- Trong dòng nhạc xưa trước 1975 với đa dạng về chủ đề, không thiếu những ca khúc nội dung ma quái liêu trai, nhưng có lẽ sẽ không có bài hát nào có thể làm người nghe cảm thấy lạnh người, rùng rợn, một bài hát đầy mùi tử khí nghĩa trang với những âm điệu như vọng từ cõi mơ hồ, cùng tiếng rền rĩ thổn thức của một người dưới mộ. Đó chính là bài Đừng Bỏ Em Một Mình, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh.
" Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
trời lạnh quá trời lạnh quá
sao đành bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
chiều lộng gió chiều lộng gió
sao anh đành bỏ em…"
Đó là những lời như vừa nỉ non, vừa van nài của một cô gái vừa lìa trần ở tuổi còn rất trẻ. Trong một buổi chiều lộng gió, áo quan của cô được hạ ở chốn nghĩa trang buồn u uất và lạnh lẽo đến đau lòng. Bài hát với những từ “đừng bỏ em một mình” được lặp lại liên tục, tăng thêm phần ai oán, bi thương, như là đặt người nghe vào đúng bối cảnh của trời lạnh và gió thúc, nghe rõ từng lời cầu kinh đưa người về sâu đất lạnh:
"Lời nào đó lời nào đó
tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh
nhạc nào đó nhạc nào đó
nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn
Đừng lặng thinh đừng lặng thinh
với tiếng chày tiếng búa nện đinh
đừng tỏa hương đừng tỏa hương
khói hương vàng che khuất người thương"
Nơi huyệt mộ lưng chừng, nàng nghe tiếng cầu kinh mà ngỡ như lời ân tình vẫn còn đó chưa phai phôi, nghe nhạc chiêu hồn mà ngỡ như bài tình ca năm cũ. Phải chăng đó là những ảo giác cuối cùng về kiếp sống cũ mà trong tâm linh nàng còn cảm nhận được trước khi hoàn toàn lịm tắt.
Nỗi ai oán của bài hát, của cô gái trong áo quan được đẩy lên liên tục, dồn dập làm cho người nghe hoàn toàn đắm chìm trong một mê hồn trận mà nhạc sĩ cố tình giăng ra để dẫn dụ người nghe. Nằm trong quan tài, cô gái nghe thấy từng tiếng búa gõ đều đều cùng theo nhịp cầu kinh. Rồi cô muốn hét lên, nhưng bất lực vì thân xác đã bất động. Cô muốn nói rằng mình chẳng hề muốn được siêu thoát hay cứu rỗi gì đâu, nên tiếng kinh cầu hay khói hương bay kia cũng chỉ là những phù phiếm.
“Em muốn còn vất vưởng ngàn đời ở cõi trần ai này, vì nơi này còn có anh, và chỉ nơi này mới có anh, em chỉ muốn nhìn thấy anh thôi, nhưng khói hương vàng vô tri vô giác này đã khuất lấp bóng người tình rồi. Anh hãy nói một lời nào cho em bớt nỗi sợ, bớt hoang lạnh và run rẩy tâm linh, nhưng đáp lại em chỉ có tiếng chày tiếng búa nện đinh lên quan tài lạnh lẽo” – Lời nói của linh hồn thả trôi vào hư không, không một lời hồi đáp.
"Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
đường về nghĩa trang mông mênh
đừng bỏ em
Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
đường về nghĩa trang lênh đênh
đừng bỏ em…"
Rồi những rộn ràng chân bước của một đám tang cũng sẽ qua nhanh, trả lại sự thinh lặng miên man ở chốn nghĩa trang buồn, xung quanh đây chỉ còn tiếng gió rít như lời khóc than đêm về cùng những thấp thoáng bóng ma dật dờ. Khung cảnh hoang liêu với trời lạnh và gió lộng đó cũng làm sao sánh được với niềm cô đơn khắc khoải, nỗi đớn đau của cô gái khi bị bỏ lại riêng mình, bị rời xa không cách nào có thể quay lại.
Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
cùng một lũ cùng một lũ côn trùng
rỉa rúc thân hình
Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
một mồ trinh chênh vênh
chờ cỏ xanh…
Thân xác này đã từng ôm ấp linh hồn em, đã từng hiện hữu bên người, nay đành bị vứt bỏ cho lũ côn trùng rúc rỉa. Rồi thể xác trong mộ cũng sẽ không còn, linh hồn em thì đã không còn nơi trú ngụ, lạc trôi giữa chốn vô cùng, mênh mông và chênh vênh.
Một người đi vào thiên thu, nhưng người còn ở lại sẽ thì vẫn sống, với nỗi xót đau này dù có lớn dường nào thì rồi sẽ dần nguôi ngoai, nên suy cho cùng thì chỉ có người dưới mộ là thiệt thòi với nỗi cô đơn tận cùng, vì luyến lưu kiếp đời và vương vấn cõi tình dang dở nên không thể nào siêu thoát, nên đời đời kiếp kiếp vẫn là một ma nữ u buồn…
Vì vậy có một điều tích cực của bài hát này mang lại, đó là người ta sẽ thấy thêm trân quý cuộc sống của mình, sống trọn vẹn với cuộc đời, với cuộc tình, để nếu khi có ra đi thì không còn điều gì luyến tiếc.
"Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
vài ngàn đời sau nữa
vài ngàn đời sau nữa
vài ngàn đời sau nữa
ai mái tóc còn xanh"
Ai rồi cũng sẽ đi qua quãng đường đó, chỉ là sớm hay muộn, xót thương cho cô gái trẻ kia vì bước đường quá ngắn nên nỗi sầu đau cũng dài hơn. Ngàn đời sau nữa, ngàn đời sau, đâu có tóc ai mà xanh hoài, ai rồi cũng sẽ bước qua con đường này. Vì vậy lời hát cuối cùng, cũng lời kêu than cuối của cô gái tội nghiệp kia chính là lời réo gọi người tình, nài nỉ chàng xin hãy đi cùng cô để tròn lời hứa mãi mãi bên nhau như lời chót lưỡi đầu môi người đã từng hoài thề thốt. Lời kêu gào đó của cô gái cứ đeo bám theo người hoài những đêm đêm…
Bài hát này, nếu nghe lại qua giọng hát Lệ Thu, trong các bản thu âm trước 1975, có thể nghe được những lời hát chơi vơi, như thả vào thinh không. Lệ Thu dù hát Đừng Bỏ Em Một Mình vào thời mà tuổi vẫn còn trẻ, nhưng sự trải đời, sự nhập tâm vào bài hát là thực sự đáng kinh ngạc, đặc biệt là với một bài hát cần lối thể hiện khác lạ, không giống với hầu hết các bài hát khác.
- Bài hát này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ cùng tên của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Cùng với Kiếp Nào Có Yêu Nhau, thì Đừng Bỏ Em Một Mình là 1 trong 2 bài hát nổi tiếng nhất được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của người nữ thi sĩ tài hoa này.