành lập. Vốn mang tính nghệ sĩ và sống phóng khoáng, nên anh thường (dù) về Phan Thiết chơi với bạn bè, nhiều lần vắng mặt tại đơn vị, nên bị trả lại Tiểu Đoàn, tiếp tục giữ chức vụ trung đội trưởng tác chiến.

Đầu tháng 3 năm 1969, Tiểu Đoàn 2/44 di chuyển ra hành quân tại khu vực quận Ninh Phước thuộc Tiểu Khu Ninh Thuận. Đại Đội 1/2 đảm trách an ninh tại Văn Lâm, một làng của người Chàm, nằm phía Đông Nam tỉnh lỵ Phan Rang khoảng 25 cấy số. Nhận tin tức của Phòng Nhì Tiểu Khu, cho biết có một mũi công tác của Việt Cộng từ mật khu núi Chà Bang (tiếng Chàm: Chơk Chabbang) sẽ về Văn Lâm thu thuế và thực phẩm, Tiểu Đoàn ra lệnh Đại Đội 1 cho một trung đội đến án ngữ dưới chân núi Chà Bang để phục kích toán quân VC khi chúng trên đường ra Văn Lâm. Trung Đội của Dzũng Chinh nhận lãnh trách nhiệm đặc biệt này. Đến địa điểm phục kích khoảng 7 giờ tối, Chuẩn úy Chính cho tiểu đội của Trung sĩ Luận ra nằm tiền đồn phía trước, bên con đường mòn dưới chân núi, cách trung đội chừng 500 mét, vừa theo dõi báo cáo bằng tín hiệu riêng khi địch quân xuất hiện, vừa làm nút chặn, khi đám địch bị trung đội tấn công, chạy ngược lại phía sau.

Khoảng 11 giờ tối, một toán người xuất hiện và lên tiếng: “Luận về đây”. Chuẩn úy Chính tưởng là Trung sĩ Luận đã dắt tiểu đội về, nên hỏi lại: “Sao Luận về sớm vậy?” Một tràng súng nổ tức thì. Chinh ngã xuống.

Thì ra có một trùng hợp kỳ lạ, quái ác, đã đưa đến cái chết tức tưởi của Dzũng Chinh. “Luận về đây” lại là mật khẩu của địch, trong đó cũng có tên Luận trùng với tên Trung sĩ Luận, người tiểu đội trưởng của Chính có nhiệm vụ tiền đồn. Địch quân sợ bị phục kích nên đã chia làm hai toán, sử dụng lộ trình khác, không đi theo con đường mòn, nên tiểu đội tiền đồn của Trung sĩ Luận không phát hiện được. Chính vì sự ngộ nhận đáng tiếc này làm Dzũng Chinh đã hứng trọn một tràng đạn AK của địch. Đại Đội cho bắn trái sáng, kịp thời bao vây và truy kích tiêu diệt đám địch quân. Chính bị thương khá nặng. Được trực thăng của Mỹ tản thương kịp thời về Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch Phan Thiết. Nhưng vì vết thương quá nặng ở vùng bụng và ngực, nên sáng hôm sau Dzũng Chinh qua đời.

Cái chết oan uổng của Dzũng Chinh đã được bạn bè cùng đơn vị bàn tán khá nhiều với vài sự kiện mà mọi người cho là những điềm gỡ báo trước:

Ngày xưa lương lính thường không đủ xài, nhất là những khi được về thành phố, nên trước cuộc hành quân, Dzũng Chinh đến Ban Tài Chánh Trung Đoàn xin mượn lương trước. Vị sĩ quan tài chánh ngần ngừ, bảo sao mượn lương sớm thế. mới đầu tháng đã mượn, hơi khó xử cho ông. Dzũng Chinh gãi đầu năn nỉ:

– Thì Đại úy cứ xem như ứng trước tiền tử tuất cho tôi thôi mà.

Vị Đại úy cho mượn, nhưng rầy anh:

– Cậu chớ nói điều gỡ, không nên!

Sau đó, anh rủ hai người lính về thành phố Phan Thiết chơi. Không hiểu đụng chạm thế nào, nhóm anh đánh nhau với một nhóm lính hải thuyền. Trước ngày đi hành quân, anh nhận giấy báo của Quân Cảnh Tư Pháp Phan Thiết, gọi trình diện. Anh khoe với đám bạn bè trong một buổi nhậu rồi nói:

– Kỳ này tao đi luôn, xem thử lấy ai mà trình diện!

Không ngờ anh đã đi luôn thật.

Dưới chân núi Chà Bang, nơi Dzũng Chinh ngã xuống là một vùng đầy hoa sim. Tác giả nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim” cuối cùng cũng đã nằm xuống trên ngọn đồi bạt ngàn hoa sim tím. Anh đựợc an táng tại Nghĩa Trang Mả Thánh ( Phương Sài, Nha Trang), sau này bị chính quyền CS giải tỏa, không biết đã được di dời về đâu.

Cái chết của Chuẩn úy Nguyễn Bá Chính, một trung đội trưởng bộ binh, cũng lặng lẽ như hàng vạn chiến sĩ vô danh khác đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ quê hương, nhưng tên tuổi Dzũng Chinh được nhiều người tiếc thương, nhắc nhở, bởi vì anh là một nhạc sĩ trẻ tuổi, đã tạo nên một tác phẩm đi vào lòng người, và mãi ở lại với thiên thu.

ĂN VÀ ĐỌC


Thỉnh thoảng chúng ta gặp ở tiệm một vài người Mỹ ngồi ăn phở. Có người cầm đũa khá thạo. Trong số một đôi triệu người Mỹ luân phiên đến xứ này rồi ra đi, những kẻ tò mò tiến xa vào nếp sống Việt Nam tới mức ấy chắc không lấy gì làm nhiều. Các kẻ ấy trở về nước, giữa dăm ba câu chuyện ly kỳ về đất Việt xa xôi kể với bạn bè, có thể múa biểu diễn cặp đũa, có thể nói đến cái mùi lạ lùng của rau quế vừa ăn vừa ngắt từng lá bỏ vào tô phở, đến cái vị ngộ nghĩnh của những tép củ hành nhúng trong nước dùng vớt ra với chỏm lá xanh xanh v.v… Như thế là vượt xa quá những khuôn sáo, những chỗ gặp gỡ thông thường của các du khách rồi. Du khách Tây phương nói về món ăn Việt, bất quá gặp nhau ở món nước mắm, rồi thôi.
Vậy những người Mỹ hiếm hoi nọ đáng khen, về sự hiểu biết rộng rãi.

Tuy nhiên từ chỗ biết ăn phở cho đến cái trình độ am hiểu các đặc điểm, các sở trường sở đoản của từng thứ phở bò, phở gà, phở nước, phở áp chảo, phở tái, phở chín, phở nạm, phở gầu, phở sụn v.v…, còn nhiều cách biệt. Rồi từ chỗ thạo phở cho đến cái tâm tình về phở như của Nguyễn Tuân, lại còn một tầng cách biệt nữa. “Nắm vững” một món ăn — chỉ một món thôi — đâu phải dễ.

Thật vậy, không cứ là khách ngoại quốc, ngay đến người Việt Nam không phải ai cũng bưng tô phở mà ăn như nhau, với những cảm tưởng giống nhau. Một nông dân ở thôn ấp nào đó ngoài Phú Yên, Quảng Ngãi v.v… ăn phở Bắc cũng như ăn hủ tiếu Mỹ Tho, cũng như ăn mì Tàu, nghĩa là hững hờ. Còn người nông dân ở Cà Mau, Rạch Giá v.v… chẳng hạn có thể có sự thiên vị bất lợi cho phở. Người Việt miền Nam chỉ hoan hỉ chấp nhận món phở sau một vài canh cải, tức sau khi đã trút vào tô phở được non nửa dĩa giá sống.

Phở là món ăn phổ biến hết sức rộng rãi từ Bắc chí Nam mà còn thế, huống hồ là những món ăn khác. Mỗi món ăn thường chỉ được sủng ái ở một vùng, hoặc rộng hoặc hẹp. Xơi nó thì ai cũng xơi được, nhưng gọi là tri kỷ, biết đến tận cùng cái ngon của nó, chỉ có thể là người một địa phương. Chả cá, bún thang, là những thứ quí của đất Bắc; từ ngày vào Nam dường như nó lạc lõng, ít ai thấu triệt ý vị của nó. Bún bò, bánh lá, ngày nay lưu lạc khắp nơi; nhưng tôi tưởng tượng ở một góc chợ Trương Minh Giảng, ở một hẻm Bàn Cờ, thỉnh thoảng miếng bánh lá mỏng mà gặp lại một cái lưỡi Huế có phảng phất mùi thuốc Cẩm Lệ nó sẽ mừng rơn. Bỏ một miếng bánh, húp một muỗng bún vào mồm, có phải ai cũng thưởng thức như ai đâu. Giữa món ăn với người ăn phải có sự tương đắc. Khi đã tương đắc, đã cảm thông sâu xa với nhau, người Nam ăn ba khía, ô môi, người Huế ăn cơm hến, người Bình Định ăn mắm cua chua chan bún thấy thấm thía, nồng nàn. Cái mùi vị nồng nàn ấy, kẻ khác không chịu được.

Mỗi món ăn chỉ có một số người thực sự hiểu nó, số người ấy là của một địa phương. Vậy món ăn có liên hệ đến khí hậu địa phương chăng?

Ở xứ lạnh dễ thấy cái ngon trong trong chất mỡ béo, ở xứ nóng dễ rành về các thứ rau, canh. Người Huế ăn cay, một phần hình như cũng vì khí trời ẩm ướt của những mùa mưa dai dẳng. Người miền Nam thích giá sống vì nó giải nhiệt?

Khi đã chuyên ăn một món nào đó, người ta càng ngày càng thành thạo trong việc chọn lựa, sử dụng, người ta tìm thấy ở nó những đặc điểm mà kẻ khác không để ý đến; do đó người ta vượt bỏ, tách rời khỏi quần chúng. Về quả ớt chẳng hạn, chắc chắn đồng bào ở các nơi ít ai theo kịp người Huế trong cách thưởng thức: kẻ yêu ớt không chỉ yêu nó vì cái vị cay, mà còn vì mùi hăng nồng, vì cái tiếng kêu giòn phát ra dưới răng khi cắn nó, lại yêu vì trông nó sướng mắt, cầm nó sướng tay trong giây phút mân mê trước khi đưa lên mồm… Người Huế ngoài cách ăn ớt bột, ớt tương, ớt xắt, ớt giã v.v…, còn thích lối ăn cầm cả trái ớt tươi rắn chắc mà cắn kêu đánh bụp trong miệng thật ngon lành; để cắn, họ chọn ớt xanh.

Nhưng một chuyện khí hậu nhất định không đủ. Cái ăn còn tùy thuộc ở sản phẩm sẵn có của địa phương, ở lịch sử v.v… Ở lịch sử? Nghe thì to chuyện, nhưng chính tại lịch sử mà người Bình Định quen ăn bánh tráng. Thứ bánh tráng Bình Định tìm mua ở Sài Gòn rất khó, vì không thấy bán ở các chợ, chỉ gặp tại một vài nơi ngoại ô hẻo lánh; người Bình Định có những bữa ăn dùng toàn bánh tráng thay cơm, cho nên bánh tráng ở đây có địa vị quan trọng hơn ở các địa phương khác. Đi xa, người Bình Định nhớ bánh tráng như người Việt sang Âu châu nhớ cơm, nhớ bánh cuốn. Như thế có phải vì bánh tráng từng là lương khô dùng trong quân đội Nguyễn Huệ, xuất phát từ Bình Định?

Món ăn còn quan hệ với lịch sử theo cách khác. Thiết nghĩ người Việt Nam đời Trần dùng món thịt cầy không đối diện với dĩa rau thơm giống dĩa rau thơm chúng ta có trước mặt ngày nay. Không phải đột nhiên tự lúc đầu lá mơ đã đi với thịt cầy, rau om đã tìm đến thịt cầy. Tôi chắc thế. Các đấng tổ tiên phải có một thời kỳ mò mẫm, thí nghiệm; có thể các ngài đã thử dùng lá chanh và rau răm ăn với thịt heo chẳng hạn, dùng rau om với thịt gà, dùng lá lốt với thịt cầy chẳng hạn v.v… Cả tập thể tham gia vào cuộc tuyển trạch, mọi người đều có quyền tự do khen chê. Những cái không thích hợp dần dà bị đào thải, các lầm lẫn được sửa chữa, các thiếu sót được bổ túc. Cứ thế, từ thế kỷ nọ sang thế kỷ kia, hết thế hệ này đến thế hệ khác kế tiếp nhau canh tân, rốt cuộc mới đến chỗ toàn mỹ.

