Trong sinh hoạt văn nghệ mang tính trình diễn thi ca cao nhất của miền Nam trước năm 1975 có hai chương trình nổi tiếng là Thi văn Tao Đàn của Đinh Hùng và Mây Tần của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà trên đài phát thanh Sài Gòn. Chương trình Thi văn Tao Đàn có vẻ vượt trội hơn về mặt đóng góp của nhiều khuôn mặt danh tiếng trong làn thi ca Việt Nam.
Sinh hoạt thi ca Việt Nam
Hôm nay chúng tôi mời quý vị theo dõi lại một chương trình Tao Đàn cũng như các hoạt động của chương trình này qua lời kể của nghệ sĩ Đan Hùng, người giữ chân xướng ngôn viên chương trình này nhiều năm cho đến khi chấm dứt vào năm 1975. Chương trình được Mặc Lâm thực hiện sau đây, trước tiên nghệ sĩ Đan Hùng cho biết:
Đan Hùng: Thưa quý vị, chương trình Thi văn Tao Đàn được thi sĩ Đinh Hùng thành lập ở Đài phát thanh Sài Gòn vào năm 1955. Lúc đó đồng sáng lập với ông là anh Tô Kiều Ngân. Chương trình này lúc đó phần diễn đọc do thi sĩ Đinh Hùng cũng như Thanh Nam, Thái Thủy, chương trình dài 45 phút gồm giới thiệu chương trình thi văn cùng những sinh hoạt của nền thi ca Việt Nam. Được phát thanh vào mỗi tối thứ Bảy từ lúc 21 giờ 15 cho tới 22 giờ.
Mặc Lâm: Thưa anh trong chương trình này có tiếng sáo của Tô Kiều Ngân rất là độc đáo... vai trò của anh ấy về thổi sáo cho chương trình có liên tục hay không?
Chương trình này lúc đó phần diễn đọc do thi sĩ Đinh Hùng cũng như Thanh Nam, Thái Thủy, chương trình dài 45 phút gồm giới thiệu chương trình thi văn cùng những sinh hoạt của nền thi ca Việt Nam.
-Đan Hùng
Đan Hùng: Anh Tô Kiều Ngân rất tài tử anh ấy thường xuyên thổi sáo nhưng nhờ vào tiếng đàn thập lục của anh Bửu Lộc hay tiếng Piano của nhạc sĩ Ngọc Bích và sau này có anh Phạm Đình Chương đệm Piano cho chương trình ngâm thơ. Anh Tô Kiều Ngân thường xuyên thổi sáo cho chương trình Thi Văn Tao Đàn nhưng mấy lúc về sau khi anh ấy yếu thì có sự phụ giúp của anh Nguyễn Đình Nghĩa thổi sáo.
Mặc Lâm: Vâng anh Nguyễn Đình Nghĩa phải nói là một tay sáo cự phách của Việt Nam mình rồi, có thể nói tiếng sáo của anh ấy rất lôi cuốn người nghe. Thưa anh chương trình Thi văn Tao Đàn thường thì ai là người biên tập cũng như dựng kịch bản thưa anh?
Đan Hùng: Về phần biên tập thì do anh Đinh Hùng phụ trách, thỉnh thoảng anh Tô Kiều Ngân cũng phụ với anh Đinh Hùng. Chương trình Tao Đàn này nó chia ra làm ba bộ phận: Bộ phận quan trọng nhất là biên tập và diễn đọc gồm có anh Đinh Hùng anh Thanh Nam, Thái Thủy và vài năm sau thì có anh Huy Quang và anh Vũ Đức Vinh từ Nha Trang vào cộng tác. Bộ phận thứ hai là ban ca ngâm gồm những tài tử nam nữ trình diễn thường xuyên hay tùy hứng. Cũng có những anh như Tô Kiều Ngân rất đa năng, anh ấy chơi sáo, chơi đờn nhưng khi nổi hứng thì anh ấy cũng ngâm thơ vì anh không thường xuyên là người ca ngâm. Anh ấy vừa biên tập lại vừa trong ban nhạc.
