Ca khúc: Một mình
Sáng tác: Lam Phương
Ca sỹ: Thành Nguyên
“Cần có những lúc một mình để biết mình rất cần một ai đó ở bên, để nhận ra những yêu thương từ bao điều bình dị xung quanh”, cô bạn thân sau khi ghé thăm blog, thấy anh để avatar là hình ảnh động của một người ngồi chìm trong mưa bụi đã gửi cho anh ca khúc Một mình của Lam Phương, kèm lời nhắn như thế…
Và giữa căn phòng vắng của một đêm Hà Nội bình yên, anh đã để lòng mình trôi theo ca từ cùng giai điệu chậm buồn mênh mang của câu chuyện tình yêu không thành qua giọng nam trầm khắc khoải của Thành Nguyên:
Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình
Biết lời tỏ tình đã có người nghe…
Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Giai điệu trữ tình chậm buồn ấy gieo vào lòng anh một nỗi xa vắng mênh mông khôn tả… Một ngày mới bắt đầu với những tin yêu và hy vọng thắp lên từ bình minh. Lấp lánh những vạt nắng trong trẻo tinh khôi ngoài hiên cùng tiếng đập cánh bay lên đón ánh dương của bầy chim nhỏ cho lòng rộn ràng người những chờ mong, hy vọng: “Biết lời tỏ tình đã có người nghe…”
Lời tỏ tình ngập ngừng không dễ nói ra cùng người, anh âm thầm gửi vào mây trời, để rồi hình dung, mường tượng em có thể cảm nhận được chúng vào một buổi mai bình minh tràn nắng ấm…
Nhưng ở đời, cái gì không chắc chắn thì thường mơ hồ lo sợ mong manh… Và anh giật mình, giật mình khi cảm nhận được cái mong manh ấy ngay khi mới bắt đầu một bình minh:
"Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành
Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình
Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh…"
Sương mong manh và tan đi trong nắng… Trên những nhành cỏ ngọn cây, sương đang thầm thì nói lời biệt ly… Nhẹ nhàng gió, nhẹ nhàng nắng, và nhẹ nhàng sương tan… Tất cả nhẹ nhàng thế thôi, nhưng sao nghe khắc khoải đến lạ. Một chữ “lìa” đủ để lắng đọng thành phút ngậm ngùi, luyến lưu… Để rồi bất giác thấy “đời mong manh quá”, biết “kể chi chuyện mình”, khi chuyện của chúng mình lơ đãng sông trôi, miên man theo những khúc ca buồn của sóng…
Có những điều bình dị giản đơn, có trên tay – nhưng ta không hề nắm giữ, cứ mải mê chạy theo để cầm, nắm những thứ vời cao, để rồi những điều bình dị ấy lọt qua từng kẽ tay – nhẹ nhàng như gió, cho lòng mênh mang một nỗi buồn tựa vạt nắng sầu tắt ánh bình minh…
Chỉ còn lại chông chênh những mùa hoài niệm. Ta vụng về lóng ngóng hát giữa bộn bề nhớ thương:
"Ðường xưa quen lối, tình dối người mang
Tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan
Cố tìm…
Tình chồng chất ngổn ngang
Ðường xưa quen lối, tình dối người mang...
Có ai đó đã ví tình yêu cũng giống như một chiếc răng, khi mọc nó làm ta đau, khi gìn giữ nó ta phải chịu đau, khi rụng nó cũng làm ta đau… Nhưng ở đời, không ai không muốn có răng cả! Ngổn ngang trăm mối – giữa yêu thương và hờn giận, xa cách và nhớ nhung và ngập tràn nuối tiếc khi đã chia xa…
Chẳng thể trách người, chỉ biết tự trách mình “đa đoan”. Khi biết tự trách mình đa đoan, ấy là khi ta đã biết quên đi những hờn trách trong lòng, coi tất cả là một vùng kỷ niệm đẹp, vì cuộc sống vẫn tiếp diễn và ta sẽ vẫn phải bước đi…
Và bản thân cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ, dành tặng cho con người ta những cảm xúc ngỡ ngàng của một cuộc hội ngộ đến từ những vùng hoài niệm xưa cũ:
"Còn bao lâu nữa khi ta bạc đầu
Tình cờ gặp nhau. Ngỡ ngàng nhìn nhau…
Để rồi còn gì nữa cho nhau?"