Nhưng đã toàn mỹ chưa? Chưa chắc. Hôm nay ta nhắm nháp chả cá, lấy làm đắc ý và hãnh diện về nghệ thuật nấu nướng của dân tộc; tam bách dư niên hậu, có thể cách ấy sẽ bị xem là quá thô sơ. Trước đây năm bảy thế hệ, trên mâm chả cá có thể thiếu thìa là, có thể thiếu chén đậu phụng rang, mắm tôm có thể thiếu giọt cà cuống… Sau đây năm bảy thế hệ người Việt nữa, ai ngờ được sẽ xảy ra thêm những phát kiến gì mới?

Một món ăn, nó cần có thời gian để tự cải tiến; mỗi địa phương cần có thời gian để hoàn thiện các món ăn của mình. Lâm Ngữ Đường chê bai món ăn Tây phương nghèo nàn: nó nghèo nàn như vậy phải chăng vì lịch sử văn minh của Tây phương ngắn ngủi hơn của Trung Hoa? Lịch sử dần dà làm phát triển văn chương, khoa học; nó cũng làm phát triển các món ăn nữa. Nhưng trong khi các kế hoạch gia hy vọng đốt giai đoạn để sản xuất gấp bom nguyên tử, không ai đốt được giai đoạn để cải thiện món phó-mát, để sản xuất gấp một thứ phó-mát mới ngon hơn các thứ cũ. Nghệ thuật khoan thai đủng đỉnh hơn khoa học; nó không chịu sự thúc bách giục giã. Phải chờ đợi. Phải có thời gian cho nó.

Sự hình thành của một món ăn cũng như của một câu ca dao, của một điệu dân ca. Ấy là những công trình tập thể, trong đó mỗi cá nhân đều có sự đóng góp. Thật dân chủ, bình đẳng: mỗi người một lá phiếu. Lá phiếu ở đây là cái lưỡi. Và sự chọn lựa của mỗi người không có lý do gì để thiếu chân thành. Mỗi người chọn lựa bằng cả các tạng phủ của mình, bằng tất cả các đặc điểm thể chất của mình, để cùng nhau đi đến cái kết quả chung trong đó mỗi người của địa phương đều có trách nhiệm: người Huế tìm ra cái hay ho của ruốc, người Nam thấm thía ý vị của nước cốt dừa v.v… Tại sao vậy? Người ta không tìm được câu trả lời dễ dàng. Sự chọn lựa ấy, căn nguyên của nó bắt nguồn từ những cội rễ nào thâm thiết sâu xa trong kiến trúc sinh lý của con người mỗi nơi. Người của mỗi địa phương có một cá tính riêng về tâm lý: có nơi hào hùng, có nơi keo kiệt, có nơi ưu du nhàn dật… Mỗi địa phương cũng có thể có một cá tính sinh lý chăng? Sự dị biệt trong thứ cá tính ấy hẳn là mong manh, tế nhị, tinh vi lắm; khó lòng mà biện biệt phân minh. Tuy nhiên rõ ràng nó đã nêu ra những đòi hỏi khác nhau, những sở thích khác nhau.

Như vậy người ta không chỉ ăn bằng mồm. Con người ăn là ăn bằng cả gốc gác quê hương, bằng phong tục tập quán của mình, bằng cái khí chất riêng biệt của cơ thể mình, cũng như bằng lịch sử, bằng trình độ văn hóa của xứ sở mình. Trong một dĩa đồ ăn, có phản ảnh của khí hậu một miền, của những đặc điểm sinh lý con người địa phương… Và giả sử nói có cả phản ảnh của một phần nào những đặc điểm tâm hồn trong đó có quá chăng? Cái vị ngọt rất thanh của các thứ chè ở Huế gợi nhớ đến nét dịu dàng trong giọng nói và trong tính tình người Huế. Nhất là nếu so sánh thứ nước chấm pha chế rất dịu ở Thừa Thiên với thứ nước mắm thường dùng giữa khoảng đèo Hải Vân cho đến đèo Đại Lãnh, người ta không khỏi nghĩ đến cái tâm lý xẳng xớm bộc trực của người dân Việt từ Quảng Nam Quảng Ngãi trở vào…

Từ chút nước mắm chấm rau chấm thịt mà nói đến tâm hồn con người, e đã quá xa. Tưởng không nên tiếp tục chuyện ăn uống nữa, nếu không muốn lạc vào chỗ viển vông lố bịch.


Nhưng văn chương nghệ thuật lại cũng không khác cái ăn là mấy. Ca dao, dân ca là sản phẩm của một địa phương; và thưởng thức đến tận cùng cái hay ho của nó hình như cũng chỉ có thể là người của địa phương. Nghe một điệu ru à ơi trong đêm khuya chúng ta rung cảm thấm thía đến đáy lòng, tưởng trên thế giới khó có một giống dân nào nghe điệu hát ấy mà cùng có được cái rung động của chúng ta. Họ có nghe chăng bất quá là nghe bằng lỗ tai thẩm âm tinh tế; còn chúng ta nghe bằng cả quãng đời thơ ấu của riêng mình, bằng truyền thống của dân tộc mà mỗi chúng ta thừa tiếp nơi mình…

Hiểu một câu ca dao, một bài thơ cũng vậy. Ngôn ngữ dùng để làm ra thơ văn không thể là cái ngôn ngữ chỉ có nghĩa mà thôi. Tiếng Espéranto không có hy vọng dùng vào thi ca. Nó chỉ có nghĩa, nó không có hồn.
Hồn của ngôn ngữ là cái quái gì ?

Mỗi tiếng nói: non sông, ruột thịt, xanh, vàng v.v…, ngoài cái nghĩa nó ra, còn có khả năng khơi động nơi mỗi chúng ta một rung cảm nào đó. Liên quan giữa rung cảm nọ với ý nghĩa của mỗi tiếng nói thật xa xôi mơ hồ. Bởi vì cùng một tiếng có một nghĩa nhất định, lại có thể gợi lên những xúc động khác nhau tùy mỗi người, mỗi dân tộc. Cái nội dung tình cảm mơ hồ nọ do cuộc sống của tập thể gửi vào ngôn ngữ. Có dự vào cuộc sống của tập thể nào mới cảm thông với cái hồn của ngôn ngữ nấy. Chủ trương thơ thuần túy chính căn cứ vào sức tác động bí ẩn của ngôn ngữ, chứ không phải vào ý nghĩa minh bạch của nó; bởi vậy cái hay mà thơ thuần túy nhằm đạt tới là ở ngoài phạm vi ý nghĩa. Và như thế một kẻ trí thức ngoại quốc, sống ngoài cộng đồng dân tộc Pháp, một kẻ mà những buồn vui sướng khổ trong đời không liên hệ gì đến tiếng nói Pháp, mà hàng ngày những tai nghe mắt thấy cùng xúc cảm trong lòng không dính líu gì đến tiếng nói Pháp…, một kẻ như thế có thể thưởng thức được gì ở thơ Valéry, Mallarmé? có thể thưởng thức sao được như một người Pháp?

Cũng như ăn không chỉ bằng mồm, người đọc không chỉ đọc bằng khối óc suy xét. Người ta thưởng thức cái đẹp của một văn phẩm nước nào bằng cả cái kinh nghiệm chung chạ cùng tiếng nói nước ấy, bằng cả sự gần gũi với nếp sống đã từng phát sinh và không ngớt bồi đắp cái tiếng nói ấy… Nếp sinh hoạt nọ đã thổi sinh khí vào ngôn ngữ kia, làm sao hiểu hết một công trình mỹ thuật xây dựng trên ngôn ngữ kia mà không cần biết đến nếp sinh hoạt nọ?

Nguyên một tiếng nói để sử dụng đã thế, những công trình xây dựng bằng tiếng nói ấy lại còn mang thêm nhiều nét cá tính của từng xứ sở, từng dân tộc.
Âm thanh và cuồng nộ của Faulkner là một tuyệt phẩm của Mỹ. Con người Việt Nam chúng ta biết tìm ở chỗ xó xỉnh nào trong tâm hồn mình cho ra cái “cuồng nộ” tương tự? Sách đọc mà thực tình thấy khoái là khi nào người đọc cảm thấy giữa mình với tác giả có chỗ đồng thanh đồng khí. Đàng này cái “cuồng nộ” nọ chỉ làm ta kinh ngạc.

Người Mỹ, qua các nhân vật của Steinbeck, của Hemingway, của Caldwell v.v…, thấy quả thấp thoáng họ có cái bạo liệt dữ tợn riêng. Những anh chàng mê say vuốt lông chuột, ham đấm đá, đấu bò rừng, những ông cha trông thấy đứa con trai độc nhất vừa tự tử chết lại tiến đến bắn thêm cho nó một phát vào đầu, trông thấy thằng rể da đỏ liền quạt cho nó một loạt đạn dưới chân v.v…, những nhân vật ấy đã mang sẵn ít nhiều cuồng nộ nơi mình; tâm hồn của họ tương ứng với nhau. Gặp nhau họ thích thú, họ khoái trá. Còn chúng ta, không phải là cá mà đòi vui cái vui của cá sao được !

Trái lại, một vài tác giả Việt Nam như Nguyễn Tuân chẳng hạn làm sao được thưởng thức ở một dân tộc hiếu động? Nguyễn Tuân tiền chiến có cái ề à dềnh dang, chuyển ra ngoại ngữ có lẽ là vô duyên mà đối với chúng ta thì là hấp dẫn. Bút pháp ấy biểu hiện một phong thái đặc biệt, quen thuộc ở một lớp người trong xã hội ta, nhắc nhở đến nếp sống của dân tộc ta trong một thời đã qua; ta thấy nó đẹp, người ngoài có thể chỉ thấy là lạ, nếu không là kỳ cục.

Như vậy bảo rằng nhân loại giống nhau quả có giống, nhưng chú ý đến chỗ khác nhau thì cái khác cũng sâu xa lắm lắm.

Hơn ba mươi năm trước, khi những cuốn truyện của Pearl S. Buck ra đời, Âu Mỹ lấy làm ngạc nhiên. Trong bài tựa cuốn Người mẹ, Louis Gillet cho rằng Pearl Buck đã trình bày được chỗ lạ lùng nhất của người Tàu, ấy là họ rất giống người Âu Mỹ.
Xưa kia, phương tiện giao thông hiếm hoi, xứ xứ cách nhau, người người xa nhau, vì vậy dân Tàu cho dân Âu là quiû, dân Âu cho dân Tàu cổ quái: tục lệ kỳ dị, ăn mặc lố lăng, ngôn ngữ líu lo. Cái bề ngoài dị biệt làm cho các dân tộc không hiểu nhau. Sau bước đầu tiên kết thân, người ta thở ra nhẹ nhõm: Thì ra Tàu với Tây cùng là người cả, không ai là quỉ. Cũng hỉ, nộ, ai, lạc… Giống nhau đáo để! Hay nhỉ.
Nhưng rồi gần gũi lâu dài hơn chút nữa, đi sâu vào các hỉ nộ ai lạc ấy, mới lại thấy muôn vàn khía cạnh khác nhau.

Như thế có một thời kỳ để chúng ta phát giác ra chỗ giống, và một thời kỳ nữa để nhận định ra các chỗ khác của nhau.

Một cuốn sách về cơ học, dịch ra tiếng nước nào cũng hiểu được cùng một cách; nhưng một tác phẩm văn nghệ phải tìm đến những tâm hồn đồng điệu. Bạn đồng điệu, tôi ngờ rằng không thể cách ta quá xa trong không gian.

Thỉnh thoảng gặp những người không thích ứng được với những món ăn của đồng bào khác địa phương ở ngay trong nước mình, mà lại tiếp đón niềm nở tấm tắc ngợi khen ngay các hình thức văn nghệ mới lạ từ xa đến, các trường hợp đó đôi khi đáng ngờ.
Cơ thể chọn món ăn riêng cho nó và có những yêu ghét rõ rệt; tâm hồn chọn cái đọc lại dễ dàng hơn sao?

BIẾT SỐNG TUỲ DUYÊN


''Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời.''

Tùy duyên là hoan hỷ chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại, ngưng đối kháng và bình thản chờ đợi nhân duyên thích hợp hội tụ. Nhiều khi chính thái độ ngưng đối kháng và bình thản chờ đợi ấy lại là nhân duyên quan trọng để kết nối với những nhân duyên tốt đẹp khác. Ta đừng quên khi một việc được thành tựu thì phải hội tụ hàng triệu nhân duyên, nếu chỉ thiếu một duyên thì nó cũng có thể không tựu thành. Nếu ta có hiểu biết sâu sắc hay từng trải nghiệm thì trong vài trường hợp ta có thể đoán biết được mình nên làm gì và không nên làm gì để cho nhân duyên tốt hội tụ đầy đủ trở lại và nhân duyên xấu sớm tan biến đi.

