Thùy dương rũ bến tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi! Câu hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang
Sau mùa mưa gió phũ phàng
Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa
Lệ nhòa như nước sông Đà
Mái đầu sương tuyết lòng già mong con
Chiều nay trời nhẹ xuống hồn
Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
Biết bao thương nhớ cho vừa
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi…“
Và như chúng ta đã biết, từ bài thơ trên, nhạc phẩm “Thuyền Viễn Xứ” đã ra đời, với giai điệu buồn mênh mang như từng đợt sóng đưa con thuyền xa bến, với những lời hát chẳng những gửi gắm niềm nhớ nhung của một triệu người rời quê cha đất tổ năm 1954, mà hơn hai thập niên sau đó sẽ lại một lần nữa gửi gắm nỗi lòng của hàng triệu người phải bỏ lại tất cả những gì yêu thương nhất trên mảnh đất quê hương để vượt biển tìm tự do và phiêu bạt nơi đất lạ quê người:
“Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người
Thuyền ơi! viễn xứ xa xưa
Một lần qua dạt bến lau thưa
Hò ơi! giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về
Nhìn về đường cố lý
Cố lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước
Bước hoang mang rồi
Quay lại hướng làng
Đà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Mái tuyết sương mong con bạc lòng
Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người
Mịt mờ sương khói lên hương
Lũ thùy dương rủ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…“
Từ thời điểm bài thơ rồi bản nhạc ra đời, cho đến suốt hơn 20 năm sau đó, âm hưởng của “Thuyền Viễn Xứ” đã trở thành tiếng lòng của những người “xa quê hương”, trong số đó chắc chắn có rất nhiều người không thể ngờ rằng họ sẽ còn “xa quê hương” thêm một lần nữa trong đời, và niềm thương nhớ ngày nào hướng về “cố lý xa xôi” sẽ được nhân lên nhiều cấp số để trở thành nỗi hoài niệm không nguôi của những tâm hồn lưu lạc “gửi về phương ấy mịt mờ quê hương“.
Nhắc đến điều này để thấy “quê hương” chỉ là một ý niệm tương đối, nhưng phải chăng cũng chính vì thế mà sau bao nhiêu thử thách của thời gian, sau bao nhiêu thăng trầm của đời sống, tình hoài hương mãi mãi vẫn là một tình cảm làm đẹp và thăng hoa tâm hồn nhiều hơn là vò xé và dằn vặt tâm hồn? Trước khi quê hương cách trở cả một trùng dương, đã có một thời mà không gian ngăn chia người với quê hương chỉ là một giòng sông Đuống như miền Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm, chỉ là một đường tàu Nam Bắc như xứ Hà Đông trong thơ Nguyễn Bính, chỉ là một vùng lửa đạn như thành phố Hà Nội trong nhạc Hoàng Dương… Rồi lại có một thời mà nửa mảnh đất quê hương bị cắt lìa vì một vĩ tuyến đánh dấu hai ý thức hệ đối kháng khiến người ra đi chỉ có thể “đứng bên này vĩ tuyến thương về năm cửa ô xưa” như trong thơ Tạ Tỵ nhạc Y Vân… Nhưng dù cho không gian có khác, hoàn cảnh có khác, tình hoài hương vẫn là nguồn cảm hứng để từ đó đã thoát thai biết bao nhiêu tác phẩm giá trị của kho tàng văn chương âm nhạc Việt Nam. Có lẽ bởi vì, nói cho cùng, quê hương là nơi cất giữ những kỷ niệm đẹp nhất, và nếu hình ảnh quê hương sống mãi trong lòng người thì cũng chẳng qua bởi vì đó là một tuyển tập hình ảnh của chính mình, những hình ảnh nguyên vẹn mà mỗi người khi ra đi đã mang theo và nâng niu cất giữ trong cõi riêng của tâm hồn, để có thể mở ra vào những giờ phút tĩnh lặng và tận hưởng một hạnh phúc rất riêng tư, tách biệt với mọi xô bồ, đắng cay, mệt mỏi của cuộc sống hiện tại.
Bao nhiêu năm rồi, mỗi lần mùa xuân sắp đến ở quê nhà thì nơi tôi đang ở vẫn là mùa đông lạnh buốt và thường là tuyết phủ ngập trời. Nhưng mỗi khi nghe vang vọng “câu hát ngàn xưa, ngân lên trong một chiều mưa xứ người“, mỗi khi nghĩ đến “đường về cố lý xa xôi, nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang“, tôi không còn cảm thấy tâm hồn chùng xuống theo hơi gió lạnh nữa, có lẽ vì bài thơ gửi từ quê hương
Quê hương chẳng những là tuyển tập những hình ảnh đẹp nhất của một quãng đời đã sống, quê hương còn là những tình thương yêu đằm thắm không phai nhạt theo thời gian và không bị ngăn cách vì không gian. Tình hoài hương là niềm nhớ nhung khó nguôi ngoai nhưng không gây ra nỗi đau đớn mà chỉ làm đẹp thêm cho tâm hồn.
Tôi nhớ đến lời thơ Nguyễn Bính
“Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió, Xuân này em chị vẫn tha hương, Vẫn ăn cái tết ngoài thiên hạ, Son sắt say hoài rượu viễn phương“.
Có một mùa xuân nào đó, Nguyễn Bính đã trở về để rồi chết trên một quê hương mà tôi tin chắc là ông đã không tìm thấy lại. Nếu cuộc trở về buồn bã như thế thì tình hoài hương của những người mượn lời thơ Huyền Chi “Biết bao thương nhớ cho vừa, gửi về phương ấy mịt mờ quê hương” phải chăng lại là một niềm hạnh phúc?
ST