Cái “tình cờ gặp nhau” cùng ánh mắt “ngỡ ngàng nhìn nhau” làm thức dậy, tràn về và lấp lánh những yêu thương như thuở nào, nhưng đã bình yên hơn khi lòng đi qua nhiều giông bão, khi dòng thời gian đã nhuộm đầy sự phôi pha trên hai mái đầu bạc và thấp thoáng trong nhau một câu hỏi bâng khuâng nuối tiếc: “Còn gì nữa cho nhau?”
Đoạn điệp khúc này cất lên, anh nghe lòng lặng đi và chùng xuống, nôn nao một điều gì khó gọi thành tên… Nhân vật trữ tình trong ca khúc của Lam Phương đang tự vấn và lạc ngay giữa những nỗi chênh vênh, mông lung xa vắng của lòng mình. Và anh cũng vậy, đôi khi cũng ngỡ ngàng tự hỏi sao ánh bình minh chưa đến và bừng sáng trong đời?
"Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình
Đường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng
Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh… "
Ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm cứ trôi đi, miên man vô định… Ta vẫn một mình lẻ bóng giữa bộn bề những nỗi lo toan của cuộc sống. Dẫu đôi lúc hình bóng xưa có thể nhạt nhòa trong nhịp đời hối hả trôi qua – nhưng vẫn luôn lẩn khuất, vương vít đâu đó, chẳng bao giờ có thể vơi tan… Bởi một lẽ niềm tin “Biết lời tỏ tình đã có người nghe” vẫn còn mơ hồ nhưng dai dẳng; và cuộc hạnh ngộ gặp lại nhau của hai mái đầu bạc vẫn còn trăn trở tự hỏi lòng “Còn gì nữa cho nhau?”…
Tất cả minh chứng cho một điều: Tình cảm xưa ta dành cho nhau là thật lòng và chân thành, dẫu qua bao sóng gió đời người, qua những phôi pha lấp vùi của thời gian thì mình vẫn còn yêu – một thứ tình giống như những giọt nước mắt long lanh mà khi lại gần ta mới nhận ra đó là giọt nước mắt của mình…
Thành Nguyên hát Một mình của Lam Phương – như hát cho chính câu chuyện tình của Nguyên, đắm mình, quyện hòa vào trong những ca từ và cảm xúc, mang đến cho người nghe một sự đồng cảm, thấy thấp thoáng hình bóng mình cùng một cuộc tình đâu đó đã qua đi…
Một mình được giới thưởng ngoạn đánh giá là ca khúc thất tình hay nhất của Lam Phương - một nhạc sĩ tài hoa và đào hoa một thời ở miền Nam. Giai điệu ấy, ngôn từ ấy vẽ lên tâm sự, niềm khắc khoải của một cuộc tình dở dang, đi từ những cảm xúc đầu tiên mong mỏi về “lời tỏ tình đã có người nghe” cho đến tận “khi ta bạc đầu”, khép lại trọn vẹn một đời người, một cuộc tình chân thành, có duyên nhưng không có phận…
Ẩn chứa trong đó là một lời nhắn nhủ dành tặng cho những đôi lứa đang yêu, hãy biết nâng niu và giữ gìn những gì mình đang có, biết thắp lên cho đời mình, cho cuộc tình những ánh bình minh ấm áp của sự đồng điệu và yêu thương chân thành dành cho nhau để không bao giờ phải nuối tiếc, tự hỏi lòng “còn gì cho nhau” khi vô tình một ngày gặp lại trên đường đời tấp nập buồn vui!