Về phần giọng nữ khởi đầu của chương trình Thi văn Tao Đàn là nữ nghệ sĩ Giáng Hương, rồi tới bà Đàm Mộng Hoàng bà này danh tiếng một thời ở Khâm Thiên sau đó nổi bật lên là Hồ Điệp và một đàn em nhỏ đó là ca sĩ Hoàng Oanh.
Sống lại cùng Thi văn Tao Đàn
Mặc Lâm: Thưa anh chắc anh cũng biết rằng mọi người đang chờ đợi được nghe một chương trình Thi văn Tao Đàn do anh làm xướng ngôn viên mà khi xưa vẫn xuất hiện trên làn sóng Đài phát thanh Sài Gòn. Bậy giờ phương tiện thiếu thốn chẳng hạn như không có đàn, không có sáo hay Piano để nâng lời giới thiệu của anh thêm phong phú, hấp dẫn… có thể nào ngắn gọn anh diễn tả lại một chương trình như thế với một giọng ngâm nào đó thưa anh…
Đan Hùng: Vâng thưa anh đó là điều mà không có gì khó vì mình đã làm qua rồi. Nều quý vị muốn nghe để sống lại cái thời của thi sĩ Đinh Hùng thì chúng tôi xin trình bày sau đây:
“Kính thưa quý vị, đây Tao Đàn, tiếng nói của thơ văn miền tự do do thi sĩ Đinh Hùng phụ trách. Với sự cộng tác của Thanh Nam, Tô Kiều Ngân, Huy Quang, Thái Thủy cùng sự hiện diện của các nam nữ nghệ sĩ Quách Đàm, Hồ Điệp, Giáng Hương, Hoàng Thư xin thân ái kính chào quý vị thính giả.
Kính thưa quý vị trong chương trình Thi văn Tao Đàn đêm nay Đan Hùng xin giới thiệu đến quý vị một giọng ngâm truyền cảm của nữ nghệ sĩ Hồ Điệp mời quý vị thưởng thức một thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan “Màu tím hoa sim”….
(Giọng ngâm thơ của Hồ Điệp)
Nàng có ba người anh Đi bộ đội Những em nàng còn chưa biết nói Khi tóc nàng xanh xanh. Tôi là người chiến binh Xa gia đình Yêu nàng như tình yêu em gái Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới, Tôi mặc đồ quân nhân Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân, Nàng cười xinh xinh Bên anh chồng độc đáo. Tôi ở đơn vị về Cưới nhau xong là đi! Từ chiến khu xa Nhớ về ái ngại Lấy chồng đời chiến chinh Mấy người đi trở lại Lỡ khi mình không về Thì thương người vợ chờ Bé bỏng chiều quê ... Nhưng không chết người trai khói lửa Mà chết người gái nhỏ hậu phương Tôi về không gặp nàng Má tôi ngồi bên mộ con Đầy bóng tối Chiếc bình hoa ngày cưới Thành bình hương Tàn lạnh vây quanh ... Tóc nàng xanh xanh Ngắn chưa đầy búi |
Giây phút cuối
Không được nghe nhau nói Không được trông thấy nhau một lần. Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím áo nàng màu tím hoa sim Ngày xưa một mình đèn khuya bóng nhỏ Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa... Một chiều rừng mưa Ba người anh Trên chiến trường Đông Bắc, Biết tin em gái mất Trước tin em lấy chồng. Gió sớm thu về Rờn rợn nước sông Đứa em nhỏ lớn lên Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị Khi gió thu về Cỏ vàng chân mộ chí. Chiều hành quân Qua những đồi sim .. Những đồi hoa sim ..., Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết Màu tím hoa sim Tím cả chiều hoang biền biệt Nhìn áo rách vai Tôi hát trong màu hoa. Áo tôi sứt chỉ đường tà, Vợ tôi chết sớm mẹ già chưa khâu…. |
Kính thưa quý vị đến đây Tao Đàn xin tạm ngừng tiếng và xin hẹn gặp lại quý vị cũng vào giờ này trên các làn sóng điện thường lệ của đài phát thanh Sài Gòn. Xin thân ái kính chào quý vị thính giả bốn phương và các chiến hữu…