Ta thường gọi nhân duyên tốt là thuận duyên, và nhân duyên xấu là nghịch duyên, tức là những điều kiện có lợi và bất lợi cho ta. Có những duyên thuận với ta, nhưng nghịch với kẻ khác và ngược lại. Đó chỉ là nói trong phạm vi con người, trong khi nhân duyên luôn xảy ra với vạn vật trong khắp vũ trụ. Bản chất của nhân duyên thì không có thuận nghịch, tốt xấu. Nó chỉ hội tụ hay tan rã theo sự thích ứng giữa các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể mà thôi. Ấy vậy mà thói quen của hầu hết chúng ta khi đón nhận thuận duyên thì luôn cảm thấy sung sướng và rất muốn duy trì mãi nhân duyên ấy, cón khi gặp phải nghịch duyên thì luôn cảm thấy khó chịu và tìm cách tránh né hay loại trừ.



Nhưng chưa hẳn thuận duyên sẽ đem lại giá trị hạnh phúc hay nghịch duyên sẽ mang tới khổ đau, bởi có khi nghịch duyên đưa tới sự trưởng thành, còn thuận duyên sẽ khiến ta yếu đuối. Và nhiều khi thuận duyên ban đầu nhưng lại biến thành nghịch duyên sau này, có khi nghịch duyên bây giờ nhưng lại biến thành thuận duyên trong tương lai. Tất cả đều tùy thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của ta.

Do đó, ta không cần phải khẩn trương thay đổi những nhân duyên mà mình không hài lòng, hay cố gắng tìm kiếm những nhân duyên mà mình mong đợi. Khi tâm ta đã vững chãi đủ để tạo ra những nhân duyên an lành thì những nhân duyên tương ứng sẽ tự động kết nối. Mà sự thật khi tìm được sức sống từ nơi chính mình rồi thì ta sẽ không còn coi là quan trọng những giá trị bên ngoài nữa. Nhân duyên nào cũng được cả, thong dong tự tại. Đức Đạt-lai Lạt-ma có dạy:”Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời.”

August 28, 2015

NHỚ MẸ



Tháng Bảy lại về. Một chút nắng vàng ươm, một chút gió heo may chuyển mùa sang Thu, một chút bâng khuâng ngọt lòng thơm thảo. Nhìn các Phật tử chuẩn bị lễ gần cả tháng trời, tôi cũng náo nức lòng theo tháng Bảy Vu Lan.

Dẫu tất bật mưu sinh, dẫu nặng mang kiếp người trần thế, lòng tôi vẫn vang lên điệu Bông Hồng Cài Áo. Dẫu là người ngoại đạo, nhưng mỗi khi nghe lời bài hát, tôi luôn thấy bóng dáng Mẹ hiền. Mẹ như chuối chín cây, Mẹ như mây như gió, Mẹ như ánh nắng trời, như biển Đông ngời ngời của lục bát ca dao…

Trước mắt tôi hiện lên bao người Mẹ. Này đây nước mắt Mẹ mừng vui khi con khôn lớn, khi con nên vợ nên chồng; này đây dáng Mẹ cánh cò, cánh vạc xăm xăm sớm tối đi về; này đây bóng Mẹ liêu xiêu giữa mùa giông bão; này đây mắt Mẹ ngóng dõi mòn trông chồng, ngóng con trong mùa bão biển… Này Mẹ mừng vui khi con lớn khôn; này nước mắt Mẹ mặn xốn xang khi con theo chồng về xứ lạ… Và biết bao hình bóng của những người Mẹ trên đời này đang hiện ra trong tâm thức của tôi.

Tôi đang đi trọn kiếp người. Tóc gần trắng hết như tóc Mẹ. Nhưng tôi vẫn cứ thấy mình như trẻ con trước Mẹ. Tôi quên sao được, những lần cúng giỗ, Mẹ tất bật quán xuyến lo toan. Chỉ nhìn con cháu quây quần bên mâm cơm là Mẹ no rồi! Chỉ nhìn con cháu hiền ngoan là Mẹ mãn nguyện. Nói thế, cũng có lúc tôi và các em vẫn làm Mẹ buồn. Anh em chúng tôi có lúc bất đồng ý kiến nhau, có lúc cãi nhau, lý sự với nhau. Mẹ chỉ nhìn buồn. Mẹ như nói một mình: Sao anh em bay chẳng thương nhau? Cãi nhau mà vui được à? Cùng mẹ cùng cha sao các con lại muốn hơn thua? Nghe Mẹ nói, anh em tôi biết mình có lỗi. Mẹ nói thế, nhưng Mẹ vẫn lo cho chúng tôi, vẫn che chở cho chúng tôi.

Và trước mắt tôi, hiện lên những người Mẹ vĩ đại khoan dung, yêu thương con cháu. Biết bao bà Mẹ đã từng có những đứa con bên này, bên kia của cái gọi là ý thức hệ. Biết bao bà Mẹ có những đứa con tranh chấp gia tài, hơn thua tiền của… Mẹ chỉ buồn mà vẫn yêu thương chúng như nhau! Mẹ có thiên vị đứa nào đâu! Tất cả đều là con của Mẹ kia mà!

Và tôi nghĩ về bà Mẹ vĩ đại của dân tộc tôi: Mẹ Việt Nam! Tôi biết nói gì với Mẹ trong mùa Vu Lan. Mẹ có biết có những đứa con chửi rủa người thân? Có những đứa con làm tội làm tình lẫn nhau? Có những đứa con đạp vào mặt anh em chúng?... Tất cả chúng đều là con của Mẹ Việt Nam. Mẹ Việt Nam có riêng của đứa nào đâu?

Lòng tôi chùng xuống, thành khẩn nguyện cầu cho Mẹ Việt Nam mãi là Mẹ của chúng con.

Tôi ngồi suy tư cho đoạn kết bài viết này. Chợt có tiếng khóc của trẻ con bên hàng xóm. Và cất lên lời ru của người bà, người bà của thế kỷ XXI đang ru cháu bằng lời bài hát – chứ không phải lời ru cổ: Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…

Mẹ của tôi ơi! Mẹ Việt Nam ơi! Mãi bao la tình Mẹ trong tôi.


NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY


“…Những hẹn hò từ nay khép lại

thân nhẹ nhàng như mây… (TCS)”


Khi những bông hoa ném xuống huyệt mộ và tiếng kèn trumpet trỗi lên… tôi mới thực sự nhận ra rằng từ nay người bạn thân của mình không còn trên cõi đời này nữa“. ..bao nhiêu năm làm kiếp con người… chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vội chết một ngày…” 

Dẫu biết rằng trong cuộc sống tạm bợ này, chúng ta chỉ có thể cùng nhau đi chung một đoạn đường, dù đồng hành ngàn dặm rồi cũng phải chia tay, nhưng sự ly biệt nào cũng để bao nỗi ngậm ngùi cho người ở lại.

Tôi thức dậy từ lúc trời còn mờ tối để chuẩn bị đi đưa người bạn thân về

“ nơi an nghỉ cuối cùng”. Khi lên xe tiễn bạn tôi một quảng đường khá dài, tôi ngạc nhiên khi thấy chỉ lác đác dăm ba người bạn cũ… sao lại thế nầy? Sinh thời, anh giao du rộng rãi, bạn bè rôm rả đầy nhà trong những lần họp mặt, nhưng khi tiễn anh lần cuối trong kiếp sống thì… sao lại thế nầy?.

Người bạn thân ngồi cạnh tôi nhắc lại một câu trong bản nhạc của Vũ Thành An “…khi lìa trần có mấy người đưa…” có lẽ người nhạc sĩ tài hoa này cũng đã bao lần chứng kiến những cảnh đời như vậy nên mới viết lên những từ thấm thía ấy chăng? 

Cuối cùng rồi, dù mau hay chậm, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải lần lượt rời bỏ thế gian đầy sầu muộn và bất trắc này để bước qua chiếc cầu mà không một ai muốn đến :

“ Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau…”

Xe chạy xuyên qua những cánh rừng cao su để ra lộ chính trở về thành phố, nỗi buồn tràn ngập trong mắt mỗi người, từ nay những lần họp mặt, những hẹn hò với anh sẽ khép lại. Anh nằm đó, đời đời yên nghĩ và sẽ không bao giờ còn găp lại anh.

Ngày mai, mỗi người lại bận rộn, tất bật với cuộc sống của riêng mình, những đau buồn, thương nhớ rồi cũng sẽ nguôi ngoai, nhưng tôi sẽ mãi mãi giữ lại hình ảnh trong đó có niềm vui, hạnh phúc xen lẫn những nỗi buồn man mác mà bây giờ chỉ còn là kỷ niệm, kỷ niệm dịu dàng… của một quảng đời thân yêu cũ.

Sài Gòn vẫn như mọi ngày, trên đường phố người ta vẫn chen chúc, hối hả với việc mưu sinh dưới cái nắng oi ả, ngột ngạt của những ngày sắp vào hè. Tiếng còi xe làm tôi chợt tỉnh và nhận ra mình đang cùng dòng người lưu thông trên đường đầy ắp xe cộ, cây lá hai bên loang loáng dưới ánh nắng, tôi nhìn những chiếc nón lô nhô trước mặt, không biết họ đang nghĩ gì? Nhưng chắc chắn sau những niềm vui, người nào cũng sẽ mang theo một nỗi buồn hoặc âu lo bên cạnh. Cuộc sống vốn dĩ là như vậy, không thể có một điều gì toàn vẹn.

Con đường còn mịt mờ phía trước, không ai biết được điều gì sẽ xảy ra ở ngày mai, nhưng chắc chắn một điều là ngày mai vẫn đến, mặt trời vẫn lên, gió vẫn len lỏi qua từng tàn lá, vòm cây trên đường phố và người ta vẫn tất bật vì cuộc sống trong mọi ngã ngách của thế gian đầy những đau thương và sầu muộn nầy.

August 23, 2015

PHẢI BIẾT NÓI "KHÔNG" VỚI NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG NÊN MỖ


Đời mình đã sống trên 70 là quá đủ, nếu ham sống mà sau khi mổ, phải mang tã cho đến chết, hay ỉa, đái ngang hông, thở oxy thường trực cho đến chết thì nên suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định cho “lang băm” kiếm thêm tiền của ca mổ. Thân xác mình sẽ gánh chịu suốt quảng đời còn lại sau ca mổ đó… Bài rất hữu ích của một bác sĩ, cựu giáo sư đại học y khoa Mỹ.

                            oOo

Ðã đi vào giai đọan LÃO thì phải BỆNH thì mới CHẾT được chứ !!! Nhưng mình có bệnh mà VÔ THỨC trong việc thuốc men chữa trị và giao 100% cho Bác Sĩ thì đó là NỔI BẤT HẠNH của một số không nhỏ người bệnh !!!

Có cơ hội gần gũi và tiếp xúc hỏi thăm những người có bệnh (nhiều loại bệnh) được một số không nhỏ yêu cầu trước khi giao cho BS mỗ bất cứ bệnh gì ngoại trừ trường hợp Emergency (khẩn cấp) thì nên có Second /Third Opinion (ý kiến thứ 2, thứ 3) rồimới OK !!!

Chuyến đi Los vừa rồi tôi ghi nhận 3 Ca mổ của bạn bè.

Ca 1: mổ mắt mù luôn nên từ chối lời BS bảo mổ mắt còn lại và bây giờ chỉ nhìn đời bằng 1 mắt thôi.

Ca 2: mổ Tiền Liệt Tuyến 7 năm nay tình trạng ngày càng tệ hại hơn chứ chưa lúc nào khá hơn cho đường tiểu và mất hứng thú nam giới kể từ lúc mổ đến nay !!!

Ca 3: Mổ đốt Xương sống SỐ 5 ở cổ, trước khi mổ còn lái xe đi đây đó nhưng từ sau mỗ hết lái xe vì nhiều bộ phận phản ứng chậm (tay chân mắt) do khu thần kinh tiểu nảo bị ảnh hưởng xấu của mổ và hiên nay nghĩ lại rất hối tiếc nhưng không còn kịp !!!

Cả 3 vị này nói câu kết rất đáng suy nghĩ : Người Cao niên có nhiều bệnh phải mổ nhưng nếu hiện chưa cần phải mổ ngay (trừ Emergency) khi mình chịu đưng được thì nên ráng sống vui với bệnh và không nên mổ vì mình nhiều khi chết trước khi bệnh cần mổ !!! Triết Lý cuộc sống mà người GIÀ cần suy gẫm !!!

