Nhắc đến Lam Phương, người ta thường nói nhiều đến mối tình đẹp nhưng dang dở của ông với người vợ Túy Hồng – ca sĩ, diễn viên kịch tài năng. Ít ai biết rằng ngoài cuộc hôn nhân thất bại này, nhạc sĩ còn từng trải qua nhiều lần yêu dang dở khác. Đó cũng là chất liệu để ông viết nên các ca khúc để đời, đưa tên tuổi Lam Phương vào hàng ngũ những nhạc sĩ “ăn khách” nhất thời kỳ tân nhạc Việt Nam.
Tấm chân tình với người nơi viễn xứ
Lam Phương là tác giả của những bản tình ca “buồn đến rơi nước mắt” như Phút cuối, Thao thức vì em, Chờ người, Đèn khuya, Thành phố buồn, Kiếp nghèo, Duyên kiếp, Tình bơ vơ… Nhạc của ông có sự hòa quyện sâu sắc với cuộc sống bởi Lam Phương là người đa sầu, đa cảm, dễ rung động với mọi thứ xung quanh. Một lý do khác khiến Lam Phương hay viết “nhạc thất tình” cũng là do ông thường phải chịu tổn thương, đau khổ trong chuyện yêu đương. Trong đó, đáng chú ý nhất là mối tình vô vọng của nhạc sĩ với danh ca Bạch Yến. Tuy bản thân tác giả chưa từng một lần lên tiếng thừa nhận nhưng giới trong nghề ai cũng biết nhiều những ca khúc chia ly, đau khổ mà Lam Phương viết là dành cho nữ ca sĩ này.
Theo tiết lộ của một nhạc sĩ cùng thời với nhạc sĩ “Thành phố buồn” thì từ thủa đôi mươi, khi đã nổi danh với nhạc phẩm Kiếp nghèo, Lam Phương đã vướng vào lưới tình với cô ca sĩ có cái tên rất đẹp – Bạch Yến. Không biết chuyện tình cảm của hai người đã tiến triển đến đâu, chỉ biết rằng khi Bạch Yến sang trời Tây phát triển sự nghiệp Lam Phương đã rất đau khổ.
Nhớ thương người trong mộng, mỏi mòn đợi cô trở về mỗi ngày nên nhạc sĩ đã viết nên bản Chờ người với những lời ca vô cùng da diết :
“Chờ em chờ đến bao giờ ? Mấy thu thuyền đã xa bờ / Nhiều đêm cô đơn nhìn cây trút lá / Buồn quá cơn mưa hắt hiu / Đưa hồn về trong cô liêu / Tình anh lạc chốn mê rồi / Nhớ chăng người cũng đi rồi…”.
Tuy nhiên lúc đó, ông không thể viết hết, bài hát bỏ dở. Đến khi Bạch Yến trở về, đã có người yêu nơi trời Tây, ông bẽ bàng mang bài hát bỏ dở ra viết nốt : “10 năm trời chẳng thương mình, để anh thành kẻ bạc tình…”. Theo nhiều người thì nhiều bài hát sầu bi nổi tiếng khác của Lam Phương cũng đều được lấy cảm hứng từ mối tình vô vọng với Bạch Yến.
“Chỉ còn gần em một giây phút thôi / Một giây nữa thôi là xa nhau rồi / Người theo cánh chim về vui với đời / Để lại thương nhớ cho kiếp đơn côi…” (Phút cuối). “Ngày mình yêu, anh đâu hay tình ta gian dối / Để bước phong trần tha phương, em khóc cho đời viễn xứ / Về làm chi rồi em lặng iẽ ra đi, gom góp yêu thương quê nhà, dâng hết cho người tình xa…” (Tình bơ vơ).
Nhiều người cho rằng Bạch Yến chính là mối tình đầu của Lam Phương, bởi vậỵ mà ông mới nhớ thương da diết đến vậy. Tuy nhiên có một giai thoại lại cho rằng người con gái đầu tiên làm nhạc sĩ yêu say đắm là một nữ ca sĩ tài sắc khác. Đó là Thúy Nga – vợ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sau này. Theo đó, khi mới 17 tuổi, Lam Phương đã đem lòng si mê Thúy Nga (năm đó 18 tuổi), cô ca sĩ có chất giọng lôi cuốn khiến bao nhiêu chàng trai ôm mộng tương tư. Sau đó, Hoàng Thi Thơ trở thành người thầy, người anh dẫn dắt trong con đường âm nhạc và cũng là người tình đầu tiên của Thúy Nga. Đến năm 1957, họ nên duyên vợ chồng. Nghe tin, Lam Phương đã rất đau khổ và viết một ca khúc để thể hiện nỗi lòng.
Đường hôn nhân lận đận
Trải qua nhiều cay đắng trong tình yêu, Lam Phương cũng tìm được hạnh phúc đích thực của mình. Đó chính là nữ ca sĩ, diễn viên kịch Túy Hồng. Túy Hồng có người anh trai là bạn thân của Lam Phương, những ngày thứ Bảy và Chủ nhật, nhạc sĩ thường đến nhà bạn để hòa nhạc và dạy hát cho Túy Hồng. Túy Hồng rất hâm mộ tài năng của Lam Phương và khi bắt đầu sự nghiệp ca hát cô cũng lựa chọn các ca khúc của thầy.
