Với một sự thông minh thượng thừa, Einstein đã tìm ra câu trả lời chung cho mọi câu hỏi về bức ảnh mình lè lưỡi khi bị người qua đường níu lại “chất vấn”. Ông nói: “Xin thứ lỗi, Xin lỗi! Tôi luôn bị nhầm với Giáo sư Einstein”.
Vào tối ngày sinh nhật lần thứ 72 (14/3/1951) của Albert Einstein, một trong những trí thức nổi tiếng của lịch sử nhân loại được tổ chức tại hội trường của Đại học Princeton, nhiếp ảnh gia Arthur Sasse, lúc đó đang làm việc cho hãng UPI, vốn là một khách mời đã cùng các đồng nghiệp thuyết phục nhà khoa học nổi tiếng nở một nụ cười để ông có thể ghi lại một bức ảnh đáng nhớ. Tuy nhiên, Albert Einstein quá nhàm chán và vấn đề mệt mỏi vì tuổi tác khi cứ phải mỉm cười dưới ánh đèn flash cho các nhiếp ảnh gia khắp nước Mỹ tràn về tác nghiệp cả một ngày dài đến mức phải ngăn họ lại bằng cách nói to “Ya Basta!” (Đủ rồi). Và thay vì mỉm cười thêm một lần nữa, Einstein, lúc này đang ngồi ở ghế sau xe hơi đã thè lưỡi trước khi cùng người bạn thân, Tiến sĩ fank Aydelotte, cựu giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp và vợ ông thoát khỏi đám đông. Arthur Sasse chưa có phòng bị gì, là người duy nhất đã ghi lại ngay bức ảnh độc đáo này mà không hề biết rằng mình đã sở hữu một trong những hình ảnh có ảnh hưởng nhất trong lịch sử.
Bức ảnh thay đổi nhận thức của công chúng về thiên tài Einstein
Mặc dù vấp phải nhiều tranh cãi của các biên tập viên ảnh, cuối cùng bức ảnh của Arthur Sasse, sau khi được cắt cũng được đăng tải trên tờ báo của hãng News International, một trong những tờ báo in bán chạy nhất ở Anh, chuyên đưa tin giật gân về nhiều lĩnh vực.
Einstein đã rất thích bức ảnh này và yêu cầu hãng UPI để lại cho mình 9 bản in ảnh gốc để sử dụng. Nhà khoa học thiên tài gửi tặng hình ảnh độc đáo của mình dưới dạng thiệp mừng Giáng Sinh cho những người thân thiết. Một trong số các bức ảnh đã được nhà khoa học ký tặng cho một phóng viên và vào ngày 19/6/2009, bức ảnh gốc có chữ ký của Einstein đã được bán đấu giá với giá 74.324 USD, kỷ lục của bức ảnh đắt nhất của Einstein từng bán ra. Mặt sau của bức ảnh có lời đề tặng nhà báo Howard K. Smith và người may mắn sở hữu bức ảnh là David Waxman, một nhà sưu tập sống ở Great Neck, New York. Người đàn ông này đã vô cùng tự hào khi sở hữu hình ảnh độc nhất vô nhị “của người đàn ông thế kỷ”. Tám bức ảnh còn lại hiện không rõ số phận.
Khoảnh khắc nhà bác học thiên tài ngồi ở ghế sau ô tô cùng người bạn thân, Tiến sĩ fank Aydelotte, cựu giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp và vợ ông trước khi thè lưỡi ra trêu các nhiếp ảnh gia
Sau khi bức ảnh nhà khoa học tóc bạc thè lưỡi được xuất bản, Einstein đã gặp một rắc rối khi đi dạo trên phố. Nhiều người đã níu nhà bác học lại và yêu cầu ông giải thích về bức ảnh. Với một sự thông minh thượng thừa, Einstein đã tìm ra câu trả lời chung cho mọi câu hỏi về bức ảnh này, ông nói: “Xin thứ lỗi, Xin lỗi! Tôi luôn bị nhầm với Giáo sư Einstein”.
62 năm đã trôi qua kể từ khi Arthur Sasse ghi lại được khoảnh khắc có một không hai của nhà khoa học đại tài và cho tới ngày nay, đây là bức ảnh nổi tiếng và phổ biến nhất mỗi khi nhắc tới hình ảnh của Einstein, thường được sử dụng trên các phương tiện truyền thông, báo chí, áp phích và cả trên áo thun để tạo ra hiệu ứng dễ chịu, hài hước.
Điều đặc biệt của bức ảnh là đã khám phá ra được một khía cạnh khác trong con người của Einstein, khác xa với hình ảnh chỉn chu, nghiêm cẩn trên các tạp chí, diễn đàn, thay đổi cách công chúng nhìn về nhà khoa học vĩ đại. Đó là một giáo sư vui vẻ, đãng trí, hài hước với mái tóc dài, xoăn, ria mép rậm rạp và thời trang thoải mái. Bức ảnh đã in sâu vào ý thức công đồng về hình ảnh một thiên tài vật lý.
Bức ảnh gốc của Arthur Sasse
Bức ảnh này của Arthur Sasse đã đã thay đổi nhận thức của công chúng về Einstein và các nhà khoa học nói chung, phá vỡ khuôn mẫu rằng họ chỉ là những “nô lệ” của công việc nghiên cứu phức tạp mà còn là con người bình thường, thân thiện. Và nhiếp ảnh gia Arthur Sasse với bức ảnh này đã khẳng định một bài học nằm lòng cho các nhiếp ảnh gia thực thụ, đó là luôn phải biết chờ đợi những khoảnh khắc đáng giá. Bức ảnh đã không qua chỉnh sửa và là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Arthur Sasse.