Nhờ có chuyến đi này nên tôi kịp thời ngưng việc MỔ một bệnh mà tôi cảm thấy còn chịu đựng được !!!

Thân mến chia sẻ cùng mọi người và mời đọc qua các Email dưới đây .

oOo

Luôn kiếm second/third opinion. Vì trong giới y tế Mỹ cũng có nhiều lang băm lắm. Tôi cũng là nạn nhân của một anh bác sỹ thích mổ, chắc mổ là có tiền. Bệnh nhận mang tật là chuyện của bệnh nhân.

Cách đây 15 năm, tôi bị nghi là bị prostate cancer (ung thư tiền liệt tuyến) vì PSA lên cao 6.5. Tôi được giới thiệu tới gặp một anh bác sỹ già chuyên về prostate. Anh ta làm biopsy (sinh thiết) cho tôi, đâm 18 mũi kim dài vào prostate (tiền liệt tuyến) để lấy mẫu tế bào xem có bị prostate cancer không.

Sau khi bị làm prostate biopsy, tôi bị chảy máu ra nhiều vì anh bác sỹ này làm vụng quá, rồi tôi bị bí tiểu (urine clot), nên phải đi nhà thương gấp vào ban đêm. Sau hai ngày nằm nhà thương, anh bác sỹ nói tôi bị prostate cancer, đòi hai ngày sau phải mổ liền lập tức.

Vì biết prostate cancer không làm ai chết liền 6 tháng, tôi không chiụ và muốn có ý kiến thứ hai của bác sỹ khác, anh bác sỹ già này không thể bịp tôi được, nên tức tôi lắm, và nói đừng trở lại gặp anh ta nếu không muốn anh ta mổ. Mổ prostate tức là cắt bỏ prostate trong người, sau đó phải đeo tã như con nít còn nhỏ suốt đời, vì khi nước tiểu trong bàng quang (bladder) đầy, sẽ trào ra, vì đầu valve ở prostate không còn nữa.

Sau đó tôi xin một giáo sư bác sỹ khoa trưởng về urology (khoa tiết niệu) của bệnh viện đại học y khoa khám lại, và làm biopsy lại, kết quả tôi không bị prostate cancer như anh bác sỹ già kia khám, mà chỉ bị sưng prostate. Mười năm nay tôi không bị prostate cancer.

Xin đọc kỹ những kinh nghiệm của Bác Sĩ Vi Sơn để có thể tránh được những sai lầm to lớn trong tương lai.

Kính thưa quý thân hữu,

Hôm nay tôi nhặt được trên forum (diển đàn) bạn một lá thư của anh Nguyễn Minh Châu, trung tá TQLC/QLVNCH và là nguyên quận trưởng quận Dĩ An, Biên Hoà viêt về một kinh nghiệm anh có gần đây với bác sĩ Mỹ ở một bệnh viện Mỹ ở El Camino, California.

Sau đó chị Phương Lan có viết thơ hỏi, loại sai lầm như vậy có thực sự xẩy ra với BS và bệnh viện Mỹ không ? Xin quý thân hữu đọc lá thơ của anh Nguyễn Minh Châu và sau đó đọc phần tôi xin trả lời chị Phương Lan và một số quý vị đã viết thơ hỏi trước đây về đề tài tương tự.

Ðây là câu chuyện xảy ra tại Bịnh Viện El Camino của Mỹ.

Ngày 9 tháng Oct 2011, tôi được cựu ÐT Vũ Văn Lộc GÐ /IRCC tổ chức ÐNH Tình Ca Cho Em. Tôi được mời đến xem và nhận một hoa hồng về dâng lên bàn thờ vợ tôi. Chẳng may tôi bị té bể đầu và sau khi làm Head Scan thì được biết là xuất huyết não. Tôi phải nằm BV 6 ngày để theo dõi. Ngày sau hết chảy máu. Sau 2 lần nữa Scan trước khi xuất viện, BS cho biết kết quả stable (ổn định). Thứ Sáu tuần sau làm Scan đầu lại cho an toàn.

Trong thời gian về Belmont tôi có vào Net để biết thêm tình trạng Head injury của tôi và tự theo dõi. Tôi chẳng thấy Incidents (biến cố) gì xảy ra và vẫn email hằng ngày choquý vị.

Nhưng Scan lần thứ 4 nầy, Neurologist (BS thần kinh) lại nói não của tôi sưng thêm và rỉ máu. Ông ấy yêu cầu tôi phải chịu mổ đầu, nhưng tôi quyết định không mổ và yêu cầu Chief of Neurology (trưởng khoa thần kinh) duyệt film lại, vì theo tôi tự thấy chẳng có chóng mặt, nhức đầu hay Nausea (buồn nôn) gì hết và ăn ngủ bình thường tại sao phải mổ ?.

Sau nửa giờ, ông BS mổ đầu cho tôi biết là Sorry of wrong informations, nên không có mổ.

Kính quý vị, BS là thầy trị bịnh, còn người nhận định bịnh và suy xét để quyết định chính là bịnh nhân. Nếu bịnh nhân không biết gì hết mà để BV toàn quyền, có thể tai hại vô cùng. (NMC)

Theo như thơ anh Nguyễn Minh Châu, thì liệu một sự sai lầm chuyên môn như vậy có thể xẩy ra đối với bác sĩ và bệnh viện ở Mỹ một cách rộng rãi hay không ?

Theo cơ quan Food and Drug Administration thống kê, thì ở Mỹ, mỗi ngày có một người chết (oan) vì sai lầm trong ngành y tế ở Mỹ. What a shame for such an understatement của cơ quan FDA mà tôi cho là một trong những cơ quan bất tài và mâu thuẫn nhất trong chính phủ Mỹ. Họ nhiều khi chỉ trong thời gian một năm có thể đổi ngược quyết định 180 độ.

Tuy vậy họ cũng phải thừa nhận là trên nước Mỹ, hàng năm có 1 triệu ba trăm ngàn (1,300,000) ngàn người dân Mỹ bị tổn thương bởi lỗi lầm của BS/Bệnh viện/ dược sĩ/dược phòng. Về con số tử vong do các thực thể vừa kể gây, không phải chỉ có mỗi ngày một người bị chết vì lỗi lầm y tế, mà thực ra mỗi năm có tới 7 trăm tám mươi ngàn (780,000) người Mỹ bị chết do lỗi lầm y tế gây ra. Cần biết, số người Mỹ tử nạn trong tai nạn xe cộ ở Mỹ chỉ độ 45,000 người một năm nghĩa là 1 phần 17 (1/17) cuả con số trên đây. Có người đã gọi cái thảm trạng này là “the American unspoken holocaust”.

Tôi dám mạnh miệng nói sự thật mà không sợ bị gắn cho là có ác cảm với ngành y-tế Mỹ vì chính tôi là một thành viên của ngành này. Cần nói ngay, là thực sự ra, mặc dầu những thiếu sót, xấu xa trong ngành y tế Mỹ, ngành này vẫn là ngành đứng đầu thế giới về mức độ tân tiến và hữu hiệu. Tuy nhiên vẫn cần nói cái mặt trái của nó vì có sống trong chăn, thì mới biết chăn có rận.


Nói như vậy có mâu thuẫn không ? Am I speaking from both corners of my mouth ?. Dạ thưa không. Chúng ta phải nhớ là không có nước nào đoạt được nhiều giải Nobel Prize về y-tế như nước Mỹ. Nói về số khoảng 1% giới khoa học gia và nghiên cứu, kể cả y-tế, ở Mỹ thì họ thuộc thành phần lỗi lạc hàng đầu thế giới khó ai bì kịp.

Tuy nhiên, giới chuyên môn ngành y tế còn lại thì thật đa dạng. Một số khoảng 40 % thuộc loại giỏi, 20 % thuộc loại khá. Tôi nói không sợ nói ngoa là phần 30 % còn lại thuộc loại tầm thường tới hoàn toàn bất tài. Họ không thuộc bài vở, định bệnh nhờ phần lớn vào thử nghiệm và trang bị tối tân.

Lại thêm một vấn đề nữa của giới Bác Sĩ Mỹ là trịch thượng (arrogant), không có nhiệt tình (compassion) với bệnh nhân, mà chỉ quan tâm làm càng nhiều tiền càng tốt. Có một anh Bác sĩ về tim ở đây chỉ hai ba năm hành nghề đã kiếm cả chục triệu. Bạn hỏi sao mà dữ vậy. Cho bạn một ví dụ, như bác sĩ sau đây : thân chủ nào mới tới (trong đó có tôi), anh khám qua loa, rồi nói là phải làm cath (soi tim). Một ngày anh làm từ 2 tới 4 cái, mỗi cái anh tính 4000 dollars (cho riêng anh, không kể tiền bệnh viện).

Trung bình chỉ heart cath thôi anh đã kiếm 12 tới 16 ngàn dollars một ngày (dĩ nhiên tôi từ chối không làm cath với anh ta). Một năm chỉ cath không thôi, anh ta đã kiếm trên 3 triệu rưỡi. Tôi đã nói thẳng vào mặt tay này: “I am not interested in doing anything with a damn money grabber like you!” khi anh ta lên tiếng dậy đời với tôi là tôi “sai lầm” khi tôi không chịu làm cath với anh ta.

Nói một chuyện thật xảy ra cho người bạn đường yêu mến của tôi. Bạn biết cách đây hơn 06 năm, Lucie bị breast cancer (ung thư ngực). Tôi mang cô ấy tới một bác sĩ chuyên về ung thư (oncologist). Sau khi định bệnh ung thư được xác nhận và đã giải phẫu bởi một surgeon, bạn tôi, Lucie đến cùng tôi gặp bác sĩ này để làm chemotherapy (hóa trị).

Anh ta nói phủ đầu với tôi ngay là anh biết tôi là bác sĩ nhưng anh không muốn bàn nhiều vì anh là BS chuyên môn ngành này và tôi là BS thần kinh nên chẳng biết gì. Tôi nóng máu hết sức, chẳng cần lịch sự gì cả, bèn nói với anh ta : Excuse me Dr P. Let’s cut out this BS (bullsh..). This lady is not a simple patient. she is my wife. and i will have the last say about how her treament is going to be conducted.

Dĩ nhiên sau cùng anh ta đã đồng ý hoàn toàn với treatment protocol mà tôi đưa ra (he made 100,000 dollars out of this treatment). Hơn một năm sau điều trị và thường thì Lucie tái khám 3 tháng một lần, cũng cái anh chàng này đã order full body bone scan cho Lucie. Sau đó, anh ta gọi vợ chồng tôi lại loan báo là dựa vào bone scan thì bà xã tôi đã bị cancer trở lại.

Tôi bực quá nói thẳng vào mặt anh ta (anh chàng này sau này không dám cãi tôi, sau khi biết tôi là giáo sư của nhiều đại học ở Texas và đã là giám đốc của tất cả 4 bệnh viên thần kinh trong vùng) là làm gì có cái việc định bệnh cancer relapse (ung thư tái phát) chỉ dựa vào bone scan (chụp cắt lớp xương). Anh ta nhất định là Lucie phải điều trị ngay bằng Hevastin, một phương thuốc được quảng cáo rầm rộ về mức độ công hiệu (debatable) cho breast cancer, nhưng có điều chắc là có thể gây tử vong bất ngờ.

Tôi không chấp nhận lời đề nghị của anh BS P. này mà đưa bà xã tôi đi Harrington Cancer Center. Sau mọi thử nghiệm cần thiết nó kết luận là Lucie không hề bị cancer relapse. Và dĩ nhiên là kết luận đó đúng vì Lucie vẫn còn ở với tôi cho tới ngày nay để làm bà xếp oai hùng của tôi. (Anh chàng BS này sau này không biết bị ai khiếu nại mà bị Board restrict license, không cho làm oncology (điều trị ung thư) nữa.

Một việc nhỏ nữa. Tôi có một bệnh nhân bị Panic disorder (rối loạn tâm lí) khám tôi định kỳ từ 20 năm nay. Gần đây anh càng ngày càng khó thở. Anh cho tôi xem kết quả chụp phổi (nhiều procedures) và nói với tôi là anh đã đi nhiều bác sĩ và không ai giải thích được tại sao anh lại có vết nám (hilar mass) trong phổi và increased density on the lungs x rays.

Anh ta đến tôi nói là tuy biết tôi là bác sĩ thần kinh, nhưng ở đây nhiều người biết tôi có kiến thức nhiều về nội khoa nên muốn xin ý kiến của tôi. Tôi nhận ra là anh ta trên hình phổi có signs of interstitial infiltration/ pneumonia và có một hilar mass. Tôi nói với anh ta là anh nên đi trở lại bác sĩ phổi của anh ta (a certain doctor named Polk) nói là tôi nghi anh ta bị fungal infection và signs of idiopathic pulmonary fibrosis.

Anh ta trở lại nói với BS Polk lời gợi ý của tôi, Ông này bèn phán một câu xanh rờn đầy miệt thị : “I do not take advice from psychiatrists”. Bệnh nhân của tôi trở lại báo cáo với tôi lời ông Polk. Tôi bực quá (cái tính nóng tưởng đã chừa, nhưng chưa dứt hẳn) tôi nói với anh ta : “it does not take a rocket scientist to figure it out. If he cannot, he better goes back to school”.

Và tôi giải thích cho anh là các thử nghiệm đã rule out cancer, TB test của anh negative. Ngoài ra cái dạng opacity không giống một remnant của primo-infection. Anh có triệu chứng của interstitial infiltration. Dưạ vào đó mà nói thì Amarillo ở vùng nông nghiệp nên khà năng bị nấm Aspergillus candidus cao hơn.

Nhưng vì anh làm nghề plumber nên hay phải vật lộn với cống rãnh nên tôi nghi hơn nhiều anh bị một loại nấm (Fungus) hiếm nhưng thường thấy trong cống rãnh là Bradyrhizobium Japonicum. Anh bệnh nhân của tôi trở lại nói với BS Polk. Ông ta vẫn ngoan cố không chấp nhận và nói rằng :”he did not know what this Dr Nguyen is talking about”. Anh bệnh nhân đi sang clinic của trường đạì học y khoa ở đây (chi nhánh của Texas Tech University, nơi tôi từng là giáo sư) cũng chẳng ai biết cái anh chàng BS “khùng” Vi Sơn này nói gì. Sau cùng một BS chịu làm thử nghiệm và gởi cho pathology lab để kiểm chứng kết quả. Results là anh chàng này bị loại nấm Bradyrhizobium Japonicum đúng như tôi đã tiên đoán.

Anh này hỏi khắp nơi mới biết ở University of Texas, Medical Branch ở Galveston, nơi chị BS Hoàng Kim Khánh làm, có một BS nổi tiếng chuyên về bệnh phổi (pulmonologist). Anh tới khám ông. Ông này sau khi làm nhiều thử nghiệm cũng xác nhận là anh bệnh nhân bị nấm Bradyrhizobium Japonicum và idiopathic pulmonary fibrosis.

Tôi viết dài dòng ở trên để xác nhận là có nhiều BS Mỹ rất dốt hoặc quyết định bị hướng dẫn bởi sự tham lam (greed). Mình nghe nó đề nghị cái gì có vẻ trái tai thì luôn luôn kiếm second/third opinion. Vì trong giới y tế Mỹ cũng có nhiều lang băm hay crooks lắm. Với tư cách một cựu giáo sư đại học y khoa Mỹ, tôi đóng góp ý kiến để cảnh giác thân hữu vì đây không phai là một lời bàn tầm phào để nói xấu một tầng lớp nghề nghiệp nào

August 22, 2015

SỜ NẶNG SỜ NHẸ


Tình trạng nhầm lẫn giữa chữ X và chữ S quá phổ biến. Ngay cả trong sách, báo, công văn, giấy tờ… đến các biển báo công cộng thỉnh thoảng vẫn có sự nhầm lẫn tệ hại này.

Ví dụ : Đúng ra là “THÔ SƠ” thì biển báo này lại viết là “THÔ XƠ”

Bộ Giáo Dục phải yêu cầu giáo viên giảng giải, phân biệt thật kỹ S và X cho các em nhỏ ngay khi mới bước vào trường. Để dễ phân biệt. Giáo viên gọi S là “sờ nặng” vì phát âm nặng hơn, X là “sờ nhẹ” vì phát âm nhẹ hơn. Các em vẫn thấy khó phân biệt giữa S và X.

Từ hình dáng của 2 chữ cái, giáo viên (GV) sáng kiến vẽ thêm vào chữ S để thành hình 1 con chim và S được gọi là “sờ chim”, cũng có nghĩa là “sờ nặng”. Còn chữ X, giáo viên vẽ thêm cánh trông giống con bướm và X được gọi là “sờ bướm”, cũng có nghĩa là “sờ nhẹ”.

Từ đó giáo viên bắt đầu áp dụng để các em dễ nhớ và dễ phân biệt:

GV hỏi : Sờ chim là sờ gì ?

Các em: Sờ chim là sờ nặng ạ !

GV hỏi : Sờ bướm là sờ gì ?

Các em: Sờ bướm là sờ nhẹ ạ !

GV lại viết chữ S và chữ X to lên bảng và khoanh tròn chữ X. Lúc này chữ X nằm bên trong vòng tròn còn chữ S nằm ngoài vòng tròn

GV hỏi : Sờ trong là sờ gì ?

Các em: Sờ trong là sờ bướm ạ !

GV hỏi : Sờ ngoài là sờ gì ?

Các em: Sờ ngoài là sờ chim ạ !

Áp dụng vào các câu, từ cụ thể

GV hỏi : Sung Sướng là sờ gì ?

Các em: Sung Sướng là sờ chim ạ !


GV hỏi : Xấu Xa là sờ gì ?

Các em: Xấu Xa là sờ bướm ạ !

GV hỏi : Sản Xuất là sờ gì ?

Các em: Sản Xuất là sờ cả chim, sờ cả bướm ạ !

Theo cách đó, tự các em phân biệt S và X trong mọi câu-từ khác như :

Sẵn Sàng là sờ chim

Xa Xỉ là sờ bướm

Xuyên Suốt là sờ cả bướm , sờ cả chim

Sâu Sắc là sờ chim

Xinh xắn là sờ bướm

Xuất Sắc là sờ cả bướm, sờ cả chim

Sáng Suốt là sờ chim

Xao Xuyến là sờ bướm

Xài Sang là sờ cả bướm , sờ cả chim

Lịch Sự (*) là sờ chim

Và vân…vân..

Cứ thế các em phân biệt rất rõ S và X. Tuy nhiên 1 em lại hỏi : “Thưa thầy, bố em thường gọi thủ trưởng là Sếp còn mẹ em thì gọi là Xếp. Vậy thủ trưởng là Sờ gì ạ ?

Thầy (suy nghĩ 1 lúc) trả lời: “Đã là thủ trưởng rồi thì Sờ gì mà chẳng được ! Chính vì thế mà ai cũng muốn lên làm lãnh đạo đấy các em ạ ! ”

DANH SÁCH BÀI DĂNG TỪ MỚI ĐẾN CŨ

NHẠC SĨ THANH SƠN: ÔNG HOÀNG CỦA NHỮNG TÌNH KHÚC MÙA HÈ
NGHE LẠI CA KHÚC TUYỆT ĐẸP “ANAK – CON YÊU” _VÌ YÊU CON CHA MẸ SẼ CHẲNG TIẾC CẢ CUỘC ĐỜI
CASABLANCA - TÌNH YÊU LỚN MÃI THEO THỜI GIAN
TÌNH MÃI NGU NGƠ _(ときめきはバラード - Takeshi Matsubara) _LỜI VIỆT PHẠM DUY
BAO DUNG HƠN ĐỂ NHẸ LÒNG HƠN NHƯ NHẠC PHẨM “XIN CÒN GỌI TÊN NHAU”
"DELILAH_TÌNH HẬN" MỘT BẢN BALLAD GIẾT NGƯỜI
RU EM TỪNG NGÓN XUÂN NỒNG MỘT NHẠC PHẨM DỄ NGHE, DỄ THẤM, DỄ ĐI VÀO LÒNG NGƯỜI NHƯNG LỜI KHÔNG DỄ LÝ GIẢI
CA KHÚC "KHOẢNH KHẮC TÌM VỀ"
VÌ TÔI LÀ LINH MỤC
MẸ TA TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG (THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN, NHẠC BETA THANH THIÊN TRẦN, TIẾNG HÁT THUỴ LONG)
TUẤN KHANH, CHIẾC VĨ CẦM KHÔNG CÓ TUỔI (NHẠT NHOÀ_TRẦN THÁI HOÀ)
DUYÊN THỀ VÀ DÒNG NHẠC CỦA NHẠC SĨ THANH TRANG
XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ
NHA TRANG NGÀY VỀ
CĂN NHÀ AN ĐÔNG CỦA MẸ TÔI _ Truyện ngắn của nhà Văn Nguyễn Tường Thiết
“MƯA TRÊN BIỂN VẮNG”_BÀI HÁT GẮN BÓ ĐỊNH MỆNH VỚI GIỌNG HÁT CA SĨ NGỌC LAN
ƯỚT MI, CƠN MƯA NHỎ TRÊN TÂM HỒN MONG MANH
GIỚI THIẾU ĐẾN MN MỘT ALBUM NỔI TIẾNG TRƯỚC 1975 ĐƯỢC SẢN XUẤT BỞI NS DUY KHÁNH _"BĂNG NHẠC TRƯỜNG SƠN 3 VỚI CHỦ ĐỀ QUÊ HƯƠNG VÀ NGƯỜI TÌNH"
NHẠC PHẨM “LÒNG NGƯỜI LY HƯƠNG” (“LA COMPLAINTE DES INFIDÈLES” – LỜI VIỆT: HƯƠNG HUYỀN TRINH)
NHẠC SĨ VŨ THÀNH AN VÀ NHỮNG BÀI KHÔNG TÊN _BÀI KHÔNG TÊN SỐ 2
“BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ” (PHẠM DUY & NGỌC CHÁNH) – TÂM HỒN YÊU THƯƠNG LÃNG MẠN ĐA CHIỀU CỦA MỘT CHÀNG TRAI MỚI LỚN
THƯƠNG NHỚ BÓNG XUÂN XƯA _"CÔ LÁI ĐÒ" (THƠ NGUYỄN BÍNH-NHẠC NGUYỄN ĐÌNH PHÚC)
NS HOÀNG NGUYÊN VÀ MỐI TÌNH ÂM NHẠC VỚI THÀNH PHỐ MÙ SƯƠNG _BÀI THƠ HOA ĐÀO (PRE 75)
CÓ MỘT PHẠM DUY CỦA XUÂN CA _KHÚC HÁT THANH XUÂN (LỜI VIỆT PHẠM DUY)
MÙA XUÂN TRONG NHẠC CỦA NGUYỄN VĂN ĐÔNG _LK PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN & NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN
ĐÓN XUÂN NÀY NHỚ XUÂN XƯA _40 NHẠC PHẨM XUÂN XƯA THU ÂM TRƯỚC 1975
TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY (TÁC GIẢ HOÀNG THANH TÂM) _MỐI TÌNH ĐẦU QUA 2 THẾ KỶ
“CHÀNG LÀ AI?” BÀI TÂN NHẠC ĐẦU TIÊN ĐƯỢC GHÉP CHUNG VÀO BẢN VỌNG CỔ, MỞ ĐẦU CHO THỂ LOẠI TÂN CỔ GIAO DUYÊN
"NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ĐỜI" _TƯỞNG NHỚ CS. LỆ THU (16-07-1943 - 15-01-2021)
"GIỌT MƯA TRÊN LÁ" XỨNG ĐÁNG LÀ CA KHÚC TIÊU BIỂU CHO TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG
“KHÚC HÁT THANH XUÂN” BÀI HÁT NGỌT NGÀO CHO MỘT THỜI THANH XUÂN HỒN NHIÊN ĐẦY MỘNG ƯỚC
HƯƠNG GIANG DẠ KHÚC (NGUYỄN HOÀNG ĐÔ) HỒNG NHIÊN
“NÓ” THỜI NÀO CŨNG CÓ – NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI NGÀY NAY (ANH BẰNG – HOÀNG MINH)
NHÀ "CHĂN NHẠC" TÔ VŨ TÁC GIẢ BÀI SỬ CA CÓ TÊN"NHẠC XƯA" VIẾT VỀ HAI BÀ TRƯNG
NHẠC SĨ PHẠM DUY NÓI VỀ CÁCH ĐẶT LỜI VIỆT CHO NHẠC NGOẠI _ALBUM "NHẠC NGOẠI TUYỂN CHỌN LỜI VIỆT PHẠM DUY"
NHỮNG ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ DANH CA THÁI THANH "MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ MỘT NGƯỜI MẸ"
CHỈ CÓ THÁI THANH MỚI CÓ BIỆT TÀI “PHIÊU” CŨNG VỚI NHỮNG CA KHÚC CỦA PHẠM DUY_ALBUM "THÁI THANH (PRE75)-TÌNH CA PHẠM DUY 2"
DANH CA THÁI THANH "TIẾNG HÁT LÊN TRỜI" _ALBUM "THÁI THANH (PRE75)-TÌNH CA PHẠM DUY 1"
"LOVE STORY" BẢN TÌNH CA BẤT HỦ
NHẠC PHÁP LỜI VIỆT _NHỮNG TÌNH KHÚC CỦA ELSA _QUELQUE CHOSE DANS MON COEUR (CHÚT VƯƠNG VẤN TRONG TIM)
NHẠC PHẨM "ELLE ÉTAIT SI JOLIE" (EM ĐẸP NHƯ MƠ) ĐÃ MANG NS ALAIN BARRIÈRE ĐẾN ĐỈNH CAO DANH VỌNG
BĂNG NHẠC SƠN CA 3 _MỪNG GIÁNG SINH _TÌNH YÊU & THANH BÌNH”
HOÀN CẢNH RA ĐỜI CA KHÚC “CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI”
SẦU CHOPIN "TRISTESSE" (LỜI VIỆT PHẠM DUY)
EM VỀ MÙA THU _NGÔ THUỴ MIÊN
MÙA ĐÓN NẮNG _NẮNG THUỶ TINH
“NGHÌN TRÙNG XA CÁCH “ _LỜI TIỄN BIỆT DỊU ÊM CHO MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH 10 NĂM DAI DẲNG CỦA CỐ NS PHẠM DUY
PLAISIR D’AMOUR _TÌNH VUI (MÀ KHÔNG VUI)
“ĐÊM TRAO KỶ NIỆM” CA KHÚC NHẠC VÀNG NỔI TIẾNG NHẤT CỦA CA NHẠC SĨ HÙNG CƯỜNG
DÒNG SÔNG QUÊ CŨ (LA PLAYA )
XUÂN THÌ (PHẠM DUY)
ELLE IMAGINE_MỘT THOÁNG CHIM BAY (LỜI VIỆT KHÚC LAN) tiếng hát NGỌC LAN
ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU VỀ CA KHÚC "GÁNH LÚA" MỘT SÁNG TÁC CỦA NS PHẠM DUY
VÀI NÉT VỀ BÀI HÁT XƯA "ĐÀN CHIM NHỎ" CỦA NS PHẠM DUY
MAI HƯƠNG, ĐÓA HƯƠNG CA BUỔI SỚM
BẾN XUÂN _ ĐÀN CHIM VIỆT