Sự kết hợp của đôi trai tài gái sắc thực sự mang lại hiệu ứng xuất sắc, những ca khúc như Đèn khuya, Kiếp nghèo, Kiếp ve sầu, Tiễn người đi, nhất là hai bản Chiều tàn và Phút cuối qua giọng ca Túy Hồng được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Sau một thời gian làm việc chung, hai thầy – trò cũng dần nhận ra con tim họ cũng đã thuộc về nhau. Sau khi kết hôn năm 1959, Túy Hồng đứng ra thành lập riêng một đoàn kịch – Đoàn kịch “Sống – Túy Hồng” với sự hỗ trợ đắc lực của chồng. Chính đoàn kịch này đã đưa tên tuổi của Lam Phương và Túy Hồng vào thời kỳ vàng son nhất. Đoàn kịch “Sống – Túy Hồng” có một lợi thế mà ít ban kịch nào có được, đó là đưa các bài tình ca vào các vở diễn. Tất cả những vở kịch của ban kịch “Sống – Túy Hồng” (do Túy Hồng đóng chính) đều ghép nhạc của Lam Phương vào phần ngoại cảnh, làm cho vở kịch sống động hơn, truyền cảm hơn, thu hút người xem nhiều hơn.
Ngược lại, mỗi nhạc phẩm của Lam Phương vừa ra đời đều được “giới thiệu” trong một vở kịch của Túy Hồng. Có thể nói, hai người đã cùng dìu nhau lên đỉnh vinh quang. Nhờ sự thành công của đoàn kịch, vợ chồng Lam Phương tậu nhà, sắm xe hơi, trở thành cặp đôi nghệ sĩ giàu có bậc nhất lúc bấy giờ. Cũng trong thời gian tràn trề hạnh phúc này, nhạc sĩ đã cho ra đời nhiều bài hát lạc quan, tin vào tình yêu như Ngày hạnh phúc, Em là tất cả…
Đường tình của nhạc sĩ tài hoa chỉ bằng phẳng được một thời gian rồi lại đến đoạn gập ghềnh. Đó là khi ông đưa gia đình sang Mỹ định cư. Nơi đất khách quê người không thể sống bằng việc sáng tác, để có tiền nuôi vợ con, Lam Phương phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện… Khi cuộc sống đã ổn định, mỗi dịp cuối tuần, nhạc sĩ lại cố gắng thu xếp thuê một quán ăn làm sân khấu ca nhạc kịch để bạn văn nghệ gặp nhau, để hai vợ chồng có cơ hội sống lại với nhạc kịch.
Nhưng ông không thể ngờ rằng cũng đến lúc, người vợ gắn bó bấy lâu không còn tình yêu với mình nữa. Túy Hồng muốn ly hôn, Lam Phương hụt hẫng, đau đớn nhưng cũng không biết phải làm sao để níu kéo. Ông chỉ còn cách gửi tâm sự vào âm nhạc. Và chính lúc này, tuyệt phẩm mang tên “Lầm” ra đời, với những câu từ chua xót :
“Anh đã lầm đưa em sang đây / Để đêm thường nghe tiếng thở dài / Thà cuộc đời yên trong lòng đất / Được trở về tiếng khóc ban sơ / Hơn là mang kiếp mong chờ / Anh đã lầm đưa em về đây / Cho tâm hồn tan nát từng ngày…”.
Sau khi chia tay Túy Hồng, Lam Phương còn kết hôn với hai người phụ nữ nữa nhưng đều không được lâu bền. Năm 1999, ông bị tai biến mạch máu não, liệt nửa bên người, giọng nói không được bình thường và sống một mình với chiếc xe lăn trong căn nhà hiu quạnh đến bây giờ. Cuối cùng, ca khúc Một mình như vận đúng vào số phận ông: “Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình/ Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình…”.(theo Nhung Đinh GĐ&XH)
– Những khúc tình ca để đời hay nhất của nhạc sĩ Lam Phương (0”56’)
Danh mục ; 1/. LK Tình Anh Lính Chiến -. Chiều Hành Quân (00:00) 2/. LK Thành Phố Buồn -. Buồn Không Em – Chế Linh (03:56) 3/. Giòng Lệ (09:47) 4/. Chờ Người (14:39) 5/. LK Ngày Tạm Biệt -. Đèn Khuya -. Tiễn Người Đi (19:28) 6/. Xót Xa (25:48) 7/. Vĩnh Biệt (29:59) 8/. Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi (35:02) 9/. Tình Đẹp Như Mơ (39:24) 10/. Tình Đầu (43:55) 11. Tình Bơ Vơ (48:40) 12. Niềm Tin (53:48)
Xin mời thưởng thức nhạc phẩm của nhạc sĩ Lam Phương, do ca sĩ Quang Dũng, Túy Hồng trình bày : Click vào đường dẫn sau đây :
Một Mình
Thu sầu
Kiếp nghèo