Vào những năm đầu của thập kỷ 60, Sài Gòn đầy bom đạn, thép gai và những đợt xuống đường biểu tình của tăng ni Phật giáo. Trong không khí sôi sục của phong trào phản chiến, ca khúc "Bông hồng cài áo" của Phạm Thế Mỹ ra đời và trở thành bất hủ trong giới sinh viên và Phật tử . Có thể nói rằng, lúc bấy giờ, khả năng sáng tạo của Phạm Thế Mỹ rất mãnh liệt và đạt đến đỉnh cao của dòng nhạc hướng về hoà bình. Những ca khúc: Nắng lên xóm nghèo, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Đường về 2 thôn, Người về thành phố, Trăng tàn trên hè phố, Những ngày xưa thân ái,... được mọi người nồng nhiệt đón chào với tất cả tình yêu quê hương đất nước.
Báo Le monde ngày 11/2/1972, Mireille Gansel đã nhận định rằng: "Những ca khúc ấy đã đánh thức lương tâm của tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của họ. Tất cả cơ đồ của "lối sống Mỹ" đã bất lực, không thể bóp nghẹt tiếng nói của thế hệ trẻ sinh ra dưới những trận mưa bom, chưa bao giờ họ được biết gương mặt của hòa bình"
Mùa Vu Lan lại về, một lần nữa, chúng ta nghe "Bông hồng cài áo" vang lên ở khắp mọi miền đất nước: " Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh, và một bông hồng cho những ai ..."
- Ban đầu, Bông Hồng Cài Áo là tên của một bài tùy bút viết về Mẹ của thiền sư Thích Nhất Hạnh viết năm 1962 tại Sài Gòn. Bài viết kể về một tập tục cài hoa lên áo mà ông đã gặp ở Nhật Bản như sau:
“Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh (Tokyo), nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng…”
- Về hoàn cảnh sáng tác của bài hát Bông Hồng Cài Áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, dựa theo bài tùy bút này, có một lần ông đã kể lại:
“Năm 1963, do tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo tôi bị chính quyền cũ bắt giam 1 năm tù. Ở trong tù, người tôi nghĩ đến nhiều nhất là mẹ tôi. Cho nên khi ra tù, tình cờ đọc được tập văn xuôi ‘Bông Hồng Cài Áo’ của thiền sư Thích Nhất Hạnh, những tình cảm trìu mến về mẹ lại bùng lên và tôi đã hoàn thành ca khúc ‘Bông Hồng Cài Áo’ vào năm 1967”
- Ông Sơn Huy – người học trò cũ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, kể về một kỷ niệm rất đặc biệt với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, về lòng hiếu thảo và hết mực tôn kính mẹ của tác giả ca khúc Bông Hồng Cài Áo:
“Vào những năm đệ thất hay đệ lục (lớp 6,7), lúc đó tôi đang hát trong ban Tiếng Thùy Dương của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tại Đà Nẵng, một buổi chiều đến nhà nhạc sĩ để tập nhạc như thường lệ, tôi vô cùng ngạc nhiên nhìn thấy thầy của mình đang ngồi nghiêm vòng tay bên cạnh cây đàn piano quen thuộc ở góc nhà.
Thấy tôi bước vào, thầy nói rằng:
– Thầy có lỗi bị mẹ thầy phạt, vậy em đứng chờ đi, khi nào mẹ thầy tha thì thầy sẽ dạy em.
Ngay lúc đó, mẹ thầy từ nhà sau bước ra và nói:
– Thôi học trò con đến rồi, mẹ tha cho con đó”.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đứng dậy và nói:
– Con cảm ơn mẹ!
Hình ảnh cảm động đó đeo đuổi tôi suốt đời vì chỉ có tình yêu thương mẹ vô vàn, bằng cả tấm lòng quý mến vô biên, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mới viết được ca khúc “Bông Hồng Cài Áo”.
- Trong bài hát Bông Hồng Cài Áo, có những câu hát ấn tượng như sau:
Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?”
– Biết gì?
– Biết là, biết là con thương Mẹ không?”
Ý nghĩa của những câu hát này đã được ghi trong bài tùy bút của thiền sư Thích Nhất Hạnh:
“Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh.
Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?”
Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “Biết gì?”
Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?”
Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt . Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.
Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.”
Dựa vào những ý nghĩa đó trong bài tuỳ bút, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã đưa vào trong ca khúc viết về Mẹ nổi tiếng suốt hơn 50 năm qua.
- Bông Hồng Cài Áo của thầy Nhất Hạnh vẽ nên người Mẹ qua những hình ảnh và lời văn đơn sơ mà gần gũi, và rất đỗi thân thương: Mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp một như đường mía lau.
Bài tuỳ bút có những lời khuyên rất ý nghĩa:
“Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên… Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm.
Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ… Một “món quà” như Mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng.
Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ” (Thích Nhất Hạnh)
Cũng bắt nguồn bài tuỳ bút Bông Hồng Cài Áo này, từ năm 1962 trở về sau người Việt bắt đầu có nghi thức “bông hồng cài áo” vào mỗi dịp Vu Lan, đó là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người.