CẢM NHẬN "ĐÊM THU” CA KHÚC ĐẦU TAY CỦA NHẠC SĨ ĐẶNG THẾ PHONG

XIN CHỌN NƠI NÀY LÀM QUÊ HƯƠNG DẪU CHO KHÓ THƯƠNG

MỘT CHÚT GIA VỊ THÊM VÀO NHẠC PHẨM “NGÀY XƯA HOÀNG THỊ” BẤT HỦ CỦA PHẠM THIÊN THƯ–PHẠM DUY
VỀ CA KHÚC “MỘT BÀN TAY” CỦA NHẠC SĨ PHẠM DUY
THƯỞNG THỨC DẠ KHÚC SERENADE BẤT HỦ CỦA NHẠC SĨ THIÊN TÀI FRANZ SCHUBERT
ĐOÀN CHUẨN, TÌNH NGHỆ SĨ _ ĐOÀN CHUẨN-TỪ LINH, VẬY TỪ LINH LÀ AI?
LES FEUILLES MORTES - LÁ ÚA MÃI XANH
PHẠM DUY GIỮA CHÚNG TA (Sài Gòn 06/10/2021 ~ NS TUẤN KHANH)
50 NĂM GIAI THOẠI BÀI "IL EST MORT LE SOLEIL" (NẮNG ĐÃ TẮT)
TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU (THƠ LÊ THỊ Ý_NHẠC PHẠM DUY) JULIE
BOTH SIDES NOW HAI KHÍA CẠNH CUỘC ĐỜI (LỜI VIỆT PHẠM DUY)
BÊN KIA SÔNG (THƠ NGUYỄN NGỌC THẠCH NHẠC NGUYỄN ĐỨC QUANG)
MƠ MÒNG_RÊVERIE - SCHUMANN(LỜI VIỆT PHẠM DUY)-TIẾNG HÁT MAI HƯƠNG
THU SẦU – LỜI TÂM SỰ CỦA MỘT CUỘC TÌNH NGANG TRÁI
NHỚ QUÊ HƯƠNG (PHẠM NGỮ) LỆ THU PRE 75
ADIEU TRISTESSE (Tạm biệt nổi buồn)
NGỤ NGÔN CUỘC ĐỜI _CA KHÚC DONNA DONNA LÀ THÁNH CA CỦA SỰ TỰ DO
ĐỒNG XANH_GREEN FIELDS
RU ĐỜI ĐI NHÉ (TRỊNH CÔNG SƠN) TOÀN NGUYỄN
GIỌT MƯA THU, NHẠC PHẨM CUỐI CÙNG CỦA CỐ NHẠC SĨ ĐẶNG THẾ PHONG
TIẾNG RU NGÀN ĐỜI (VU LAN MUỘN)_LÒNG MẸ
LỜI RU CHO ĐÀ NẲNG (NHẠC NHẬT LỜI VIỆT) KHÁNH LY
BÓNG CẢ _HÃY BAO DUNG NẾU CHA MẸ GIÀ ĐI...
CHIẾC LÁ THU PHAI (TRỊNH CÔNG SƠN)TUẤN NGỌC
CƠN GIÓ THOẢNG (QUỐC DŨNG) NGỌC LAN
ANH CÒN NỢ EM _NỢ MỘT CUỘC TÌNH DANG DỞ, NỢ EM CẢ THANH XUÂN TƯƠI ĐẸP CỦA MỘT THỜI CON GÁI…
LỜI TÌNH BUỒN (VŨ THÀNH AN) VŨ KHANH
BAY ĐI CÁNH CHIM BIỂN
VŨ ĐỨC SAO BIỂN NÓI VỀ “THU, HÁT CHO NGƯỜI”
CÁNH BUỒM XA XƯA (LA PALOMA)
YÊU EM BẰNG CẢ TRÁI TIM (LOVE ME WITH ALL YOUR HEART)
CHUYỆN TÌNH YÊU (HISTOIRE DE UN AMOUR)
CŨNG LÀ TRĂM NĂM _NO EXCUSAS SIN RODEOS
KHÔNG CẦN NÓI YÊU ANH (LỜI VIỆT PHẠM DUY) CA SĨ KIỀU NGA
DỐC MƠ (NGÔ THUỴ MIÊN) KHÁNH HÀ
ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY - NÀNG LÀ AI ?
MAI TÔI ĐI (NHẠC ANH BẰNG, THƠ NGUYÊN SA)
CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI
CA KHÚC VƯỢT THỜI GIAN – “TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY”
HẠT MƯA BUỒN (DIỆU HƯƠNG) TRẦN THÁI HOÀ
NỖI TƯƠNG TƯ NGÀY MƯA THÁNG SÁU...
XA NHẤT VÀ GẦN NHẤT
HÃY LÀ CHÍNH BẠN _HÃY CỨ THẾ......
NĂM THÁNG TĨNH LẶNG, KIẾP NÀY BÌNH YÊN
LÒNG THIỀN, HOA CÚC NỞ
ĐỪNG ĐỢI...
ĐƠN GIẢN ĐẾN MỨC TẬN CÙNG CHÍNH LÀ TRÍ TUỆ (A SIMPLE LIFE IS FULLY HAPPINESS)
HẠNH PHÚC LÀ GÌ?
SỐNG TỬ TẾ...
TRÊN THẾ GIAN...
TRẢI NGHIỆM SỰ TĨNH LẶNG TRONG TÂM HỒN MÌNH
"NHÂN SINH MỘT GIẤC PHÙ VÂN, SỚM CÒN XUÂN SẮC CHIỀU ĐÔNG ĐÃ TÀN" ĐÓ PHẢI CHĂNG CHÍNH LÀ ĐỜI NGƯỜI
CÁI CẦN GẠT NƯỚC
HÃY DUY TRÌ SỰ BẬN RỘN BỞI ĐÓ LÀ LIỀU THUỐC RẺ NHẤT THẾ GIỚI
NHẠC PHẨM “TÌNH LỠ” (NHẠC SĨ THANH BÌNH) – CON ĐƯỜNG MÌNH ĐI SAO CHÔNG GAI…
GIẾT NGƯỜI TRONG MỘNG
NGƯỜI ĐÓNG ĐINH THỜI GIAN
NGÀY HÔM QUA LÀ THẾ
ĐẾN VỚI NHAU LÀ DUYÊN, Ở BÊN NHAU LÀ NỢ,… “HỐI TIẾC” CHÍNH LÀ NỢ DUYÊN ĐÃ HẾT KHIẾN CHÚNG TA PHẢI XA LÌA
HẠNH PHÚC LÀ GÌ?
THI PHẨM “MỘT TIẾNG EM” CỦA THI SĨ ĐINH HÙNG ĐƯỢC NHẠC SĨ NGUYỄN HIỀN PHỔ NHẠC THÀNH THI KHÚC NỔI TIẾNG “MÁI TÓC DẠ HƯƠNG”
HẠNH PHÚC LANG THANG (ANH BẰNG & TRẦN NGỌC SƠN) HỒ HOÀNG YẾN
GỌI EM LÀ ĐOÁ HOA SẦU _THƠ PHẠM THIÊN THƯ _NHẠC PHẠM DUY
BUỒN TÀN THU (CHINH PHỤ KHÚC) – VĂN CAO
MỐI TÌNH XA XƯA (“CÉLÈBRE VALSE DE BRAHMS”)–JOHANNES BRAHMS _NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT – THỜI KỲ LÃNG MẠN
KHI NGƯỜI YÊU TÔI KHÓ– TUYỆT PHẨM TRỮ TÌNH CỦA NHẠC SĨ TRẦN THIỆN THANH
BÀI HÁT “GỌI NGƯỜI YÊU DẤU” – MỐI TÌNH OAN TRÁI Ở XỨ SƯƠNG MÙ ĐÀ LẠT
ĐỘNG HOA VÀNG THƠ PHẠM THIÊN THƯ & NHẠC PHẠM DUY
MỐI TÌNH GIỮA NGƯỜI ĐẸP LÝ LỆ HÀ VÀ CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI LÀ NGUỒN CẢM HỨNG TẠO NÊN BÀI THƠ và BÀI HÁT NỔI TIẾNG "ÁO LỤA HÀ ĐÔNG" ĐÃ HƠN 50 NĂM QUA
THI SĨ CUNG TRẦM TƯỞNG VÀ NHỮNG “CHUYỆN TÌNH PARIS” TRONG THƠ CA – “LÊN XE TIỄN EM ĐI, CHƯA BAO GIỜ BUỒN THẾ…”
BÀI HÁT “GỌI NGƯỜI YÊU DẤU” – MỐI TÌNH OAN TRÁI Ở XỨ SƯƠNG MÙ ĐÀ LẠT
MÔI SON JULIE-MÁI TÓC CHỊ HOÀI NHẠC NHẬT LỜI VIỆT PHẠM DUY
HỌC CÁCH QUÊN
NGÔ THUỴ MIÊN & TỪ CÔNG PHỤNG suốt cả một đời sáng tác cả hai chỉ chung thủy với những bài tình ca
NẮNG XUÂN (SOLENZARA)_BẢN NHẠC NGỢI CA TÌNH QUÊ HƯƠNG
TÌNH QUÊ HƯƠNG _ VIỆT LANG
NHỮNG NĂM CÒN LẠI TRONG CUỘC ĐỜI...
ĐẾN MỘT LÚC
BÓNG HỒNG CỦA NS ĐOÀN CHUẨN VỪA QUA ĐỜI ! _LÁ ĐỔ MUÔN CHIỀU_
BẠN THƯỜNG XUYÊN BỊ STRESS, CĂNG THẲNG MỆT MỎI
CA KHÚC " NGƯỜI YÊU DẤU ƠI" _ MỘT NỖI BUỒN TUYỆT ĐẸP
PHẦN QUAN TRỌNG NHẤT CỦA MỖI NGƯỜI
VÀI DÒNG CẢM NGHỈ VỀ BÀI THƠ VÀ BÀI HÁT "EM HIỀN NHƯ MASOER"
HÃY SỐNG NHƯ BÔNG HỒNG
NS PHẠM DUY VÀ CA KHÚC NHẠC VÀNG "ANH HỞI ANH CỨ VỀ"
MỘT VÀI CẢM NHẬN NHẠC PHẨM "ĐỐ AI" CỦA NS PHẠM DUY
SỐNG CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC VÀ CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC “BÊN NI BÊN NỚ” (CUNG TRẦM TƯỞNG – PHẠM DUY
NGƯỜI VỀ _ PHẠM DUY
DẠ LAI HƯƠNG _ PHẠM DUY
TÔI ĐANG MƠ GIẤC MỘNG DÀI _MỐI TÌNH THƠ NHẠC 10 NĂM CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY và NHÀ THƠ LÊ LAN
NS NGÔ THỤY MIÊN VÀ HOÀN CẢNH SÁNG TÁC NHẠC PHẨM "EM CÒN NHỚ MÙA XUÂN"
ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ_ NGHE BÀI HÁT MẸ TÔI QUA GIỌNG HÁT VÕ HẠ TRÂM
CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC “CẢM ƠN” CỦA NHẠC SĨ NHẬT NGÂN
AI LÊN XỨ HOA ĐÀO_CÕI ĐÀO NGUYÊN MỘT THUỞ CỦA ĐÀ LẠT NGÀY XƯA
TÔI ĐI TÌM LẠI MỘT MÙA XUÂN (ĐOÀN NGUYÊN) LỆ THU
NS PHẠM DUY VÀ CÂU CHUYỆN “TÌNH MẸ DUYÊN CON”
JULIE – TIẾNG HÁT LIÊU TRAI ĐẦY MÊ HOẶC
MẸ và TÔI !
NGUỒN GỐC HOA THẠCH THẢO_MÙA THU CHẾT
VĨNH BIỆT NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG (1937-2020_52 NHẠC PHẨM ĐỂ ĐỜI CỦA NS LAM PHƯƠNG THU ÂM TRƯỚC 75
THA LA XÓM ĐẠO _ NHẠC SĨ DZŨNG CHINH (1941-1969)
