Trong truyền thống văn hóa Việt Nam luôn nhắc tới phước như một sự thực tập căn bản quan trọng để tạo nên phẩm chất cao đẹp của con người.
Phước là hành động làm lợi ích cho kẻ khác bằng biểu hiện cụ thể như tài vật, năng lực, thời giờ. Ngay cả một câu nói khích lệ, một ánh mắt chia sẻ cảm thông, một nụ cười hoan hỷ chấp nhận cũng là hành động tích cực sinh ra phước.
Nói cách khác, phước là nguồn năng lượng tốt phát sinh từ nơi tâm của người hiến tặng. Mà trong nguyên tắc tự nhiên, năng lượng tụ lại nơi cơ chế phát sinh bao giờ cũng nhiều hơn năng lượng phóng đi. Chưa kể khi năng lượng phóng đi, sẽ tùy theo điều kiện thích hợp mà nó liên kết với những nguồn năng lượng có cùng tần số đang bàng bạc trong vũ trụ, để phản hồi lại ngay nơi cơ chế gốc với một nguồn năng lượng gấp bội.
Năng lượng phát sinh từ tấm lòng muốn giúp đỡ kẻ khác có công năng rất mầu nhiệm. Nó có thể khơi dậy những hạt giống tích cực trong chiều sâu tâm hồn ta, có thể nuôi dưỡng những phẩm chất quý giá mà ta đang sử dụng, có thể lấn áp hoặc chuyển hóa những nguồn năng lượng xấu do ta lầm lỡ gây ra trong quá khứ, có thể che chắn những năng lượng độc hại từ môi trường bên ngoài tràn vào để kích hoạt những hạt giống xấu.
Nhưng phần lớn chúng ta đều cho rằng chỉ có người hiến tặng mới quan trọng. Sự thật, người nhận cũng quan trọng ngang bằng với người hiến tặng, vì người nhận chính là đối tác giúp cho năng lượng tình thương nơi người cho phát sinh. Không có gì sai khi phát biểu rằng, nếu không có người nhận cũng không có người cho.
Có phải đôi lúc ta muốn làm một điều gì cho ai, nhưng họ lại khước từ hoặc là họ không còn có mặt ở đây nữa, nên ý niệm đó sẽ không thể nào thực hiện được, ta không thể gọi là người cho. Vậy nên người cho phải cần người nhận. Dù hành động cho chỉ là biểu lộ của tình thương chứ không hề có ý tạo phước gì cả, nhưng một điều rất căn bản mà chúng ta thường hay quên đó chính là vị trí quan trọng của đối tượng tiếp nhận.
Người nhận biết ơn và trân quý người cho đã đành, mà người cho cũng phải biết ơn và trân quý người nhận nữa. Đó là nguyên tắc rất sâu sắc tạo nên sự cân đối và hòa bình trong các mối liên hệ.
Thực tế cho thấy kẻ cho thường dễ mắc sai lầm này, chứ ít khi nào người nhận dám tự cho mình là quan trọng. Người cho hay tỏ thái độ ban phát của kẻ bề trên, đôi khi còn đòi hỏi bên kia phải hết lòng thành khẩn hay quỳ lụy trước mình thì mới chịu giúp đỡ. Cái đó chỉ là một sự đổi chác, tôi cho anh cái này thì anh phải cho tôi lại cái kia, đích thực không phải là một sự hiến tặng.
Người cho nếu không cảm nhận được niềm vui khi thấy người nhận thoát khỏi khó khăn hay hạnh phúc hơn, cũng như không thấy được nhờ người nhận có khó khăn hay thiếu hạnh phúc nên tình thương trong ta mới có cơ hội phát sinh và lớn mạnh, nghĩa là vẫn chưa thấy được cho cũng chính là nhận, thì thế nào những đòi hỏi cũng phát sinh và mâu thuẫn trong các mối quan hệ bắt đầu xảy ra.
Khi thương yêu một người nào ta thường hay chủ quan cho rằng mình hoàn toàn vì người đó. Nhưng khi vì một lý do gì đó mà họ không còn hay ho, không còn dễ thương, hay mắc phải một lầm lỗi lớn thì ta có còn thương họ được nữa hay không? Chắc là không. Nhưng tại sao?
