Chia sẻ thêm về bái hát mà được nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác thành bài hát xuất phát từ bài thơ của nhà thơ Du Tử Lê. Bài thơ của nhà thơ đã được sáng tác từ những năm 80s. Cùng vietbf.com khám phá thêm.
Nhạc sĩ Anh Bằng vừa ra đi vào cõi vĩnh hằng. Ông đã để lại niềm thương tiếc vô hạn đối với công chúng yêu dòng nhạc trữ tĩnh nhẹ nhàng êm ái, lắng đọng một nỗi niềm khắc khoải. Trong đó nổi bật là bài hát Khúc thụy du được phổ thơ Du Tử Lê.
Về bài thơ Khúc thụy du của Du Tử Lê
Nhiều người từng sống vào thập niên 60 của thế kỷ trước ở miền Nam chắc hẳn đều biết bài thơ nổi tiếng Khúc thụy du của nhà thơ Du Tử Lê. Đây là bài thơ ghi dấu một cuộc tình trong thời tao loạn của một người con gái mang tên Thụy Châu sinh viên trường Dược Sài Gòn với một nhà thơ lãng tử. Mối tình đẹp đầy lãng mạn của hai người ở tuổi đôi mươi giữa lúc chiến tranh khốc liệt nhất đã tạo của hứng cho Du Tử Lê viết nên bài thơ với những ngôn từ đầy đau thương gào thét. Một thời gian sau, Thụy Châu trở thành bạn đời của chàng Lê Cự Phách (tên thật của nhà thơ Du Tử Lê). Sau này vì nhiều lý do khác nhau, cuộc hôn nhân của hai người tan vỡ. Khúc thụy du còn có nghĩa là tên ghép giữa chữ Thụy tên lót của cô gái và chữ Du tên đầu trong bút danh Du Tử Lê.
Nhà thơ Du Tử Lê và bài hát Khúc thụy du của nhạc sĩ Anh Bằng
Khúc thụy du được Du Tử Lê viết vào tháng 3.1968, bài thơ như một kinh ru buồn, một nỗi ám ảnh về thân phận con người trước chia ly mất mát trong chiến tranh. Những câu thơ u uẩn oằn mình trong cô đơn quạnh quẽ cùng những tiếng gào thét đau thương trong thời ly loạn. “Đó là điều gì đó rất bấp bênh và chia ly gần như thường trực, có những cuộc tình đổ vỡ, và như vậy thì làm sao nhìn về một hướng được. Thành ra, khi viết bài thơ đó, tôi muốn nói: Yêu nhau không phải là nhìn về một hướng mà yêu nhau là nên nhìn vào định mệnh, cuộc đời, hoàn cảnh của nhau, kể cả sự chia lìa trước sau cũng sẽ đến, đó là ý niệm sâu xa của bài Khúc thụy du", nhà thơ Du Tử Lê viết vậy.
Và bài hát Khúc thụy du của Anh Bằng
Định mệnh đưa đẩy, một thời gian rất lâu sau đó, bài thơ Khúc thụy du đã đến với nhạc sĩ Anh Bằng. Theo những gì nhà thơ Du Tử Lê kể lại thì ông và nhạc sĩ Anh Bằng không hề quen biết, đến khoảng năm 1985, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm gặp ông ở quán cà phê Tay Trái và tự giới thiệu mình là nhạc sĩ Anh Bằng, đã phổ nhạc bài thơ này của ông.
Nhạc sĩ Anh Bằng (1926 - 2015) đã tác khoảng 650 tình khúc để lại cho đời
Nếu như bài thơ Khúc thụy du của Du Tử Lê mô tả những nỗi ám ảnh của sự sống chết, nhưng tiếng kêu thương đau đáu rớt xuống từng thân phận con người thì Khúc thuy du trong nhạc của Anh Bằng lại là một giai điệu êm ái da diết mang nặng dấu ấn về thân phận tình yêu với những câu hỏi không có sự trả lời:
...Đừng bao giờ anh hỏi
Vì sao ta yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay em lạnh
Vì sao chân anh run
Vì sao chân không vững
Vì sao và vì sao...
(Lời bản nhạc Khúc thụy du)
Có thể nói Khúc thụy du của nhạc sĩ Anh Bằng là một bài tình ca đẹp và bất hủ trong những bài tình ca mà ông đã viết, bên cạnh những Nỗi lòng người đi, Chuyện tình Lan và Điệp, Anh còn nợ em, Căn gác lưu đày, Chuyện giàn thiên lý, Căn nhà ngoại ô...
Khúc thụy du - từ tiếng thét đau thương đến lời trìu mến
Chất liệu chính để làm nên ca từ trong Khúc thụy du của Anh Bằng chủ yếu lấy từ bài thơ Khúc thụy du của Du Tử Lê. Nhưng khi chuyển tải nó sang một hình thức nghệ thuật khác, Anh Bằng đã lượt bỏ những ám ảnh chết chóc, để nhạc của Anh Bằng chỉ còn lại sự ám ảnh khác, ám ảnh về tình yêu với giấc mộng liêu trai nửa hư nửa thực. Chiến tranh, chết chóc trong ca từ Khúc thụy du của Anh Bằng chỉ còn bức tranh mờ nhạt bỏ lại phía sau trong tiếng gọi yêu thương vang vọng “Thụy ơi và tình ơi!” được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Tình yêu trong Khúc thụy du của Anh Bằng vô cũng mãnh liệt với bao điều khát khao được đi đến tận cùng và vượt qua bao oan nghiệt của định mệnh. Dù có thể cận kề với cái chết nhưng mong ước được che chở được yêu thương tận hiến vẫn tuôn trào trong ca khúc của Anh Bằng.
Nhạc sĩ Anh Bằng giờ đây đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng chắc chắn những bài tình ca của ông vẫn còn mãi đọng mãi. Người đời nhớ ông đến ông, nhớ cả tiếng gọi tha thiết trong ca từ: “Hãy nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa, sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới?” và rồi nghẹn ngào day dứt:
Anh là chim bói cá
Em là bóng trăng ngà
Chỉ cách một mặt hồ
Mà muôn trùng chia xa…