Trong nghi thức đó, các em nhỏ gia đình Phật Tử sẽ cầm hai giỏ hoa hồng, màu đỏ và màu trắng, và đến cài hoa lên áo từng người dự lễ chùa trong ngày rằm tháng 7.
Nghi thức này vẫn còn cho đến nay, và có lẽ sẽ còn mãi mãi về sau này.
Readmore:
Phạm Thế Mỹ sinh ngày 15 tháng 11 năm 1930 (có tài liệughi là 1932), ông là một nhạc sĩ tài hoa của Việt Nam và có nhiều bài hát được nhiều người yêu thích.
Sinh tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định, Phạm Thế Mỹ là con thứ 11 của một gia đình trung lưu. Anh trai ông là nhà văn Phạm Văn Ký và nhà văn Phạm Hổ. Từ năm 1947 đến năm 1949, ông học và hoạt động văn nghệ trong trường Thiếu sinh quân ở Liên khu V. Đầu thập niên 1950, ông làm công tác tuyên huấn và phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân. Nhạc phẩm đầu tay của ông là Nắng lên xóm nghèo.
Hiệp định Geneve được ký kết, theo sự sắp xếp của Ban chấp hành Chi hội, ông được bố trí ở lại miền Nam để hoạt động hợp pháp cho phong trào đấu tranh vì hòa bình. Năm 1959, Phạm Thế Mỹ rời Qui Nhơn vào Sài Gòn, theo học ở Trường quốc gia âm nhạc . Sau đó, do không được yên ổn hoạt động, Phạm Thế Mỹ lánh về Đà Nẵng, dạy Việt văn và bộ môn nhạc ở các trường tư thục Tây Hồ, Bồ Đề, Nguyễn Công Trứ , Sao Mai, Bán Công, Tân Thanh... .
Ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam vì đấu tranh trong phong trào Phật giáo (1965-1966), thời gian này ông sáng tác bài nhạc bất hủ Bông hồng cài áo (lấy ý từ thơ Thích Nhất Hạnh). Ra tù, ông tiếp tục sáng tác các bài hát như Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Người về thành phố, Những người không chết... được phổ biến trong phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn. Từ năm 1970 đến 1975, ông là Trưởng phòng Văn - Mỹ - Nghệ củaViện Đại học Vạn Hạnh.
Sau năm 1975, ông công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tinQuận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát nhạc đỏ như: Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng (Giải nhì Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh), Thắm đượm duyên quê, Lêna Belicova...
Trò chuyện trên báo Sài gòn Giải phóng (số ra ngày 28/10/2001), Phạm Thế Mỹ cho rằng "Tôi thật sự không thích nói về những gì mình đã có, tất cả những sáng tác của tôi chỉ được bộc phát bằng sự say mê của chính mình. Tôi quan niệm ca khúc mang âm hưởng tính dân tộc không phải chỉ ở giai điệu, mà trong từng lời ca cũng phải rất tượng hình. Tượng hình trong ngôn ngữ văn chương giúp cho hình tượng âm nhạc trong ca khúc rõ nét, giúp người nghe hình dung được sự thể hiện tình cảm và hình ảnh mà tác giả muốn vẽ lên".
Trước tháng 5/1975, Phạm Thế Mỹ đã có 2 tập tuyển ca khúc được xuất bản: Hòa bình ơi, hãy đến! (1969) và Trái tim Việt Nam (1971). Sau ngày đất nước thống nhất, Phạm Thế Mỹ gia nhập Hội nhạc sĩ Việt Nam, tiếp tục sáng tác những ca khúc được công chúng yêu mến: Thắm đượm duyên quê, Lêna Bêlicơva. Nhà xuất bản âm nhạc (Bộ VHTT) đã xuất bản tập tuyển ca khúc Cho trái đất này vui (1990) và Tập trường ca Phạm Thế Mỹ (1996).
Nghỉ hưu, Phạm Thế Mỹ sống âm thầm tại một căn nhà nhỏtại Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất vào lúc 3 giờ sáng ngày 16 tháng 1 năm 2009, sau một thời gian dài bị bệnh ở tuổi 79.
Bông hồng cài áo
Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối
Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng "Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?"
-Biết gì ? "Biết là, biết là con thương Mẹ không ?"
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi.
Những ngày xưa thân ái
Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai
Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa
Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ ?
Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho ai
Trăng mùa thu lên cao khóm dừa xanh lao xao
Anh cùng tôi trốn ngủ ra ngồi hiên lá đổ
Trong bầy chim trắng hiền mơ một nàng tiên dịu hiền
Đêm đêm nằm nghe súng nổ giữa rừng khuya thác đổ, anh còn nhắc tên tôi ?
Đêm đêm nhìn trăng sáng tỏ bên đồi hoa trắng nở, cuộc đời anh có vui ?