BÀI THÁNH CA BUỒN VÀ CUỘC TÌNH DƯỚI MƯA
LIÊN KHÚC BỐN CA KHÚC BẤT HỦ CỦA NS TRƯỜNG SA
THƯƠNG LẮM THÁNG 12_NGƯỜI TÌNH MÙA ĐÔNG
NẾU MỘT MAI EM SẼ QUA ĐỜI
ĐỪNG BỎ EM MỘT MÌNH – NÓI THAY LỜI TÂM SỰ CỦA NGƯỜI DƯỚI MỘ
VĨNH BIỆT DANH CA MAI HƯƠNG (1941-2020) – “VIÊN NGỌC QUÝ” CỦA TÂN NHẠC VIỆT NAM
RỒI MAI TÔI ĐƯA EM
MÙA THU TRONG MƯA
MỘT MAI EM ĐI
XIN CÒN GỌI TÊN NHAU
THU VÀNG, NHỮNG GAM MÀU TÊ TÁI
CHỈ CÒN GẦN EM MỘT GIÂY PHÚT THÔI...
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC CA KHÚC “NGƯỜI ĐI QUA ĐỜI TÔI”_THƠ TRẦN DẠ TỪ NHẠC PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG_THẤT TÌNH CA MUÔN THUỞ
Nhạc Sỹ PHẠM TRỌNG CẦU sáng tác khá nhiều. Nhưng thính giả vẫn nhớ đến ông nhiều nhất qua hai ca khúc “MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI“ và “TRƯỜNG LÀNG TÔI”
GIÀ ĐẦU MÀ CÒN MÊ NHẠC SẾN
HẠT BỤI VO TRÒN TRONG BỤNG MẸ CÚT CÔI_TRẦM TỬ THIÊNG
MƯA NGÂU THÁNG BẢY_NGƯU LANG CHỨC NỮ ĐỢI CHỜ
TRÍCH TỪ BÀI VIẾT CỦA CỐ NỮ CA SỸ QUỲNH GIAO VỀ BÀI HÁT "HOÀI CẢM" CỦA NHẠC SỸ CUNG TIẾN.
NGHE NHẠC BUỒN LÀ ĐỂ TÌM KIẾM NIỀM VUI_THE RHYMTH OF THE RAIN
BÀI HÁT "TRĂNG TÀN TRÊN HÈ PHỐ" HÁT CHO NGƯỜI LÍNH NÀO
Ca sĩ KIM ANH: RƯỢU, MA TÚY và KIẾP CẦM CA
BOLERO CHỢ NỌ_ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ
KINH BỎ MẸ
VỀ NGANG TRƯỜNG LUẬT_TRẢ LẠI EM YÊU
CÓ MỘT HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA MANG DÒNG MÁU ĐẠI VIỆT
CẢM NHẬN VỀ CA KHÚC "NƯƠNG CHIỀU" CỦA NS PHẠM DUY
PHIẾM: MỘNG SẦU_MƯA TRÊN CÂY SẦU ĐÔNG
SẮC MÔI EM HỒNG_ĐÀN BÀ QUYẾN RŨ VÌ ĐÂU ?
CHUYỆN PHIẾM VỀ ALBUM "TƠ VÀNG 3" NHỮNG TÌNH KHÚC TỪ CÔNG PHỤNG
ĐỜI ĐÁ VÀNG _ MỘT NHẠC PHẨM PHẢI MẤT 27 NĂM MỚI RA MẮT CÔNG CHÚNG
NGỮNG NGÀY THƠ MỘNG
GIAI THOẠI VỀ 3 BÀI THƠ " TRÈO LÊN CÂY BƯỞI HÁI HOA, ... " GẮN VỚI LỘC KHÊ HẦU "ĐÀO DUY TỪ"
NGƯỜI TÌNH LÀ THIÊN TAI
NỖI ĐAU MUỘN MÀNG _ NGÔ THUỴ MIÊN
NẮNG THUỶ TINH
CUỘC ĐỜI ĐÓ CÓ BAO LÂU MÀ HỮNG HỜ
MẸ ƠI, CON ĐÃ VỀ
LADY GREEN SLEEVES _ VAI ÁO MÀU XANH
TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA _ COME BACK TO SORRENTO
SERENATA - CHIỀU TÀ
DÒNG SÔNG XANH-MỘT TRONG SỐ NHỮNG BÀI HÁT LÀM NÊN TÊN TUỔI DANH CA THÁI THANH
THÁI THANH_NGƯỜI ĐÃ ĐI RỒI
LẶNG LẼ NƠI NÀY_MỘT MÌNH ĐI...MỘT MÌNH VỀ... MỘT NGƯỜI CANADA NGHĨ VỀ NGHỆ THUẬT CỦA THÁI THANH (TRÍCH HỒI KÝ PHẠM DUY)
MỘT CÕI ĐI VỀ
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
TIẾNG HÁT THÁI THANH ĐÃ VỀ CHỐN "NGHÌN TRÙNG XA CÁCH"
ALINE-GỌI TÊN NGƯỜI YÊU
CHỈ CHỪNG ĐÓ THÔI
NGUYÊN SA và SỰ THAY ĐỔI CẢM NHẬN THI CA VN
CÁNH BƯỚM VƯỜN XUÂN
DIỄM CỦA NGÀY XƯA
BẢN TÌNH CA CỔ XƯA "SCARBOROUGH FAIR" - ÔI GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA
TÌNH SỬ ROMEO & JULIET- CHUYỆN TÌNH CỦA MỌI THỜI ĐẠI
TUYỆT PHẨM LÃNG MẠNG DÀNH CHO MỐI TÌNH ĐẦU 70 NĂM TRƯỚC _NS LÊ MỘNG NGUYÊN và "TRĂNG MỜ BÊN SUỐI
HẸN HÒ _ PHẠM DUY
PHÚT GIAO THỪA LẶNG LẼ ...
BẾN XUÂN
PHẠM THIÊN THƯ & NGÀY XƯA HOÀNG THỊ
LỆ THU hay "NƯỚC MẮT MÙA THU"
NGHỆ THUẬT VIẾT LỜI VIỆT CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY QUA CA KHÚC CHUYỆN TÌNH (LOVE STORY)
CA KHÚC "SANG NGANG" VÀ MỐI TÌNH TUYỆT VỌNG CỦA NHẠC SỸ ĐỖ LỄ
CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ ĐƯỢC PHỔ NHẠC & HÁT LẦN ĐU TIÊN TẠI PLEIKU NHƯ THẾ NÀO?
NỮA HỒN THƯƠNG ĐAU và BI KỊCH CỦA MỘT GIA ĐÌNH
TẠI SAO KHÔNG GIỮ LỜI HỨA VỚI MẸ TÔI ?
CON ĐƯỜNG TÌNH TA ĐI_ KÝ ỨC CỦA MỘT THỜI
TRÍCH TỪ HỒI KÝ CỦA CA SỸ JULIE
THÀ NHƯ GIỌT MƯA và "NGƯỜI TÊN NHIÊN" từ THƠ đến NHẠC
TÌNH HOÀI HƯƠNG
TẠI SAO NHẠC SỸ PHẠM DUY LẠI BỎ QUÊN CÂY ĐÀN ?
NƯƠNG CHIỀU
NHẠC SỸ DZŨNG CHINH _ TÁC GIẢ NHẠC PHẨM "NHỮNG ĐỒI HOA SIM" CHẾT TRÊN ĐỒI HOA SIM
ĐỜI NGƯỜI NHƯ GIÓ QUA
ĐƯỜNG TRẦN ĐÂU CÓ GÌ
TÌNH CA _ PHẠM DUY
CHO ĐỜI CHÚT ƠN
PHẠM DUY "TẠ ƠN ĐỜI" hay ĐỜI TẠ ƠN PHẠM DUY
THI SỸ PHẠM VĂN BÌNH và MỐI TÌNH KHẮC KHOẢI TRONG NHẠC PHẨM CHUYỆN TÌNH BUỒN
THƠ, NHẠC vả "NGƯỜI TÌNH" CỦA NGUYỄN ĐÌNH TOÀN
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC CA KHÚC "QUÊ NGHÈO" CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY
NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI hay "TÔI XA HÀ NỘI" ?
CHIỀU VỀ TRÊN SÔNG
NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ĐI
ĐI TÌM ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
VẾT THÙ TRÊN LƯNG NGỰA HOANG
ĐI TÌM ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
KIẾP LÁ PHẬN NGƯỜI trong "ĐƯỜNG CHIỀU LÁ RỤNG"
NHẠC SỸ NGỌC CHÁNH _ "BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ"
"CƠN MÊ CHIỀU" của NGUYỄN MINH KHÔI tưởng niệm cuộc thảm sát năm MẬU THÂN, HUẾ
CHỢT THẤY TUỔI GIÀ
MÙA THU trong tình ca Việt
ÔNG TRUMP NÓI GÌ VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VN
12 THÓI QUEN TƯỞNG XẤU NHƯNG HOÁ RA LẠI TỐT
CÁI "VÔ" TRONG TRANH THUỶ MẶC
10 DẤU HIỆU CHỨNG TỎ BẠN HẠNH PHÚC
BUÔNG BỎ PHIỀN NÃO
THÔI KỆ_TRỊNH CÔNG SƠN
GS TRẦN VĂN KHÊ: NGÀI CHƠI VỚI AI MÀ KHÔNG BIẾT MỘT ÁNG VĂN NÀO CỦA NƯỚC VIỆT ?
HAI MẶT CỦA CUÕC ĐỜI
KHI TÔI CHẾT, HỎI CÒN AI GHÉT, AI THƯƠNG?
PHÚT CHIÊM NGHIỆM CUỘC ĐỜI
GÕ CỬA VÔ THƯỜNG
GIÁ TRỊ CỦA SỰ TĨNH LẶNG
HIỂU ĐỜI
5 Cái “Đừng” Của Cuộc Đời
Bao dung càng lớn hạnh phúc càng nhiều
CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ TÌNH CHA
KIẾP NGƯỜI
CUỘC ĐỜI CỦA MẸ
CUỘC ĐỜI MỘT CHIẾC LÁ
TÌM ĐƯỢC NGƯỜI THẤU HIỂU MÌNH MỚI THỰC LÀ NIỀM VUI LỚN NHẤT
CHỢT THẤY TUỔI GIÀ
NHỮNG BỨC ẢNH THÀNH PHỐ TRONG MÀN MƯA CỦA NHIẾP ẢNH GIA EDUARD GORDEEV
BUDDHIST ADVICE ON ANGER
KỲ HUYỆT GIÚP PHỤC HỒI THỊ LỰC
MỐI TÌNH TÔM KHÔ CỦ KIỆU
05 CÁI PHÚC LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI
NHÌN THẤU NỘI TÂM MỘT NGƯỜI KHÔNG PHẢI ĐIỀU QUÁ KHÓ
CHIẾC ÁO SẦU HAI VẠT" TRONG NHỮNG KHÚC TÌNH CA
Hãy Đọc Khi Bạn Đang Cảm Thấy Chán Nản Về Cuộc Sống
LỜI XIN LỖI