Lẽ dĩ nhiên trong một liên hệ nào cũng cần kèm theo những điều kiện thì mới có thể đi đến và thắt chặt với nhau, nếu đó không phải là tình cảm thiêng liêng của cha mẹ hay tình thương của những bậc từ bi. Dù vậy, càng bớt đi những điều kiện cho nhau, nghĩa là mỗi bên cần phải bớt đi những nhu yếu ích kỷ của mình, phá bỏ ranh giới riêng biệt giữa mình với người kia, thấy được khó khăn hay nỗi khổ của người kia cũng chính là của mình, thì tình thương sẽ vượt lên đỉnh cao, đạt tới mức chân thật.
Ta thấy nhiều người rất tội nghiệp, càng thương yêu thì càng trở nên khô héo, trái tim co rút lại. Tại vì họ bị hụt hẫng và thất vọng khi thấy những gì mình cho đi quá nhiều nhưng không được bù đắp một cách xứng đáng. Mà phần lớn những điều kiện của họ chính là muốn sở hữu người kia một cách tuyệt đối. Bỏ ra ít nhưng muốn thu lại nhiều thì chỉ là một sự đầu tư trong thương mãi, chứ không phải thương yêu.
Trong khi tình thương chân thật là phải biết đặt lợi ích của đối tượng ngang bằng hoặc lên trên quyền lợi của mình. Để cho người kia được hạnh phúc, dù phải chịu thiệt thòi, ta vẫn chấp nhận và vẫn thấy hạnh phúc như thường. Bởi lẽ càng cho đi thì tình thương trong ta càng lớn mạnh, và dung lượng trái tim của ta sẽ càng nới rộng ra. Nghĩa là một tình thương chân thật bao giờ cũng gắn liền với sự hy sinh, bao dung và chấp nhận.
Có lần bà Shanon, một thiếu phụ người Mỹ rất hiền hậu và tốt bụng, đến thiền thất của tôi để xin làm một quyết định. Con chó của bà đã già yếu, không còn ăn uống được nữa và nằm một chỗ rất khó nhọc. Mỗi lần có ai đi ngang qua, nó luôn ngước nhìn theo mà nước mắt lưng tròng, trông rất thảm não.
Bác sĩ thú y đã khuyên bà đừng để nó tiếp tục trong tình trạng đau đớn như vậy, hãy tiêm cho nó một mũi thuốc để kết thúc. Bà biết điều bác sĩ khuyên là cần thiết, nhưng bà không làm được. Bà cảm thấy quá xót xa vì con chó đã ở với bà suốt mười lăm năm trời, và nó là người bạn thân thiết nhất trong những ngày tháng cô đơn giữa vùng núi non hiu quạnh. Tại vì bà đã ly hôn từ nhiều năm qua.
Tôi đã hỏi bà Shanon là nếu bà đã biết con chó đang trong tình trạng sống lây lất đau khổ như vậy thì lý do bà muốn níu kéo là thật sự vì con chó hay vì chính bà? Bà Shanon im lặng rất lâu mà vẫn chưa tìm thấy câu trả lời.
Tôi nói nếu bà lấy cảm xúc bảo vệ sự cô đơn của mình ra, để đặt vào nỗi khổ sở của con chó thì bà sẽ hiểu nó muốn gì ngay trong lúc này. Bà thật sự thương nó thì bà hãy làm theo ý của nó đi. Bà phải can đảm và chấp nhận sự mất mát này để đối tượng thương yêu của bà được mãn nguyện, hạnh phúc.
Mắt bà Shanon bỗng sáng lên, ra chiều thấm thía. Bà đồng ý theo lời khuyên của bác sĩ và theo sự hướng dẫn của tôi. Chiều ngày hôm đó, tôi đã nhận lời thỉnh cầu của bà đến tụng kinh cầu nguyện cho con chó, mặc dầu bà ta theo đạo Tin lành.
