Hà Nội mùa này sấu chín chưa em;
Hàng me Sài Gòn đang vào mùa thay lá
Thoang thoảng vị chua khiến lòng anh nhớ quá
Nhớ mùa sấu rụng phố Tràng Thi
Nhớ dáng em ngồi, nhớ bước em đi
Nhớ tiếng em cười, hờn ghen bóng gió
Yêu em, yêu em vì em là ngọn lửa
Hơ ấm lòng anh khi tất cả đã xa vời
Tuổi đang yêu chua chát cũng ngọt bùi
Trái sấu chia đôi tay và - tay - chấm - muối
Chỉ có vậy mà lòng mình bối rối
Để bây giờ thèm sấu nhớ tay ai ?
Anh muốn tức thì hoá cánh chim bay
Ra nhặt sấu giữa phố đông Hà Nội
Cho hai đứa lại xoè tay chấm muối
Có sao đâu, dù sấu đã trái mùa!...
Hà Nội vào thu vắng những cơn mưa
Em hát với Sài Gòn, mưa lâm thâm mái phố
Thấm vào anh từng hạt thương, hạt nhớ
Hạt sấu nào chín rụng giữa lòng tay!.
*********
Với nhiều nhà thơ, nhạc sĩ, sấu chín đã trở thành hình ảnh đầy thi vị. Đó là những "trái sấu chín lăn lăn trên hè" trong bài 'Hà Nội những năm 2000' của Trần Tiến...
Thời điểm mùa sấu chín rộ nhất là vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10, và chỉ kéo dài trong khoảng 30 - 50 ngày. Sấu chín tròn căng, quả đẫy đà, vàng lục, thoang thoảng hương thơm. Không còn chua gắt như khi còn xanh, sấu chín là một thứ quả nhiều cô cậu học trò mê, nhiều nữ sinh có thể lau ngay lớp vỏ cho hết bụi rồi chấm muối ớt ăn ngon lành. Thịt sấu mềm, chua ngọt hòa lẫn trong nhau, dư vị đọng lại nơi đầu lưỡi thật khó quên.
Sấu chín được cạo sạch lớp vỏ sẽ thấy phần "thịt" sấu vàng ươm, tách ra thấy hạt đen thẫm, cứng. Phải thật khéo để tách "thịt" sấu ra khỏi hạt, cắt theo vòng xoáy trôn ốc mà không bị đứt. "Xử" sấu chín cực kỳ đơn giản, có thể chấm muối ăn ngay hoặc đem dầm với đường, muối và ớt.
Người ta có thể nấu canh sườn với sấu chín để thấy vị chua thanh thanh, ngâm nước đường với sấu chín, và ấn tượng nhất với món sấu chín này phải kể đến sấu chín dầm muối ớt chua ngọt.
Khi cơn gió heo may thổi đón thu sang cũng là thời điểm vàng để thưởng thức những trái sấu dầm trên phố.
Món sấu dầm được bày bán trên các con phố cổ của Thủ đô chủ yếu làm theo phương pháp “ăn xổi”. Để làm sấu dầm ngon phải mua cho được những quả sấu trái to, hạt nhỏ và cùi dày.
Sau khi cạo sạch lớp vỏ ngoài, cô hàng sấu sẽ dùng chiếc dao con khía quanh mình sấu để giúp sấu ngấm gia vị nhanh hơn. Hỗn hợp gia vị chính là đường và bột ớt.
Món nước sấu ngâm dùng để giải khát rất ngon. Nếu đem ngâm sấu chín, trái có thể bị quắt hơn một chút nhưng nước thì đậm đà, ngọt thanh hơn.
Thường thì các cô sẽ cho sấu vào một chiếc khay to rồi rắc đường và bột ớt lên trên. Tiếp đó, có cô sẽ đi bao tay, có cô chỉ cần dùng thìa và đũa để trộn đều sấu. Không cần cho thêm nước vì chỉ khoảng nửa giờ sau là nước sấu cùng đường tan sẽ chảy ra, tạo thành thứ nước ngọt ngọt, cay cay dưới khay đựng. Lúc này sấu mới ngấm kỹ gia vị.
Khác với món sấu ngâm đường, sấu dầm không ngọt và vẫn giữ được vị chua đặc trưng, nhất là khi ăn vào hạt sấu. Lớp vỏ ngoài ngám gia vị nhưng khi ăn vẫn thấy rất giòn. Càng để lâu thì lớp vỏ sẽ càng ngấm đường nên sẽ thêm ngọt và mềm hơn.
Ăn sấu dầm thường có que tre để xiên nhưng truyền thống nhất là dùng tay. Bỏ trái sấu dầm vào miệng rồi nhưng vẫn có thể mút lấy vị ngọt, vị cay nơi đầu ngón tay.
Nhâm nhi một quả rồi sẽ lại muốn nhân nhi thêm quả nữa bởi mới ăn sẽ thấy ngọt và cay hòa trộn, mãi sau mới thấy vị chua chua của trái sấu chín.Vừa ăn vừa xuýt xoa vì cay và vì chua nữa.
Đến phố cổ Hà Nội tháng 9 này, bước qua vỉa hè Hàng Cót từ xa đã thấy mùi đường, mùi gừng ngào ngạt. Một địa chỉ không thể bỏ qua đó là căn nhà số 10, nơi chế biến, bán đủ thứ loại ô mai, trái cây dầm. Sấu chín vàng ươm được chất hàng rổ lớn, bác chủ quán cạo vỏ sấu rồi xoáy sấu tròn nhanh thoăn thoắt. Sấu ngâm trong nước muối chút xíu rồi để thật ráo. Đường, bột ớt khô, muối được nêm với 1 tỉ lệ thật khéo rồi xóc thật đều. Chỉ giây lát sau, cả khay sấu từ màu vàng nhạt bỗng hóa màu cam hấp dẫn. Sấu chín ngấm đều gia vị nhưng vẫn không quắt lại. Từng quả tròn xinh xắn như khiến khách lại qua muốn nuốt nước miếng, tưởng tượng được cái chua cay ngọt mặn của thứ quả tuyệt vời Hà Nội.
Trong cái se lạnh của gió mùa và thoảng hương hoa sữa, ngồi ở vỉa hè Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đường, hay Hàng Cót nhâm nhi những trái sấu chín ngọt chua trong thứ gia vị tuyệt vời của người trộn, chắc hẳn ai cũng có những ấn tượng về một thức quả đi vào thơ của Xuân Diệu:
Ôi cái quả sấu non
Chưa ăn mà đã giòn
Nó lớn như trời vậy
Và sẽ thành ngọt ngon…
Trái sấu xanh hoặc hơi chín có thể dùng để nấu món canh chua rau muống, ăn kèm cà pháo tuyệt ngon.
Hai hàng cây sấu trên một vỉa hè của đường Phan Đình Phùng.
Nơi nhiều thế hệ học trò đã mệnh danh là con đường thơ nhất Hà Nội.
Nơi nhiều thế hệ học trò đã mệnh danh là con đường thơ nhất Hà Nội.
Chắc hẳn người Hà Nội nào xa quê cũng bồi hồi khi được người thân gửi tặng cho cân sấu chín đúng mùa. Bởi đó không chỉ là món ăn mà là cả bao nhiêu kỷ niệm được gói ghém trong món quà giản dị.
(NGUỒN VNEXPRESS)
Nghe bài hát 'Hà Nội mùa này sấu chín chưa em: