Sau khi hiệp định Paris được ký kết ngày 27/01/1973 giữa nhà cầm quyền Hà Nội, chánh thể VNCH, MTDTGPMN và Hoa Kỳ (thời đó được nói đến là một hiệp định đình chiến chờ ngày Tổng tuyển cử, bên nào : MTDTGPMN – VNCH – người đang ở đâu giữ nguyên thực trạng nơi ấy – nên còn có tên “Hiệp định da beo”, còn quân đội Mỹ phải rút quân về nước, trong đó có phần trao trả tù binh do một ủy ban liên hợp quân sự 4 bên CCCP đứng ra bàn giao cho các bên tham chiến), ngay sau đó các tù nhân Mỹ (POWs) bắt đầu được trao trả về Hoa Thịnh Đốn.
Thời đó, một trong những bức ảnh nỗi tiếng cảm động tả cảnh “coming back” của các tù nhân Mỹ là bức ảnh dưới đây (ảnh 1), chụp ngày 17/03/1973 tại một căn cứ không quân Mỹ ở California: Trung tá Robert L. Stirm bước xuống máy bay và được toàn thể gia đình anh ta chạy đến đón mừng anh trở về nhà : ngay phía trước mặt Stirm là đứa con gái lớn Lorrie 15 tuổi, phía sau là cậu con trai Robert 14 tuổi, kế đến là cô con gái út Cynthia 11 tuổi, bà vợ Loretta và sau cùng là cậu con trai Roger 12 tuổi.
Phóng viên chụp ảnh là Sal Veder, ký giả ảnh của hảng thông tấn Associated Press (AP). Bức ảnh này sau đó đã thắng giải Pulitzer prize năm 1974 với tên “Burst of Joy”.
Sau đây là tường thuật của Sal Veder hôm đó : Hồi đó tôi làm việc cho AP, và cũng vì thế tôi đã có dịp chụp ảnh trong rất nhiều sự kiện quan trọng : từ trận động đất ở Alaska năm 1964 đến thảm họa xảy ra ở các hầm mỏ than đá, từ các trận đấu quyền Anh hay những trận football cho đến những cuộc phóng phi thuyền vệ tinh vào không gian.
Có lần vệ tinh “hạ cánh” xuống mặt biển Thái Bình Dương và được tàu sân bay đến vớt lên và tôi cũng đã có mặt trên tàu sân bay đó. Toàn là những sự kiện hào hứng, thích thú: người nhiếp ảnh chờ đợi, chuẩn bị … và sau đó anh ta chỉ có vài giây để chụp lấy những khoảnh khắc “lịch sử”.
Nhưng bên cạnh những sự kiện hào hứng thích thú như tôi vừa nói, cũng có những tình cảnh bi thảm.Trong đời nhiếp ảnh tôi đã có hai lần “đụng” đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bản thân tôi chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt những cuộc giao tranh. Thời đó chiến tranh Việt Nam là một trong những đề tài “hấp dẫn” của đám ký giả chúng tôi, khoảng giữa những thập niên 70 ai cũng hăng hái nhận lệnh đi đến Việt Nam.
Tháng 3 năm 1973, tôi được lệnh bám sát căn cứ không quân Mỹ Travis trên bờ biển Thái Bình Dương, ở vùng California, vì lúc ấy hằng ngày có những chuyến máy bay chở các phi công tù nhân Mỹ được Hà Nội trao trả về cho Hoa Thịnh Đốn. Tôi là một trong hai ký giả nhiếp ảnh của AP. Máy bay lên xuống rườm rượp từ sáng đến chiều. Một trong hai đứa tôi phụ trách “phòng tối” dã chiến, còn người kia thì lo chụp ảnh. Thời đó không phải như bây giờ, phim hình chụp xong cần có phải có phòng tối làm bằng vải nhựa đen, và cần phải có rất nhiều nước và hoá chất để tráng phim và rọi ảnh.
Hôm đó “phòng tối dã chiến” được chúng tôi dựng ngay trong phòng vệ sinh của phụ nữ ở phi trường, và tôi được cắt phiên chụp ảnh. Có một khu vực tiếp tân nơi các máy bay taxi đáp xuống, ở đó các tù nhân Mỹ sẽ hội ngộ với gia đình. Các phóng viên, các ký giả nhiếp ảnh không được phép chạy lăng xăng, tất cả bọn chúng tôi được tập trung trên một khán đài gần đấy. Trên khán đài đầy nghẹt phóng viên, chừng độ đến 40 người, các ký giả nhiếp ảnh tranh nhau chụp ảnh.
Bỗng có một gia đình không biết từ đâu xuất hiện, họ bước xuống xe và chạy lao đến người quân nhân Mỹ, người tù binh POW đã ở năm năm trong trại giam của Hà Nội. Tôi liếc thấy họ, lập tức tôi quay về hướng đó và bắt đầu bấm máy ảnh lia lịa. Dù khoảnh cách rất xa giữa họ với chúng tôi, nhưng tôi cũng nhận ra những cảm xúc trên gương mặt của họ, qua những bộ điệu chạy nhảy như lao đến người quân nhân. Một cảm xúc to lớn lan truyền đến cả các đám phóng viên ký giả chúng tôi.
Trong khi những người thân trong gia đình hồ hởi lao đến thì người quân nhân, Trung tá Robert L Stirm có vẻ khắc kỷ, dáng điệu rất hình thức, thậm chí có vẻ căng thẳng, anh ta bước đến một cách đĩnh đạc, chậm chạp. Sau đó là cả gia đình đến ôm lấy anh ta.
Sáu tháng sau đó, chúng tôi mới biết là bà vợ của Trung tá Stirm trước đó đã làm đơn xin ly dị và cũng đã viết thư thông báo cho Stirm biết trước khi anh ta trở về Mỹ. Tôi không biết rõ lý do của quyết định ly dị. Tôi tự nghĩ, giá như nếu không có tin vợ xin ly dị trước đó thì chắc có lẽ Stirm sẽ có những thái độ khác hoàn toàn với thái độ hôm đó. Sau ngày hội ngộ với nhau, vài tuần sau đó hai người đã chính thức làm thủ tục xa nhau vĩnh viễn.
Hôm đó, ngoài tôi ra cũng còn có một ký giả nhiếp ảnh khác của tờ San Francisco Examiner, cũng chụp một bức ảnh tương tự, hai bức ảnh chẳng khác chi tiết bao nhiêu, nhưng sau đó người ta đã chọn tấm ảnh của tôi cho giải Pulitzer prize. Tôi xem như đó là một điều hoàn toàn do may mắn. Quả thật tôi rất bất ngờ khi hay tin tấm ảnh của tôi thắng giải, thậm chí tôi cũng đã không biết trước là AP đã đăng ký dự giải thi ảnh bằng tên của tôi.
Dĩ nhiên cuộc đời ký giả nhiếp ảnh của tôi không dừng lại ở đó. Tôi đã quay trở lại chụp ảnh với những sự kiện bình thường khác.