NHỚ ĐẤY, CÁI CUỘC ĐỜI NÀY
Nước mía Viễn Đông (góc Lê Lợi - Pasteur) Sài Gòn xưa trước 75
NƯỚC CHANH CHUYÊN GIA GIẾT TẾ BÀO UNG THƯ
QUÁN TRỌ TRẦN GIAN
TRỜI MƯA NHƯ BÀI CA
TRONG DÒNG ĐỜI TRÔI CHẢY, KẺ ĐẾN NGƯỜI ĐI ĐỀU LÀ CÓ NGUYÊN DO CẢ...
HẠT BỤI NÀO HOÁ KIẾP THÂN TÔI...
TRÊN TRỜI MỘT VÌ SAO, DƯỚI ĐẤT MỘT CON NGƯỜI...
THƯỜNG KHIÊM TỐN, BẬC ĐẠI THIỆN GIẢ ẮT KHOAN DUNG
NẾU NHƯ TRONG LÒNG MỆT MỎI, HÃY THỬ NHÌN ĐỜI TỪ HƯỚNG KHÁC
NHẠC SĨ SONG NGỌC VÀ MỘT ĐỜI SÁNG TÁC
MẸO KHI BỊ ONG CHÍCH
CHUYỆN Ở ĐỜI…
ĐỂ QUÊN BÀI HỌC
CHA MẸ LÀ NHẤT TRÊN ĐỜI
MỘT CHÚT LAN MAN
EM CÓ BAO GIỜ ĐỨNG NGẮM MÙA ĐÔNG
CÂU CHUYỆN ĐÊM BA MƯƠI
ĐÀ LẠT NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM
MƯỜI THỨ DÙ CÓ GIA TÀI BẠC TRIỆU CŨNG KHÔNG MUA ĐƯỢC
3 QUÊN, 4 CÓ, 5 KHÔNG
CHÉN THUỐC ĐỘC CỦA SOCRATES
NHẪN & NHỊN
Thông minh không phải yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công, mà Chìa khóa của sự thành công là “ý chí”
Đời người là một loại lựa chọn, cũng là một loại buông bỏ
NHỮNG NGƯỜI BẠN GẶP TRÊN ĐƯỜNG
NHỚ MỘT THỜI XÍCH LÔ MÁY TẠI SÀI GÒN
XE ĐIỆN SÀI GÒN XƯA
CƠM THỐ SÀI GÒN XƯA
CÔ GÁI ĐÁNH CỌP NGAY LỄ KHAI THỊ CHỢ BẾN THÀNH 1914
HÃY NHẸ NHÀNG
XIN MỜI CÁC BÁC MUA CHIM NHÉ
CẢM XÚC NGÀY CUỐI NĂM
NHỮNG CÂY BONSAI BIẾT BAY LƠ LỬNG Ở NHẬT
ĐƠN GIẢN ĐẾN MỨC TẬN CÙNG CHÍNH LÀ TRÍ TUỆ
SỐNG HẠNH PHÚC HAY KHÔNG LÀ TUỲ TÂM MÌNH QUYẾT ĐỊNH
THƯ BA GỬI CON GÁI YÊU NGÀY VỀ NHÀ CHỒNG
BÂNG KHUÂNG CHIỀU CUỐI NĂM
LY RƯỢU CHIỀU CUỐI NĂM
TẢN MẠN CHIỀU CUỐI NĂM
LỜI CHÚC ĐẦU NĂM
TẠI SAO CÁC CỤ LẠI GỌI LÀ "TẾT NHẤT
TẾT NGUYÊN TIÊU TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT
MÙI TẾT
CHIẾC CẶP ĐEN CỦA TỔNG THỐNG MỸ
THƠ CHÚC TẾT NƠI ĐẤT KHÁCH XUÂN CON KHỈ 2016
CHÚT TẢN MẠN ĐẦU NĂM BÍNH THÂN 2016
ĐẠP TUYẾT TẦM MAI
07 BÀI HỌC SÂU SẮC GIÚP BẠN CÓ CUỘC SỐNG ÍT BUỒN PHIỀN HƠN
MƯA RÀO VÀ MƯA BỤI
Cách cứu người tai biến mạch máu não bình phục tức khắc
LÀ AI KHÔNG QUAN TRỌNG, QUAN TRỌNG LÀ Ở CẠNH AI
MỘT CÁI ÔM MỖI NGÀY
DEAD MAN'S SUITCASE
SÀIGÒN DĨ VÃNG VÀ SÀIGÒN BOLSA
THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT KHÔNG CÓ ĐÈN XANH ĐÈN ĐỎ
NGƯỜI PHỤ NỮ CHÍNH LÀ PHONG THỦY TUYỆT VỜI CHO NGÔI NHÀ
NHỚ CÀ PHÊ NĂM CŨ
VẺ ĐẸP TRẦM MẶC CỔ KÍNH CỦA NHỮNG CÂY CẦU KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI
TỰ NGUYỆN
THÀNH THẬT
ĐẠO NGHĨA VỢ CHỒNG _ BÀN TAY NẮM LẤY BÀN TAY
KHÔNG CÓ THỜI GIAN_NO TIME
ĐỪNG ĐỂ TRÁI TIM BỊ ĐÁNH MẤT
KHOE KHOANG CÁI GÌ THÌ SẼ MẤT CÁI ĐÓ
CHA ĐẺ RẠP HÁT HƯNG ĐẠO
NHỮNG CÔNG TRÌNH TUYỆT VỜI BÊN BỜ SÔNG SEINE CỦA PARIS
9 ĐIỀU ĐỂ THẤY CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG
FLOWERS IN SNOW_HOA TUYẾT
AUD LANG SYNE_MỘT CA KHÚC DÙNG ĐỂ TIỄN ĐƯA NĂM CŨ VÀ ĐÓN CHÀO NĂM NỚI
LẠC LỐI GIỮA NHỮNG CON ĐƯỜNG NHỎ VÀ NHỮNG GÓC PHỐ BÌNH YÊN
BỨC TRANH KHÔNG CÓ MẮT
SUÝT NỮA BÀI THƠ "HAI SẮC HOA TIGÔN" ĐÃ CHÁY THÀNH TRO !
NIỀM VUI & NỔI BUỒN
CÓ TIỀN MUA NHÀ ĐẸP NHƯNG...
LẮNG NGHE
GIẤC MƠ ÁO TRẮNG
CÁ ĐÙ MỘT NẮNG BUÔNG ĐŨA CÒN THÈM
THƯỞNG THỨC VỊ BÉO BÙI DĨA ĐUÔNG ĐẤT NÓNG HỔI TRÀ VINH
Thơm hương lá mướp gói xương vịt bằm
BẬN
ẤM ÁP LÀ KHI...
MỘT CÕI ĐI VỀ
MỘT NGÀY KHÔNG VỘI VÃ
CÂU CHUYỆN VỀ ĐẠI HỌC STANFORD
BABYSITTING_GIỮ TRẺ Ở MỸ
CON CÁ TRÀU BƠI TỪ SÂU LÊN CẠN
SINH RA LÀ NGUYÊN BẢN ...
VỢ, NGƯỜI TÌNH & HỒNG NHAN TRI KỶ
MỘT CHÚT LAN MAN NGẪM LẠI "CÁI SỰ ĐỜI"
HỌA SĨ ĐINH CƯỜNG… KHÔNG CÒN VỚI CHÚNG TA NỮA
CÀN KHÔN ƠI XIN RÓT RƯỢU GIÙM NGAY
CÓ HỀ CHI VÀNG CHÚT RONG RÊU
CHO VÀ ...CHO
CHỢT THẤY TUỔI GIÀ
Đủ nắng hoa sẽ nở_Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy
OH! NHÌN GÌ MÀ KINH THẾ
VAI DIỄN CUỐI CÙNG
KHÔNG CÓ GIÁ TIỀN CHO TÌNH YÊU
HÃY QUÊN ĐI 3 THỨ TRONG ĐỜI
Sự khác biệt giữa tiền xu và tiền giấy
TRANH CÃI VỚI KẺ NGỐC...
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
ĐỜI NGƯỜI NHƯ GIÓ QUA
LÀM SAO ĐỂ PHA ĐƯỢC CHÉN TRÀ NGON?
RẤT GẦN & RẤT XA
NHỮNG CHỐN BÌNH YÊN NHẤT XỨ HÀN
NHỮNG CÂU THƠ HAY VỀ BÔNG HỒNG
MẸ _ THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN
MỰC MỘT NẮNG PHAN THIẾT
KỶ NIỆM _ HẠNH PHÚC HAY VẾT THƯƠNG
TRẦM TỬ THIÊNG_MỘT ĐỜI "TƯỞNG NIỆM"
KHÚC LUÂN VŨ MÙA ĐÔNG
MÙA GIÁNG SINH Ở SAN ANTONIO
MÓN NỘM 3 MIỀN_(GỎI 3 MIỀN)
HẤP DẪN HƯƠNG VỊ THỊT CỪU NƯỚNG NINH THUẬN
GÓC PHỐ DỊU DÀNG
SYLVIE VARTAN, 40 NĂM TÌNH KHÚC NICOLAS
3 NHẠC SĨ NỔI TIẾNG CÙNG SAY ĐẮM MỘT NÀNG TIÊN _CHUYỆN TÌNH NHẠC SĨ NGUYỄN THIỆN TƠ TÁC GIẢ CA KHÚC "GIÁO ĐƯỜNG IM BÓNG"
HÃY SỐNG CUỘC SỐNG CỦA MÌNH VÀ QUÊN ĐI TUỔI TÁC
BÀI THÁNH CA BUỒN VÀ CUỘC TÌNH DƯỚI MƯA
CẢNH THẦN TIÊN PHẢN CHIẾU TRÊN MẶT NƯỚC
BỘ ẢNH THẦN THOẠI CỦA NHIẾP ẢNH GIA CARLOS IONUT
CÁ LINH_ĐẶC SẢN MIỀN TÂY MÙA NƯỚC NỔI
SỐNG TỬ TẾ
SAI LẦM KHI TỨC GIẬN
CHI RỒI CŨNG QUA
KHE NỨT TRÁI ĐẤT BIẾN THÀNH HỒ NƯỚC TUYỆT ĐẸP_HỒ BAIKAL
NHỚ CON CÁ HỐ THÁNG GIÊNG
TRẢ LẠI THOÁNG MÂY BAY
MỖI PHÚT GIẬN DỮ
KHI VIỆT NAM MÌNH KHÔNG CÒN ĐẸP TRONG MẮT BẠN BÈ THẾ GIỚI...
6 VIỆC KHÔNG NÊN LÀM
THƯƠNG LẮM THÁNG 12
SỰ IM LẶNG NGỌT NGÀO
NHỮNG SẮC MÀU CUỘC SỐNG
ĐÔI ĐIỀU VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG BÀI THƠ "MẮT BUỒN" CỦA NHÀ THƠ BÙI GIÁNG
TIẾNG VIỆT DỄ THƯƠNG QUÁ
NẾU ĐỐI DIỆN VỚI THỬ THÁCH
GIẾT THỜI GIAN
TÀI SẢN QUÍ GIÁ NHẤT CỦA CON NGƯỜI
CHỈ MỘT CHÚT THÔI MÀ!
NGUỒN GỐC BÀI " KÈN MẶC NIỆM TỬ SĨ HOA KỲ"
NHỮNG NGÔI VƯỜN VÀ CÁNH ĐỒNG ĐẦY SẮC MÀU
THE POWER OF HUGS (SỨC MẠNH CỦA NHỮNG CÁI ÔM)
NHỮNG CÂU TRẢ LỜI CỦA NỮ TÀI TỬ AUDREY HEPBURN KHI ĐƯỢC HỎI VỀ BÍ QUYẾT LÀM ĐẸP CỦA BÀ
NHIẾP ẢNH GIA DANIELA BABIC ĐÃ CHỤP ẢNH CON TRAI 10 THÁNG TUỔI CỦA MÌNH CÙNG VỚI CÁC CON VẬT
ĐỪNG CHỜ ...
TRÊN THẾ GIAN NÀY...
NGÀY HÔM QUA LÀ THẾ
KHÚC HÁT CHIỀU MƯA NĂM CŨ “BÂNG KHUÂNG CHIỀU NỘI TRÚ”
MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH… ĐỂ RA ĐỜI NHẠC PHẨM BẤT HỦ "nắng chiều"
TÉP BẠC MIỀN TÂY NAM BỘ