Thời gian qua mau tìm anh nơi đâu
Tôi về qua xóm nhỏ con đò nay đã già
Nghe tin anh gục ngã
Dừng chân quán năm xưa
Uống nước dừa hay nước mắt quê hương
Những đường xưa phố cũ thôi nỡ đành quên sao
Xin gọi lại tên anh giữa trời sao long lanh
Anh giờ yên giấc ngủ tôi nằm nghe súng nổ
Như lời anh nhắc nhở ôi câm hờn dâng ngập lối
Những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai
Anh còn gì cho tôi tôi còn gì cho em
Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù
Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho em
Người về thành phố
Người đã đi đi trên non cao
Nay đã về trên đồng ruộng sâu
Nay đã về trên thành phố mới
Cả trời xanh dâng cho quê hương
Đem máu mình nuôi lại tình thương
Đem máu mình nuôi ngày hoà bình
Người đã đi người đã tới
Trời Việt Nam hôm nay đổi mới
Mặt trời ơi Loài người ơi
hát vang lên cho thoả niềm vui
Người người vui nhà nhà vui
đèn đèn hoa theo ra ngõ tối
Người về đây rừng cờ bay
nắm tay nhau xây lại Việt Nam
Từ biển xa lên trên non cao
máu các anh thấm vào ruộng sâu
thấm trong tim tươi ngọn lúa mới
Nụ cười trên môi em thân yêu
trên nẻo đường quê mẹ tàn hoang
trên đất khô đã thành ruộng vàng
Ruộng đồng ơi thị thành ơi
Trời Việt Nam hôm nay rực sáng
Nhà của ta ruộng của ta
cánh tay ta xây lại đời ta
Bạn bè ơi kẻ thù ơi
Đường Việt Nam thênh thang ngàn lối
Người đã đi Người đã tới
bước chân anh nối lại Việt Nam
Đường về hai thôn
Đường về thôn em duyên dáng bên ven sông con thuyền xuôi mái.
Nhịp cầu băng qua men lối đi quanh có ngõ hoa nối dài.
Nhà em cuối xóm ghép đôi mái tranh nâu trăng cày trước sau,
Có tằm mến nương dâu,
Có trầu vấn vương cau,
Và đào tơ thơm ngát ngát hương trinh ban đầu.
Đường về thôn anh con sáo ru êm êm trên đồng xanh lúa ,
Nhịp cầu băng qua đua tới sân rêu xưa thắm hoa bốn mùa .
Nhà anh mái lá tháng năm vẫn chưa nghe duyên trọn ước mơ,
Có giàn mướp xanh lơ,
Có hồ cá nên thơ
Và lòng quê vẫn hát hát đôi câu mong chờ.
Mỗi đêm thanh trăng ngà,hội mùa lên tiếng ca góp đôi tay cần lao.
Ôi hai thôn giao đầu nhip cầu nhip cầu che bước chung thêm vui dường bao.
Tình ta lên men rồi
Còn chi ngăn cách lòng
Mà chưa trao giấc mơ xuân cùng nhau.
Trời dâng lên trăng màu,
Bà con đang mong cầu,
Rằng đôi ta sớm nên duyên ban đầu.
Đường về hai thôn mai mốt đôi uyên ương qua cầu soi bóng,
Nhủ thầm sông ơi,gương nưóc chưa phôi phai ta còn vui hoài.
Trời quê bát ngát sẽ trong thấy tương lai qua tình lứa đôi.
Lúa đồng mãi xanh tươi,
Mướp cà thắm nơi nơi
Và vành môi trai gái hát câu ca yêu đời.
.... Nhịp cầu đưa lối, chung bước hai thôn, ta đón trăng về...mừng duyên quê....
Trăng tàn trên hè phố
Tôi lại gặp anh, người trai nơi chiến tuyến, súng trên vai bước về qua hè phố.
Tôi lại gặp anh, giờ đây nơi quán nhỏ, tuổi ba mươi mà ngỡ như trẻ thơ.
Nhớ gì từ ngày anh ra mái trường,
Nhớ gì từ ngày anh vui lên đường
Lối về nhà anh hoa phượng thắm,
Màu xanh áo người thương
Nắng chiều đẹp quê hương
hay nhạc buồn đêm thương.
Tôi lại gặp anh, trời đêm nay sáng quá ánh trăng như hé cười sau màn lá.
Tôi lại gặp anh, đường khuya vui bước nhỏ kể nhau nghe chuyện cũ bao ngày qua,
Lối gầy về nhà anh hoa vẫn nở
Kỷ niệm từ ngày xưa chưa xóa mờ,
Ánh đèn vàng từ ngoại ô vẫn còn đó
Sống cuộc đời hôm nay với bọn mình đêm nay.
Anh sống đời trai giữa núi đồi.
Tôi viết bài ca xây đời mới,
Bờ tre quê hương tay súng anh gìn giữ
Tôi hát vang giữa trời để người vui.
Thôi mình chia tay,
Cầu mong anh chiến thắng,
Ánh trăng khuya sắp tàn trên hè phố.
Thôi mình chia tay,
Rồi mai đây có về
Quà cho tôi anh nhớ chép bài thơ.
Nắng đẹp của bình minh đang hé cười.
Nỗi buồn vui biệt ly sẽ xóa mờ,
Súng từ rừng sâu vẫn còn đó
Đừng lưu luyến gì đây
Thôi bọn mình chia tay,
Thôi bọn mình chia tay...
ST