Khi nghe một người thân đang trong cơn hấp hối, ta thường hốt hoảng lo sợ. Ta quỳ trước Chúa hay trước Phật để cầu nguyện cho người đó đừng chết. Câu hỏi được đặt ra là trong chiều sâu của ý nguyện đó, ta hoàn toàn vì muốn người kia vượt thoát tình trạng khổ đau để được sống tiếp, để được thừa hưởng những quyền lợi từ cuộc sống, gia đình và cả bản thân ta nữa, hay chỉ vì ta sợ mình phải chịu cô đơn lạc lõng, sợ mất người ấy rồi sẽ không còn ai thương yêu và nâng đỡ?
Hai thái độ khác nhau. Một cái vì người, một cái vì mình. Cũng có khi ta rơi vào tình trạng nửa vì người và nửa vì mình, thì sự nguyện cầu đó cũng khó thành công được.
Công tác từ thiện cũng vậy. Nhiều người có thể bỏ rất nhiều tài vật, năng lực và thời gian ra để giúp đỡ những kẻ đang gặp những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Hồi đầu vì tình thương mà họ làm, nhưng sau vì thiếu khả năng kiểm soát tâm tự mãn, cộng thêm những cảm xúc biết ơn và quý trọng của người nhận, đã khiến cho họ mau chóng vướng kẹt vào danh dự, luôn thấy sự quan trọng trong vị trí bố thí của mình.
Họ dễ dàng giận hờn khi người nhận không thể hiện sự niềm nở quan tâm đặc biệt. Họ có thể nổi quạo hoặc la hét khi bên kia thực thi không đầy đủ những điều họ đã đề ra. Họ còn tự cho mình cái quyền trách móc, phê phán hay nghi ngờ người kia đã không sử dụng đúng mức tặng phẩm giá trị của mình.
Cho nên nhiều người làm công tác từ thiện lâu năm mà vẫn không có hạnh phúc. Nhân danh tình thương họ đã vung vãi không biết bao nhiêu năng lượng độc hại từ lời nói và hành động đầy uy lực của mình. Đôi khi ta còn chứng kiến vài người làm công tác cứu hộ mà lại tỏ thái độ hất hủi coi khinh kẻ khác. Họ có thể bỏ ra cả khối tiền bạc cho những chương trình ủy lạo đang là tâm điểm chú ý của báo đài, nhưng cũng dễ lạnh lùng trước một đứa bé bất hạnh đói khát giữa đường hay bị tai nạn trong bóng đêm.
Hóa ra làm từ thiện cũng là một loại biểu diễn, trong đó, họ luôn cần khán giả tưởng thưởng nồng nhiệt. Có khi hiến tặng xong thì họ lại sinh tâm hối tiếc, hoặc biểu lộ những phản ứng rất kỳ cục. Tại vì bên nhận đã không tiếp tục vinh danh, ca ngợi và nồng nàn với họ như trước nữa. Trong khi “từ thiện” có nghĩa rất đẹp, đó là hành động làm lợi ích cho kẻ khác xuất phát từ sự rung cảm chân thành của trái tim.
Cho nên tính ủy lạo phải chứa đựng tâm từ. Tâm từ là tình thương không điều kiện. Ta không đòi hỏi bên kia phải làm thế này hay thế kia thì ta mới chịu giúp. Thương là cứ thương, giúp là cứ giúp, không phân biệt đối tượng kia là ai, có xứng đáng hay không, vì nó không đứng trên lợi ích của cá nhân.
Không phải trở thành một bậc thánh thì ta mới có tâm từ. Chẳng phải có đôi lúc tâm ta bỗng trở nên rộng lớn, ta chấp nhận hay tha thứ cho người kia một cách rất dễ dàng, đó chính là lúc năng lượng trong ta đang dồi dào. Muốn cho năng lượng dồi dào thì trước tiên ta phải có một nhận thức sáng suốt và một quá trình luyện tập đúng đắn.
Nhận thức sáng suốt là thấy mình phải nhờ vào ân tình của vô số điều kiện trong vũ trụ này thì mình mới có thể tồn tại và hạnh phúc được. Cho nên hãy luôn dễ chịu và tỏ lòng biết ơn tất cả, hãy cố gắng giúp đỡ trong điều kiện có thể để ta và họ không còn sự cách biệt, bởi khi nào xóa bỏ được lằn ranh cao thấp giữa mình và người khác thì lúc ấy tâm của ta mới nhập vào đại thể bao la. Tâm càng lớn thì sự tự do của ta sẽ càng lớn.
Quá trình luyện tập phải bắt đầu từ những lúc bình thường, khi chưa có vấn đề cấp bách xảy ra. Hằng ngày ta nên tập gửi tâm từ của mình đến những đối tượng ở chung quanh.
Mỗi khi chạy bộ trên con đường bóng mát, ta hãy thực tập gửi năng lượng bình an và tình thương đến những hàng cây, mong cho chúng luôn xanh tốt và vững chắc. Khi tiếp xúc với dòng sông, ta hãy gửi năng lượng tươi mát và ngọt ngào theo dòng sông đến tận những miền xa để tô bồi thêm phù sa cho những bên đất lở. Khi nhìn một áng mây trôi ta cũng có thể gửi năng lượng an lạc, nhẹ nhàng trong ta để đám mây kia có thêm sức mạnh làm trách nhiệm đem mưa đến những cánh đồng nho hay những đám mạ non.
Khi thấy một bé thơ đến trường ta hãy dùng tâm từ để ôm em vào lòng, cầu nguyện cho em giữ mãi lòng thật thà và trong sáng. Khi bắt gặp một người gánh hàng rong bên đường, ta có thể chia sẻ năng lượng ấm áp để an ủi phần nào những vất vả gian lao. Khi nghe tin một người xa lạ đang rơi vào tình trạng bế tắc khổ đau, ta hãy gửi năng lượng tình thương để che chở và cầu nguyện cho người ấy mau thoát nạn.
Khi được tin trận động đất đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn người, nếu không có điều kiện cứu hộ trực tiếp, ta hãy buông bỏ bớt sự hưởng thụ, giành nhiều thời gian và tâm lực cho việc tích tụ năng lượng an lành phóng tới nơi ấy để kịp thời góp phần xoa dịu. Vài trăm bạc gửi đi cũng không bằng tình thương của ta được thể hiện trong vài ngày hay một tuần lễ sống vì những nạn nhân ấy.
Bởi năng lượng tâm từ rất mầu nhiệm, một khi được phóng ra từ sức mạnh trong tâm thì nó sẽ lên đường xâu kết với năng lượng tâm từ của những người khác trong vũ trụ này để kết thành một hiệu ứng đáng kể. Hiệu ứng này không chỉ làm xoa dịu những nỗi khổ niềm đau tạm thời, mà còn giúp cho những nạn nhân kia không rơi vào vực thẳm của tâm thần hay trầm cảm, mau chóng hồi phục và có thể làm nên những điều kỳ diệu khác nữa.
Một người tạo ra năng lượng tâm từ đã có công năng to tát như vậy, nếu mười người hay một trăm người cùng thực tập thì sức chuyển hóa sẽ không thể nào lường nổi. Cho nên để cứu vãn tình trạng thiên tai hay chiến tranh đang còn diễn ra khắp nơi trên thế giới, con đường duy nhất là chúng ta phải buông bỏ sự ích kỷ hưởng thụ, để cùng nhau chế tác năng lượng tâm từ qua nhiều hình thức trong đời sống chánh niệm.
Một điều hết sức kỳ diệu là tâm từ càng lớn thì hiểu biết trong ta sẽ càng lớn, nghĩa là những phiền não trong tâm cũng không còn không gian để sống, vì không gian của phiền não chính là u mê. Đời sống không còn những u mê, không còn những nhận thức sai lầm là đời sống của một cõi bình an và hạnh phúc, con người biết sống trọn vẹn với chất liệu chân thật nguyên sơ của mình.
Thắp lên ngọn lửa hồng
Ấm áp cả trời đông
Giữa cõi đời lạnh lẽo
Cần nhau một tấm lòng